- Sấu cốt thiên năng khi chướng lệ, lại tình cửu dĩ khiếp phong trần[1]
(Xương gầy vẫn khinh khi chướng khí, tâm tình quan chức lâu nay đã khiếp sợ gió bụi)
Tháng tư, cuộc tấn công vào thành Gia Định thất bại, hơn ba trăm quân tướng chết trận, 2400 người thương tật.
Cái tin ấy về trong những tấu sớ liên tục chuyển tới từ phía Bắc, cấp báo rằng hai đội quân do Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ thống lãnh đến Bảo Lạc cũng thiếu lương nghiêm trọng, người đồng loạt đổ bệnh trong sơn lam chướng khí cuồn cuộn của núi rừng mùa mưa lũ. Nhà vua đã phải vội vã cho chỉ rút quân trở về. Hơn hai ngàn bệnh binh ngã xuống quằn quại rên xiết ở Sơn Tây[2], hàng trăm người không thể qua khỏi chỉ trong vài tháng hành quân trên núi.
Đoàn quân ở Trấn Ninh, Trấn Tĩnh cũng vừa quay lại Kinh sau khi đuổi quân Xiêm khỏi vùng biên giới, đem theo những cỗ hòm quân binh qua đời trên trận địa này.
Ngày lễ Vạn thọ im lìm trong cả kinh thành tang tóc. Trong số người thương vong tại Gia Định có không ít tinh binh kinh kỳ, tướng lĩnh của các đội Cấm binh. Sau cái tin thất bại ở Gia Định, họ phập phồng chờ những tin báo sau đó, những tên người tử trận dần được chuyển về. Nhà vua cho lính Kinh thương tật được lên tàu trở về Phú Xuân, để những hình ảnh đau buồn càng thêm rõ ràng trong mắt họ. Những vết thương khủng khiếp còn đỏ máu, nội giám ra ngoài thành trở về thẽ thọt kể, vì đá đập, dầu rơi, thang ngã, trúng mảnh đạn pháo, giáo mác đâm, người giẫm đạp lên nhau… Họ đã tấn công vào thành từ lúc nửa đêm về sáng, và trận địa khói mù trở nên hỗn loạn quay cuồng như địa ngục. Khi trống thu quân vang lên, đoàn quân sau trước rút tản về lần lượt, họ không nhận ra có bao nhiêu xác người ở dưới chân thành. Khi được chuyển xuống tàu, những con người méo mó nồng mùi máu có kẻ vẫn còn ú ớ hét lên tiếng gọi quân, người lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng ở quê nhà.
Trong những ngày sau đó, con người vẫn lần lượt chết đi. Những cái tên người chết vẫn lần lượt chuyển về.
Cha Trần Thị Huân nguy kịch ở Gia Định, anh trai Nguyễn Thị Viên bệnh nặng tại Thái Nguyên. Hai đứa em nhỏ nhất của cô nằm trong số bệnh binh chưa rõ sống chết. Con trai của Lê Văn Đức cũng chết rồi, người vào cung báo khẽ với nhà vua. Đứa con lớn theo anh ta đến nhiệm sở không chịu được thủy thổ, chuyển về Kinh vài ngày đã chết. Hai đứa con khác mắc bệnh lây, người nhà chưa biết có nên báo với anh ta hay không.
Mùa hạ, dưới nắng trời ngùn ngụt như đổ lửa, hoàng thành bỗng chốc rơi vào cơn yên ắng ngột ngạt đến dường không thở nổi. Lúc ấy, Trương Minh Giảng lại tâu nói, quân Xiêm đang tập trung ở Phủ Lật, chuẩn bị đánh chiếm Chân Lạp. Những đội Kinh binh được lệnh trở về buộc phải ở lại Gia Định, toàn bộ tỉnh thành phía Nam lại căng mình chuẩn bị binh lương, gọi hương dõng, lính mộ. Ba vệ tinh binh cùng đàn voi tập hợp về Kinh được đưa ra thao diễn ở cánh đồng ngoài thành. Những chuyến thuyền, ngựa trạm vẫn liên tục vào ra cửa Thuận An, chở thuốc men, lễ tế, y sinh tới hai đầu đất nước. Tất cả đều diễn ra trong cái nắng bỏng gắt lặng lờ, trong sự bận rộn căng thẳng đè nén bao cảm xúc mà không ai được phép thể hiện. Những viên quan cũng như nhà vua, bận rộn với hàng trăm tấu sớ bản tâu chỉ thị từ khắp nơi, người trong nội đình phần cắn chặt răng lẩn vào những căn điện âm u bóng tối, phần vẫn phải chăm chỉ lo toan công việc trong ngoài, không dám để một sai sót nhỏ. Những cung nhân được về dự tang lễ thân nhân trở lại cung lặng lẽ như cái bóng, chỉ còn tiếng khóc văng vẳng giữa các bức tường khu viện Tây vào lúc vạn vật đã im lìm.
Giữa khung cảnh ấy, bỗng Ngọc Xuyến đến thông báo rằng Ngọc Anh đã quay về Kinh. Rồi cũng đột ngột như thế, cô công chúa bảo, mẹ cô vừa tới xin gặp cô.
“Thái hậu gọi mẹ em vào nói chuyện, rồi đưa bà ấy ra khỏi cung chứ không cho vào.” Ngọc Xuyến nhỏ giọng kể khi ngồi cạnh cô trong nhà tằm lờ mờ tối. Con dao xắt lá dâu trong tay cô ngừng lại, cô công chúa im lặng hồi lâu rồi mới nói tiếp. “Nghe bảo em trai út của em qua đời ở Sơn Tây rồi, cậu còn lại cũng nguy tới mức phải chuyển thẳng tới Hà Nội. Mẹ em muốn vào cung nhờ em xin hoàng thượng cho tất cả trở về Kinh.
“Nên Thái hậu phải giữ bà ấy lại khuyên nhủ rằng không được đâu, kẻo bà ấy vào nói chuyện với em lại gây ầm ĩ như trước.” Ngọc Xuyến bỗng đưa mắt qua cô với ánh nhìn không hiểu là gì. “Trong đợt tiến quân vừa rồi, toán quân của Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ đi vào nơi hung hiểm nhất, thì vừa nhận được lệnh lui quân, Lê Văn Đức đã cho Lê Văn Tề dẫn đội Giáo dưỡng, Hoa danh về cứu chữa nghỉ ngơi ngay. Họ vẫn ở vị trí được ưu tiên trong quân, đã là hết mức rồi.”
“Mẹ em đi xin thật sao?” Cô hỏi khẽ, tâm trí vẫn choáng váng khi nghe về cái chết của những đứa em trai. Mẹ cô chưa bao giờ yêu thích đám con cái của các cô vợ lẽ, nếu không muốn nói là thường xuyên tỏ ra căm ghét chúng.
“Nghe bảo mấy năm nay phủ nhà em vắng vẻ hẳn, nàng hầu vợ lẽ đi gần hết rồi, chỉ còn vài người ở lại. Bây giờ tranh cãi với nhau làm gì, mấy bà góa không thương nhau thì còn có ai.” Ngọc Xuyến vỗ nhẹ bàn tay cô. “Phủ đệ quan tướng thì có được mấy đời? Đến cháu của Hoài quốc công là Võ Mỹ kia được ban cưới hoàng nữ mà gia cảnh trong nhà chẳng còn gì, hoàng thượng vừa phải cấp cho thêm. Mẹ em trước khi về còn xin người nhắn rằng bà ấy muốn gặp em hỏi thăm, bấy lâu nay chỉ có Miên Liêu tới nhà ngoại chăm lo, bà ấy cũng nhớ con gái lắm.”
Ngọc Xuyến nói như thăm dò, cô cúi đầu bằm nốt lá dâu trên thớt. Mẹ cô lại muốn gì, cô vừa tự hỏi mình, vừa không muốn trả lời câu hỏi ấy. Có thể mẹ cô đã thực sự thay đổi, trở thành một người chủ gia đình đầy trách nhiệm, nhưng càng vì thế thì cô lại càng sợ phải gặp bà.
Chiến trường biên giới phương Bắc hung hiểm hơn cô đã tưởng. Đúng ra, mọi chiến trường đều như thế, Lê Hậu đã bệnh đến chết ở Nghệ An cũng chỉ trong vài ngày mùa hạ. Đoàn quân theo Trương Minh Giảng tiến tới Biển Hồ đánh nhau giữa rừng thẳm chất ngất. Ngay cả nhóm quân ở Gia Định cũng có thể chết bất cứ lúc nào vì phục kích trong thành tấn công ra. Lập nghiệp bằng chiến trận, chính là dùng sinh mạng để vật lộn với cả đất trời, là kẻ còn trụ được trên hàng thành trì sông núi máu xương. Cô đã không lường được tới con số thương vong hiện tại, càng không biết phải trả lời mẹ cô như thế nào.
“Bây giờ còn làm gì được nữa?” Cô bất giác thốt khẽ, không nhận ra mình đã nói đến khi Ngọc Xuyến trả lời.
“Vẫn có thể chuyển họ đến vị trí an toàn hơn. Như Hồ Văn Lưu đóng ở Hà Nội mãi, trong khi Phó Vệ úy vệ Cường võ của anh ta phải đi khắp nơi.” Ngọc Xuyến vò lá dâu trong rổ, giọng nói không biết muốn biểu lộ điều gì. “Năm ngoái thành Cao Bằng bị vây, mấy toán Kinh binh được phái tới Bắc Ninh đóng giữ. Hồ Văn Lưu đi theo Phó Lãnh binh Hải Dương làm mũi tiên phong lên Lạng Sơn mà không đợi lệnh hoàng thượng, toàn bộ quan tướng của Bắc Ninh bị trách mắng cả. May mà đoàn quân ấy thắng, mở đầu cho đại binh tiến lên không gặp trở ngại. Nhưng vừa chiếm được Lạng Sơn, Cao Bằng, thì hoàng thượng đã lệnh cho vệ Cường võ rút về Hà Nội. Đánh giữ với vài toán cướp trong vùng vẫn dễ dàng hơn.”
“Bọn họ vốn là không ai so được.” Cô cười khan trong cổ. Không chỉ Hồ Văn Lưu, mà trong ngày nghe tin binh Xiêm kéo tới, nhà vua cũng đổi Hồ Văn Thập tới Trấn Hải đài thay vì phải theo vệ quân đến Nam Kỳ. Người được đổi cho anh ta chính là cha của Trần Thị Huân, người vừa bị thương nặng ở thành Gia Định. Trần Thị Huân đã sinh cho ngài ta hơn mười đứa con, tưởng đâu là vị cung nhân được sủng ái nhất của hoàng thành, cũng chẳng giúp được cha mình ‘có vị trí an toàn hơn’ theo lời Ngọc Xuyến.
Sau hàng loạt cái chết của quan tướng, nhà vua đã phải khẩn cấp thăng tuyển thêm các quản vệ cho quân đội khắp nơi. Những viên tướng, đội quân tích cực nhất thay nhau qua đời ngay sau khi lập được công lao. Đến các đội vệ binh vốn chỉ dành để bảo vệ phủ đệ hoàng tử, thân công cũng bị bắt phải ra trận. Em trai Hiền tần Ngô Thị Chính vẫn phải lăn lộn trong núi rừng Gia Định, Chân Lạp. Anh trai Nguyễn Thị Viên, con trai của Đô Thống chế công thần nhất phẩm, cũng bệnh nặng đến hôn mê ở Thái Nguyên, nào có ai thoát khỏi.
Nhưng nhà vua có thể bãi bỏ việc thắp đèn ở đàn Xã Tắc, Nam Giao, cổng Ngọ Môn, cung đình, mà nhất quyết giữ nguyên lệ của các đền thờ trung tự trở xuống. Ngài ta hoàn toàn không hề nhượng bộ một mảy may, hoàn toàn bất chấp không lý đến cả thế gian trong những việc như thế này.
“Em không xin được à?” Ngọc Xuyến bỗng hỏi. Cô ngước mắt nhìn lên, đến lượt cô có vẻ như vừa hiểu vừa không hiểu ý của người trước mặt.
Chẳng đợi Ngọc Xuyến tỏ ý thắc mắc, tiếng rì rầm đã bắt đầu ngay khi các em cô lên đường tới Bắc Kỳ, cùng với cháu của Tả quân là Lê Văn Tề và một số quan tướng bị tội đi hiệu lực khác. Nhưng Lê Văn Tề vốn mang chức Vệ úy, lại là con của cố Phó Tổng trấn Bắc Thành Lê Văn Phong, người mà nhà vua luôn khen ngợi quý mến thật lòng vì tính khiêm cung khác hẳn anh trai. Nhưng các quan tướng bị phái đi là vì nghĩa vụ họ phải mang, những cái tội mà họ phải chuộc lỗi. Còn các em cô, lý do gì lại được cho cơ hội vào quân đội trong tình thế hiện tại? Họ hỏi nhau, truy tìm nguyên do, rồi cuối cùng chỉ vào cô. Có thể ngay cả mẹ cô cũng nghĩ thế khi vào cung xin gặp.
“Không được.” Cô nhạt nhẽo đáp. Vì dù lý do gì, thì nhà vua vốn chẳng ưa thích chuyện van xin năn nỉ. Ngài ta đã gia ân hết mức có thể với người nhà cô, cố gắng lợi dụng thêm là quá đáng, chẳng biết nhà vua sẽ phản ứng ra sao với tính cách vui giận thất thường ấy. Đặc biệt là trong lúc này, ngài ta hẳn đang bức bối căng thẳng hơn ai hết.
Hai người bọn cô im lặng trong căn phòng đóng kín. Xắt xong rổ lá dâu thả xuống cho đàn tằm, cô xếp dao thớt vào trong góc. Rời khỏi cung Từ Thọ, họ đi dưới bóng trúc dọc bờ hồ. Bỗng dưng cô nhớ tới nhiều năm trước, Ngọc Anh dẫn cô vào vườn Đông vừa được xây sửa. Hay nhiều năm trước nữa, ngôi phủ nhỏ bé nằm trong góc hoàng thành rập rờn màu trúc phượng hoàng quây thành một miền tiên cảnh lặng yên. Nỗi nhớ khiến cô đau xót trong ý nghĩ về những đứa em trai nơi tử địa.
“Chị có nhớ về ‘anh hùng’ không?” Cô bỗng lên tiếng. “Ngày xưa các chị hay nói muốn gả cho những anh hùng.”
Cô lại chợt lặng đi như không biết nói điều gì tiếp theo. Ngọc Xuyến dừng chân dưới mái hiên thủy đình, ngước nhìn bầu trời trên tường thành.
“Năm ấy, chỉ có Ngọc Anh hạ giá với hai chị lớn, em biết vì sao không?” Cô ấy cũng lại nói một điều hầu như chẳng liên quan, rồi cười. “Trương Phúc Đặng là con cháu dòng dõi công thần Trương Phúc Phấn, theo cha vào Gia Định, ngày ấy là Đội trưởng đội nhất Thuộc nội. Em chưa từng hỏi tại sao chỉ một Vệ úy Thị trung mà lại được gả công chúa cho à, trong khi anh ta cũng lớn tuổi rồi? Trương Phúc Đặng chính là người nhìn Ngọc Anh lớn lên đấy.
“Chúng ta hay bảo muốn gả cho anh hùng, Ngọc Anh thì chẳng bao giờ nói thế. Nhưng Trương Phúc Đặng cũng muốn làm anh hùng.” Ngọc Xuyến khẽ khàng nói trong tiếng thở dài. “Còn chúng ta đợi, đợi mãi, dầu anh hùng không thiếu, cũng chẳng có ai mình muốn cả.”
Đã đến cổng thành, Ngọc Xuyến bước qua cầu mà không quay lại chào cô. Cô nhìn người hầu gái vội chạy tới đỡ công chúa, nhìn bước chân Ngọc Xuyến trượt đi trên nền đá, nhìn những sợi tóc bạc sáng rõ dưới nắng trời. Trong lòng cô lại thầm tự hỏi, năm ấy còn có bao nhiêu việc mà cô không hề hay biết? Những con người nơi này che giấu tầng tầng lớp lớp bí mật, để bản thân trở thành những mộ địa ký ức chôn vùi trong tháng năm.
Trương Phúc Đặng năm ấy chỉ là một Vệ úy mà được gọi gả công chúa, đổi lại là cha anh ta, cũng là một công thần Vọng Các dòng dõi Trương Phúc đường đường, không có tên trong tất cả đền thờ. Giống như Hồ Văn Bôi. Trương Phúc Đặng lao lên, tìm mọi cách để lấy công danh, lập chiến tích – và chết đi trong nỗi oán hận không thể thốt thành lời. Vì ta, Ngọc Anh nói, vì ta là công chúa. Tình yêu ấy, cái giá phải trả của nó nào ai đong đếm được. Anh hùng, danh xưng tưởng chừng trống rỗng ấy, nào có giản đơn như cô nghĩ.
Cô thẫn thờ trở về cung thành. Đi ngang qua khoảng ruộng nhỏ, cô chợt thấy vài nội giám cùng cung nữ ngồi bên bờ ruộng nghiêng ngó. Hạ được cô giao nhiệm vụ trông coi thì đứng dưới tán cây gần đó, cũng tò mò nhìn họ.
“Đang làm gì thế?” Nhận ra người hầu của viện Thuận Huy, cô liền đến hỏi Hạ. Cô cung nữ quay lại, hơi trề môi.
“Họ đang tìm bông lúa sinh đôi. Đầu tháng rồi có người tìm được bông kê sinh đôi dâng cho hoàng thượng, nên giờ hoàng cung tản đi tìm hoa quả tịnh đế hết cả.” Hạ vừa với cái ô bên cạnh che cho cô, vừa thì thầm kể. “Hôm trước hoàng Cả đến hầu ngài ngự ở lầu Vô hạn ý, tình cờ nhìn thấy một cành sen nở ra ba hoa trong hồ sau. Mọi người đều mừng bảo đây là điềm tốt lành. Tuy ngài ngự nói rằng hoa cỏ không đáng được coi là điềm lành, nhưng thời tiết tốt đẹp mới sinh ra được hoa tịnh đế, có thể xem như điềm báo được mùa. Ngài ngự còn cho hái cành sen ấy để ở điện Cao Minh Trung Chính, chuẩn bị sẵn cả hộp kính pha lê để cất giữ hoa sau khi khô[3]. Các bà cũng nói nên tìm thêm nhiều hơn để ngài vui.”
“Cái gì có quá nhiều thì thành điềm lành sao được?” Cô nói, quay trở vào thành. Hạ đi theo cô, chỉ tay về phía điện Cao Minh Trung Chính.
“Hoa tịnh đế không phải hiếm, nhưng sen ba hoa ít có thật mà. Bà có muốn xem thử không?” Giọng cô cung nữ mang vẻ tò mò háo hức khiến cô cũng không nỡ từ chối.
Họ đi thẳng từ cổng tới khoảng sân dưới lầu Minh Viễn, vòng ra trước điện Cao Minh. Điện này vốn tên cũ là Khôn Nguyên, nơi triều hội của hoàng hậu. Nhà vua hiện tại chuyển thành điện Cao Minh Trung Chính chuyên giữ vật báu và giấy tờ quan trọng của ngài ta, cung nữ nội giám bình thường không thể đi vào. Cô cũng chỉ đứng trước cửa điện, nhìn vào thấy cành hoa sen cắm trong bình ngọc để trên bàn ngay giữa chính điện, phía sau là cái hộp bằng pha lê trong suốt đã lót sẵn tấm lụa vàng và bộ đèn nhỏ bằng vàng vẫn được thắp sáng giữa ban ngày.
“Ba bông hoa thật đấy!” Hạ trầm trồ nói nhỏ. Cô nheo mắt ngắm cành hoa, rồi bỗng nhìn quanh ngôi điện. Cũng như cung Khôn Đức thường xuyên khóa cửa ở vườn Đông, ngôi điện này không được tu sửa, vẫn giữ nguyên hầu hết dáng hình từ ngày Cao Hoàng hậu còn sống. Khi nó được chuyển thành điện Cao Minh Trung Chính, đã có lời thắc mắc thì thào: chẳng lẽ nhà vua không định để điện cho hoàng hậu?
Ngôi điện này đã từng đặt quan tài, thần chủ của Cao Hoàng hậu cho các buổi tế lễ trong suốt tang kỳ. Hiện tại án thờ đã được dời sang điện Phụng Tiên, điện Cao Minh trông đầy vẻ hoang lương lạnh lẽo dù thỉnh thoảng vẫn được dùng vào các buổi triều kiến. Cảnh tượng cành hoa trong điện trống chập chờn ánh nến bất chợt làm cô rùng mình.
Tháng năm, cành hoa này sinh ra trong hồ Hải Tĩnh, do chính Miên Tông nhìn thấy, và nhà vua đem nó về điện Cao Minh – hay gọi đúng hơn, là Khôn Nguyên. Ngài ta vẫn nói rằng không tin điềm báo của trời, nhưng lại cất giữ cành hoa này như báu vật.
Cả hoàng cung đổ dồn đi tìm hoa tịnh đế, để có thể cho nhà vua chút niềm vui và hy vọng trong lúc đen tối này. Thời tiết năm nay thật thuận hòa, đó là niềm an ủi duy nhất của ngài ta hiện tại. Hoặc là, họ cũng muốn tìm ra một thứ quý giá hơn cành hoa này. Họ vốn chẳng hiểu rằng những điềm báo mà nhà vua nói hầu như chẳng bao giờ đúng, ngài ta vốn chỉ xảo biện để tự an ủi mình, hoặc để lừa người. Ngài ta cãi bỏ Khâm Thiên giám lẫn cả trời, và coi như chẳng hề thấy kết quả luôn là ngược lại. Thái độ ấy ngấm ngầm gây khó chịu không biết bao nhiêu mà kể cho những viên quan trong ngoài. Rồi cô nghĩ, ngài ta vốn không tin trời, chỉ tin vào bông hoa nở trong hồ nước mùa hạ, nơi xưa.
Nén tiếng thở dài trong ngực, cô quay người rời khỏi điện Cao Minh. Trở về nơi ở, cô soạn ra hai tấm lụa, một ít hương và bạc vụn, bảo Đông tìm nữ quan đưa sang phủ nhà cô. Xác hai người em cô hẳn vẫn chưa được chuyển về, triều đình chưa cấp tiền tuất.
“Bà có thể sang xin Thái hậu một ít thuốc quý, hay nhờ người ra phố mua cũng được, rồi chuyển cho các cậu.” Đông nghe chuyện nhà cô bèn nói. “Dù triều đình phát thuốc thì cho từng ấy con người sao có thể chu toàn? Chuẩn bị sẵn thuốc để có sức khỏe tốt trước khi vào rừng vẫn hơn.”
“Bây giờ chỗ Thái hậu không ai chen chân vào được.” Cô nhàn nhạt đáp. “Cũng chẳng có ai để nhờ chuyển thứ gì được đâu.”
Trong tình thế hiện tại, sẽ chẳng một ai dám liên quan đến nhà cô. Người đã đi bớt sau khi cha cô mất, chẳng còn mấy ai sau khi Lê Hậu qua đời, giờ hẳn càng tránh xa. Mẹ cô vốn chẳng còn ai có thể nhờ cậy trong kinh thành này nên mới tìm đến cô. Dù có thể sai đứa hầu trong nhà đem thư từ tới Sơn Tây, cũng chẳng biết các em cô bị quản thúc thế nào trong quân đội. Tai vách mạch rừng, chẳng may chuyển đến vài món đồ không hợp thức, em cô lại phải chịu phạt. Cứ để mẹ cô tự xoay xở, người khờ khạo khắc có cách của khờ khạo, cô tốt nhất không nên liên quan tới.
Sự ưu ái của nhà vua với em trai Hồ Thị Hoa thì chẳng ai còn lấy làm lạ, nhưng cô ấy đã qua đời, đã trở thành một nỗi ám ảnh đương nhiên trong hoàng thành này. Còn hiện tại, ở Sơn Tây, trong ngàn tiếng rên xiết than van, trong nỗi đau đớn oán hận ngập tràn, sẽ chẳng lưu bất cứ sự khoan dung nào. Đầu năm nay, Bố chính Tuyên Quang Trần Ngọc Lâm đã dâng tập tâu nói: “Dân châu Bảo Lạc bị giặc Vân sai khiến. Trước đây đã có lời dụ rõ ràng cho chúng đầu thú khỏi tội, thế mà chúng không biết hối cải, lại còn dám tập họp nhau bách bức quấy nhiễu đồn Ninh Biên. Bướng bỉnh mê muội như thế, tưởng giết sạch đi cũng không phải là thảm. Vậy xin sắc sai quan quân bắt giết thực mạnh để trừ tiệt hết mầm rễ những loài cỏ xấu”. Nhà vua đã nổi cơn lôi đình sau khi đọc tờ tâu, giáng Trần Ngọc Lâm xuống hai cấp không cho một lời chống chế giải thích. Nhưng bây giờ, chính những câu nói bị ngài ta đọc lên trong triều đường để mắng mỏ được nhắc lại, cả bí mật lẫn công khai, từ chính điện đến nội đình.
Chỉ hơn một năm, cả vạn người thương vong trong các trận chiến trải dài khắp đất nước. Gia Định trù phú tan hoang vỡ nát, hai phủ mới lập Trấn Ninh, Trấn Tĩnh tan tác hầu như chẳng còn ai, loạn lạc đang lan xuống tận Sơn Tây, Bắc Ninh, Hà Nội. ‘Thổ ty và thổ dân kia trước giờ đóng góp thuế khóa, vẫn là con đỏ của triều đình. Trước đây chúng theo giặc là do tên Vân dụ dỗ, có phải là bản tâm của chúng đâu’[4], những lời nói ấy của nhà vua hẳn đến chính ngài ta cũng chẳng còn tin được. Dân châu Bảo Lạc lại theo Nguyễn Hựu Cận, Nguyễn Hựu Huyền, Nông Văn Hoành cùng bọn chủ mỏ khoáng người nhà Thanh Trương Xương Xí chiếm lại đồn Ninh Biên, cắt lìa các con đường qua lại khiến lương thực không thể vận chuyển. Dân trong vùng cất giấu tất cả lương không bán cho quân, phần nào không vận chuyển đi được thì chúng đốt hết, tờ tâu khẩn từ chiến trường báo lại. Những con đường cắm đầy chông tre, những vết thương ăn mòn da thịt của đoàn quân bị tách rời hoàn toàn giữa núi rừng đẩy họ quay ngược trở về.
Ngài ta chẳng hiểu gì cả, như vẫn luôn chẳng hiểu gì, như ngài ta vẫn nhắc đi nhắc lại: Tại sao thổ dân lại làm phản? Nhà vua lẫn triều đình không hề can thiệp đến cuộc sống của họ, thậm chí dù quan lại địa phương có sai thì việc xử trị trực tiếp vẫn do thổ ty châu huyện quản. Các thổ ty vẫn là chức thế tập đời đời, giàu có sung túc, chẳng phải là bình dân để chịu ức hiếp. Thổ dân đều đánh thuế nhẹ, lực dịch công tác không bắt làm, chỉ cần phát rừng làm nương trồng ngô lúa, đều có bồ cót chứa lương, chỗ ở yên ổn, có đến nỗi cùng khổ đâu mà theo giặc cướp cái ăn? Thổ dân khổ gì mà đem nhau theo giặc, thật ngoài tình lý![5]
Ngài ta vẫn hỏi mãi điều ấy kể cả khi cuộc chiến đã kết thúc. Ta làm sai điều gì? Ngài ta hỏi đi hỏi lại trong những cơn sóng dữ, đến mức người chẳng còn biết ngài ta nói thật hay đang giả vờ. Còn cô thì vẫn bảo, Nguyễn Phúc Kiểu vốn từ đầu đã chẳng thể nào hiểu nổi nhân gian. Dù bao nhiêu năm tháng đi qua, cái phần bản chất ấy vẫn như thế, càng chịu nhiều xung đột va chạm thì ngày càng trở nên ngơ ngác lạc loài, càng thấy nhiều hiểu rõ thì lại càng không thể thấu suốt nổi.
Ngài ta luôn làm sai, với thứ đạo đức luân lý của mình. Ngay khi dân châu Bảo Lạc tấn công đồn Ninh Biên, Bố chính Trần Ngọc Lâm đã có lời khuyên xác đáng nhất, giờ đây người người nói. Mỗi một lần hy vọng vào con người, ngài ta sẽ nhận lại ngay thất vọng. Mỗi một lần tin tưởng, ngài ta lại sai lầm.
Chẳng ai còn có thể dựa dẫm vào nhà vua, cô thầm nghĩ khi gói lại những món đồ chuyển về cho mẹ. Rồi đến lúc, sẽ đến lúc, toàn bộ những sai lầm này của ngài ta phải chịu phán xét và kết tội. Tình yêu, niềm tin, hy vọng của ngài ta, tất cả đều là tội lỗi và sai lầm.
Chú thích:
[1] Xuân nhật bệnh khởi của Hà Tông Quyền
[2] Theo Khâm định tiễu bình lưỡng kỳ nghịch phỉ, Lê Văn Đức báo cáo rằng trong quân của mình có đến hơn ngàn bệnh binh, Nguyễn Công Trứ cũng báo số bệnh binh của quân mình “tương tự như quân Lê Văn Đức”.
[3] Thực lục, tháng 5 năm 1834: Vua ra coi chầu, sai mang bông kê ra cho bầy tôi xem và bảo rằng: Kê là một giống rất dễ trồng. Trẫm cho trồng ở khu trong cung, thấy có một bông sinh đôi, nhân lại nhớ đến cổ nhân cho lúa có bông sinh đôi là điềm lành. Kê không phải là lúa nhưng cũng là một loài ngũ cốc thì chắc cũng là điềm được mùa. Với lại, ở ao sen trong cung nhiều hoa tịnh đế và cây cối cũng có quả sinh đôi. Vì khí tiết ôn hòa đầy đủ thì loài vật khỏe mạnh tốt tươi, cho nên hễ năm được mùa to, tất có cỏ hoa kỳ lạ báo điềm trước”.
Sau Thiệu Trị kể thêm về việc này rằng hôm đó chính mình đi theo, được bảo rằng hoa cỏ không đáng kể là điềm, nhưng cành hoa ấy được hái rồi phơi khô, để ở điện Cao Minh Trung Chính.
[4] Thực lục, tháng 2 năm 1834.
[5] Trích lời đề của Minh Mạng trong Khâm định tiễu bình lưỡng kỳ nghịch phỉ.