Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

92. Ngẫu phan quế thụ hoài cao sĩ
Trường An in "Minh nguyệt 3" September 14th, 2019
  1. Ngẫu phan quế thụ hoài cao sĩ, vi khấu sài phi phỏng hữu sinh[1]
    (Nhớ người cao sĩ vin cành quế, thân bằng tìm đến gõ lều tranh)

 

Hình ảnh cuối cùng về Bạch Xuân Nguyên bỗng dưng xuất hiện trước mắt cô, trong hình dáng của con trai anh ta, Bạch Xuân Khản.

Cậu thanh niên gầy gò chừng chỉ vừa qua niên thiếu, đầu cúi gằm quỳ trong điện Võ Hiển thoạt đầu chỉ làm cô thấy lạ vì bộ quần áo vải thô đã có vài chỗ sờn, nhìn kỹ thì hai cổ tay lẫn bàn tay cậu ta đều hơi sưng đỏ. Chu Phúc Năng đứng sau lưng cậu ta, gương mặt cũng có vẻ nghiêm trang là lạ, nhìn nhà vua lật giở tập tâu rồi ném nó xuống trước mặt cậu thanh niên.

“Ngươi cung khai rằng sau khi cha ngươi Bạch Xuân Nguyên bị bắt, ngươi được tên Lê Bá Minh giấu đi, rồi theo hắn ta đóng ở cổng Gia Định?” Đứng ở điện sau, cô không nhìn được gương mặt nhà vua, chỉ hơi giật mình với giọng nói của ngài ta lẫn điều ngài ta đang nói. Ngừng một thoáng, nhà vua nhẹ giọng hơn. “Vậy thì, lúc cha ngươi bị lôi đến mộ Lê Văn Duyệt hành hình, ngươi ở đâu? Khi giặc Khôi chia quân làm hai để vừa đánh giữ Biên Hòa vừa lấn chiếm lục tỉnh, ngươi làm gì? Khi chúng bị Thái Công Triều đánh tan nhao nhác ở Định Tường, ngươi làm gì? Thậm chí cả nửa năm thành bị vây, bao nhiêu kẻ trốn ra, tại sao lúc này mới thấy ngươi?”

“Con… con không dám trốn.” Bạch Xuân Khản run giọng trả lời, nhưng cô nghe như thể cậu ta đã chuẩn bị sẵn lời đáp hàng ngàn lần trong tâm trí. “Các tướng quân đến đánh Phiên An cũng biết, bọn người Thanh vây trong ngoài thành, ở sông ngoài các cổng thành cũng đầy thuyền chiến. Lê Văn Khôi ngay sau khi chiếm thành đã tập trung toàn bộ lúa gạo kinh tài vào trong thành, rồi đóng cửa, chỉ để một cửa duy nhất cho quân hắn ra vào. Bọn người Thanh bị quan quân đánh tan ở phố Sài Côn chạy vào trong thành, lấy đá ong lấp cửa lại. Những kẻ trốn ra cũng là các toán quân nhỏ ngấm ngầm hợp nhau bày mưu đánh lạc hướng kẻ canh phòng, nắm được lịch canh gác. Con là kẻ bé mọn không thân thích, chỉ đành làm đứa hầu cho Lê Bá Minh. Lần này là Lê Văn Khôi chết, Nguyễn Văn Chắm đổ bệnh, trong thành xáo trộn nhao nhác, con mới chạy theo một toán người trốn được.”

“Ồ, thế ở đó không ai biết mặt ngươi à?” Nhà vua gõ ngón tay xuống sập, cô còn nghe như ngài ta đang cười. “Bạch Xuân Nguyên bị tố hoành hành đe dọa khắp cả Phiên An, chẳng lẽ không ai chú ý đến ngươi? Lê Bá Minh trước là quan chức triều đình, giờ đang là ngụy Tả quân của nhóm giặc ấy, ngươi ở đâu cạnh hắn ta mà bình yên vô sự?”

“Chúng… chúng cũng sỉ nhục, bắt nạt con.” Bạch Xuân Khản lí nhí nói. Khoảng yên lặng chợt tràn vào phòng, Chu Phúc Năng cũng khoanh tay cúi đầu không dám nhìn lên nhà vua.

“Vậy là Lê Bá Minh nào có che giấu cứu sống ngươi. Chẳng qua, là ngươi tự nguyện đi theo bọn chúng. Cả hai cha con bị bắt, Bạch Xuân Nguyên bị đem đi hành hình, còn ngươi thì lạy lục van xin chúng tha mạng, nên chúng để cái mạng ngươi lại làm trò tiêu khiển. Để sỉ nhục cha ngươi.” Giọng nhà vua đều đều lạnh lẽo khi ngài ta hơi nghiêng người tới. “Ngươi sống bằng cách cúi đầu làm trò cho chúng vui lòng hả dạ, hay tệ hại hơn, đi theo chúng? Kẻ tố cáo nơi trốn của Bạch Xuân Nguyên là ai? Tại sao một tên trọng phạm như Lê Bá Minh lại thu nhận ngươi? Ngươi ở trong thành Gia Định cho tới lúc này, chẳng qua là trông ngóng cơ hội y như bọn phản thần tặc tử kia. Chờ Xiêm đánh vào giải vây rồi chiếm cả Nam Kỳ, lúc ấy ngươi lại trở thành kẻ công thần bán cả cha cho bọn chúng. Chẳng may Xiêm bị đánh lui, Lê Văn Khôi chết, Nguyễn Văn Chắm đổ bệnh, ngươi thấy hết cơ hội rồi, vậy là lại mang cái danh con Bạch Xuân Nguyên chạy ra đây xin chúng ta thương xót, lại bán đứng những kẻ mà ngươi vừa thơn thớt ‘cứu sống con’.”

“Không, không phải…” Bạch Xuân Khản sợ hãi lắp bắp. Cậu ta bỗng nhiên bật khóc. “Con nào có nghĩ được như thế, con chỉ muốn sống thôi. Ngay cả Lê Bá Minh ấy ở trong thành, bị bức bách đi theo bọn Khôi, rồi không làm gì được. Quan tướng nào dù ra hàng hay bị bắt giữ cũng đều phải chết, đều bị lăng trì, chém đầu ném xác. Ông ấy còn biết làm gì bây giờ?”

“Chết đi, nếu không chết được thì bày mưu tính kế hạ thành mà lấy quân công. Kẻ làm quan chính là phải đặt vua cha cùng nghĩa vụ lên trên hết, sống là sống thế nào? Chẳng lẽ các ngươi nghĩ làm quan là tha hồ nhận lấy vinh hoa, ăn trên ngồi trốc, đến khi đất nước lâm nguy thì co vòi đầu hàng giặc để mặc chúng làm gì thì làm, tới lúc thua trận thì lại khóc lóc đòi sống? Cái loại quan tướng như thế, ta nhận về để chúng bán cả vua cả nước đi à?” Giọng nhà vua chợt trầm xuống. “Cái loại con không biết liêm sỉ thờ giặc đạp lên thân xác cha mình, ngay cả làm người cũng không xứng.”

“Cha?...” Bạch Xuân Khản bỗng run rẩy dữ dội khi cậu ta chống tay sụp xuống sàn. “Ông ấy cho tôi được cái gì, cho ngay cả mẹ ông ấy được cái gì? Lúc nào cũng ‘sự nghiệp’, ‘thanh danh’, trong khi tôi bị cả đám người cười chê nhục nhã vì không có áo mà mặc. Bà tôi bệnh chết mà chẳng có thuốc. Rồi ông ấy bảo, phải đi sang Xiêm, có thể không về nữa. Mấy trăm quan tiền thưởng, ông ấy lấy làm lộ phí đi đường, đi khắp mọi nơi. Ông ấy chăm chỉ nhất cái Hình tào, nhưng không dạy tôi học được một chữ. Bao nhiêu thanh danh ông ấy hưởng, tôi có được cái gì? Tại sao tôi phải vì ông ấy, vì sự điên khùng của ông ấy, ân oán riêng của ông ấy mà chết nữa?”

“Không phải vì Bạch Xuân Nguyên, mà vì chính ngươi.” Nhà vua vẫn như dửng dưng mà nói. “Khản, là đứng thẳng lưng lên mà sống. Dù cha ngươi là một kẻ điên khùng rồ dại hay tham tàn ngang ngược như đám người kia mách tội, cũng chưa bao giờ cúi đầu.

“Mà hẳn là ngươi không hiểu đâu.” Nghiêng người tựa tay lên chiếc gối, nhà vua không biết là cười hay thở dài. “Những kẻ buôn vua bán chúa, cơ hội thủ đoạn, gian manh ti tiện, ta cũng thấy nhiều rồi. Ban đầu hầu hết chúng tự coi mình là kẻ yếu đuối khiếp nhược phải thế này thế kia để sống, sau đó thì thứ gì chúng cũng dám làm cả. Những kẻ thấp kém thiệt thòi, nên thứ gì cũng dám làm cả.”

“Thế thì sai sao?” Giọng Bạch Xuân Khản bỗng nhiên ráo hoảnh khi cậu ta ngẩng đầu lên, mắt đỏ ngầu. “Ngài xem cái đền thờ Trung Hưng công thần của mình thờ bao nhiêu kẻ buôn vua bán chúa, phản bội lật lọng, thấy chủ mới thì vẫy đuôi theo hàng? Thậm chí kẻ đi cầu Xiêm binh vào giết chóc đốt phá Nam Kỳ còn chả ngồi trên, là anh hùng Gia Định? Hay các người tự cho rằng mình mặc nhiên là đấng con trời nên làm gì cũng đúng, chỉ cần nhắm mắt theo là phải, các người làm thì được kẻ khác thì không? Các người thì làm gì cũng đúng! Ngài sai lính đi xây vườn trồng hoa cho đến đủ trò linh tinh của mình thì được, kẻ khác thì không. Ngài sống trên nhung lụa bốn phương cống nạp, lấy tiền nhà nước sai dân đi đẵn cây lấy đá thì được, kẻ khác đụng đến tiền công thì không! Số lương tiền phát cho anh em con cháu ngài mỗi năm còn hơn cả kho chứa Bắc Kỳ. Con trời? Thế mà từ khi ngài lên ngôi xem trời đã chuyển thành thế nào rồi!”

“Hỗn xược!” Chu Phúc Năng đứng ở sau quát khẽ, đạp Bạch Xuân Khản ngã dúi xuống sàn. Cậu thanh niên dường đã mất hoàn toàn khống chế, đấm xuống sàn gỗ mà khàn khàn gào.

“Chúng ta chỉ làm giống như các người ngày ấy! Quật mồ họ Lê lên đẩy vào tay họ Trịnh cũng là các người, giữ đất chiếm đất cũng là các người! Ta làm sai cái gì?”

“Ngươi tự nói như thế thì hẳn đã biết làm sai cái gì rồi.” Nhà vua cúi nhìn cái nhẫn kim cương trên tay ngài ta, vẫn lạnh nhạt nói. “Ta đã trả lời cho ngươi rằng, làm quan mà chỉ nghĩ đến lúc sống, không nghĩ tới lúc chết thì cứ chết ngay đi, kể lể đáng thương không ai nghe đâu. Bọn người làm loạn chỉ vì vinh hoa phú quý, nhưng chẳng có khả năng để làm gì, thứ gì cũng muốn nhưng chỉ nghĩ cách cướp đoạt tranh giành một cách ngu ngốc, thua lại đổ lỗi cho trời, không dám chết cũng chẳng dám sống, thật là một đám rác rưởi.

“Các ngươi thì có thể tham lam thù hận, ngu si cuồng dại, nhưng lại bắt ta phải làm một ông thánh chịu khổ cho thế gian. À, có lẽ ta cũng như thế. Trách người thì sáng, xét mình thì quáng, dạo này ta vẫn cứ nghĩ mãi câu ấy.” Nhà vua cười khe khẽ. “Bạch Xuân Nguyên cho ngươi sống trong chốn quan trường, nhưng lại chỉ cho ngươi thấy những thứ xấu xa mà không dạy ngươi đến nơi đến chốn. Ngươi biết căm ghét trách móc cả thế gian mà lại chịu cúi đầu trước những thứ ngươi vừa kể lể, hạ mình đến cái mức ti tiện đáng khinh nhất, đáng tiếc cho chữ Khản trong tên ngươi.”

“Đưa nó đến Hình bộ, ta thấy nó chỉ thêm phiền.” Nhà vua gọi thị vệ xung quanh. Một viên quan trẻ tuổi đứng ở gian bên đến lúc ấy mới bước vào chính điện, cô loáng thoáng nhận ra Phủ thừa Thừa Thiên Phan Thanh Giản vừa được chuyển sang Hình bộ. Nhà vua vẫy tay gọi anh ta ở lại, lính kéo Bạch Xuân Khản ra khỏi điện.

“Các ngươi cứ việc tra xét làm án kỹ càng, hỏi xem nó đã làm gì trong thành Gia Định. Việc Bạch Xuân Nguyên bị bắt giết mà nó lại được tha, ta không nghĩ bọn Khôi nhân từ như thế đâu.” Nhà vua thẳng người ngồi lên, nhẹ giọng nói với Phan Thanh Giản. “Trước đây các chủ tướng như bọn Bột, Đinh Phiên ra thú chưa từng nói tới Bạch Xuân Khản vẫn còn trong thành, là không ai hỏi đến hay chúng cũng không biết?”

“Có lẽ người đều nghĩ cả hai cha con chết cả như cha con Nguyễn Văn Quế, không ngờ...” Phan Thanh Giản hơi cúi đầu, hạ giọng. “Nhưng dù sao nó cũng là con duy nhất của Bạch Xuân Nguyên…”

“Bạch Xuân Nguyên không cần đứa con như thế!” Nhà vua sẵng giọng gắt. Ngài ta đứng lên, đi đến cổng điện nhìn ra khoảng sân rộng. Phan Thanh Giản khoanh tay đứng chờ, mãi sau mới nghe ngài ta lên tiếng. “Ta xem án xét xử Ngô Bá Tuấn, có nhắc đến một tên ngụy Điển sự là Nguyễn Văn Chấn. Khi Lê Phúc Bảo bị bắt, nó bảo: ‘Tuy bắt được Lê Phúc Bảo nhưng việc vẫn chưa xong’, ý nó là gì thế?”

“Bẩm, ý nó là phải bắt cả Lê Đại Cương nữa mới xong việc.” Cô thoáng thấy Phan Thanh Giản có vẻ bối rối rồi mới đáp. Câu trả lời khôn ngoan này chẳng biết có hợp ý nhà vua hay không, ngài ta lại ngẩng đầu nhìn trời.

“Lòng người khác xưa đến vậy ư?” Hồi lâu, ngài ta thở ra. “Dân Gia Định vốn có tiếng là trung nghĩa, khanh sinh trưởng ở đấy lẽ nào không rõ. Trước kia Hoàng khảo ta đóng quân ở Bình Thuận cầm cự với Tây Sơn, ở lại giữ thành Gia Định chỉ có Hiếu Khang hoàng hậu, Cao hoàng hậu, Thái hậu và mấy anh em ta thôi. Ngày đó đánh trận thua luôn, mọi người đều ngay ngáy lo sợ, hàng tướng Tây Sơn lưu ở đó cũng khá nhiều. Lòng người hoang mang dao động tưởng đến gãy đổ cả, vậy mà binh lương nhất nhất lấy được ở dân, dù thu thuế trước đến hai ba năm, lấy lính đến cả học trò. Nhưng ai cũng một lòng, không chút kêu ca. Lòng trung nghĩa sao mà đến thế!

“Nay thiên hạ đang lúc thái bình, kho tàng đầy ắp, binh giáp tinh nhuệ, dù giặc Khôi khởi biến thì với sức triều đình tiễu trừ có khó gì. Vậy mà tại sao kẻ kia an tâm với chuyện bội nghịch này mà thốt ra lời cuồng bạo càn rỡ đến thế?” Nhà vua hạ mắt nhìn về phía điện Trung Hòa, lắc đầu. “Ta vẫn thường nói Bắc Kỳ phong tục kiêu ngạo nên dân thích nổi loạn, không ngờ nơi dựng nghiệp vương cũng có cái thói ấy, so với Bắc Kỳ cũng chẳng khá hơn. Đêm khuya nghĩ đến, bất giác bàng hoàng, không thể nào yên giấc.”

“Người xưa nói, nhân khả địch thiên, thiên tắc loạn. Ấy là nói người dù không thể địch được trời, nhưng chỉ cần có ý nghịch trời thì cũng đã chẳng yên. Cái gọi phong tục kiêu ngạo, thần nghĩ chính là như thế. Trên không biết vua quan cha mẹ, dưới chẳng quan tâm đến đồng bào, chỉ thích nhất nhất làm theo ý mình, từ việc nhỏ thành lỗi lớn. Rồi đàn đúm che giấu cho nhau, còn yếu ớt thì trốn tránh che đậy, khi có lực thì chống phá bội nghịch. Thần lớn lên trong chốn dân dã, cũng nhận thấy được đôi điều như vậy.” Phan Thanh Giản đưa mắt nhìn qua vai nhà vua đến nắng chiếu ngoài điện. “Mấy chục năm nay vua ở xa, ơn trạch không đến được, lại có người Thanh ồ ạt kéo tới, số nhiều là dân nghèo khổ du đãng không sống được ở Trung Quốc nên đến Gia Định kiếm ăn. Trong lúc yên bình giàu có, người bắt đầu tìm vui trong các trò ca hát, đánh bạc, hút thuốc phiện, gái thì trang sức xa hoa, trai thì học đòi những thói phong lưu hư hỏng. Không có tiền thì gái đi cặp kè vòi vĩnh, trai thì lừa lọc cướp bóc, chẳng biết liêm sỉ mà chỉ cần khoe mẽ, lấy đó làm tiêu chuẩn với nhau. Con người như thế, mình còn chẳng thiết, nói gì đến vua? Ngài nói chúng ngông cuồng càn rỡ, nhưng thực ra chúng là bọn ngu ngốc nào có biết gì. Đến thần may được vào chốn triều đường làm một chức quan nho nhỏ nghe chuyện nước non, nhưng đến khi gặp giặc, dù chỉ là một bọn Man ở Quảng Nam, vẫn làm việc sai lầm để quân chết trận đến bốn mươi người, bị cách chức giáng phạt nặng nề mà thấy mình đáng tội. Huống hồ là một bọn bàn việc binh trên giấy, biết đâu Yên Tề Hán Sở cũng chỉ là câu chuyện của văn sĩ viết tuồng chèo.”

“Yên Tề Hán Sở? Cháu của Lê Văn Duyệt tên Yên, Tề, Hán, Nguyên thật đấy.” Nhà vua bất chợt bật cười. Ngài ta quay lại chỗ ngồi, cười nói. “Khanh biết không, ta thời trẻ cũng rất thích ca nhạc, kịch tuồng. Ta hiểu về nhạc còn hơn cả bọn nhạc công trong Thanh Bình, Thanh Hòa thự[2]. Khanh hẳn cũng đã nghe chuyện rắc rối với bọn con hát của các em ta rồi, thật ra anh em ta đều thích những trò chơi thế cả. Lúc Hoàng khảo ta đánh Điện Bàn công một trận vì công dụ dỗ người nhà lương dân làm con hát, ta vẫn nghĩ ngài quá nặng tay. Hóa ra ta mới là người để họ càng lúc càng hỏng. Ở nơi kẻ bình dân không thể với tới được thì không thể sống như kẻ bình dân, huống hồ là đàn đúm với bọn con hát. Từ thời Lê đã cấm quan lại lấy con hát làm thê thiếp, nàng hầu, nữa là tập họp cả bọn vào trong phủ đệ bù khú quanh năm. Ngồi nói chuyện rông rỡ với đám con hát so với tên chỉ thích đọc kinh Phật mà cái gì cũng không muốn làm như Nguyễn Đăng Giai thì còn tệ hơn.

“Hắn lại vừa dâng sớ xin về Kinh đây này. Nếu tờ sớ này mà thành tội được thì ta đã ném qua Hình bộ các ngươi rồi.” Nhà vua nhặt tờ tâu trên bàn lên rồi ném xuống ra chiều bực bội. “Trong khi tỉnh thành hắn trấn nhậm trộm cướp chưa yên, ngay ngoài biên Nghệ An thì bọn thổ ty làm phản kéo quân Xiêm đến giết hại quan quân, hắn mặc nhiên xem đó là trách nhiệm của Nguyễn Khả Bằng, Nguyễn Văn Xuân. Hắn chỉ có mỗi việc là dạo chơi vòng quanh rồi xin ta dời thành, lập phủ lị. Đừng tưởng ta không biết tại sao hắn lại rành rẽ đến từng dòng sông, con đường ở những chỗ chẳng ai thèm tới như thế! Đi chơi chán rồi thì đòi về Kinh, hắn tưởng đi làm quan hay là chỗ nghỉ mát?

“Đầu năm dâng tờ thỉnh an, Hồ Sĩ Lâm thì bôi ra cả tập những lời ngớ ngẩn ‘quan quân kéo đến dẹp yên giặc thì thiên hạ lập tức thái bình’, Trần Ngọc Lâm còn tệ hơn, bảo rằng giết sạch đám dân chúng ở Bảo Lạc đi cho yên chuyện. Sao ta lại có đám quan tướng như thế này? Bọn chúng cũng là kẻ đọc sách thánh hiền, thi cử đỗ đạt, làm việc có chút trật tự cả, nhưng gặp chuyện không nghĩ được thứ gì có ích, phải việc lớn thì toàn lời nói nhảm. Đọc xong tờ thỉnh an của chúng, ta không bệnh cũng muốn phát bệnh!” Dường càng nói càng bực bội, nhà vua cười gằn. “Bọn tự gọi sĩ phu lên núi kéo dân Thổ làm phản, quanh đi quẩn lại chỉ biết lảm nhảm Lê này Lê nọ, làm như một ông vua có thể thay đổi cả thế gian. Ông ta mà thay đổi được thế gian thì bọn ngu ngốc ấy còn chỗ đâu mà sống!”

“Bố chính, Án sát Tuyên Quang những ngày này nhiều việc, vừa phải tìm bắt bọn giặc trốn trong vùng, an ủi xếp đặt dân chúng, xây lại thành trì, vừa phải lo binh lương cho chuyến hành quân sắp tới, dâng tập thỉnh an mà không có thời gian suy nghĩ thấu đáo. Hoàng thượng đã trách phạt thì họ hẳn rất sợ hãi rồi.” Phan Thanh Giản nhũn nhặn nói. “Với các quan đang bị xét án, thần sẽ về Hình bộ giục nhanh chóng hoàn thành gấp để ngài điều động hợp nghi.”

“Phải, Hình bộ kết án sớm đi. Người càng lúc càng thiếu.” Nhà vua thở dài gật đầu. Nói thêm vài câu, ngài ta cho Phan Thanh Giản về sở bộ.

Người đã lui hết, cô mới từ sau điện đi ra, báo lại cho nhà vua về ý Thái hậu muốn giảm lễ tiết trong cung vào tiết Vạn thọ. Năm nay nhà vua đã không tổ chức các nghi thức mừng lễ như đốt đèn lẫn đốt cây bông, múa hát, Thái hậu cũng cắt giảm tối đa lễ ở nội đình. Bàn luận xong, bà mới cho dâng tờ sắp xếp kế hoạch lễ đến nhà vua. Ngài ta cũng chỉ lật qua loa rồi đưa lại cho cô.

“Thái hậu còn nói rằng vào các tiết Thánh thọ, Vạn thọ, Nguyên đán, Đoan dương, trong sân điện và trước cửa Ngọ Môn đều treo đèn lồng sáng rực cả đêm mà chẳng ai ở những nơi này, có hơi phung phí, xin ngài giảm bớt.” Cô nói, thấy nhà vua nheo mắt nhìn lên. Đoán được ý ngài ta, cô thở ra, gật đầu. “Có người nói các đàn miếu như đàn Xã Tắc, Nam Giao, chỉ trong mấy ngày tế xuân thu, Nguyên đán mà đốt đèn sáng đến tận trời, mỗi năm tốn hơn hai trăm cân sáp. Nhưng đó là nơi đại tự, việc lớn của quốc gia, Thái hậu không dám lạm bàn, chỉ xin nhắc nhở ngài về việc trong cung. Đành rằng quốc khố giàu có, vài chục quan tiền chẳng đáng gì, nhưng người nhìn thấy trước mắt lại thành không hay.”

“Ta sẽ xem xét.” Nhà vua ngoảnh đầu nhìn ra nắng bên ngoài, một lúc sau mới trả lời. Cô đưa tập tâu cho nội giám cầm, cũng im lặng.

Nhắc nhở về đền miếu cùng sở thích đốt đèn của nhà vua, hẳn cũng đồng thời nhắc ngài ta về ngôi đền bên bờ Đông với gần bốn mươi cân sáp mỗi năm, gấp đôi ba lần các đền, lăng lớn khác. Trong lúc này, hẳn kẻ nào đó cũng không tự dưng mà nói. Nên đến Thái hậu cũng không muốn nói thẳng với nhà vua mà mượn một kẻ như cô chuyển lời. Ngài ta đã vui vẻ vung tay, hành động thất thố ngông cuồng trong thời điểm đắc ý nắm lấy quyền lực, nhưng rồi sẽ ngay lập tức hứng trọn cơn sóng gió chẳng những từ triều đình mà khắp bốn phương. Ngài ta hẳn đã nhận ra, chỉ một hành vi nhỏ nhất của mình cũng ảnh hưởng lớn đến mức nào.

“Thần đã gặp Bạch Xuân Khản, nhiều năm trước.” Cô chợt nói, mông lung nhìn về phía bức hoành sau điện. “Cậu ta ốm nhưng vài đồng tiền khám bệnh cũng không có, bà nội ôm cậu ta chạy đi tìm Bạch Xuân Nguyên, rồi gặp thần.”

“Ý ngươi bảo, con người có khi vì vài đồng tiền mà trở nên như thế đấy?” Nhà vua nhíu mày. Cô lắc đầu.

“Thần cho hai bà cháu một cây trâm, hôm sau Bạch Xuân Nguyên lại đem đến trả. Bây giờ thì thần nghĩ, anh ta hẳn vô cùng thương yêu đứa con này. Cho nên không bao giờ muốn nó phải sống dựa vào vài đồng tiền hay lòng thương hại của kẻ khác. Nó là ước mơ của anh ta.” Cô nói trong nỗi buồn đè nặng lồng ngực. “Anh ta yêu thương thằng bé vô cùng.”

“Ngươi biết thế nào là ‘yêu đến vô cùng’ không?” Nhà vua chợt cười nhạt. “Là dù nó không có tội thì cũng đáng chết.”

Giọng ngài ta chợt sắc như dao, âm u như bóng tối trong mắt ngài ta. Nên cô lại lặng yên.

Cô đã nhìn thấy ngài ta điên cuồng cố chấp bao nhiêu năm. Cô đã nhìn thấy ngài ta cứng rắn quyết tuyệt bao nhiêu lần. Cô cũng đã nghe ngài ta nhắc đi nhắc lại về Gia Định – niềm vui và nỗi đau vùng đất này đem tới, như một cái gai nằm mãi trong lòng. Rồi ngài ta hỏi, cô biết gì về thứ tình cảm ấy?

Cô biết gì về nỗi thống khổ sâu sắc nhất thế gian?

 

Chú thích:

[1] Phỏng Nguyễn Văn Siêu

[2] Thực lục: “Trẫm ngày nọ sai nhạc công Thanh Bình tấu một tiết đăng ca cũng còn nhiều sơ lược, nhân thấy tiếng tơ, tiếng trúc hòa nhau nghe hay. Hỏi ra thời họ nói rằng đấy là ở các ngón tay nắn nót mà thôi, đến gốc của nhạc thì lan man không biết gì cả.”




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.