- Khả kham vãng giả hoàn lai giả, tuy vị quân bi dã tự bi[1]
(Ngán nỗi người trước đi rồi người sau đến, tuy thương ai mà cũng tự thương mình)
Cuộc chiến thực sự có lẽ đã bắt đầu ngay trong mùa đông giá lạnh ấy.
Từ mùa thu, mưa bão đã liên tục xối xuống vùng đất phương Bắc, tới mùa đông khí trời lạnh rét thấu xương. Nhà tằm đã đóng cửa, cô định tới để kiểm kê đồ dùng lần cuối thì bất ngờ gặp nhà vua. Ngài ta cúi đầu đi lại trong căn phòng kín, nghe thấy tiếng cửa mở thì quay nhìn ra.
“Thần đến kiểm tra đồ nuôi tằm để nếu có thứ cần thay thế thì báo sớm.” Cô nói sau nghi thức chào hỏi. Nhà vua gật đầu, di mũi chân trên sàn nhà.
“Người Trung Quốc đào sàn nhà đốt lửa sưởi ấm cho tằm, nếu ta làm như thế có thể nuôi được cả mùa đông.” Ngài ta nói như thể giải thích lý do vào nhà tằm. Cô chỉ nhún vai.
“Làm thế chỉ e phiền phức cho cung Từ Thọ, củi than phải vận chuyển đi lại, khói bụi nhiều. Người nuôi tằm buôn bán lớn mới vất vả như thế, ở đây chỉ cần vài chục cân tơ giao cho Thái thường tự dệt lụa, sao phải phiền phí đến mức ấy? Mùa đông còn có lễ Thánh thọ, không nên làm nhiễu loạn mới phải.” Nhà vua vẫn thỉnh thoảng đến nhà tằm này nhìn ngắm quy trình làm việc, như ngài ta luôn có hứng thú với mọi thứ trên đời. Hẳn là vừa đọc xong một cuốn sách nào đó về chuyện nuôi tằm, ngài ta đã chạy đến đây tìm cách thử nghiệm. Cô vừa rút cuốn sổ ghi chép trong túi đeo ra vừa nói. “Vả lại mùa đông rét mướt dâu ít trổ lá, nên để cây có thời gian ngơi nghỉ. Hôm rồi bão lũ, chúng thần đã phải lấy cây chống cho dâu, đào mương nhỏ trong vườn thoát nước, chẳng biết có cây nào sống không được quá mùa đông này.”
“Đông chí vừa rồi trời đẹp, báo hiệu năm sau sẽ tốt.” Nhà vua có vẻ phật lòng trước chuyện cô nói. Ngài ta vừa nhấc một cuộn suốt lên ngắm nghía vừa nói. “Thái thường tự bảo rằng chất tơ vừa rồi đưa cho họ hơi bị nhũn, sắc cũng kém tươi, trong khi ta đã tìm giống tằm tốt nhất trong nước. Đây là do cách chuội tơ không khéo mà ra.”
“Đáng tiếc, thần ở nhà thì một con sâu cũng chưa từng bắt.” Cô hừ khẽ trong lòng, quả nhiên ngài ta đến đây để bắt bẻ. Sau khi lùng tìm trừng trị chán chê mọi kho sở công quán trong kinh thành, ngài ta săm soi đến cả con tằm nơi đây.
“Rốt cuộc ngươi biết làm cái gì thế?” Buông ống suốt xuống, nhà vua nhướn mày. Cô ngừng tay đếm nong rổ, nghĩ một thoáng rồi thở dài.
“Thần biết đọc sách, cưỡi ngựa, bắn súng.” Cô nói cùng với tiếng cười. “Thần học chung với em trai, cậu ấy học thứ gì thì thần học thứ ấy. Chị em thần cũng chẳng siêng năng cho lắm, mỗi khi muốn nghỉ học thì thần lại bảo em trai giả bệnh, cho nó mấy đồng tiền.
“Thần chỉ có vài năm chịu khổ, nhưng lúc ấy cũng chẳng cần làm gì.” Cô bỗng nhiên hạ giọng. “Nghĩ lại thì hồi đó đúng là chị ấy không lúc nào ngơi tay.”
Trong phòng kín chỉ còn tiếng lạch xạch của mấy cái rổ trên tay cô. Không nhìn về phía bóng hoàng bào nọ, cô cũng tự thấy mình dại dột. Bỗng dưng nhắc lại, trong căn phòng thoang thoảng mùi lá cây, hơi gỗ ướt này, khiến cô nhớ đến căn nhà năm xưa ẩm dột cùng những bữa cơm lúc sống lúc khê của mẹ. Một ngày, cô ấy bảo, đem nồi sang nhà chị nấu cùng, và làm bữa cho cả hai nhà. Cho đến khi bà cô được thành cấp cho người hầu theo tiêu chuẩn của tướng lĩnh, và nhà cô ấy thì sạp gạo luôn vét đến cạn đáy. Bây giờ nghĩ lại, cô mới cảm nhận thêm một điểm giống nhau của hai người kia: hầu như chẳng lúc nào thấy họ nghỉ ngơi. Gia đình đông đúc của một cô gái nhỏ hay đất nước bộn bề của nhà vua nọ đều chiếm hết thời gian của cuộc đời họ.
“Đi theo ta!” Nhà vua sắt giọng nói, quay lưng đi khỏi nhà tằm. Biết ngài ta đã bực mình, cô đành bỏ dở công việc, theo ngài ta ra khỏi cung Từ Thọ. Đến điện Hoàng Phúc trong vườn Thiệu Phương, nhà vua lấy trên kệ một cuốn sách, ném xuống trước mặt cô.
“Sách về chăn nuôi tằm, giữ lấy đọc cho người khác.” Quả nhiên ngài ta trong những ngày này như thể khối thuốc súng chỉ chực chờ phát hỏa. Ngón tay vẫn lướt trên giá sách, nhà vua nói mà không nhìn cô. “Ta nghe nói Lạng Sơn có kén tằm trắng lớn hơn bình thường, đang cho người đi tìm mua về. Tơ tằm ở Trung Quốc thì Hồ Nam là tốt nhất, ta cũng đang đặt thuyền buôn. Các người nuôi trồng thử nghiệm ở đây, nếu kết quả tốt thì ta đem giống phát cho dân chúng.
“Ta vừa cho người xuống Gia Định lấy một vài giống lúa, hoa màu ngắn ngày, chịu nước tốt. Ngoài cung Từ Thọ còn một khoảng đất trống, hồ trong cung viện mùa đông cũng có thể dùng để gieo trồng. Các người đọc thêm mấy cuốn sách trồng trọt, ngồi nghĩ xem ở quê hay nơi nào đi qua thấy giống gì lạ, có ích thì tâu bày một thể.”
“Vâng ạ.” Cô cầm cuốn sách, lầm bầm, mắt nhìn qua chồng báo Kinh sao xếp dày trên bàn. Vẫn là sở thích tìm những món lạ bốn phương tập trung về, nhưng lần này ngài ta đã nghĩ đến thứ có ích hơn. Và cả hoàng cung dường như đang biến thành khu trại chăn nuôi thử nghiệm cho ngài ta. Cung nhân nuôi trồng vài giống tằm, lúa, cây hoa màu nhẹ nhàng, nhưng nghe nói ngoài cung Khánh Ninh đã dựng thêm một khu vườn nuôi hươu nai cùng những giống thú mà nhà vua và quần thần săn bắt được trong núi mấy năm nay. Ngài ta vừa ra lệnh Nội vụ phủ lấy thú trong vườn ấy làm lễ cúng tế hàng năm chứ không được vào rừng đi săn khi chưa có phép.
Báo Kinh sao này của nhà Thanh cũng do Hà Nội sức bảo thương nhân người Đường tìm mua. Nhưng báo này năm nay không viết về loạn ở Lan Châu, Hồ Bắc cũng như nạn tuyết dày ngập Yên Kinh, thế là nhà vua bắt quan Hà Nội phải dò hỏi từng việc trong đám dân buôn qua lại nơi biên giới. Một việc mà trong mắt nhiều người hẳn cực kỳ tốn kém cực khổ vô ích. Giống như những chuyến tàu của triều đình liên tục đi Tân Gia Ba, Giang Lưu Ba, Hạ Châu, Tiểu Tây Dương, mua về những món hàng lạ lùng. Giống như giá sách trong điện Hoàng Phúc này chứa những cái tựa cô chưa từng nghe đến, vốn được nhà vua dặn dò đoàn sứ tìm hỏi những nhà giấu sách ở Yên Kinh để đưa về. Giống như mỗi khi có sứ thần các nước lạ đến, ngài ta cho bộ Lễ tới đo đạc, vẽ lại trang phục của họ chẳng biết để làm gì. Trong cái vỏ sắt đá nghiệt ngã nọ, ngài ta vẫn như đứa trẻ vui vẻ ở giữa kho tàng mình thu thập được. Hoặc là, trong cái vẻ của một đứa trẻ, thế giới của ngài ta đã chẳng còn là hoa và hương, là những ước vọng cao xa bay bổng. Bây giờ ngài ta thậm chí cũng chẳng vui.
“Thần có thể mượn vài cuốn sách về đọc không ạ?” Nhà vua quay lại thấy cô đang chăm chăm nhìn chồng báo Kinh sao, cô bèn đánh bạo nói. Ngài ta nheo mắt nhìn cô, gật đầu.
“Đừng đem về cung mấy cuốn sách kỳ quái.” Đến ngồi trên sập bên kia điện, nhà vua buông lại câu dặn dò. “Thị học nói Miên Liêu là đứa thông minh, đừng cho nó đọc sách nhảm sớm.”
Giống như ngài, cô lại nghĩ bụng. Trong lúc cô đi quanh giá sách, nhà vua ngồi đọc mấy tờ Kinh sao cũ, nhưng ánh mắt ngài ta bất động. Ở nơi này ngài ta không hút thuốc, điện cũng không đốt lò hương, vườn thoang thoảng mùi của cây trầm hương Tây dương gần như là loài cây duy nhất ra hoa trong mùa đông buốt giá này. Ngoài cổng vườn, Chu Phúc Năng đang đợi người dâng bữa trà chiều, cung nữ cùng nội giám khoanh tay đứng trong hiên lặng phắc. Có lẽ cũng như cô, họ đều nhận biết tâm trạng của nhà vua đang đi xuống bất thường.
Sau chừng nửa năm hăng hái vui vẻ, nhà vua lại bắt đầu tỏ ra khó chịu, chẳng biết do đang bận rộn phương cách chia đặt tỉnh thành ở Nam Kỳ hay vì lụt lội tại Bắc Kỳ. Mùa thu này đê không vỡ, Đê chính còn báo nước đều đã rút, chỉ hại một khoảng đê nhỏ do dân đào ao thả cá làm sụt. Tuy nhiên, những bờ đê cao ngất kiên cố nọ khiến bão gió đem toàn bộ nước mưa trút vào trong đất, gây nên lụt lội khắp cả Bắc Kỳ. Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình bị hại nặng nhất, vụ lúa mùa thu gần như hỏng hoàn toàn trong lụt ngập trắng các cánh đồng, cả tháng không rút.
Sau vài năm mưa thuận gió hòa, ông trời lại nghĩ ra một cách mới để chơi khăm ngài ta. Và Nguyễn Phúc Kiểu lại lập tức rút vào cái vỏ của mình trong cung nội này. Bây giờ thì cô đã hiểu tại sao Ngô Thị Chính cùng Thái hậu đều chọn cách để mặc ngài ta, cũng như tại sao chính ngài ta liên tục nhắc nhở người xung quanh phải khuyến cáo mình không bỏ dở giữa chừng. Nhà vua luôn trong trạng thái bất ổn đến mức ngài ta lựa chọn phương cách sống nào cũng không thể theo đuổi được quá vài tháng, và khối công việc khổng lồ chính là để ngài ta luôn bận rộn không thể bỏ đi. Trong mấy năm này, ngài ta tìm được cách cân bằng dựa vào những cuộc đi săn, tuần du quanh Trấn Hải đài, sông Lợi Nông, cũng như khoảng thời gian ngắn để ngài ta bỏ trốn. Tuy nhiên, đến khi ngài ta tưởng chừng đã thích ứng với cuộc đời của một vị vua, ông trời sẽ ném ngài ta vào lại cơn bão lũ.
Cuối năm Tân Mão, triều đình ra quyết định chuyển sáu trấn Bắc Thành thành các tỉnh. Đến đầu năm Nhâm Thìn, binh lính Ninh Thiện ở Trấn Ninh làm phản, giết tướng cai quản mà chạy tới Ninh Bình. Khi bị bắt giữ, những tên đầu sỏ khai rằng chúng nhận được thư của Lê Duy Lương. Cái tên Lê Duy Lương này đã từng nổi lên trong loạn lạc năm năm trước, rồi lại biến mất vào núi rừng mênh mông. Kết quả, chỉ có cậu bé Lê Duy Minh bị giam hơn mười năm trong nhà ngục Hà Nội bị đình thần xin lệnh chém. Ân tình cuối cùng của nhà vua chỉ là cho cậu ta được tự thắt cổ toàn thây.
Hiện tại, triều đình lại đang bàn luận cách chia đặt tỉnh thành ở Nam Kỳ. Nhà vua đã ngay lập tức ra lệnh cấm thuốc phiện trên toàn hạt. Cô nhớ đến ký ức mù mờ trước về những thuộc hạ xuất thân Thanh Nghệ của Tả quân, cùng mối quan hệ của họ với các thổ ty Thanh Nghệ lẫn biên giới phía Bắc. Nhà vua cho rằng mình vẫn đang kiểm soát được tình hình, nhưng không hiểu sao cô có một linh cảm rất xấu. Linh cảm ấy càng nặng nề hơn với bầu trời xám xịt mùa đông, và tin báo mất mùa trên toàn cõi Bắc Kỳ. Thoáng chốc, sự hào hứng rực rỡ của nhà vua biến mất, ngài ta trở lại thành con người trầm mặc toan tính trong khói thuốc, trong những lo lắng thường nhật dường không lúc nào thoát khỏi.
Tay cô dò trên giá sách, chạm đến một cuốn sách mỏng có tên ‘Tây dương ký sự’. Tò mò, cô rút nó ra, đọc vài trang rồi cười.
“Ngài cũng đọc loại sách này à?” Cô giơ bìa sách về phía nhà vua. “Các loại truyền thuyết của người Tây dương? Không phải ngài ghét đạo Gia-tô à?”
“Những chuyện mua vui, đọc chẳng hại gì.” Nhà vua liếc mắt nhìn qua, uể oải đáp. “Những cái thuyết không bằng không cớ về thánh thần, đạo giáo nào mà chẳng có? Ta chỉ ghét bọn giáo sĩ giảng đạo bằng cách lạy lục van xin người trên, chà đạp kẻ dưới, mục đích tự biến mình thành thánh thần để mưu toan rặt những việc bất lương.
“Bọn Tây dương là những kẻ sử dụng đạo giáo tệ hại nhất. Nhân danh thánh thần cùng cứu rỗi, chúng lại quàng vào người tin nghe đủ thứ tội lỗi, khiến họ cảm thấy mình ở tận bùn đen phải nhờ ơn phước của chúng mà được cứu. Cái gì là bảy tội lỗi của loài người, là thánh khiết trong sạch, chúng nhem nhẻm rao giảng chỉ để người người cảm thấy mình là thứ xấu xa, chúng là thần là thánh. Cũng như thế, chúng dè bỉu chê bôi người bản xứ, chà đạp lăng mạ văn hóa, thánh thần, tổ tông của họ, để ca ngợi chính chúng, coi Tây dương bọn chúng là thượng đẳng cao vời hơn hết thảy. Những kẻ theo bọn chúng, kết quả hóa thành một đám mất hết cả tự tôn tự tri, cung cúc tin nghe, cúi đầu tôn thờ bọn người chả biết đấy là đâu.” Ném tờ Kinh sao sang bên, nhà vua cau mày nhìn ra cửa. “Bọn người rao giảng nhân nghĩa chiếm Ấn Độ, mỗi nạn đói hàng triệu người chết, người sống bị chúng lôi theo đi đánh chiếm các nước khác. Bọn người nói đến thanh bạch lương tri thì đem thuốc phiện đầu độc nơi nơi, khiến người người thành ác quỷ. Rồi chúng tự cho chúng là văn minh tân tiến, dùng thứ đạo giáo nước bọt ấy dụ dỗ người người lọt vào bẫy, đúng là chỉ có đám ngu mới đi tin chúng. Đạo giáo cùng thuyết lý của chúng rất thích hợp với bọn người chỉ cầu có một vị thần thánh, anh hùng nào đó đưa tay cứu vớt chúng sinh bằng hào quang lấp lánh. Kết hợp với đám sĩ dân thiển cận ngày ngày dâng lên cho ta những phương sách trị quốc lượm lặt nhặt nhạnh sách vở dư luận ra – quả nhiên rất có khả năng của một bọn lừa mình dối người ngu ngốc.”
“Ta đã bảo, ngươi đừng đem về cho Miên Liêu đấy.” Ngài ta cau có nói khi Chu Phúc Năng đưa cung tần đem bữa chiều vào vườn. Cô bĩu môi, nhét cuốn sách vào giá, cáo từ đi ra.
Các cuộc chiến ở Tân Gia Ba vừa mới kết thúc lại tiếp tục nổ ra tại vùng khác. Những phương cách Anh Cát Lợi dùng để bắt chẹt người Miến Điện, Mã Lai, cùng thương vong to lớn trong cuộc chiến vừa rồi. Người Tây dương đang tìm mọi cách xâm nhập vào Quảng Tây, lũng đoạn Quảng Đông bằng thuốc phiện. Những nạn đói khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi ở Ấn Độ cùng các vùng đất bị Tây dương dùng làm nơi trồng thuốc phiện. Kể cả những cuộc tàn sát, bắt giữ, cai trị vô nhân tính ở các thuộc quốc da đen. Các viên quan đi hiệu lực khắp nơi trong vùng biển, đem về cả những người dân lưu lạc tận Tiểu Tây dương hàng chục năm, thì thầm kể trong các điện đài. Trong những năm này, Tây dương đang lấn chiếm khắp nơi, đem theo thứ thuốc độc chết chóc của mình gieo rắc. Trong mắt những người đã đến các cảng biển xa xôi, câu chuyện của họ không chỉ còn là những chiếc tàu khổng lồ, những khí cụ tân tiến mới mẻ, đường phố, thành quách, thậm chí là những cuộc chiến vĩ đại của Nã Đại Phá Luân – như câu chuyện ngày xưa của các thủy thủ Phú Lang Sa trong thành Gia Định. Bọn Tây dương gian ngoan dối trá, bây giờ người người gọi, những kẻ dùng mọi phương cách lừa lọc, lấy đạo đức, tình nghĩa để cướp giết người.
Thuốc phiện Tây dương tạo ra, thương buôn đem vào làm hỏng cả Gia Định. Trong một buổi chầu nào đó, cô đã nghe tiếng nhà vua vọng tới. Gia Định năm xưa trọng nghĩa khinh tài, nhân tài như mây cứu đời giúp nước, mà nay chẳng còn lấy một ai. Gia Định hiện nay chìm ngập trong khói thuốc phiện, thói xa xỉ hư hoa, trai thì trộm cướp, gái thì dâm tà, kẻ trên tham lam vô lễ, người dưới không còn biết đúng sai, kẻ giàu thì lấy thuyền buôn lậu, người nghèo thì ăn chơi sa đọa. Bán rẻ lúa gạo nguồn sống của dân nghèo để mua thuốc phiện về đầu độc đồng bào. Lừa trên dối dưới trục lợi kiếm vài đồng bạc bẩn. Ngay cả con nhà thế gia như Mạc Hầu Hy còn lợi dụng thuyền công đi buôn lậu. Ngay cả một đại quan đường đường như Nguyễn Văn Thoại còn ngang nhiên lấy của Phiên dân. Hàng trăm hàng ngàn án gian dâm, trộm cướp khắp nơi trong Gia Định báo lên hàng năm, rốt cuộc Lê Văn Duyệt đã cai trị thế nào?
Đối với sự giận dữ của nhà vua, các quan đều đã im lặng. Trong những năm tháng này, ngài ta luôn luôn giận dữ. Từ Nội vụ phủ, Vũ khố cho đến kho thóc Kinh thương, bất cứ nơi nào kiểm tra đến cũng đều sai phạm, thất thoát. Gia Định, sau khi những thứ ẩn lậu trong nhà Tổng trấn được báo về, từ con voi cho đến ngàn tấm gỗ, trở thành câu chuyện đầu môi nhà vua, dường như tập trung toàn bộ cơn giận của ngài ta với cả nước. Nguyễn Tri Phương báo về tình hình thuyền chở gạo lậu buôn thuốc phiện ở Hạ Châu, lệnh kiểm soát thuốc phiện càng ngặt. Tuần phủ Ninh Bình Hoàng Công Tài bị bắt hòm thuốc phiện lậu, đâm đầu xuống sông tự sát. Tôn Thất Huyên hút thuốc phiện bị tước bỏ họ, đày đi Phú Quốc. Và có lẽ, những cuộc triệt hạ nhà thờ Gia-tô quanh vùng cũng liên quan đến cơn giận không nguôi này, bên cạnh những tin tức bất thường về hành động của Tây dương quanh biển Đông.
Nắm lại Gia Định, xây chùa Khải Tường nơi sinh cũ, nhưng nhà vua chỉ thể hiện nỗi bực dọc dường kết tụ từ bao nhiêu tháng ngày. Gia Định năm xưa, ngài ta liên tục nói, Gia Định năm xưa ở đâu rồi? Sự yên lặng hiện tại của ngài ta, chẳng rõ do cơn bão, mùa đông hay câu hỏi ấy, tất cả cùng lặp đi lặp lại.
Nghĩ muốn hoàn thành nốt công việc, cô quay lại nhà tằm trong cung Từ Thọ. Đi qua nhà chính, cô nhác thấy bóng nam giới bên trong, nhìn kỹ thì ra là Kiến An công. Vòng ra sau điện để tạm mấy cuốn sách, cô nghe câu chuyện của anh ta và Thái hậu lọt vào tai.
“Đạo trưởng Phan Văn Kinh trước bị Hình bộ kết án giảo giam hậu, hoàng thượng đã cho giảm xuống làm lính ở phủ Thừa Thiên, nay xin thả làm sao được nữa?” Thái hậu nói với vẻ thoáng phật lòng. “Con cũng đừng nghe bọn người ngoài xin rồi vào đây nhờ ta nói giúp mãi. Bọn Phú Hoài Nhân, Tây Hoài Anh năm trước bỏ ty Hành nhân đi theo Tả quân về Gia Định, nay lại còn muốn cử người đến giảng đạo ở vùng này à?”
“Bọn chúng là người Tây dương ngông cuồng ngang ngược đã lâu, xem pháp luật sở tại chẳng ra gì, Đức hoàng nào phải không biết.” Kiến An công cười. “Nhưng Phan Văn Kinh là đạo trưởng, bắt giam lão thì chúng có cớ nói ra nói vào, kích động giáo đồ gây chuyện. Hoàng huynh bực suốt vì chuyện người Gia Định vô lễ coi khinh triều đình, nay lại làm cho người ta nói. Sao không nhân lúc Tả quân vừa mất, bọn Phú Hoài Nhân không còn chỗ dựa mà thi ân nhỏ, khiến chúng cảm phục tự động quay về đầu?”
“Rồi làm gì? Bọn họ muốn truyền đạo, ngài ngự thì không muốn đạo ấy lan rộng ra, có cách gì hòa thuận dung nạp à?” Thái hậu thở dài. “Khi bọn Phú Hoài Nhân bỏ đi, ngài ngự đã bảo từ nay chúng đừng hòng mà quay lại nữa. Tả quân còn đang bị điều tra tố cáo hết tội này đến án khác, con khơi lại chuyện Phan Văn Kinh lẫn Phú Hoài Nhân nào khác đổ dầu vào lửa?
“Vả lại, lúc này con đừng nghe bọn người ngoài nữa.” Thái hậu nhắc lại, giọng hơi trầm xuống. “Diên Khánh công nghe lời thương buôn lấy thuyền giả làm thuyền nhà Thanh để miễn thuế, thuộc hạ Định Viễn công mượn thuyền công đi buôn định trốn thuế, tuyền là bọn con buôn nhà Thanh xúi bẩy cả. Năm xưa các con có bừa bãi gây rối thì chẳng qua chỉ là vì chuyện bọn con hát, tôi đòi. Bây giờ thì là thân công đi phạm pháp trục lợi đấy à? Rồi các con còn muốn làm gì nữa?”
“Chuyện của bọn thuộc hạ, con cũng chẳng thể kiểm soát hết được.” Kiến An công vẫn cười, cô nghe giọng anh ta trơn chuội trước vẻ cảnh giác của Thái hậu. Không đợi anh ta nói tiếp, Thái hậu đã ngắt lời.
“Cho nên con bớt việc vào mình đi. Lo công việc của phủ mình còn không xong, còn đèo bòng bấy nhiêu người, con chẳng đủ sức kiểm soát, mà ta cũng không thể nhận trách nhiệm cho bọn họ. Con ở đây thì chỉ cần vài lời nói, thế là đã đủ để mua ơn chuộc nghĩa, nhưng con cần ân nghĩa với bọn người ấy làm gì?” Im lặng một thoáng, Thái hậu càng hạ giọng. “Con cũng biết mình là thân công, thì nên làm việc đáng ra một thân công phải làm đi.”
Mãi không thấy Kiến An công trả lời, cô bèn lui ra ngoài.
Gian nhà tằm vẫn im lìm bóng tối, chỉ có ngọn đèn leo lét đặt trên bàn. Cô đếm từng cuộn suốt, xếp chúng vào góc. Bên ngoài có tiếng chân, hẳn Kiến An công đã ra về, với mục đích chẳng thể đạt được.
Kiến An công, vị Mạnh Thường quân của kinh thành. Có vài tấu sớ của sĩ dân dâng lên nói đến chuyện phong kiến, xin chia đất cho thân công tông thất, người thì thầm nói. Họ muốn Kiến An công cai trị, đã vài bản tấu xin rồi đấy, cho thấy dư luận đang rất ồn ào.
Diên Khánh công, Điện Bàn công lấy tàu thuyền đi buôn lậu, An Khánh công dựa tang mẹ xin tiền liên tục. Kiến An công với những mối quan hệ mập mờ sáng tối. Năm xưa các con gây chuyện chẳng qua vì bọn con hát, bây giờ là thuộc hạ, quyền lực, tiền bạc, danh tiếng cùng bao điều chìm nổi khác. Bao nhiêu cũng không đủ. Bao nhiêu cũng chẳng vừa lòng.
Những con tằm đã chết rồi, cô nhặt mảnh lá khô kẹt ở đáy nong, nghĩ thầm trong ánh lửa nhập nhoạng. Người anh em năm xưa nắm tay nhau lặn tận đáy sâu. Giấc mộng năm xưa bay đi bốn phương trời. Gia Định của năm xưa hồn hậu giản đơn. Thế gian của năm xưa nằm trong giấc mộng. Người cúi đầu đếm từng bước chân trong bóng tối, chẳng biết đi đâu để tìm lại ngày xưa.
Chú thích:
[1] Khốc tặng Thuận Xuyên của Hà Tông Quyền