- Vi vi tịch chiếu hoàn minh diệt, mạc mạc phù vân tự vãng hoàn[1]
(Mờ mịt tà dương ánh sắp tắt, man mác mây trôi tự bay về)
Bí ẩn ở Gia Định dường đã hé lộ sau cái chết của Tả quân Lê Văn Duyệt.
Tháng tám, Tả quân Lê Văn Duyệt qua đời ở Gia Định. Đến tháng chín, tào thần Gia Định dâng sớ tâu nói: Khám xét nhà con thừa tự của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Yên phát hiện mười tờ giấy đóng sẵn dấu quốc gia tín bảo, mười tờ đóng sẵn dấu công đồng. Trong kho của dinh Tổng trấn chứa hơn 1070 tấm gỗ táu, gỗ dầu không được ghi trong sổ.
Quản vệ của các đội quân Minh nghĩa, Tả bảo nhất, nhị được gọi về Kinh trước đó ngay lập tức bị giữ lại Gia Định để điều tra.
Hoàng thượng nổi giận đùng đùng, người trong điện Văn Minh thì thầm. Triều đình trước cho Gia Định lấy gỗ đóng mười sáu chiếc tàu, mới được một nửa đã phải đình hoãn vì e công việc quá nhiều, lính không có thời gian nghỉ ngơi. Nay lại phát hiện số gỗ khổng lồ mà cả Tổng trấn, cả tỉnh thành coi như không biết không thấy. Bây giờ Lê Văn Duyệt đã chết, cả đám người lo bỏ chạy lấy thân, chắc chắn hỏi đến kẻ nào cũng chối phăng, cả vạn con người là đồ mù điếc.
“Bạch Xuân Nguyên chắc chắn không cho qua đâu.” Cô nghe giọng Lê Văn Đức vẫn nhẹ nhàng điềm đạm nói. Nhà vua đang đi thị sát việc đào ao Thái Dịch ngoài cổng hoàng thành chưa về, trong điện Văn Minh chỉ có Lê Văn Đức và Trương Đăng Quế ngồi đợi ngài ta. Cô cầm giấy tờ trình báo về số tơ thu được vụ thu và cả năm chờ ở sau điện, nhưng có lẽ họ thấy bóng cô tưởng chỉ là cung nữ và nội giám theo hầu trà nước. “Anh ta năm trước bị đám người Gia Định đẩy về đây, giáng xuống tận Viên ngoại lang, nay vừa nghe Tả quân bệnh nặng đã xin hoàng thượng cho xuống Gia Định, chắc chắn đã biết chuyện gì đó. Nhưng Bạch Xuân Nguyên miệng kín như bưng, hỏi thì không nói, hẳn là chưa có chứng cứ đó thôi.”
“Giấy tờ quyền hạn trong tay Tổng trấn, có thể có chứng cứ gì?” Trương Đăng Quế bật cười. “Nếu bị phát hiện thì ông ấy cho điền ngay số gỗ này vào sổ. Chừng đó chiếu chỉ lẫn giấy công đồng đóng dấu sẵn, đủ để biến số gỗ thành đồ tích trữ hai mươi năm.”
“Thế thì tại sao ông ấy không làm như vậy?” Lê Văn Đức nghe như cũng lẳng lặng mỉm cười. Cô nghe khoảng im lặng kéo dài trong tiếng lạch cạch như sứ va chạm vào nhau.
“Tôi vừa nhớ ra một cái tên: Võ Du.” Trong giọng Trương Đăng Quế nghe như có làn gió âm u thổi qua. “Trước khi Tả quân mất vài tháng, Võ Du tố cáo Nguyễn Văn Thoại cho dân Phiên đi lấy gỗ táu ở Chân Lạp. Nhưng không may cho hắn, vua Phiên lại bảo rằng gỗ táu này đã được trả tiền, Võ Du trở thành kẻ tố nhảm. Lúc ấy tôi cũng nghĩ mãi, Võ Du này từng là Hiệp trấn Hà Tiên, vốn thân thiết với Nguyễn Văn Thoại mới phải. Dù không có quan hệ gì, hắn đi đổ dầu vào lửa cho một người chết rồi chẳng lẽ chỉ để tâng công với hoàng thượng, ra vẻ mình trong sạch? Và Tả quân cũng thay mặt hắn tâu lên nhằm mục đích gì thế?
“Thấy số gỗ táu bây giờ, tôi lại nghĩ đến một mưu đồ to lớn, rất to lớn.” Lê Văn Đức vẫn im lặng, Trương Đăng Quế bèn cười khẽ. “Để tích trữ một số lượng gỗ như thế, há chỉ là trong đợt đóng tàu vừa rồi. Nguyễn Văn Thoại đi lấy gỗ ở Chân Lạp cũng được, mà bọn quản vệ ở Gia Định sai lính đi làm việc bừa bãi cũng được, sự thật là số gỗ ấy không được ghi vào sổ, vậy người định dùng chúng làm gì? Tả quân ở Gia Định coi như một tiểu vương, ông ấy muốn gì đều có thể công khai sai người đi làm, đi lấy, vốn không cần ẩn lậu số gỗ ấy, càng không cần tiền. Ngàn tấm gỗ có thể xây dựng cả Phiên An, kẻ giấu số gỗ này không phải chỉ là mưu chút lợi nhỏ riêng. Mà muốn đem chúng đi bán thì cũng cần phải có kha khá nhân lực, vật lực đấy.
“Kẻ vừa có thể giấu ngàn tấm gỗ vào kho của Tổng trấn, vừa có thể dùng bọn thương buôn tiêu thụ hàng quốc cấm cho mình, tôi lại nghĩ đến một cái tên khác: Trần Nhật Vĩnh.” Có tiếng như đầu quạt ngà nhịp xuống mặt bàn đều đặn hòa với giọng nói êm ái kia. “Và câu hỏi trước của tôi: Tại sao vận chuyển số lượng gỗ lớn như thế mà cả Phiên An không ai thấy? Kể cả Ngô Bá Nhân đã ở đó vài năm nay, kể cả các Thị vệ tai mắt của hoàng thượng? Há Ngô Bá Nhân thất sát đến nỗi không thấy số gỗ thừa quá lớn? Người ở đó không thấy gỗ được vận chuyển đến đâu trong cái thành nhỏ ấy? Người coi sổ sách không nhận thấy số nhập xuất, lượt vận chuyển, lưu trữ từ tận đầu nguồn có vấn đề? Kể cả sức người có hạn, đem lính lên rừng làm cả ngày đêm cũng khó có thể dư đến con số ấy.
“Số gỗ này vốn một phần phải ở đó lâu rồi. Có thể, là bốn năm trước. Và rồi bỗng dưng, mọi thứ trở nên thật tuần tự hợp lý: Các kho chứa hàng lậu của Nguyễn Văn Thoại ở Chân Lạp, lời tố cáo Nguyễn Văn Thoại câu kết với Trần Nhật Vĩnh, loạt cửa hàng của Trần Nhật Vĩnh ở Phiên An, lời tố cáo Nguyễn Văn Thoại dùng dân Phiên đi lấy gỗ, kể cả bọn quản vệ thủ hạ của Lê Văn Duyệt bây giờ. Thậm chí, những tin báo loạn xạ về tình hình Xiêm La ở biên giới. Thậm chí, cái chết của Nguyễn Văn Tuyên và Trần Đăng Nghi.” Trương Đăng Quế rít điếu thuốc, vừa nhả khói vừa mơ màng nói. “Trần Đăng Nghi trước làm ở Công bộ đấy, cùng mắc án đóng tàu ở Gia Định năm đó với Thượng thư Trần Văn Tính. Trần Nhật Vĩnh bị xử trảm, ông ta được phái tới Gia Định làm ở Binh tào, có phải hoàng thượng cũng phát hiện được chuyện gì rồi không?
“Số gỗ thừa này, đáng ra nếu thực hiện đóng xong toàn bộ mười sáu chiếc tàu thì cũng đã có đủ thời gian tiêu thụ được hết cả rồi đấy. Nhưng hoàng thượng đột nhiên cho lệnh ngừng đóng tàu thuyền, số gỗ chưa kịp biên vào sổ, cũng chưa kịp đem bán hết kia chẳng biết phải làm sao. Vậy là Võ Du sang Chân Lạp, nhân tiện quàng án đốn lậu gỗ cho Nguyễn Văn Thoại. Một lần nữa, án mà thành thì người biết đâu đã chẳng đẩy được cả kho gỗ lậu cho Nguyễn Văn Thoại – chỉ xui xẻo là hoàng thượng hỏi lại vua Phiên, ông ta chối phăng đi mất.
“Tôi lại nghĩ xa hơn, đến những cái kho hàng trống của Nguyễn Văn Thoại. Ông ta xây một loạt kho ở Chân Lạp để làm gì thế? Khi Trần Nhật Vĩnh bị xử, ta chỉ có thể tịch biên gia sản có sẵn ở nhà hắn, cửa hàng của hắn, mà biết đâu được bao nhiêu kho của khác khắp nơi. Ta chỉ xử được Trần Nhật Vĩnh và mấy viên quan, mà nào động chạm được tới vô số đầu dây mối nhợ của hắn. Rồi bỗng nhiên, cái chết của Nguyễn Văn Thoại ngay sau khi Trần Nhật Vĩnh bị xử cũng trở nên đầy nghi vấn. Rồi bỗng nhiên, tôi nhớ đến những tin báo loạn xạ rằng Xiêm muốn xâm chiếm Chân Lạp sau khi Nguyễn Văn Tuyên đến nhậm chức Bảo hộ. Mục đích chính của nó chẳng phải là đưa quân sang Chân Lạp sao, bên cạnh việc khiến Nguyễn Văn Tuyên phải phân tâm lo chuyện binh lương chẳng thể chú ý đến điều khác?[2] Phải, đưa người sang Chân Lạp, nên khi Nguyễn Văn Tuyên phát hiện ra những kho hàng nọ, tất cả đều đã trống. Nên năm ấy rầm rộ báo Xiêm La xâm lấn, đến khi Nguyễn Văn Quế bắt được thuộc hạ của phản thần Chân Lạp, hắn nói quân Xiêm nửa đường thì rút lui, chỉ để lại hai trăm quân đóng giữ Bắc Tầm Bôn. Hoàng thượng nổi giận mắng cho là cả thành nghe bọn thám tử tâu hão làm phí sức người sức của. Nhưng nghĩ đến những cái kho trống nọ, thời gian lẫn lý do thật là trùng hợp thần kỳ!
“Bọn người ấy, vẫn còn ở đó.” Giọng Trương Đăng Quế lay động theo ngọn đèn trong phòng. “Bọn người sau khi Trần Nhật Vĩnh bị xử tử đã che giấu số tài sản chìm nổi của hắn, để lại chỉ có mười ba vạn quan tiền. Bọn người tung tin Xiêm La tấn công Chân Lạp để đưa hàng ngàn quân sang dọn sạch dấu vết trong kho hàng của Nguyễn Văn Thoại. Thậm chí, có thể chính chúng tham gia đưa đơn kiện giết chết Trần Nhật Vĩnh để chiếm tài sản, giết chết Nguyễn Văn Thoại bịt kín đầu mối để triều đình không thể điều tra thêm về nguồn gốc hàng hóa cùng những quan hệ của Trần Nhật Vĩnh. Thậm chí, chúng còn có thể gọi các phản thần Chân Lạp chạy sang Xiêm La kêu cầu nhằm gây loạn lạc. Càng loạn lạc, chúng càng có thể nhanh tay làm lẫn lộn trắng đen, vừa phi tang vừa cướp bóc vừa kiếm thêm món lợi mới.
“Cho nên Trần Đăng Nghi đã bị giết vì phát hiện ra chuyện bất thường gì đó trong Binh tào, kẻ đưa tin biên giới hoặc hành động của bọn quân ở Chân Lạp. Cho nên Nguyễn Văn Tuyên phải chết trước khi điều tra được thêm về kho hàng của Nguyễn Văn Thoại. Cho nên Bùi Đức Minh ngậm miệng ăn tiền, tới khi được gọi về Kinh lại bị tố cáo làm việc nhũng nhiễu, đang bị giam ở thành Gia Định chúng ta chưa thấy mặt đâu. Cho nên Bạch Xuân Nguyên tới lĩnh Binh tào lại bị đẩy về khi còn ngồi chưa ấm chỗ. Chưa cần biết anh ta đã phát hiện được gì hay không, nhưng mối liên hệ của Bạch Xuân Nguyên với Xiêm La có thể giúp anh ta hỏi ra được nhiều thứ hay ho đấy. Vả lại bao nhiêu năm Bạch Xuân Nguyên làm việc ở Hình tào Bắc Thành, thứ anh ta đánh hơi ra nhanh nhất chính là bọn tội phạm.”
“Anh càng nói càng đáng sợ.” Lê Văn Đức chợt cười. “Nếu quả thật đúng như vậy, tôi lại cầu mong Bạch Xuân Nguyên đừng nên moi tận gốc trốc tận rễ mọi thứ lên mới phải. Vụ án này rốt cuộc phải liên quan đến bao nhiêu người?”
“Bao nhiêu người? Có mà cả cái thành Phiên An, cả Gia Định, thậm chí còn hơn thế. Tôi đã bảo, cả cái thành mắt ngơ tai điếc đấy còn gì!” Trương Đăng Quế cười ha hả. “Giống như bọn cướp ở Bắc Thành được dân chúng che giấu. Bọn cướp ‘hào hiệp’, ‘nhân nghĩa’, bằng cách cướp bóc, giết chóc nhóm người này và bố thí mấy đồng xu lẻ cho đám người nọ. Trần Nhật Vĩnh chả vừa cướp của người vừa đổ tội cho triều đình, nói rằng chính hắn phải lấy tiền nhà ra đền bù, là ông thánh nhân nghĩa cứu giúp người đấy à? Bằng cách ấy, chúng vừa tạo ra một ông Kẹ chất chứa mọi tội lỗi để nuôi dưỡng sự căm thù, vừa dìm người xuống tận đất đen. Vừa cướp mọi thứ lẽ ra dành cho họ vừa khiến họ cảm thấy mấy đồng xu lẻ bố thí của chúng là ơn phước, thậm chí, cướp bóc trộm cắp của kẻ khác là đúng đắn, trộm cướp của nhà nước là việc càng nên làm! Cả đám người chia nhau nhiều ít đều thỏa thuê vui vẻ, mà đến dân Phiên bị lừa cướp cũng chỉ có thể khóc thương với nhau, coi thế là còn may mắn. Còn hoàng thượng thì ngậm bồ hòn làm ngọt, có biết thì làm gì được bây giờ, thanh minh có ai tin? Có mắng chửi ở đây thì cũng chỉ chúng ta nghe. Vừa rồi Võ Du báo một đằng, vua Phiên nói một nẻo, người không biết cũng bảo ngài ấy đi kiếm chuyện với công thần rồi đấy.”
“Vậy anh nói xem, đám người ở Gia Định sẽ làm gì bây giờ?” Lê Văn Đức nói cùng với tiếng thở dài. “Những vụ việc thế này, Lê Chất ở Bắc Thành, Nguyễn Văn Thoại ở Chân Lạp cũng vậy, mà Lê Văn Duyệt bây giờ cũng thế, đụng tới là như ong vỡ tổ. Nhìn cảnh tượng quan lẫn lại chạy trốn ở Nam Định mà não cả lòng, cuối cùng hoàng thượng đành bảo chuyện cũ cho qua, để mọi người tự sửa đổi lại, từ từ mà điều chỉnh.”
“Làm gì? Những vụ việc thế này, chúng ta có bắt được thủ phạm bao giờ đâu. Chúng sẽ cử kẻ nào đó ra tế thần, ba hoa che giấu càng nhiều càng tốt, huống hồ chỉ là mấy súc gỗ thôi mà. Rồi cả đám lại chực chờ ẩn núp đợi cơ hội tiếp theo.” Trương Đăng Quế cười lớn, rồi bỗng hạ giọng. “Chỉ e Bạch Xuân Nguyên chẳng chịu chấp nhận thế thôi đâu. Anh ta oán Lê Văn Duyệt hơn cả kẻ thù giết cha. Bây giờ cả ngàn tấm gỗ trong kho của Tổng trấn mà đến Hộ tào Gia Định còn không thể kiểm tra tới, bảo rằng Lê Văn Duyệt không hề biết gì à?”
“Không phải ai cũng như hoàng thượng đi xem cả kho gỗ, kiểm tra từng khẩu súng trong xưởng đâu. Đến vậy mà Nội vụ phủ mất vải sa, đoạn, bạc, Vũ khố thất thoát đồ dùng tới giờ mấy năm rồi vẫn chưa tìm được thủ phạm đấy. Bọn hèn mọn tép riu dựa quyền thế người trên trộm cắp lừa lọc chỉ có thời, chỗ dựa đã mất thì thành bọn vô dụng cả, ném chúng về lại vũng bùn của chúng là xong. Chúng ta còn bao nhiêu việc phải làm, tâm sức đâu mà đi đối phó với loài chuột bọ, ném chuột vỡ lọ? Còn Bạch Xuân Nguyên…” Lê Văn Đức lại im lặng một thoáng rồi nói như than. “Hoàng Quýnh còn đang bị án giảo giam hậu ngồi trong nhà ngục Lại bộ. Mà Nguyễn Công Trứ năm trước bị Hoàng Quýnh tham hặc phải giáng đến tận chức Kinh huyện. Phan Thanh Giản, Hà Tông Quyền đều bị trừng trị đến phải đi hiệu lực ở nước ngoài cả rồi. Quýnh trông coi Nội các mà nhắm mắt cho thuộc viên tự tiện sử dụng ấn ngự bảo đóng lại sắc chỉ, Trứ vì tình riêng mà tiến cử người quen làm quan, Quyền làm lầm rồi múa mép chống chế, Giản là thanh niên tân tiến ngựa non háu đá mà tài còn chưa đủ, thất trận mất quân. Cả đám người được hoàng thượng yêu quý cất nhắc, cuối cùng nhờn mặt tự gây chuyện hàm hồ, tự cho là mình đúng, không ai dám làm gì. Bạch Xuân Nguyên bị tố việc làm sai thời Phủ doãn cũng do tính chủ quan tùy tiện mà ra, giỏi thấy cái sai của người mà không tự nghĩ cái dở của mình. Những kẻ càng tự cho là mình đúng thì mới càng dễ sai lầm. Không tự sai thì cũng chẳng biết đâu là chuyện nên hay không nên làm nữa.”
“Tôi thì thấy Bạch Xuân Nguyên về mặt nào đó rất giống hoàng thượng đấy.” Trương Đăng Quế lại cười. Ngoài điện nghe tiếng lính chào, nhà vua đã trở về. Cô đem giấy tờ giao cho Chu Phúc Năng, quay lại lục viện.
Hôm ấy là một ngày nắng đẹp hiếm hoi trong mùa thu đã sớm mưa dầm lạnh giá. Trong cung Trường Ninh, những bó tơ sống phơi trên sào phất phơ màu nắng vàng. Tơ che nửa thủy đình, khiến cô bước vào rồi mới nhận ra Ngọc Xuyến ngồi bên trong.
“Ta đến báo cho Thái hậu về Ngọc Cơ. Sau tang lễ Phò mã, em ấy muốn dựng một am nhỏ trong làng Dương Xuân để ở.” Ngọc Xuyến nhẹ nhàng nói, gương mặt chẳng rõ vui buồn, đôi mắt hướng lên những sợi tơ óng. “Em ấy bảo hiện thời không muốn vào cung, đành tạ lỗi với Thái hậu.”
Vì giọng Ngọc Xuyến nghe như của một người nào đó đang nói, cô hạ mắt nhìn hoa sen đã tàn trong hồ chỉ còn lại đôi cái lá vàng nâu héo úa.
Nguyễn Hoàng Thành, vị Phò mã trẻ tuổi nhất, bỗng dưng qua đời. Trong năm này, Võ Khánh con trai công chúa Nhu Gia cũng sớm mất. Phò mã Nguyễn Văn Ngoạn của công chúa Ngọc Châu đang bệnh nặng. Trong những năm này, những cái chết liên tục xảy đến. Dường như, là cái chết chưa bao giờ ngừng quẩn quanh tóm bắt bọn họ. Cô công chúa trẻ tuổi nhất còn sống sót đã chạy trốn khỏi hoàng thành, chạy trốn khỏi cuộc đời đang trong độ đôi mươi. Còn bọn họ ở nơi đây chỉ có thể giương mắt nhìn trong nỗi lặng câm khôn tả, ngay cả với nỗi đau của chính bản thân. Tháng tháng năm năm rồi chỉ như sen nở đến tàn trong hồ nước cạn.
“Chị bây giờ thế nào?” Thay vì nói về Ngọc Cơ, cô hỏi khẽ. Sau khi Trương Văn Minh qua đời, Ngọc Xuyến chỉ vào cung Từ Thọ những dịp lễ tiết. Nghe nói con lớn của Trương Văn Minh đang chuẩn bị cưới vợ lấy chồng, con gái út cũng đã trên mười lăm tuổi.
“Con bé Thận sắp vào phủ hoàng Cả.” Ngọc Xuyến chợt nói, vẫn vẻ lành lạnh không thể nào nắm được cảm xúc, chỉ có nụ cười thoáng qua môi. “Họ bảo, đấy là cách tốt cho nó.”
Con gái riêng của một vị quan bị cách truất đến tận Quản cơ, đến chết cũng chỉ phục chức Vệ úy, Phò mã của một vị công chúa không con. Theo cách nhìn của người nơi này, làm thiếp trong phủ hoàng Cả Miên Tông đã là một ơn huệ, là cách để báo ân tình. Để từ cô con gái ấy, anh em của cô ta có thể được lục dụng, hưởng ưu đãi của hoàng thân, hay chỉ đơn giản là trở thành thuộc hạ của phủ đệ hoàng tử. Đó cũng là cách bảo đảm cho trưởng công chúa, người sẽ lấy một cậu con chồng làm thừa tự khói hương.
“Ta ở phủ trồng cây, đọc sách, cũng có bạn trò chuyện. Nhưng dạo này xương cốt bắt đầu đau nhức rồi, có khi chỉ muốn nằm mãi.” Ngọc Xuyến vẫn nhỏ nhẹ thì thầm. “Thái hậu vừa bảo ngài ngự vừa tìm lại được đất sinh ra ngài ở làng Tân Lộc tại Gia Định, định dựng chùa Khải Tường ở đấy, hỏi ta có muốn cúng dường gì không. Ta nói, đó là nơi ‘thái hồng hạ lưu hoa chử’ của ngài ấy, nào liên quan đến ta. Tả quân vừa mất thì ngài ấy đã ngay lập tức cho người đi tìm nơi sinh cũ, như thể bây giờ mới lấy lại được Gia Định.”
“Hoặc đang làm đúng cách thức đó thôi.” Cô nói khẽ. Ngọc Xuyến quay nhìn, nhưng cô chỉ đang hướng ánh mắt về những sợi tơ bay.
Như thể Gia Định đến bây giờ mới trở lại thành Gia Định của ngày xưa. Hoặc chẳng qua, chỉ là một phương cách để lấy lại vị thế ở nơi ấy, nhắc nhở cho người người vị vua thực sự của đất nước, của Gia Định. Một ngôi chùa đánh dấu nơi sinh của nhà vua như một truyền thuyết, một thứ thánh thần. Như ngài ta trong những năm tháng này vẫn đang làm, đang sống. Như vị vua trong bộ cổn miện lấy từ điển lễ ngàn đời, sống trong một hoàng thành xây đúng thể thức long trọng uy nghi.
Hoàng Quýnh, Nguyễn Công Trứ, Hà Tông Quyền cùng vô số người lần lượt bị giáng tội nặng nề trong lời sắc chỉ đanh thép ban xuống cho toàn quan lại khắp các nha bộ: Bạn bè dù là một trong ngũ luân, nhưng chỉ là lúc người chưa làm quan. Khi đã làm bề tôi, vì nước quên nhà, vì công quên tư, dẫu đến vợ con, nhà mình, khi gặp việc nghĩa phải làm thì người xưa còn không nghĩ đến tình riêng, phương chi là bè bạn.
Trong luồng công việc cuồn cuộn đổ xuống của đất nước mới đang được dựng xây, từng điều lệ, điển chế mới được bàn luận thực hành, trong cả những sự việc tháng tháng năm năm đều xảy ra như chết chóc, lừa lọc, lỗi lầm, gian dối, tai nạn, mưu đồ, ngài ta ngày càng trở nên khắc nghiệt – thậm chí, vô tình. Tộc Man ở Quảng Ngãi tấn công nguồn Chiên Đàn, ngài ta cho đại quân đến đốt sạch hai mươi bảy sách, ra lệnh tàn sát, tuy nhiên nhóm quân ấy không thể thực hiện do dân Man đã chạy trốn vào núi. Viên lại thuộc chỉnh sửa hộc thóc vừa được ban cấp, ngài ta ra lệnh chém đầu lấy mảnh xương sọ treo lên cửa kho. Binh lính Trấn Ninh làm phản bị bắt lại, những kẻ chứa chấp đều bị lăng trì. Càng nhiều công việc, càng phát hiện lắm gian dối, ngài ta càng trở nên khắt khe đến đáng sợ. Ngài ta liên tục nói đến luật lệ cùng nghi lễ, như thể đang sống trong một thứ quy thức nào đó, tự tạo ra vô vàn quy thức để khoác lên mình. Nhưng khi thân công cùng đình thần chúc mừng đứa con thứ một trăm, muốn mở tiệc chúc phúc, ngài ta trả lời bằng một thái độ khó chịu, thậm chí cấm ngặt việc lễ mừng. Cuối cùng, ngài ta bãi bỏ hoàn toàn lễ bão tiến của toàn bộ con cháu. Như thể ngài ta còn không muốn thấy chúng. Như thể không phải chính ngài ta vừa cho đúc đồng tiền Hoa Phong tam chúc[3] về những gì con người ao ước và xưng tụng.
Ngài ta đang sống với vai trò của một vị vua, và toàn bộ con người quanh ngài ta cũng đều như thế, phải như thế. Và cô nghĩ đến những con tằm mà mỗi mùa cô nuôi lớn lên từ trứng, muôn vạn con vật nhỏ nhoi hình thành rồi chết đi trong nồi nước khói hơi nghi ngút mà chưa kịp hóa bướm bay đi. Có lẽ trong mắt ngài ta, thế gian này đều rồi sẽ trở thành như thế. Có lẽ cuộc đời của ngài ta rồi cũng chỉ là như thế. Tháng tháng năm năm, cái chết cùng sự sống vẫn chảy trôi, thân thể cùng tâm linh cũng đã trôi vào guồng quay quen thuộc, chìm dưới đáy sâu dằng dặc mê mông, con người đã rơi vào giấc mộng lớn của thế nhân. Nguyễn Phúc Kiểu ngày càng trở nên điên cuồng, cô thì thầm nói với đàn tằm rào rào ăn lá trong căn phòng kín mờ tối. Vị vua trong bộ cổn miện và lễ nhạc không cho phép sai sót mảy may ấy, đang ở giữa giấc mộng lớn của cuộc đời, dựng xây nên một đất nước không ai có thể cản ngăn, làm một vị vua gương mẫu cho đến ngàn xuân. Toàn kinh thành này đang được xây lại, hoàng thành chuẩn bị cho cuộc sửa chữa lớn nhất dựng Ngọ Môn, điện Thái Hòa, những mái ngói lưu ly lớp lớp trải nơi hậu viện, hoa nở rực rỡ vườn Đông, lầu các soi hồ Kim Thủy, nhưng sự sống cùng cái chết trong đó lại chẳng hề được ngài ta quan hoài tới.
Cái chết đổ bóng lên cung thành cùng toàn bộ con người trong đó, ám ảnh bọn họ tháng tháng năm năm. Nguyễn Phúc Kiểu vùng vẫy trong sự sống, trong nỗi si cuồng với miên trường cùng vĩnh cửu, trong một cuộc đời tràn ngập ánh ngọc vàng cùng tiếng hoan ca phủ sụp dưới chân. Trong một thế gian đã trở nên hoang lạnh tiếng con người.
Mùa thu năm ấy, bão lại nổi. Trong những căn điện của hoàng thành, bão tố vẫn rầm rĩ quay cuồng. Ước mơ cùng phẫn uất, tình yêu và thù hận, niềm tin cùng tuyệt vọng, quá khứ và hiện tại, tất cả những con người trong đó đều đã bị ném vào tâm bão. Buổi chiều nọ, cô cùng Ngọc Xuyến đã lặng ngắm những sợi tơ bay, kết thành từ muôn kiếp tằm chẳng thể hóa hình thành bướm.
Chú thích:
[1] Quá Ninh công cổ lũy của Hà Tông Quyền
[2] Sau khi Gia Định báo tin Xiêm La, 2000 biền binh Gia Định được đưa sang Chân Lạp, sau khi Nguyễn Văn Tuyên báo về những kho hàng ẩn lậu của Nguyễn Văn Thoại thì số lính này được rút về.
[3] Còn gọi là đồng tiền Tam đa, tam chúc là chúc đa phúc, đa thọ, đa tử. Ba điều này được cho là phúc lớn của đời người.