"Với diện-tích lãnh-thổ mà nhà Nguyễn bành-trướng gấp đôi, thực-phẩm nuôi dân Việt-Nam đã tăng lên bội-phần. Đặc-biệt về hải-phận, nước ta vượt quá 3 lần lớn hơn trước kia."
Thủy quân nhà Nguyễn ▼
Nhà Nguyễn với những thành-tích vô-song
Qua hơn một nửa thế-kỷ, những người Cộng-Sản dành nỗ-lực hạ uy-tín nhà Nguyễn. Điều này thật là vô lý. Các triều-đại phong-kiến không phải tất cả đều xấu xa. Vua Chúa Quan Chức nhà Nguyễn chẳng những đã không tầm-thường mà lại còn hoàn-thành được rất nhiều kỳ-công, mang lại cho dân-tộc và đất nước Việt-Nam những tài-sản về vật-chất và tinh-thần thật lớn lao. Với diện-tích lãnh-thổ mà nhà Nguyễn bành-trướng gấp đôi, thực-phẩm nuôi dân Việt-Nam đã tăng lên bội-phần. Đặc-biệt về hải-phận, nước ta vượt quá 3 lần lớn hơn trước kia.
Sau đây, chúng tôi chỉ xin dựa trên một khiá cạnh nhỏ bé về sinh-hoạt hàng-hải, điểm qua một số thành-tích vô-song về thủy-quân nhà Nguyễn.
Nghiệp Đế Xuất-phát Từ Lý-do Phòng-thủ Hải-biên
Khi Trịnh-Kiểm âm-mưu chiếm gọn binh-quyền, giết người anh của Ông là Nguyễn-Uông, Nguyễn-Hoàng tìm cách thoát-hiểm và trả thù họ Trịnh. Tính-toán mãi chưa biết nên làm gì, bèn sai người thỉnh-ý Trạng-Trình Nguyễn-Bỉnh-Khiêm, thì được khuyên một câu: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (một dải núi Hoành-Sơn có thể dung thân muôn đời). Hoàng hiểu ra, nhờ chị gái là Ngọc-Bảo nói với Trịnh-Kiểm cho Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa với lý-do: "Đất ấy hiểm trở, xa xôi, khí hậu khắc-nghiệt, lại là mặt Nam đễ bị tập-kích, quân Mạc có thể dùng thuyền vượt biển đánh sau lưng bất cứ lúc nào".
Kiểm buộc lòng phải thuận theo vì biết chỉ có họ Nguyễn là giỏi thủy-chiến, đủ sức phòng-thủ hải-biên an-toàn cho phía Nam. Trịnh-Kiểm dâng biểu tâu vua trao quyền cho Nguyễn-Hoàng làm trấn thủ Thuận Hóa, toàn-quyền xử-lý mọi việc. Hoàng đem người nhà và nhóm quân bản bộ xuống chiến-thuyền vào Nam năm Mậu Ngọ (1558) khi 34 tuổi. Cùng đi với Ông, còn có số người nghĩa-dũng Tống-Sơn Thanh Hóa. Mấy ngàn người này, hầu hết có ít nhiều hiểu biết về thủy-quân, đã mở đầu ra một sự nghiệp rất dài 400 năm (cho đến 1954).
Năm 1572, sau khi đem quân đánh Thanh-Nghệ, tiến về Thuận-Hóa, Mạc-Kính-Điển dùng 60 chiến-thuyền do hải-đạo vào tiến chiếm làng Hồ-Xá và Lãng-Uyển, vượt qua sông Cửa Việt. Nguyễn-Hoàng lập mưu mỹ-nhân-kế. Tướng địch là Lập-Đạo trúng kế cầu hòa, bị bắn chết. Nguyễn-Hoàng đánh tan đạo quân này.
Sau khi việc trấn-thủ vùng Thuận-Quảng đã yên-ổn, năm 1593 Nguyễn-Hoàng lại đưa Hạm-đội ra giúp vua Lê dẹp nhà Mạc và gian-đảng gần 8 năm. Năm Canh Tý (1600) được lệnh vua Lê từ Thăng Long đem thủy-quân đi dẹp các tướng nổi loạn Phan-Ngạn, Ngô-Đình-Hàm và Bùi-Văn-Khuê ở vùng sông ngòi Nam-Định, Nguyễn-Hoàng cùng quân bản bộ kéo qua Cửa Đại-An, bất thần giương buồm thẳng ra Biển Đông vào ngay Thuận Hóa. Sau chuyến hải-hành quyết-tâm ra đi này, Hoàng lo việc lập-nghiệp tại duyên-hải phương Nam, không nghĩ việc quay về lại đất Bắc lần nữa.
Khởi-nghiệp bằng đoàn Thủy-quân nhỏ bé
Nói chung, hầu hết các triều-đại Việt-Nam thường thường khởi-nghiệp bằng những chiến-công diệt ngoại-xâm hay thống-nhất đất nước. Anh-hùng nước ta đã quy-tụ được những tấm lòng yêu nước thuộc mọi ngành nghề sinh-hoạt, đến từ khắp nơi trong nước, hợp-quần cùng nhau đứng lên giết giặc, dành độc-lập cho quê-hương.
Đặc-biệt sự-nghiệp họ Nguyễn lại có một chỗ đứng hoàn-toàn riêng rẽ. Thoạt tiên, đoàn quân của họ rất nhỏ bé chỉ mong được thoát hiểm, gồm các đồng-hương vùng Thanh-Hóa, tương-đối đồng-nhất về khả-năng và kinh-nghiệm chuyên-biệt về thủy-chiến. Nếu được kể là từ khi Nguyễn-Hoàng có quyết-tâm khởi-đầu cơ-nghiệp cho đến khi họ Nguyễn đủ thế-lực xưng Chúa, thành-phần nòng cốt của họ đã chiến-đấu sinh-hoạt cạnh nhau trong vòng nhiều chục năm trời. Nhóm quân lính đó đặt cứ-điểm trên Hạm-đội, thường qua lại khắp các vùng biển Quảng-Nam, Thuận-Hoá, Nghệ-An, Thanh-Hóa và ra vào các sông ngòi miền châu-thổ hai sông Hồng và Thái-Bình, Bắc Đại-Việt.
Truyền-thống thủy-chiến được con cháu họ Nguyễn chuyên-cần phát-triển và nuôi dưỡng suốt một chiều dài lịch-sử gần 350 năm, kéo theo con đường Nam-Tiến của họ từ Thanh-Hóa đến tận Phú-Quốc Hà-Tiên. Truyền-thống này theo một vài sử-gia chính là động-lực lớn nhất đưa Nhà Nguyễn đến sự thành công trong việc mở mang bờ cõi, thống-nhất giang-sơn và duy-trì được vương-quyền sau nhiều cơn sóng gió.
Hành lang Biển Đông
Đi từ một nhóm binh lính dân đinh năm, bảy ngàn người; bám chặt vào duyên-hải Miền Trung, chúa Nguyễn đã không bị nghiền nát bởi hàng chục vạn binh-sĩ của chúa Trịnh tấn công liên tục mọi mặt gần một thế-kỷ. Trái lại, Nguyễn-Hoàng và những người lãnh đạo tiếp theo đã đưa Việt Nam tiến những bước thật dài chưa từng có trong lịch sử.
Biển Đông biến thành hành-lang hữu-hiệu đưa đoàn thuyền Nam-tiến. Thủy-quân thường đi trước, làm nơi nương-tựa cho quân-dân lập-nghiệp trên bờ phối hợp cùng di-chuyển. Làng mạc định-cư cứ thế chuyển dần về Nam, chinh phục toàn bộ miền Trung và Nam Bộ. Các Chúa Nguyễn đã đưa đất nước vươn mình đến tận vịnh Thái Lan và tỏa ảnh hưởng văn-hoá trên toàn bán đảo Hoa-Ấn.
Đàng Trong đần dần trở thành một vương-quốc hùng mạnh, tự-trị với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài (Bắc Hà). Các nhà truyền giáo ngoại-quốc trong giai-đoạn này đã hết sức ngạc-nhiên và khâm-phục trước lực-lượng quân-sự hùng mạnh, sức sống mãnh-liệt của nhân-dân cũng như trước mức độ văn-hóa và đạo-đức rất cao của đất nước Việt Nam Xứ Đàng Trong.
Hải-Chiến với Hải-tặc Nhật-Bản.
Cuối thế-kỷ 16, khi hoành-hành cướp-phá bờ biển Trung-Quốc, Hải-tặc Nhật-Bản cũng tràn qua cả nước ta. Chúng kéo nhau đến Cửa Việt vào năm 1585. Hoàng-Tử Nguyễn-Phước-Nguyên, con thứ sáu của Chúa Nguyễn-Hoàng đã điều-binh đánh chìm hai chiếc tầu Ngọa-khấu (giặc lùn - Kenki). Đây là sử-liệu đầu-tiên đề-cập đến mối liên-hệ giữa Nhật-Bản và ĐàngTrong. Năm 1599, một chiếc tàu Henki khác khi hải-hành bị mắc cạn tại Cửa biển Thuận-An cũng bị một tướng của Chúa Nguyễn-Hoàng chận bắt được. Đầy đủ trang-cụ bị tịch-thu, cả thủy-thủ-đoàn tàu cướp biển bị bắt. (xem Thuần Lục, trang web http://charm.ru/coins/vn/nagasaki.shtml).
Hai năm sau, 1601, Chúa Nguyễn-Hoàng gửỉ bức thư ngoại-giao chính-thức đầu tiên của nước ta đến Tướng-Quân Shogun Tokugawa. Hai xứ Việt-Nhật bắt đầu lập giao-thương đường biển. Thương-điếm vùng Hội-An được thành-lập với nhiều thương-nhân ngoại-quốc và đặc-biệt đông nhất là người Nhật-Bản, bắt đầu phát-triển mạnh mẽ.
Trận Hải-Chiến đầu tiên trong Việt-Sử
Đọc Việt-Sử ta thấy từ xa xưa, Tổ-tiên chúng ta từng sử-dụng thủy-quân nhiều lần. Tuy vậy nếu tò mò xem xét thì rõ ràng chưa bao giờ thực-sự có hải-chiến xảy ra. Các trận Chương-Dương, Hàm-Tử ... kể cả hai lần đại-thắng Bạch-Đằng của Ngô-Vương-Quyền và Trần-Hưng-Đạo đều là giang-chiến, diễn ra trong sông.
Vào năm 1585 ngoài cửa biển Lục-Thủy-Dương, thủy-quân Trần-Khánh-Dư đã ghi công thắng trận duyên-chiến đầu tiên. Cả trận Cửa Việt năm 1585 nói trên cũng thuộc loại này. Phải đợi đến cuối thời Chúa Nguyễn-Phước-Lan, ta mới thấy một anh-hùng hải-chiến thực-sự. Đó là Thế-tử Nguyễn-Phước-Tần, sau này trở thành Chúa Hiền. Sử chép rằng đội chiến-thuyền cảm-tử của Ông đã rượt đuổi và đánh tan hạm-đội chiến-thuyền Hòa-Lan (1648) ngoài khơi vùng biển từ Cù-Lao Chàm đến Cù-Lao Hàn. Hòa-Lan lúc đó đang là đế quốc có lực lượng hải-quân hùng-mạnh nhất thế giới.
Ưu-thế Thủy-Chiến và Binh-Thư
Có lẽ họ đã nói đúng nhưng hơi ... quá đáng chăng? Các giáo-sĩ Alexandre De Rhodes và Tisannier trong ký-sự, khen quân-lực của chúa Nguyễn hùng-hậu hơn cả Pháp và Bồ-Đào-Nha. Trong Chiến-tranh Trịnh - Nguyễn lần thứ nhất kéo dài đến 45 năm, nói chung họ Trịnh thường khởi thế công. Họ Nguyễn chuyên phòng-thủ. Trong tất cả các đợt tấn-công, họ Trịnh chủ-yếu dùng quân bộ, còn họ Nguyễn lưu-tâm điều-động thủy-quân với nhiều sự mềm dẻo trong việc điều-quân hầu bảo-toàn lãnh thổ của họ. Thoạt đầu khi đất đai còn nhỏ hẹp, Quân-lực Đàng Trong ít ỏi và yếu kém hơn Đàng Ngoài, nhà Nguyễn phải nghiên-cứu binh-pháp để làm sao được tồn-tại.
Mối quan-tâm về chiến-thuật điều-quân và đặc-biệt về thủy-chiến của nhà Nguyễn đã được chính vị Đại-quan Khai-Quốc Công-Thần Đào-Duy-Từ suy-luận và viết ra với rất nhiều chi-tiết. Trong cuốn sách Hổ Tướng Khu Cơ của Ông (1572-1634), chương Thủy-chiến rất là quan-trọng. Ngay đến tập Binh-Thư Yếu Lược của Trần-Hưng-Đạo mà ta thấy truyền-tụng ngày nay cũng đã có nhà quân-sự ghi thêm lẫn lộn nhiều đoạn của Hổ-Tướng Khu-Cơ. Ông Nguyễn-Ngọc-Tỉnh, khi phiên dịch cuốn sách Binh-Thư Yếu Lược của Trần-Hưng-Đạo (Paris, 1988, trang 267) đã ghi chú rằng: Sách Hổ Tướng Khu Cơ: Phép lấy nước uống trong biển (Trích cả một thiên Thủy-Chiến của sách Hổ Tướng Khu Cơ, gồm 9 chương, ở đây bỏ cả, xem ở sau...)
Ngày trước, nghệ-thuật thủy-chiến như được viết chi-tiết trong các cuốn sách Binh-thư thật là hiếm có.
Cải-tiến Hải-hành.
Như ta đã biết, hải-hành cần những hải-đồ và đồng-hồ chính-xác. Chúa Nguyễn-Phước-Chú cho đặt các đồng-hồ Tây-phương nơi các công-sở và đồn tàu dọc biển, sau đó Ông Nguyễn-Văn-Tú rồi tiếp theo những người khác nữa lại chế-tạo được đồng-hồ. Từ đó, sự điều động thủy-quân theo thời-gian được chính-xác hơn xưa.
Chúa Nguyễn nhờ cánh tay dài Thủy-Quân đã nối dài đất nước tới tận Hoàng-Sa và Trường-Sa. Sách sử Việt-Nam đã ghi-chép về quần-đảo Hoàng-Sa từ thế-kỷ XVII với chi-tiết địa-lý rõ ràng trong sách "Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư" (1630-1653) của Đỗ-Bá.
Sau cuốn sách này, ta có "Phủ-biên Tạp-lục" một tác-phẩm của Lê-Quý-Đôn mà trong đó ông tường-thuật những công-tác thi-hành chủ-quyền Việt-Nam trên Hoàng-Sa và Trường-Sa. Các đội Hoàng-Sa trách-nhiệm những đảo Cát Vàng và đội Bắc-Hải trách-nhiệm Trường-Sa, Phú-Quốc; tuân-hành theo lệnh Chúa Nguyễn.
Ít nhất đã khởi-sự vào cuối thế-kỷ XVII, sau những chuyến đi biển hàng năm thường dài tới 6,7 tháng, các đội Hoàng-Sa đã báo-cáo lại mọi diễn-biến trên hải-trình làm kinh-nghiệm cho những chuyến công-tác sau này. Từ đời chúa Nguyễn-phúc-Nguyên (1613-1615) hay có thể trước đó nữa, các đội Hoàng-Sa đã được thành-lập để thu-lượm hải-vật. Học-giả Lê-quý-Đôn (1726-1784) từng tham-khảo sổ biên của Cai-đội Thuyên-đức-Hầu (một chức-quyền Hải-Quân cao-cấp ngày trước) thấy năm 1702 đội Hoàng-Sa lấy được 30 thỏi bạc, năm 1704 được 5,100 cân thiếc, năm 1705 được 126 thỏi bạc... Vì không có tài-liệu ghi-nhận bất cứ một tai-nạn đắm tàu nào, ta thấy rằng khả-năng hải-hành lúc đó đã khá và việc nghiên-cứu đường biển trong thời các Chúa Nguyễn cũng khá đầy đủ.
Bước Đường Bôn-tẩu Trên Biển.
Khi đọc Sử, chúng ta thường ca-tụng Vua Quang-Trung trọng-dụng chữ Nôm, Tuy vậy, có một câu chuyện chữ Nôm về Nhà Nguyễn rất thích-thú và cảm-động sau đây.
Qua 9 đời Chúa, sau thời hưng-thịnh họ Nguyễn đến lúc suy-vong. Nguyễn-Ánh may mắn sống sót, trốn chạy bằng đường thủy, mưu-cầu phục-quốc. Nay thuyền Ông tấp vào bớ sông vắng, mai tàu Ông trôi dạt ra hòn đảo ngoài khơi. Trong khi bị truy-sát, sinh-mạng như chỉ mành treo chuông, chẳng có loại ngôn-ngũ nào hay hơn khi Nguyễn-Ánh muốn bộc-lộ lòng mình bằng những tiếng nôm na của mẹ cha ông bà của mình. Điều này khác xa với các văn-bản của Sử-Quán. Các Quan thường dùng chữ Hán và văn-chương biền-ngẫu, sau này còn tô vẽ thêm cho nhà Vua một thứ sơn lót chân-mạng đế-vương.
Linh-Mục Cadier là người đã đi tìm đọc thấy 14 bức thư chữ Nôm của Nguyễn-Ánh gửi các giáo-sĩ. Trong số đó có cả tờ lệnh ban cho Sĩ-quan Pháp thuộc Hải-quân của Ông.
Chúng ta vô cùng thương-cảm cho một Ông Hoàng đã mất hết uy-quyền, cải-trang thường-dân, lênh đênh góc biển chân trời, hải-đảo xa vắng, thốt lời chua-chát, than-thở cho số-phận đắng-cay, ray-rứt vì chưa làm tròn bổn-phận với Tổ-tiên. Bằng văn Nôm, Ông tự biểu-lộ là một người bạn thành-thực chí tình, một người cha thương nhớ đứa con mình xa cách nửa vòng trái đất...
Có lẽ nhà Vua đã viết nhiều tài-liệu tương-tự hay tác-phẩm nôm na như vậy, nhưng nay đã bị thất-lạc. Khi cần khích-động lòng quân-sĩ và đồng-bào Việt-Nam của mình, Ông cũng viết tiếng Việt-Nam. Đạo Dụ bằng quốc-văn trong cuộc duyệt-binh ngày 26 tháng 3 năm 1800, trước khi binh-đoàn khởi-hành hay xuống tàu đi cứu Võ Tánh, là một bằng-chứng vậy!
Giao-thương Khắp Nẻo.
Nối tiếp sự nghiệp các Chúa, Nguyễn-Ánh mở mang việc thương-mại với các nước láng giềng và thuyền buôn Tây-phương. Sau khi chiếm lại được Gia-Định lần chót từ tay Tây-Sơn, Nội-viện Trần Vũ Khách đưa tàu đi Giang Lư Ba (Batavia), Cai-đội Ô-li-vi, Đội-trưởng Ba-la-di đi Goa, Mã-la-Kha (Ba-la-kha - Malacca). Tài-liệu Tây-phương cho biết L. Barizy còn trương hiệu-kỳ của chúa Nguyễn buôn bán với thương-nhân Đan mạch, Hanop và Stevenson. Đứng trung-lập trong chiến-tranh Anh Pháp, họ làm đại-lý cho Ánh ở Tranquebar (Ấn-Độ). Các thương-cảng miền Nam bắt đầu hồi-sinh.
Trước nội-chiến, Tourane nườm nượp những ghe trọng-tải từ 40-150 tấn đến chở cau, đường. Mỗi chuyến riêng mỗi thứ mang đi hàng 40 ngàn tấn. Nhưng vào khoảng năm 1790, khi Âu-châu e ngại với Tây-Sơn, đường cát tuy có rất nhiều ở Quảng-Nam nhưng không trở thành món hàng xuất-cảng. Kết-quả của sự thiếu giao-thương là hiệu-năng vũ-khí của Tây-Sơn suy-kém hẳn đi. Trong Lịch Sử Nội-Chiến Ở Việt-Nam, Tạ Chí Đại Trường viết: Những khẩu súng nhồi bằng thuốc đạn Trung Hoa không bắn xa bằng thứ cùng loại ở Gia Định nhồi bằng thuốc đạn Tây Phương.
Thủy-chiến là Sở-trường của ta
Trở lại với thủy-chiến, ta thấy Liệt Truyện q.10, 6b chép rằng; Nguyễn-Ánh và các tướng của Ông thường lý-luận và tin-tưởng rằng: "Thủy-chiến là sở-trường của ta". Thủy-binh bao giờ cũng tiến nhanh và là mũi nhọn phóng sâu vào đất địch trước bộ-binh. Tư-thế chủ-động và tính-cách độc-lập của thủy-quân còn được Sử-gia Tạ Chí Đại Trường xác nhận là quân ngoài biển không những luôn luôn đi tiên-phong mà nhiều khi còn phải làm thế nương tựa cho quân bộ-chiến có khả-năng tiến lên nữa.
Nhận biết thủy-quân là quan-trọng, giá tiền thưởng khi bắt lính đào-ngũ có sự cách biệt rõ rệt: quân nào bắt được lính bộ thì thưởng 30 quan, còn được thủy-binh thì được hưởng tới 40 quan (thực lục quyển 4, 12a.
Nhà Nguyễn kiến-trúc nhiều chiến-hạm tân-tiến. Các Tây-dương dạng-thuyền như Thoại-Phụng của Barizy điều-khiển, Loan-phi của Chaigneau, Bằng-Phi của DeForcan, Phượng-Phi của Vannier đều có kỹ-thuật rất cao, với thủy-thủ-đoàn và quân đổ-bộ đông tới 300 người.
Đánh tan Hạm-đội thuyền Tề-ngôi Trung-Hoa.
Khi Vua Quang-Trung qua đời, lực-lượng quân-sự phía mặt biển suy-yếu thấy rõ. Tây-Sơn phải tìm cách bù đắp. Bọn cướp biển Tề-Ngôi người Trung-Hoa được bổ túc vào sự thiếu sót đó. Các thuyền Tề- Ngôi vừa giữ nhiệm-vụ tiếp-tế cho nội-địa vừa chính là một bộ-phận của thủy-quân Tây-Sơn để quân- bình sự yếu-kém vậy.
Ngoài Bắc-Hà, thuyền buôn không đến nhiều. Của cải trong nước hư-hao. Sử nhà Nguyễn chép: Cha con Nguyễn-Quang-Bình dùng binh cướp nước, sai hơn 100 chiếc Tàu ô, 12 viên Tổng-binh lấy tiếng là tìm mua quân lương, đi chiêu-tập nhiều tụi vong-mạng dọc bờ biển Trung-Quốc. Lấy quan tước làm mồi nhử, cấp cho thuyền và khí-giới, sai đưa đường cướp Mân, Việt, Giang, Chiết... (Lịch Sử Nội-Chiến Ở Việt-Nam, Tạ-Chí Đõi-Trường, trang 221).
Tuy số lượng tàu hải-tặc Trung-Hoa rất đông, nhưng chúng thường ô-hợp, nên dần dần bị Chúa Nguyễn đánh tan. Chủ-tướng của chúng là Đông-hải-Vương Mạc-Quần-Phù cùng các tướng bị bắt ngoài khơi Thị-Nại khoảng tháng 5 năm 1801. Thủy-Quân Gia-Định tung-hoành ra lấy Phú-Xuân, rồi Thăng-Long mà không sợ một lực-lượng lưu-động biển nào theo đuổi ngăn trở nưã.
Sự Chắc-chắn của các Chiến-Hạm Nam-Hà
Thực ra sau khi làm chìm chiếc tầu Macao tịch thu được của người Bồ bị bão dạt vào Quy Nhơn, Tây Sơn cũng cố gắng phát-triển thủy-quân. Nguyễn-Huệ đã cho đóng những chiếc đại-hiệu-thuyền có thể chở nổi các con voi trận. Có lẽ đó là những chiếc tàu mà người Anh đi lạc vào thành Quảng-Nam chuyến tháp-tùng phái-bộ MacCartney đã nhìn thấy và ước-lượng đến 150 tấn trọng-tải và chắc cũng là loại tàu Định-quốc mà Vũ Văn Dũng đem án ngữ ở cửa Thị-Nại trong trận thủy-chiến năm 1801.
Thế nhưng chúng ta hãy nghĩ tới những chiếc tàu chiến bọc vỏ đồng của Nguyễn-Ánh rõ là tân-tiến và có sức chịu đựng hơn nhiều.
Đánh tan Hạm-đội thuyền Tề-ngôi Trung-Hoa.
Khi Vua Quang-Trung qua đời, lực-lượng quân-sự phía mặt biển suy-yếu thấy rõ. Tây-Sơn phải tìm cách bù đắp. Bọn cướp biển Tề-Ngôi người Trung-Hoa được bổ túc vào sự thiếu sót đó. Các thuyền Tề- Ngôi vừa giữ nhiệm-vụ tiếp-tế cho nội-địa vừa chính là một bộ-phận của thủy-quân Tây-Sơn để quân- bình sự yếu-kém vậy.
Ngoài Bắc-Hà, thuyền buôn không đến nhiều. Của cải trong nước hư-hao. Sử nhà Nguyễn chép: Cha con Nguyễn-Quang-Bình dùng binh cướp nước, sai hơn 100 chiếc Tàu ô, 12 viên Tổng-binh lấy tiếng là tìm mua quân lương, đi chiêu-tập nhiều tụi vong-mạng dọc bờ biển Trung-Quốc. Lấy quan tước làm mồi nhử, cấp cho thuyền và khí-giới, sai đưa đường cướp Mân, Việt, Giang, Chiết... (Lịch Sử Nội-Chiến Ở Việt-Nam, Tạ-Chí Đõi-Trường, trang 221).
Tuy số lượng tàu hải-tặc Trung-Hoa rất đông, nhưng chúng thường ô-hợp, nên dần dần bị Chúa Nguyễn đánh tan. Chủ-tướng của chúng là Đông-hải-Vương Mạc-Quần-Phù cùng các tướng bị bắt ngoài khơi Thị-Nại khoảng tháng 5 năm 1801. Thủy-Quân Gia-Định tung-hoành ra lấy Phú-Xuân, rồi Thăng-Long mà không sợ một lực-lượng lưu-động biển nào theo đuổi ngăn trở nưã.
Sự Chắc-chắn của các Chiến-Hạm Nam-Hà
Thực ra sau khi làm chìm chiếc tầu Macao tịch thu được của người Bồ bị bão dạt vào Quy Nhơn, Tây Sơn cũng cố gắng phát-triển thủy-quân. Nguyễn-Huệ đã cho đóng những chiếc đại-hiệu-thuyền có thể chở nổi các con voi trận. Có lẽ đó là những chiếc tàu mà người Anh đi lạc vào thành Quảng-Nam chuyến tháp-tùng phái-bộ MacCartney đã nhìn thấy và ước-lượng đến 150 tấn trọng-tải và chắc cũng là loại tàu Định-quốc mà Vũ Văn Dũng đem án ngữ ở cửa Thị-Nại trong trận thủy-chiến năm 1801.
Thế nhưng chúng ta hãy nghĩ tới những chiếc tàu chiến bọc vỏ đồng của Nguyễn-Ánh rõ là tân-tiến và có sức chịu đựng hơn nhiều.
Số Thủy-binh trong Quân-đội
Vào đầu thập-niên 1800, Thủy-binh chuyên-nghiệp của Nguyên-Ánh gồm có:
Lính làm thuốc đạn xưởng đóng tàu 8,000
Thủy-binh trên các tàu trong cửa biển 8,000
Thủy-binh trên các tàu đóng kiểu Âu 1,200
Thủy-binh trên các ghe bầu 1,600
Thủy-binh trên các thuyền chiến có chèo 8,000
Tổng-số Thủy-quân là 26.800 người trong một quân-lực 139.800. (Lịch Sử Nội-Chiến Ở Việt-Nam, Tạ-Chí Đại-Trường, trang 230).
Lưu-ý rằng quân-đội Nguyễn Ánh bao gồm nhiều quân, binh-chủng như tượng-quân, công-binh, pháo-binh, tiếp-vận, truyền-tin ... Riêng về nhân-lực của Xưởng Đóng Tàu (8,000 người) cần một sự so-sánh với Hải-Quân Công-Xưởng Ba Son để được dễ hiểu. Trong thế-kỷ 20, thường thường chỉ có từ 2,000 đến 3,000 thợ mà thôi.
Hoàng-Đế Nguyễn-Ánh, một Biểu-tượng Hải-Quân
Những người lính thủy ngày nay cho dù có bất-đồng ý-kiến về bất cứ một vai trò lịch-sử nào của nhà Nguyễn, cũng phải công-nhận Hoàng-Đế Nguyễn-Ánh là một trong những biểu-tượng Hải-Quân vĩ-đại nhất trong dòng Sử Việt. Ông đã làm nức lòng quân-đội, nhất là Thủy-quân khi đích-thân nhận quyền Hạm-Trưởng một chiếc Thoại-hạm.
Vị Hoàng-đế này cũng là nhà chiến-lược hải-chiến tài-ba và rất có thể là vị tướng-lãnh Việt-Nam đầu tiên sử-dụng hải-pháo để mở đường tiến quân, phá-hủy mục-tiêu, đồng-thời dùng thủy-quân xung-phong, giúp cho bộ-binh chiếm-đóng đồn địch. Những hoạt-động quân-sự này chính là bước đi tiền-thân của các Hải-Đoàn Xung-Phong mà ta thấy sau này.
Đốt cháy Hạm-Đội Anh-Cát-Lợi.
Dù không còn phải dụng-binh nhiều sau năm 1802, Thủy-quân Nhà Nguyễn vẫn còn rất mạnh. Nước Anh đưa thư xin ngoại-giao thông-thương ba bốn lần đều bị khước từ. Năm 1803 khi một Hạm-đội của họ gồm 7 chiếc tàu tiến từ Biển Đông theo đường sông vào Hà-Nội, bị quân ta đốt cháy. Không thấy chính-phủ Anh-Cát-Lợi phản-đối.
Có lẽ vì Anh-Quốc biết rằng mình có lỗi khi xâm-nhập hải-phận và lãnh-thổ Việt-Nam một cách bất-hợp-pháp, nên mọi việc cũng êm. Tài-liệu hiếm này được Nhà Quân-Sử Phạm Văn Sơn ghi lại trong Việt-Sử Toàn-Thư, xuất-bản năm 1960, trang 591.
(Vũ Hữu San)
---
Những trận đánh giặc biển của các chúa Nguyễn
Thời kỳ thành lập, thủy quân Nam Hà phải đối phó với không chỉ họ Trịnh phía Bắc, mà còn phải đánh với cả Oa khấu Nhật Bản, Hà Lan, Anh quốc, Bồ Đào Nha, Tề Ngôi, Đồ Bà... Đại Nam thực lục không ghi hết, như việc đánh Oa khấu kia.
(Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên)
Early Vietnamese official records documented the first contact between the Japanese and the Viets occurred in 1585. Lord Nguyen Hoang's sixth son led a squadron of more than ten ships to Cua Viet seaport where he destroyed two of the pirates' ships of Kenki, a Japanese pirate mistaken for a Westerner. Later in 1599, Kenki's ship had been wrecked in the Thuan An seaport and captured by Lord Nguyen Hoang's general. In 1601, Lord Nguyen Hoang sent the first official letter to Tokugawa Shogunate apologizing for his attacking the ship belonging to Kenki, a Japanese merchant, and to praise for the amicable friendship between the two countries.
Ất Dậu, năm thứ 28 [1585], bấy giờ có tướng giặc nước Tây Dương hiệu là Hiển Quý (Hiển Quý là tên hiệu của bọn tù trưởng phiên, không phải là tên người) đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ sáu lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy.
Chúa cả mừng nói rằng : “Con ta thực là anh kiệt”, và thưởng cho rất hậu. Từ đó giặc biển im hơi.
(Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần)
Giáp thân, năm thứ 9 [1644]
Thế tử Dũng Lễ hầu (tức là Phúc Tần, Thái tông Hiếu triết hoàng đế) đánh phá giặc Ô Lan ở cửa Eo. Bấy giờ giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thủy quân ra đánh, Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, gần ngại chưa quyết. Thế tử đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra, Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền Thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng Thế tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiếc thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhằm thẳng phía đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết. Thế tử bèn thu quân về.
Chúa mới nghe tin Thế tử đi có một mình cả sợ, bèn tự đốc suất đại binh tiếp ứng, vừa tới cửa biển, xa trông khói đen bốc mù trời, kíp ra lệnh cho các quân tiến lên. Tới khi được tin thắng trận, chúa mừng lắm, kéo quân về hải đình để chờ. Thế tử đến bái yết. Chúa giận trách rằng: “Mày làm Thế tử, sao không thận trọng giữ mình?”. Lại thiết trách Trung về tội không bẩm mệnh. Trung cúi đầu tạ tội giờ lâu, rồi nhân khen ngợi oai phong anh dũng của Thế tử không ai kịp được. Chúa cười nói rằng: “Trước kia tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa”.
(Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu)
Giặc biển là người Man An Liệt có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ ban, ngũ ban(2) (mấy ban cũng như mấy bực, nguyên người Tây phương dùng những tên ấy để gọi bọn đầu mục của họ) cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan (con Chưởng dinh Trương Phúc Cương, lấy công chúa Ngọc Nhiễm) đem việc báo lên. Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy.
Mùa đông, tháng 10, dẹp yên đảng An Liệt. Trước là Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan mộ 15 người Chà Và sai làm kế trá hàng đảng An Liệt để thừa chúng sơ hở thì giết. Bọn An Liệt không biết. Ở Côn Lôn hơn một năm không thấy Trấn Biên xét hỏi, tự lấy làm đắc chí. Người Chà Và nhân đêm phóng lửa đốt trại, đâm chết nhất ban, nhị ban, bắt được ngũ ban trói lại, còn tam ban, tứ ban thì theo đường biên trốn đi. Phúc Phan nghe tin báo, tức thì sai binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp. Chúa trọng thưởng người Chà Và và tướng sĩ theo thứ bực. Tên ngũ ban thì đóng gông giải đi, chết ở dọc đường.
(Võ vương Nguyễn Phúc Khoát)
Mùa thu, tháng 8, giặc biển tên là Đức (không rõ họ) cướp bóc miền ngoài biển Long Xuyên. Mạc Thiên Tứ được tin báo, tức thì sai cai đội Từ Hữu Dụng đem 10 chiếc chiến thuyền, đi bắt được bọn giặc đem giết hết.
---
Chiến tranh với Tề Ngôi Trung Hoa
(1792) Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ kết với 40 chiếc thuyền của bọn giặc biển Tề Ngôi khiến chúng men các vụng biển từ miền Khang Thuận trở vào, cướp bóc nhân dân. Vua nghe tin, sai Phó tướng Tả quân là Nguyễn Long đem binh thuyền giữ cửa biển Tắc Khái kiêm quản hai đạo Lý Lê và Xích Lam, phân phái đi tuần ngoài biển, phòng bị nghiêm nhặt.
(1794) Bảy chiếc thuyền sai tuần biển của Phú Yên bị giặc biển Tề Ngôi cướp, Lưu thủ Nguyễn Văn Nhân báo lên. Vua xuống dụ nghiêm trách, sai triệt hết thuyền về Diên Khánh.
(1797) Võ Tánh dẫn quân ra Đại Chiêm, gặp Đô đốc giặc là Nguyễn Văn Ngũ và thuyền của bọn giặc biển Tề Ngôi ở ngoài khơi, đánh vỡ, bắt được bọn giặc là Dương Khả Đại, Dương Long Phát, thu được thuyền chiến và tàu Ô hơn 30 chiếc. Khi đến thì đóng quân ở Hà Thân, thanh thế lừng lẫy.
Ngoài biển Bình Khang có một chiếc thuyền của bọn giặc biển Tề Ngôi đậu ở Hòn Tre, Lưu trấn Diên Khánh Nguyễn Văn Thành sai Cai cơ Lê Quang Tường đem binh đội thắng thủy đánh bắt được. Việc tâu lên. Vua thưởng cho 3 tấm sa đoạn và 100 quan tiền.
(1798) Giặc biển Tề Ngôi đóng ở phần biển Cù Huân. Lưu trấn Diên Khánh Nguyễn Văn Thành nghe báo, sai bọn Cai cơ Lê Quang Tường đem quân đuổi theo bắt, tới Diên áo [Vũng Diên] bắt được hai chiếc thuyền, còn thì chạy thẳng về đông. Vua thưởng cho bọn Tường các thứ nhiễu 2 tấm, sa mát 4 tấm và tiền 100 quan.
(1799) Quản vệ Phấn dực là Tống Phước Lương đánh phá được thống binh giặc biển Tề Ngôi là Phàn Văn Tài ở cửa biển Kim Bồng, đuổi đến Phú Yên lại đánh được, Trước là Tây Sơn chiêu nạp bọn đầu sỏ giặc biển, trao cho chức thống binh, muốn lợi dụng cái nghề thủy chiến của họ để chống quân ta, đến đây bị quân ta đánh thua, thế giặc thêm nhụt.
(1800) Đảng giặc là giặc biển Tề Ngôi đem 12 chiếc thuyền lấn vào vũng Hòn Khói. Phó trưởng chi chi Tiền du Thắng võ là Trần Văn Duyên đem quân đón đánh, giặc không lên bờ được, lại đem thuyền ra biển.
Thuyền đảng giặc là bọn giặc biển Tề Ngôi bị gió dạt đến ngoài biển Thị Nại. Sai hai vệ Nội trực và Túc trực đuổi theo, bắt được Đông Hải vương nguỵ là Mạc Quan Phù, thống binh là Lương Văn Canh và Phan Văn Tài cùng bè đảng rất nhiều.
(1802) Tống Phước Lương và Nguyễn Văn Vân đánh phá được giặc biển ở châu Vạn Ninh. Trước là giặc biển Tề Ngôi là Trương á Lộc ngụy xưng là thống binh, tụ đảng ở ngoài khơi, cướp bóc thuyền buôn, giặc Tây Sơn từng mượn sức để chống cự quan quân. Từ trận thua ở cửa biển Nhật Lệ, nó ngầm trốn ra ngoài biển Vạn Ninh, hoành hành cướp bóc. Trấn thần Yên Quảng đem việc báo lên. Vua sai Phước Lương và Văn Vân đem thủy quân để đánh. Quân đến cửa biển Vân Đồn, gặp 15 chiếc thuyền giặc, đánh phá được, chém được tướng giặc là Trịnh Thất và bè đảng rất nhiều, bắt được bọn Trương ái Lộc 11 người. Dư đảng nghe tin chạy trốn.
Vua thấy mùa gió mùa nước đã muộn, cho rút quân về, hạ lệnh cho các địa phương duyên hải phòng bị nghiêm thêm, rồi sai trấn Yên Quảng đưa bọn giặc bị bắt giải giao cho Khâm Châu nước Thanh.
(1803) Hơn trăm chiếc thuyền của giặc biển Tề Ngôi ra vào ở khoảng Tiên Yên và Vân Đồn, xâm bức bảo Cỗ Dũng, lại vào cả sông Bạch Đằng, cướp bóc địa phương Kinh Môn. Nguyễn Văn Thành sai Chưởng dinh Nguyễn Đình Đắc, Đô thống chế Phan Tiến Hoàng, Tán lý kiêm Binh bộ Đặng Trần Thường đem quân đánh dẹp.
Vua nghe báo, sai Nguyễn Văn Trương lãnh quân thủy bộ đến cùng Văn Thành điều độ biền binh phái thêm để phòng triệt những đường trọng yếu. Hương cống cũ triều Lê là Bùi Huy Ngọc và Nguyễn Huy Khuê người Yên Quảng họp đem thổ hào ở hai tổng Hà Nam và Hà Bắc đi theo quan binh, đánh chém được 6 đầu giặc, bắt được thiếu úy giặc là tên Vân. Thổ hào ba huyện Kim Thành, Thủy Đường và Giáp Sơn thuộc Hải Dương cũng đều họp quân đón đánh, chém được 2 đầu giặc, bắt được hơn 60 người. Thuyền giặc chạy ra biển về phía đông. Văn Thành đem tình trạng tâu lên. Vua cho Huy Ngọc làm tham hiệp Yên Quảng, Huy Khuê làm Tri huyện Hữu Lũng. Các thổ hào đều được thưởng thụ cai đội, đội trưởng, cai thuộc, ký thuộc, cai tổng, phó tổng khác nhau.
(1804) Thủy sư Bắc Thành đánh tan giặc biển Tề Ngôi ở hải phận Yên Quảng, bắt được quân giặc 13 người và thuyền ghe khí giới đem nộp.
Thuộc hiệu Yên Quảng là Đoàn Bá Giai đi tuần biển, bắt được ba tên giặc đảng Tề Ngôi và thuyền ghe khí giới. Thành thần đem việc tâu lên, Thưởng cho 50 quan tiền.
Giặc biển Tề Ngôi là tên Trạc ngụy xưng là Ninh Hải đại tướng quân, họp hơn 60 chiếc thuyền, lại quấy rối châu Vạn Ninh trấn Yên Quảng. Trấn thủ Lê Văn Vịnh suất binh dân đánh dẹp. Cai châu Phan Phương Khách, phó châu Phan Đình Trung, tiền tri châu Vi Quảng Vỹ tiến đánh, chém được Trạc và đồ đảng 4 người, giặc vỡ chạy. Thành thần đem việc tâu lên. Sai cho Phương Khách làm phòng ngự sứ, kiêm cai việc châu, cho Đình Trung làm phòng ngự đồng tri, kiêm việc phó châu và Quang Vỹ làm phòng ngự thiêm sự, thưởng cho tiền 500 quan, thưởng khắp cho binh dân 1.000 quan.
(1805) Quan Bắc Thành tâu rằng : “Giặc biển Tề Ngôi là bọn Trịnh Năng Phát, Hoàng Long, Sĩ Tiến nhiều lần bị quan quân đuổi bắt, trốn vào động La Phù ở Long Môn nước Thanh. Đã bao lần tư cho Long Môn mà quan ở đấy cứ che chở. Xin gửi công văn cho Tổng đốc Lưỡng Quảng để dẹp bắt”.
Xuống chiếu trả lời rằng : “Người Thanh dung túng giặc cướp là lỗi ở họ, không nên tư báo làm chi. Duy nếu bọn giặc tụ họp thì dân ta không khỏi sợ hãi ly tán. Vậy sai trấn thần Yên Quảng đặt đồn bảo nghiêm việc phòng bị cho dân yên ổn”.
Giặc biển cướp ở ngoài biển Nghệ An, lính tuần dương đánh đuổi chạy, bắt được 18 người. Trấn thần tâu lên. Thưởng tiền 200 quan.
(1806) Giặc biển Tề Ngôi họp 30 chiếc thuyền lẩn vào Hoa Phong đốt cướp bảo Phượng Hoàng. Thành thần sai phó tướng Tiền quân là Trương Tấn Bửu đem chu sư đi đánh đuổi. Sai Quản cơ Tiền thủy là Nguyễn Văn Hạnh, Phó vệ úy Tiền dực là Nguyễn Văn Lữ quản binh thuyền đi vận chuyển gỗ ở Bình Định. Vua dụ rằng : “Giặc biển Tề ngôi lẩn lút ở ngoài biển, bọn ngươi nên gia tâm phòng bị. Ai bắt được thuyền giặc, thuyền lớn thì thưởng tiền 1.000 quan, thuyền nhỏ thì 500 quan”.
Thổ hào châu Vân Đồn trấn Yên Quảng là bọn Nguyễn Đình Bá và Phạm Đình Quế bắt được bọn giặc Tề Ngôi và thuyền ghe khí giới, quan Bắc Thành đem việc tâu lên. Cho bọn Đình Bá làm đội trưởng, thưởng tiền 300 quan. Những giặc Thanh bắt được sai đưa trả về nước Thanh. Người Hán [người Việt] bị giặc bắt phải theo đều thả hết.
(1807) Giặc biển tỉnh Mân nước Thanh là Thái Khiên và Chu Phần bị quan quân nước Thanh đuổi bắt, chạy trốn ra ngoài biển, Tổng đốc Lưỡng Quảng gửi thư cho Bắc Thành nói thuyền giặc đều mũi xanh cột buồm đỏ, nếu có chạy đến hải phận ta thì đón bắt cho. Thành thần đem việc tâu lên. Vua hạ lệnh cho các quan địa phương duyên hải từ Quảng Đức trở ra Bắc đều phát binh thuyền đi tuần xét.
(1808) Hơn 80 chiếc thuyền giặc Tề Ngôi bị người Thanh đuổi bắt, trốn chạy đến ngoài biển Yên Quảng, Thành thần sai chánh thống Hữu đồn Tiền quân là Bùi Văn Thái, Phó thống Tả đồn là Nguyễn Văn Trị đem binh thuyền tiến đánh, chánh quản thập cơ quân Thần võ là Trần Văn Thìn đem quân bộ đến Hải Dương tiếp ứng, Chưởng dinh Trương Tiến Bửu làm Điều bát nhung vụ. Bọn giặc xâm phạm sông Bạch Đằng, áp đánh trấn lỵ Yên Quảng. Trấn thủ Lê Văn Vịnh cùng với Nguyễn Văn Trị đánh lui được giặc, chém được hơn mười đầu giặc và bắt được già trẻ hơn sáu chục người. Giặc bèn đem thuyền chia đậu ở các hải phận Hải Dương, Thanh Hoa và Nghệ An. Thành thần tâu lên. Vua lo thổ phỉ liên lạc với hải phỉ, bèn sai Tống Phước Lương quản lãnh binh thuyền tiến đánh, lại sai Thiêm sự Lại bộ là Ngô Vị theo làm việc giấy tờ ở trong quân.
Giặc biển Tề Ngôi đến cướp ở vùng sông Giá huyện Tiên Minh. Chưởng dinh Trương Tấn Bửu sai Chánh thống Thập cơ Trần Văn Thìn đem quân đi đánh. Thìn khinh suất tiến quân, bị giặc đánh úp. Tấn Bửu lại sai Chánh thống Hữu đồn là Bùi Văn Thái đến cứu viện, cùng giặc giao chiến phá được. Giặc dong thuyền chạy.
Giặc biển Tề Ngôi lại đến cướp các ấp Hoàng Châu, An Phong (thuộc huyện Nghiêm Phong) trấn Yên Quảng. Trấn thần sai quản cơ Vũ Văn Kế đem binh đi đánh, chém được vài đầu giặc, bắt mười mấy người, giặc tan chạy. Tống Phước Lương chia sai binh thuyền đi tuần xét, đánh bại quân giặc ở cửa Liêu, bắt được bọn giặc là Nguyễn Văn Thung 7 người và 4 chiếc thuyền. Thế giặc cùng quẫn. Đồ đảng là bọn Lương Kim Ngọc, Trần Thế Dịch đem 2 chiếc thuyền và hơn 70 người thủy thủ vào đầu thú ở Nghệ An. Trấn thần tâu lên. Vua sai tha tội và cho an tháp ở phố Thanh Hà.
(1810) Cho Khâm sai cai cơ Phạm Văn Tường và Nguyễn Văn Hạnh làm Khâm sai chưởng cơ. Sai Nguyễn Văn Hạnh suất 500 thủy quân, 20 chiến thuyền đi đóng thú ở đồn thủy Nông Giang thuộc Bắc Thành, kiêm chưởng bốn dực cơ. Thành thần thấy chiến thuyền ở thành, lâu năm mục nát, tâu xin cấp thêm cho thuyền kinh, sai một người chưởng Thủy quân quản lãnh, để phòng khi trưng phát, cho nên có mệnh này. Gặp giặc biển Tề Ngôi là bọn Ô Thạch Nhị, Đông Hải Bát, Lý A Thất bị Tổng đốc Lưỡng Quảng nước Thanh đuổi riết, phải trốn ra mặt biển thuộc bốn phủ Cao, Liêm, Quỳnh, Lôi. Khâm Châu gởi giấy cho Bắc Thành hẹn đem quân ra ngăn chặn. Thành thần đem việc tâu lên. Vua bảo Tống Phước Lương rằng: “Bọn giặc biển lẩn lút ở bãi Bạch Long, chỉ là sống tạm bợ thôi. Nay người Thanh đuổi bắt, ta nên cùng hợp sức để dẹp cho yên
mặt biển. Nhân sai Văn Hạnh đem binh thuyền thẳng tới Vạn Ninh. Thành thần lấy thêm binh thuyền lệ theo sai khiến. Lại thấy Vạn Ninh tiếp liền Khâm Châu, nên có người văn học để làm thư từ đi lại, sai Ngô Khản làm lục sự để giúp công việc từ chương trong quân. Hơn một tháng, bọn Ô Thạch Nhị đều bị quân Thanh bắt hết. Lý á Thất và bè lũ hơn hai chục người cũng đến quân ta đầu hàng. Bèn sai thành thần đưa bọn giặc bắt được ấy sang Khâm Châu. Văn Hạnh rút quân về đóng ở đồn thủy Nông Giang. Triệu Ngô Khản về Kinh sung Hàn lâm viện.
(Lúc này, vì sự xung đột của Liên hiệp Hải tặc, nhóm Tề Ngôi tan rã, về đầu hàng nhà Thanh. 20 năm sau, 1830, một hình thức buôn bán mới xuất hiện khiến cho hoạt động hải tặc rầm rộ trở lại: Buôn lậu nha phiến - sau lệnh cấm của nhà Thanh.)