Năm 1977, tôi làm luận văn tốt nghiệp Đại học, thời bấy giờ có mốt dùng danh ngôn đề từ cho các chương, tới một chương dịch chữ Hán, không biết trời đất run rủi hay ma quỷ xui khiến mà tôi lại bịa ra một câu đề từ “Học ngoại ngữ - đó chỉ là một lối nói. Học lại tiếng mẹ đẻ một lần nữa, phải chăng đó mới là thực chất của vấn đề?”. Giáo viên hướng dẫn là thầy Bùi Duy Tân đọc thấy bèn nhẹ nhàng hỏi “Câu này cậu lấy của ai?”. Tôi ấp úng nói là quên mất rồi, Tân sư phụ nheo nheo mắt nói “Trích dẫn thì phải ghi rõ của ai chứ, thế này là thiếu nghiêm túc”. Lúc ấy thấy sư phụ chế nhạo mình học đòi sáng tác danh ngôn, mặt mũi sượng ngắt, về sau nghĩ lại mới ngờ ngợ là trong cái nheo mắt của ông hình như có ẩn chứa một lời khen (?). Mấy vị sư phụ chữ Hán tôi được thụ nghiệp đều tinh thâm Hán học, ai cũng xử sự với đệ tử theo nguyên tắc khích lệ người nhút nhát mà đè nén kẻ hiếu thắng, nên bây giờ nghĩ lại cũng thấy tự hào, hơn 20 tuổi đã chế tạo được danh ngôn (!) được sư phụ khen ngợi kiểu chế nhạo, nhưng bỏ cái bao bì ấy đi thì vẫn là khen, há chẳng vui ru? Cách đây vài năm lại đọc một bài phỏng vấn anh Cao Xuân Hạo, thấy anh nói một câu đại ý Muốn dịch giỏi phải giỏi tiếng Việt, trong lòng quả có cảm giác Bậc trí giả kiến thức thường giống nhau. Nhưng trong bản dịch Vô ảnh đăng (Đèn không hắt bóng) của Nhật qua bản tiếng Nga thì dịch giả Chiến tranh và hòa bình lại quá trung thành với bản tiếng Nga khi cho nhân vật bác sĩ nói với viên cảnh sát “Chữ thương bộ thủ chứ không phải chữ thương bộ nhân” trong khi hoàn toàn có thể dịch là “Tổn thương chứ không phải chấn thương”. Trong một lần uống rượu với anh Hạo tôi có nhắc tới chuyện này, và vì biết tôi từng được học chữ Hán với cụ Cao Xuân Huy, nên anh buồn rầu nói “Tôi không nối nghiệp được ông cụ về chữ Hán”. Thật ra đó chỉ là một sơ suất rất nhỏ trong thao tác dịch thuật nhưng lại khiến một nhà ngữ học nổi tiếng như Cao Xuân Hạo chạnh lòng nghĩ tới cả học nghiệp lẫn gia thế của mình, đủ thấy giỏi tiếng Việt trong đó có mảng từ Việt Hán là rất cần thiết dù không phải dễ.
Mươi năm trước, nhiều người hăng hái bàn tới việc dạy lại chữ Hán cho học sinh phổ thông, nhưng dù sao thì nói vẫn dễ hơn làm, vả lại muốn dạy chữ Hán thì trước hết phải đào tạo được một đội ngũ thầy cô để dạy chữ Hán, mà thứ kiến thức này xem ra lại không dễ dạy thêm như các môn Anh văn toán lý. Cho nên dường như các nhà Về nguồn học đã chán không muốn đeo đuổi mục tiêu ít thực tế và không kinh tế ấy nữa, có điều mảng từ Việt Hán trong tiếng Việt vẫn tồn tại với nhiều vấn đề khiến những người đọc sách phải quan tâm.
Phát triển nhiều năm trong môi trường văn hóa Việt Nam, mảng từ Việt Hán trong tiếng Việt có rất nhiều khác biệt với mảng từ Hoa Hán. Chẳng hạn cái mà người Việt Nam gọi là sức sản xuất thì người Trung Quốc gọi là sinh sản lực, người Việt Nam gọi là sinh sản (sinh đẻ) thì người Trung Quốc gọi là sinh dục, người Việt Nam gọi là sinh dục thì người Trung Quốc gọi là tính dục. Những biến động lịch sử ở Việt Nam còn làm hình thành trong mảng từ Việt Hán những biệt sắc địa phương khác nhau, chẳng hạn người miền Bắc đọc chữ Hán theo Đường âm thế kỷ IX, X thì nói là Hoàng, Phúc, Vũ, Diến Điện còn người miền Nam từ Quảng Nam trở vào chịu ảnh hưởng Minh âm, Thanh âm theo chân các di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam qua Đàng Trong tỵ nạn chính trị thế kỷ XVII, XVIII thì nói là Huỳnh, Phước, Võ, Miến Điện. Đây là chưa nói tới mảng từ Hoa Hán du nhập theo con đường khẩu ngữ loại lạp xưởng (lạp trường), há cảo (hà giảo), xào (sao), ké (ký), xỉu (hưu)... đặc biệt phổ biến trong phương ngữ Nam Bộ, cách đọc quen thuộc này đã xóa nhòa ranh giới Hoa Hán - Việt Hán trong trường hợp tên nữ diễn viên điện ảnh Hương Cảng Trịnh Bội Bội bị đọc thành Trịnh Phối Phối ở miền Nam trước 1975. Tương tự, nếu so sánh mảng từ Việt Hán ở hai miền Nam Bắc trước 1975 cũng có thể tìm thấy nhiều nét khác biệt như miền Nam nói là hoàn tất còn miền Bắc nói là kết thúc, hay quân đội Sài Gòn có sắc lính biệt kích thì quân đội miền Bắc có binh chủng đặc công, mỗi bên lấy một nửa trong các cặp từ đặc biệt và công kích để tạo từ. Ngoài ra qua thực tế sử dụng nhiều từ Việt Hán cũng dần dần được gán thêm những ý nghĩa trang trọng như trường kỷ nghe sang hơn ghế dài cũng như các sắc thái tình cảm - tâm lý riêng biệt, chẳng hạn thương thì khen là kiên trì còn ghét thì chê là cố chấp, hoặc địch thì ngoan cố chứ ta thì nhất định phải là kiên cường... mặc dù các cặp kiên trì - cố chấp, kiên cường - ngoan cố có nghĩa đen hoàn toàn giống nhau.
Nhiều người vẫn nghĩ nếu biết chữ Hán thì sẽ sử dụng các từ Việt Hán tốt hơn, ví dụ sẽ không lầm yếu điểm ra điểm yếu nhưng thật ra không hẳn như thế hay không chỉ như thế. Phía sau chữ Hán là cả một nền văn hóa phong phú về nội dung và đa dạng về phong cách, nên để nói và viết đúng mảng từ Việt Hán trong tiếng Việt hiện nay thì phải chú ý tới vấn đề từ pháp (cách cấu tạo từ). Chẳng hạn vô, bất, phi có vẻ gần nhau nhưng vô nghĩa, bất nghĩa, phi nghĩa thì hoàn toàn khác nhau. Từ trước 1975, người miền Nam đã quen với câu “Không biết thì không có tội” phổ biến trong các truyện võ hiệp. Nhưng các dịch giả đương thời vì sơ suất đã dịch sai, chứ đó vốn là thành ngữ “Bất tri giả bất tội” (Kẻ không biết thì không bắt tội). Vô tội mới là không có tội, chứ Bất tội là Không bắt tội, vì chữ tội trong Bất tội là một động từ (theo phương thức ý động pháp trong Hán ngữ), không phải danh từ như trong Vô tội. Hay cô = độc nhưng cô + lập thì khác độc + lập, hai từ này không ai dùng sai nhưng hỏi tại sao chúng khác nhau thì ngay cả nhiều vị làm tự điển chữ Hán cũng ú ớ. Bởi cô và độc ở đây có chức năng ngữ pháp khác nhau, độc là tính từ còn cô là động từ, từ pháp khác nhau dẫn tới ngữ nghĩa khác nhau (động từ cô lập cũng có hai thể bị động và chủ động, như bị kẻ khác cô lập và làm cho kẻ khác bị cô lập).
Theo với những thay đổi trong sinh hoạt xã hội, tiếng Việt trong đó có mảng từ Việt Hán hiện nay cũng có những nét mới. Khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Giáo sư Trần Quốc Vượng có một bài viết về văn hóa Việt Nam trên báo Đại đoàn kết, nội dung thì hay nhưng có người chê anh Vượng dùng những từ như Nội lực văn hóa, đó là từ ngữ của truyện võ hiệp. Nhưng hiện nay thì người ta dùng tuốt cả Trưởng lão (cách mạng), Độc chiêu (quảng cáo) mà không ai thấy chướng tai. Có điều trên cái nền đổi mớI ấy vẫn có nhiều người không hiểu hay hiểu không rõ ý nghĩa các từ Việt Hán mà cứ sử dụng bừa đi nên trong rất nhiều trường hợp lại trở thành lố lăng, thậm chí còn là sai trái. Cách đây khoảng hai ba tháng, không nhớ Tuổi trẻ hay Sài Gòn giải phóng gì đó đưa một cái tin làm tôi giật nảy mình, đại khái là bắt được một nhóm sát thủ 12 – 13 tuổi. Đến khi đọc xong mới biết mấy đứa nhỏ ấy giết người. Trời ạ, sao không viết là giết người hay sát nhân, mà lại viết là sát thủ? Sát thủ là kẻ giết mướn, là một yếu tố trong dây chuyền công nghệ tội ác hiện đại, Việt Nam hiện nay cũng có đám đánh mướn chém mướn và có thể cả giết mướn, nhưng trẻ em 12 – 13 tuổi mà giết mướn thì nước ta đang trong tình trạng xã hội nào vậy, các vị làm báo sao không cân nhắc? Nhiều vị làm báo thích nói chữ Hán cho sang nhưng dốt nên thành nói bậy, nghe rất chướng tai, chẳng hạn đường ống nước ở phố X bị vỡ, nước chảy lênh láng ra đường, nhân dân địa phương đã báo hai ba hôm mà đến nay Công ty cấp nước vẫn chưa có động thái gì. Sao không viết là động tác hay hành động mà lại viết là động thái? Động thái là dáng vẻ của sự vận động, là một ý niệm trừu tượng giống như Hình thái, mà có ai viết Một cô gái có hình thái bên ngoài dễ nhìn không? Đây là chưa nói tới lối tạo từ Việt Hán vô nguyên tắc dẫn tới những vụ phi luân phi loại kiểu tôn Âu Cơ là Quốc mẫu còn gọi Hùng Vương là Quốc tổ, tức mẹ sinh ra ông nội, thật chẳng biết những người đầu tiên chế tác ra cặp từ Quốc mẫu - Quốc tổ ấy thờ cúng ông bà cha mẹ của họ ra sao mà bắt nhân dân phải gánh cái tội điên đảo luân thường tày đình thế này!
Có lần anh Cao Xuân Hạo nói với tôi là đi một đám cưới thấy người ta giới thiệu nhau kiểu “Vị này là hôn phu của cô kia”, nghĩ một lúc mới biết họ muốn nói anh này là vị hôn phu của cô kia. Vị ở đây là chưa, vị hôn phu tức chồng chưa cưới, họ lại tưởng là vị trong ngôi vị, kiểu các vị khách quý, các vị lãnh đạo nên mới ăn nói tréo ngoe như thế, nghĩ mà buồn cười. Cái chữ vị này còn lắm chuyện hay, ví dụ gần đây lại có người lẫn lộn vị tất (chưa nhất định, tức chưa chắc) với hà tất (tại sao phải nhất định, tức cần gì). Dĩ nhiên dùng từ sai cũng chẳng chết ai, có điều nếu thấy người ta toan nổi giận lại can bằng câu Tiên sinh vị tất nổi giận, ai nghe xong mà không nổi giận thật luôn thì đúng là chuyện lạ.
Cao Tự Thanh (1999 - 2007)
Ôi cái sự nghiệp học tiếng thật gian nan. Năm ngoái năm kia tớ có học Hán Nôm ở trường, mà học không ra đâu vào đâu, học trước quên sau >==<
Thấy bạn Ast giỏi tiếng Trung, tiếng Anh, mà thích ghê.
Ơ, mình có giỏi cái gì đâu. /__ Vừa dịch vừa tra từ điển, trình độ gà vịt nói chuyện ó. Ôm nhiêu thứ quá nặng bụng, cuối cùng chả đi đến đâu. Người đang sống ở Pháp mà bảo ngoại ngữ kém làm mình tủi thân.
Ôi, tiếng Nôm. Ông bà mình chắc là quá dư thừa thời gian đến mức ghép 2 chữ Hán thành 1 chữ Nôm học cho vui. Tại sao, tại sao không tư duy được như Nhật hay Hàn, thậm chí học chữ Ấn cũng được. Làm khổ con cháu nhìn vào thư tich của các cụ mà mắt chữ a mồm chữ o.
Mới bik đc tin sáng nay,tự dưng muốn khoe, nếu ko có gì cản trở tớ sẽ đi Nhật 1 năm vào tháng 4 năm sau ^^.
Qua đó cảnh đẹp tha hồ chụp hình tự sướng.Khỗ cái chắc chả ăn đc cái gì cho nên hồn.Nhưng hy vọng sẽ cải thiện đc khả năng tiếng Nhật =.=
Chúc mừng chúc mừng Mà đến Nhật rồi thì ở vùng nào thế?
Ui chúc mừng bạn Tuy Phong, chụp nhiều cảnh và để link ở đây để tớ vào xem nhé. ;-) Tớ nhìn ảnh bạn bè đi Nhật từng chụp, thích Osaka lắm, nhất là bức hình những cô thiếu nữ mặc trang phục áo trắng váy chùng đỏ, đứng dưới mái hiên ngôi chùa cổ hoặc cầm ô đi thướt tha trên phố ngày mưa >=< Ôi thiệt là...đẹp giản dị, lặng lặng
Cảm ơn bạn As và Lan,mình sẽ đi Kyoto.Ở đây thì cảnh rất oke nhưng nghe đồn giá cả hơi đắt,với số tiền đc cấp mỗi tháng chắc vừa đủ sống khổ =)).Nhưng mà có cơ hội wa đó tự sướng, chụp momiji khỏi đi làm là thik rùi>.<.kekeke
Bạn TP an tâm, với đà lạm phát này, vật giá VN chẳng mấy chốc mà đuổi kịp Nhật Bản, sánh vai với các cường quốc năm châu. Lúc ấy thì bạn đi đâu cũng giống như nhà mình.
Ôi, Kyoto!! *mắt chớp chớp*
Thật ra $ mỗi tháng mình nhận là do trường bên đó cấp.Mấy năm trước đã là 8man ,vậy mà wa cuộc suy thoái vừa rồi,vật giá bên đó leo thang mà vẫn giữ giá 8man là sao T________T
Nhưng mà vật giá có leo thang chắc nhìn VN cũng gọi là cụ .Tạm yên tâm (yên tâm với viễn cảnh nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu )
Ngày trc đọc Trăng soi đáy nước của As cứ ám ảnh mãi phố cổ ở Kyoto,thật ko ngờ bây giờ có cơ hội đc đi >.<