Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

80. Vi tài thù thịnh thế
Trường An in "Minh nguyệt 2" August 4th, 2019
  1. Vi tài thù thịnh thế, cô ảnh đối tàn giang[1]
    (Tài mọn đáp đền thời thịnh, bóng lẻ đối mặt lu tàn)

 

Tháng bảy năm ấy, sức khỏe của nhà vua bỗng nhiên xấu đi chưa từng thấy.

Căn bệnh kéo dài từ đầu tháng bảy qua đến gần hết tháng tám, từ lúc khí trời đầu thu còn hầm hập cho tới khi mưa đổ dầm dề ướt lạnh. Những hoàng tử đã xuất các phải vào ở lại Duyệt Thị đường coi sóc bệnh tình cho vua cha, các ngự y đã phải lên tiếng khuyên ngăn nhà vua bớt công việc hàng ngày. Những chén thuốc vẫn được đưa tới trong sự chán chường của chính nhà vua, và tất cả chỉ có thể nhìn căn bệnh từ từ thuyên giảm cùng với thời gian, trong những sự kiện vẫn dồn dập xảy ra.

Hiền tần vừa sinh, vậy là công việc trong cung được chuyển cho Trần Thị Tuyến cùng vài cung nhân lớn tuổi như Hồ Thị Tùy, Nguyễn Thị Bảo. Các hoàng nữ cũng không tránh khỏi lo lắng mà cùng túc trực nấu cháo, dâng thuốc. Số cung nhân có danh vị chỉ khoảng mười bảy người, một nửa trong số đó bận con cái, vậy là cô cũng không tránh khỏi việc phải đến coi sóc nhà vua, dù ngài ta chẳng vui vẻ gì khi thấy cô.

Như lúc này, nhìn cô bước vào với mâm thuốc trên tay, nhà vua quay đầu đi. Nhưng hôm nay là ngày chẵn, số tờ tâu việc cần kíp từ các nha chuyển tới đều ít, ánh mắt ngài ta chỉ rơi trên chậu mẫu đơn từ thuyền buôn Quảng Đông đưa đến.

“Thánh nhân không bỏ thuốc, hy vọng ngài không khác với mọi người.” Thấy thế cô bèn lên tiếng. Hôm trước ngài ta nói câu ‘thánh nhân không bỏ thuốc’ ấy sau khi không uống thuốc mấy ngày liền, các hoàng tử ở Duyệt Thị đường phải dâng sớ can xin.

Nhà vua sa sầm mặt nhưng vẫn đón chén thuốc trên tay cung nữ, uống như thể chỉ muốn nhổ ra. Cô ngồi xuống bên phòng, gọi cung nữ và nội thị lấy nước lau mặt. Dù khí trời đã dịu bớt nhưng hơi nóng buổi chiều xông lên trong phòng kín đến khó thở.

Nội giám đưa nước vào cho nhà vua rửa mặt, đắp một chiếc khăn mát lên trán ngài ta. Thấy nước còn thừa, cô múc một chén tưới cho chậu mẫu đơn trên cái đôn gần cửa sổ.

“Chẳng biết có ra hoa được không…” Cô nhìn cái cây còn bé nhưng được trồng trong chậu sứ trắng như ngọc mà nói khẽ. Ngay cả ở miền Bắc vẫn khó trồng được mẫu đơn ra hoa, vậy mà nhà vua nhất quyết tìm lấy một cây từ xa vạn dặm về. Qua mấy ngày còi cọc khô héo, chậu cây đã xanh tốt hơn, nhưng có vẻ lại chuẩn bị rụng lá mùa đông. Dù thương lái người Thanh đã quả quyết đây là loại mẫu đơn chịu nóng tốt hơn bình thường, cây này sống qua được khoảng thời gian con người cũng khó chịu nổi đã là kỳ tích.

“Ta trồng cây gì cũng đều tốt.” Nằm trong giường nghe lọt tai câu nói của cô, nhà vua liền đáp. Cô thì chẳng muốn tranh luận với ngài ta.

Từ bé ta đã thích trồng cây, cây gì ta trồng cũng đều xanh tốt[2]. Khi trồng cây trong ngự uyển và vườn Thiệu Phương, cô đã nghe nhà vua nói với lính lẫn quan trong vườn, thầm nhớ tới mấy hạt sen trắng ngày xa xưa nọ. Hiện thời thì sen trắng vươn cao trong hồ hoàng thành cùng muôn loại cây từ khắp các địa phương đem đến, có lẽ đã tạo niềm tin cho nhà vua tìm tới cái cây dường như chỉ chực chết lụi này. Cũng có thể ngài ta chỉ cần cây mẫu đơn này trong tay để thỏa mãn nỗi tò mò với mọi sự của mình, kết quả ra sao chẳng quan trọng.

“Nhưng chờ hoa nở cũng tốt thôi.” Cô nhún vai, như chỉ tự nói cho mình nghe.

Lần này thì cơ thể ngài ta đã không trụ được đợi cho các sự kiện đi qua. Đầu tháng bảy, ngài ta còn mở yến trong cung đãi các quan lớn, mấy ngày sau đã ngã bệnh. Có lẽ mệt mỏi tích tụ sau hơn nửa năm đối phó với Tả quân và Trần Nhật Vĩnh, lại thêm quốc vương Vạn Tượng gây hấn ngoài biên, đê vỡ ở Bắc Thành khiến bệnh ngài ta ngày càng kéo dài, không biết lúc nào mới khỏi hẳn.

Sau khi Tả quân về Gia Định, Trần Nhật Vĩnh được phái lĩnh Hộ tào kiêm Đê chính Bắc Thành. Nhưng anh ta chỉ vừa đi khỏi, người đã đem đơn cáo trạng lũ lượt đến dinh Tổng trấn Gia Định. Tả quân Lê Văn Duyệt không còn cách nào khác phải báo lên triều đình, nhà vua cho lệnh bắt giam Trần Nhật Vĩnh ngay tại Bắc Thành giải về Kinh. Yến tiệc đầu tháng bảy của ngài ta có lẽ là khi Trần Nhật Vĩnh bị tống vào nhà lao Hình bộ.

Cái án của Trần Nhật Vĩnh đã tạo một cơn chấn động nho nhỏ. Đó là một âm mưu, Ngọc Cửu thì thầm thuật lại lời Lê Hậu hẳn rút tỉa từ muôn kẻ xôn xao bên ngoài. Tả quân Lê Văn Duyệt rời khỏi Gia Định, để lại quyền Tổng trấn cho Nguyễn Văn Tuyên. Và cũng như Trần Văn Năng ngày xưa, vị Tổng trấn tạm này lôi ngay ra được một cái án đầy nghi ngờ trong tam tào Gia Định, lần này liên quan thẳng tới Trần Nhật Vĩnh. Lấy chức quan Đê chính dụ dỗ Trần Nhật Vĩnh về Kinh, thẳng tay xử trị hai đại quan Công bộ để làm yên lòng Tả quân, trong khi đó tiếp tục tra xét và lôi kéo những người có mâu thuẫn với Trần Nhật Vĩnh ở Gia Định, để họ đưa đơn kiện.

Tả quân bắt buộc phải báo cáo với triều đình lần này vì đơn do Nguyễn Văn Tuyên nhận đấy, người lại lao xao. Thời gian Tả quân ở Phú Xuân, nhà vua triệu Hình tào Trịnh Xuân Trạm về, lấy Nguyễn Bá Uông ở Bình Định thay, người chưa kịp tới Hình tào nên quyền tập trung về Nguyễn Văn Tuyên hết thảy. Trịnh Xuân Trạm được chính Tả quân mấy lần giữ lại Gia Định, nay ông ta vừa rời khỏi thì án phát ra.

Chị nghĩ do Hình tào Gia Định che giấu quá sâu hay Tả quân hoàn toàn không biết việc làm của Trần Nhật Vĩnh? Ngọc Cửu hỏi, hấp háy mắt, cô công chúa đơn thuần này có vẻ vẫn hứng thú chuyện phiếm hơn là lo nghĩ sâu xa. Hoàng thượng dụ bảo Tả quân là người trung thành nhưng dễ mê muội, lại chẳng biết trong bụng ngài ta thực sự nghĩ thế nào? Nhân lúc Tả quân đến Kinh mà lôi kéo thay đổi người ở Gia Định, trước khuấy lên cái án đóng thuyền, sau bỏ trống Hình tào, thậm chí Trần Nhật Vĩnh bị dụ dỗ chạy lên tận Bắc Thành. Tả quân về Gia Định với hàng trăm cái án chờ sẵn trước cửa dinh Tổng trấn. Chẳng lẽ mọi sự trùng hợp tình cờ đến thế?

Tả quân muốn đem Trần Nhật Vĩnh về Gia Định đối chất, nhưng nhà vua không cho. Hình bộ còn có thể điều tra được những gì ở kẻ được gọi là con nuôi Tả quân này? Ngay cả các quan chức ở Kinh cũng đang run rẩy sợ hãi, trong khi nhà vua mở yến ăn mừng tại điện Văn Minh.

Nhưng chiến thắng đầu tiên của ngài ta với nhóm người ở Gia Định lại nhanh chóng bị dập tắt với hành động nóng nảy của quốc vương Vạn Tượng. Được đoàn quân Việt đưa về Viên Chăn, người vừa rời đi thì vị vua này lại gây sự với nhóm quân Xiêm đang đóng bên kia bờ sông. Thấy vài cái tháp thần của mình bị phá hủy, kho thóc cũng bị quân Xiêm chiếm giữ, vua A Nỗ đem quân đánh vào doanh trại Xiêm, giết chết hơn hai trăm người. Nhóm quân do Phan Văn Thúy, Nguyễn Văn Xuân dẫn đầu vừa về triều phục mệnh, kiểm kê số người chết bệnh giữa đường, lập đàn tế và truy phong cho họ, tin tức từ Nghệ An đã ruổi tới. Xiêm đang cực kỳ tức giận, thám tử nói. Nhóm quân đóng ở Vạn Tượng đang kêu gọi giết chết vua A Nỗ, trong khi nhà vua Xiêm cũng đang hoạch định đưa đại quân đến Viên Chăn.

Không cần phải tưởng tượng sự bực bội lẫn thất vọng của nhà vua trước tình hình Vạn Tượng. Xiêm há lại chịu để yên cho một kẻ hai lần tấn công mình? Chúng nhất định kéo ta vào, tiếng nói trong triều dậy lên như sóng. Tình hình này hẳn người người đều cho là chúng ta hỗ trợ, thậm chí xúi bẩy A Nỗ đánh Xiêm. Cuộc chiến này chúng ta đã mất hoàn toàn danh nghĩa ngay khi khởi đầu.

Chẳng cần phải chờ đợi động thái của triều đình Xiêm, ngay trong mùa thu ấy, trấn thần Nghệ An báo về: Toàn bộ nhóm năm mươi người của Cai đội Thần sách Phan Văn Thống đưa sắc dụ bảo A Nỗ xin lỗi Xiêm đã bị quân Xiêm đóng ở biên giới Vạn Tượng tàn sát, chỉ để lại một viên Thủ hợp Lê Đình Duật và hai lính man chạy về báo tin.

Chiến tranh, ngày ấy, dường đã thở hơi nóng rẫy ngay sát biên giới Phú Xuân.

Cùng lúc, đê Bắc Thành tiếp tục thất bại trong dòng lũ dữ năm sau cao hơn năm trước, Bắc Ninh, Nam Định, Sơn Tây, Sơn Nam ngập chìm trong nước. Bắc Thành nối tiếp thảm họa sau dịch bệnh và gần hai ngàn căn nhà bị hỏa hoạn hồi đầu năm.

Những sự kiện liên tiếp trong thời gian nhà vua đổ bệnh khiến ngài ta không thể nằm yên trong cung nội, và những buổi thiết triều càng khiến căn bệnh kéo dài dai dẳng. Dù không còn phải nằm liệt giường như khi vừa phát, chỉ là cơ thể ngài ta vẫn yếu ớt mệt mỏi, nóng lạnh bất thường. Các ngự y buộc phải dâng sớ can ngăn xin nhà vua bớt việc, những hoàng tử lớn cũng phải vào Duyệt Thị đường để ngày ngày săn sóc hỏi thăm. Hẳn tất cả bọn họ đều vui mừng thấy nhà vua ngồi yên để ngắm một cái cây, dù có thể nó chẳng bao giờ ra hoa.

Bỗng dưng cô nhớ tới khu vườn nhà họ Hồ nằm cạnh bên dòng sông. Giàn trầu cô tặng leo cao bên bờ rào, sen trắng mặt hồ nhỏ soi hoa lá rập rờn ngày cô ấy còn sống. Có thể chính cậu ta đã tới trồng những cái cây lẫn hoa ấy vào lúc cô không có mặt.

Nội giám gọi liền vài tiếng cô mới giật mình nhận ra, đến đón lấy gói trà do Thái hậu cho đem tới. Gọi người đun nước, cô đổ búp trà khô vào ấm chờ đợi. Nhà vua lại ho thêm một lúc, cô mới đưa thuốc ngậm tới cho ngài ta.

“Ngươi làm gì ngẩn ra thế?” Cầm hộp thuốc, nhà vua cau mày nhìn cô. Cô ngồi xuống bên bàn, gẩy búp trà trong hộp.

“Thần đang nghĩ hẳn ngài cũng chỉ muốn trồng cây thôi.” Cô cười. “Có một khoảng vườn, trồng cây, đọc sách, ngắm trăng, tụ tập bạn bè. Phải đi làm việc ở đâu đó xa xôi thì vẫn luôn có một ngôi nhà chờ đợi, làm sai thì cách chức về nhà thôi chứ có gì phải sợ. Còn bây giờ ngài chỉ cần nằm đây thêm mấy ngày thì chẳng có nơi mà ở nữa.”

“Ngươi đang nghĩ cho ta à?” Nhà vua nghe như đã cười. Đến lượt cô thoáng chau mày.

“Người thương ngài bây giờ hẳn cũng có. Nhưng người xót cho cậu Tư chỉ có một.” Cô đóng gói trà, thở ra. “Người ấy thì lại không còn nữa.”

Người trong giường im lặng. Nội giám đem nước vào, cô chăm chú chuyên trà, mãi sau mới thấy ngài ta lên tiếng.

“Có ngày ta sẽ giết ngươi.” Cô nghe như thể ngài ta nghiến răng mà nói, bèn cười.

“Tôi cũng đợi ngày đó lắm.” Giọng cô dửng dưng rơi vào giữa căn phòng nhập nhoạng lúc chiều đang tắt bóng. Cô gọi người thắp đèn quanh điện, tự thân đi thắp lửa trong phòng và gian bên. Khi đặt đèn lên đầu giường, cô thấy nhà vua nhìn cô, ánh mắt không rõ là gì.

“Vừa rồi có cô gái than thở với tôi rằng ngài chỉ gọi cô ấy mỗi khi vui. Tôi thì nghĩ ngài thật là trọng thị cô ta, không để cô ta nhìn thấy vẻ tăm tối nhất của ngài lẫn bản chất của cung thành này.” Cô ngồi xuống sập bên cửa sổ, cầm quạt phe phẩy mà cười nói. “Một cái chuồng lợn.”

“Ngươi lại đang nổi nóng chuyện gì thế?” Nhà vua cười. Cô lắc đầu.

“Tôi nào có nổi nóng, chỉ đang nói sự thật thôi mà. Nên tôi không nói gì với cô ấy, chẳng phải để cô ấy mơ mộng còn tốt hơn sao?” Cô mỉm cười với chiếc quạt trong tay. “Giống như ngài vậy.”

Ngài ta cho các công chúa tái giá, cung nhân đi lấy chồng, rồi lại phong tặng tiết phụ hiếu tử khắp nơi. Ngài ta trong những giờ khắc tăm tối nhất lại vẽ nên những khu vườn đẹp đẽ, tìm kiếm trường tồn trong phù du như hoa, như hương. Ngài ta trong nỗi buồn thương tức giận lại chờ đợi nụ hoa chẳng biết có cơ hội tạo thành, từ một loại cây hẳn đã luôn nằm trong trí óc tò mò ao ước. Ngài ta yêu cái đẹp. Để rồi cứ thế mà kiệt quệ giữa cuộc đời. Gần một năm này, ngài ta làm một nhà vua chăm chỉ trong hoàng thành, không còn tìm cách bỏ trốn vào tháng năm, thậm chí cũng không tuần du, đi dạo trong núi rừng. Đổi lại là một lần bệnh đến cả hoàng cung hoảng hốt.

“Ngài có thấy từ xưa đến nay Vũ đế thì hiếu chiến, Văn hoàng thì hiếu danh, Tống tổ hiếu văn, Minh tổ hiếu sát, đến Thanh Thánh tổ cũng chẳng biết quản đám người dưới, minh quân thánh chúa nào mà chẳng bị chê trách, chẳng lỗi lầm to nhỏ, tiếng xấu rì rầm. Trong khi bọn cướp Lương Sơn được phong thánh, Bao Chửng thành thần, toàn những chuyện bịa đặt mà người tin là thật cả. Ngài phái người đi phát chẩn cho dân bị cướp đốt phá giết hại đến hàng trăm hàng ngàn, nhưng rồi đám cướp ấy trở thành anh hùng, ngài trở thành bạo chúa. Thế gian này vốn vừa điên rồ vừa ngu ngốc như vậy thôi.” Cô miết ngón tay lên vết mực vẽ trên quạt, nụ cười vẫn vương vất. “Ngài là con dòng thứ, sẽ bị nói là tham quyền chiếm vị. Ngài có quá nhiều con cái, hẳn là đam mê sắc dục. Ngài khó tính không chịu đựng nổi lỗi sai của người, hẳn là kẻ tàn nhẫn độc ác. Ngài động chạm đến niềm tin của người khác, thật là không biết đúng sai. Ngài nói xem, có phải ông trời đã cho ngài rặt toàn những thứ không ra sao?”

Cô bật cười khe khẽ với chính mình, trong khi góc phòng kia chỉ vọng tới âm thanh bấc đèn cháy. Hẳn nhiên, ngài ta sống trong lo lắng chẳng phải chỉ vì những sự kiện oái oăm xảy ra quá nhiều, mà chính sự tồn tại của ngài ta cũng là một nỗi oái oăm không thể hiểu nổi, bức bách ngài ta phải tự gò mình lại trong thứ kỷ luật khiến mọi kẻ bên cạnh phải kinh sợ. Ngay cả vị thế mà số phận đẩy ngài ta vào hiện tại cũng sẽ đưa đến kết quả e là chẳng mấy hài lòng.

Cường hào, viên quan tên Nguyễn Công Trứ kia đã thốt ra thật dễ dàng hai chữ ấy. Chỉ hai chữ, nhưng ẩn dưới nó là cả một mạng lưới khổng lồ. Quan lại chỉ là một vài con người cụ thể được định danh trong sổ, trói buộc bằng luật pháp. Còn hai chữ kia là họ hàng, dòng tộc, thân nhân, chủ nhân, bạn bè, đồng hương, thông gia, trưởng bối của hầu như tất cả mọi con người sống trong vùng ảnh hưởng, ngay cả các viên quan của triều đình. Sự im lặng của họ suốt hàng chục năm dài đâu phải chẳng có nguyên do. Và những biện pháp được đề ra dù chỉ gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi nhóm người ấy, cũng có thể đem đến thứ kết quả không ngờ tới – từ tầng lớp mang quyền lực và ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của Bắc Thành.

Thế nào là đúng, thế nào là sai? Sau này, người hỏi. Như hết viên quan này đến viên quan khác về báo cáo về những nhà vua Phiên quốc chỉ biết ăn chơi, thu thuế bằng thuốc phiện và đánh bạc, hễ có việc thì chạy đi nhờ vả từ lân bang cho tới Tây dương, dân đói thì sang xin thóc gạo, nhưng nghiễm nhiên được coi là thần bất khả xâm phạm. Như một dân tộc chia rẽ đánh nhau đến nước mất nhà tan hàng ngàn năm, cho đến tận bây giờ cũng vì danh vị mà theo hết phe này phái nọ trừ diệt nhau bằng được, nhưng nhất quyết giữ đủ loại hận thù phù phiếm chót lưỡi đầu môi ấy trục lợi cho mình. Bao nhiêu con người chết đi, ngã xuống bởi những tham vọng vị kỷ, trong một thứ vô lý không thể chịu nổi. Thế gian này chẳng phải chỉ được tạo thành bởi những tín điều giả trá điên rồ, sống trong một thứ luân lý khốn khổ vô ích và những xung động ngu xuẩn.

“Ai bảo ngươi đến đây thế?” Nhà vua quay đầu gắt gỏng hỏi. Cô nhún vai đứng lên.

“Hẳn là Đức hoàng cho gọi thần.” Đã đến giờ cơm, cô dợm ra ngoài gọi người đem ngự thiện vào, nói khẽ ra sau lưng cùng với tiếng cười. “Chắc vì ngài thấy thần rồi sẽ tức giận không thể nằm mãi ở đó được.”

Nguyễn Phúc Kiểu vốn chỉ thích ruổi ngựa chạy lên núi cao, trồng cây trong vườn nhà và ngắm hoa suốt bốn mùa, ngài ta có thể nhìn mãi đợi chờ bông mẫu đơn kia nở. Trong một cuộc đời nào đó nằm giữa giấc mộng thu tàn.

Vậy mà mùa xuân năm tới, quả thật cây mẫu đơn ấy đã ra hoa. Nhà vua đem chậu hoa khoe với khắp các quan triều.[3]

Khi ấy, Hình bộ đã ra phán quyết án của Trần Nhật Vĩnh. Thành thần Gia Định tâu lên đơn kiện đến hơn ba mươi mục, xử chém ngay ở chợ Đông, tịch biên gần mười ba vạn quan tiền. Thượng thư Lại bộ Trần Lợi Trinh vì quen biết mà nhận giữ tài sản cho Trần Nhật Vĩnh nên bị xét tội, bệnh cấp mà chết. Thượng thư Hộ bộ cũng phải liên lụy. Hàng loạt quan lại ở Gia Định, ngay cả Cai bạ Nguyễn Bá Uông vừa được phái đến quản Hình tào, cũng bị cách chức.

Nhưng Tả quân lo việc Tây thùy sẽ chẳng thể tìm cách gỡ tội cho Trần Nhật Vĩnh, người đến cung Từ Thọ ngày xuân ấy bảo nhau. Cơn thịnh nộ của triều đình Xiêm La với nhà vua Vạn Tượng đã khiến họ đem đại quân san bằng Viên Chăn. Súng Tây dương trong quân đội Xiêm bắn vào dân chúng bỏ chạy khỏi thành như vãi trấu, không từ già trẻ. Thành Viên Chăn cùng mọi công trình quanh nó hóa thành bình địa, toàn bộ dân chúng người bị giết kẻ bị bắt làm tù binh đưa sang Xiêm. Nhà vua A Nỗ bị đóng cũi phơi nắng đưa về Vọng Các trong tình trạng sống dở chết dở bởi những cực hình kéo dài suốt chặng đường, xác chết bị trói treo bên dòng sông.

Mùa đông năm ấy, hơn hai ngàn quân Thần sách lại được phái đến phòng giữ Nghệ An. Quần thần đều quyết rằng nên đánh Xiêm La, nhưng phải đợi tin tức của đoàn sứ thần Lê Nguyên Hy trước được phái đi. Tuy nhiên, nhà vua Xiêm La thả đoàn sứ thần này về nước, Lê Nguyên Hy cũng nhất quyết không đả động tới vấn đề của nhà vua Vạn Tượng khi đang ở Xiêm. Trong khi ấy, quân Xiêm lấy cớ tìm bắt người mà đánh lấn vào Cam Lộ, một đoàn quân được phái đến Quảng Trị mới đẩy được Xiêm lui bước. Ngay cả Hà Tiên cũng sẵn sàng khí giới. Các đội quân thủy bộ ở Phú Xuân đồng loạt được lệnh chuẩn bị. Cuối năm, nhà vua ra lệnh kêu gọi toàn văn võ lục bộ tự tiến cử người đi sứ sang Xiêm.

Lần này đoàn sứ giả sẽ chẳng được may mắn như Lê Nguyên Hy, người trong triều cùng nói. Lê Nguyên Hy đến Xiêm khi A Nỗ còn ở Nghệ An, có thể thác rằng chẳng hề biết chuyện ông vua này tấn công vào quân Xiêm. Nhưng hiện thời Xiêm đang say máu tấn công Vạn Tượng, không chỉ san bằng đất nước này mà tàn sát cả đoàn sứ của Phan Văn Thống chẳng cần lý do. Triều đình Việt cũng có ý muốn đánh nhưng vẫn chưa đủ danh nghĩa, lần này phái đoàn sứ giả đi là một dịp thử thái độ người Xiêm. Một khi sứ giả bị Xiêm giết chết như với Phan Văn Thống, toàn bộ quân đội đang chờ ở biên cương sẽ tràn sang Vạn Tượng. Trong vài tháng, triều đình đã đem các man thuộc biên giới lập thành phủ Trấn Ninh, Trấn Tĩnh, Trấn Biên, Lạc Biên, chính là để chuẩn bị chiến tranh. Người phái đi Xiêm lần này sẽ chẳng khác kẻ tế thần.

Tiếng gọi phát đi toàn lục bộ chỉ được mười người đáp lời. Thự Lang trung Hộ bộ Bạch Xuân Nguyên, Cai đội Tiền vệ dinh Long võ quân Thị nội Trương Văn Phượng, Viên ngoại lang Lễ bộ Nguyễn Hữu Thức được phong Chánh Phó sứ, đến Kinh vào mùa xuân.

Thư của nhà vua trách vua quan Xiêm không giữ đúng lễ nghi, làm việc sai quấy, không những đòi trả Lê Đình Duật và sắc thư khi trước, mà bắt Xiêm giao cả viên tướng đã giết Phan Văn Thống để trừng trị. Lời lẽ lá thư này đến triều đình Xiêm, chẳng phải toàn bộ sóng gió sẽ trút xuống đầu bọn Bạch Xuân Nguyên trước nhất?

Ngày đầu năm ấy, Lang trung Hộ bộ Bạch Xuân Nguyên đi qua cửa Chính Đông vào kinh thành, ngang qua đàn lễ Nghênh xuân lần đầu tiên được lập bên cầu Đông Hoa. Ngày đầu xuân, bên ngọn núi xuân được đặt trước cửa cung, nhà vua đem chậu hoa mẫu đơn khoe với quần thần, với đoàn sứ giả chuẩn bị sang sông Dịch. Bông hoa kỳ lạ nở trên đất phương Nam lặng lẽ tỏa hương giữa cung đình loang mùi chết chóc.

 

Chú thích:

[1] Khách trung tạp cảm kỳ 2 của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Thực lục: Trẫm lúc ít tuổi vẫn thích trồng trọt, cây đã trồng đều tốt rườm rà.

[3] Tháng 2 năm 1829, Minh Mạng khoe với các quan chậu hoa mẫu đơn, bảo rằng từ thuyền Việt Đông đưa tới, xuân lạnh nên hoa nở.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.