Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

79. Nhật chí sơ đông dạ niệm trì
Trường An in "Minh nguyệt 2" August 1st, 2019
  1. Nhật chí sơ đông dạ niệm trì, thiên tương cảnh sắc cánh tương nghi[1]
    (Ngày tới đầu đông đêm dần chậm, trời cùng cảnh sắc đã thích nghi)

 

Đầu tháng hai, giữa mùa xuân, vườn Thiệu Phương được khởi công xây dựng.

Ngự uyển cũng được sửa sang lại với những loài cây quý từ khắp Nam Bắc, kể cả Tây dương, Trung Quốc, Nam Dương. Ngoài các loài hoa đã có như mai, hải đường, phù dung, đào, mộc bút, mạt lị, thục quỳ, thêm nguyệt quế, mộc tê, hạnh, lê từ miền Bắc, nam mẫu đơn, man lý ở miền Nam, hoa tố hinh từ Tây Vực, hoàng quang ở Tân Gia Ba, hàm tiếu, thụy quỳ, sơn trà ở Quảng Châu, ngọc biện, tường vi, mai khôi từ Tây Dương. Trong các khoảng đất trống rộng rãi trồng thêm vài cây măng cụt, đào đất, tuyết lê, tẩm duộc… Các loài cây cỏ có hương thơm được đưa vào vườn Thiệu Phương cùng với sách vở và văn phòng tứ bảo dành cho điện Hoàng Phúc[2]. Chẳng mấy chốc, cả khu vực phía Đông hoàng thành ngào ngạt hương kể cả thu đông.

Công việc trồng cây này kéo dài tới mùa hạ. Vườn Thiệu Phương được mở cửa đón các hoàng tử và vài vị quan vào chơi mừng sinh nhật hoàng Cả Miên Tông. Sớm hôm đó, Miên Liêu đã được báo đến Dưỡng Chính đường để cùng ra Duyệt Thị đường xem hát, rồi về vườn Thiệu Phương ăn tiệc. Các cung tần cũng được đến Duyệt Thị đường theo hầu Thái hậu, nhưng chỉ có vài người tới.

“Hẳn họ còn đến múa ở trong vườn.” Trong thời gian nghỉ giữa hai màn, cung tần được phái ra ngoài lấy thêm đồ dùng cho Thái hậu, Trần Thị Tuyến chỉ mấy vũ công nhỏ cầm hoa múa sau Duyệt Thị đường mà nói. Cô gái này vốn không biết câu nệ, cười bảo. “Có khác gì lễ đại thọ không?”

“Ngài ngự thương hoàng Cả nhỉ.” Cô gái trẻ tên Nguyễn Thị Điện mới vào cung nói khẽ. Mấy cô gái đưa mắt nhìn nhau, rồi lại chỉ Trần Thị Tuyến đáp.

“Thật ra sinh nhật hoàng Cả vẫn được làm lễ, nhưng mấy năm nay hoàng Cả xuất các, rồi có con, ngài ngự cũng bận rộn nên tới giờ mới cho tổ chức ngự yến.” Xếp bánh nước vào mâm quả, Trần Thị Tuyến im lặng một lúc rồi cười. “Vả lại hoàng Cả vẫn cảm thấy không nên tổ chức sinh nhật của mình quá lớn, chỉ là năm nay ngài ngự có lệnh thôi.”

“Ngài vừa bảo từ nay lấy làm lệ tổ chức sinh nhật cho hoàng Cả đấy.” Một cung nữ hầu nước nói xen vào. Trần Thị Tuyến nâng mâm quả trao cho người hầu, dẫn các cô trở lại Duyệt Thị đường. Ngồi sau Thái hậu, cô đưa mắt nhìn qua tấm bình phong mỏng tới nhóm người ngồi ở giữa nhà hát. Không rõ mặt cùng thái độ của họ, nhưng tất cả đều mặc hoa phục. Quả thật như Trần Thị Tuyến nói, lễ chỉ kém yến tiệc Vạn thọ và Từ thọ ở buổi lạy mừng của bá quan văn võ[3].

Chẳng trách cung tần không mấy ai vui vẻ tới xem hát. Ngay cả Ngô Thị Chính vốn có mặt hầu hết thời gian cạnh Thái hậu cũng khất không tới, viện cớ thai kỳ mệt mỏi. Sự ghẻ lạnh kéo dài hơn chục năm của nhà vua và vị Hiền tần này đã chấm dứt, nhưng sau đó ngài ta lập tức cho gọi người khác. Ngô Thị Chính đã không còn là người vợ được coi trọng duy nhất năm xưa, mà chỉ là một trong những cung tần xếp ở sổ của nội thị. Thái độ ấy của nhà vua rõ ràng đến mức sự xôn xao rì rầm trong nội cung bị dập tắt chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.

Thậm chí ngài ta có thể còn chẳng để ý đến tiếng rì rầm ấy. Sau buổi lễ lục tuần Thượng thọ xa hoa rộn rã của Thái hậu, khi những lầu hoa cùng rạp hát còn chưa được dỡ xuống, Duyệt Thị đường và Phu Văn lâu còn rộn rã tiếng nhạc đãi các viên quan phẩm hàm thấp cùng sĩ dân đến xem, hơn ba trăm gian nhà được dựng lên ở hai bờ cầu Vĩnh Lợi làm thương phố cho dân Minh Hương lưu ngụ buôn bán. Công việc sắp xếp Bắc Thành vẫn đang được hoạch định với hàng loạt giấy tờ được kiểm khảo, xem xét từ các đội quân, cách thức thành trì cho tới sát hạch quan lại. Vùng đất mới phụ thuộc Trấn Ninh được cử quan lính tới trấn giữ, cho tù nhân đến khai khẩn. Các quan lớn về Kinh nhân ngày khánh tiết cùng nhau ngồi lại bàn thảo công việc cho cả đất nước có vẻ đã giống một triều đình.

Ngay cả mối quan hệ của nhà vua và Tả quân cũng không còn gay gắt, nghe nói nhà vua thậm chí lên tiếng khen ngợi Tả quân về già tính tình đã dịu bớt. Đối với mối đe dọa ở biên giới Tây Bắc, cả hai đã đồng tình nghe ngóng động tĩnh của Xiêm La. Nước này đã không đánh chiếm Viên Chăn, cũng chẳng tấn công man thuộc vùng biên giới mà yên ắng rút về, khiến Việt Nam không còn lý do xung đột. Chỉ có Nam Chưởng vẫn đánh tiếng quấy rối Trấn Ninh. Tất cả còn đang chờ đợi kẻ nào đứng ra gây chuyện trước. Các thuộc quốc đánh lẫn nhau nhằm kéo hai mẫu quốc vào hỗ trợ, giúp họ đạt được mục đích chính trị của mình. Xiêm và Việt dù lòng đầy nghi ngờ thù địch thì ngoài mặt vẫn hòa hảo, dò xét nhau từng tí, viện mọi lý do cho động thái nơi biên giới. Một đoàn sứ giả đã được cử sang Xiêm, tạo điều kiện để đưa A Nỗ về Vạn Tượng.

Bởi vì trong triều chẳng còn cả Lê Chất lẫn Trịnh Hoài Đức, tiếng nói lại thì thầm về mối quan hệ của nhà vua và Tả quân. Không còn Lê Chất hỗ trợ lẫn xúi bẩy, chẳng còn cái gai trong mắt như Trịnh Hoài Đức, Tả quân là vị Quận công cuối cùng còn sống, danh thế không ai bằng, do đó cũng chẳng có lý do tức giận. Ngoài ra, những thuộc hạ của ông ta cũng đang muốn bành trướng thế lực ở Bắc Thành mà Lê Chất vừa bỏ lại – nói cho cùng họ vẫn là người Thanh Nghệ, Bắc Thành. Nguyễn Hựu Nghi, Nguyễn Đức Nhuận đều đang được trọng dụng quản lý Hình tào, Binh tào Bắc Thành, Lê Đại Cương trở thành một thân tín của nhà vua. Tấm gương Nguyễn Hựu Nghi khiến mối nghi ngờ thù địch với nhà vua giảm xuống, viên quan bộ Hình từng gây biết bao rắc rối này lại được ngài ta khoan thứ khi phạm lầm lỗi trong kỳ thi tại Nghệ An, trở thành bạn của Hoàng Quýnh thân thiết với nhà vua, do đó đang rất tích cực làm việc trong Hình tào Bắc Thành. Giờ đây, Nguyễn Hựu Nghi lại trở thành cánh tay phải của nhà vua để moi móc điều tra Hình tào. Nguyễn Đức Nhuận cũng vô cùng đắc lực trong việc quản lý địa phương nhiều biến động như Ninh Bình, Thanh Nghệ.

Theo lời xin của Tả quân, Cai đội Nguyễn Hựu Khôi trở thành Phó Vệ úy vệ Minh Nghĩa, Trần Nhật Vĩnh được triệu về Kinh, Nguyễn Bá Uông lãnh Hình tào Gia Định. Bề ngoài, khoảng cuối năm và đầu năm ấy thật yên ả hiếm có với đội quân từ Gia Định về Kinh. Tất cả cùng vui say trong lễ khánh tiết đầy màu sắc, người man thuộc từ khắp đất nước về tấu nhạc, diễn trò hiến thọ. Những buổi lễ xuất quân, duyệt binh, tập trận ồn ã suốt mấy tháng mùa xuân. Nghe tin nhà vua xây ngự uyển, kỳ hoa dị thảo khắp nơi dâng tới, được ban thưởng hậu hĩnh.

Tuy nhiên, đến tháng tư, sự tình đột ngột chuyển biến khi Thượng thư và Thị lang Công bộ Trần Văn Tính, Nguyễn Đăng Nghi bị tống giam vì chuyện đóng thuyền ở Gia Định. Theo lời nói trên triều, bộ Công đã tư cho trấn thành đóng thuyền hiệu sai quy cách, nhóm Trần Văn Tính lại muốn che giấu tội lỗi mà trả lại tờ sớ của Trần Nhật Vĩnh không báo, đến nay quyền Tổng trấn Gia Định Nguyễn Văn Tuyên mới tâu lên triều. Cả hai đại quan Công bộ bị xích ở Cẩm y vệ, rồi tuyên án trảm giam hậu.

Đành rằng cả nhóm người đồng lòng che giấu, sao lại chỉ xử Công bộ, Công tào Gia Định chẳng phải là kẻ đề xuất chuyện này? Tiếng nói thì thầm lại bị át đi, kìa, đó là Trần Nhật Vĩnh. Kẻ đóng thuyền sai cách, lên tiếng dụ dỗ đại quan, lại chẳng hề bị một hình phạt nào. Ngay cả việc tư lầm quy thức của bộ Công cũng thật mù mờ, cuối cùng là kẻ nào lầm? Theo cách hành xử bình thường của nhà vua thì chẳng phải đã trị tội từ kẻ thư lại viết nhầm cho tới tất cả các viên quan bàn thảo cách thức đóng thuyền rồi sao? Càng chẳng nói tới Công tào Gia Định, thực sự ngài ta không hề dám động tới kẻ được gọi là con nuôi Tả quân kia.

Ngay cả nội đình cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng của nhóm người từ Gia Định. Một ngày cô thấy Tả quân và Kiến An công đưa ba vị cố đạo Tây dương tới cung Từ Thọ lạy chào Thái hậu. Đó là Phú Hoài Nhân, Tây Hoài Hóa, Tây Hoài Hoa năm trước được nhà vua đưa về Kinh, phong làm Chánh Tòng thất phẩm Thông dịch ty Hành nhân, nhưng cấm họ ra ngoài truyền đạo. Thấy Tả quân đến, tất cả cùng xúm lại xin ông ấy đưa họ về Gia Định. Tả quân muốn nhờ Thái hậu nói giúp một lời.

Có cả Kiến An công, cô thầm nghĩ khi nhìn người em ruột của nhà vua bên cạnh Tả quân. Trong phủ anh ta có người thiếp là cháu gái Nguyễn Hựu Khôi, người vừa được phong Phó Vệ úy dù chẳng qua một buổi luyện tập thi cử nào trong võ trường. Hẳn nhiên anh ta phải có mặt, với danh nghĩa của một vị Mạnh Thường Quân trong kinh kỳ, người chỉ trong vài năm mà danh tiếng đã lan xa trong Nam ngoài Bắc theo những kẻ sĩ phu mà vị vương hầu này từng giúp đỡ, người trong những buổi tiệc thơ mà anh ta đã tham dự. Kiến An công gần như trở thành biểu tượng của giới vương tôn kinh kỳ hào hoa phong nhã, phóng khoáng lãng mạn mà lại hào hiệp sảng khoái. Phủ đệ, nhà vườn của anh ta trở thành nơi hội họp của không chỉ giới quan chức mà cả văn hàn áo vải, con hát lẫn kẻ làm trò.

Nhà vua cũng đã bắt đầu làm thơ trong các buổi lễ yến, ban thơ của mình cho quần thần, có lẽ là chịu ảnh hưởng của người em này. Nhưng mọi ấn tượng thân ái nhà vua xây dựng nên sẽ lập tức biến mất khi ngài ta mắng người và bắt đầu các hình phạt. Dù ngài ta có mỉm cười dịu dàng nhất, cũng chẳng ai tin ngài ta như với người em trai này. Người dường như đã đứng về phía Tả quân.

Cuối cùng, nhà vua buộc phải buông tay cho ba vị cố đạo Tây dương về theo Tả quân. Lệnh sai Tả quân trở về Gia Định đầu tháng tư ấy, chẳng biết đã hàm chứa bao nhiêu bực bội cùng oán giận dưới bề mặt ôn hòa như thường kia. Chỉ biết trước khi rời đi, Tả quân vào cung nội tìm cô, thái độ vẫn thản nhiên.

Dù cha cháu đã mất thì cháu không phải lo, chúng ta đều giúp đỡ cháu. Có lẽ Tả quân đã nói như thế, trong khi cô đưa mắt nhìn đoàn người của ông sau cổng. Bên cạnh cái xe lắp kính theo kiểu Tây dương mà nhà vua chế tạo, đặc biệt ban cho Tả quân dùng trong Kinh, thấp thoáng bóng một người cô rất quen. Thái Công Triều, hiện tại anh ta đã trở thành Phó Quản cơ An thuận, được phái đưa Tả quân về Gia Định.

Đáp lời, cô chỉ mỉm cười. Thay thế cho Nguyễn Hựu Nghi là Trần Nhật Vĩnh, người vừa tới Kinh đã chạy khắp các phủ đệ quan lại, từ Thượng thư Lại bộ Trần Lợi Trinh cho tới Hộ bộ Lương Tiến Tường. Thay thế cho Lê Chất cha cô là vị hoàng thân Kiến An công mà tiếng nói thông qua Thái hậu sẽ khiến nhà vua phải cúi đầu vâng lời. Thay thế cho một Bắc Thành biến động là cả trận chiến không rõ tương lai ngoài biên ải sẽ buộc nhà vua phải nhượng bộ. Phe phái trong triều đình này chẳng qua chỉ là những đợt sóng mà người người chạy về phía có lợi ích cao nhất, ngay cả những kẻ tưởng chừng là thân tín hay bè bạn. Cha ta không có bạn, nhà vua nói, cũng chẳng ai ở nơi này có.

Với lời nói của người trước mặt, cô chỉ mỉm cười trong sự nghi hoặc ngấm ngầm. Bọn họ thực sự lo lắng cho mẹ con cô hay chỉ vì chính mình mà đem con cô làm vũ khí, lôi kéo cô vào cuộc chiến của họ? Miên Liêu vẫn còn rất nhỏ, nhà vua chưa tới lúc cần lập trữ, nhưng lời nói này chẳng phải đang tìm cách lôi kéo cô?

Cha cô đã để lại cả một Bắc Thành rộng lớn cùng muôn vàn chỗ trống mà mọi kẻ dòm ngó. Đê vỡ, kế hoạch sửa chữa đê điều tiêu tốn hàng chục vạn quan tiền hẳn đã thu hút Trần Nhật Vĩnh chạy về. Họ không muốn đánh Xiêm vì còn đang chú ý đến nơi khác, chỉ muốn lấy sức ép ở biên giới tạo nên thế lực cho mình. Chết ở Vạn Tượng nào để làm gì, chẳng bằng nuôi dưỡng mâu thuẫn xung đột nóng rẫy lúc nào cũng chực chờ bùng nổ với Xiêm La, để duy trì trạng thái này càng lâu càng tốt.

Các nhà vua phương Đông chỉ muốn dân chúng nghèo mãi mãi để dễ cai trị, đột nhiên cô nhớ tới lời cậu bé lai kia từng đọc trong một cuốn sách của người Tây dương. Duy trì đất nước trong một trạng thái khốn khó, xung đột, chia cắt và oán hận, lấy đó làm quyền lực, thế lực cho bản thân. Mỗi nhà vua được nâng đỡ bằng một triều đình, triều đình tạo thành từ các thế lực, sự phân tranh, phe phái mọc lên từ những chia rẽ nọ. Sự căng thẳng mâu thuẫn, uất ức kềm nén thường trực trở thành nỗi căm ghét sâu xa dường như với tất cả mọi thứ bên-ngoài, nhưng không kẻ nào được phép vùng khỏi. Mọi thứ đã trở thành luật lệ, quy phạm cùng đạo lý không cần xét hỏi đến nguyên do.

Nguyên do – nhưng trong năm ấy, những tiếng nói đầu tiên cũng đã cất lên, những sự nghi hoặc đầu tiên đã thành lời. Bọn cường hào, Thị lang Hình bộ Nguyễn Công Trứ vừa từ Bắc Thành trở lại nói. Sau nửa năm thấy người người im phăng phắc, ngay cả cuộc khảo hạch quan lại Bắc Thành cũng không đem lại kết quả, nhà vua cho các quan dâng sớ tâu kín. ‘Động làm gì thì bị gièm pha’, một viên quan than thở. Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên nổ phát pháo giữa triều đình. Bọn gian giảo lấy nhà cường hào làm sào huyệt, tổng lý lấy kẻ hung ác làm chân tay để xưng hùng với nhau, loạn từ đó mà ra. Từ trước đến nay, người bàn việc đều đổ lỗi cho quan lại mà không biết phần nhiều là tại hào cường. Cái hại của quan chỉ là một, hai phần mà hại của cường hào đến tám, chín phần. Vì quan lại chẳng qua kiếm lợi nhỏ ở giấy tờ, đòi tiền lệ ở thuế khóa, hại gần và nhỏ, việc bị phát lộ thì giáng cách ngay, cũng còn biết hối. Còn cái hại cường hào làm con người ta thành mồ côi, vợ người ta thành góa bụa, giết cả tính mạng, hết cả gia tài người ta, mà việc không lộ cho nên cứ công nhiên không kiêng sợ gì. Chiếm công điền công thổ của dân nghèo, ẩn lậu ruộng nghìn mẫu không nộp thuế, đinh đến trăm suất không đăng sổ chỉ đầy túi, phục dịch riêng cho cường hào[4]. Câu kết quan lại, lấy giặc cướp làm chân tay, sĩ dân làm thủ hạ, lũng đoạn luật pháp, lừa trên dối dưới cả vùng.

Cường hào thao túng các buổi bầu lý trưởng, hiếp tróc dân làng để đưa thân tín của mình lên cho tiện sai khiến. Thuế thiếu của Bắc Thành đến hơn sáu chục vạn hộc thóc, nhưng phần lớn là bọn tổng lý thu của dân rồi không nộp chờ miễn xá. Những lệnh tha miễn thuế chỉ làm lợi cho cường hào lý trưởng, việc quan thuế khóa binh dao thì chúng chia nhau ăn, khi có việc cần làm thì đổ về cho dân nghèo. Để rồi chúng vừa ẩn giấu kẻ gian gây chuyện, vừa xúi giục dân chúng chống đối làm loạn, kiện tụng rối ren. Những người khác rì rầm tiếp lời trong các tờ tâu kín dâng lên nhà vua.

Đến tháng bảy, Bắc Thành tiếp tục vỡ đê lần thứ hai. Nước dâng quá cao, vượt lên cả mức đê cũ lẫn mới, ứ đọng trong vùng khiến việc sửa chữa không thể làm được. Các bờ đê tưởng chừng chắc chắn tiếp tục bị nước ngập tràn, số tiền đến hàng chục vạn quan trôi theo dòng lũ. Đắp đê giữ lụt chỉ là việc tranh lợi với nước, cũng vì địa thế phải vậy thôi, nhưng trước khi làm nên xét kỹ hình thế, nhà vua nói. Có chỗ đê chỉ vì thuận tiện mà đắp, không phải thuận thế nước dẫn dòng, vì thế nước chảy xiết mà đê không ngăn được.

Nhưng các đời trước đã đắp, chỉ có thể củng cố thêm lên. Tiếng thở dài trước các dòng sông cuồn cuộn truyền về. Trên rừng núi cao, các tranh chấp nhỏ lẻ giữa các thổ ty, thổ mục cũng khởi phát trở lại. Ngoài biển, các toán cướp biển của nhà Thanh manh nha trở dậy, đánh cướp vào tận vùng biển gần Kinh kỳ, tướng Bạch Xỉ Hoàng Kỳ quấy rối vịnh Bắc. Giặc cướp từ nhà Thanh đánh lấn qua cả vùng biên cương.

 

Nguyên do, người nói, là đất, là nước của ngàn đời. Thứ người phải đối đầu thậm chí chẳng phải chỉ nhìn bằng mắt thường để thấy. Tiếng nói đầu tiên đã cất lên giữa điện đài vàng son im ắng, trong những mưu toan bè phái vẫn tiếp diễn loanh quanh.

Ở Bắc Thành, Phò mã Tổng trấn Trương Văn Minh thay thế Trương Phúc Đặng trở thành mục tiêu cho muôn vạn con người. Tự tiện tha tù phạm, lưu lại người đã có chỉ đòi, hàng loạt lỗi to nhỏ đưa về khiến vị Phò mã bị giáng liền năm cấp, bộ Binh cho cách chức chờ xử tội. Trương Văn Minh vẫn lưu lại Bắc Thành xử lý nốt công việc, nhưng từ đó chẳng ai còn thấy Ngọc Xuyến, cô ấy đã viện cớ khất việc vào thăm hỏi Thái hậu. Nội thị đến phủ tìm chỉ gặp người hầu và mấy người con của Trương Văn Minh. Đó là cái giá cho những lệnh thanh tra của hoàng thượng, tiếng nói thì thầm. Đổi lại lời kêu gọi của ngài ta là muôn tiếng tố cáo hành vi vị Phò mã ở Bắc Thành. Từ Hoàng Công Lý đến Trương Phúc Đặng, Trương Văn Minh, phát súng ngài ta bắn ra sẽ trúng vào những người thân trước nhất.

Đến cổng vườn Thiệu Phương đón Miên Liêu trở về, cô còn thấy sắc áo năm màu xoay tròn múa trên hồi lang chữ Vạn, giữa muôn hoa rực rỡ mùa hạ ngát hương, bỗng dưng nghĩ tới cuộc gặp cuối với Tả quân khi ấy. Cha cô đã mất, nhưng cuộc chiến trên đất nước này chưa bao giờ ngừng lại. Ngay cả trong cung nội này từng ngày vẫn có ngàn cặp mắt dõi vào. Bọn họ đều đang chờ đợi.

Miên Tông ngồi dưới hiên nâng chén rượu ngọc mỉm cười bên cạnh người em trai Miên Định. Vài hoàng tử trẻ tuổi còn ở lại vẫn hát ca. Họ vẫn còn ở trong thế giới của riêng mình, trong khu vườn Đông thần thoại. Không thấy bóng nhà vua, hẳn ngài ta đã quay trở lại buổi chầu chiều hoặc đến xem khu ruộng tịch điền vừa được cho lập bên kia bờ Ngự Hà. Nhà vua đặt ra lễ Tịch điền mỗi năm vào một ngày nào đó trong tháng năm, lấy cung Khánh Ninh làm nơi nghỉ đêm và ban yến. Lễ năm nay đến cuối tháng mới tổ chức, nhưng ngài ta vẫn thường xuyên đến xem xét công việc cuối cùng ở các khu nhà quanh ruộng.

Miên Liêu ôm trái đào trong tay, hát khẽ trên đường về. Trong khi đó, cô dõi mắt nhìn theo bóng nắng rơi giữa các ngõ đường nhỏ của lục viện mà nghĩ thầm, mỗi con người ở đây chỉ là một con cờ.

Ta không giận nữa, nhà vua nói. Như ngài ta đã yên lặng thật bất thường trong vụ án của Công bộ, như ngài ta đã bình tĩnh trước hàng loạt tội danh của Trương Văn Minh, như cả nụ cười của ngài ta dành cho Tả quân Lê Văn Duyệt. Thậm chí, có lẽ cả trong sự hòa giải của ngài ta với Ngô Thị Chính ngay trước ánh mắt Tả quân. Có lẽ cả trong yến hội xa hoa choáng ngợp lễ lục tuần đại khánh. Có lẽ cả từng ngày từng giờ trong khu thành này, từng bài thơ viết cho quần thần xem đọc, từng cử chỉ hành vi. Ngài ta đã trở nên ngày càng cân nhắc và khôn ngoan.

Thế gian này, có lẽ, đã hoàn toàn trở thành một cuộc cờ trong mắt ngài ta. Ngài ta đang nhìn từng thứ, từng thứ một, ngay cả bản thân mình, để đánh giá cùng ước lượng, tính toán và sắp xếp. Ngài ta đang bước vào một cuộc chiến mà cha cô đã thất bại, khi toàn bộ những phương cách cổ xưa đã lần lượt trở nên vô ích với một căn bệnh trầm kha. Những tiếng nói đầu tiên đã cất lên giữa hoàng thành, trong một thế gian đã hoàn toàn trở nên hoang trống với Nguyễn Phúc Kiểu.

 

Chú thích:

[1] Nhâm Tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây, hoạ Trịnh Cấn Trai thứ lạp ông tam thập vận kỳ 4 của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Trong bài Phương viên xuân sắc đầu thời Thiệu Trị mô tả vườn Thiệu Phương có câu “Mãn giá thi thư cổ trật hương” (Sách xếp đầy các giá tỏa hương thơm), cho thấy vườn này vốn là nơi đọc sách.

[3] Thực lục, đời Thiệu Trị: Khoảng năm Minh Mạng, gặp ngày sinh nhật của ta, đội ơn hoàng khảo chuẩn cho ở trong nội đình bày tiệc ngự yến, mặc áo đẹp, múa vui, cất chén rượu chúc mừng, thường lấy làm lệ. Đến khi ta được đội ơn phong nhiếp chính Tôn nhân phủ thì chỉnh tề mũ áo đến cửa Kim Môn lạy tâu, được thương yêu vẻ vang, ban cho các vật hạng, dạy bảo ân cần.

Tuy nhiên Thiệu Trị có vẻ vẫn cân nhắc lễ trong ngày này. Năm 1846, tiết Vạn thọ mừng 40 tuổi, Thiệu Trị vẫn nói làm lễ để bày tỏ ơn trên, “không phải lấy ngày cha mẹ khổ mà bày sự yến lạc”. 

[4] Trích sớ của Nguyễn Công Trứ vào tháng 3 và tháng 9 năm 1828.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.