Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

77. Đỗ quyên đề vị tuyệt
Trường An in "Minh nguyệt 2" July 24th, 2019
  1. Đỗ quyên đề vị tuyệt, hồ điệp mộng hoàn hư[1]
    (Đỗ quyên kêu chẳng dứt, mộng bướm thành hư không)

 

Tháng ba, ngày Thanh minh, theo lệ cô phải cùng các phi tần theo Thái hậu viếng lăng Thiên Thọ. Dù vẫn khởi hành từ sáng sớm như mọi năm, lần này Đô Thống chế Phan Văn Thúy được lệnh hộ giữ kinh thành. Khi đã làm lễ xong thì cô mới hiểu lý do tại sao: nhà vua đi vòng quanh lăng để xem xét vùng núi, đến tối muộn mới trở về thành.

Sau khi lễ xong, Thái hậu cùng cung tần được lên thuyền về trước, những hoàng thân, quan lại cũng tản đi làm lễ cho các lăng tẩm, sơn phần trong vùng. Cô chỉ biết chuyện nhà vua dạo quanh khi Đông đi lấy phần tế lễ về điện, nói nhà vua đã cho làm cỗ tế thần núi của khu lăng, thưởng cho toàn bộ đội quân giữ lăng.

“Ngài ngự có đi Cư Chính không?” Cô vốn chẳng để tâm tới, nhưng Nguyễn Thị Bảo thì lại hỏi. Đông nhún vai lắc đầu.

“Con không biết ạ. Nhưng không phải năm nào ngài cũng chiêm bái lăng Cơ Thánh sao?” Cô cung nữ thật thà thắc mắc. Nguyễn Thị Bảo mím môi nhìn cây kim cùng mẫu thêu trên tay, rồi cười khẽ.

“Có phải chỉ chiêm bái thôi đâu. Năm năm trước, sau lễ phối hưởng của Thế Tổ, ngài còn lấy cớ xuất hành ngày đẹp mà ở đấy cả ngày, hôm sau mới tới lăng Thiên Thọ làm lễ.[2]” Nguyễn Thị Bảo như thể chỉ thuận miệng mà nói, trong khi cô ngồi cạnh đó vẫn im lặng.

Mộ phần của cô ấy rất gần lăng Cơ Thánh, tưởng chừng chỉ cần nhìn qua là thấy mái lầu cùng hai cây cột trước lăng. Nhưng đoàn người rầm rộ của nhà vua đi lại rất phức tạp, mỗi lần đi lẫn về thì các làng xã ven sông đều phải đem hương án ra đón rước, dân chúng quỳ bên đường lạy chào. Mỗi năm thăm yết lăng Thiên Thọ, ngài ta đều ghé qua lăng Thụy Thánh và Cơ Thánh của ông bà. Lăng Thụy Thánh chỉ cách Thiên Thọ một quãng đường, vốn thuận tiện hơn nhiều so với lăng Cơ Thánh xa cả quãng sông. Dù chỉ nhìn qua là thấy, nhưng nhà vua có thể muốn bước lại gần cũng khó. Mấy năm nay mỗi lần đi ngang cô đều muốn vào cũng nào được.

“Khu vực ấy đẹp lắm, phía trước có đồi ngắm sông, phía sau có hồ trên núi. Những ngày nắng sáng hay có mù, tưởng như tiên cảnh.” Cô cung nữ nghe thế vẫn hồn nhiên nói. Cô nhìn qua Nguyễn Thị Bảo, sai Đông đưa mâm quà tới cho bọn trẻ ở gian bên.

“Ngài ấy lại chẳng gọi ai nửa năm rồi đấy.” Khi cô vẫn đọc sách, Nguyễn Thị Bảo thở dài, vuốt nhẹ mái tóc đứa trẻ đang nằm ngủ bên cạnh. “Từ khi làm lễ bão tiến, nó còn chưa gặp phụ hoàng thêm lần nào.”

“Cứ bế đến điện thì gặp thôi.” Cô lơ đãng nói. Mấy năm ở đây, cô đã quen với cách sống thất thường của nhà vua, cô gái này nhập phủ hơn chục năm mà vẫn còn ấm ức buồn khổ kể cũng lạ. Thấy vẻ mặt Nguyễn Thị Bảo, cô đành ra điều không nỡ nói tiếp. “Sắp đến các ngày lễ tiết, lễ Vạn thọ chẳng hạn, cứ bám lấy ngài thì thể nào cũng được chú ý tới.”

“Em không phải đám con gái ấy.” Nguyễn Thị Bảo bỗng đỏ mặt, cau mày. Cô nhìn thoáng qua cô gái, không nói thêm. Miên Liêu bắt đầu theo nữ quan học chữ, cô cũng đọc lại mấy cuốn sách dành cho trẻ nhỏ, chẳng mấy để ý tới thái độ rối rắm kia.

“Em vào tiềm để năm mười bốn tuổi, cả bốn năm, ngài ấy chẳng hề nhìn tới.” Nghe cơn mưa lắc rắc ngoài song, Nguyễn Thị Bảo thì thầm. “Lúc ấy em còn oán ngầm chị Kiều, cho là vì chị ấy cả, nghĩ rằng chị ấy được Thế Tổ quý mến mà không xem ai ra gì. Hóa ra, cũng chẳng phải thế.”

“Thế Tổ quý mến?” Cô lại nghe lọt tai việc khác trong những lời than oán kia, liền ngẩng đầu hỏi.

“Mấy lần Thế Tổ đi Bắc tuần đều ở Thanh Hoa, gọi Trấn thủ Thanh Hoa ngoại tới. Nghe nói chị Kiều do chính Thế Tổ chọn đấy. Con trai đầu của chị ấy còn được lấy tên Chính bộ Nhật, cả nghĩa lẫn kiểu đều lạ. Ngay cả hoàng Ba trước có tên Yến cũng là bộ Miên, không phải bộ Nhật đâu, vì sinh ra sau hoàng tử Chính đấy. Hoàng Tư sinh khi Chính đã mất nên mới có tên bộ Nhật. Chị xem không phải Thế Tổ đặc biệt ưu ái à?” Nguyễn Thị Bảo nhíu mày. “Nghe nói đến lúc nạp chị Kiều vào phủ, Thế Tổ mới cho bộ Lễ bàn định quy cách nghi lễ dùng cho đến sau này[3], chứ người vợ đầu của ngài ngự chỉ dùng gia lễ thôi.”

Cho nên chẳng có ai công nhận, cô nghĩ khi gan ruột chợt lạnh toát. Dù nhà Hồ Thị Hoa lúc ấy chỉ còn mẹ góa con côi, không có lấy một người họ hàng nào, nhưng vẫn có thể định lễ rồi châm chước. Cử lễ nhưng không gọi tới Lễ bộ, không có một nghi thức rõ ràng nào, ngay từ đầu đã mập mờ.

“Nhưng cũng chỉ bề ngoài là thế thôi.” Nguyễn Thị Bảo vẫn đang nói, chìm trong nỗi buồn phiền của riêng mình. “Dù có yêu quý ngài ấy đến mấy cũng vô ích.”

“Yêu?” Cô cười, nghe như tiếng gió lao xao bên ngoài. “Không phải là tình thân vượt qua hoạn nạn, chẳng phải là tình bạn chia ngọt sẻ bùi, càng chẳng điên dại khắc cốt ghi tâm, yêu là thế nào? Chẳng lẽ nhìn nhau đọc vài bài thơ, hát vài câu, nghỉ vài đêm, sống với nhau vài năm, thế là thành yêu được?

“Đến kỹ nữ còn có thể nhảy sông tự sát, phát bệnh đến chết vì yêu, còn đám người không bệnh mà rên trong cung nội còn lâu mới chết.” Cô vẫn lạnh nhạt nói khi Nguyễn Thị Bảo ngẩng đầu nhìn cô. “Tự cho dục vọng thành ao ước, ghen ghét thành tình cảm, hư tâm thành giả ý, tự vẽ ai oán thương sầu với một bóng hình hẳn là đẹp đẽ, diễn một đoạn tình yêu khổ sở cho ai xem? Có yêu thật thì cũng tức phát bệnh mà chết lâu rồi, không thì làm Dương phi kia mà ầm ĩ chứ sống yên thế nào được. Ngay cả đàn ông, không kể Phù Sai, Hoằng Trị khi đã yêu thì trong mắt chỉ có một người, đến Vũ đế sủng ái Câu Dặc, Cao tông si mê Võ Mị dù chỉ là tình cảm một thoáng mà không làm ra những chuyện ngu ngốc thì cũng khiến hậu cung xào xáo ghét ghen.

“Chuyện đám nho sĩ vẽ vời ra lấy tính quân thần chủ tớ làm trọng đã là bôi trát bề ngoài, nói đến chuyện yêu đương nhìn khắp chỉ tuyền Phi Yến cùng Hán đế. Đàn bà mơ theo lối đàn bà, đàn ông tưởng theo lối của đàn ông, cũng chỉ là sự bông phèng lấy chữ tình vẽ rồng vẽ phượng toàn chuyện lừa mình dối người cả.” Cô lật trang sách, thấy cô gái bên kia ôm con đứng dậy thì hạ giọng. “Tin vào những chuyện phong hoa tuyết nguyệt hư tình giả ý dẫu có giải sầu qua ngày đoạn tháng thì cũng chả đáng đâu. Ở nơi này chỉ có viên ngọc trên mũ may ra là thật.”

Nguyễn Thị Bảo quay người bỏ đi, cô còn nghe con gái lớn của cô gái gọi với theo mẹ nhưng không được trả lời. Tính cách như vậy nên dù có thông minh xinh đẹp, được nhà vua nhớ tới hơn nhiều người trong cung này, cô gái vẫn cảm thấy bất mãn. Một đám con gái mười bốn mười lăm tuổi vào cung thì biết cái gì, cô nhớ tới lời Lê Hậu năm xưa, lại khẽ thở ra. Yêu hay không yêu, cách lý giải mọi thứ trong mắt họ thật giản đơn.

Những ngày ấy, thật sự cô cũng nào đã biết gì. Thậm chí, tất cả bọn họ đã không thể lý giải những điều xảy ra quanh mình.

Mấy ngày sau đó, cô tìm cách gặp nhà vua, nhưng ngài ta lúc nào cũng bận. Sau tiết Thanh minh, nhà vua liên tục ra cửa biển Thuận An xem thủy sư thao diễn. Rồi kinh thành chuẩn bị cho lễ Vạn thọ của nhà vua, quanh ngài ta lúc nào cũng có người. Song song đó, những viên quan được phái đi kinh lược Nam Định, Hải Dương bắt đầu cuộc sát phạt của mình, bên cạnh việc phát chẩn cho dân bị đốt phá cướp bóc. Cai án Phạm Thanh, Thư ký Bùi Khắc Kham nghe đoàn kinh lược tới, bỏ trốn khỏi Nam Định, bị bắt lại đưa ra chợ chém ngang lưng. Tri phủ Kiến Xương bị xử chém, Tri phủ Ứng Hòa, Đại An dung túng nha lại bị cách chức. Lại dịch ở thừa ty hai trấn bỏ trốn đến hàng trăm người. Toàn bộ trấn thần Nam Định, Hiệp trấn, Tham hiệp Hải Dương bị cách chức cùng vô số quan lại khác. Việc càng tra càng lớn, đến Hiệp trấn Sơn Nam cùng các Trấn thủ, Tham hiệp đã hưu trí cũng bị lôi lại việc làm đê điều không đúng phép. Toàn Bắc Thành xôn xao, người tại kinh kỳ cũng chộn rộn trong các cuộc thuyên chuyển thay thế chức quyền cũ. Nhà vua ra chỉ dụ kể tội khắp cả tam tào Bắc Thành. Hình tào thì khinh thường đùa giỡn pháp luật, Hộ tào thì thông đồng gian dối mưu kiếm lợi riêng, Binh tào thì cậy thế sách nhiễu mà làm việc bất lực, việc lớn việc nhỏ từ trên xuống dưới, từ quan đến dân đều sai quấy. Ngài ta bảo muốn trừng trị nhưng nghĩ trước nên giáo hóa cũng chỉ là lời nói đấy thôi, chẳng qua là chưa bắt được tận tay chừng ấy tội lỗi, người xung quanh thì thầm. Cô càng tránh giáp mặt nhà vua dù chỉ trong các buổi yến tiệc công, viện cớ đang có tang. Dù ngài ta có biết rõ cô không liên quan đến việc của cha mình, cô cũng chẳng muốn làm cớ cho trò tiêu khiển bàn luận của người khác.

Sau lễ Vạn thọ, ngài ta lại ra nhà Lương tạ tránh nóng, rồi về cung Khánh Ninh. Kiên nhẫn dò hỏi chờ đợi, cuối cùng cô gặp được nhà vua vào tối trước khi ngài ta đi tuần du Quảng Nam. Hầu hết công việc đã được xử lý, nhà vua chỉ nghỉ ngơi. Nghe cô muốn gặp nhà vua, viên nội giám lại dẫn cô tới ngôi đình góc hoàng thành. Lúc này cổng hoàng thành đã đóng, lính Thị nội tập trung ở các cổng xa, căn gác Hải tĩnh niên phong lập lòe ánh lửa chiếu xuống chiếc thuyền nhỏ tên Kim Hoa bên cạnh, nghe cá đớp lách tách dưới mạn cầu. Hương hoa từ khắp bốn phía nồng trong đêm mùa hạ.

“Thần tìm ngài có điều muốn hỏi.” Sau câu chào, cô nói ngay, dâng lên cho nhà vua một tập sách không ghi chữ trên bìa. “Hai năm trước, Lễ bộ Thượng thư Phạm Đăng Hưng qua đời có nhắc đến ghi chép của bộ Lại về việc trước năm Tân Dậu, hầu có thể làm quốc sử. Ông ấy khi đang ốm cũng đem một bản sao về nhà, thần hỏi con gái ông ấy là thiếp của hoàng Cả thì được cho mượn xem.

“Cuối năm Nhâm Tuất, các Vệ úy Thị trung đồng loạt được phong làm Khâm sai Thuộc nội Chưởng cơ có Trần Văn Trí, Lê Văn Tín, Trịnh Ngọc Trí, Nguyễn Văn Uy, Hồ Văn Bôi.” Cô chậm rãi nói, chợt thấy ánh lửa xao động trong mắt nhà vua. “Trong đó, Trịnh Ngọc Trí, Trần Văn Trí được trọng dụng trong triều, làm tới Phó Đô Thống chế, con cháu cũng có chức vị. Lê Văn Tín qua đời năm Quý Hợi, được tặng Chưởng dinh. Nguyễn Văn Uy đã qua đời sớm trước đó, được ghi tên trong miếu công thần Phú Yên. Lại xét, trong đó có Trịnh Ngọc Trí, Lê Văn Tín, Hồ Văn Bôi là công thần Vọng Các. Nhưng Hồ Văn Bôi qua đời năm Giáp Tý, chỉ sau Lê Văn Tín một năm, lại chẳng hề có tên trong một bản danh sách công thần nào. Lê Văn Tín vừa có tên trong miếu Trung hưng công thần, vừa được định bậc trong danh sách công thần Vọng Các ghi cả những người đã chết bệnh ở nhà. Cùng một chức vụ vai trò, cùng một khoảng thời gian, nhưng tại sao lại khác nhau như vậy?

“Nhắc đến việc định bậc công thần Vọng Các, danh sách ấy được làm đầu xuân năm Đinh Mão, trước khi chị ấy mất vài tháng. Từ lúc đó đã không hề có tên Hồ Văn Bôi.” Nhà vua không cầm lấy tập sách, cô đành đặt nó lên gối, vẫn chằm chằm nhìn ngài ta. “Con của một viên quan từng làm ở bộ Lễ cho thần biết, đến năm Mậu Thìn thì quan Lễ bộ mới định nghi thức nạp thiếp cho hoàng tử. Nhưng năm Bính Dần đó chẳng phải đã có một loạt nghi lễ sắc phong đấy sao, Lễ bộ đâu phải để làm cảnh? Rốt cuộc thì các người đã cho chị ấy danh phận thế nào vậy?

“Có phải ngay từ khi đón người, các người đã định đến lúc loại bỏ chị ấy? Đã tính đến việc sau đó sẽ bác bỏ hoàn toàn danh phận của chị ấy? Chưa cần chị ấy mất đi, các người đã loại bỏ cha chị ấy. Trước đây thần vẫn nghĩ, Thế Tổ và ngài vì muốn bảo vệ hoàng Cả, vì tình thế bất đắc dĩ, kể cả là vì những việc xảy ra sau này mà chẳng còn tình cảm gì nên đối xử với họ như thế. Nhưng hóa ra, không phải.” Cô nghe giọng mình hơi run rẩy như ánh lửa nhảy múa trên tường. “Ngay từ khi bắt đầu, tất cả đã là một trò đùa.”

“Không phải trò đùa.” Nhà vua khẽ thốt, nhưng rồi im lặng. Cô chờ đợi, nhưng ngài ta vẫn cứ lặng im, gương mặt trong ánh lửa lại như khắc bằng đá. Chỉ có hương hoa vẫn nồng nàn trong đêm yên tĩnh văng vẳng tiếng côn trùng.

“Mai ngài đi Quảng Nam.” Cô hạ mắt, cười nhẹ. “Mốt là sinh nhật hoàng Cả. Hai năm trước, ngài cũng từ kinh sư đi ra vào ngày ấy. Năm trước ngài lại định đi Quảng Nam mà nắng quá đành thôi. Tại sao ngài cứ phải nhất quyết đi vào tháng năm, vào đúng sinh nhật hoàng Cả như vậy? Có phải ở lại kinh sư khó chịu lắm không?

“Thời gian làm ngài khó chịu khổ sở nhất không phải là ngày chị ấy mất, mà là ngày ngài đã không có mặt. Vì thế, chuyện không nên xảy ra lại xảy ra. Thần lại muốn hỏi, tại sao chị ấy về nhà vào hôm ấy?” Cô nhìn bóng mình trải dài trên sàn gỗ, thì thầm khe khẽ. “Năm ấy, đầu tháng có nhật thực, thần bị cấm cửa trong nhà cả chục ngày. Bây giờ nghĩ lại, thần vẫn không thể hiểu tại sao chị ấy về nhà khi đã sắp sinh. Dù nhà chị ấy đông người, nghèo túng khó khăn thì ngài cũng có bao nhiêu thuộc hạ, người quen để nhờ vả, ai cần tới một phụ nữ đã gần ngày sinh? Nếu muốn gặp người nhà, chị ấy có thể cho người đón họ đến phủ mà đâu phải đi cả một quãng đường, một con sông. Trừ phi, là không được. Họ không đến được, mà chị ấy cũng không thể ở được.

“Rồi thần lại nghĩ, tại sao ngay sau ngày đầu năm ấy, ngài nhất quyết phải rời khỏi hoàng thành, rời khỏi khu đất này? Tại sao ngay trong tháng giêng mà Thế Tổ đã quyết định xây phủ cho ngài ngoài Kinh thành? Chẳng phải là ngay sau khi có danh sách công thần Vọng Các à?” Cô ngẩng đầu nhìn người ngồi trên cao, mỉm cười trước sự thinh lặng bất động của ngài ta. “Lúc ấy ngài là hoàng tử duy nhất đủ tuổi xuất các, vốn không cần rời khỏi hoàng thành, mà Thế Tổ cũng đã dành cho ngài một vị trí gần với cung Chấn Hanh sau này, vốn luôn ưu ái ngài như thế. Vậy mà ngài lại quyết định đi khỏi, ra sống ở Kinh thành ngày đó còn vô cùng hỗn loạn, rời xa hoàng cung. Lúc ấy ngài đã nhận ra các người định vứt bỏ chị ấy ngay từ đầu? Lễ cưới và danh sách, thứ này dẫn đến thứ kia. Chị ấy là con gái của một viên tướng quèn, không đủ tài lực để làm Phi cho Thái tử, Hoàng hậu của đức vua, nên tốt nhất là triệt hạ ngay từ đầu. Triệt hạ hoàn toàn, mọi thứ mà chị ấy có thể bám víu vào. Ngài nhận ra điều đó, nên mới đưa chị ấy đi khỏi hoàng thành, vứt bỏ cả vị thế của mình? Dẫn đến việc Thế Tổ giận dữ khôn nguôi, dù chị ấy đã mất vẫn nhất quyết không thừa nhận, loại bỏ hoàn toàn cả nhà họ Hồ? Ngài ấy bao giờ cũng phản ứng dữ dội nhất với những người dám xem thường mình, bất kể đó là ai.

“Rồi thần nhớ lại, tại sao đến cả khi ngài lên ngôi rồi mà vẫn chỉ có thể sắc cấp cho nhà bọn họ ít tiền gạo? Trong khi bọn họ là con của công thần Vọng Các, Khâm sai Chưởng cơ, rõ ràng có thể đăng sổ Hoa danh, chờ tập ấm. Những viên quan khác được ngài cho sắc chỉ cấp phát thì cũng vừa mới mất, hoặc ở nơi xa xôi không ai biết để xin cho, đâu phải tại ngay cạnh kinh thành mà bị bỏ rơi suốt hai mươi năm. Đến cả lúc này, ngài đã làm bao nhiêu cách mà vẫn chỉ có thể im lặng truy tặng cho ông Hồ Văn Bôi đến Thống chế, không thể cho con trai tập ấm, lý do vì sao vậy? Lúc trước là vì cha ngài, nhưng bây giờ rõ ràng ngài muốn làm mà không được.” Cô đưa tay sửa nếp áo, giọng bỗng trở nên lạnh nhạt. “Thần cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi, rồi trong một lúc hoang đường chợt nhớ đến công tử Mỹ Đường. Im lặng xử quyết một người, rồi công tử tự nộp lại toàn bộ sách ấn, xin miễn làm thứ dân, người không biết quỷ không hay chuyện gì đã xảy ra. Cứ thế, một dòng tôn thất bị triệt làm thứ nhân, chẳng còn bất cứ vai trò quyền lợi gì, chẳng còn ai biết ai hay. Đó chẳng phải là cách làm của khu thành này sao? Huống hồ chỉ là một cô gái bé nhỏ cùng gia đình mẹ góa con côi, tước bỏ mọi thứ của họ dễ dàng như một cái búng tay?

“Sách phong của chị ấy còn ghi ‘vô vi tiết lệnh’. Cho thần hỏi, chị ấy đã phạm sai luật lệnh nào thế?” Không hề có phản ứng nào từ người bên kia phòng, cô liền cười thành tiếng. “Có lẽ là đã sai ngay từ lúc bắt đầu. Phải, là sai ngay từ đầu rồi.”

Những tiếng cuối, giọng cô bật lên nức nở. Ngồi bệt trên sàn, cô bỗng nhiên bật khóc. Dù không hề muốn, cô vẫn nức nở khóc.

Đáng lẽ, đáng lẽ cô ấy có thể vĩnh viễn tươi đẹp trong ký ức của cô, ngay cả trong những điêu tàn chết chóc. Đáng lẽ, cô ấy có thể tươi đẹp cả trong đau buồn thống khổ. Nhưng hóa ra, cô ngày ấy chỉ là một đứa trẻ chẳng hiểu được gì.

Chúng chỉ là mấy đứa trẻ, nhà vua kia nói. Chỉ có bọn trẻ mới nói đến tình yêu, mộng ước, tin tưởng và hy vọng. Hóa ra, tất cả chỉ là một trò lừa gạt ngay từ lúc bắt đầu. Họ xây nên một tòa lâu đài trong mộng, để chờ ngày đập vỡ nó. Tình yêu này được đến bao lâu, họ hỏi, xây sẵn mộ phần cho nó, thậm chí góp tay đẩy nó xuống bờ vực. Cái chết của cô ấy, từ đó, đã không còn là câu chuyện mạng sống một người, mà trở thành vết thương miên viễn, nỗi tuyệt vọng tột cùng của con người nơi đây. Hai người bọn họ chẳng còn muốn gì cả, Ngọc Anh nói. Cả cuộc đời dằng dặc hóa ra cũng có khi chỉ là một trò lừa gạt ngay từ lúc bắt đầu. Cuộc đời mà khi nhìn lại hóa thành một thứ không thể nào hiểu nổi.

 

Nhà vua để mặc cho cô khóc. Ánh mắt ngài ta hướng đến cửa sổ lầu gác nhìn ra cành cây lay động trên mỏm đá. Căn gác nằm giữa những mỏm đá được cây xanh phủ kín khuất ánh mắt người ngoài, bên trong nhìn ra chỉ thấy một mảng trời nhỏ. Lúc này nghe gió ào ào như một trận mưa đang đến.

“Ngươi có biết tại sao ngày xưa ta muốn giúp Nguyễn Văn Thành?” Khi tiếng khóc của cô lắng xuống, ngài ta bỗng nói một chuyện mà cô ngơ ngác không hiểu. “Ta không thích ông ta, nhưng ta nghĩ hoàng khảo sẽ rất buồn nếu phạm sai lầm, hoàng khảo sẽ rất buồn khi ông ta chết.

“Nhưng ta biết mình lầm rồi khi thấy hoàng khảo ban thưởng cho Nguyễn Trương Hiệu vì đã tố giác cha con Nguyễn Văn Thành, dù quan thần bên cạnh còn ngăn là không nên.” Mấy ngón tay trên gối ngài ta cử động khi nhà vua cúi đầu cười. “Hoàng khảo ta vốn không có bạn, càng không tin tưởng bất cứ ai. Phải đến vừa rồi, ta mới hiểu được người.”

Cô cắn môi, gạt nước mắt. Nhìn nụ cười của nhà vua như cái bóng bay qua đêm sâu.

“Vừa rồi ta đi thăm núi. Cây xanh, sông rộng, hồ trong, hoa nở rực rỡ. Rồi ta nghĩ, cô ấy đã không ở nơi đây nữa, bao lâu rồi.” Tiếng người rơi vào trong đêm, rơi vào hồ sâu nước tối. “Cô ấy không còn ở nhân gian này nữa, vĩnh viễn.”

Thứ ta thấy chỉ là mặt nước và bầu trời trên những bậc thang đá phong rêu. Tháng ba, nắng xanh chói sáng, hương xuân thơm ngát theo gió mênh mang khắp các ngọn đồi cùng đồng cỏ. Hoa quanh lăng mộ đung đưa trong sớm xuân ngời. Thế gian người để lại vẫn đẹp đẽ như thế.

Nhà vua gọi nội giám đưa cô về viện. Đi qua đồng hoa, cô quay đầu nhìn lại, chỉ thấy bóng hòn đảo hắt sáng nằm sau hun hút đường trúc xanh. Những chiếc đèn đá leo lắt trong gió không xua nổi bóng tối.

Dùng người như dùng thuốc, sau này người nói. Dùng dục vọng, bóng tối, nỗi sợ hãi để thao túng điều khiển con người, trong nỗi thất vọng vô biên đến dường không chịu đựng nổi. Chúng là mấy đứa trẻ, người kia nói, trong cuộc đời nhuộm máu đỏ từ lúc mới sinh thành. Cô ấy không còn ở đây nữa, đó là điều duy nhất người trả lời cô, trả lời mọi câu hỏi của cô.

Năm tháng ấy, những con người của ngày cũ lần lượt ra đi. Thế gian mà người nhìn thấy, chỉ còn là bóng hoa dưới bầu trời.

 

Chú thích:

[1] Khách trung tạp cảm kỳ 5 của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Theo Đại Nam hội điển sự lệ, mỗi lần yết lăng Thiên Thọ của Gia Long làm lễ rải đất, Minh Mạng đều ghé qua lăng Thụy Thánh và Cơ Thánh chiêm bái. Năm 1822, “chọn được ngày tốt” nhằm tạ ơn Bắc tuần bình an, 16 tháng 2 đi yết lăng Cơ Thánh, đến ngày 18 mới tới lăng Thiên Thọ.

[3] Theo Đại Nam hội điển sự lệ, đến năm 1808, Gia Long mới cho bộ Lễ định quy cách hoàng tử cưới vợ. 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.