- Kiếp trì nhân thác loạn, hắc bạch lưỡng phân minh[1]
(Dọc ngang người loạn lạc, hắc bạch đã phân minh)
Tháng mười hai, Trương Văn Minh được gia hàm Tiền phong Đô Thống chế quản lý biền binh, đưa một ngàn binh cùng các tướng đến Bắc Thành. Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đức Nhuận đều gia hàm Thị lang lĩnh Hình tào và Binh tào Bắc Thành. Các Quản cơ ở Thanh Nghệ đem binh thuyền đến Hải Dương, họp cùng một trăm pháo thủ dinh Thần cơ. Các tỉnh thành khác điều phái lính miền Nam và Thanh Nghệ trấn giữ, chờ đợi động tĩnh từ ven biển.
Đại quân còn chưa đến nơi, Trấn thủ Hải Dương Nguyễn Đăng Huyên đã đem quân đi đánh, đại bại ở Cổ Trai. Quân thủy bộ vừa được phái đi chặn đường, nửa đêm quân Phan Bá Vành đến tấn công cửa Tam Giang, sáng hôm sau đổ tới đánh thẳng. Hai viên tướng giữ cửa Tam Giang bỏ chạy, Trấn thủ Nguyễn Đăng Huyên chần chừ không tiếp cứu, để Vệ úy Hùng cự nhị Ngô Văn Thành cùng tám mươi biền binh chết ở Cổ Trai. Quân Vành họp một trăm chiếc thuyền hoành hành ở Đồ Sơn.
Trong khi đó, Tham tri Vũ Đức Thông trở thành viên quan đầu tiên bị cách chức vì sai phạm ở Hình tào Bắc Thành, giao cho bộ Hình nghị xử. Đầu năm mới, nhà vua ra chiếu cho Bắc Thành sát hạch toàn bộ quan lại, sai trấn thần Nam Định tra xét quan lại cùng binh dân.
Đầu năm Đinh Hợi, tin tức về chiến trận ở Bắc Thành lẫn động tĩnh trong kinh kỳ khiến cái Tết nguyên đán trở nên lặng lẽ. Các vị Phò mã của trưởng công chúa, người bị cách chức, người đang lãnh việc quân cam go, người lại vừa nhận lệnh lên thuyền đến Hạ Châu, Ngọc Cửu thì đang mang tang cha chồng, Ngọc Ngoạn, Ngọc Khuê đều đang ốm nặng, buổi yến ở cung Trường Ninh buồn hiu hắt.
“Ngay cả các phu nhân cũng không dám nói với nhau chuyện gì.” Một ngày, Ngọc Xuyến tới tìm cô, thấy Ngọc Cửu cũng đang ở đấy, bèn nói với cả hai người. “Hình bộ vốn là nơi nguy hiểm dễ tra tội danh nhất, nên Vũ Đức Thông mới về Kinh mấy tháng đã bị truy lục đủ thứ tội. Nguyễn Hữu Thận cùng Phò mã ở Bắc Thành được lệnh tra xét quan viên, loạn này mà xong thì không thiếu kẻ bị xử trảm.”
“Bây giờ thì còn ai là ‘phu nhân’?” Ngọc Cửu khẽ nhếch khóe môi. “Các đại quan đã chết cả rồi, Thượng thư các bộ thì nay biếm mai giáng, đến cả những Đô Thống chế đường đường cũng sơ suất là lột mũ áo. Người người sợ hãi, lo thân mình không xong thì còn dám nhận nhờ vả ai được?”
“Em không lo à?” Ngọc Xuyến nheo mắt, như cười mà không phải cười. Ngọc Cửu lại bĩu môi.
“Tả quân vừa dâng sớ xin về Kinh chúc lục tuần thượng thọ của Thái hậu. Nếu có lo cũng chưa đến lúc phải lo.” Ngọc Cửu nửa đùa nửa thật đáp. Cô đưa mắt cho Ngọc Xuyến, không muốn cô ấy lại tiếp tục khêu chuyện với Ngọc Cửu.
Ngọc Cửu sinh ra sau đại định, lại là em cùng mẹ với Định Viễn công Bính, vị hoàng tử liên tục mắc lỗi vì mê mẩn đám con hát, tính tình hai anh em cũng có đôi chút bướng bỉnh như nhau. Vốn khi Lê Chất cha cô mất, cả nhà ai cũng có chút lo lắng, nhưng Ngọc Cửu nhận được thư phúng điếu từ Gia Định chuyển tới thì lại an tâm, cho rằng Tả quân sẽ không để gia đình cô bị thiệt.
“Nghe hoàng thượng hỏi một quan viên rằng tại sao binh lính Bắc Thành yếu ớt như vậy mà không nghe ai nói. Ông ta bảo, Hậu quân được hoàng thượng yêu quý như thế thì ai dám nói.” Khi Ngọc Cửu đã ra về, Ngọc Xuyến hạ giọng kể với cô, cười khẽ cùng chén trà trên tay. “Rõ là một đám giậu đổ bìm leo, giở giọng đâm chọc. Khi hoàng thượng nói đến Phò mã Trương Phúc Đặng, Trương Văn Minh thì ông ta cũng bảo, họ không giỏi việc quân, đi chưa chắc đã có lợi gì đâu.”
“Đổ trách nhiệm sớm nhỉ?” Cô cũng cười. Yêu quý? Hẳn ai cũng nhìn thấy cha cô cùng Tả quân hục hặc với Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Hữu Thận, thấy cả tranh cãi của nhà vua và cha cô quanh Lê Duy Thanh, thậm chí có lúc cha cô còn định trả cả chiếu chỉ khi không bằng lòng. Nhưng cả triều đình im thin thít dưới quyền lực của hai vị trọng thần thì cũng sẽ nhanh như thế đi đổ trách nhiệm cho người đứng đầu. Hẳn nhiên, toàn bộ trách nhiệm là của nhà vua, người đã trọng dụng Lê Chất cha cô, đã đưa Trương Phúc Đặng, Trương Văn Minh tới Bắc Thành – trong khi cả triều đình im thin thít như không liên can. Sự im lặng thông đồng từ trên xuống dưới bất chấp mọi luân lý cùng lẽ phải, sự hèn nhát xảo trá của họ tất nhiên phải là do nhà vua gây ra. Và những kẻ ấy cũng đồng thời sẽ lên tiếng to nhất, quan ngại lớn nhất, chỉ trích cùng tranh cãi ầm ĩ nhất khi nhà vua thất bại với những quyết định của mình.
Ngay cả những quan tướng thân tín nhất của nhà vua cũng không khác. Nguyễn Hữu Thận đã đến Bắc Thành cả năm, nhưng vẫn nằm trong số đông im lặng, chẳng biết lần này có thể tra xét được sai phạm gì theo lệnh nhà vua hay chăng. Ngay cả Trương Phúc Đặng thật sự cũng chẳng vô tội khi im ỉm về loạn lạc khắp nơi ở Bắc Thành, về đám lính hầu như không hề điều khiển được, để hậu quả ngày càng lớn. Bọn họ rốt cuộc cũng lo toan cho thân mình trước nhất, để bảo toàn chính họ mà trở thành một trong số những kẻ lọc lừa lặng ngắt kia.
Nguyễn Phúc Kiểu hẳn đã đến lúc phải nhận ra cái triều đình của mình là gì, niềm tin của mình đã đặt vào đâu, ngay cả những tranh cãi trước kia có chút ý nghĩa nào. Những người tưởng chừng trung thành như nhất, cao quý đáng kính trọng, nói những lời đẹp đẽ, trí tuệ cao vời, thẳng thắn liêm khiết ấy, rốt cuộc cũng chỉ là như thế. Rồi bọn họ cũng sẽ gào thét uất ức đổ tội cho ngài ta đã tin cậy họ, như Lê Duy Thanh năm xưa khóc lóc, như người xung quanh nói với ngài ta về Trương Phúc Đặng bây giờ. Rồi ngài ta sẽ nhận ra toàn bộ hy vọng của mình với con người vô nghĩa lý đến mức độ nào.
Huống hồ, việc trừng trị Trương Phúc Đặng dường như là đúng đắn, khi cả Bắc Thành bắt buộc phải đứng dậy đánh dẹp những toán người nổi loạn. Sau chiến thắng của Phạm Văn Lý, Nguyễn Văn Phong ở Tam Giang đánh đuổi Phan Bá Vành đến Thiên Trường, Phan Bá Hùng, Phan Hùng Bảo, Nguyễn Công Trứ cũng đánh tan nhóm quân năm ngàn người tấn công vào Kiến Xương, Sơn Tây bắt giết được Đinh Thế Thai, dân phu cùng Tri huyện An Dương đánh đuổi hai mươi thuyền cướp, Quản đạo Ninh Bình thân đem voi ngựa đi kinh lược, truyền gọi thổ ty, thổ mục chống giữ. Có vẻ thấy tấm gương của viên Thống chế Phò mã lẫn Hình tào Bắc Thành cùng các viên tướng chạy trốn bị chém đầu trước đó, đã chẳng ai còn có thể ngồi yên chờ thời. Tháng giêng đến với những tin tức chiến trận khắp nơi. Ngay cả vài viên quan văn trong triều như Thân Văn Duy, Phạm Vũ Phác cũng hăng hái xin đi Bắc Thành tham gia đánh dẹp. Sau chuyến thăm Đông giao, nhà vua dàn quân đi săn ở đồng Hưng Bình, tiếng thanh la cùng trống chiêng vang dội cả một Phú Xuân trầm mặc.
Đó là lần đầu tiên Nguyễn Phúc Kiểu chỉ huy một trận chiến, nắm được vào tay quyền lực. Và trả giá cho quyền lực.
Tháng hai, xác Trương Phúc Đặng được đưa về kinh thành.
Phò mã sợ tội tự tử, người tới báo tin nói. Trong khi cậu con trai Cả của Ngọc Anh vừa khóc vừa nói với Thái hậu, cha cháu bị lột mũ áo, không cho lính hầu, bắt tự đi về Kinh chịu tội, không chịu đựng được nên uống thuốc độc tự sát.
Ngọc Xuyến thì thầm, nghe người ở Bắc Thành bảo, sau khi chỉ cách chức tới nơi, tội của Trương Phúc Đặng bị giao cho đình thần nghị xử, họ lôi ra một vụ việc bắt người trái phép nào đó. Trương Phúc Đặng uất ức mà tự tử.
Bằng không, tội lỗi ở Bắc Thành phải đẩy cho ai? Quân lính Bắc Thành, Thanh Nghệ không làm được việc gì à, nghe nói nhà vua đã bảo thế khi thành thần xin phái thêm Kinh binh và vũ khí, thuyền bè tới hỗ trợ. Các người cần phải có mấy vạn binh lính miền Nam mới đủ? Nếu ta phái quân đến mà chỉ một trận đánh tan, tướng cầm quân như các ngươi sợ không thể trơ mặt đứng ở đời được.
Đội quân vài vạn người do cha cô chiêu tập hoàn toàn vô dụng. Hệ thống quản lý mà cha cô xây dựng bồi đắp ở Bắc Thành tan vỡ như tổ kiến. Trương Văn Minh đến, nhưng cũng chỉ như Nguyễn Hữu Thận trơ mắt nhìn các toán quân chống đỡ ở các vùng bờ biển, núi cao, lấy mạng đổi mạng, lấy súng ống cùng gươm giáo lao vào các cuộc đánh dẹp đẫm máu. Đại quân từ kinh thành đến, dồn đuổi và đánh trả nhóm người ngoài biển. Viên đại tướng người Gia Định Phạm Văn Lý nói ‘liều chết thì đánh được’, kể về những đoàn người trên các con thuyền tụ tập ven bờ biển, bất kể gái trai đều liều chết chống trả quan quân. Ông ta không có tài hơn kẻ khác, nhưng mạnh bạo hơn người, lâm hiểm cảnh không từ, nhà vua bảo với cận thần. Cuộc chiến ở vùng biển Bắc Thành năm ấy đã được giải quyết bằng cách như thế. Nào phải là tài năng hay lý lẽ, càng chẳng cần có một nguyên do để lý giải.
Nhưng trong triều đình này, mọi thứ đều có thể trở thành nguyên do. Câu nói của vị quan với nhà vua hẳn là khởi đầu cho tất cả. Cái án của Vũ Đức Thông cũng là một sự khởi đầu. Do đó, vị Phò mã Trương Phúc Đặng phải là người gánh toàn bộ tội lỗi, mọi nguyên do cho thất bại – và gián tiếp, chính là nhà vua. Bắt người trái phép, khiến binh lính quan dân bất mãn. Không có năng lực, để cho bọn cai quản hà hiếp bức ép quân lính, khiến không kẻ nào muốn ra trận. Nhưng vì là Phò mã, là thân tín của nhà vua, nên làm sai không ai dám nói, che giấu chiến bại. Hàng loạt, hàng loạt cái án sẽ được đưa ra, giáng xuống. Và Trương Phúc Đặng đã chọn cách duy nhất để chấm dứt tất cả.
Câu nói của nhà vua có lẽ là giọt nước tràn ly. Làm sao người có thể trơ mặt đứng ở đời – những kẻ đứng quanh cái xác của Trương Phúc Đặng thì thầm, rì rào như tiếng gió thổi dưới bầu trời. Tiếng động lẫn vào tiếng khóc của Ngọc Anh và những đứa trẻ. Và cô nhớ đến người đàn ông năm ấy thường đứng ngoài cửa cấm thành, sẵn sàng quát bất cứ viên quan nào phạm luật hạ mã. Và cô nhớ đến những người thanh niên cùng thiếu nữ năm xưa trong sáng, nhiệt huyết, kiêu hãnh cùng ngây thơ. Sự ngây thơ có thể phải trả giá rất đắt, cả sự kiêu hãnh của họ.
Mùa xuân, những cánh chim đang bay về trên bầu trời, hoa đang bừng nở trong khu vườn ngự uyển, cánh hoa rắc lên cả thân xác tím tái của người Phò mã, rắc lên dấu chân của công chúa. Sau cuộc chiến, nhà vua cho lập những ngôi mộ gió của quân tướng trận vong, hồn đã trôi theo sóng nước. Còn đám tang Trương Phúc Đặng im lìm trong một góc kinh thành, dù nhà vua đã trả lại áo mũ, khai phục nguyên hàm cho viên Phò mã thì vẫn chẳng có mấy ai tới. Ngày làm đám đã cuối tháng hai, tin thắng trận từ Bắc Thành về vào canh tư đêm nọ. Cả nửa cung thành bỗng dưng bị dựng dậy khi tiếng lao xao truyền đi khắp quanh bốn bức tường. Ánh lửa rực sáng phía bên Đông cung thành. Cung nữ nghe ngóng một lúc rồi chạy vào báo, Bắc Thành đã bình định.
Thái hậu nghe tin báo vào sáng hôm sau đó, chỉ lặng lẽ rơi nước mắt. Các công chúa cũng gạt nước mắt, nén lại tiếng khóc trong lồng ngực. Có tiếng nhạc từ Duyệt Thị đường vọng tới, có lẽ nhà vua đãi bá quan xem hát mừng công. Ngọc Xuyến vừa rời khỏi cung Từ Thọ đã chạy vào cổng Trường Ninh, ôm gối khóc trong góc vườn. Cô biết, có lẽ Trương Văn Minh cũng góp phần luận tội, đẩy Trương Phúc Đặng đến cái chết. Trong cơn bão đang ập tới, mọi kẻ vội vàng tìm cách trốn lánh cho mình, bất chấp tất cả.
Ngay sau cái chết của Trương Phúc Đặng, Vũ Đức Thông bị tội trảm giam hậu vì hàng loạt sai phạm, một Lang trung Hình tào khác cũng bị trảm quyết. Quản Binh tào Bắc Thành cũ là Trần Quang Tĩnh vội vàng cáo ốm xin về. Nhà vua bắt đầu nói đến việc kinh lược Nam Định, Hải Dương. Kinh lược trong ý nghĩ của ngài ta hẳn nhiên không phải như cha cô, mà là truy hỏi, khám xét cùng trừng trị. Nam Định, Hải Dương cũng sẽ chỉ là khởi đầu cho cả một Bắc Thành rộng lớn. Những lệnh tra xét trước đây của nhà vua chưa đem lại kết quả nào, nhưng ngài ta quyết sẽ không bỏ qua.
Cuộc chiến của Nguyễn Phúc Kiểu mới bắt đầu, và trong mắt ngài ta, kẻ như Phan Bá Vành mới không bao giờ đáng để tâm.
Nhạc vẫn ồn ã từ góc thành Đông, có lẽ còn kéo dài đến vài hôm sau. Khi Ngọc Anh đến báo với Thái hậu về đám tang Trương Phúc Đặng, họ vẫn nghe tiếng nhạc văng vẳng đâu đó quanh thành. Nhà vua còn chuẩn bị cho dựng viện Đoan Huy trong nội cung, hoạch định lại cơ cấu lục viện thay vì các ngôi điện riêng lẻ như trước. Người bắt đầu dựng các rào chắn trong vườn, cung nhân ở khu xây dựng chuyển tới trú tạm tại các điện khác. Khu thành này vẫn chẳng ngày nào yên lặng, dù có điều gì xảy ra.
Ngọc Anh vẫn phải chờ nhà vua trở về để báo cáo. Không muốn Ngọc Anh phải nghe tiếng nhạc, cô đưa cô ấy tới điện của mình, gọi cung nữ khép cửa. Vào phòng cô, Ngọc Anh ngả người, gục đầu xuống bàn, gương mặt xanh nhợt chỉ qua một tháng mà đã như già hơn chục tuổi. Nghe động, cô cung nhân ở tạm cùng điện với cô là Nguyễn Thị Bảo từ phòng bên ra, được cô ra hiệu đi lấy nước pha trà cho công chúa.
“Em có nhớ hai chục năm trước đây không?” Vẫn gục đầu, Ngọc Anh bỗng hỏi. Cô không lên tiếng, cô ấy bèn cười khẽ. “Năm ấy ta và các chị được định hôn. Lúc ấy chỉ có ta mười tám tuổi đã muốn lấy chồng. Ngọc Trân, Ngọc Xuyến đều cười ta cả. À không, là hai người chẳng ai muốn lấy chồng cả, sau khi Hoa chết.”
“Thật sự, cả hai đều đau lòng lắm đấy. Đến mức mà họ chẳng còn muốn hạ giá nữa, phải đến cả chục năm sau, hoàng khảo giục mãi, ép mãi mới được. Ngọc Trân bảo, tại sao chúng ta không thể cứ trong sạch mà chết đi?” Ngọc Anh như nấc khẽ trong cổ, rồi lại cười. “Lúc ấy ta không hiểu chữ ‘trong sạch’ của em ấy. Mấy hôm trước, ta mới nhớ ra Ngọc Trân đã cùng ta đến ngôi chùa ấy, nhìn ta viết dòng chữ nọ.
“Quán danh lợi vị phong trần bào ảnh đáo đầu, vô đắc vô minh, chư bàn thị huyễn. Chiếu tham sân si sắc tướng chân như, cứu cánh bất sinh bất diệt, ngũ uẩn giai không.” Ngọc Anh thì thầm đọc. “Em ấy mất đã gần mười năm rồi đấy. Em ấy mất cũng đã hai mươi năm rồi đấy. Còn chúng ta vẫn cứ ở đây, cứ ở đây.”
“Chị…” Có điều gì đó trong giọng Ngọc Anh khiến cô hoảng hốt, nhưng không biết phải nói sao. Cô công chúa ngẩng đầu, lau nước mắt chảy tràn trên má.
“Lúc ấy ta chẳng hiểu Ngọc Trân muốn nói điều gì. Ta là công chúa, nhưng ta cũng chỉ muốn có một gia đình bình thường, có một người chồng, những đứa con, thế là sai sao, là xấu sao? Khi Ngọc Trân chết, ta vẫn cứ không hiểu. Ta vẫn đang hạnh phúc mà, Phò mã của ta là Thống chế Thị trung, thân tín của triều đình, ai cũng nể sợ. Mãi sau này ta vẫn cứ không hiểu. Phò mã bị điều đi các nơi khác, ta chạy đôn chạy đáo kết thân với người xung quanh, nghĩ là tìm cách giúp đỡ anh ấy. Chẳng phải đó là cách mọi người đều sống sao, ai cũng sống như thế sao? Nhưng rồi, có phải ta đẩy Phò mã đến cái chết không?” Nước mắt vẫn rơi khi Ngọc Anh thì thầm. “Vì ta là công chúa nên Phò mã mới phải chết, đúng không? Ngay từ ban đầu, chúng ta được gả đi hạ giá nhằm mục đích gì? Ngay từ ban đầu, chúng ta đã chỉ là thứ con cờ của người. Tàn cuộc, tốt tan tướng lụn. Ta chạy đôn chạy đáo cả cuộc đời, lo lắng cả cuộc đời, hóa ra chỉ là vì thế thôi.”
“Chẳng phải chị vẫn được hạnh phúc hai mươi năm với Phò mã đấy sao?” Cô nghĩ mình an ủi Ngọc Anh, nhưng đổi lại chỉ là ánh mắt càng sâu hun hút nhìn cô.
“Em đã từng yêu ai bao giờ chưa?” Ngọc Anh bỗng dưng hỏi cô câu hỏi y hệt Ngọc Xuyến gần mười năm trước. Cô ngẩn người một thoáng, rồi mỉm cười.
“Nếu có thì hẳn đã chẳng sống ở đây được.” Cô hạ mắt, đưa tay xếp lại bộ trà trên bàn. “Dù là thứ gần giống như yêu, nghĩ thôi cũng đã không chịu đựng nổi.”
“Ngày ấy…” Ngọc Anh như có rất nhiều điều muốn nói, nhưng rồi chỉ còn lệ đọng trên môi. Cô nhìn thoáng qua cô ấy, rồi lại chú mục vào những nét mực xanh trên nền sứ trắng.
Chị có hạnh phúc với Phò mã không hẳn là một câu hỏi nhẫn tâm, ngay cả câu nói vô tình trước đó của cô cũng đã là không phải. Ngọc Anh đang khóc, nhưng vì cả cuộc đời đã trôi qua chứ chẳng riêng Phò mã. Anh ta đã bỏ cô cùng cả gia đình, nhẹ nhàng như một cái phất tay. Chẳng có một lời, chẳng cần nhìn lại, chẳng hề nghĩ tới. Tình yêu, vào lúc này, chẳng hóa ra là một câu hỏi vô nghĩa? Thứ cô nhìn thấy mấy chục năm nay ở họ, hóa ra nào phải là như thế. Ngay cả người em trai thân thiết, người đã từng lấy thân hình nhỏ bé chở che bọn họ những ngày tràn đầy sợ hãi ở Gia Định, cũng đã đem bọn họ trở thành một con cờ trong thế trận của ngài ta. Cuộc đời mà Ngọc Anh đã sống bao nhiêu năm nay, khi cô ấy nhìn lại, hẳn đã hóa thành một thứ không thể hiểu nổi.
Tại sao chúng ta không thể trong sạch mà chết đi? Ngọc Trân nói, như cô ấy. Từ chối biến thành con cờ của cuộc đời, từ chối để giấc mơ vấy bẩn, từ chối cả sự lụi tàn và lừa gạt, từ chối thua cuộc trước thời gian đằng đẵng. Ánh sáng chói chang rực rỡ ấy, vẻ huy hoàng diễm lệ cực cùng ấy, chính là mộng ước thuở thanh xuân của họ. Một khi đã nhìn thấy nó, sẽ không thể nào chấp nhận được bóng mờ. Một khi đã nhìn thấy nó, cả cuộc đời còn lại sẽ chỉ là khổ đau.
Ta chỉ muốn có một gia đình bình thường, Ngọc Anh nói. Nhưng rồi cô ấy bỗng nhận ra rằng cuộc đời mình có chỉ là một giấc mơ, ngay cả những đứa con hiện diện bằng thực thể cũng chỉ là kết quả của mộng. Trong mộng ngoài mộng, đâu là thật giả?
Như cha cô vất vả cả cuộc đời, đổi lại chỉ là giấc ngủ ở quê hương, bên người mẹ như những tháng năm xưa thơ bé. Để lại cả một thế gian ồn ĩ con người, để lại một gia đình đông đúc vô tình lạnh nhạt như khoảng nối dài của mộng. Như những con người nơi đây, xung quanh nơi đây, vẫn đang sống và trượt dài trong tháng năm không biết đâu là bờ bến, tạo lập nên những thứ như lâu đài cát nằm bên bọt sóng. Như bao nhiêu kẻ vẫn yêu thương lẫn hận thù, tranh đấu cùng ganh ghét bởi muôn vàn những ảo vọng hư hoa.
Ta không thực tế hay họ mới là kẻ không thực, người kia cười nói. Những kẻ tin vào lòng trung thành của bọn khốn nhăm nhe trục lợi, những kẻ tin vào lời của thế gian, những tín điều cũ kỹ mục nát che giấu muôn vàn âm mưu ích kỷ, những kẻ chỉ biết nghe và tin điều mình muốn. Những kẻ tin vào các ông thánh và bậc thánh nhân, sống theo cách mình biết mà chưa từng hỏi, làm những thứ mình muốn mà chẳng cần biết nguyên do. Những kẻ tin rằng thế gian này đều là thật cả. Tất cả bọn chúng mới là một đám người điên.
Các người là một đám kẻ điên, sau này cô nói. Lấy dục vọng để thống trị thế gian, gọi chúng thành quy củ và đạo đức. Biến tất cả thành một trường tranh đấu của thú hoang. Để bản thân bị cắn xé nuốt chửng trong những si cuồng lừa mị. Con người lọt vào giữa những vòng xoáy, mất đi hoàn toàn lý tính cùng nhân tính, lao vào nhau với những cái xác rỗng không.
Mùa xuân năm ấy, chim yến bay lượn trên bầu trời nắng bát ngát xanh như hình vẽ của chiếc ly sứ trong tay cô. Mặt sứ trắng phản chiếu giọt nước mắt, phản chiếu cả những tàn phai cùng ánh nắng. Bên tai cô vẫn là tiếng nhạc, tiếng huyên náo của khu thành chẳng lúc nào yên bình, âm âm như tiếng vọng kéo dài mãi từ trong mộng. Ngày ấy, người trước mặt nói rồi im lặng. Bỗng nhiên, cô có cảm giác mình chẳng còn nhớ nữa, về toàn bộ năm tháng đã trôi qua.
Mùa xuân năm ấy, một cuộc chiến nhỏ lụi tàn, một trận chiến mới khởi đầu, những cuộc thanh trừng, giết chóc được luận bàn trong tiếng nhạc dặt dìu, những ảo mộng chết dần trong nắng rạng. Bụi nắng bay, bay mãi như vụn của nước mắt, tro của phận người.
Chú thích:
[1] Đối kỳ của Ngô Nhân Tĩnh