Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

69. Sở địa phong ba hiểm
Trường An in "Minh nguyệt 2" July 4th, 2019
  1. Sở địa phong ba hiểm, Vu sơn mộng mị lao[1]
    (Đất Sở phong ba hiểm trở, núi Vu mộng mị uổng công)

 

Gần mười tháng sau đó, nhà vua lại gần như biến mất khỏi lục viện.

Vốn ngài ta đã chẳng mấy bước vào cung điện phía Tây, chỉ trừ phi có người bệnh nặng, nhưng hiện tại đến cả viên nội giám tuyên gọi người cũng mất bóng. Ngoại trừ những cung nữ hầu cận, vài người đi sang vườn Đông tình cờ gặp được nhà vua, số người khác chỉ thấy ngài ta trong tiết Thánh thọ của Thái hậu. Sau lễ Khánh hạ, thị nội bắn ba phát súng mừng trước khi vua về cung, để các công chúa, cung tần, công nữ, công thiếp và mệnh phụ vào lạy mừng Thái hậu. Đứng trước cổng Tây An, thậm chí cô chỉ thấy bóng lọng vàng giữa lớp quân lính.

Ngay cả Dưỡng Tâm điện cũng có Tả quân hiện diện gần như cả ngày bên cạnh hoàng thượng, ông ấy xuất thân nội giám mà, cung nữ nhỏ thì thào ngoài cổng viện. Thấy hoàng thượng phê duyệt tấu chương quá nhiều, Tả quân và Hậu quân đều khuyên là ngài ấy bớt việc đi, phân phối cho các bộ làm bản tâu gọn trước. Hoàng thượng trước đó đã loại ra đến nửa những bản văn thơ cũ của mình, đốt một đám lửa lớn trong vườn đấy.

Và rồi ngài ta bảo Văn thư phòng làm văn tập ngự chế trên những bản còn sót lại, từ đó trở đi làm được bài nào xếp cả bài ấy vào[2], cha cô cười nói khi gặp cô ở cung Trường Ninh sau lễ Thánh thọ[3]. Tuy Văn thư phòng là nơi được bảo mật cao, chẳng biết bằng cách nào cha cô vẫn rõ chỉ dụ được biên đầu văn tập kia. Rồi ông cười bảo, đọc vào chẳng khác bản diễn chí những chuyện không ai cần hỏi cũng biết, quả thật là tập văn của thánh thượng.

Còn những bản văn thơ trước đó? Cô những muốn hỏi rồi lại thôi. Hẳn tất cả đều đã hóa thành tro than nằm im trong đất bùn mưa đông giá lạnh, thậm chí là trước nữa. Rồi thì trên đời này sẽ chẳng còn sự hiện diện nào của Nguyễn Phúc Kiểu trước khi trở thành hoàng đế, chẳng còn một dấu tích nào mà ngài ta lưu giữ lại cho mình. Thậm chí, chẳng còn chính ngài ta. Đem xếp tất cả bút tích vào một tập văn lưu cho quần thần, sẽ tuyệt nhiên không có, không còn một hình bóng nào khác ngoài hoàng đế để lưu danh sử sách muôn đời. Không phải văn chương, mà là sự thực. Không phải con người, mà là đế vương.

Cha cô vẫn giữ nụ cười quen thuộc trên môi, giờ thì cô cảm tưởng như thể ông đang nhìn một con kiến chạy vòng quanh trong chảo nóng. Những hành động của nhà vua trong mắt ông hẳn thảy đều ấu trĩ và vô ích. Trong ý nghĩ của cha cô, ắt nhà vua phải nên giống như ông, vui vẻ mở tiệc thiết đãi quần thần, bàn bạc về những điều mình muốn, thậm chí là những lợi ích mà mình có thể chia sẻ, những cách thức khôn khéo để bình trị ít tốn công sức nhất. Chứ không phải là xây dựng hình ảnh một nhà vua chăm chỉ chính sự trong cấm cung hun hút, viết những bài văn thơ mà người bình thường chẳng thể nào hiểu nổi, nói về những điều luật cùng lệ, xây dựng thêm những điển lễ và quy tắc. Những thứ chỉ có tác dụng tạo nên lòng kính trọng với bọn văn nhân, cha cô hẳn đang nghĩ thầm. Thậm chí, bọn văn nhân với thói quen tự coi mình hơn thiên hạ, không biết gì ngoài vài trang sách hoa ngôn nói những chuyện vớ vẩn, lại càng có thói nghi ngờ cùng châm chọc, chẳng tin nổi nhà vua nếu cứ mưa lũ nắng hạn kéo dài mãi thế này. Hẳn nhiên, bọn văn nhân đã hết kẻ này đến kẻ khác dâng sớ khuyên nhà vua tu tỉnh để bớt thiên tai, giảm cơn giận của trời, tuân theo thói Đường Ngu, làm như thời Nghiêu Thuấn. Đó là tất cả những gì chúng làm được. Đó cũng là tất cả những gì mà chiếu cầu lời nói thẳng ‘Đường ngôn luận mở rộng thì nước mới trị’ của Nguyễn Phúc Kiểu năm xưa thu được. Chẳng biết đến lúc này ngài ta đã cảm nhận được hết sự ngây thơ của mình gây hậu quả thế nào?

“Con có thấy những thứ trước khi bị đốt không?” Cha cô đột nhiên hỏi. Cô lắc đầu.

“Hẳn chúng ở Văn thư phòng cả, hoàng thượng chỉ đem tấu chương chưa đọc kịp về cung phê thôi.” Cô nhíu mày rồi nói nhanh. “Trước sau kỳ thu thẩm, án cần xét rất nhiều, quanh phòng toàn là bản án.”

Cha cô không nói thêm. Cung Từ Thọ đã nhanh chóng kết thúc lễ Khánh hạ, ông cũng rời đi.

Năm nay Thái hậu không cho cử hành lễ nhạc mừng thọ vì Thái trưởng công chúa Ngọc Tú vừa qua đời vào đầu tháng. Thái hậu gắn bó với những công chúa chị em Thế Tổ từ nhỏ, cũng đau lòng như mất đi người chị một đời sống bên nhau. Nhà vua còn nghỉ chầu năm ngày, mặc áo trắng đi đưa tiễn Hoàng cô. Không được phép ra khỏi cung, cô chỉ đành nhờ các công chúa thắp hương hộ.

Trong ký ức của cô, Hoàng cô Ngọc Tú lặng lẽ như một cái bóng ở cạnh bên người mẹ tại thành Gia Định. Đôi lần cô cũng thấy bà chúa này dắt Thường Tín công dự các lễ tiết trong kinh thành. Cậu bé hoàng tử mồ côi sớm gần như trở thành con nuôi của bà chúa góa chồng cả đời cô độc. Và rồi, một cuộc đời đã qua như thế. Những người của ngày tháng ấy lần lượt ra đi.

Thậm chí ước nguyện cuối cùng của bà là được cắt tóc, mặc áo cà sa về nơi cực lạc cũng không thể thực hiện. ‘Bệ hạ trị thiên hạ, nên theo chính đạo bỏ dị đoan’, Kiến An công nói, lắc đầu. Người nhà hoàng tộc, đến cả thân xác sau khi chết cũng chẳng được tự do. Tâm nguyện cả một đời, trả giá cả một đời, kể cả tình thương cùng nỗi xót xa của người còn sống cũng chẳng đáng là gì – so với luật lệ cùng điều quan trọng lớn lao hơn như thiên hạ.

Có lẽ cha cô cũng thế, cô nhìn theo bóng ông rời khỏi cổng cung mà nghĩ thầm. Ông không hỏi cô ra sao, hẳn đã được người báo trước – kể cả về cô đã có mang. Người trong cung này thật nhanh nhảu, cô chưa cho gọi thì thái y đã đến thăm khám, có lẽ do các phi tần quá dễ mang thai, lý do của bọn trẻ đông đúc trong nội cung lúc này. Lại một yếu tố khác tạo nên sự thần thánh cho nhà vua, cô cười thầm mà nghĩ. Theo lời cậu người lai kia nói, cha ngài ta hẳn đã từng khốn khổ với lời ong tiếng ve khởi nguồn từ hậu cung vì số con cái ít ỏi của mình vào những năm cuối đời.[4] Trong suốt sáu năm sau khi Hoàng hậu qua đời, chỉ có một cô công chúa được sinh ra trong hậu cung. Có lẽ Thế Tổ cũng quá thương nhớ Hoàng hậu của mình, nhưng điều đó sẽ chẳng bao giờ được nói ra, chẳng ai nguyện ý tin tưởng. Tình yêu, khi đó, trở thành lý do của những câu chuyện cười, thành sự biện minh cho kẻ đứng đầu yếu ớt và suy sụp. Không ai tin, sẽ tuyệt đối chẳng kẻ nào tin.

Cả cuộc đời, ngài ta đã để Hoàng hậu một bên, vị Hoàng hậu đã không còn khả năng sinh nở, đã mất đi tất cả những người con của mình. Cả cuộc đời, ngài ta chỉ biết chinh chiến và chinh phục, ngay cả với người vợ của kẻ thù. Rồi đến cuối cùng, ngài ta lại có thể đau lòng vì bà ấy? Không có, tuyệt nhiên sẽ chẳng có kẻ nào tin. Tình yêu và nỗi đau của hoàng đế, đích thực là một câu chuyện cười hoang đường nhất.

Người trong khu thành này bây giờ lại có lối hành xử vô cùng bình lặng và nhàn nhã. Mọi thứ chăm sóc cho cô được chuẩn bị sẵn sàng, thậm chí chẳng ai để ý tới – Những kẻ để tâm nhiều nhất hẳn lại ở ngoài hoàng cung. Mọi ánh mắt đang nhìn vào cô, chờ đợi đứa bé được ra đời. Mối kết liên mạnh nhất của quyền lực được hình thành.

Tuy vậy, những xung đột và giằng co trong triều đình này chẳng vì thế mà hạ xuống. Tả quân Lê Văn Duyệt về Kinh mang theo lời thỉnh cầu kết giao của Miến Điện, và người trong triều lập tức chia thành hai phe tranh cãi. Cuộc tranh cãi tạm ngừng trong những ngày cuối năm, lễ tết và những sự vụ khác cần làm. Hoặc giả, song song với cuộc tranh cãi trong điện Thái Hòa, Cần Chính là những cuộc sát phạt, đe dọa nhau.

Tả quân Lê Văn Duyệt về Kinh, đem theo hàng loạt cái án của quan lại Gia Định. Ký lục Định Tường Trương Công Vĩ mắc án tham tang, thành thần xử giảo giam hậu. Trấn thủ Phiên An Phan Tiến Hoàng, Cai bạ Lê Đăng Doanh bị giáng chức vì một viên Vệ úy thuộc hạt nhận tiền đút lót. Cai bạ Bình Thuận Trịnh Văn Thành dung túng cho người nhà đòi hối lộ bị cách chức.

Trương Công Vĩ là Thiêm sự Hình bộ, trước giữ chức Hiệp trấn Sơn Nam thượng rồi về đinh ưu, ông ấy là người do cố Thượng thư Lễ bộ Phạm Như Đăng tiến cử cho Thế Tổ. Lê Đăng Doanh do Thượng thư Trịnh Hoài Đức tiến cử. Phan Tiến Hoàng là bề tôi Trung hưng từ ngày ở Gia Định, trước làm Trấn thủ Quảng Ngãi không chống được mọi Thạch Bích nên bị xử tội giảo giam hậu, đến khi hoàng thượng lên ngôi thì thả ra, cho tới Gia Định. À, ngày ấy chính Tả quân đến thay thế Phan Tiến Hoàng, đẩy ông ta bị bắt trói đưa về Kinh, người kể cười nói.

Những câu chuyện rời rạc đến từ đủ loại người khác nhau rì rào như tiếng gió trong khu thành, kết nối lại cơn bão ngầm những ngày cuối năm ấy. Cô phủ thiếp vừa cưới của Dung – hiện tại mang tên Miên Tông – là con gái của Phạm Đăng Hưng tên Phạm Thị Hằng. Cô gái trẻ mới mười bốn tuổi thường được lệnh gọi vào cung hầu chuyện Thái hậu, đã nhanh chóng làm quen với người xung quanh, thi thoảng lại để lộ ra những thông tin mà cô ấy biết. Cô gái này xuất thân thế gia văn học, lại thông minh hơn người, nghe nói vẫn thường trò chuyện luận bàn với chồng, tuy khiêm cung nhưng tuổi trẻ không tránh khỏi sơ hở. Khi nói về chuyện những viên quan Phiên An do nhóm người của cha tiến cử bị tố cáo, cô ấy vẫn không giấu được bất mãn.

“Chị biết không, Trấn thủ Phiên An trước là Đào Quang Lý, người bị tội cùng lúc với Hoàng Công Lý, bị kết án tham ô chín vạn quan ấy – đã ba năm rồi mà không truy thu được một đồng tang vật nào.” Ngày tết, nội đình mở yến trong cung Trường Ninh cùng Thái hậu, cô đi ngang qua lầu tạ nhỏ thì nghe tiếng nói của Phạm Thị Hằng sau giả sơn. “Ngày ấy hoàng thượng bảo Đào Quang Lý có công Vọng Các nên cho giam kín lại mà đòi tang vật. Vậy mà thành thần Gia Định suốt ba năm không tìm ra được cái gì mà đòi – Vì có đâu mà truy thu! Cái án của Đào Quang Lý là trò đùa của nhóm người Tả quân đấy. Toàn bộ án ngày ấy, ngay cả Hoàng Công Lý, có khi chỉ là trò của nhóm người ấy hết!”

Cô đứng lại trong đình, nghĩ ngợi một khắc rồi ném cái bánh đang cầm trong tay xuống hồ. Bóng người sau giả sơn ló đầu ra thấy cô thì vội rụt về.

Có lẽ do cô là con gái Hậu quân, bọn trẻ đã sợ đến mức không dám động đậy, cô thầm nghĩ khi quay đi. Cô gái trẻ nọ cũng nên biết cung điện này không phải là nơi để nói chuyện, có sợ thì cô ấy mới thận trọng hơn.

Tuy vậy, khi giáp mặt ở buổi yến, Phạm Thị Hằng không có vẻ lo sợ, vẫn lịch sự chào hỏi cô. Cô gái bên cạnh cũng nghiêng người chào, cô nhận ra là con gái của Nguyễn Văn Nhân. Cả hai cô đều ở phủ của Miên Tông, ngày đầu năm được gọi vào dự yến với Thái hậu.

Thậm chí cô còn thoáng ngạc nhiên khi thấy nhà vua tới dự yến. Nội giám sau lưng ngài ta đem ra hai hộp quà đựng áo tặng cho những cô vợ của Miên Tông. Khi hai người bệ từ ra về, nữ quan của Thái hậu đem ra hai phong giấy kín chứa cúc áo vàng để họ chọn.

“Cúc áo cầu phúc đấy, hẳn Thái hậu muốn có chắt lắm rồi.” Khi cô ngồi xuống bên, Ngọc Xuyến nhìn theo bóng hai cô gái trẻ rời khỏi điện, mỉm cười nói. Nhưng ánh mắt Ngọc Xuyến không cười. Cô hạ mắt, chú tâm rót rượu vào ly của Ngọc Xuyến.

Sau khi cưới, Ngọc Xuyến và Trương Văn Minh vẫn không có con, chẳng ai biết vì sao. Cô ấy cũng chỉ cười nhẹ mỗi lần nhắc tới Trương Văn Minh, không tỏ một thái độ nào. Ngọc Xuyến đã chỉ còn là cái vỏ của cô bé tươi vui rộn rã ngày xưa. Mỗi người ở nơi này rồi sẽ đều học cách để che giấu bản thân mình trong hàng ngàn lớp tường thành.

Bàn bên kia là nhóm công chúa vừa được định hôn. Xuân này là tết cuối cùng họ còn ở trong thành, nhìn gương mặt kẻ vui người buồn lẫn lộn. Một bóng người bỗng đi ngang qua bàn bên ấy, cô nhìn không biết là ai.

“Ấy là Tôn Nữ Thị Trí, con gái dòng thứ chín của Tôn Thất Đàm.” Ngọc Xuyến nói khi cô hỏi, rồi thêm vào. “Người họ không gần, nhưng cô ta sắp lấy thuộc hạ của Tả quân là Vũ Vĩnh Lộc[5] nên Thái hậu gọi vào hỏi chuyện. Vũ Vĩnh Lộc có em gái gả cho Tả quân làm thiếp. Anh em họ Vũ này nghe nói ở Gia Định không có chức vụ nào trong quân, nhưng theo Tả quân về Kinh lại kết hôn với họ Tôn Thất, chẳng rõ là quyền lực dạng gì?”

“Không có quyền thì cũng có quyền thôi.” Cô nói nhỏ. Cách xây dựng thế lực và lợi ích nhanh chóng nhất cho những hạng người này là liên hôn, gả em gái cho Tả quân lấy chỗ dựa, kết hôn với họ Tôn thất lấy danh tiếng – và chẳng cần một thứ danh vị quan chức rõ ràng nào cũng có thể quyền khuynh một cõi, thậm chí còn tự do thoải mái hơn các vị quan bị muôn vàn ràng buộc, có thể đấu đá nhau đến chết bất cứ lúc nào.

“Phải. À, bạn bè của chúng, một tên Cai đội nào đó, cũng gả được cháu gái cho Kiến An công rồi đấy.” Ngọc Xuyến cười trong cổ, nhìn theo bóng nhà vua đang vội vã rời khỏi cung. Ngài ta trong những ngày này hẳn chẳng lúc nào yên, một phần còn bởi chính những kẻ như Vũ Vĩnh Lộc này.

Tả quân đang tranh cãi gay gắt đòi chém Thị vệ tên Trần Văn Tình, kẻ năm trước đến Gia Định rồi về báo rằng Trần Nhật Vĩnh dựa thế con nuôi Tả quân mở hàng loạt cửa hàng ở Phiên An, mua trộm hàng hóa để buôn lậu[6]. Nhà vua chưa làm gì Trần Nhật Vĩnh nhưng chẳng rõ bằng cách nào Tả quân đã biết chuyện ấy, thậm chí biết cả kẻ báo cáo. Tranh cãi quanh sứ Miến Điện vẫn chưa kết thúc, chuyện Trần Văn Tình có lẽ lại là một đòn khác với nhà vua sau những cái án của quan lại Gia Định. Hai năm trước hoàng thượng có chỉ bổ Trần Nhật Vĩnh làm Ký lục Vĩnh Thanh bị Tả quân cự lại, hẳn ông ấy cho rằng hoàng thượng đang cố tình nhắm đến người thuộc hạ này.

Cả một loạt cửa hàng ở ngay phố Sài Côn, lẽ nào Tả quân lại không biết? Cô thầm nghĩ khi nhìn Tôn Nữ Thị Trí đứng ngoài cửa chờ Thái hậu cho gọi. Anh em họ Vũ chẳng có chức vụ gì rõ rệt ngoài ‘anh rể Tả quân’, sắp trở thành ‘dòng dõi Tôn thất’, quả nhiên là một mảnh ghép hoàn hảo. Trần Nhật Vĩnh chỉ cần đứng tên mở cửa hàng ấy, và những dòng hàng hóa, nguồn lợi của nó sẽ từ nơi khác chảy đến, dưới sự bảo trợ của ‘người thân Tả quân’. Thậm chí cái cửa hàng ấy chỉ là vỏ bọc cho hàng ngàn vạn những quan hệ cùng công việc khác. Chỉ cần Trần Nhật Vĩnh đủ khôn ngoan, anh em họ Vũ đủ khôn khéo, sẽ chẳng có một sơ hở nào được tiết lộ, chẳng một cái tội nào có thể kết án. Trong khi Tả quân say mê sát phạt phe phái bên ngoài, lại chẳng bao giờ nhìn đến những kẻ ở ngay dưới chân mình.

Đào Quang Lý bị kết tội tham ô chín vạn quan, đào khắp Gia Định suốt ba năm không ra chứng cứ lấy một đồng, cái án này là một trò đùa! Phạm Thị Hằng rõ ràng đã phẫn nộ. Có lẽ Trần Văn Năng được cử đến làm Phó Tổng trấn tạm thời đã báo cái án lưu này về, bằng không Đào Quang Lý sẽ bị giam giữ đến chết trong nhà ngục Phiên An. Bởi những kẻ đang lập thành một mạng lưới rút bòn cùng đào khoét thực sự ngay dưới chân dinh Tổng trấn.

Những kẻ ấy chỉ thèm vàng ngọc của Miến Điện để thúc đẩy Tả quân kết giao cùng nước nọ, ngay từ lúc chúng mượn danh nghĩa Tả quân đi buôn lậu, cả viên nội giám hầu hạ nhà vua cũng thì thầm trong góc cung. Trong lúc mà Anh Cát Lợi đang chầu chực ở Mã Lai, quanh quẩn ở vịnh Xiêm La chọn mục tiêu đánh chiếm. Trong lúc các quốc gia trong vùng biển Đông này đang lần lượt lọt vào tay Tây dương. Trong lúc di mệnh cuối cùng của Thế Tổ là không gây chiến ngoài biên ải.

Bọn người ở Gia Định đang mơ đến lúc được ào sang Bắc Tầm Bôn, chạy theo Miến Điện cướp lấy vàng bạc Xiêm La, sang Miến Điện mua bán được bao nhiêu nguồn lợi. Còn lại tất cả chuyện khác, chúng đều không cần biết. Cái gì mà tranh chấp truyền đời, nào là mối di họa cho mai sau, đều là cái cớ cả. Theo lời Thế Tổ nói, bây giờ há chẳng phải lúc cố mà an hòa với các lân bang để toàn lực củng cố đất nước, kết liên với nhau chống Tây dương? À, còn bọn Tây dương, quả thật mấy trăm năm nay chúng chỉ có một bài duy nhất, đem ‘đạo đức’ cùng ‘ân nghĩa’ dẫn đường lừa phỉnh để xâm nhập vào các quốc gia, xúi giục kẻ này đánh kẻ kia, hỗ trợ bên này đánh bên nọ, để rồi nuốt chửng tất cả. Những tên khốn đem thiên đàng đi rao giảng và đưa tất cả kẻ tin lời chúng vào địa ngục, y như thứ thuốc phiện chúng tạo ra.

Những tham lam đội lốt chính nghĩa, những đấu đá bẩn thỉu mang danh luật pháp, những động cơ khuất tất che giấu sau tất cả những xung động này. Tiếng rì rầm vẫn đang lan đi dù chỉ trong buổi yến của các công chúa, cung tần cùng phu nhân mệnh phụ. Có người bàn bạc chuyện kết liên, có kẻ nói về nỗi lo sợ, có những mối lợi được hứa hẹn sẻ chia, có những cầu cạnh được âm thầm móc nối. Có những cuộc hôn nhân đang được hoạch định, từ những công chúa lá ngọc cành vàng cho tới cô gái tầm thường hàng Tôn thất, con gái của những viên quan. Hôn nhân là nền tảng của đời người, cha cô từng nói. Nó xây dựng nên vị thế của một con người trong xã hội, trong toàn thể. Nó tạo nên mạng lưới giăng mắc chằng chịt của một hệ thống tơ nhện khó lòng tháo gỡ. Nó là công cụ của bàn cờ quyền lực và lợi ích.

Ngày xuân năm đó, những cuộc hôn nhân được phê chuẩn. Những cô dâu mới xếp từng chiếc áo của mình vào rương gỗ, tư lự chải tóc bên gương. Những nụ cười và nước mắt âm thầm chìm trong đêm sâu ngày muộn, giữa hoàng thành giăng giăng tội ác cùng những dối lừa.

 

Vì mệt nhọc, cô cáo từ buổi yến trở về sớm. Ngơ ngẩn suy nghĩ, cô đi quá cổng Tây An. Dừng lại một thoáng trước con đường trồng tre trúc dẫn sang phía Đông hoàng thành, cô lại bước qua. Người trong cung đang tập trung ở những buổi yến, nơi này vắng vẻ trong chiều xế, chỉ có vài bóng lính bên tường thành. Dừng lại đầu đường, cô nhìn khoảng đất mà những bông hoa xuân đã bắt đầu bung nở quanh hòn đảo giữa hồ. Cây cối quanh gác đã mọc cao, che khuất lầu các bên trong.

Có lẽ vì hoa nở quá rực rỡ, cô nhanh chóng nhìn thấy một mảng cỏ lún phún phía ngoài rìa mảnh vườn, chưa che hết khoảng đất đen thẫm.

Đất như có than của thứ gì bị đốt, cô nghĩ thầm. Mùa đông năm nay ít mưa, cỏ còn chưa kịp tốt tươi. Nơi này chỉ có một người được phép làm thế. Hẳn nhà vua đã đem toàn bộ ‘những thứ không quan yếu’ ra đốt cháy ở đây. Có lẽ là sau khi đưa tiễn người Hoàng cô của mình trở về.

Cả đời cô độc, cả đời đợi chờ, cả đời đau đớn, cả đời mong cầu, tất cả cũng chỉ là ‘không được phép’. Người trong hoàng tộc phải làm mẫu cho thiên hạ, đó là câu trả lời duy nhất. Và rồi Nguyễn Phúc Kiểu ném bỏ quá khứ của mình vào lửa, lấy Văn thư phòng làm cái gông cùm chính bản thân. Hẳn là ngài ta lại không nhận ra mình muốn viết về sự-thực trong khu đất phỏng theo tiên cảnh nằm giữa hoàng thành giăng giăng bóng tối.

Giữa muôn vàn sự dối trá của thế nhân, chẳng ai tin được đế vương. Tường thành trùng điệp, thế gian trùng điệp, tâm người trùng điệp, lẻ loi giấc mộng cô hoa nở hoa tàn.

 

Chú thích:

[1] Khách trung tạp cảm kỳ 10 của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Thực lục, tháng 11/1823, “Bản phê từ năm đầu đến nay có hàng trăm hàng nghìn. Lại khi Bắc tuần có tập tâu Hoàng thái hậu, hoặc khi rảnh rỗi có những tạp văn cũng không ít… Bèn tự mình bỏ bớt những thứ không quan yếu đến 4,5 phần 10. Nhân sai xếp làm văn tập ngự chế để xem, không phải là chép văn chương mà chép sự thực. Từ nay về sau có làm được bài gì cũng cứ thực xếp nối vào, để xem chính sự đắc thất thế nào, bản thân siêng năng trễ nải thế nào, để tự mình cố gắng”.

[3] Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, luật người thân nam giới gặp cung phi phải buông rèm có từ thời Thiệu Trị.

[4] Sau khi lên ngôi, trong 19 năm Gia Long có 5 con trai, 9 con gái, trong đó từ sau khi Hoàng hậu qua đời năm 1814 thì chỉ có thêm duy nhất 1 công chúa Ngọc Trinh sinh năm 1817.

[5] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi chép trường hợp một người tôn thất là Tôn Nữ Thị Trí lấy Vũ Vĩnh Lộc, sau khi sự biến Phiên An xảy ra thì bị bắt đổi họ mẹ để xóa tên Vũ Vĩnh Lộc trong sổ tôn thất.

[6] Theo ghi chép của sứ Miến Điện xác nhận, người được gọi là ‘con nuôi Tả quân’ này có loạt cửa hàng trong phố Sài Gòn, rất giàu có và thế lực.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.