Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

68. Bán trản cô đăng khách mộng tàn
Trường An in "Minh nguyệt 2" July 1st, 2019
  1. Bán trản cô đăng khách mộng tàn, bách niên tâm sự thoại vưu nan[1]
    (Nửa ngọn lẻ loi mộng khách tàn, trăm năm tâm sự càng khó thốt)

 

Mùa thu, cô đến cung Khôn Đức làm lễ nhận phong. Viên quan được chỉ định đến ngoài cửa cung đọc sắc phong, chuyển lại cho nữ quan và nội giám đưa tới hương án. Sau khi lạy tạ trước cửa cung, cô còn phải đến làm lễ với nhà vua và Thái hậu.[2]

Cả hai đều không tỏ vẻ gì trên khuôn mặt, Thái hậu còn thân thiết an ủi, ban cho cô mấy món đồ nhỏ. Nhưng cô cảm nhận rõ sự xa cách trong bà, thậm chí còn có vẻ bà cảnh giác đề phòng với cô. Hôm ấy cũng là ngày các hoàng tử theo lệ mỗi tháng đến hầu Thái hậu, cô liền viện cớ lui về sớm.

Tháo tư trang mũ áo, đợi hai cô hầu làm lễ xong, cô vừa định cho tất cả lui đi thì thấy mợ cô vào điện. Nén tiếng thở dài, cô đành gọi người lấy trà bánh tiếp đãi khách. Vừa lúc mưa thu buông xuống, cô cho khép hờ các cửa, đoan chắc chẳng ai còn đến.

“Em Hậu của cháu dự phong Vệ úy Tòng tam phẩm rồi, năm sau sẽ làm lễ cưới công chúa.” Mợ cô hỉ hả nói, đặt vào tay cô một hộp gỗ nhỏ. “Bánh nhà làm gửi vào cho cháu đấy, chia người trong cung ăn lấy thảo.”

“Các em lại đây ăn bánh này.” Cô mở hộp, gọi hai cung nữ hầu tới bất chấp ánh mắt của mợ cô. Nhìn bà ta qua đuôi mắt, cô cười. “Mợ lại muốn nói gì nữa thế?”

“Từ đó đến nay mà hoàng thượng chưa gọi cháu bao giờ à?” Như không kềm được, mợ cô hỏi. Vừa nuốt miếng bánh vào cổ, cô ho khẽ. Vội rót chén trà chiêu bánh, cô lại thầm tự hỏi tại sao mợ cô lại biết được chuyện này? Có lẽ ghi chép của nội giám phải đưa qua nơi nào đó, không thoát được đủ loại ánh mắt xung quanh?

“Hôm nay cháu mới được phong mà.” Cô nói cho qua, nhưng mợ cô lại hừ khẽ.

“Sao nghe bảo ngay sau hôm cháu vào, hoàng thượng cho gọi liền đám con gái khác?” Bà ta ghé lại phía cô hạ giọng rin rít trong cổ. “Hai đứa vừa báo mang long chủng, người ta đồn rằng mang thai cùng một lúc đấy.”

“Thì sao? Cung điện này chẳng phải có một đám trẻ con à?” Cô vẫn hờ hững đáp. Sống với một người như cha cô cùng thời gian ở Bắc Thành khiến cô chẳng lạ lùng gì với những trò trác táng nơi khuất nẻo. Huống hồ cả cái cung điện này là của nhà vua, ngài ta có làm Kiệt Trụ bảo cung nhân nhảy xuống hồ rượu thì cũng đã làm sao? Thậm chí cả người tham gia lẫn người đứng nhìn đều sẽ vỗ tay hoan hỉ.

“Không phải đâu, lạ lắm ấy.” Cô bé cung nữ mà cô đặt tên là Hạ đang ngồi ăn bánh cạnh đó rụt rè lên tiếng, ngoảnh đầu nhìn sang cô tên Đông. “Ở đây các bà nói ngài ngự rất lạnh nhạt, có khi vài tháng không gọi đến ai – như đợt bệnh dịch mấy năm trước ngài ấy gần như mỗi lần về cung là đóng cửa điện, gần nửa năm không ai thấy mặt đâu. Hồi ấy chỉ có Thái hậu với Hiền tần lo lắng đôn thúc các kiểu ở viện Tây này, sắp xếp cho người mới vào ở, còn ngài ấy vừa hết bệnh dịch thì đã lo xây vườn Đông rồi.”

“Nghe các chị lớn bảo, ngày xưa ngài ấy còn chẳng nhìn tới ai cơ mà.” Cô bé Đông gật đầu, ra giọng chị cả mà thì thầm. “Sau Thế Tổ phong ngài ấy làm Thái tử, ngoài mỗi lần vào chầu thì không cho rời khỏi cung Chấn Hanh, vậy là ngài ấy ngồi đọc gần như hết sách trong Tàng thư lâu[3]. Cố gắng lắm trong cả năm đầu thì ngài ấy ân sủng được mấy cô cung nhân xuất thân thấp, gần cả năm sau đó bỗng nhiên hầu như không động vào ai, rồi sau nữa mới dần dần đỡ đi.[4] Cho tới giờ lên ngôi bốn năm rồi mà ngoại trừ các bà hồi ở tiềm để mới thêm được ba, bốn bà nữa. Hôm trước em còn nghe Hiền tần kéo chị Tùng ra hỏi riêng có phải hoàng thượng bất thường lắm không, nhưng chị ấy mới vào cung có biết gì đâu.”

Cô vẫn im lặng ăn bánh, chợt nhớ ra ánh mắt của Ngô Thị Chính sau hôm cô sang Dưỡng Tâm điện nói chuyện với nhà vua. Cô ta có vẻ như vừa tức giận vừa phiền lòng mà không dám để lộ, đành vội quay đi.

“Cháu làm sao mà ngài ta lại có thái độ như thế?” Nghe xong mấy cô cung nữ nói, mợ cô quay lại hỏi. Khóe miệng cô khẽ giật.

“Mợ hỏi ngài ta ấy chứ hỏi cháu làm gì?” Quả nhiên nhà vua tính tình thất thường không phải là lời đồn, hành vi kỳ quặc cũng chỉ kẻ bên cạnh ngài ta mới rõ. Giờ thì hay rồi, cô mới vào cung, cha cô mới về Kinh, không những các thân quan đồng loạt đổ bệnh, đến cả nhà vua cũng loạn thần. Đành rằng chuyện trong cung cấm đến chín phần mười chỉ là đồn nhảm, nhưng nếu là thật thì có lẽ cũng là việc tốt.

Nguyễn Phúc Kiểu năm xưa là một kẻ điên rồ sống giữa nhân gian. Hóa ra suốt bốn năm trời làm Thái tử nhận tung hô của muôn người thì ngài ta gần như bị giam giữ. Ngai vàng cũng chẳng đem lại tự do mà chỉ thêm một vòng thành khác bao vây, đạp nát chút mơ mộng ngài ta vẫn giữ. Đâu phải tự nhiên cha ngài ta cứ nhất định phải ném đứa con vào đám phấn son – và lần ấy trong điện Thanh Hòa, trong hoàng thành khép kín, ngài ta chẳng còn nơi nào để trốn. Ngay cả một cái bóng mà ngài ta từng lấy ở Ngô Thị Chính ra làm cớ cũng đã tan vỡ. Ngay cả những vùng vẫy cuối cùng của ngài ta cũng đã tan vào bầu trời trên tường thành dựng đứng. Thế gian này không có thần tiên, hoàng thành này lại càng không có mộng.

Cô thầm nhẩm lại thời gian mà cung nữ kia vừa nói. Nhà vua triệu tập quan tướng vào điện Cần Chính để lập Nguyễn Phúc Kiểu, và ngay sau đó là cái án của cha con Nguyễn Văn Thành – cùng lúc với những cung nhân đầu tiên được đẩy vào điện Thanh Hòa. Vụ án Nguyễn Văn Thành như lưỡi đao treo lơ lửng trên đầu Nguyễn Phúc Kiểu, cho ngài ta biết rằng mình đã chẳng còn đường thoái lui. Quấy quá đối phó được vài lần, ngài ta lại tiếp tục tìm cách loanh quanh lẩn trốn – và lại bị lôi ngược trở về. Hoàng thái tử, hoàng đế, những danh xưng huy hoàng nhất, cũng đồng thời trần trụi vô tình nhất.

“Nhưng cũng tốt.” Mợ cô bất chợt nói. “Tả quân dâng biểu xin về Kinh chầu, hoàng thượng đã phê chuẩn rồi. Dự kiến là Tả quân sẽ về cùng lúc với cha cháu đấy.”

Tại sao, cô ngạc nhiên muốn hỏi nhưng rồi lại thôi. Nhà vua vốn còn ngại Tả quân hơn là cha cô, huống hồ lại đồng tình cho cả hai cùng về Phú Xuân một lúc. Việc biên giới vốn không gấp gáp, chẳng rõ vì lý do gì khiến ngài ta phải chấp nhận như thế. Nhưng mợ cô vốn chẳng thể hiểu những chuyện sâu hơn ngoài việc linh tinh của đàn bà cấm cung.

Câu trả lời đến chừng tháng sau đó, khi cô tới cung Từ Thọ hầu chuyện Thái hậu theo lệ thường, gặp Ngọc Anh cũng đang ở đấy. Cô công chúa vui vẻ nói, Phò mã Trương Phúc Đặng trấn thủ Bình Định đã được triệu về Kinh. Một vài viên quan bị cách trước đó cũng đã được khai phục. Do Trương Tấn Bửu bệnh, Trần Văn Năng được tạm đưa xuống làm Phó Tổng trấn Gia Định trong thời gian Tả quân ở Kinh.

“Đang có một đoàn sứ giả Miến Điện ở Gia Định, họ đến từ tháng năm rồi.” Ngọc Anh nói khi cùng Tường và Ngọc Cửu ngồi trong lầu Thúy Tiêu ở ngự viên. “Vì thế nên Tả quân dâng biểu về Kinh tâu chuyện, bảo rằng Xiêm La nghe đồn sứ Miến Điện đang ở đây thì cũng cho xây thành chặn sông, chuẩn bị chiến tranh.”

“Tại sao sứ Miến Điện bỗng dưng đến thế? Chúng ta cùng họ chưa từng có liên lạc trước đây mà.” Ngọc Cửu chớp mắt hỏi. Ngọc Anh im lặng một thoáng rồi mới trả lời.

“Tả quân bảo rằng phái thuyền đi mua vũ khí bị bão dạt sang Miến Điện, họ tiếp đãi rồi cử sứ theo về.” Ngọc Anh nhìn rất nhanh qua cả hai người như cân nhắc có nên nói, rồi quyết định bộc bạch. “Nhưng hỏi chuyện sứ giả lẫn cả viên sứ người Pháp thông dịch được gọi về Kinh thì là Tả quân tự tiện cấp phép ngoại giao cho người đi sang Miến Điện mua tổ yến. Người ấy bị bắt giữa đường, đành phải lấy phép ra trình, triều đình Miến mới tưởng rằng ta muốn kết giao thật.”

“Tả quân thật sự muốn kết giao với Miến Điện à?” Cô lúc ấy mới lên tiếng. Nếu thực sự chuyện ngoài ý muốn như vậy xảy ra, người ở Gia Định chỉ cần dâng biểu báo cáo với một cái cớ nào đó quấy quá cho qua, để triều đình cho phép Tả quân toàn quyền trả lời, xử trí với đoàn sứ giả. Đằng này họ đã đến Gia Định từ tháng năm, đã trình được quốc thư lên nhà vua, Tả quân còn muốn đích thân tới Phú Xuân đôn đốc, hẳn là quyết tâm thúc đẩy việc liên kết. Mấy năm nay người trong triều râm ran chuyện Anh Cát Lợi chiếm giữ Mã Lai, phái người sang Xiêm để thảo luận về những vùng tranh chấp ở vịnh Xiêm La. Người ở Gia Định cho rằng Anh Cát Lợi sẽ dùng danh nghĩa vua Mã Lai để tấn công Xiêm, Lê Hậu từng nói.[5] Như vậy Tả quân còn muốn kết giao với Miến Điện có mục đích gì?

Ngọc Anh lại không trả lời cô mà nói sang chuyện khác, bảo rằng Tả quân sẽ ở Kinh dự lễ cưới của người thừa tự và công chúa Ngọc Ngôn. Năm sau bốn công chúa sẽ được đồng loạt gả đi. Ngọc Cửu nghe thế liền đỏ mặt im lặng, nói quấy quá mấy câu rồi cáo từ đi về điện.

“Nghe bảo Thượng thư Trịnh Hoài Đức cũng xuất phát về Gia Định rồi.” Bóng Ngọc Cửu đã khuất sau những ngọn cây cao, Ngọc Anh mới nói khẽ. “Ông ấy về là lúc Tả quân đã lên đường, Trần Văn Năng lãnh quyền tại Gia Định, kể ra cũng yên tâm.

“Chuyện bọn họ xung đột với nhau là việc không ai muốn, nên cởi không nên buộc. Em nên lựa lúc nói khẽ với cha mẹ em, chuyện nhỏ thì cho qua, bức bách nhau làm gì?” Có vẻ đây mới là mục đích chính mà Ngọc Anh kéo cô ra nơi này. “Sau này anh chị em trong nhà đều là người thân cả, xung đột vì chuyện không đâu của kẻ bên ngoài làm mất hòa khí đi, lại chỉ có lợi cho những kẻ chực chờ gây chuyện. An ổn với nhau cùng hưởng phú quý lại chẳng hơn sao?”

“Kẻ chực chờ gây chuyện?” Cô lại hỏi trước ngữ khí của Ngọc Anh. Cô công chúa đưa mắt nhìn quanh dù vẫn ở trong lầu trên ngọn núi nhỏ giữa vườn, đáp nhỏ.

“Năm trước thuộc hạ của Thái Bình công Mỹ Thùy, con trai Anh Duệ Thái tử, đem lửa đốt nhà dân bị bắt đấy. Rồi đầu năm nay hỏa hoạn liên tục xảy ra trong ngoài thành, người ta lại đồn đãi đủ chuyện.” Mắt cô công chúa nhìn theo áng mặt trời đang lặn bên kia thành. “Dù không có chuyện thì người cũng sẽ tìm ra chuyện, thậm chí quạt gió thổi lửa cho bùng lên. Em nghĩ tại sao các phủ đệ hoàng tử lại liên tục bị tố đủ việc, dù bọn người nhà các phủ vốn ngông nghênh từ xưa đến nay ai chả biết? Từ những mâu thuẫn nhỏ, bọn chúng sẽ xúi giục thành chuyện lớn, nhỏ thì anh em xung đột, lớn thì ngấm ngầm kéo bè mưu phản. Lúc ấy chỉ cần hoàng thượng có đôi chuyện gì thất ý, sẽ lại có loạn ngay.

“Người thường nói tên hoàng tử hoàng thân nổi loạn, nhưng biết đâu tất cả chỉ là con cờ của bọn xung quanh. Bè phái sinh ra mâu thuẫn, mâu thuẫn sinh ra mưu đồ. Từ dạo nước này không còn cho hoàng tộc chia đất phân phong, anh em hoàng gia liên tục nồi da xáo thịt, nghĩ ra thì tất cả là vì bọn người ngoài cả. Khắt khe thì bảo là độc ác cay nghiệt, dễ dãi thì kẻ nào cũng muốn leo lên đầu nhau, toàn chỉ là cái cớ.” Ngọc Anh nắm tay cô, hạ giọng. “Người trong nhà đáng ra phải thương yêu đùm bọc nhau mới có thể lâu dài, đừng nên tạo lý do xung đột.”

 

Cô chỉ mỉm cười. Nói thêm mấy câu, Ngọc Anh cũng từ giã, để cô ở lại một mình trên ngọn núi nhỏ. Cô nhìn bóng chiều đổ nghiêng qua khu thành, nghe tiếng chim hót ríu ran. Một góc vườn này được quây lại bằng lưới để nuôi chim, các quan ở xa thi thoảng lại gửi đến một giống hiếm lạ nào đó làm lễ. Dưới chân núi có một đôi công đang thủng thẳng bước. Phía xa trước Thanh Phong đường thấp thoáng bóng đôi cừu sừng cuốn lông trắng như tuyết mà đoàn đi sứ Đại Thanh đem về, đã kịp sinh thêm mấy chú cừu con.

Nguyễn Phúc Kiểu quả nhiên vẫn say mê những thứ lạ lùng, nhưng hiện thời làm cách nào cô cũng chẳng thể liên hệ ngài ta với cậu bé thuở ấy. Mỗi lần gặp nhà vua, cô cảm tưởng như lại thấy một người khác nhau, nghe kể chuyện về ngài ta tựa một người hoàn toàn xa lạ. Người thân, Ngọc Anh nhắc đi nhắc lại. Hẳn nghe Trương Phúc Đặng được gọi về giữa lúc cả hai vị quyền thần cùng ở triều đình, cô ấy vội vã đến nói chuyện với cô, hy vọng có đường lui nếu xảy ra chuyện xấu.

Chúng ta là người một nhà cùng chung hưởng phú quý vinh hoa, đó là lời hứa hẹn khiến cô ở nơi này. Trước đây cô đã nghe Lê Hậu nói đến việc cha cô trong một lúc vui chuyện muốn nhận hoàng tử nào đó làm con nuôi, để bây giờ cô là người nghe nhắc nhở. Người thân, họ nói như tất cả là sự thật. Cô thầm nghĩ với một nụ cười.

Nhưng chuyện cả hai vị quyền thần sắp về Kinh hẳn khiến cả triều đình ngấm ngầm sôi sục. Một buổi tối tháng mười, rốt cuộc cô cũng nhận được lệnh truyền tới điện Dưỡng Tâm.

Viên nội giám vẫn đứng ở cửa, cô ngẩn người ngồi trong phòng. Một lúc lâu sau, cô thở dài đứng dậy đi theo anh ta. Đèn lồng đỏ đung đưa dưới bóng tối hun hút của trường lang như kéo dài ra mãi mãi.

Căn phòng của nhà vua vẫn thoang thoảng mùi khói thuốc, đăng đắng như hơi rượu. Cô thậm chí còn thoáng thấy vẻ chán ghét của ngài ta khi cô bước vào, cúi đầu lạy dưới thềm. Viên nội giám quay trở ra, đóng cánh cửa sau lưng cô.

“Không có chuyện gì để nói à?” Hồi lâu thấy cô vẫn chỉ quỳ trên sàn, nhà vua cau mày hỏi. Cô khẽ cười.

“Bệ hạ hẳn lại tưởng thần bỏ trốn sao? Trong khi thần còn đang nghĩ lúc nào ngài cho gọi thần. Cha thần sắp về, Tả quân cũng sắp đến rồi, ngài làm sao ăn nói khi cứ vứt thần sang một bên như thế?” Không chủ ý, một bên khóe môi cô chợt cong. “Chúng ta ở nơi đây, chẳng phải chỉ vì thế thôi sao?”

“Người giảng rằng đạo vợ chồng là gốc của mọi mối nhân luân, nhưng ở đây chỉ là trao đổi cùng định giá. Ngài đem mình ra mà trả để lấy được sự trung thành của quần thần, thần lấy thân ra mà đổi lấy quyền lợi của kẻ sinh thành. Người bảo rằng quân thần phụ tử cùng thầy trò là lẽ trời, nhưng chẳng qua cũng chỉ là một trò phân cao thấp, giết chóc giành giật, lừa gạt nhau chẳng phân phải trái. Ở nơi này, làm gì có luân thường đạo lý, làm gì có liêm sỉ tự tôn, cũng làm gì có cao quý nghĩa tình. Những thứ đáng ra phải trân trọng thiêng liêng thì chẳng qua là trò đổi chác, những thứ bề ngoài càng hào nhoáng thì càng rỗng tuếch giả trá, càng cao quý thì lại càng bẩn thỉu. Chỉ có mọi kẻ dùng dục vọng và lợi ích làm vũ khí cùng mục đích, rồi lại cao giọng giảng về tam cương ngũ thường, ra vẻ mọi thứ là thật cả.” Cô nhìn cái bóng lay động trên vách, mỉm cười. “Năm xưa Thế Tổ giam ngài lại, dạy dỗ ngài để đến ngày hôm nay có thể làm một kẻ đem toàn bộ bản thân ra đánh đổi. Nếu không thể tránh được, chẳng phải là nên nhắm mắt vui vẻ sao? Nếu không thể trong sạch thì cứ để bản thân chìm hẳn xuống bùn lầy, không thể toàn vẹn thì cứ đập cho nát vụn, nghĩ nhiều để làm gì? Càng nghĩ chẳng phải lại càng thấy kinh tởm à?”

“Im miệng!” Người bên kia phòng quát. Cô liền ngậm miệng dửng dưng nhìn bức tường đối diện.

Bên ngoài nghe như mưa đông lại rơi rả rích cùng với gió. Ngài ta không cho cô đứng lên, cô đành quỳ trên sàn, dần thấy đầu gối mình cũng phát lạnh. Ngài ta cứ im lặng, không biết đã qua bao lâu thì cô đành thở dài.

“Người sắp về Kinh rồi, ngài không thể dùng lý do gì biện bạch được đâu, thần cũng không chịu đựng nổi sự quấy rầy của người nhà mãi. Cứ lần lữa mãi chẳng phải là cách. Chúng ta cứ coi nhau là kẻ xa lạ thôi vậy.” Ngài ta không bị dồn vào đường cùng thì còn tìm cách loanh quanh, cô buộc phải lên tiếng trước. “Dù sao thần được định hôn đi lấy một người chồng xa lạ nào đó hay ngài bỗng dưng được đưa tới cửa một tuyển thị thì cũng như nhau thôi. Bao nhiêu thời gian dành để phí phạm ở đây, thần có thể về đọc một cuốn sách, ngài có thể làm việc. Chuyện không muốn làm ở trên đời đâu phải chỉ có một hai.”

“Rốt cuộc thì ngươi nghĩ cái gì vậy?” Nhà vua lại cau mày. Cô lại cười.

“Thần chẳng nghĩ gì cả, ở đây thì có gì để mà nghĩ chứ? Mọi thứ ở đây không phải đều chẳng quan trọng sao? Có thứ gì ở đây đáng nghĩ?”

Cô nghe tiếng cành cây đập trên mái ngói. Cô nghe tiếng mưa hun hút vào đêm sâu. Cô nghe tiếng gió mênh mông trên bầu trời, tiếng nước lách tách rơi vào nước.

Những ngày qua cô đã nghĩ gì trong khu viện quanh quanh tường cao ngõ hẹp với những khuôn mặt mà cô chẳng thể nào nhớ nổi? Những ngày qua cô nghĩ gì trong khu vườn với những cái tên thần thoại? Bầu trời ở trên đầu, hàng ngàn ánh mắt dõi theo mỗi bước đi, những tiếng thì thầm quanh quẩn từng ngõ ngách trong bốn bức tường thành. Dù muốn dù không, những cái tin vẫn được chuyển tới, râm ran nỗi sợ hãi thấm vào lồng ngực. Khoảng đất nhỏ, núi giả nhỏ, hồ ao cũng nhỏ, nhưng khi nhắm mắt lại, từng cái tên ngân lên trong lòng cô về một thế giới mịt mờ Cát vân ngũ sắc, Tam thần sơn xanh biếc dãy Thúy tiêu, không còn đau đớn, không còn cả ham muốn hay dục vọng, thậm chí chẳng có con người. Để rồi, mỗi lần nhìn lên bầu trời lại thấy mình rơi xuống hố sâu không đáy, sợ hãi mơ hồ quay quắt như cái bóng chập chờn đeo bám không rời. Tường thành trùng điệp, núi non trùng điệp, vòng người trùng điệp. Nỗi tuyệt vọng trống rỗng như cứ trải mãi ra theo bầu trời.

Thậm chí không dám nghĩ, không dám nhớ nhung, không còn cả quá khứ lẫn giấc mơ. Khi cái tương lai mà cô e sợ đã đến, cô lại chỉ muốn một lần kết thúc tất cả.

Căn phòng đắng hơi khói thuốc, tối đến giơ tay không thấy ngón. Hơi thở của ngài ta cũng đắng và lạnh. Toàn thân ngài ta lạnh lẽo. Thái độ lạnh lẽo. Cô chẳng cảm thấy gì ngoài sự đau đớn cũng rất nhanh đi qua.

Viên nội giám đứng ngoài đưa cô về. Khi ấy, mưa thu vẫn chưa ngừng rơi. Nhìn chiếc đèn đung đưa phía trước, cô lại đang nghĩ: thế là sẽ không phải sợ cha mẹ cô hỏi đến nữa. Sẽ không còn hết kẻ này đến kẻ kia chạy tới đon đả hỏi han, lo âu phỏng đoán, vờ vịt an ủi, ngấm ngầm im lặng dò xét, thậm chí là sợ hãi nói về chuyện lớn lao hơn như gia tộc cùng đất nước hòng mong cô thay đổi. Nỗi sợ hãi bao vây mọi kẻ trong hoàng thành này, quanh quanh như ngàn cặp mắt dõi xuống từ bầu trời.

Ngay cả nhà vua cũng sẽ không cần thắc thỏm bận lòng về cô. Ngài ta đã giải quyết được chuyện của Trịnh Hoài Đức, rồi sẽ phải đối mặt với vấn đề của cả vùng biên giới, của một loại xung đột khác ngấm ngầm được nuôi dưỡng trong triều đình. Cái triều đình này chẳng lúc nào không có chuyện để mà tranh cãi. Trong khi đó, cô sẽ được yên ổn. Cô không như ngài ta luôn tìm cách để loanh quanh, nếu phải đập nát bản thân, cô cũng sẽ làm gọn ghẽ mà không cả quay đầu hối hận.

Khi co chân ngồi trên giường trong căn phòng tối om, nghe gió mưa vần vũ cả đêm thâu, cô lại nghĩ: hóa ra, rơi xuống là như thế. Không một tiếng động, linh hồn đã bị hủy hoại vỡ nát. Không tiếng động, thấy mình rơi xuống hố sâu thăm thẳm, trở thành một phần của bóng tối. Nắng vẫn như năm xưa, mưa vẫn như năm xưa, chỉ có bản thân đã tan vỡ ra từng mảnh trong nỗi chán chường. Và rồi năm năm tháng tháng vẫn cứ trôi đi, đi mãi mãi – thực sự mới là mãi mãi.

Khi ngày mới đến, mưa tạnh, ánh nắng mỏng hắt vào khe cửa, cô nhắm mắt trong cơn lạnh đầu đông phảng phất theo cùng gió. Quang hoa đến xua tan bóng đêm, trong trí óc mập mờ, cô lại nghĩ. Nhưng người ấy sẽ không đến, không bao giờ đến nữa. Thế gian này, quá lạnh.

Quân mai tuyền hạ nê tiêu cốt, ngã ký nhân gian tuyết mãn đầu.

 

Chú thích:

[1] Tiên thành lữ khứ của Ngô Nhân Tĩnh

[2] Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, phong từ Tần trở xuống đều đến cung Khôn Đức làm lễ, chỉ có Phi nhận phong tại nơi ở.

[3] Thực lục: “Trẫm từ khi làm thái tử, sau khi vấn an được nhàn rỗi không làm việc gì, chỉ chăm xem sách. Phàm những sử Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh không bộ nào là không xem”.

[4] Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, năm 1817 sinh Miên Thần (1/1), Miên Phú (13/1), Lương Đức (13/6), Quang Tình. Năm 1818 sinh Hòa Thục (3/6), Trinh Đức.

[5] Theo nhật ký của sứ thần Miến Điện trong Journal os Cochinchina của John Crawful, Lê Văn Duyệt đã bàn luận với đoàn sứ thần này khá nhiều về tình hình ở bán đảo Mã Lai sau khi Mallaca bị chiếm, cho thấy người trong triều lúc này rất rành rẽ chuyện trong vùng. Lê Văn Duyệt còn cho rằng Anh sẽ tấn công Xiêm La, trong khi sứ thần Miến Điện thì nghĩ việc đó sẽ không xảy ra.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.