Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

67. Lưu thuỷ tự tri nhân sự dị
Trường An in "Minh nguyệt 2" June 27th, 2019
  1. Lưu thuỷ tự tri nhân sự dị, sàn viên bất tác tích lai thanh
    (Dòng nước trôi đi tự biết người đổi khác, tiếng reo nay đã chẳng như xưa)

 

Tháng năm, cha mẹ cô về đến Phú Xuân.

Sau khi vào cung diện kiến nhà vua, cha cô lại về Bình Định thăm bà. Mẹ cô thông báo, hai tháng nữa cô sẽ nhập cung.

“Lần lữa mãi đến giờ lỡ dở hết con tôi.” Mẹ cô ra vẻ phiền muộn mà than vãn. “Hoàng thượng nói ban đầu con vào cung thì phải học lễ nghi một thời gian, nhưng sẽ không phải xếp vào chung hàng với bọn con gái khác, sau này có con thì sẽ thăng thẳng lên cao ngay, vinh dự không biết bao nhiêu mà kể.”

Trong im lặng, cô thấy cơn rùng mình lạnh toát chạy dọc sống lưng.

Mẹ cô vẫn cứ nói, trong khi cô ôm cánh tay bị thương nằm trên giường. Mùa hạ nóng hầm hập đến dường không thở nổi, cô cảm thấy như cả sự sống của mình cũng bốc thành hơi thở đắng ngắt. Trong một lúc, cô còn thoáng nghĩ, giá mà có thể chết đi…

Nhưng khi đó cô chưa tuyệt vọng đến mức ấy, cô chỉ tức giận. Cô nổi giận với âm thanh riết róng rỉ rích của con người bên tai, cô nổi giận với cả khí trời nồng nực ngàn ngạt, cô nổi giận với cơn đau âm ỉ trên cánh tay đang băng kín. Khuôn mặt, giọng nói của mẹ cô trở nên khó chịu đựng nổi đến mức cô thậm chí chỉ muốn vào cung ngay lập tức để không phải thấy mặt bà, cũng như bất cứ ai.

“Mẹ mua phấn thoa, dầu xoa, sáp, nước thơm đủ cả cho con rồi, sau này mỗi ngày con hầu phải chăm sóc cô kỹ càng đấy.” Mẹ cô vẫn đang nói, và cơn nôn nao lại dâng lên trong ngực cô.

“Con không phải kỹ nữ!” Cô buột miệng nói. Mẹ cô quay đầu, nhìn cô với ánh mắt không hiểu là gì, rồi xếp các chai lọ vào trong hộp.

“Mi giống hệt bà nội. Thật không hiểu là gì!” Mẹ cô vừa cúi đầu sắp các vật phẩm vừa cười nói, giọng lại như rin rít qua cổ. “Đến bây giờ vẫn cứ hành hạ người khác, cha mi phải chạy vạy Bắc Nam ngàn dặm mà thăm nom. Cả đời chỉ biết có mình không cần nghĩ đến ai, sống theo cái cách không hiểu là gì!

“Ngày xưa bà ta có mang cha mi thì coi như lầm lỡ, dù sao xứ rừng núi cũng chẳng ai xem chuyện đó là nghiêm trọng. Nhưng bà ta rời khỏi nhà, đem cha mi vào góc rừng ở, rồi cả đời sống trong ấy không buồn tái giá. Bây giờ mà có phong biển ‘Tiết hạnh khả phong’ cho bà ta thì cũng được đấy.” Tiếng cười của mẹ cô càng riết róng hơn. “Cái dòng vô tình vô nghĩa, ích kỷ không chịu đựng nổi, điên điên rồ rồ mà lại còn khệnh khạng coi mình hơn thiên hạ. Tôi cũng nuôi con, mời thầy dạy chữ, nữ sư dạy nghệ đàng hoàng nghiêm chỉnh, mà sao máu nó chỉ ra cái loại rừng rú như thế?”

Cô nhắm mắt trong những lời nguyền rủa của mẹ. Có vẻ đến đây, thấy những cô gái xuất thân cung nhân kia trong nhà, bao nhiêu uất ức bà đem dồn cả vào cô. Hôm xưa Lê Hậu cũng cười kể chuyện bà Ba của cha cô mở đàn chay cầu tự ở chùa Bắc Thành chín ngày chín đêm, buổi lễ còn hơn cả lễ cầu phúc của quốc gia, khiến người quanh vùng xôn xao. Và hẳn nhiên, mẹ cô mới là người bị đả kích nhiều nhất.

Không chỉ mắng cô, qua mấy ngày sau, mẹ cô không nhịn được đã gây chuyện ầm ĩ với những nàng hầu mới. Khi sắc chỉ từ hoàng cung đến, Lê Hậu ra nhận trong tiếng khóc ri rỉ của mấy cô gái trẻ ở nhà sau. Mẹ cô trong một cái chớp mắt đã tươi cười sụp lạy tung hô vạn tuế.

Chẳng cần đến hai tháng, tay cô vừa khỏi, chiếc kiệu đã đợi trước cửa nhà, đưa cô đến cổng vào cung Từ Thọ. Có vẻ đợt tuyển người từ cuối năm ngoái đã xong, chỉ còn mình cô tới. Ngồi trên sập gụ, Thái hậu im lặng nhìn cô quỳ yên trước cửa, ánh mắt rơi đâu đó trên sàn nhà trải chiếu hoa. Bóng của cái nhạc treo đầu hồi đung đưa bên vai bóng cô.

“Con mới vào thì phải đến viện Đoan Trang học một thời gian, dù hẳn cũng không cần thiết lắm đâu.” Hồi sau, Thái hậu thận trọng nói. “Về chỗ ở, tuy chưa định thứ bậc nhưng con vào viện Thuận Huy được rồi.”

Bà còn nói thêm điều gì nữa, nhưng cô lại lắng tai nghe tiếng chim kêu ríu rít đâu đó rất gần. Sau những ngày ở với mẹ, cô tập thành thói quen bỏ qua hoàn toàn tiếng nói của con người, đến mức nhiều khi chỉ lơ đãng mà thực hiện. Đến khi cô cung nữ đến nâng dậy, cô mới nhận ra Thái hậu vừa cho cô đi.

Lần này, cô vào cung thành thông qua cửa bên Tây. Cung thành này chia hai phần rõ rệt, ở giữa là các điện Cần Chính, Trung Hòa, Khôn Nguyên, bên Đông là khu vực của nhà vua, bên Tây là nơi ở của cung tần. Không như phía Đông vườn rộng hồ sâu, ở phía Tây chỉ có các khu nhà nối tiếp san sát nhau tạo thành các ngõ đường lao xao tiếng người. Qua trường lang, cô tới viện Thuận Huy. Viện này lại có vẻ im ắng hơn toàn khu vực cô vừa đi ngang.

“Viện này chỉ có Hiền tần ở.” Cung nữ dẫn cô tới nói, đưa cô đến một căn điện đã mở cửa sẵn. Ở điện bên kia, mấy cô gái tò mò đứng nhìn nhưng cô chẳng để tâm đến họ. Vào điện, cô cũng chẳng để ý tới tiếng chào của mấy cô gái bên trong, chỉ vào phòng trong mà lăn ra giường.

Chỉ một quãng đường mà cô mệt mỏi đến thế, cô thầm nghĩ khi nhắm mắt trong căn phòng nồng hương, lại cảm thấy nhẹ nhõm đi. Rốt cuộc cô đã không còn phải nghe tiếng nói của mẹ, đã không còn phải vùng vẫy mỗi ngày trong sự giam cầm dài dằng dặc. Những năm qua, hóa ra đây là cái đích mà cô tới, cái áp lực không tưởng tượng nổi mà họ áp lên cô, bức bách bằng được cô vào nơi này. Triệt bỏ hoàn toàn mọi hy vọng và đường lui, để rồi cái cung thành chật chội bức bối này lại trở thành nơi duy nhất mà cô có thể chạy trốn vào.

Ít ra, nơi này cũng yên lặng. Con gái của Ngô Thị Chính đều đã lớn để ra điện Trinh Minh[1], cậu con cả đã xuất các. Bọn họ quả nhiên không thể để cô ở chung lẫn lộn với kẻ khác.

Bao năm nay, đến tận lúc này, cô mới cảm thấy mình kiệt quệ.

Nằm trong phòng, cô ngủ li bì đến tận sáng hôm sau, khi dậy đã gần lả đi vì đói. Thấy cô ra phòng ngoài, cung nữ nhỏ trực đêm vội tới đỡ, cô chỉ bảo cô ta đem đồ ăn về. Ăn xong, rửa mặt súc miệng, thay trang phục, cô lại nằm ngủ. Những khi lơ mơ tỉnh dậy chẳng biết là đã ban ngày hay giữa đêm thâu, cô lắng nghe tiếng động bên ngoài. Có đôi tiếng người nói cười, thậm chí cả tiếng quân lính đi lại giáo gươm loảng xoảng. Cung viện này vốn nằm ở rìa Đông lục cung, quay lưng lại với sân điện Khôn Nguyên, dù không thấy nhưng vẫn có thể nghe được công việc hàng ngày ở chính điện cấm thành.

Người xây hoàng thành này quả thật ghét lục viện của mình, cô thầm nghĩ với tiếng cười nhạt trong lòng. Chỉ có cung Khôn Đức nằm bên Đông, điện Khôn Nguyên để hoàng hậu thiết triều đã được nhà vua mới đổi thành điện dành cho ngài ta nốt. Lấy dãy chính điện cao ngất chia cắt hẳn khu lục viện, lại cho hai dãy Đông Tây quay lưng về phía nhau[2], cách rời hoàn toàn hai phần, chỉ có thể nối với nhau bằng đoạn trường lang vòng sau điện Khôn Nguyên. Năm xưa cô có vào điện Trinh Minh hay Thuận Huy thăm các công chúa và Nhị phi thì cũng chẳng đi vào khu lục viện, càng không thể ngờ một ngày mình sẽ ở nơi đây. Tuy vậy, lối xây cất này lại khiến lòng cô có đôi chút yên tĩnh. Ở đây cô sẽ chẳng cần phải trông thấy ai, nếu như cô không muốn.

Nếu cô không muốn, họ có thể làm gì được cô?

Thi thoảng cô nghe tiếng nói chuyện khe khẽ, thanh âm miền Bắc, hẳn Ngô Thị Chính sang thăm hỏi. Nhưng nằm đến ngày thứ năm, cơ thể không chịu đựng được hơn, cô đi ra gọi người chuẩn bị nước tắm thì mới thấy Ngô Thị Chính đứng trước cửa cùng với một người phụ nữ trung niên, chính là mợ của cô, vợ của cậu Lê Văn Từ.

Không đáp lại tiếng chào hỏi của họ, cô sai lấy nước, tắm xong mới đi ra nhà ngoài. Ngô Thị Chính đã đi mất, chỉ còn mợ cô ở trong phòng, nhấm nháp chén trà và vài miếng bánh. Thấy cô, bà ta đứng lên, vụn bánh vẫn còn bên mép.

“Có chuyện gì thế?” Cô ơ hờ hỏi, ngồi xuống bên kia bàn, ra hiệu cho mợ ngồi. Cậu cô là Vệ úy quân Thị nội, mợ cô cũng được phong làm một nữ quan nho nhỏ, có thể tự do vào trong cung thành.

“Nghe nói sức khỏe cháu không tốt, họ gọi mợ vào.” Mợ cô nói, cô liền bật cười.

“Không, cháu rất khỏe.” Sự thực ngủ được mấy ngày, cô lại thấy nhẹ nhõm khỏe mạnh hơn hẳn suốt bốn năm bị giam cầm trong nhà. Mợ nhìn cô bằng ánh mắt có vẻ kỳ lạ trước khi khẽ khàng lên tiếng.

“Hoàng thượng cũng bảo, khi nào cháu khỏe thì sang điện Dưỡng Tâm ra mắt.” Mợ cô nói như chỉ sợ bị cô phản ứng lại, rồi lo âu tiếp. “Nghe nói tình hình trong triều hiện thời không tốt đâu. Cha cháu về đây, Hộ hộ Thượng thư Trịnh Hoài Đức cáo bệnh rồi, nói chỉ muốn về Gia Định chôn vợ chứ không thiết tha gì nữa. Lại bộ Nguyễn Hữu Thận cũng bệnh chẳng biết là thật hay giả. Hoàng thượng làm mọi cách níu kéo Trịnh Hoài Đức, không cho ông ấy đi. Người ta đồn rằng lúc này Trịnh Thượng thư về Gia Định thì chỉ có chết, mà ông ấy cũng bất chấp. Hình bộ Lê Bá Phẩm thì vừa mới chết rồi.”

“À…” Cô nhấp ngụm trà, nói khẽ trong cổ mà không biểu lộ điều gì.

Hình bộ Thượng thư Lê Bá Phẩm qua đời thật đúng lúc, chẳng biết có liên quan gì đến cái án xử Lê Duy Thanh của Hình bộ? Năm ngoái cũng có một Thiêm sự Hình bộ là Vũ Viết Trường tự thắt cổ chết sau khi tra án ở Thanh Hoa, dù chỉ là vài vụ nhỏ như Thủ ngự dung túng cho dân cướp hàng trên tàu buôn bị nạn, hay Tri phủ xử oan người bị vu cáo. Nghe nói nhà vua cũng ngỡ ngàng trước cái chết của Vũ Viết Trường, nhưng vốn ngài ta làm sao hiểu nổi thế lực gì đằng sau những quan chức cùng sự vụ tưởng chừng nhỏ nhặt ấy. Nó không chỉ có thể giết người, mà còn có khả năng đẩy người thẳng đến cái chết, hun hút như hố sâu không đáy.

Vậy ra, nghe tin cha cô về Kinh, hôn sự được quyết, toàn bộ nhóm quan lại thân của Nguyễn Phúc Kiểu đều tan rã, sự bất mãn không cần che giấu. Hoặc là chỉ nội sự xuất hiện của cha cô cũng đã bức đám người này đổ rạp. Trịnh Hoài Đức bất chấp nguy hiểm hay đã nhắm đến cái chết như Lê Bá Phẩm?

Nhà vua vội vã đón cô vào cung, vội vã đẩy cha cô về Bình Định hẳn để làm tan bớt sát khí trong triều đình. Một mặt xoa dịu sự tức giận của cha cô, một mặt gần như van vỉ những nguyên lão trong triều. Ngài ta bao giờ cũng tìm cớ để loanh quanh, như thể hành động ấy có chút tác dụng nào.

Nơi này là chốn ăn thịt người, cô nghe thanh âm xôn xao phía bên kia tường Đông, hẳn đã tan buổi chầu chiều. Chỉ mới vài năm, nhưng những cái chết trong tối ngoài sáng liên tục xảy ra, những con người trước đây còn có thể cùng chung đứng đã trở thành kẻ thù một chết hai sống, những chiếc mặt nạ đã nứt toác mà không ai buồn che giấu, những sự tàn nhẫn như thể đương nhiên phơi bày đến tận cùng.

Nhưng trong tai cô hiện tại, những việc này chẳng khác gì những câu chuyện buồn cười của mẹ cô. Có lẽ thật sự về bản chất chúng cũng chỉ như nhau – những câu chuyện buồn cười.

Tối hôm ấy, cô đi sang dãy nhà bên Đông. Vốn đã quen thuộc với cung thành, cô tự cầm đèn đi mà không cần cung nữ dẫn đường. Báo với cung giám canh cửa, khoanh tay đứng nhìn ánh trăng trên mặt ao trước Dưỡng Tâm điện, cô chờ được gọi vào. Căn phòng của nhà vua cũng đốt hương, nhưng đắng ngắt mùi khói thuốc. Vẫn cầm điếu thuốc trên tay, ngài ta nhìn cô bước vào, cô không thể đọc được gì trong ánh mắt ngài ta.

“Ngươi… nàng thế nào rồi?” Nhà vua hỏi sau khi cô lạy chào. Trong một thoáng, cô còn suýt bật cười trước giọng điệu nhà vua.

“Nghe nói hoàng thượng muốn gặp nên thần đến đây.” Cô cảm thấy chẳng cần phải trả lời câu hỏi đãi bôi kia. Điềm nhiên, cô nhìn lên khuôn mặt chập chờn ánh lửa và làn khói mỏng. “Có lẽ ngài muốn bàn bạc với thần về chuyện nên xử trí trong cung sao cho phải?

“Việc đầu tiên lúc này thì là phong thần vào vị trí nào đây? Chiêu nghi có vẻ được đấy.” Cô mỉm cười, nhìn đầu ống điếu pha lê xanh dát vàng rung động. Nhà vua ném điếu thuốc cho nội giám cạnh bên, cau mày mà ngồi thẳng người lên.

“Từ hôm nay khanh là người trong cung, không được phép càn rỡ như trước…” Ngài ta chưa nói hết câu, cô đã cười thành tiếng.

“Thần cứ càn rỡ thì sao nào? Ngài làm gì? Thần bảo cha xin phong vị Chiêu nghi đấy, ngài làm gì?” Tay đặt trên gối, cô lại hướng mắt về ánh lửa lay động trên bức trướng phía sau, giọng vẫn lạnh lẽo dường không âm điệu. “Hay ngài định nói rằng toàn bộ việc này là chủ ý của cha thần, ngài nào có muốn thu nạp một kẻ càn rỡ như thần vào chốn yên ổn của ngài làm gì? Ngài còn định lừa mình dối người đến bao giờ?

“Ngài cần phải có thần để tạo sự thân thiết với cha thần, hay ít ra vẻ ngoài là như thế. Ngài cần phải hứa hẹn với cha thần một thứ tương lai vinh hoa hơn cả bây giờ. Cũng như cả cha thần vậy, ở vị trí này, nếu không bước lên được thì sẽ bị người đạp chết, mà kẻ đó có thể chính là ngài. Mà cả hai lọt vào vị thế này chính là do ngài, thái độ của ngài, hành động của ngài dẫn đến hậu quả ngày hôm nay. Và rồi kẻ nào cũng nói rất hay, kẻ nào cũng bất đắc dĩ, cũng vì thiên hạ thương sinh, vì đại cuộc đại nghĩa, rốt lại chỉ toàn những lời nói láo.” Cô lại nhẹ mỉm cười. “Có người đã nói với thần rằng thế gian này chỉ là một cánh rừng hoang, kẻ mạnh là kẻ đúng, còn lại đều là bọn theo đuôi dựa sức. Hóa ra ‘kẻ mạnh’ vốn không phải là chỉ chức vị, cũng không phải là một hai người. Cái gì mà ‘nước có thể nâng thuyền, cũng có thể lật thuyền’, hóa ra chẳng nói đến dân, cũng chẳng nói đến vua. Chữ gọi là ‘minh quân’ cũng chẳng phải là hiền lương trong sạch, ‘thịnh thế’ cũng không hẳn là vui vẻ thái bình. Kinh Dịch nói là đạo dạy người quân tử nhưng không thiếu quẻ Độn quẻ Bĩ, nhịn nhục rút lui, hèn nhát hạ tiện. Người sống trên đời, cuối cùng cũng phải tuân theo lẽ của đời mà thôi.”

“Khanh có vẻ đã nghĩ thấu triệt đấy.” Im lặng một lúc, nhà vua nói. Cô nghe ý thăm dò lẫn nghi ngờ trong giọng ngài ta, liền nhẹ thở ra.

“Mấy hôm trước, mẹ thần mắng thần giống y hệt bà nội. Thần cũng nằm nghĩ mãi, tại sao mình lại phải khốn khổ thế này? Người khác có thể viện dẫn phân tích ra vô vàn điều phải thế trên đời, lẽ đời ngàn xưa đến mai sau vẫn thế, chẳng thể nào thay đổi – Rồi họ nói rằng thần chỉ tự làm khổ mình vì tính cách chẳng ra sao, ngu ngốc không thể hiểu nổi. Thần đáng lẽ nên nhìn đời nhìn người, tĩnh tâm tĩnh trí mà suy nghĩ, bỏ đi thứ ngã mạn bướng bỉnh, sân hận phù phiếm này, hay như ngài nói, là trẻ con không bao giờ lớn được. Nhưng rồi nghĩ lại, bỏ những thứ ấy đi thì thần còn cái gì?” Nụ cười trên môi cô càng lạnh lẽo hơn. “Cả một đám người có thể thông minh hiểu biết để sống ở đời, làm chuyện xấu mà tâm vẫn an, sống trong bùn mà lòng vẫn cao, hiểu ra thế nên thần không nghĩ nữa. Cả chuyện của ngài và cha thần cũng vậy, thần chỉ xin rằng các vị có thể tùy tiện giả dối với nhau, lừa mình dối người tùy ý, duy đừng thuyết phục thần phải tin. Thần cứ càn rỡ bướng bỉnh đấy, ai làm gì được?”

Cô nghe bấc đèn kêu xèo xèo khe khẽ, cô nghe gió rì rào trong vườn ngự uyển, dòng nước chảy róc rách ngoài tường Dưỡng Tâm điện. Hồi lâu sau, cô mới nghe nhà vua lên tiếng, cùng âm thanh một tập giấy được ném xuống sập.

“Sau khi chính thức nhập cung, khanh được đặc cách phong Cung tần. Lễ phong ở viện, Hiền tần sẽ giảng giải cho khanh.” Cô nghe như thể nhà vua đang nói qua kẽ răng. Lần này thì cô cười thật.

“Đa tạ hoàng thượng gia ân, Cung tần cao hơn Chiêu nghi rồi, thần có xin cha cũng không được nữa.” Lần này thì vẻ giận trên mặt ngài ta không còn che giấu được, nhưng cô vẫn chỉ cười. “Thần cũng không định nghe hoàng thượng giải thích hay nói gì về chị ấy đâu. Ban đầu thần đã không cần, sau này càng không cần. Chị ấy không cần biết những chuyện như thế, càng không cần biết đến ngài bây giờ muốn làm gì hay nghĩ gì.

“Thần nghe nói Thượng thư Hộ bộ lẫn Lại bộ đều đã phát bệnh nặng rồi, một người còn nhất quyết đòi quay về Gia Định. Ngài xem, hiện tại có ai muốn nhìn mặt ngài đâu.” Dường cơn giận dữ thù hận suốt bao năm qua đang bùng lên trong cô, khi cô trừng trừng mắt nhìn người mặc hoàng bào trên cao kia. “Ngài nghĩ bây giờ chị ấy có muốn nhìn thấy ngài không? Lăn lộn trong đám hương phấn rồi nói chuyện nhớ thương, không dám tỏ mặt với đời mà nói đến ân nghĩa, ngài hẳn đang kể chuyện cười đấy? Rốt cuộc tất cả những gì ngài làm chỉ để an ủi chính mình, cho rằng mình vẫn còn tốt đẹp, trong khi bản thân trở thành thứ bẩn thỉu nhất thế gian. Ngài giỏi nói chuyện đạo lý dạy cả thiên hạ, nhưng nhìn lại ngài xem bây giờ đã ra cái dạng gì trước khi định dạy dỗ thần. À, nghe nói ngài bảo với Thị học của các hoàng tử rằng rất biết ơn năm xưa Thế Tổ đã mất bao công sức dạy ngài thành như hiện tại. Quả thật là người sống trên đời phải khôn ngoan chứ! Lừa mình dối người cũng là khôn ngoan, phải cực kỳ khôn ngoan mới làm được.

“Trong những ngày qua thần nghĩ đi nghĩ lại mãi như thế, rồi quả quyết mình thực sự là một kẻ ngu ngốc không cải hóa nổi. Hoàng thượng cho phép thần nói lời oán giận một lần này thôi, rồi thần sẽ không còn oán giận ai cả. Lời lẽ của trẻ con đó mà. Chuyện ngày xưa, xin ngài đừng bao giờ nhắc tới với thần, không cần thiết, vì chẳng ai cần nghe.” Cô không đợi cho phép mà chậm chạp đứng lên, nụ cười dính cứng trên môi. “Một lần nữa, đa tạ hoàng thượng đã đặc cách gia phong, thần sẽ theo Hiền tần học hỏi cho tốt.”

Khi bước xuống thềm, cô nghe tiếng vỡ như một thứ gì đó bị ném vào tường. Lấy chiếc đèn để bên cửa, cô rời khỏi điện mà không quay đầu lại.

Rốt cuộc cô đã hiểu tại sao cha cô say mê quyền lực đến thế, cũng như tại sao các anh em của nhà vua đã bừa bãi đến thế, cái cảm giác có thể ngông cuồng làm mọi thứ mà không sợ hậu quả. Có thể sẽ có hậu quả, nhưng cô bất chấp. Là cái giá để trả cho quyền lực của cha cô, tại sao cô không thể hưởng?

Có thể, cha cô vẫn đúng. Ở trong hoàng cung này, cô lại tự do. Ra khỏi cổng điện, đứng trước khu vườn ngự uyển với những dòng nước quanh quanh lấp loáng ánh trăng bạc, cô không vội về viện mà đi đến ao nước lớn. Trường xuân tiên quán nằm gần cổng điện nhất, bên chiếc cầu bắc ngang dòng sông, lồng đèn đỏ đung đưa trong gió. Đầu mùa thu, hoa mùa hạ vẫn còn đang nở, hương thấm đẫm đêm sâu. Ngồi xuống bậc thang đá, cô co người run lên trong gió.

Thế gian này nào có thần tiên, khoảng đất này lại là hội tụ của những gì dơ bẩn nhất. Thần tiên nếu có, nào buồn nhìn đến nhân gian, càng chẳng phải là bọn họ hiện tại. Dù có tiên cảnh, có kiếp sau, có cả hư vô cùng vĩnh viễn, bọn họ cũng chẳng bao giờ tìm thấy nhau được nữa. Cô nói với ngài ta, cũng là nói với chính bản thân. Thời khắc cô rơi vào nơi này, rồi sẽ chẳng bao giờ quay lại được. Thời khắc cô chấp nhận số phận mình, rồi sẽ trở thành nỗi hối tiếc suốt một đời mà chẳng biết làm sao để biến cải. Ngay cả nỗi nhớ về cô ấy rồi cũng sẽ trở thành niềm xấu hổ đớn đau. Ngay cả nỗi nhớ cũng không dám, không thể nữa.  

Không muốn nhớ, nhưng vết thương này đã loét thành miên viễn. Không phải quên, vì không thể chữa lành.

 

Chú thích:

[1] Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả thì thời Minh Mạng, điện Trinh Minh dành cho các công chúa ở, như chuyện công chúa An Thường chữa cháy ở điện Trinh Minh. 

[2] Theo ghi chép trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, các khu viện đối diện nhau thật ra quay lưng về phía nhau, như điện Trinh Minh, viện Thuận Huy quay về phía Tây, điện Quang Minh, Dưỡng Tâm quay về phía Đông, và không mở cửa sau.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.