Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

66. Tự liên vô phận tuý xuân phong
Trường An in "Minh nguyệt 2" June 25th, 2019
  1. Tự liên vô phận tuý xuân phong, tranh nhẫn lâm kỳ tương tống[1]
    (Tự thương mình chẳng phận say gió xuân, đã vội đến kỳ chia biệt)

 

Ngày đầu xuân năm ấy, bỗng dưng cô lại gặp Nguyễn Phúc Kiểu ở Đông Hoa.

Vốn trong phủ chẳng có mấy người, một số lính hầu được cho về nhà ngày Tết Nguyên đán, cô để mặc Lê Hậu thù tiếp khách đến thăm vùi đầu bù khú bên những trò bài bạc ngày xuân, đem theo vài người trong phủ đến Đông Hoa viếng đền. Cô xuất hành khỏi nhà vào giờ Mão, sương vẫn còn mù mịt đất trời, tưởng đã là sớm. Nhưng đến bờ sông Hộ Thành, cô thấy một toán lính đông đúc đứng canh cả quãng đường dài, tuy nhiên lại không ngăn trở nhóm người của cô đi qua. Một vài người đi ra đường buổi sớm cũng nghiêng ngó với vẻ mặt tò mò, nhận được cái trừng mắt của lính. Mới qua ba ngày Tết, chợ bán đồ tươi sống đầu cầu An Hội vẫn họp nhưng chỉ thưa thớt mấy quầy, dãy cửa hàng vẫn đóng, đôi ba nhà mở cửa nấu cơm. Khói bếp mờ tỏ loang trong sương dày, khiến cảnh vật nhập nhòa ngay trong một sải tay trước mắt.

Có lẽ vì vậy mà đã buộc ngựa đầu cầu, đến tận cửa vườn mà cô vẫn không nhận thấy trang phục đặc biệt của lính vệ loan giá. Thấy cô vào vườn, có người toan ngăn nhưng rồi lại có vẻ lúng túng khó hiểu. Sương đang rơi lách tách từ những ngọn cây trồng hai bên cổng, tấm bình phong lớn dựng sau cổng cũng khiến cô phải vào hẳn trong vườn mới thấy bóng người đứng trong đền, có thêm mấy viên quan rải rác ngoài sân.

Nghe tiếng chân, ngài ta quay nhìn, và tấm bình phong sau lưng chặn mất đường lui của cô. Cô đành phải đi tới, quỳ trên mặt sân đá ướt sương, làm lễ chào nhà vua.

“Trẫm nghĩ xuân năm nay tiết trời hòa ấm nên đi xem xét cùng vui với dân.” Nguyễn Phúc Kiểu gật đầu nói khi cho cô đứng lên, dường như là giải thích với cả quan theo hầu xung quanh. Trong khi cô lướt mắt nhìn theo giọt sương rơi từ mái ngói xuống ngay cạnh vai ngài ta.

Hẳn là ‘tiết trời hòa ấm’ nên gió Đông đang nổi vù vù ngoài cửa biển, nước triều dâng theo cả cát khiến thuyền bè cập bến đều kêu ca. Hẳn là ‘đi xem xét cùng vui với dân’ nên nhằm lúc đầu ngày Tết không cửa hàng nào mở, chỉ có khoảng đất cuối chợ dựng lầu rạp hát ca, chơi trò vui. Không thấy hương án dựng đón, hẳn họ còn chưa biết vua đi tuần. Không thấy xe cùng lỗ bộ, nghiêng mắt nhìn cô mới thấy mấy con ngựa trong sân sau vườn. Ngài ta muốn đi chơi cũng phải kiếm cớ, mà đằng nào nghe cũng sai.[2]

“Mừng hoàng thượng ngự giá tuần du ngày đầu năm vui vẻ.” Cô lễ độ nói khi ánh mắt vẫn đuổi theo sợi khói mỏng manh trong nhà. Nhà vua gật đầu, đi khỏi vườn, cô phải theo sau để tiễn.

Đứng trước cửa đợi tùy tùng dắt ngựa tới, Nguyễn Phúc Kiểu nhìn sương bay trên mặt sông vẫn còn lù mù, bất chợt nói khẽ.

“Hai mươi năm rồi.” Ngài ta quay đầu nhìn theo hướng dòng sông chảy, lại im lặng. Cơn gió lạnh thổi qua cổ áo ẩm sương khiến cô chợt rùng mình.

Hai mươi năm trước, cô và cô ấy cùng đến nơi này, vào một ngày xuân nọ. Cậu ta đã đứng đợi bên bờ sông, dưới bóng cây đang trổ lá, lặng lẽ đi theo chân cô ấy.

Hai mươi năm trước, cô ấy đã mỉm cười đứng bên dòng sông dõi nhìn những bờ cỏ trắng hoa dại nở, rập rờn lau sậy dưới bóng những ngọn núi xanh, bắt đầu cuộc sống ở một nơi xa lạ. Hai mươi năm trước, những con sông hộ thành được đào, người buôn bán trở lại nơi Quy Giả thị, và phố chợ này cũng hình thành. Hai mươi năm trước, cô ấy đứng đợi ở bến đò này, giữa vạt cỏ xanh hoa trắng, cạnh những bức tường bậc đá phong rêu. Hai mươi năm trước, cô ấy từng bước dạo quanh khu thành và bờ sông, ngắm nhìn vùng đất đang được xây nên, cùng những giấc mộng.

Hai mươi năm trước, đã có những giấc mộng được lặng lẽ xây nên, trong mùa xuân ấy.

Đoàn người bắt đầu khởi hành. Cô im lặng nhìn ngài ta lên ngựa, những chiếc lọng và cờ quạt được nâng lên xung quanh, những đoàn binh dàn hàng sau trước hộ giá. Nắng lên, vài người vội vã đem hương án ra trước ngõ, những khung cửa hé mở nhìn đoàn người tuần du đầu xuân. Phố chợ vốn yên ắng trong sớm ngày đầu năm bất chợt ồn ào. Cô có thể hình dung ra từng nơi đoàn người này đến dựa trên vị trí tiếng ồn ở đó. Người nơi này thay vì du xuân thì có trò vui mới là kéo theo sau đoàn của vua dòm ngó hát ca.[3] Đôi lần tiếng động ào lên như sóng, hẳn ngài ta lại tham gia vào một trò chơi nào đó trong bãi đất dựng bên đường.

Cô quay vào trong đền thắp hương, nhìn những ngọn hương trước vẫn đang cháy dở. Nghe Lê Hậu kể, ngày mùng một Tết, nhà vua đã tự tay viết chữ chúc thọ trong lễ Khánh hạ, đồng thời định hai mươi chữ bộ Nhật mới dành cho các vua nối nghiệp, chữ đặt tên cho các dòng đế vương và thân vương. Tên của các con ngài ta là chữ Miên và bộ Miên. Bộ chữ mà cha ngài ta đã tặng cô ấy vào ngày xuân nọ, điều chẳng trở thành sự thực được bao giờ. Hẳn ngài ta là kẻ cực kỳ cố chấp đến độ vẫn muốn sử dụng những chữ ấy. Như thể những hành động của ngài ta trong lúc này.

Những ngày cuối năm, tin báo về tình hình Hưng Hóa bắt đầu khởi sắc. Chưởng cơ Trung quân thống quản thập cơ Chấn định Nguyễn Khắc Tuấn đánh phá động Cam Đường, đuổi Lý Khai Ba đến Hương Sơn, bắt được nhiều đồng đảng, ấn tín, khí giới. Nguyễn Khắc Tuấn là viên quan mà nhà vua đã để lại ở Bắc Thành trong cuộc Bắc tuần nhằm trông coi việc Đê chính, rốt cuộc đã cứu chính ngài ta thoát khỏi hiểm cảnh.

Nghe tin Hưng Hóa có loạn, Tả quân ở Gia Định báo ngừng công việc đào kênh, như thể tình hình thực sự vô cùng nguy cấp. Vậy mà chỉ mình Nguyễn Khắc Tuấn đem lính Trung quân đi giải quyết được bọn giặc này, là người ở Bắc Thành quá rối loạn hay chính là muốn làm nhà vua rối loạn?

Cứ mỗi lần như thế, ngài ta lại tự dựng xây nên một giấc mộng mới cho mình, Trường xuân tiên quán chốn Bồng Lai cảnh ảo hay bộ chữ Nhật cùng những cái tên Miên trường hiện tại đều như nhau. Ngài ta có lẽ không hề nhận ra giấc mộng của mình dựng xây vĩnh viễn trên những phù du, như đã không chịu tin chữ Thật ngày xưa chẳng hề có tác dụng nào. Nguyễn Phúc Kiểu là người sống trong giấc mộng, trong những tận cùng của phù du và hư ảo. Nhặt lên những mảnh vỡ để chiến đấu với cuộc đời, với cả trời cao.

Ngồi trong vườn, cô nhìn nắng dần rạng trên nền trời xanh mờ. Qua một mùa đông giông gió, cây mai trắng trước cổng chỉ còn vài bông hoa tỏa hương phảng phất. Nghe tiếng ồn ào đã dần xa, hẳn nhà vua đã đi lên phố thị Bao Vinh phía hạ nguồn, cô toan đứng dậy ra về thì thấy một người đi vào vườn. Tay anh ta ôm theo mấy món đồ chơi lỉnh kỉnh, để chúng vào một góc đền.

“Sao lại để ở đây?” Thấy thế, cô bèn hỏi. Người kia ngẩng đầu, cô thấy một gương mặt quen nhưng không nhớ rõ là ai. Ánh mắt anh ta lại như nhận ra cô.

“Đồ của hoàng thượng đấy, phần là thắng trò chơi, phần là người đem đến tặng.” Anh ta cười. “Cô chiêu Hậu quân không nhận ra tôi à? Tôi là Hàn lâm Thừa chỉ Hoàng Quýnh, kiêm chức Khởi cư chú nên hôm nay cũng phải đi theo hoàng thượng.”

“Vâng, lâu rồi không gặp anh.” Cô theo lệ trả lời, vẫn chỉ mang máng nhớ ra cái tên Hoàng Quýnh là cháu trai của Hoàng Quang xử sĩ, tác giả bài Hoài Nam khúc từng góp công lớn cho trận chiến trước. Nhưng chú của anh ta là Hoàng Kim Hoán làm quan ở viện Hàn lâm, cô chẳng mấy quen thuộc. Bây giờ nhớ lại, cô thấy anh ta quen quen hẳn chỉ vì nằm trong nhóm bạn của Nguyễn Phúc Kiểu ngày xưa. Hôm nay quan theo hầu phần lớn mặc áo thường, cô không nhận ra chức phận anh ta cũng phải.

“Tôi đã gặp cô từ lúc dự đám cưới họ đấy.” Hoàng Quýnh dựa lưng cửa đền nghỉ mệt, phác tay về phía án thờ Hồ Thị Hoa, cười nói trước vẻ mặt cô. “À mà có khi từ lúc cô mới đến đây thì tôi đã gặp rồi.”

“Lúc ấy anh cũng đến đón người à?” Chuyện đã quá lâu, hiện tại thì cô chẳng thể nhớ ra được có cậu bé nào khác ngoài Nguyễn Phúc Kiểu trong đoàn người đứng đợi ở bến.

“Không, tôi đi theo hoàng thượng thôi, vì thích mấy cái xe voi mới được chế tạo lúc ấy. Hoàng thượng thì đợi người, tôi thì leo vào trong xe, lên bành voi chơi. Chú tôi lúc ấy được gọi đến thành nhận chức quan, tôi ở trong thành không biết chơi với ai nên đi theo hoàng thượng từ bấy cho đến giờ.” Hoàng Quýnh cười ha ha. “Phần vì tôi cũng tò mò không biết là ai đến. Từ ngày đầu năm ấy, hoàng thượng lúc đó nghe tin báo đoàn thuyền sắp tới là ngày nào cũng ruổi ngựa ra bờ sông ngóng, hết đi ngược bờ rồi lại xuôi bờ. Hỏi thì bảo rằng đang đón xuân. Tôi thì chỉ thấy lạnh đến cóng cả mũi.”

“Ngài ấy ‘đón xuân’ hai mươi năm nay rồi đấy, hết ngược bờ lại xuôi bờ, lang thang khắp nơi.” Khi cô im lặng, Hoàng Quýnh hướng mắt về phía án thờ, vẫn mỉm cười. “Mấy năm không đi được, tôi vừa nghĩ không phải ra đồng hóng gió Đông nữa, vậy mà năm nay lại tìm cớ để đi.”

“Thói quen quả thật khó bỏ.” Cô vẫn lành lạnh nói. Hoàng Quýnh thở ra hơi khàn khàn trong cổ.

“Tôi nghĩ hẳn là do trí nhớ ngài ấy quá tốt. Cô biết không, ngài ấy có thể nhận ra người từng gặp vài chục năm trước[4], báo cáo chi tiết nào đều nhớ chi tiết ấy, không ai qua mặt được. Thế Tổ thấy ngài ấy từ bé đã thông minh lạ thường hẳn cũng vì thế. Bất tư lượng, tự nan vong, hẳn cũng chỉ là thế thôi.” Hoàng Quýnh bỗng cười nhìn cô. “Khi thấy cô ở đây, tôi nghĩ cô cũng là người có trí nhớ tốt đấy.”

Cô sực nhớ ra anh ta chính là người đứng ngoài cửa ngăn lính toan cản cô vào đền. Nghe tiếng gọi, Hoàng Quýnh vội cáo từ cô đi ra.

Còn một mình trong đền, cô nhìn đống đồ chơi để ở góc phòng. Ngài ta hiện thời hẳn rất vui vẻ trong đám đông, như cô vẫn thường thấy. Thú vui của Nguyễn Phúc Kiểu chính là ruổi ngựa phóng đường xa, giương buồm lướt trên biển bỏ rơi toàn bộ đoàn quân theo hầu, rong chơi trên những ngọn núi và lấy súng bắn vào bầu trời. Thứ mà ngài ta không được phép có đâu chỉ là mình cô ấy. Không quên, toàn bộ đều không quên. Hẳn đó là một lời nguyền.

Lấy phù du làm vĩnh viễn, lấy mộng mơ làm niềm vui, những vòng quay lặp đi lặp lại của một điều gì đó thẳm sâu trong quá khứ, những vùng vẫy âm thầm trong thực tại, tất cả hình thành nên những vòng xoáy sâu hun hút chẳng ai tưởng tượng nổi qua bề mặt. Lúc ấy, cô vốn cũng chẳng thể tưởng đến bóng tối thực sự trong Nguyễn Phúc Kiểu.

Không phải muốn nhớ, chỉ là không quên được, lời của Hoàng Quýnh mãi về sau cô mới biết là còn một ý khác.

Tháng hai, tin mừng bắt được Lý Khai Ba, dẹp yên hoàn toàn loạn lạc ở Hưng Hóa báo về. Tháng năm, bộ sách vàng bạc ngự chế tên của các phiên hệ đế vương đã làm xong, lễ kính cáo miếu đường tuyên đọc kim sách, ban tên ở điện Thái Hòa cử hành. Cùng lúc, biểu xin yết kiến của Lê Chất cha cô được phê chuẩn.

Nguyễn Khắc Tuấn vừa dẹp xong loạn ở Hưng Hóa đã lập tức qua đời. Những cuộc nổi loạn, cướp bóc nhỏ khác lại hình thành ở Nghệ An, Hải Dương, Thuận Thành, Cam Lộ. Phố chợ An Hội cháy lan hơn trăm căn nhà. Tường thành vừa xây lại lở hơn hai ngàn trượng trong cơn mưa dữ mùa đông năm ngoái. Bắc Thành giá gạo lại tăng trong nắng hạn. Những cái tin vẫn lần lượt báo về khi xuân chuyển sang hạ.

Tháng tư mùa hạ, viên thư lại Nội vụ phủ Lý Hữu Diệm trở thành kẻ đầu tiên bị đem ra chợ Đông chém đầu vì lấy trộm một lạng vàng. Các viên lại Nội vụ phủ bị buộc phải đến chứng kiến buổi hành hình. Sự kiện ấy làm xôn xao Phú Xuân trong một thời gian dài, khiến tin cha cô sắp về Kinh phải đến mấy ngày sau khi biểu được phê duyệt thì cô mới biết. Lê Hậu dường như quên bẵng việc thông báo với cô, hoặc cậu ta chỉ lỡ lời mà báo cho cô khi thao thao nói về chuyện đóng tàu Tây dương kiểu mới.

“Năm ngoái có cái tàu Tây dương đến đậu ở Đà Nẵng do vỏ tàu vỡ, thuyền viên trên tàu mắc bệnh chết năm, sáu người. Nhà vua liền cho mua lại tàu ấy, rã ra rồi đánh số từng phần đưa về Kinh, ráp lại thành khuôn để đóng tàu khác theo mẫu. Hoàng thượng gọi cả hai ông Tây Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Chấn phụ làm, tuy nhiên cả hai từ chối bảo không biết gì về thuyền. Hoàng thượng không bắt ép nhưng có vẻ phật lòng lắm, bảo rằng hai ông quan ấy được phong đến nhị phẩm mà sau khi đại định chưa làm được việc gì. Hẳn trong bụng ngài ấy đang nghĩ bọn họ chỉ ở đây để thực hiện âm mưu của vua Phú Lang Sa. Cậu Đức Tây kia bảo, vua Phú Lang Sa đón cha con hai người về trọng thể lắm, các thương buôn trong vùng cũng ngay lập tức kéo tới muốn nhờ cậy – trong khi nghĩ ra thì Phú Lang Sa không có thương hội ở vùng này, thuyền cũng không đậu được, có đem bán mấy thứ vớ vẩn của Tây dương cho chúng ta thì bán chứ đâu có giống Anh Cát Lợi thu gom sản vật toàn vùng, chúng cần cái gì ở đây? Hiệp ước giao thương cái gì, bọn Tây dương dùng mấy thứ hiệp ước ấy xé nát Mã Lai, nuốt chửng từng phần, từ Ma Lục Giáp[5] cho tới Hạ Châu. Trước là bọn Bồ Đào Nha nhảy vào chiếm, sau là bọn Ô Lan, Anh Cát Lợi đưa mồi dụ dỗ, cũng chỉ từ mấy phố thương lập cho mà chúng tung người quấy phá khắp nơi, khích kẻ này đánh kẻ kia để chúng đóng vai người giúp đỡ, ký kết hiệp định bảo vệ nhau. Bảo vệ đâu chưa thấy mà chỉ thấy giờ này Anh Cát Lợi chiếm hết quyền bính ở triều đình, vua quan bảo gì nghe nấy, để chúng mặc tình chia chác đổi trao cho nhau.” Lê Hậu khinh khỉnh vừa quạt vừa nói. “Bây giờ bọn cố đạo quây lấy Tả quân, cả hai ông Tây này cũng về phe Tả quân, chẳng biết còn định mưu đồ gì. Nghe nói Anh Cát Lợi với Phú Lang Sa cũng đang hục hặc mâu thuẫn, chúng lại sang đây đánh nhau thì phải vạ. Dù cha mình có quay về Kinh thì cũng nhất định không thèm nghe bọn ấy để khuyến khích cái hiệp ước kia đâu.”

“Cha quay về Kinh?” Ở đầu kia phòng, cô đột ngột ngẩng mắt khỏi trang sách đang đọc. Lê Hậu thoáng chút bối rối trước khi gật đầu.

“Biểu của cha được phê duyệt rồi. Nghe nói thái độ của hoàng thượng cũng hòa dịu đi nhiều.” Cậu ta đặt chiếc quạt sang bên, nghiêng người về phía cô. “Nghe lần này mẹ cũng về theo cha, có lẽ việc của chị được quyết định rồi.”

“Sao lại đột ngột thay đổi thế?” Cô hỏi mà không nhận thấy giọng mình khàn đi. Lê Hậu cau mày như ngẫm nghĩ một lúc rồi nhún vai.

“Hoàng thượng vì Lê Duy Thanh mà trở mặt với cha mình, nhưng nhìn xem ngài ấy có cái gì? Nội một bọn giặc cỏ không ra sao mà cũng làm rối loạn Hưng Hóa, Tả quân ở Gia Định thì toàn quyền quyết định, chỉ dụ phân phong quan chức của ngài ấy chẳng ai coi ra gì. Đám quan ở Phú Xuân này chỉ suốt ngày nghĩ ra lễ này điển nọ, đền này miếu kia để làm chứ có tích sự nào? Đến cái thành vừa xây xong cũng đã sập, phải đem bọn viên tử chẳng có quan chức gì ra trông coi đắp thành chứ chả còn nhờ cậy ai được. Năm ngoái có thanh tra Nội vụ phủ đấy, nhưng chả tìm được cái gì, quan thậm chí không thèm báo cáo lại. Rốt cũng chỉ có Lễ bộ nhanh nhảu phát hiện ra mấy thứ sắc phong giả mạo, lại trúng ngay được Phạm Đăng Hưng và Nguyễn Đăng Tuân.” Lê Hậu cười khìn khịt trong cổ. “Chém một tên thư lại Nội vụ phủ cũng chẳng qua là tức quá mà không làm sao được, ngay dưới mũi vua mà chúng còn trộm cắp như chuột không coi ai ra gì. Giờ thì Nguyễn Văn Nhân chết rồi, Nguyễn Khắc Tuấn chết rồi, Nguyễn Văn Xuân khốn đốn ở Nghệ An, bọn Phò mã Nguyễn Văn Ngoạn thì bị cách chức.

“Bọn hoàng tử anh em của ngài ấy mới thậm là một đám ăn hại. Lúc vui vẻ thì đàn hát với nhau, chứ đã không giúp được gì thì chớ còn gây chuyện. Điện Bàn công vì chế mũ áo con hát mà đánh người, giờ thì thuộc viên phủ Diên Khánh công và Kiến An công mạo danh trưng thu đầm ở tận Phú Yên kiếm lợi. Có lần hoàng thượng gần như phải khóc mà cầu xin chúng đừng gây sự nữa. Đám hoàng thân ấy có khi còn chỉ chờ hoàng huynh xảy ra chuyện mà nhảy vào chiếm ngôi ấy chứ. Hoàng thượng giỏi thì cứ ngồi ở Phú Xuân này xây miếu với đền thờ, vẽ chữ mà cầu quốc thái dân an, trường bình vĩnh lạc. Bọn Tây dương đang hoành hành ngoài biển, ngài ấy giỏi cứ ở đây mà ráp thuyền trôi trong vũng nước để đánh chúng.

 

“Gây sự với cha mình thì hoàng thượng được cái gì đâu. Có mà quan lại nào thân với ngài ấy chỉ cần thò mặt đến địa phương thì sẽ bị thịt sạch, huống gì một Lê Duy Thanh.” Giọng Lê Hậu chợt trở nên vô cùng lạnh lùng. “Cứ thế này đôi ba năm nữa, đám quan tướng công thần Vọng Các chết sạch, cả cái thành ba lớp này cũng chẳng cứu nổi ai đâu.”

Tiếng cười của Lê Hậu thả lẫn vào thanh âm lạch xạch của chiếc quạt cậu ta cầm trong tay. Cuốn sách trên tay cô đã rơi xuống sập lúc nào cô cũng không hay biết. Lặng người một lúc lâu, cô đứng dậy chạy ra ngoài. Ngựa của Lê Hậu vẫn buộc bên cửa, cô lấy mà phóng đi. Lê Hậu hốt hoảng gọi, kêu người đuổi theo cô.

Đám tùy tùng chặn cô lại được trước cổng thành. Con ngựa bị giật dây cương ghìm lại khiến cô ngã lăn xuống đất. Vó ngựa vẫn quần thảo quanh cô. Ôm khuỷu tay đau nhói, cô ngẩng đầu nhìn con đường cạnh dòng sông. Có người giữ cô lại, nhưng cô không chống cự.

Rốt cuộc, cô lại định chạy đi đâu? Chẳng lẽ trong thời khắc nào đó, cô muốn vào hoàng cung để hỏi ‘Tại sao’? Có lẽ ngài ta vẫn ở đó, trên hòn đảo giữa hồ nước mở con đường vào mộng. Nhưng sự thực nơi ấy chỉ là một cái hồ nhỏ góc thành, nhìn quanh chỉ thấy bốn phía tường cao, bầu trời bị cắt thành một phương thẳng đứng soi xuống mặt nước cạn. Mặt nước soi năm tháng của thế gian vẫn thế mà trôi đi.

 

Cô nhìn phố thị bên dòng sông đầu năm đã cháy hơn trăm căn nhà. Cô nhìn tường thành sụt lở hơn hai ngàn trượng. Cô nhìn phố Nam trong kinh thành cũng vừa cháy rụi. Cô nhìn vết tích của cơn lũ năm trước vẫn còn in dấu rải rác đó đây, suốt con đường ven sông.

Ngày đầu năm ấy, vó ngựa của Nguyễn Phúc Kiểu thật ra đã đạp trên con đường bùn lầy ven những khoảng ruộng trắng nước hoang tàn, những con phố sụp đổ ngả nghiêng cùng những nấm mộ vừa được chôn trong lũ. Hai mươi năm rồi, ngài ta nói, trong hương nhang khói quấn quýt bên mái nhà xưa, bến đò cũ.

Mùa xuân năm ấy, sẽ vĩnh viễn không đến nữa. Những năm tháng sau này, ngược xuôi đôi bờ dòng nước, cũng chỉ nhìn thấy gió Đông.

Mùa xuân năm nọ, những buổi lễ được cử hành trong các điện đài. Những cái tên ước mong miên trường và vĩnh cửu được xướng lên trên mảnh đất lạnh hơi bùn nước, trên những mảnh vỡ tan tành dưới cơn bão lũ giáng xuống từ thinh không, giữa những cơn gió tao tác của lòng người.

Ước mong vĩnh cửu và miên trường của Nguyễn Phúc Kiểu, vốn là ánh phản chiếu trên mảnh vỡ của những giấc mơ.

 

Chú thích:

[1] Tây giang nguyệt của Tùng Thiện vương

[2] Ngày đầu năm 1823, Thực lục ghi “vua ngự đi chơi phía Đông giao (vùng phía Đông cận thành)”, bảo rằng “tiết trời hòa ấm, trẫm đi xem xét cùng vui với dân”, truyền lệnh cho dân ở chợ búa buôn bán bình thường, cho thấy chuyến đi này vốn chỉ ở quanh các phố chợ phía Đông. Từ sau đó thành lệ cho vua xuất hành đi chơi ở khu đất phía Đông.

[3] Theo các ghi chép, người miền Nam ngày đầu năm sau mùng 1 phải cúng lễ, hỏi han họ hàng thì mùng 2 đã bắt đầu đi chơi, ra đường ngoạn cảnh, trái ngược với phong tục miền Bắc phải ở yên trong nhà.

[4] Năm 1836, Minh Mạng đi lễ tế thấy trong quân theo hầu có một người rất quen mặt, “hình như cách đây vài chục năm nhiều lần vẫn gặp”, hỏi ra là Đội trưởng Trần Viết Quỳnh đã đầu quân từ năm 1801.

[5] Ma Lục Giáp: Malacca




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.