Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

62. Thiều thiều tương vọng vân thụ
Trường An in "Minh nguyệt 2" June 15th, 2019
  1. Thiều thiều tương vọng vân thụ, tửu tinh nhân viễn hôn chung độn[1]
    (Xa xăm nhìn lại phía mây chất, rượu tỉnh người xa chuông loạn vang)

 

Năm ấy, căn bệnh lạ từ Tây dương[2] truyền vào Hà Tiên, rồi nhanh chóng lây lan khắp đất nước, nặng nề nhất tại các thành thị đông dân buôn bán. Mỗi ngày có hàng ngàn người chết, trong ngoài Thăng Long phải đến cả trăm. Những nơi bùng phát dịch bị cách ly, những gia đình bình thường cũng phải đóng cửa ở trong nhà, vôi rắc trắng xóa đường đi lối lại. Hầu như thành Thăng Long đóng chặt, người từ nơi khác đến chỉ được ở vòng ngoài thành. Mưa gió bão bùng dằng dai suốt từ thu sang đông, khí trời lạnh buốt trong những cơn mưa tầm tã. Đến cuối năm, dịch bệnh đã hơi bớt, nhưng tới tháng hai năm sau lại bùng lên.

Trời vẫn mưa gió nồm ẩm rét buốt, không ai muốn ra khỏi nhà, Tường phải thay mẹ cô đi cùng em trai đến chùa làm lễ cho tiết Thanh minh. Mọi người quấn khăn kín gần hết mặt, dường như sợ chạm vào đến cả viên đá ven đường. Lễ xong, cô đi ra cổng chùa đợi xe thì bỗng nhiên thấy một bà lão ôm đứa trẻ chừng ba, bốn tuổi chạy đến. Đứa trẻ trong tay bà nhắm nghiền mắt, thở khò khè khe khẽ. Thấy vậy, lính vội giơ giáo dài chặn, lên tiếng đuổi.

“Tôi đến tìm người.” Bà lão hạ giọng van vỉ bằng tiếng miền Nam. “Có Văn hàn Hậu quân Bạch Xuân Nguyên ở đây không ạ?”

“Không có.” Lính vẫn vừa xua giáo giữ khoảng cách với bà lão vừa quát. Tường liền đi về phía họ.

“Bà tìm anh ta có việc gì?” Bạch Xuân Nguyên hẳn ở trong tòa thành, nhưng lúc này dịch lệ bùng ra, người chết nhiều, tiền tuất được cấp phát cũng rất lớn, lại dẫn đến tình trạng kẻ này người nọ bớt xén rồi kiện cáo nhau. Hậu quân cũng chẳng vì dịch bệnh mà bớt việc.

“Tôi là mẹ ông ấy, thằng Khản này là con trai ông ấy. Nó đột nhiên lên cơn sốt, tôi không vào thành được, không biết tìm con tôi ở đâu, thấy cô cậu Hậu quân nên mới đến hỏi.” Bà lão như òa lên khóc. “Ở nhà không có đồng nào đưa nó đi lấy thuốc, các vị vào thành tìm con giúp tôi với.”

“Bà cầm lấy mà mua thuốc.” Trong tay chẳng có một đồng, Tường liền rút cây trâm trên đầu đưa cho bà lão. “Thằng bé bệnh thì bà đừng ôm nó ra ngoài đường gió lạnh thế này, về nhà sớm đi. Chúng tôi tìm ông Bạch về ngay.”

Bà lão cúi người cám ơn, vội ôm thằng bé chạy đi. Lê Cận lúc ấy mới đến bên cô nói nhỏ.

“Nhỡ đâu là kẻ lừa đảo thì sao? Bịa ra cái tên nào đó trong thành rồi đến xin tiền. Bạch Xuân Nguyên nào đó tuy là Văn hàn nhưng ở Hậu quân của cha, chẳng lẽ một hai đồng ở nhà cũng không có? Mẹ thằng bé đâu mà để bà nó ôm chạy khắp nơi thế này?”

“Lừa thì ta chỉ mất cây trâm, không tin thì có khi thằng bé chết.” Tường lạnh nhạt đáp. Với anh chàng tên Bạch Xuân Nguyên gàn dở này thì cô cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên với những điều Lê Cận hỏi. Khản, cương trực cứng rắn, đến cái tên thằng bé quả cũng giống như cha nó đặt.

Về thành, cô cho người vào Hình tào tìm Bạch Xuân Nguyên, lại được báo anh ta đang tiếp khách chưa thể ra ngoài. Chưa muốn trở về dinh Tổng trấn vội, cô bèn đi tới phòng giấy tờ của Hình tào. Gian nhà này to rộng, sách cùng các bản văn xếp từng kệ cao ngất thành hàng. Cô vào cửa, nghe tiếng người nhưng vẫn chưa thể xác định được họ ở đâu sau dãy kệ giấy này.

“Bây giờ đến Trấn thủ Biên Hòa Tống Văn Khương, Ký lục Hoàng Công Xuân, Cai bạ Bùi Phụ Đạo cũng bị tội lây vì đưa lính làm việc cho Hoàng Công Lý.” Giọng một người đàn ông như miền Bình Định, Phú Yên nói. Cô liền đứng lại lắng nghe. “Vệ úy quân Thần sách Trần Phúc Trung được cử đến làm Trấn thủ Biên Hòa thì đã chết ngay khi vừa đến lỵ sở.”

“Hoàng Công Lý là Phó Tổng trấn, Thống chế Thị trung thì cũng là quan nhất phẩm, thế mà không giải về triều xét hỏi sao?” Cô nghe giọng Bạch Xuân Nguyên hỏi. “Án còn chưa có mà đã đưa Phó Tổng trấn mới là Trương Tấn Bửu đến thay rồi. Từ lúc lập án cho tới khi xét xử khác nào bảo hẳn Hoàng Công Lý có tội, vậy mà xử mãi chưa có kết quả?”

“Án của Bảo hộ Chân Lạp Lưu Phúc Tường cũng phải hai năm mới xong đấy.” Người đàn ông kia cười. “Còn hoàng thượng phải để Hoàng Công Lý ở Gia Định cho Tả quân muốn làm gì thì làm vì còn có thể làm gì được? Đang có loạn sư Kế ở Chân Lạp thì việc bị tố ra, rồi lại thêm Trấn thủ Phiên An Đào Quang Lý cũng bị tố tham tang. Hoàng thượng có thể tha tội chết cho Đào Quang Lý vì ông ta là công thần Vọng Các, nhưng Hoàng Công Lý có cái gì để gỡ tội? Thậm chí hoàng thượng còn không dám bênh vực ông ta lấy một lời ấy chứ, tự dưng đâu ra cả đám quan lại ở Gia Định đều mắc tội cả. Cho nên Tả quân vừa báo việc về, hoàng thượng đã phải nghe quần thần để yên cả đám người ở Gia Định cho Tả quân tùy nghi xử trí. Kết quả càng đào càng to, từ Phó Tổng trấn đến Trấn thủ Phiên An, rồi giờ liên lụy đến Trấn thủ Biên Hòa. Nếu kể cả Tổng trấn, Hiệp Tổng trấn đã về Kinh trước thì là thay toàn bộ quan lại ở vùng Phiên An đi cả rồi. Hoàng Công Lý mới đến Gia Định chưa đến hai năm, mà xem như gánh tội cho toàn Gia Định.”

“Việc càng lớn thì đáng lẽ càng phải làm kỹ, giải về Kinh xét hỏi cho ra lẽ, án Lưu Phúc Tường kéo dài đến hai năm chẳng phải cũng chỉ vì thế sao?” Bạch Xuân Nguyên vẫn khăng khăng nói như chưa hiểu ra ý của người đàn ông kia.

“À… Lưu Phúc Tường bị án xử trảm trong lúc Tả quân đang đi kinh lược Thanh Nghệ đấy.” Người đàn ông kia bật cười. “Mà Lưu Phúc Tường bị tố cáo tội lỗi vào lúc nào? Là khi Nguyễn Hoàng Đức làm Tổng trấn, Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng trấn, Tống Văn Khương làm Trấn thủ Biên Hòa. Án ấy xét ở thành Gia Định là do Hình tào Trần Văn Tuân chủ xử - xưa kia trong vụ án Nguyễn Văn Thành, chỉ có mình Tuân bảo tội Thành là nhẹ đấy. Bây giờ lĩnh Hình tào Gia Định lại là Nguyễn Hựu Nghi, anh xem có phải một vòng tròn không?

“Năm xưa Hiệp Tổng trấn Ngô Nhân Tĩnh cùng Tả quân đang là Tổng trấn, và Trấn thủ Vĩnh Thanh Lưu Phúc Tường, Trấn thủ Định Tường Nguyễn Văn Thoại đưa quân sang Chân Lạp khi Xiêm gây sự. Rồi Ngô Nhân Tĩnh bị tố cáo nhận tiền của người Phiên, hàm oan mà chết không được truy phong, rốt cuộc là ai trong đám người ấy đứng sau giật dây Tả quân? Bốn năm sau, Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng trấn, Lưu Phúc Tường dù đã là Bảo hộ Chân Lạp cũng không thoát được tội lỗi cũ – phát ra ngay từ chính Vĩnh Thanh đang nằm dưới quyền Nguyễn Văn Thoại. Nhìn sự việc ấy hẳn đã đoán ra kẻ nào hãm hại Ngô Nhân Tĩnh năm xưa.” Bạch Xuân Nguyên đã im lặng, người đàn ông kia liền nói tiếp. “Lần này toàn bộ quan lại vùng Phiên An, Biên Hòa bị tội, e cũng chẳng phải chỉ vì chuyện hôm nay thôi đâu. Hoàng Công Lý không gánh toàn bộ tội lỗi thì ai gánh?”

“Sao ông không nghĩ rằng kẻ hại Ngô Nhân Tĩnh năm xưa thực sự vẫn còn đó – và hắn chỉ ném Lưu Phúc Tường ra gánh tội thay? Chức vị Bảo hộ Chân Lạp cũng béo bở đấy, hắn vừa triệt được người này vừa lấy lòng được người kia.” Bạch Xuân Nguyên bất chợt cười nhạt. “Còn sự việc hôm nay không liên quan đến Lưu Phúc Tường nào cả, Tả quân hành sự có hơi nóng vội hồ đồ nhưng không phải người ôm kết thù riêng, kẻ khác kết thù với ông ấy thì có. Chẳng phải ông ấy đã xin cho Trần Công Lại phục chức Vệ úy quân Thần sách để làm Trấn thủ Vĩnh Thanh à?”

“Thế bọn Nguyễn Trương Hiệu, Nguyễn Hựu Nghi cho đến Nguyễn Hựu Khôi, Trần Nhật Vĩnh dưới quyền ông ấy là kẻ thế nào? Hoàng thượng sau khi lên ngôi tìm cách đẩy cả nhóm Tả quân xuống Gia Định hẳn cũng vì chịu đựng không nổi bọn người mới mộ ở Thanh Nghệ theo Tả quân về Kinh đấy. Tả quân vừa đi thì ngài ấy ra lệnh cấm nuôi đám tôi tớ xằng bậy trong Kinh đấy thôi.” Người đàn ông kia lại cười dài. “Kể ra thì việc của Hoàng Công Lý chưa chắc hoàng thượng đã tin, nhưng ngược lại càng phải tỏ ra khắc nghiệt mới là đúng đạo.”

Người coi giữ thư phòng đi qua, ngạc nhiên khi thấy Tường. Cô liền bước ra, đứng đợi Bạch Xuân Nguyên ở ngoài.

Vậy ra họ vẫn còn đang nói về Hoàng Công Lý. Vụ việc Phó Tổng trấn Gia Định bị tố tội đã nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Và Nguyễn Phúc Kiểu đã ngay lập tức hạ ngục Hoàng Công Lý mà thậm chí còn chưa xét xử, chưa biết đúng sai. Gia Định bị bão cùng dịch bệnh tàn phá, án ấy phải hoãn lại, rồi đến đầu năm, Nguyễn Hựu Nghi được đưa đến quản Hình tào Gia Định, số phận Hoàng Công Lý xem như đã được quyết định.

Ngài ta đã rẫy viên Thống chế Thị trung của mình ra thật nhanh, đứng dưới hiên nhìn lá non đang trổ trên cây, Tường lại khẽ nhếch khóe môi. Cái kẻ không bao giờ biết tự nhận lỗi ấy, khi dịch bệnh bùng phát khắp đất nước thì lại ra chiếu cầu lời nói thẳng, hẳn định nhân dịp ấy mà chỉnh đốn chính sự. Nhưng hoàn toàn chẳng có một lời tố cáo hay đóng góp nào được đưa ra, ngược lại, kẻ bị tội chính là thân tín của ngài ta. Trấn thủ Phiên An Đào Quang Lý tham ô chín vạn quan thì lại được tha tội chết, Hoàng Công Lý lấy ba vạn quan thì bị ngài ta dùng mọi lời lẽ mạt sát. Chẳng biết do tin quá nên hóa thù, hay là có tật giật mình?

Nguyễn Phúc Kiểu ngày xưa đã vì Nguyễn Văn Thành mà đưa tay giúp đỡ, hiện tại lại ném thẳng Hoàng Công Lý vào chỗ chết để bảo vệ ‘thanh danh’ cho bản thân. Cô nghe nói ngay cả nhà của Hoàng Công Lý ở Kinh cũng đang bị sung công phát mãi chia cho lính. Như thể ngài ta chỉ muốn toàn thiên hạ này biết ngài ta đã tự tay siết chết Hoàng Công Lý thế nào. Phải, chẳng do đám người ở Gia Định hay Nguyễn Hựu Nghi ở Hình tào, mà chính là ngài ta giẫm đạp Hoàng Công Lý tới chết, ngay từ lúc khởi đầu.

Phó Tổng trấn mới tới Gia Định chưa được hai năm bỗng dưng trở thành nguồn cơn của tất cả biến động, từ một Chân Lạp tự loạn do mất chức Bảo hộ cho tới dịch bệnh cùng giông bão. Chẳng ai nói tới cái án to hơn, nghiêm trọng hơn xảy ra cùng lúc của vị Trấn thủ Phiên An, chỉ đổ xô đến nhìn Hoàng Công Lý như xem một màn kịch – của vị vua định dùng ‘lời nói thẳng’ ngăn dịch bệnh.

Nguyễn Phúc Kiểu cuối cùng hẳn đã phát điên trong cái tình thế ngớ ngẩn mà ngài ta tự đẩy mình vào. Dưới tiếng cười dài văng vẳng từ trời cao.

Kẻ như Nguyễn Phúc Kiểu, cuối cùng phải bị trời cao giẫm nát.

Tâm trạng bỗng nhiên buồn bực, cô nhắn lại lính canh cửa chuyển tin cho Bạch Xuân Nguyên rồi đi về. Trong nhà, hẳn người người vẫn còn đang bận phỏng đoán, phân tích mọi nguyên nhân, nguồn cơn, âm mưu của sự kiện này, nói về những phe phái và thù oán chất chồng bao năm nay giữa họ. Những lời mà cô càng nghe thì càng cảm thấy chán ngán đến tận đáy lòng.

Mưa xuân lại lất phất bay, hương khói thoang thoảng lẫn với mùi khét của giấy và củi cháy. Mùa xuân đến, cùng những tàn dư cuối cùng của dịch bệnh. Mùa xuân đến, trên một cõi chết thê lương trải dài như không bến không bờ.

Còn nhỏ nên nhìn mọi thứ đều lớn lao cả, khi nhìn mưa rơi trước mũi chân, bên tai cô chợt vọng lời nói đã từ rất lâu trước kia. Khi còn nhỏ, có thể tiếc thương chỉ là một chú chim non rơi khỏi tổ, nhưng hiện tại trước hàng vạn vạn cái chết thì chỉ có thể lặng câm, thấy lòng lạnh đi dần dần. Ngay cả người trong thành này, tại dinh Tổng trấn, vài người quen của cô cũng đã chết trong dịch bệnh. Nhưng sau nửa năm nhìn vô số xác chết, cuối cùng cô đã chẳng còn có thể nhớ ai trong họ. Thế gian của người trưởng thành cũng nhạt nhòa như màu sắc trong mưa bụi. Mỗi thời khắc thoáng qua để trở thành ký ức cũng dường như không thật nữa bao giờ.

Khu thành này đang bắt đầu khởi công xây dựng hành cung để tiếp sứ nhà Thanh vào cuối năm. Trước điện Kính Thiên được cho xây điện Thị Triều, Cần Chính, ngoài năm cửa xây hành lang dài nối liền, ngoài ra cung phủ cho vua ở phải sửa lại. Các quan cũng đang cho tìm nhạc công, con hát mặc dù đang lúc quốc tang. Sự sống vẫn trôi đi thản nhiên sau thảm họa, như thể mọi điều đã tiêu tan theo những thân xác chôn vào trong đất. Rời khỏi kinh thành bình yên kia, cô mới cảm nhận được sự tàn khốc của thế gian này. Ở cuộc chiến trước đó, cô còn quá nhỏ, chỉ biết đến một góc Gia Định êm đềm dù trong bao thăng trầm khốn khó. Rồi tại đây, cô mới nhận ra rằng tàn khốc nhất không phải là cái chết, mà là sự sống. Người ta vẫn sống như cỏ lá mọc rụng theo mùa, như rừng hoang không cần một nghĩa lý nào.

Vì cha cô đã lâu không trở về Bắc Thành, nhà lại nhiều việc mà mẹ cô cùng các bà vợ lẽ chẳng muốn ra ngoài, cô dù không thể rời khỏi nhà thì đã có thể ra gian trước trông coi công việc. Mấy ngày sau, đột nhiên có người báo Bạch Xuân Nguyên tới tìm cô.

“Tôi tới trả vật này cho cô.” Bạch Xuân Nguyên nói, đưa cho cô cái hộp nhỏ, bên trong có cây trâm mà cô đã đưa cho mẹ anh ta. Thấy ánh mắt thắc mắc của cô, anh ta bèn trả lời. “Mẹ tôi đưa nó gán tạm cho thầy thuốc, tôi về chuộc lại.”

“Con trai anh thế nào rồi?” Cô đặt chiếc hộp sang bên, biết rằng không nên nói chuyện tiền bạc với những người như anh ta.

“Nó chỉ sốt nhẹ thôi, mẹ tôi lại quá hoảng hốt chạy ra ngoài. Uống vài thang thuốc là khỏi bệnh.” Bạch Xuân Nguyên mỉm cười nói. Cô gật đầu, đi sang gian bên lấy một gói thuốc đưa cho anh ta.

“Đây là thuốc triều đình cấp phát, có bạch đậu khấu với mấy vị nữa, cùng cả đơn thuốc trong này.” Bạch Xuân Nguyên lần chần không đưa tay nhận, cô bèn cười bảo. “Thuốc triều đình phát cho toàn dân, con trai anh cũng có phần mà chưa kịp nhận. Thuốc này dù không dùng chữa bệnh Tây dương thì cũng có thể trữ trong nhà phòng sốt, hàn. Nhà có trẻ mà không có thuốc thì khó khăn lắm, anh bảo chị nhà giữ kỹ mà dùng.”

“Vợ tôi đã mất rồi.” Bạch Xuân Nguyên cầm gói thuốc, nói khẽ. “Cám ơn cô.”

Cô hơi ngẩn người, không biết phải nói gì nên đành tiễn Bạch Xuân Nguyên ra cửa. Dáng anh ta thẳng tắp trong màn mưa như sương trên con đường dẫn khỏi thành. Hình bóng anh ta tựa một vết mực rơi vào mưa, như thể anh ta luôn luôn chỉ có một mình trên vùng đất này. Bạch Xuân Khản là cái tên anh ta đặt cho con trai, dù thế nào cũng phải đứng thẳng lưng mà sống.

Đợt dịch cuối cùng tiêu tan đi theo nắng lên. Khi tạnh ráo, khu thành ồn ào tiếng xây sửa. Tháng bảy, Lê Chất cha cô trở lại Bắc Thành. Nghe tin báo, cô vẫn ở trong phòng, không ra đón cho đến khi được gọi đến phòng lớn.

“Hai năm nay con suy nghĩ thế nào rồi?” Nhìn cô từ đầu đến chân, cha cô hỏi. Cô biết bộ dạng mình cũng chẳng chỉn chu cho lắm. Thấy cô vẫn không trả lời, cha cô liền nói tiếp. “Ta đã bàn kỹ việc với hoàng thượng, sang năm mãn tang thì con sẽ nhập cung.”

Cô chậm chạp rời mắt khỏi cha cô, nhìn lên bức hoành treo sau lưng ông.

“Cậu Từ của con đã là Vệ úy Trung vệ Tiền phong dinh Thị nội, sau này có thể ra vào trong cung, con không cần phải lo mình cô đơn.” Cha cô vẫn đang nói như thể cho rằng báo tin tốt với cô. “Hoàng thượng đã phong cho phi tần hậu cung, ngoại trừ một Hiền tần hầu ngài ta từ khi còn ở tiềm để, đám người dưới toàn là Tài nhân trở xuống. Có một Tu nghi bên trên hết thì cũng chỉ là một người chết rồi.”

“Tu nghi? Ai cơ?” Cô bỗng nhiên hỏi.

“Họ Phạm. Ông cô ta sau khi nghỉ hưu một thời gian thì phục chức, đang là Chưởng cơ trấn giữ thượng đạo An Tây, kể ra cũng là người có chức vị cao nhất trong đám ấy rồi.” Cha cô gõ ngón tay xuống sập. Cô ngẩn ra một khắc, chợt cười khẽ trong cổ.

Ông Hồ Văn Bôi cũng là Chưởng cơ, Khâm sai Chưởng cơ. Nhưng rồi đã không còn ai nhớ đến điều ấy nữa. Sự tồn tại của họ như đã tan biến hẳn vào dòng Đông Hoa.

“Chừng hai tháng nữa hoàng thượng sẽ khởi hành Bắc tuần. Con không cần phải đến hầu nhưng ra đón với bộ dạng này thì không được.” Cha cô lại nói. Cô đưa mắt nhìn lại ông, mỉm cười.

“Con đã được hứa hôn rồi, không nên gặp hoàng thượng mới phải.” Im một thoáng, cô nói qua kẽ răng. “Bằng không có súng dùng súng, có dao dùng dao, con giết chết ngài ta thì cả nhà bị tru di đấy.”

Không nhìn đến vẻ mặt của cha, cô quay lưng.

Ra đến sân sau, cô mới nhận thấy bàn tay mình đang run lên, lồng ngực cô lạnh toát. Như thể cô thực sự muốn giết người. Nhưng tựa vai vào cột chống, cô lại bật cười.

 

Nguyễn Phúc Kiểu quả nhiên đã khuất phục. Anh ta lên ngôi với niềm tin ngây thơ về lẽ phải cùng quyền lực mà mình có, và đón chờ anh ta là một cơn bão lật ngược hết tất cả. Vua Gia Long qua đời đúng lúc Tả quân Lê Văn Duyệt vừa đem về một đội quân hung hãn đáng sợ mới mộ ở Thanh Nghệ, đội quân với trùng trùng điệp điệp những quan hệ trong tối ngoài sáng không ai lường nổi. Nguyễn Phúc Kiểu tìm cách phân tán đội quân này đi, thì lại đồng thời cho họ một mảnh đất sinh sôi mới: Gia Định. Ngay cả thân tín của anh ta, viên Tả Thống chế Thị trung đang lãnh Phó Tổng trấn, cũng bị thổi bay chỉ trong khoảnh khắc, kéo theo toàn bộ quan chức ở Phiên An. Và rồi, từ Biên Hòa đến Hà Tiên, sang Chân Lạp, đã rơi vào quyền lực của Lê Văn Duyệt.

Ở Bắc Thành này còn sớm hơn thế. Có thể nói là may mắn đã có một đợt dịch lệ khủng khiếp kéo đến, khiến chẳng còn kẻ nào nổi loạn. Nhưng cha cô ở kinh thành có lẽ không chỉ kéo được cậu Lê Văn Từ của cô vào đội quân Thị nội, mà như cô đã thấy với Trần Nhật Vĩnh – quyền lực của hai vị Hậu quân và Tả quân này gắn kết chặt chẽ như thế nào. Cậu Lê Văn Từ nằm trong quân của Tả quân, Trần Nhật Vĩnh ở dưới quyền cha cô. Những đại quan cũ đã già, người Gia Định không thích làm quan, nơi cung cấp quan lại thay thế nhiều nhất chính là Thanh Nghệ. Ở hàng quan võ, không thế lực nào qua nổi Tả quân và Hậu quân. Ở hàng quan văn, hầu như thân tín của cha cô đã tấn chiếm dần dần.

Nguyễn Phúc Kiểu đã buộc phải chính tay bóp nát Hoàng Công Lý. Cái án của Hoàng Công Lý đã thành lập ngay khi buộc tội. Anh ta đã phải nhận ra rằng mình đang có gì trong tay. Chiếu cầu chỉnh đốn chính sự của anh ta trong cơn dịch lệ là hành động ấu trĩ buồn cười quay lại siết chết anh ta, vị vua chẳng có gì ngoài một đội quân Thị trung và một cái thành. Từng người, từng người một mà anh ta tin cậy dựa dẫm bị hủy diệt. Từng ngày, từng ngày một, ông trời quái ác hủy hoại từng chút tự tôn của anh ta, ném chính anh ta vào cơn bão đang quay cuồng khắp đất nước. Đến cuối cùng, anh ta cũng đã buộc phải hiểu rằng, chỉ cần nếu muốn, bất cứ ai trong bọn họ cũng có thể lật đổ anh ta chỉ bằng một tiếng nói.

Cho nên đến bây giờ, anh ta chấp nhận cả cô cũng là chuyện đương nhiên. Như anh ta đã im lặng để cô ấy chìm xuống dòng sông, như thể những ngày ấy chưa từng tồn tại. Ký ức là thứ mà chỉ cần quay lưng thì đã biến mất.

Cô đưa mắt nhìn khoảng sân nhỏ vắng lạnh. Xuân đi, hè sang, thu tới, đông tàn, đây là nơi mà cô sống, cỏ mọc rồi héo úa, lá nhú rồi phai màu. Ngay cả những vì sao trên cao cũng đổi thay. Hai năm nay, thế gian này của cô hầu như không có con người. Chẳng có một ai đến. Chẳng còn một ai nữa.

Ngay cả trong giấc mơ, cô ấy cũng sẽ không đến. Dù cô có quay lại cả ngàn lần, vẫn chẳng thể thấy được nụ cười của ánh sáng cùng mật ngọt. Dù cô có chờ đợi cả ngàn ngày, cũng sẽ chẳng bao giờ nắm lại được bàn tay đã dẫn cô đi qua những dòng sông.

 

Chú thích:

[1] Mô ngư nhi – Tống biệt của Tùng Thiện vương

[2] Sử Nguyễn cho biết bệnh này từ Tây dương, nơi truyền phát đầu tiên là Hà Tiên. Theo như lệnh vua cho phát bạch đậu khấu chữa bệnh, và bệnh này tan khi đến mùa đông. thì có thể đây là bệnh dịch hạch. Cùng thời gian trên thế giới ghi nhận Tunisia cũng đang phát dịch hạch từ 1818-1820. 




One Response
Ngân Hà

Chị ơi truyện này muốn xem từ đầu thì xem link nào chị? Em không thấy mục lục.

Leave a Reply to Ngân Hà

Click here to cancel reply.

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.