Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

63. Hoa thảo ký kinh xuân đại tạ
Trường An in "Minh nguyệt 2" June 17th, 2019
  1. Hoa thảo kỷ kinh xuân đại tạ, giang sơn trầm tiếu cổ hưng vong[1]
    (Hoa cỏ bao mùa xuân tàn hết, giang sơn cười khẽ cuộc hưng vong)

 

Giữa tháng mười, đoàn tiếp sứ đông hàng ngàn người của nhà vua đến sông Vị Hoàng. Cô nghe tiếng ồn ào như muốn vỡ cả khu thành khi đoàn người đón rước xa giá về hành cung ở cạnh dinh Tổng trấn. Người hầu trong nhà đã chạy cả ra đường để xem đoàn rước, nhưng cô vẫn ở yên trong phòng. Tuy nhiên, cô chỉ nhắm mắt bịt tai được năm, sáu ngày thì đã có lệnh gọi cô đến hành cung.

Cô ngồi trong phòng nửa giờ nghe mẹ than thở, rồi đành đi sang phòng cha cô lấy thẻ bài vào hành cung. Những ngày này cha cô luôn bận rộn tiếp khách, dù đã vào xế chiều nhưng vẫn có hàng dài người xếp hàng ngoài phòng. Cũng chẳng lấy gì làm vội vã, cô ngồi trong nhà sau đợi vãn người. Gian nhà này liền với phòng khách đợi kế bên, câu chuyện của họ lại lọt vào tai cô.

“Báo với quan Tổng trấn là Thổ ty Tuyên Quang Nông Văn Vân, Nguyễn Quảng Khải, Thổ ty Thái Nguyên Hoàng Đình Đạt xin gặp.[2]” Người tiếp khách trong nhà cô nói với viên lại thuộc báo danh ngoài phòng. Cô nhìn qua cửa thấy loáng thoáng mấy bóng người mới vào, làm lễ chào hỏi với người đã ở trong phòng trước.

“Trước khi về Bắc Thành, ta đã được anh Khôi gửi gắm nhờ cậy chuyện các anh.” Một người giọng Thanh Hoa nói sau khi chia đặt cùng ngồi. “Lần này các thổ ty, thổ tù Bắc Thành đều tới ra mắt, các anh được đặc biệt tiến cử hẳn đều tốt thôi. Huống hồ cha và bác anh Vân đều có chút công lao đánh ngụy Tây ở Văn Lãng năm xưa, nay cho anh một chức Tri châu nào có khó khăn gì.”

“Anh Khôi vừa là anh rể vừa là em vợ của tôi, nay đi theo Tả quân nên muốn cho tôi một chức quan để cùng làm việc cho nước nhà.” Hẳn Nông Văn Vân kia đáp lời, chẳng rõ ý tứ là gì. Người đàn ông kia liền cười lớn.

“Cũng chỉ có anh Khôi và anh mới tập hợp được các thổ ty từ Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên đến Yên Quảng tới đây mừng lễ cho hoàng thượng, ngày khánh tiết đón sắc phong mà được như thế còn gì đẹp bằng. Dù có các Tuyên úy đồng tri, Phòng ngự sứ, Tuyên úy sứ tới, nhưng họ đã là người quy phục triều đình sẵn, đâu thể làm vui lòng ngài ngự bằng các thổ ty mến đức theo về. Sứ Thanh đến thấy cả dải biên cương Bắc Thành đều yên vui, lại chẳng nâng danh vị của nước ta thêm mấy bậc? Lần này Tả quân suy sâu nghĩ xa, gọi các anh đến trong dịp mừng của cả nước đều là có ý đấy.”

“Vâng, chúng tôi đều ghi nhớ ân tình cất nhắc của Tả quân ngày hôm nay.” Nông Văn Vân vẫn trả lời bằng giọng khó biết buồn vui kia.

Người hầu gọi cô sang lấy thẻ bài vào hành cung, Tường liền rời khỏi phòng. Đi ngang phòng đợi, cô nghe nhóm người kia vẫn trò chuyện rì rầm, loáng thoáng ‘anh Khôi’ và ‘Tả quân’.

Rốt cuộc người tên Nguyễn Hựu Khôi này là kẻ thế nào, vừa đi khỏi dinh phủ cô vừa nghĩ. Ở Thanh Nghệ, anh ta kêu gọi được bọn Quách Tất Thúc ra hàng, hóa ra mối quan hệ của anh ta còn ra đến tận biên giới Bắc Thành. Vì Nguyễn Hựu Khôi ở trong Tả quân, các thổ ty bạn bè thân nhân của anh ta cũng đến tìm lấy một chức tước. Trên vùng đất này, quan hệ và thế lực là hai thứ gắn chặt với nhau, duy không ngờ rằng chỉ một viên Cai đội như Nguyễn Hựu Khôi mà ảnh hưởng lại lớn đến thế.

Tới hành cung, cô báo tên thì một nội giám ra dẫn cô tới thẳng điện của nhà vua. Thoáng thấy bóng áo vàng sau thư án, cô nén sự chán ghét, cúi đầu lạy chào ngài ta trước sân. Người trong nhà đặt cuốn sách đang đọc xuống án, cho cô đứng lên rồi chỉ tay sang những thùng hàng lớn nhỏ đặt bên phòng.

“Người ở Bắc Thành dâng sản vật, ngoài vàng ngọc thì có một số đặc sản, ta định chuyển một ít mừng Thái hậu. Mẹ ngươi nói rằng ngươi rất rành rõ sản vật Bắc Thành, có thể tuyển lựa giúp ta một ít bánh trái ngon.” Nhà vua nói khi cô trừng mắt nhìn cả người lẫn vật trong nhà.

“Xin lỗi ngài ngự, thần chẳng biết gì về sản vật Bắc Thành đâu ạ.” Lại là mẹ cô tự kiếm chuyện không đâu nhằm kéo cô đến đây. Vừa lấy lòng nhà vua vừa có cơ hội tỏ dạ ‘hiếu kính’ với Thái hậu, quả nhiên là suy nghĩ sâu xa.

“Mẹ ngươi nói…” Ngài ta vừa nói thì cô đã cáu kỉnh rít qua kẽ răng.

“Chuyện ngài tin những lời vớ vẩn của người khác thì đâu phải trách nhiệm của thần?” Không chỉ mẹ cô mà ngài ta đi ra hỏi bất cứ bà lớn nào hẳn cũng sẽ được nghe họ tâng bốc một ngàn điểm tốt của con gái họ. Dù mẹ cô tự bày chuyện, nhưng rốt lại cũng là nhà vua này chẳng biết nghĩ sao mà cho rằng một người chỉ biết rong chơi như cô giỏi việc chọn bánh trái tiến cung.

Nhà vua nhìn cô hồi lâu, bất chợt bật cười.

“Quả nhiên… ngươi vẫn chẳng bao giờ trưởng thành cả.” Ngài ta vừa cười vừa nói. Cô bỗng dưng nhớ tới rất lâu trước đây, ‘trẻ con’ là câu đầu tiên cậu ta nói với cô. Cơn giận trong cô chợt bốc lên ngùn ngụt.

“Cám ơn hoàng thượng quá khen. Tiên trinh nhi hậu độc[3], có những kẻ càng trưởng thành càng dơ bẩn, thần thế này rất tốt.” Ánh mắt rơi trên bức tường phía sau nhà vua, cô cũng cười nhạt đáp. Cô nghe căn phòng chìm vào im lặng, biết rằng đã chọc trúng vào yếu điểm của ngài ta. Cô liền ngoảnh ra cửa. “Thần không có khả năng hầu ngài ngự, xin về tìm người quen việc trong phủ để giúp ngài.”

Cô chẳng cần nghe ngài ta lên tiếng đã lạy chào, đi khỏi điện.

Ngài ta cứ việc tức giận, rồi thì làm gì được cô? Nhà vua là một con hổ giấy, tiếng cười râm ran đã lan giữa những bức tường trong hành cung lộng lẫy vừa được xây dựng. Ngài ta trách cứ trấn thần Nghệ An làm hành cung quá xa hoa, nhưng nín lặng không nói một lời trước khu điện đài phí tổn cả vạn quan này, thậm chí còn thưởng thêm gần vạn quan nữa.[4] Đến cả làm uy ra vẻ cũng không đến nơi đến chốn, chả trách các quan ở nơi này cười ngài ta chỉ được cái miệng giỏi mắng người. Ngài ta bày ra đủ thứ việc linh tinh từ chuyện sửa cách thức tấu chương trở đi, bắt từng cái lỗi nhỏ nhặt, nhưng chẳng dám phạt ai ngoài đám lính ở quanh thành. Ngay cả Vũ Đức Thông trông coi Hình tào Bắc Thành này lộn trắng thành đen trong án đánh chết người, ngài ta cũng ‘tha cho vì ta mới lên ngôi’. Đến các hoàng tử em trai ngài ta hết người này tới kẻ nọ bắt người trái phép, nuôi chó săn, đánh lính thì càng chẳng nói làm gì, tất cả cũng chỉ trách miệng. Nhà vua chỉ dọa được vài viên quan văn yếu nhược già lão, mấy kẻ ngốc nghếch trung thành, xây thành dựng vườn làm vui, rồi lại tự cho mình là thanh cao liêm chính chăm chỉ việc chính sự. Một con hổ giấy không hơn không kém.

Nhìn cái hành cung này đã thấy Lê Chất cha cô nói một thì nhà vua không dám nói hai[5]. Cô còn chưa mắng ngài ta thì ngài ta làm sao dám mắng cô!

Đến hành lang sau cửa điện, cô va phải viên nội giám đang nâng tập giấy đi vào. Một tờ giấy vàng chuyên ghi dụ của nhà vua rơi vào tay cô. Cô chụp lấy tờ giấy đưa trả cho nội giám, tình cờ nhìn lướt qua mấy dòng chữ ngắn. Viên nội giám đã đi, cô còn hơi ngẩn người đứng trong hành lang.

Đó là thư ngài ta gửi cho Dung, hỏi tình trạng của cậu ta khi trời chuyển lạnh[6]. Cậu hoàng Cả này đang làm nhiệm vụ giữ kinh thành, dụ biểu thông tin hẳn đi lại luôn luôn, nhưng thư hỏi sức khỏe? Chẳng phải ngài ta mới chính là người vượt đường xa ra miền Bắc lạnh hơn nhiều lần, trong cơn giông bão vẫn vần vũ đổ xuống những ngày này, trời không lúc nào hửng nắng?[7] Chẳng phải Nguyễn Phúc Kiểu luôn sợ nhất là lạnh?

Cô thở dài, đi khỏi hành cung. Quả nhiên cô giống một đứa trẻ chẳng bao giờ lớn được, vừa nông nổi bồng bột vừa ngốc nghếch, chợt mừng chợt giận chỉ vì những chuyện không đâu.

Mặc dù vậy, nhà vua có vẻ vẫn lựa chọn được sản vật tặng cho Thái hậu mà mẹ cô không hay biết cô đã bỏ về. Sau hôm ấy là lễ bái hạ của dân các trấn, thổ tù vào lạy chầu, nhà vua ngự thuyền đi chơi Tây hồ, ban thưởng cho các quan cùng quân dân đến hàng vạn quan tiền. Có thể do mẹ cô vui vẻ, cũng có lẽ chẳng ai để ý đến, cô có thể tự do ra vào trong dinh phủ và tòa thành, nhìn ngắm dòng người đến quỳ dâng đơn ngoài năm cổng lớn. Gấm hoa nườm nượp, đàn sáo réo rắt, hương bay khắp chốn, ai nấy đều cười nói như thể người một nhà, nhận các phẩm vật lóng lánh vàng ngọc, các tráp bạc vàng lụa là đệ chuyển tựa mắc cửi khắp thành.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, trong những lá đơn được nộp đến ấy lại có một đơn gây nên sóng gió. Đầu năm trước, Thị trung Trực học sĩ Lê Duy Thanh được bổ đến làm Hiệp trấn Sơn Nam thượng, chẳng biết đã làm gì khiến dân đến tận cửa thành Thăng Long đánh trống dâng văn.

Hôm ấy cô đang ngồi trong sân nhà hậu viện thì nghe tiếng động sau cửa. Dinh Tổng trấn nằm gần giữa thành, bao quanh là các khu nhà công thự của quân đội. Cửa sau không đóng, cô tò mò nhìn ra thì thấy một toán lính đưa người đàn ông lớn tuổi đi qua. Khăn đội đầu của ông lão này xộc xệch rơi một nửa, áo cũng đứt nút buộc, trên trán có vết bầm đỏ tươi như rỉ máu. Ông lão vẫn còn thở dồn, ngồi bệt xuống hiên sau sân. Đội trưởng toán lính mặc trang phục Thị vệ khẽ bảo người đi lấy nước, rồi quỳ cạnh ông lão mà nhỏ giọng khuyên nhủ.

“Hoàng thượng giao ông cho Tả vệ chứ không đưa đến Hình tào nữa rồi, ông yên lòng việc đâu còn có đó.” Viên Thị vệ đưa tay chỉnh khăn đội của ông lão, thở dài. “Ông chịu vất vả ở chỗ chúng tôi một thời gian, rồi sẽ được đưa về Kinh.”

“Ta…” Ông lão nấc lên bằng giọng khàn đặc, mắt vẫn còn chưa hết nỗi kinh hoảng. Từ từ nhắm mắt lại như trấn tĩnh, ông ta gục đầu xuống tay, thì thào. “Ta không muốn giống như Hoàng Công Lý, bị đám người ấy đày ải cho đến chết[8]…”

“Không đâu…” Viên Thị vệ toan nói, nhưng bị ông lão ngắt lời.

“Khi hoàng thượng vừa mới lên ngôi đã cử ngay ta đến làm Hiệp trấn Sơn Nam thượng, bảo rằng muốn xem tài làm việc của ta thế nào. Lúc ấy ta đã bảo với ngài rằng ta chỉ biết chuyện sách vở, nào có phải kẻ đi trị dân, vậy mà ngài nhất định không nghe. Một năm ở đây, ta ngày lo đêm sợ, nơm nớp từng việc làm, nghe chuyện bọn Hoàng Công Lý ở Gia Định càng lạnh cả tâm can. Hoàng thượng có biết tình thế mà ngài ấy đẩy ta vào hay không? Hay cả ngài ấy cũng chỉ cần ta phạm lỗi là bỏ mặc ta cho đám người này, vứt bỏ ta như con cờ bị loại? Ta đã bảo, ngài ấy giết ta ngay đi còn hơn!” Ông lão mà bỗng dưng cô nhận ra chính là Lê Duy Thanh, viên quan thường có mặt trong các công việc tế lễ của triều đình, vẫn thì thầm nói khi cả thân hình gãy gập bất động. “Người nhà ta có tội thì cứ xử, ta không quản được họ thì cứ lập án, nhưng giao ta cho Nguyễn Hựu Nghi để chúng tùy nghi lăng nhục chém giết? Hoàng thượng, rốt cuộc thì hoàng thượng làm được cái gì?”

“Ông bình tĩnh đã!” Viên Thị vệ lo lắng đưa mắt nhìn quanh, may mắn là lính đã được phái đi lấy nước cùng băng vải vẫn chưa quay lại.

“Tài năng của quan là trị dân? Không đâu, là luồn trên đạp dưới, là lo lót móc nối để thăng tiến, để không bị người đạp chết. Chỉ cần giỏi những thủ đoạn ấy, rồi thì sẽ vĩnh thế trường sinh, thái bình thịnh trị.” Lê Duy Thanh cười khẽ trong cổ, ngẩng đầu nhìn những mái nhà trập trùng trong thành. “Ngày còn trẻ ta chỉ là một kẻ ham chơi lười nhác, đến thi cử cũng để mặc cho cha tìm người làm bài hộ, đến khi bị bắt vẫn nghĩ là chỉ do xui rủi, ta sai thì phải chịu, nào nghĩ được đến chuyện phía sau. Cha ta cũng vậy, đám quan lại ngày đó lẫn bây giờ cũng vậy, chỉ có ta bao năm vẫn không hiểu. Chỉ biết có ít chữ, đọc được vài cuốn sách mà bước chân vào quan trường? Tin rằng chuyện trong sách đều thật cả? Có mà thịnh trị thái bình là lúc người người thỏa ý nuốt thịt nhả xương, vua tôi thuận hòa là kẻ trên chia nhau mà nhai gặm vừa ý đẹp lòng, bầy bầy lũ lũ chia chác canh phòng hoan ca nhảy nhót. Bại báo thành thắng, nhược hóa thành vinh, chỉ cần mấy dòng chữ là xong cả. Thái bình thịnh trị nên chớp mắt sau xương đã chất đầy đồng, người hóa thú hoang, đất bằng nổi sóng, ha ha, sử sách toàn là chuyện lừa đảo cả!

“Ta thực sự chỉ là một kẻ bất tài đến thuộc hạ của mình còn quản không được, trăm ngờ ngàn sợ mà lại còn đi gây sự với Trấn thủ chỉ vì chuyện đóng mấy hộc thóc[9], quả đúng là chẳng được việc gì.” Thở ra hơi khàn khàn trong cổ, Lê Duy Thanh lại chợt cười. “Vừa rồi ta cũng làm việc chẳng ra sao. Nguyễn Hựu Nghi ở đó, Tổng trấn Lê Chất ở đó, mà ta lại còn nài xin hoàng thượng. Chẳng trách đến cả Tượng quân Nguyễn Đức Xuyên còn phải quát ta im miệng. Nhưng tại sao, tại sao hoàng thượng lại có thể giao ta cho một kẻ như Nguyễn Hựu Nghi? Sau khi ngài ấy đẩy ta đến đây, vào chốn hang hùm này?”

“Nguyễn Hựu Nghi do Tả quân đặc biệt phái tới để đi Bắc tuần cùng hoàng thượng.” Nhìn quanh thấy không có ai, viên Thị vệ ngồi xuống đối diện với Lê Duy Thanh, nhỏ giọng tựa như an ủi. “Khi nghe chuyện Bắc tuần, Tả quân đã muốn đi theo rồi, hoàng thượng bảo phía Nam vẫn chưa yên mới thôi, rồi cho Nguyễn Hựu Nghi về Kinh[10].

“Từ Nghệ An rồi Thanh Hoa, rồi Bắc Thành này, bao nhiêu là việc. Người dân đón xa giá tâu bày việc phải đến hàng ngàn, đều phải do các quan lọc lại mới dâng lên.” Viên Thị vệ trầm giọng đầy ẩn ý. “Đơn thư của người tố ông, trước khi đến tay hoàng thượng, hẳn đã chuyền cả thành Thăng Long rồi. Hàng ngàn đơn thưa kiện lại chỉ trúng vào mỗi ông. Đơn thư đưa lên hẳn chỉ còn chờ hoàng thượng phê duyệt, ngài vẫn đợi ông phản ứng đấy thôi.

“Ông làm hỏng việc liên lụy đến ngài, để ông sống thì bao nhiêu hậu quả ngài lãnh trọn, ông có hiểu hay không? Đến bây giờ, ngay cả ông có chết thì cũng chỉ là kẻ trốn tội, tất cả vẫn là hoàng thượng gánh chịu.” Viên Thị vệ lắc đầu trước ánh mắt Lê Duy Thanh. “Có khốn khổ nhục nhã thế nào cũng phải cố mà sống, ông hiểu không?”

Lính lấy nước và băng vải đã quay lại. Họ rửa nhẹ vết thương trên trán Lê Duy Thanh, lấy dây trói ông ta lại, rồi dẫn ông ta về phía nhà quân Tả vệ. Cô khép cánh cửa, quay trở lên nhà trên.

Lại một nạn nhân của Nguyễn Phúc Kiểu. Ngay sau khi lên ngôi, ngài ta đã cho Lê Duy Thanh đến Sơn Nam thượng nhậm chức Hiệp trấn. Vị học sĩ con trai của quan Lê Trịnh cũ Lê Quý Đôn này vốn tính tình đã chẳng được lòng người ở Kinh, không mấy ai kính trọng, quả nhiên chỉ một năm làm việc đã có chuyện.

Trong hàng ngàn đơn thư họ lựa ra trăm đơn, lại được ngay viên quan văn mà Nguyễn Phúc Kiểu coi trọng, hẳn toan là Hoàng Công Lý thứ hai ở Bắc Thành. Chỉ trách Lê Duy Thanh quyết lành làm gáo vỡ làm muôi đến thẳng hành tại gây náo loạn, chỉ thẳng mặt Nguyễn Hựu Nghi xin được chết chứ không cho ông ta xử. Hẳn người ở hành cung vẫn còn chưa nguôi cơn chộn rộn.

Quả nhiên chiều hôm ấy cha cô đưa theo người về nhà. Nghe động, cô nhìn ra thấy Nguyễn Hựu Nghi đang ở trong phòng cha cô, đi đi lại lại với vẻ mặt giận dữ bừng bừng.

“Lão chỉ thẳng mặt tôi như thế, sau này tôi trở thành trò cười à?” Luồn ra gian bên, cô nghe Nguyễn Hựu Nghi gầm gừ. Lê Chất cha cô lại bật cười.

“Lê Duy Thanh chỉ là một kẻ có lý lịch thi cử gian lận, trước làm nhục thanh danh của cha, sau tự bôi bẩn mình, bảo vệ lão thì hoàng thượng làm trò cười chứ can gì đến anh?” Nghe giọng cha cô còn như thoáng vẻ thích thú. “Lão ta là kẻ nhát gan túng quá làm liều, anh cứ gom lời khai, chứng cớ lại để ta gửi đến Hình bộ, xem lão trốn tội chết vào đâu.”

“Hoàng thượng đem lão về Kinh, còn chịu nghe lời chúng ta à?” Nguyễn Hựu Nghi vẫn gắt. Lê Chất cười khùng khục trong cổ.

“Thượng thư Hình bộ Lê Bá Phẩm khi được ngài ta chỉ định nhậm chức còn khóc mà từ chối đấy[11]. Còn Thượng thư Lại bộ kiêm Binh bộ Trịnh Hoài Đức, Hộ bộ Nguyễn Hữu Thận chỉ là một bọn quan văn quyền không lực không, ta vào triều hét một tiếng là im thin thít. Luật pháp của nước vẫn ở đấy, chỉ cần anh tìm đủ chứng cứ rồi thì thoát vào đâu?” Giọng Lê Chất chợt trầm đi âm u. “Lê Duy Thanh không ngại xé rách mặt ngay tại công đường, để xem hoàng thượng có dám bảo vệ lão hay không.”

Nguyễn Hựu Nghi cũng bật cười, tiếng cười khiến cô gai cả người.

Lần này Lê Duy Thanh quả nhiên đã ‘xé rách mặt’ Nguyễn Hựu Nghi, người đã xử án Nguyễn Văn Thành cùng Hoàng Công Lý, lớn tiếng nói giữa thành Thăng Long rằng không chấp nhận án xử của kẻ này. Đồng thời, xé toạc cả thứ đang ẩn giấu dưới những nụ cười ‘vua tôi hòa hợp’ trong một buổi ‘nghi vệ thái bình’. Nếu bảo vệ Lê Duy Thanh, khác nào Nguyễn Phúc Kiểu thừa nhận ngài ta đồng tình rằng toàn bộ hành vi của Nguyễn Hựu Nghi là một trò ma quỷ xảo trá lừa lọc nhân danh công lý? Rằng những cái án của vị Tham tri Hình bộ lãnh Hình tào Gia Định này xét xử, toàn bộ tấn kịch vừa diễn ra ở Gia Định, ngay cả sự đồng tình của ngài ta, hóa ra là một thứ trên sân khấu?

Lê Chất cha cô vẫn đang cười. Như ông ấy đã cười trong nhiều năm trước đó. Nhóm người khác lại tới trước nhà bái kiến, cô bèn lui đi, thoáng thấy bóng những phục trang xa lạ từ vùng núi phương Bắc.

Từ Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa tới Sơn Tây, Thanh Hoa, Nghệ An, rồi Gia Định – một mạng lưới rộng lớn không tưởng tượng nổi đã hình thành. Mùa đông năm ấy, dưới bầu trời bão mưa vần vũ, tất cả đã tụ họp trong thành Thăng Long cùng khu hành cung lộng lẫy vừa được dựng xây.

Mùa đông năm đó, Nguyễn Phúc Kiểu vượt bão giông ra Bắc, đã gặp toàn bộ những con người ấy. Trên sân khấu lớn tấu vang nhạc thái bình, lẻ loi một tiếng hét xé gan nát ruột.

 

Chú thích:

[1] Trường An hoài cổ của Nguyễn Công Trứ

[2] Thực lục, tháng 10 năm 1821: Rồi bổ bọn Thổ ty Tuyên Quang là Nguyễn Quảng Khải, Nông Văn Vân, Thổ ty Hưng Hoá là Điêu Chính Hâm, Cầm Nhân Trân, Thổ ty Thái Nguyên là Hoàng Đình Đạt, Trần Hữu Quyền, Thổ ty Yên Quảng là Phan Đình Sự, Phan Thiên Thạch làm thổ Tri châu và thổ Tri huyện (đều trật Chánh cửu phẩm), thổ Lại mục (trật Tòng cửu phẩm), tất cả 53 người.

[3] Trích Bắc san di văn của Khổng Trĩ Khuê. Nghĩa: Trước trong sáng ngay thẳng, sau dơ bẩn nhơ nhuốc.

[4] Theo Thực lục, hành cung Thăng Long và nhà tiếp sứ được cấp 15.200 quan tiền để xây, sau Minh Mạng đến thưởng thêm 9.400 quan.

[5] Thực lục, năm 1836: Vua bảo bộ Công rằng: “Một khu hành cung Hà Nội đến hơn 20 toà nhà, so với các tỉnh nhiều gấp mấy lần, mà lộng lẫy, rộng rãi lại hơn nữa. Đó là bởi năm trước Lê Chất tự ý làm bậy mà những người kế chức sau lại không biết tâu xin giảm bớt, mỗi năm lại sửa sang, chỉ thêm phí tổn.”

[6] Thực lục: “Vua nghĩ trong Kinh khí trời hơi lạnh, dụ hỏi tình trạng gần đây của hoàng trưởng tử. Hoàng trưởng tử làm biểu nói ‘Thần kính nhờ phúc lớn may được yên lành. Cúi mong mau việc lớn để sớm hồi loan’.”

[7] Theo Quốc sử di biên, thư của một người can gián việc lễ hội “trái điển lễ nên mưa dầm hàng tuần không thấy hửng tạnh”. Ghi chép của Thực lục cho thấy đoàn tiếp sứ trên đường đi bão gió nhiều, ở Nghệ An gặp bão, “mưa to như trút”, nhà cửa hành cung xiêu đổ, nửa đêm thị thần ướt hết. 

[8] Quốc sử di biên ghi chép về trường hợp người được gọi là “Phó Tổng trấn Gia Định” rằng, “còn trẻ tuổi, làm việc đâu ra đó”, được phong hàm Thống chế. Sau khi bị tội, người này bị sai đóng cũi giải đi các doanh trấn, nên tự uống thuốc độc chết. Thực lục chỉ ghi Hoàng Công Lý bị xử tội chết. Ghi chép của Di biên có thể coi là lời đồn đại về trường hợp Hoàng Công Lý ở Bắc Thành.

[9] Theo Quốc sử di biên, Lê Duy Thanh vì tranh cãi chuyện đóng hộc với quan Trấn thủ mà bị ghét. Trấn thủ biết chuyện thuộc hạ Lê Duy Thanh sách nhiễu dân thì xui đi kiện.

[10] Thực lục, tháng 5 năm 1821: Duyệt lại dâng biểu nói: “Trước đây nghe tin bệ hạ sắp ngự giá Bắc tuần, muốn vào chầu để tâu bày cơ nghi. Nay lại uỷ cho lưu lại trấn, đâu dám không tuân mệnh.”

[11] Thực lục, tháng 3 năm 1820: Lấy Lê Bá Phẩm làm Thượng thư Hình bộ. Phẩm vì già ốm xin từ… Phẩm nhỏ nước mắt khóc cố từ, vua vẫn không nghe.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.