Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

61. Quế trạo hề lan tương
Trường An in "Minh nguyệt 2" June 12th, 2019
  1. Quế trạo hề lan tương, kích không minh hề tố lưu quang[1]
    (Chèo quế cùng sào lan, đập bóng sáng chèo ngược sóng)

 

Cuối tháng tám, cha cô đưa gia đình tới Bắc Thành. Bận rộn thu xếp cho cả nhóm người đông đúc, nhận các báo cáo công việc trong thời gian nghỉ ngơi, cha cô không có mấy thời gian ở nhà. Phải đến đầu tháng chín, khi tình hình mưa bão đã bớt căng thẳng, cha cô mới cho người gọi cô đến phòng.

“Vừa rồi ta vào Kinh bàn chuyện với hoàng thượng, ngài có nhắc đến con.” Dù đã chuẩn bị sẵn sàng, Tường vẫn thấy trái tim mình đập hẫng một nhịp. Lê Chất cha cô thủng thẳng nói tiếp. “Tuổi con cũng đã lớn rồi, bên cạnh Hoàng thái tử còn thiếu một vị chính phi…”

“Anh ta mà thiếu vợ à?” Không đợi được cha cô nói hết, Tường đã nghiến răng ngắt lời. “Cha nỡ lòng nào ném con vào đám người ấy sao?”

“Đàn ông nào mà chẳng năm thê bảy thiếp bốn nàng hầu. Vua chúa có tam cung lục viện ba ngàn giai lệ chẳng phải cũng là chuyện bình thường thôi sao?” Cha cô nhíu mày, nói như thể không hiểu được thái độ của cô. “Đám con gái ấy chỉ là một bọn thế thứ ở dưới con, làm kẻ hầu người hạ cho con, có đáng kể gì?”

“Đi vào cung nội rồi sẽ chẳng bao giờ ra được nữa, không bao giờ được gặp cha nữa.” Cô vẫn cố vớt vát, cha cô liền bật cười.

“Lý là như vậy, nhưng chỉ đúng với bọn cung nhân thấp kém. Còn con thì chỉ cần lên tiếng, chúng ta sẽ dùng đoàn kiệu tám người khiêng đưa con về nhà tỉnh thân. Nếu như con…” Ông ta bất chợt ngừng lời, chuyển sang ý khác. “Bao lâu nay con cũng hay vào cung phủ chơi, học chung với các công chúa hoàng tử, đâu phải là người xa lạ thấy nội cung thứ gì cũng sợ. Hoàng thái tử tuổi trẻ tuấn tú thông minh, tương lai trở thành người cao quý nhất, con gái cả thiên hạ này muốn một vị trí tựa thuyền rồng còn không được. Với vị trí của ta bây giờ, tương lai con có làm phượng hoàng cũng trong lòng bàn tay.”

“Ai muốn thì người ấy làm đi!” Không hiểu vì sao, càng nghe thì cô càng mất kiên nhẫn, thậm chí còn nổi nóng. Gương mặt cha cô cũng lập tức biến đổi.

“Hôn nhân là do cha mẹ định đoạt, ta chỉ cần báo cho con, không cần nghe con nói lời láo xược!” Cha cô vỗ xuống án, sẵng giọng quát. “Bao lâu nay ta để cho con quá tự tung tự tác, tuổi đã lớn mà không có chút suy nghĩ nào!”

“Bao lâu cha để yên cho con chẳng phải vì đợi đến ngày hôm nay sao?” Cô lạnh lùng đáp trả. “Cha thấy người trong cung thích con, nên để con kết thân với họ, chờ đợi xem ai sẽ là Thái tử. Dù là hoàng Tư hay Hoàng tôn thì tuổi tác con chẳng chênh lệch bao nhiêu với họ, đằng nào cha cũng tìm cách nhét con vào được. Bao lâu nay cha ở Bắc Thành này triệt hạ phe phái Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, thu thập bọn thổ mục Thanh Nghệ làm tay chân, lấy nhóm thổ hào Bắc Thành làm hậu thuẫn, lừa trên dối dưới tạo uy tín cho bản thân, trở thành Tổng trấn. Giờ thì thời cơ đã tới rồi. Một bước thành phượng hoàng, thành quốc trượng, Y Doãn, Hoắc Quang!”

Cả thư án cùng bộ đồ trà bay thẳng xuống đất. Nước trà nóng cùng mảnh sứ vỡ bắn xối vào chân cô. Nhưng cô chỉ đứng yên, trừng mắt nhìn cha cô, cảm giác như thể lần đầu tiên nhận ra ông ấy.

Người cha bao lâu nay vẫn thương yêu cô nhất mực, là niềm an ủi xa xôi trong suốt thời thơ ấu bơ vơ, là người cô mong ước sẽ đến cứu cô, đưa cô ra khỏi cuộc sống trở thành bèo trôi nước nổi, là người cho cô toàn bộ cuộc sống cho đến bây giờ. Nhưng cô lại chưa bao giờ thực sự nghĩ và nhìn ông ấy như với những người khác, chưa bao giờ phán định, đánh giá, hay thậm chí là đắn đo về những gì ông làm, con người ông. Rồi cô lại như chợt bừng tỉnh, hiểu ra tất cả những gì cha cô đã suy tính – có thể là ngay từ lúc ban đầu. Ai cũng lấy làm lạ vì sao cô chưa xuất giá, nhưng hóa ra chẳng phải không có người muốn hỏi cưới cô, mà do cô chính là một tú nữ chờ tiến cung. Cô không được dạy dỗ để trở thành một tiểu thư khuê các, mà là kẻ có thể chiến đấu và chiến thắng. Suốt bấy lâu nay, chỉ có cô là hoàn toàn không hề nhận biết điều ấy. Tất cả bọn họ đều đã ngắm nhìn, ước lượng, định đoạt sử dụng cô vào lúc nào. Nguyễn Phúc Kiểu cứ việc chạy theo hình bóng con gái viên Vệ úy Thị trung hay lấy dòng dõi quan biếm truất làm chính cung, anh ta vốn chẳng bao giờ hiểu được thứ quyền lực sâu xa duy nhất bao trùm lên mảnh đất này.

Con đường cha cô đã đi, ngay từ lúc khởi đầu, là để trở thành kẻ thắng cuộc tối cao. Đạp lên tất cả, lợi dụng tất cả, không bao giờ dừng lại. Ngay từ lúc khởi đầu.

“Gọi bà Cả đến đây!” Cha cô trầm giọng như gầm lên, dùng thứ giọng mà ông ta vẫn dùng để nói với phạm nhân dưới công đường. “Đàn bà con trẻ không dạy thì hỏng cả. Bao lâu con quá mức tự do rồi, giờ thì đóng cửa lại mà học tập làm vợ làm dâu cho tốt!”

Ông ta vẫy tay gọi hai người hầu đứng ngoài. Nhưng không đợi họ lôi cô đi, cô quay người rời khỏi, tự về phòng của mình mà đóng sập cửa.

Ngay khi cánh cửa vừa đóng, cô đã cảm thấy hối hận. Đáng lẽ cô nên giả cách ngoan ngoãn đứng nghe, gật đầu tỏ vẻ thuận ý theo lời, rồi sau đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Có lẽ vì người trước mặt là cha cô, vì cái nhận biết choáng váng nọ đột nhiên đổ ập xuống, cô đã tự đẩy mình vào buồng giam lỏng này.

Trong lúc cô còn đang đi đi lại lại nghĩ ngợi, cánh cửa phòng chợt bị đẩy ra. Mẹ cô vẻ mặt lo lắng bước vào, ra hiệu cho quản gia cùng người hầu đứng lại bên ngoài.

“Con làm cha giận lắm.” Mẹ cô nói khẽ, trong khi cô chỉ đưa mắt nhìn chiếc đèn trên bàn. Cô và mẹ vốn không hợp tính nhau, lúc này càng không muốn nghe mẹ cô khuyên giải. Nhưng mẹ cô ngồi xuống sập, giọng lại rất lạnh nhạt. “Tại sao con không muốn vào cung?”

Cô nhìn sang rèm châu treo ngoài khuê phòng. Tại sao vốn là chuyện mà mẹ cô chẳng thể nào hiểu nổi. Với bà, danh giá, quyền lực, giàu sang cùng địa vị là những thứ có hấp lực khủng khiếp, tương tự như lụa là gấm vóc cùng châu báu bạc vàng. Bà có thể ngụp lặn cả ngày, cả đời trong chúng, phát điên phát cuồng chỉ vì một lời khinh rẻ của kẻ qua đường, thích thú say sưa với tiếng tung hô và lời chúc tụng, vui vẻ với những đoàn người kéo theo sau lưng. Với bà, chút cảm xúc nhỏ nhoi của cô là nghĩa lý gì? Cuộc đời mà cô muốn là nghĩa lý gì?

“Em Hậu con sắp được chỉ hôn cho công chúa Ngọc Cửu, cậu Từ của con mấy năm trước từ Vệ úy ngoại ngạch được cho làm Vệ úy Tả bảo nhị. Con nghĩ xem cha con làm Tổng trấn mà cậu lại chỉ là một Vệ úy, ông ấy coi trọng ta bao nhiêu? Bây giờ con như thế này, ông ấy lại chẳng đổ hết cho ta là không biết dạy con, rồi có khi em Hậu của con mất cả tước tập ấm, cả địa vị Phò mã cho con bà Hai, bà Ba. Lúc ấy ta còn sống ở nhà này thế nào?” Mẹ cô lại bắt đầu than thở. “Cha con không chịu giúp cậu, giúp họ mẹ cho đến nơi đến chốn, mẹ chỉ còn biết hy vọng vào con thôi vậy.”

“Mẹ…” Cô mở miệng, rồi lại chợt rơi vào im lặng.

Vốn cô muốn hỏi: Là mẹ phải không?

Cha cô vốn không có mặt ở Phú Xuân lúc cô rời đi, cũng chẳng thể nhận tin báo nhanh đến thế để phái quản gia đuổi theo cô, viện cớ mà nhốt cô lại trong thành. Chính là mẹ cô, có thể do người trong cung báo, có thể do hiểu cô quá rõ để cảm thấy điều bất thường, đã sai ông ta đi. Và trong mấy ngày cô ngây thơ ở yên trong nhà, họ có thể đã phát lệnh cho toàn hạt không cho phép cô lưu trú hay rời khỏi. Tất cả tính toán của cô đã trễ.

Người mẹ xưa kia chỉ biết khóc trong góc nhà tối, làm việc gì hỏng việc ấy. Người mẹ phù phiếm nông nổi chìm đắm trong những cuộc vui. Người mẹ luôn nói những điều vụn vặt chán ngán và nhỏ nhen tranh cãi, giành giật từng tí với kẻ ở trong nhà. Đến lúc ấy, cô mới thực sự nhận ra bà, con gái Tư lệ Lê Trung. Bà say mê phù hoa cùng quyền lực, tranh chấp và so đo, hóa ra chẳng phải chỉ vì lòng hư vinh của phụ nữ.

Bà cũng có thể đem cô đổi trao cho điều mà mình muốn – họ ngoại của bà, vinh quang của con trai bà. Bà cũng có thể nói một vạn điều quan tâm cùng tình cảm để đạt được mục đích. Bà cũng có thể chỉ đánh giá cô dựa trên mức độ lợi ích mà mình nhận được.

Những người em của cô cũng sẽ như vậy. Không ai hiểu nổi tại sao cô lại muốn từ chối một vinh dự như thế, làm mất đi tương lai của chính họ. Phải, Tổng trấn chỉ là một chức quan, Phò mã cũng chỉ là kẻ ở dưới công chúa, nhưng cung phi hứa hẹn cho một tương lai vô hạn.

Mẹ cô vẫn cứ nói, cô vẫn nhìn vào khoảng không. Thậm chí cô không có cảm giác chán ghét hay giận dữ, chỉ hoang mang.

“Việc hôn sự mới bàn bạc, nhưng con cũng sắp xuất giá, cung nội thâm nghiêm không phải là nơi để con tùy tiện như xưa. Từ nay con ở trong dinh phủ mà học hành, dưỡng tâm dưỡng tính.” Mẹ cô cuối cùng thở dài, dùng giọng mà bà cho là hiền hòa từ ái nhất nói với cô. “Sống trong nhà người ta, nói dễ không dễ, nói khó không khó, chỉ cần con hiểu rõ địa vị của mình, làm những thứ thích hợp thì chẳng ai làm gì được con. Con gái lớn đều phải gả chồng sinh con, vào các phủ đệ khác cũng chỉ như thế. Con trước nay sống không cần suy nghĩ gì, chẳng có chút ý thức trách nhiệm nào với bản thân lẫn gia đình, chẳng phải lo lắng cho ai, cho là cuộc đời này dễ dàng cả. Không phải thế đâu con ạ.”

Bà nói rồi đi ra. Cô nghe bà dặn dò người hầu ngoài cửa không để cô rời khỏi hậu viện.

Cô rơi vào im lặng.

Cô im lặng suốt nhiều ngày sau đó, khi đã gần như bị giam cầm trong gian nhà và khoảng sân nhỏ. Thi thoảng các em lẫn vợ lẽ của cha cô tới hỏi han khuyên giải, nhưng cô vẫn không cất tiếng, họ dần tản đi. Lời nói, đối với cô, đã trở thành thứ vô ích tột cùng. Họ không hiểu những gì cô nói, và cô cũng cảm thấy mình chưa bao giờ hiểu được họ, bất cứ ai trong số họ.

Hóa ra, điều người ta mù mờ nhất lại là những người ở ngay bên cạnh mình. Họ là người thân của cô, là những người cô chấp nhận ngay cả trước khi mở mắt chào đời, là những tin cậy chưa bao giờ nghi hoặc, những sự hiện diện tưởng chừng như nước và khí trời. Ngay cả sự xấu xí của họ cô cũng không bận tâm tới, ngay cả sự lạnh nhạt của họ cô cũng không cảm nhận được, sự khác biệt của cô và họ lại đã càng không phải điều cô cho là quan trọng.

Có những ngày cô ở lì trong phòng không ăn không uống, cũng chẳng có ai hỏi tới. Có những lúc cô không chịu đựng nổi mà ném phá đồ đạc trong nhà, cũng chỉ có người hầu ra dọn dẹp. Đối mặt với cô chỉ là sự lặng im tột độ, đến lượt họ cũng cho rằng chẳng còn gì để nói với cô. Mẹ cô thậm chí còn đem thầy bùa về làm phép, đốt một nồi lửa to trước phòng cô. Thứ con cái này đáng lẽ nên nhấn nước ngay từ lúc sinh ra, kẻ khác nói trước cửa mà không cần hạ giọng.

Rồi cô cũng chẳng muốn thấy mặt người. Ở trong phòng đóng tất cả các cửa, cô lật giở cuốn sách mà Toản Phu đưa cho, thứ duy nhất có ở phòng cô lúc ấy do chuyển nhà chưa kịp đem đồ từ kho vào. Cô đọc từng chữ, từng chữ, rồi nhìn vào từng nét bút, hình dung nên dáng tượng của chúng. Núi cao sông sâu, biển cả và bầu trời, khói bay bên rừng thẳm, bến sớm đò khuya, chợ phiên cảng thị, những câu chuyện kể bên bếp lửa, đến cả các vị thần nằm sâu trong đá. Những nơi cô từng đi qua mà chẳng mấy để tâm, những điều mà cô chưa từng nhận ra sự hiện diện của chúng. Thế gian này, hóa ra lại kỳ lạ, phong phú, sống động đến thế. Một ngọn cỏ lá cây cũng có thể kể câu chuyện của chúng, một hòn đất cũng có thể là trầm tích của ngàn đời.

Cô đọc từng chữ từng từ, nghĩ đến những điển tích gắn liền với chúng, và tự chúng ngân nga lên như những bài ca dằng dặc theo biển rộng, theo sông dài. Cánh chim bay qua bể khơi, tung cánh từ thuở hồng mông đất trời mờ mịt, ngắm nhìn thế giới con người như ánh sao chớp tắt, như hạt bụi giữa thinh không, ngắm nhìn những giấc mộng đan xen nhau trong một trường đại mộng. Mỗi nét chữ tượng hình có câu chuyện của riêng nó, kể suốt ngàn năm.

Ngoài cửa vẫn xôn xao tiếng người, vẫn thoang thoảng mùi khói, vẫn lanh canh tiếng bùa treo mõ gõ. Trong cửa, cô vẫn lặng im. Đến nửa đêm, cô mới mở cửa nhìn lên bầu trời trên cao, ngắm sự dịch chuyển của các vì sao. Rồi đến cô cũng lẫn lộn đêm ngày cùng giờ khắc theo những cơn mưa mù sương đến bao phủ bầu trời từ thu chuyển sang đông.

Không biết đã bao nhiêu ngày trôi qua, cho đến một hôm bên ngoài có tiếng xôn xao đánh thức cô dậy. Vốn cô đã không định bận tâm, cậu em út tên Kỵ lại bỗng xô cửa chạy vào, lay cô đang nằm trên giường.

“Chị ơi, nghe bảo hoàng thượng sắp băng rồi.” Cậu ta vừa nói vừa thở, dường cũng mới chạy từ đâu về. Cô tỉnh hẳn cơn ngái ngủ, trừng mắt nhìn cậu bé. Nó gật đầu. “Nghe bảo hoàng thượng bệnh từ đầu tháng này, Hoàng thái tử lo toàn bộ công việc hết cả. Vừa mới có mấy đội quân Thị nội, Trung cần, Tín uy được phái đến Nghệ An, Thanh Hoa, Bắc Thành, người ta xôn xao bảo là quân đến trấn áp đề phòng trước. Các bảo ở Thanh Nghệ cũng được lệnh phải lấy binh trấn.”

Cô đi đến cổng lớn, nhìn ra ngoài sân dinh phủ, quả nhiên thấy một nhóm lính mặc trang phục quân Thị nội đang đứng. Những đội quân này vốn là tinh binh được tuyển chọn kỹ lưỡng, tin cậy hạng nhất, nhưng không đông đúc. Phái một vệ quân đến các nơi xung yếu chẳng phải để trấn áp ai ngoài chính những viên quan ở đó. Đội quân Thị nội này hẳn sẽ ở hẳn ngay trong ngoài dinh Tổng trấn, tiếng động vừa rồi là người được phái đi sắp xếp cho họ.

Hoàng thượng bệnh nặng, Hoàng thái tử lo công việc. Và hành động đầu tiên của anh ta khi thấy tình hình bất lợi là phái đội quân thân tín đến ngay các hạt Bắc Thành kềm giữ quan tướng, chỉ Bắc Thành, không phải nơi nào khác. Dù Bắc Thành là địa điểm không thuận thảo với triều đình, sự xuất hiện của quân Thị nội chỉ cho thấy Nguyễn Phúc Kiểu không hề tin tưởng kẻ ở đây – ngay chính dinh Tổng trấn này.

Nghe tiếng phụ nữ trong nhà cũng đã đi ra, Tường liền vội quay trở vào, còn kịp thấy vẻ mặt lo lắng của mẹ cô. Hoàng thượng qua đời, tất cả mọi lễ lạc sẽ phải hoãn lại, thậm chí bị hủy bỏ. Sự đa nghi của Nguyễn Phúc Kiểu vừa lộ rõ, chẳng lẽ anh ta lại muốn đưa cô về cung, thậm chí cha cô còn muốn cho cô đi?

Không chỉ có cô thấp thỏm chờ đợi, chừng nửa tháng sau, tin khẩn báo về Bắc Thành: Vua Gia Long đã hoăng thệ.

Tháng giêng năm ấy, lễ mừng năm mới bị hủy bỏ trên toàn đất nước. Quan tam phẩm trở lên mặc áo sổ gấu ba năm, cấm giá thú một trăm ngày, ba năm không được mặc áo màu đỏ, tía, xướng ca. Công đường dinh phủ đặt hương án để họp các quan tới khóc tang. Lê Chất cha cô được triệu về Kinh. Tuy vậy, lệnh giam cô ở hậu điện vẫn chẳng hề nới lỏng. Cô chỉ được ra ngoài theo gia đình trong các lễ khóc tang, tế tự cho nhà vua vừa qua đời cùng lễ mừng lên ngôi, tấn phong của vua mới mang tên hiệu Minh Mạng.

Vẫn không nói một lời, cô nghe tiếng thì thầm trong đám đông. Vẫn những câu chuyện cũ, Thái Nguyên ngay lập tức có bọn cướp nổi lên đông đến hai ngàn, được Phó Tổng trấn đưa quân đánh tan. Những lệnh thuyên chuyển, cất nhắc, thay thế lập tức tràn ngập triều đình. Đội quân Thần sách hai ngàn người trấn thủ Thanh Nghệ cũng đã được rút về. Tham bồi Hình bộ Bắc Thành Nguyễn Hựu Nghi bị phái xuống làm Ký lục tận Vĩnh Thanh. Rồi tháng năm, Tả quân Lê Văn Duyệt lãnh Tổng trấn Gia Định thay thế cho Nguyễn Văn Nhân, cùng các vệ Tả bảo nhất, Tả bảo nhị, vệ Minh Nghĩa cùng toàn bộ người mới quy mộ được ở Bắc Thành, Thanh Nghệ đi theo. Tham hiệp Thanh Hoa Trần Nhật Vĩnh chuyển làm Thiêm sự Hình bộ theo thành Gia Định.

Trần Công Lại cũng vừa được thả ra rồi, nói là nhân thời điểm ân xá, lại còn được cấp lương tiền mỗi tháng, tiếng thì thầm tiếp tục nói. Sau chuyện của ông ta, Phò mã Vệ úy Nguyễn Văn Ngoạn, con Quận công Nguyễn Văn Trương, được cử tới làm Trấn thủ Thanh Hoa. Tả quân Lê Văn Duyệt liền lấy tất cả người thân tín của mình cùng tới Gia Định. Tri bạ thành Gia Định Lê Đăng Doanh tháng ba được cử đến làm Tham hiệp Hà Tiên, tháng năm đã bị triệu về Kinh, có lẽ thậm chí còn chưa kịp chuyển đến dinh phủ mới. Hiệp Tổng trấn Trịnh Hoài Đức cũng ngay lập tức được triệu về.

Dịch bệnh đang bùng phát ở Gia Định, tiếng nói lo lắng tiếp. Ngay sau khi vua mới vừa lên ngôi, bệnh dịch đã khởi đầu, đến tháng sáu trở thành đại dịch khắp Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường. Tháng bảy, từ Bình Thuận đến Quảng Bình có tin báo dịch. Đến giữa tháng ấy, dịch đã lan tràn cả Nam Bắc, thành Thăng Long đóng cửa khảo xét từng người qua lại.

Cuối tháng bảy, nhà sư tên là Kế khởi loạn ở Chân Lạp, tự xưng là Chiêu vương, tấn công đạo Quang Hóa, Quản Phong, Thuận Thành.

Trong thời điểm đó, một cái lệnh nữa được ban xuống: Cấm thuốc phiện. Không kể quan dân, người hút, giữ, nấu và bán thuốc đều bị xử tội đồ, quan phải cách chức. Cha anh không răn cấm được con em, xóm giềng biết mà không báo, bị xử trượng.

Lê Chất cha cô vẫn chưa được cho về Bắc Thành. Cái tin cấm thuốc phiện làm các nơi xôn xao trong một thời gian trước khi bị bệnh dịch khiến cho rối loạn.

Thượng thư Binh bộ Nguyễn Tường Vân vừa đến trông coi việc duyệt tuyển ở Bắc Thành đã mắc bệnh mà chết. Các quan khắp trong triều ngoài cõi cũng nhiều người ra đi trong dịch bệnh. Nhà vua mới đã phải xuống chiếu cầu lời nói thẳng vì “khí trời không hòa, nhân dân khó sống, có lẽ là chính sự có điều gì thiếu sót chăng”.

Thiếu sót nhất chính là ngài ta, tiếng thì thầm lại tiếp tục trong lễ tiếp chiếu, lễ cầu đảo. Tháng tám, Nghệ An có bão, cả bầu trời miền Bắc ngập trong mây đen vần vũ, mưa xối xả đêm ngày. Người chết mỗi sáng quấn trong chiếu đưa ra xếp san sát bên cổng thành trước khi được đưa đi chôn cất trong những ngôi mộ rắc vôi trắng xóa, đến giờ thì chỉ có thể buộc dây ném thẳng vào những huyệt bùn đào vội. Vôi sôi lên trên mặt đất lõng sõng nước, bềnh bệch loang trắng khắp khu thành vắng tanh bóng người. Gia đình có người bệnh bị đưa đi khỏi thành để cách ly, rồi hầu như chẳng ai trở về.

Kinh thành cũng đang lụt lội, người đưa thư của cha cô kể. Sư Kế ở Chân Lạp sau khi bị Phó Tổng trấn Hoàng Công Lý đánh đuổi lại quay trở, cướp phủ Thời Thu, tiến sát Nam Vang. Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại và Đô Thống chế Nguyễn Văn Trí được phái đi đánh dẹp. Hai năm trước, Nguyễn Văn Thoại được cử đến làm Bảo hộ, người Chân Lạp không thích nên phải triệu về, lấy Tham tri Trần Văn Tuân thay, đặt quan Chiêu chùy phụ giúp cho vua Phiên. Nhưng vua Phiên Nặc Chăn trong lòng giữ bất mãn không nguôi, mới tháng chín năm trước Thế Tổ phải bãi bỏ chức Bảo hộ ở Chân Lạp, chỉ cho ba đội quân đóng ở Nam Vang trợ giúp việc phòng ngự. Khi bãi bỏ chức Bảo hộ, hẳn Thế Tổ cũng không ngờ chỉ vài tháng sau mình mất, dịch lệ lan tràn, để kẻ nơi ấy thừa cơ nổi loạn.

Dù vậy nhà vua mới vẫn lệnh xây cung Từ Thọ cho Hoàng mẫu, còn đang dự định Bắc tuần nhận sắc phong, sang xuân phải dựng mười sáu sở nghỉ trưa, sửa cầu đường, dựng hành cung ở Bắc Thành, sứ quán ở Kinh Bắc, Lạng Sơn tốn kém hàng vạn quan tiền. Ngài ta là một kẻ cứng nhắc không biết đâu là nên hay không nên, người kể thì thầm. Trước lễ lên ngôi, Thượng thư Lễ bộ Phạm Đăng Hưng khuyên ngài ta nên làm nghi thức nhường ngôi để tỏ lòng khiêm nhượng, ngài ta bảo đã làm Thái tử bốn năm rồi, đường đường chính chính nối ngôi, nhường cho ai xem[2]? Như thể đến tận bây giờ ngài ta vẫn không nhận biết mình đã trở thành Thái tử bằng cách nào. Chỗ ở cho Hoàng mẫu vốn có thể dùng điện Thanh Hòa cũng chính là cung Trường Thọ khi xưa, nhưng ngài ta nhất thiết cho xây mới. Hoàng mẫu từ chối nhận tôn phong Hoàng thái hậu, nói rằng “người có thiên hạ phải chịu trách nhiệm về thiên hạ, được thiên hạ phụng dưỡng phải lo về sự lo của thiên hạ”, kể ra là người biết việc hơn nhà vua này nhiều. Đến cả khi quần thần đã khuyên giải nên giao mọi việc cho bề tôi, rủ áo chắp tay lại mà tỏ đức hiền, ngài ta còn bắt các quan văn võ từ ngũ phẩm trở lên từ đầu giờ Mão đã phải có mặt ở điện – cũng như hoàn toàn không hiểu lời khuyên này vào bây giờ có ý gì.

Thiếu sót nhất chính là ngài ta, mùa thu năm ấy, bão tố mưa gió càn quét khắp từ Bắc vào Nam, những cơn mưa trắng màu vôi nhấn chìm cả đất nước vào tang tóc. Hơn hai chục vạn người chết chỉ trong nửa năm, tổn phí gần triệu quan tiền.[3] Ngay cả đất Gia Định vốn an ổn cũng bị bão đánh vào, người chết vô số. Tiếng thì thầm lan mãi giữa các bức tường thành quách, nghe như tiếng mõ phách không ngừng vang từ các đàn cầu, tiếng khóc than không lúc nào ngớt vọng quanh các ngôi mộ đào vội.

Năm ấy, Nguyễn Phúc Kiểu lên ngôi Hoàng đế, giữa một tai dịch khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử.

 

Chú thích:

[1] Vịnh Tiền Xích Bích của Nguyễn Công Trứ

[2] Thực lục: Trẫm lúc trước ở Dực thất, bầy tôi dâng giấy xin lên ngôi, Phạm Đăng Hưng lấy nhượng làm đức tốt, khuyên ta nhường. Trẫm dẫu không nghiêm cự ngay, nhưng lòng cho là không phải. Ta lên làm Thái tử đã được 4 năm, thần dân chẳng ai không nghe biết đến nay còn nhường ai nữa. Trời không dối được mà người cũng không dối được, chỉ là tự mình dối mình thôi.

[3] Tháng 12, quan triều tâu suốt từ Hà Tiên đến Bắc Thành, người chết vì dịch bệnh đến 206.835 người, chưa kể số dân ngoại tịch, tiền chẩn cấp là 730.000 quan.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.