Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

60. Hà xứ mộ chung tiêu sái ngoại
Trường An in "Minh nguyệt 2" June 10th, 2019
  1. Hà xứ mộ chung tiêu sái ngoại, kỷ thanh tiêu cận tịch liêu trung[1]
    (Chuông tối nơi nào tiêu tan hết, cây khuya xào xạc giữa tịch liêu)

 

Muốn thăm dò các nơi, Tường rủ Lê Cận đến chơi phố Khách ở trấn Nam Định nằm trên con đường từ cửa sông tới Thăng Long. Sau khi phố Hiến ở Hưng Yên suy tàn vì những cuộc chiến tranh liên tục, phố Nam Định lại trở thành một địa điểm thương mãi mới nằm ở cửa biển Bắc Thành. Nơi đây phố xá xây dựng kiểu bàn cờ, chia thành các hàng với hình thức tương tự Kẻ Chợ ở Thăng Long. Người đi lại nườm nượp cũng chẳng kém phố chợ các nơi, duy ở đây đông dân Thanh mà không có bóng một người Tây dương.

Dạo chơi một lúc, Tường cùng Lê Cận vào quán ăn của người Khách nghỉ ngơi. Lúc này quán hầu như đã hết chỗ, hai người đành ngồi chung bàn với một thanh niên trẻ tướng mạo khôi ngô đẹp đẽ. Cô nhác thấy túi đựng ống quyển cùng giấy bút được để bên anh ta, liền đoán chừng là người đi học. Thấy hai người ngồi phía đối diện, thanh niên rời mắt khỏi cuốn sách đang đọc, mỉm cười gật đầu.

“Nơi này vui quá, chúng ta đi xa hơn vào làng thử xem.” Lê Cận mới đến Bắc Thành, háo hức nói. Người thanh niên đang đọc sách ngẩng lên, nhìn cả hai một lúc rồi mới nhẹ nhàng cất tiếng.

“Hiện thời các vùng ngoài đê đang lụt, cô cậu có muốn đến chơi phải dùng thuyền mà đi, cũng không chắc có chỗ ở.” Anh ta nhắc nhở bằng giọng miền Nam, nhưng Tường hỏi lại ngay.

“Nơi này không phải đều có đê sao?” Cô trước chỉ loanh quanh vùng ngoài Thăng Long, chưa đến những nơi xa như ven biển này.

“Không, Nam Định có vùng ngoài đê và trong đê. Gần trăm xã ngoài đê đến mùa lũ thì ở nhà sàn, đi lại bằng ghe thuyền, nhưng đất đai tươi tốt, lúa cắm xuống đã mọc, dân cũng khá sung túc.[2]” Người thanh niên cười, rồi lại nói sau một khoảng im lặng ngắn. “Chỉ tiếc những năm này có bọn cướp lẩn lút ngoài biển, câu kết với Tề Ngôi bên Thanh thỉnh thoảng đánh vào, không được yên ổn cho lắm.”

“Như vậy cũng giống miền Nam rồi.” Lê Cận à lên. “Cùng một con sông, một dòng chảy mà khác thế. Đã vậy tại sao lại phải đắp đê?”

“Hàng trăm năm nay rồi, có lẽ vì địa thế từng vùng khác nhau, cũng có thể vì họ không muốn sống như thế.” Người thanh niên nhíu mày trước câu hỏi này. “Đất có chỗ thấp trũng khó thoát nước, dễ ngập lụt, người đến vùng đất ấy lập thành làng muốn bảo vệ mùa vụ thì đắp một đoạn đê ngăn. Rồi cứ thế làng nối tiếp làng kéo dài mãi ra, đê càng nhiều thì ngập lụt càng nặng, thiệt hại càng lớn.”

“Tại sao?” Lê Cận chớp mắt hỏi. Người thanh niên cất sách, nhấc bộ trà trên bàn.

“Đây là nước sông khi dâng.” Anh ta rót nước ra mặt bàn. “Hẳn nhiên các vùng quanh đều bị ngập, nhưng mức nước không cao, nước dễ dàng thoát đi qua các kênh rạch nhỏ, ngấm xuống đất. Dù mức nước lớn thì chỗ thoát cũng nhiều, không đến độ ồ ạt.

“Còn đây là nước chảy trong đê.” Người thanh niên rót nước vào mâm trà. “Thấy không, mực nước sông cao hơn đất trong đê. Ngoài ra đất trong sông không thể bồi cho hai bên bờ sẽ lắng xuống, đắp lòng sông ngày càng cao lên, khiến nước sông dâng. Một khi đê vỡ hoặc nước tràn qua mặt đê, lượng nước này sẽ ồ ạt tuôn vào không ngừng, dìm hẳn vùng đất xuống, cuốn bay tất cả nhà cửa xóm làng. Hoàng Hà ở Thanh có lần tràn dòng xa đến hàng ngàn dặm.[3] Nước trong dòng sông không ngừng chảy mạnh hơn, càng ngày càng tăng cao, đê cũng phải được xây ngày càng cao càng vững, nhưng kết quả xảy ra càng khủng khiếp.[4]

“Và những cái đê này lại trở thành như cái đập đối với thượng nguồn.” Anh ta lấy đĩa trà chặn nước trong mâm trà nhỏ lại. “Hạ nguồn thì thiếu nước, thượng nguồn thì tích nước. Dù đê không vỡ thì vùng thượng nguồn có đê cũng sẽ gánh toàn bộ sức nước bị tích lại này, hậu quả lũ lụt xảy ra ở vùng có đê lại thường nặng hơn khi không có đê.[5] Sau khi xảy ra lụt lội, nước bên trong không thể thoát ra, làm úng lụt cây trồng đến chết, có khi làm cả mảnh đất phải bỏ hoang. Sự bồi đắp trong lòng sông lâu ngày tạo ra bờ đất nhỏ, khiến nước cuộn xoáy bất thường, đổi dòng, càng khiến việc đoán định, xử lý trị thủy khó khăn, bình thường đi lại trên sông cũng nguy hiểm lắm.

“Trong Đại Việt sử ký, hàng ngàn năm trước không có đê, nhà Lý chỉ xây đê Cơ Xá bảo vệ Thăng Long là vùng đất hành chính thương mãi, nạn lụt lớn nhất năm Thiên Ứng Chính Bình mà đê Thanh Đàm vỡ chỉ khiến nước sông tràn ngập, rắn cá chết nhiều[6], cho thấy mực nước chỉ làm ao hồ ngập úng. Hơn năm mươi năm sau lại có lần vỡ đê nhưng không thiệt hại gì. Nhà Trần bắt đầu đắp đê, tuy chỉ là đường vệ nông không cao rộng, nhưng đến cuối thời Trần, năm Thiệu Phong thứ mười hai[7], lần đầu tiên ghi nhận tháng bảy, đê Bát Khối vỡ, lúa má chìm ngập, cả ba xã liền bị hại. Năm Trùng Quang thứ hai[8], vỡ đê quai, trôi cả nhà cửa của dân. Từ đó trở đi, sông Cái trở thành nỗi ám ảnh, lũ lụt trở thành cơn ác mộng. Mà ngay cả chỉ vài cơn mưa cũng trở nên không thể chịu đựng nổi, nước trong không thể thoát đi, nước ngoài ồ ạt xô vào. Cuối đời họ Mạc, vùng Thanh Hoa bị lụt bảy lần trong một năm. Rồi sau đó, nạn đói nạn lụt, dịch bệnh liên tục, ngày càng khốn khó.” Người thanh niên cười nhẹ. “Tuy rằng người ta vẫn nói thời Lý mưa thuận gió hòa, mùa đông cũng ấm áp, sông ngòi có lẽ hiền hòa hơn. Nhưng đê càng nhiều hủy hoại càng lớn là chuyện ghi suốt cả lịch sử, giấy trắng mực đen cho hậu thế tỏ tường, nào phải chuyện hoang đường. Sông nước vốn dĩ có quy luật, người vì trồng trọt mà xâm lấn nó, cuối cùng tạo thành một con quái vật. Đê điều tạo cảm giác an toàn giả tạo cho người ở trong đó, buộc họ phải căng sức ra để giữ, tôn tạo, xây đắp, nhưng hóa ra là một thứ sai lầm, càng cho là an ổn thì càng nơm nớp sợ hãi, tưởng là thiên nhiên hung dữ hóa ra chính mình tạo nên nó hiện tại.”

“Vậy tại sao lại không bỏ đê?” Lê Cận vẫn hỏi. Người thanh niên phải một lúc mới trả lời.

“Đất đai có vùng cao vùng trũng, bỏ đê thì có lợi cho vùng cao, nhưng thiệt cho vùng trũng, có vùng sau vài trăm năm trở nên thấp hơn mặt nước sẽ ngập hoàn toàn. Dân chúng không quen với cách sống theo mùa nước, phải xây dựng lại tất cả từ đầu, di dời toàn bộ. Vả lại, hàng trăm năm nay ai cũng quen nhìn dòng sông này như thế, nói rằng bỏ đê đi thì nước sẽ thay đổi có ai tin? Vạn nhất lại lũ lụt nặng nề, hậu quả to lớn có ai gánh nổi? Bỏ riêng đê chỗ nào thì chỗ ấy trở thành nơi thử nghiệm, nhưng là cũng gánh toàn bộ áp lực của cả vùng tấn công vào, ai là kẻ hy sinh? Muốn xử lý dòng nước tràn vào sau khi bỏ đê thì phải xây dựng được cả hệ thống thoát và trữ nước, sức người sức của nhiều không kể xiết mà thời gian phải là hàng chục năm cho từng phần, từng phần.” Người thanh niên trút nước vào chén trà, sắp lại tất cả trên bàn, thở dài. “Thứ khó đụng chạm nhất là một hệ thống, xô vào đâu cũng sẽ lệch, nhưng cũng ngày càng thâm căn cố đế gây bao hậu quả thấy ngay trước mắt. Đắp điếm cho qua chỉ là việc làm giật gấu vá vai, chẳng biết còn cầm cự được đến bao giờ. Người lại thấy đã thành lệ, cho là kẻ trước thánh minh không dám làm khác, nào biết mọi thứ đều có biến chuyển, đến quẻ Thái cũng thành quẻ Bĩ chỉ trong một cái chớp mắt. Nếu kẻ trước đều đúng cả, sao lại có ngày hôm nay?”

“Anh là người Nam ra đây làm việc gì thế?” Đến lúc ấy Tường mới hỏi. Người thanh niên cười.

“Tôi đi thăm thú các nơi thôi.” Không hiểu sao càng nhìn thì cô lại càng thấy người này rất quen, dường cô đã gặp ở đâu. Ánh mắt anh ta nhìn hai chị em cô vẫn sâu xa khó dò. Chủ quán mang thức ăn ra, anh ta mời hai chị em cô dùng bữa, im lặng ăn. Cử chỉ của người thanh niên lịch thiệp tao nhã, như thể xuất thân trong chốn thi thư.

Chốn thi thư? Tường bỗng nhiên dừng đũa, ngẩn người. Chẳng phải cô từng gặp một gương mặt nhang nhác ở Quốc tử giám – trong số bạn bè vây quanh Nguyễn Phúc Kiểu ngày xưa? Phủ đệ Nguyễn Phúc Kiểu vốn nằm ngay sau Quốc tử giám, cô đi lại nhiều có lẽ cũng từng chạm mặt anh ta. Người trẻ tuổi lịch sự, tướng mạo đoan chính thế này đâu có bao nhiêu kẻ.

“Xin hỏi, anh tên gì ạ?” Cô hỏi thẳng. Người thanh niên từ tốn ăn nốt rồi đáp.

“Tôi tên tự Toản Phu.” Có vẻ anh ta chẳng muốn nói tên thật của mình ở nơi chốn lạ. Thấy ánh mắt Tường, anh ta bỗng bật cười. “Cô chẳng nhớ được tôi là ai đâu.”

Kể ra ở kinh thành thì rất nhiều người biết cô là con gái Cả nhà Hậu quân, cô cũng chẳng lấy làm lạ. Người này mập mờ không muốn nói, hẳn chẳng phải chỉ là một giám sinh bình thường, nhưng cũng không phải con cháu trọng thần trong triều. Nguyễn Phúc Kiểu chẳng phải rất giỏi tìm ra những kẻ không mấy ai để ý đó sao?

Có chút bất mãn, cô im lặng ngồi ăn. Chỉ Lê Cận vẫn hào hứng hỏi người thanh niên những nơi có cảnh đẹp món ngon ở Bắc Thành. Người này dường như đã đi suốt cả các nơi, không những kể cho Lê Cận mà còn bảo cặn kẽ cho cậu ta biết phải đi đến đó bằng cách nào.

“Tôi định đến Thăng Long.” Anh ta nói khi Lê Cận hỏi về địa điểm tiếp theo anh ta tới, rồi cười. “Tôi chưa ở Thăng Long bao giờ.”

Cô thoáng ngạc nhiên, tuy vậy vẫn không lên tiếng. Lê Cận xởi lởi mời Toản Phu đi cùng thuyền, anh ta cũng chẳng từ chối. Vậy là rời khỏi Nam Định, bọn họ cùng tới Thăng Long. Lê Cận có vẻ rất thích người bạn mới này, bám lấy anh ta hỏi han, để mặc Tường ngồi một mình trong khoang thuyền, lại âu sầu suy nghĩ về tương lai mập mờ trước mắt.

Vừa về dinh Tổng trấn, cô được báo tin cha cô cũng đã quay lại Phú Xuân, sắp đem cả nhà theo tới Bắc Thành. Bà cô đã không chịu rời khỏi Bình Định, do đó cha cô về sớm hơn dự kiến.

Có thể cha cô chẳng phải chỉ về thăm hỏi sức khỏe bà như ông ấy nói, mà là bàn luận chuyện hôn ước cho những đứa con đã lớn. Lần này ông ấy quay về kinh, không biết sẽ còn bàn bạc thỏa thuận chuyện gì. Tường càng nghĩ càng nôn nao sốt ruột, dinh Tổng trấn đông đúc người qua kẻ lại xây sửa nơi ở mới càng khiến cô bồn chồn khó chịu, liền tới một ngôi chùa gần đó lánh tạm.

Loanh quanh trong sân chùa, cô bỗng bắt gặp Toản Phu ngồi trong một góc hiên lật giở cuốn sách đã hơi cũ. Nghe tiếng chân, anh ta ngẩng lên, lại mỉm cười khi thấy cô. Không tránh kịp, cô đành bước tới chào anh ta.

“Tôi cứ nghĩ anh đi thăm thú quanh thành.” Cô nói với đôi chút tò mò. Toản Phu từ chối thịnh tình của Lê Cận, không ở dinh Tổng trấn mà trọ ngoài. Anh ta lần đầu tới Thăng Long, lẽ ra nên đi dạo các thắng cảnh cùng phố chợ chứ không phải lẩn vào một góc chùa đọc sách.

“Tôi vẫn có hứng thú với đạo Thích, muốn tới xem văn thư cùng cách giảng ở đất cựu kinh như thế nào.” Toản Phu nói, cô lại che giấu ít ngạc nhiên. Các nho sĩ kinh kỳ thường không thích hầu như tất cả các đạo giáo nói chung, người thanh niên này xuất thân thư hương nhưng lại không hề che giấu hứng thú với đạo học. Có lẽ Toản Phu nhìn nhầm vẻ mặt cô thành một ý khác, liền cười. “Đi xa chính là để học hỏi, mọi thứ đều có thể học được, ngay cả sai sót xấu xí cũng nên nhìn thấy và nhận biết. Tôi năm sau định đi thi, nếu may có kết quả tốt thì phải bắt đầu lập thân, nên chuẩn bị trước cho mình một ít kiến thức ngoài sách vở, kẻo hỏi đến việc thật thì lại chẳng biết gì, bị cười là đồ vẽ chữ trên giấy.”

“Nếu thi đậu thì anh cũng phải vào các viện làm việc, học hành một thời gian, được họ chỉ dạy cả mà.” Cô nói với đôi chút lạ lùng. Không hiểu anh ta sẽ học được gì để làm quan bằng cách khoác tay nải lên đi dạo trời Nam bể Bắc. Chẳng bằng hiện tại anh ta cứ nhờ vào mối quan hệ với Nguyễn Phúc Kiểu để xin vào một viện hay dinh đường nào đó học còn được nhiều hơn.

“Điều mà mọi người nói đều đúng sao? Thứ mọi người đều tin là đúng sao?” Toản Phu vẫn chỉ nhẹ nhàng cười nói. “Người làm quan vốn định phận không thể ở quê hương, chí phải để tại bốn phương, cả cuộc đời hầu như chẳng lúc nào an nghỉ, vốn là để làm gì? Ngoài lập thân dương danh thì chẳng phải nên nghĩ đến những gì mình cần làm, tâm cũng nên để ở bốn phương, dành cả đời để học đó sao? Loanh quanh ở những nơi chật hẹp với những mối quan hệ nhằng nhịt, rồi thì đầu óc cũng hẹp hòi đi cả. Chỉ biết những gì người khác nói, tin những gì mọi người tin, làm gì cũng không dám, đến nghĩ còn không dám, rồi lại tự cho mình là hơn người, một đám người mèo khen mèo dài đuôi chẳng tức cười à.”

Cô lại im lặng. Với con người này, không chỉ quan trường mà ngay cả thế gian dường như cũng chỉ là một cuộc phiêu lưu để anh ta ngắm nhìn mọi thứ, làm điều gì đó mà anh ta muốn. Nguyễn Phúc Kiểu quả nhiên là có khả năng quy tập quanh mình những kẻ không gàn dở thì cũng kỳ lạ.

“Ở nơi này cô thấy có gì hay không?” Toản Phu gấp sách lại, chợt hỏi cô. Giọng nói anh ta rất chân thành, như một khách du muốn hỏi nơi thắng cảnh. Cô toan trả lời, rồi lại không biết trả lời anh ta ra sao.

Bỗng nhiên, cô nhớ tới đêm mùa thu nọ, hai cô bé ấy đã hỏi cô tương tự như thế. Núi cao rừng sâu, sông dài biển rộng, tiếng chim ca trên núi, thú kêu trong vực. Cô đã tuần tự kể lại những hình ảnh vụn vặt trong ký ức, khiến chúng sáng lên trong mắt họ. Nhưng với con người đã đi khắp nơi này, cô không biết phải nói về điều gì. Cô ra đi chỉ để trốn chạy, anh ta ra đi để kiếm tìm. Cô rạch ròi với mọi thứ, anh ta thích thú với mọi điều. Anh ta phiêu lưu trong chính tâm trí mình với hàng ngàn câu hỏi. Thế giới của những người đàn ông cao xa như giấc mộng của họ, đó là lần đầu tiên cô mới phát hiện ra.

Trước nụ cười của Toản Phu, cô đành kể đến một vài nơi cô thấy có điểm khác lạ trong thành. Anh ta chăm chú nghe, gật đầu khuyến khích cô nói tiếp. Không còn gì trong thành để kể, cô bèn nhắc đến chuyến đi kinh lược của cha cô, những con người đủ mọi sắc thái, những vùng đất đủ mọi dáng hình mà cô đã nhìn thấy. Càng kể, cô càng có cảm giác thông tin với người này không bao giờ là đủ. Anh ta sẵn sàng ngồi nghe cô nói về đàn muỗi bay lên từ bụi cỏ mỗi chiều.

Thoáng chốc đã đến xế chiều, gió thổi lá rụng mùa thu xào xạc trong sân, đưa hương hoa quế phảng phất. Toản Phu gọi người hầu đưa cô về phủ, cám ơn cô vì những chuyện đã kể, rồi cười.

“Từ nhỏ cô đã theo cha đi khắp trời Nam bể Bắc, đến nam nhi cũng khó có được, tôi thật là hâm mộ.” Anh ta lấy trong túi đeo ra một cuốn sách nhỏ đưa cho cô. “Đây là vài điều tôi ghi chép được trên đường đi, cô có hứng thú với ít kiến thức thô lậu này thì đọc mua vui chốc lát.”

“Cám ơn anh.” Không giấu vẻ vui mừng, cô nhận lấy cuốn sách. Quả nhiên đây là thứ cô cần lúc này.

Khi về, cô còn hỏi khẽ người hầu nơi Toản Phu ở trọ để trả sách cho anh ta. Tuy nhiên, cô lại không có cơ hội làm điều đó.

Lê Chất cha cô chưa về tới, người quản gia của phủ nhà cô đã có mặt. Sau khi thông báo rằng ông ta đến sớm để chuẩn bị nhà cửa, người này bảo, cô và Lê Cận không được rời khỏi tòa thành.

“Được tin có một tên giặc là Lục đánh cướp Vân Sàng. Hắn cho bọn cướp giả trang làm lính Bắc Thành tải hàng nghỉ đêm ở Ninh Bình, các quan không biết nên khoản tiếp chúng. Nửa đêm hắn vào nhà ngục thả tù, cho đồng bọn nhảy từ trong hòm hàng ra đánh cướp phủ huyện.” Quản gia đang thao thao nói, Tường đã ngắt lời.

“Khoan đã, không phải việc này xảy ra hồi đầu năm rồi sao?” Ở Bắc Thành cô không có việc gì làm nên thường đến nhà sau của các tào cùng phủ đường cha cô nghe chuyện. Người đang nói như cho rằng có thể gạt được cô.

“Trời đang mưa lớn, lúa má Bắc Thành ngập úng, ngài Hậu quân sợ dân chúng thấy không có Tổng trấn ở thành sẽ gây loạn, mà việc tên Lục đầu năm nay biểu hiện rằng chúng gian trá nguy hiểm đến thế nào.” Mặt không đổi sắc, người quản gia nói. “Cô chiêu là ái nữ Tổng trấn, hẳn nhiều người trong thành đã biết mặt, thời điểm khó khăn không ít kẻ táo tợn làm liều. Hậu quân đang bàn nốt việc ở triều đình, lo lắng cho cả hai cô cậu bơ vơ tại Bắc Thành nên mới sai tôi khẩn cấp đi theo.”

“Phải đấy, chị là thân con gái, cứ một mình cưỡi ngựa đi khắp nơi vậy không tốt đâu.” Ở bên cạnh, Lê Cận gật đầu.

Thế tại sao không cho cô quân hộ vệ mà chỉ cấm cô rời khỏi thành? Tường nghĩ thầm, rồi lại cho rằng có thể cha cô cũng chẳng mấy tin lính tráng ở đây. Vài ngày nay quả thật mưa dầm không dứt, gió lốc từng cơn. Phó Tổng trấn Lê Văn Phong cũng lộ vẻ lo âu ra mặt. Cô tốt nhất không nên gây thêm chuyện phiền lo cho họ.

Nghĩ thế, cô đành ngoan ngoãn ở trong thành mấy ngày. Đọc xong sách của Toản Phu, sao chép lại những chỗ cần thiết, cô nhờ Lê Cận trả sách cho anh ta. Nhưng người hầu của Lê Cận đi về đưa sách cho cô, bảo rằng Toản Phu đã rời khỏi Thăng Long.

“Lạ thế, anh ta đi mà không từ biệt lấy một tiếng.” Lê Cận phàn nàn. Tường cầm cuốn sách, lại không có mấy cảm giác ngạc nhiên.

Người thanh niên này vốn ở ngay tại Phú Xuân. Năm sau tôi sẽ đi thi, anh ta nói. Tương lai của anh ta sẽ phong quang vạn trượng, do đó anh ta cho rằng không cần giã biệt. Bọn họ rồi sẽ lại gặp nhau.

 

Chú thích:

[1] Hà Bắc đạo trung của Lê Quang Định

[2] Báo cáo về đê điều năm 1847 của Nguyễn Đăng Giai: “Từ Sơn Tây đến Nam Định, dân ở ngoại đê hàng trăm xã, khi mưa lũ thì ở bằng sàn, đi bằng thuyền, khi nước rút, ruộng không phải cày cấy gì mà lúa cắm xuống đã mọc lên tươi tốt, không có nhà dân nào phải dời đi, ruộng chẳng phải bỏ hoang bao giờ.” (Bắc Kỳ hà đê sự tích) Nam Định hiện tại cũng đang là vựa lúa hàng đầu của Bắc bộ.

[3] Trong nghiên cứu Bridging theoretical gaps in geoarchaeology: archaeology, geoarchaeology, and history in the Yellow River valley, China của  Tristram R. Kidder và Haiwang Liu của Đại học Washington, chính tác động của con người hàng ngàn năm khiến dòng chảy của Hoàng Hà trở nên nguy hiểm hơn. “Họ xây đê điều càng cao, dòng Hoàng Hà vốn trước ổn định lại càng ngày càng trở nên nguy hiểm”. "Họ rơi vào cái bẫy: xây dựng đê khiến trầm tích tụ dưới lòng sông, nâng dòng sông lên cao hơn và dễ gây lũ lụt hơn... Sông Hoàng Hà từng là dòng sông ổn định hiền hòa cho đến khi một lượng lớn nông dân tới quấy rối môi trường của dòng sông."

[4] Trong chương Physiography of Flowing Water trong cuốn  Freshwater Ecology (Second Edition), 2010 của Walter K. Dodds, Matt R. Whiles, thiệt hại do lũ lụt hàng năm ở vùng sông Mississpisi có đắp đê tăng đến 140% trong vòng 90 năm. Việc này cũng là nguyên nhân nước Mỹ giảm số lượng đê điều (Hey and Philippi, 1995).

[5] Trong chương Sustainable Land Use Planning in Areas Exposed to Flooding: Some International Experiences của cuốn Floods Volume 2- Risk Management, Anna Ribas Palom – David Saurí Pujol - Jorge Olcina Cantos, “Từ năm 1950s, một nhóm nhà địa chất học ở Đại học Chicago đã cho thấy rằng, mặc dù có khối lượng công trình thủy lợi khổng lồ, công cuộc phòng chống lũ đã thất bại vì dòng nước lũ ở nhiều dòng sông chỉ dâng lên chứ không giảm bớt. Điều này hiện tại được gọi là "Nghịch lý dòng lũ", bởi những gì được coi như đem đến bảo vệ tuyệt đối hoặc không hề có nguy cơ lại tiềm ẩn hậu quả rằng lũ lụt trở nên hiếm hơn nhưng mức độ hủy diệt vượt xa.”. Các thành phố như Paris, Lyon, Amsterdam, Rotterdam, Lisbon, Zaragoza hoặc Barcelona…, đã bắt đầu thay đổi phương thức kiểm soát lũ lụt của mình bằng cách chú trọng lập bản đồ dòng chảy của nước và quy hoạch vùng đất đai được đưa vào sử dụng thích ứng với nước sông, mở rộng dòng sông, tạo khoảng không gian cho dòng nước. Kế hoạch này được thông qua bằng Chiến lược lãnh thổ cho châu Âu năm 1999 và Chỉ thị bờ nước năm 2000, Chỉ thị về Chiến lược đánh giá môi trường năm 2001, Chỉ thị về lũ lụt năm 2007, Chỉ thị về ảnh hưởng môi trường năm 2014. Trường hợp của Hà Lan, Mỹ, Tây Ban Nha xác nhận: "Duy trì đê điều tốn một khoản phí khổng lồ", "Đê điều không làm dòng lũ bớt đi mà ngược lại dâng cao hơn", "Lũ lụt hiếm hơn nhưng cực kỳ khốc liệt", "Bảo vệ hoàn toàn từ lũ lụt là điều cực kỳ không thực tế"…

Đây là những điều các quan nhà Nguyễn như Nguyễn Đăng Giai đề xuất vào gần 200 năm trước.

[6] Là năm 1245.

[7] Năm 1352.

[8] Năm 1410.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.