Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

59. Cảnh cảnh duyên hà sự
Trường An in "Minh nguyệt 2" June 8th, 2019
  1. Cảnh cảnh duyên hà sự, thâm tiêu toạ lũ di[1]
    (Canh cánh do duyên cớ gì, đứng ngồi suốt đêm thâu)

 

Lấy lý do muốn coi sóc việc nhà cửa, Tường cùng em trai Lê Cận và mấy người hầu đi theo thuyền quân tới Bắc Thành trước. Thuyền của họ nhân báo tang Phúc Long công Nguyễn Phúc Thăng và chuyển cho Tả quân một số giấy tờ, đã dừng ở Thanh Hoa.

Đón họ ở bến cảng là Tham hiệp Thanh Hoa mới nhậm chức Trần Nhật Vĩnh. Anh ta nguyên là Tri phủ Quốc Oai, nhưng chỉ trong hai tháng đã thăng lên Thiêm sự Hình bộ rồi Tham hiệp Thanh Hoa.

“Tả quân không tới sao?” Sau lễ đọc tuyên chiếu về nghi thức để tang của Phúc Long công, chuyển các loại sổ sách giấy tờ cho quân, Tường đứng cạnh bên Trần Nhật Vĩnh hỏi nhỏ. Nghe nói Tả quân cũng đang ở Thanh Hoa làm sổ đinh và chia đặt quân đội. Cô vốn đã từng gặp Trần Nhật Vĩnh khi theo cha cô đi kinh lược mấy tháng trước, còn từng ở nhà vị Tri phủ này vài ngày.

“Tả quân đang xử án quân Thần sách.” Trần Nhật Vĩnh trả lời. “Thuộc hạ của Thống chế Trần Công Lại lấy tiền của dân, dân thấy Tả quân đến liền đưa đơn tới kiện. Thống chế cũng đang bị xét xử tội dung túng thuộc hạ.”

“Ồ…” Tường nhìn Trần Nhật Vĩnh qua đuôi mắt, thốt khẽ trong cổ. Tình cờ sao vị Tham hiệp này vừa nhậm chức thì Trấn thủ Thanh Hoa Trần Công Lại đã ngay lập tức bị tội. Mấy tháng này cô nghe môn khách xôn xao chuyện thay quan đổi tướng ở Thanh Nghệ, tình hình thực sự có vẻ còn khốc liệt hơn cô nghĩ.

Trần Nhật Vĩnh đưa chị em Tường về dinh phủ Thanh Hoa. Ngay cả chỗ ở của vị Tham hiệp này cũng chưa được chuẩn bị xong, anh ta vẫn trọ tạm gian nhà khách bên cạnh chỗ của Lê Cận. Tường nhìn sang nơi ở của Trấn thủ Trần Công Lại đang bị lính bao vây vòng trong vòng ngoài, có vẻ như vừa mới khám xét xong. Thoáng nghĩ tới Thái Công Triều, cô đi quanh dinh phủ nhìn ngó, thấy người đông chật trước cửa công đường. Nhắm không thể chen vào, cô chỉ đứng ngoài, thấy vài bóng áo lính quân Thần sách qua lại. Có vẻ người đang được gọi tới để làm chứng cho vị Thống chế. Nếu vậy thì với cương vị Tham luận của đội quân này, Thái Công Triều khó tránh khỏi liên quan.

Đến tận xế chiều, lính trong công đường mới ra quát dẹp đám đông ngoài cửa, đưa Trần Công Lại và vài kẻ khác đã bị trói tay ra nhà giam. Đám đông tản hết, khi Tường đã định quay về thì mới thấy Thái Công Triều rời khỏi công đường. Cô liền vẫy tay gọi.

“Sao cô lại ở đây?” Thấy Tường, Thái Công Triều đi tới, ngạc nhiên hỏi. Nghe cô giải thích lý do, anh ta lại cười. “Vậy là tôi đúng lúc cam go gặp được quý nhân rồi.”

“Anh làm chuyện xấu thì tôi không giúp gì được đâu.” Tường bĩu môi. Thái Công Triều cười ha ha.

“Tôi mà làm chuyện gì thì đã bị trói ngay rồi, sao chờ được cô tới.” Nghe tiếng động trong công đường, anh ta kéo tay áo cô vào cửa dinh phủ. “Tả quân sắp ra rồi, cô tránh mặt đi.”

“Tại sao?” Tường hỏi lại, dù vẫn đi theo Thái Công Triều. Vào sân phủ vắng vẻ, anh ta mới khẽ đáp.

“Tả quân vừa đi kinh lược Thanh Nghệ, thu được một nhóm thuộc hạ trong đám quân Thanh thuận, An thuận hơn chín trăm tên cướp mới đầu hàng. Ngoài ra còn tay chân của đám thổ mục Thanh Hoa là bọn Quách Tất Công, Quách Tất Tại, bọn du đãng, thổ hào trong vùng. Chúng tuy nói đã là người của triều đình nhưng là một bọn thổ phỉ mới xuống núi, dã tính chưa thuần. Cô ở đây phải cẩn thận, không thể tùy tiện đi về hôm sớm như ở Phú Xuân, có đi đâu cũng phải gọi người hầu, lính canh thật đông.” Anh ta ngừng một thoáng, nhìn ra đám đông loáng thoáng ngoài cửa phủ. “Nghe bảo Tả quân đang làm án giải Trần Thống chế về Kinh, chúng tôi cũng phải chuẩn bị về cãi nhau với bộ Hình, bộ Binh đây.”

“Tôi chỉ ở đây vài ngày, không sao đâu.” Tường nói như an ủi, trong lòng lại thầm nghĩ đến mối quan hệ của Thái Công Triều và Nguyễn Phúc Kiểu, nếu người này không làm chuyện xấu thì chẳng thể chết được ở Phú Xuân. Anh ta vẫn cứ nửa thật nửa đùa thì hẳn với anh ta chẳng mấy nghiêm trọng. Cô nhìn quanh, chỉ tay về một nhà tạ trong vườn dinh phủ. “Chúng ta đến đó nói chuyện, tôi có việc muốn hỏi anh.”

“Ở Bắc Thành có địa phương nào tốt không?” Khi họ đã ngồi trong nhà tạ, cô bắt đầu hỏi, nhíu mày như muốn nói rõ hơn ý mình. “Yên bình, dễ sống một chút.”

“Nơi đó hẳn bị người ào tới giẫm bẹp rồi.” Thái Công Triều cười to. “Cô chiêu, cô không biết chỉ đi ra ngoài kinh thành một tí đã gặp hổ à? Đến các đoàn viếng sơn lăng mỗi năm còn phải cử lính đi trước đuổi thú dữ. Người ta mới phải rào nhau lại thành làng, nhiều làng họp thành tổng, nhiều tổng họp thành huyện, rồi lại quay ra tranh chấp đánh lẫn nhau. Cô có muốn làm ẩn sĩ sống trong núi thì cũng phải biết võ công đả hổ, mà thật ra là đánh cướp còn nhiều hơn. Thời buổi này cô không thấy à, hễ mất mùa là trộm cướp đầy đường, mà có nơi nào mưa thuận gió hòa được ba năm? Cướp dễ quá nên ai cũng đi ăn cướp cả.”

 

“Kể ra thì Thăng Long cũng được coi là điểm yên ổn ở Bắc Thành đấy, có loạn thì phải cuối cùng mới tới.” Thái Công Triều gõ ngón tay lên bàn đá, nheo mắt nhìn cô. “Thế cô chiêu định đi đâu vậy?”

“Cha định gả tôi cho một tên xấu xa, tôi không thể ở nhà nữa.” Tường thở ra, bất mãn nói. Tâm trạng cô bấy lâu không tốt, chỉ chờ có người để bộc phát. Thái Công Triều nghe xong lại gần như lăn ra cười.

“Cô không thể trốn đi một mình được đâu. Bây giờ ra khỏi dinh phủ này một bước cũng khó rồi.” Anh ta vừa cười vừa nói. Nhìn thoáng qua cô, mắt anh ta ánh lên một tia thích thú nhỏ. “Tôi có cách khiến cha không thể gả cô đi được. Cô tự tìm một anh chồng, thế là xong.”

“Không đâm bụi cây thì ngã vào bụi rậm thế à? Tôi không dại.” Cô nói qua kẽ răng. Cách làm này không phải cô chưa từng nghĩ tới, nhưng rà quát lại những kẻ mà cô biết càng thất vọng hơn, hình dung phải gần gũi với họ thì cô càng không thể. Vả quả đúng như Nhị phi nói, con gái hầu hết lấy chồng từ thuở mười lăm, đến tuổi cô thì gần như chẳng còn ai để lựa chọn, cô lại chẳng phải là công chúa để có chỉ sai ép người cưới. “Vả cái chỗ mà cha tôi nhắm tới có vẻ chẳng cần quan tâm tôi thế nào đâu, chỉ cần tóm lấy cha tôi là được. Tôi mà có lấy chồng thì anh ta cũng mất tích trong vòng ba ngày, xem như chưa từng có mặt trên đời.”

“Thế mà cô định đi trốn?” Thái Công Triều nhướn mày. “Vậy chỉ còn cách cuối cùng là cô chọn một nhà to hơn nhà ấy, thế là cha cô không làm gì được, lại còn có lợi hơn thì ông ấy chẳng vui lòng gả cô đi.”

“Không còn nhà nào to hơn nữa.” Cô hạ giọng lầm bầm. Chẳng biết Thái Công Triều có nghe được hay không, nhưng ánh nhìn của anh ta càng khác lạ hơn. Anh ta im lặng hồi lâu. Thấy bóng chiều đang dần mờ, lính canh đi đốt đèn quanh sân, cô liền thở ra, đứng dậy. “Thôi thì cũng đã hỏi xong rồi, cám ơn anh.”

“Thật ra cũng có thể trốn được đấy.” Cô đã quay lưng, Thái Công Triều chợt nói. “Theo đám thổ phỉ, thổ mục vào trong núi, thế là cả đại quân cũng không tìm được.”

Cô quay đầu, toan nói nhưng rồi lại bỏ đi. Hẳn Thái Công Triều cho rằng đây là một lời khuyên, có thể anh ta nghiêm túc. Nhưng để làm những việc điên rồ như thế phải có bao nhiêu dũng khí cùng cuồng dại? Cô bao giờ cũng tính toán quá nhiều, tự cho mình thông minh, nhưng đến khi có việc mới phát hiện ra rằng thứ mình thiếu nhất là dũng khí, loại dũng khí bất chấp không cần suy nghĩ, thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành. Cô cũng chẳng thể nghĩ đến ngày mình sống lăn lộn trong đám lục lâm thảo khấu, lẩn lút trong rừng núi giết người và trốn chạy, đắm đuối trong trụy lạc như thú rừng. Cô muốn trốn tránh một cuộc đời này để phá hủy mình vào cuộc sống như vậy khác gì uống thuốc độc giải khát? Nhưng chẳng lẽ trên đời này chỉ có thể lựa chọn một trong hai, không còn cơ hội khác?

Cô ra Bắc Thành chỉ vì đây là con đường dễ đi thuận tiện nhất, rồi sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng, cô có thể tới bất cứ đâu, thậm chí trở về Gia Định. Ngày xưa cha cô còn có thể làm kế kim thiền thoát xác trốn được sự truy đuổi của cả triều đình, ngày xưa cô đã có thể tự sống được khi mới ba bốn tuổi, thì chẳng lẽ bây giờ lại không thể?

Cả tối lăn qua trở lại suy nghĩ, đến khi đi ngủ thì cô mới phát hiện ra hộp trang sức của mình đã bị đưa nhầm sang phòng Lê Cận. Gian nhà cho phụ nữ nằm sâu trong dinh phủ, phòng của Lê Cận phía bên ngoài. Nghĩ cũng muốn kiểm kê đồ đạc được đem vào, cô không gọi người hầu mà đi ra sân ngoài. Qua cánh cửa sau sân, cô đã nghe thấy tiếng ồn ào. Phòng Trần Nhật Vĩnh kế bên Lê Cận sáng ánh lửa, cửa vẫn mở, thấy như có gần chục người ở trong. Muốn dò xem Lê Cận có ở trong ấy không, cô men theo lùm cây tối, ghé mắt nhìn qua cửa. Trong phòng hầu như là thanh niên trẻ, còn có hai người ăn mặc như Thổ dân, hẳn là thổ mục vùng Sơn Âm mà Thái Công Triều nói tới. Lê Cận cũng ngồi cùng mâm với họ.

“Anh Vĩnh, kỳ này Trấn thủ Thanh Hoa bay rồi, anh trở thành ông chủ ở đây, chúng tôi phải nhờ cậy nhiều.” Một trong hai người mặc trang phục thổ mục nói, giọng rất khó nghe đối với cô. Cả đám người hầu như đều đã say, cười ồ lên với câu nói không biết có chỗ nào đáng cười.

“Triều đình sẽ lại cử quan to đến làm Trấn thủ ngay thôi, sao có thể cho tôi một mình ở đây.” Trần Nhật Vĩnh lắc đầu, vẫy bàn tay cầm bình rượu. “Trước khi Trấn thủ mới tới, các anh muốn làm gì phải làm nhanh lên. Tả quân đã xin lệnh đình tất cả công trình xây cất, chỉ còn cho mộ quân và lập cơ Thanh thuận thôi đấy.”

“Ai cần mấy đồng trinh lẻ của bọn lính? Chúng tôi chỉ cần đường buôn từ Ai Lao sang thông thoáng, thuốc phiện, thuốc lá, súng ống cấp cho cả Bắc Thành này được. Mười năm trước cha tôi cương cường quá không chịu đầu hàng, để bọn Cao Viết Miệt, Quách Công Chuyên chiếm quyền ở đây, chẳng biết có lợi lộc gì. Giờ theo về với triều đình, trước thì trả thù tên Trần Công Lại năm xưa đốt phá Sơn Âm[2], sau thì hất cẳng bọn Miệt, Chuyên đi, lợi cả đôi đường.” Viên thổ mục vẫn cười lớn. “Trấn thủ mới đến thì thế nào? Có mèo chê mỡ, quan lính chê tiền à? Hắn không ăn thì nhét tiền vào miệng bọn môn khách, thuộc hạ, thê thiếp, chỉ cần muốn tố thì moi đâu chẳng ra tội.”

“Các anh làm việc cẩn thận, bây giờ tôi phải chịu trách nhiệm ở đây đấy. Không phải đầu cũng phải tai, dính dáng tới thì khổ ra.” Trần Nhật Vĩnh cười khà khà. “Các anh làm loạn là chuyện bất đắc dĩ, không nên dùng làm phương pháp bắt ép triều đình, chẳng ai chịu được đến lần thứ ba thứ tư, mà Tả quân đưa các anh về cũng bị thiệt lây. Năm xưa cha các anh đôi lần ba lượt tới xin hàng rồi lại làm phản, nay chỉ nhờ Tả quân mà triều đình chấp nhận các anh. Chuyện quan chức triều đình là việc của chúng tôi, không cần các anh phải bận tâm can thiệp vào. Cái trò xúi bẩy dân đi kiện, nếu ra đến bộ Hình điều tra kỹ thì không xong đâu.”

“Quan lớn mới ra đến bộ Hình, còn chẳng phải tất cả đều do Hình tào Bắc Thành này xử? Ông Vũ Đức Thông trước là Tham hiệp Thanh Hoa, cũng một nhà người quen cả.” Một người trong nhóm cười càng to hơn, thấy vẻ mặt của Trần Nhật Vĩnh mới hơi hạ giọng. “Chúng tôi cùng đường mới làm đạo tặc, chuyện lớn mới phải ra tay, tự biết nặng nhẹ chứ. Bây giờ anh Vĩnh là quan mới nhậm chức, cần chút thành tích báo cáo cho yên chỗ ngồi, chúng tôi lẽ nào lại không hiểu?”

“Bọn quân Thanh thuận mới chiêu tập được, các anh trông chừng cho tốt.” Trần Nhật Vĩnh gật đầu. “Đừng để bọn chúng họp đoàn vào cướp thôn xóm làng chợ giữa ban ngày, cũng đừng để chúng ăn lương rồi trốn mất cả. Có việc gì cần thì sẽ gọi lính tới làm, lợi lộc không thiếu đâu mà phải giở trò trộm cướp quen thói ấy.”

“Vâng, anh Vĩnh không cần phải lo.” Người cùng mâm xun xoe cười, nhưng đôi mắt chẳng có chút nào thật lòng.

Tường hừ khẽ trong cổ, vòng ra đến cửa phòng Lê Cận, vào phòng lấy đồ dùng của mình. Đây chính là trò gọi là tuyên ban ân đức, kinh lược thành trấn, chiêu an phản tặc – nhìn cách nào cũng giống một bọn cướp họp đến thỏa thuận chia phần. Lê Cận ở trong đám người ấy, có vẻ đã say rượu mà nhắm mắt gật gù, chẳng biết có lọt tai câu chuyện họ đang nói hay không.

Trần Nhật Vĩnh được thăng thẳng từ Tri phủ Quốc Oai lên, hẳn là do Lê Chất cha cô tiến cử trong cuộc gặp vừa rồi với nhà vua, vừa loay hoay lục lọi, Tường vừa thầm nghĩ. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, vừa tới Thanh Hoa thì anh ta đã làm thân ngay được với bọn đầu trộm đuôi cướp mới theo hàng, xưng anh gọi chú như đã quen lâu năm. Mà có thể, cũng đã quen lâu năm thật. Các thổ mục trong vùng gả con cho lẫn nhau, có thể ở tận Quốc Oai thì anh ta vẫn quen được với ông Đặng Đình, Nguyễn Đình nào đó là thông gia mấy đời nhà họ Quách.

Cách thức đơn giản nhất để dẹp yên loạn lạc trong những năm này là đổ tội cho một loạt quan chức đương quyền, đẩy tất cả trách nhiệm cho phía họ, chặt đi vây cánh của đám người đang hoành hành trong vùng, và đưa một bọn khác lên. Cứ để bọn chúng giết nhau, cha cô nói. Quan giết quan, cướp giết cướp, tổng lý giết tổng lý, dân giết dân, trong mớ hỗn độn mà tuyệt chẳng một ai là vô tội.

Tìm được hộp trang sức cùng một số đồ đạc khác, cô toan đẩy cửa đi ra thì thấy nhóm người phòng bên cũng tản về. Đôi ba người dừng chân trước cửa phòng cô đang ở, trò chuyện khe khẽ với nhau.

“Anh Khôi định đưa tất cả anh em theo Tả quân à?” Cô nhận ra giọng của một trong hai người thổ mục. “Chi Thanh thuận ở lại Thanh Hoa lệ vào trấn, không theo các anh được.”

“Chúng tôi đi làm tướng, rày đây mai đó theo Tả quân, cũng không phải việc sung sướng gì. Lính thú khổ lắm, xa nhà xa quê, để họ ở đây vẫn hơn. Nhưng bọn họ vẫn là chỗ anh em, các anh năng đi lại với họ, có việc gì cũng nhờ được nhau.” Người tên Khôi kia mà cô nhớ đã vài lần gặp anh ta đi lại trong Kinh, vốn là thuộc hạ của Tả quân, nói khẽ, hạ giọng xuống càng nhỏ hơn. “Chuyện tên cựu hoàng trong nhà các anh, Trần Nhật Vĩnh hẳn cũng phong thanh nghe biết rồi đấy. Tả quân lần này dùng danh phận của mình mà giao cho các anh giữ chức quan quản dân cả bốn xã, đừng hành động hồ đồ. Có việc gì thì báo cho chúng tôi giải quyết, chuyện nhỏ bảo lính Thanh thuận làm.”

“Được rồi, chúng tôi hiểu mà.” Người kia cười. “Còn tên cựu hoàng ấy… nó tới nương nhờ thì sao chúng tôi bỏ mặc làm ngơ được? Tình nghĩa từ ngày ông Thái Tổ dấy binh trong núi, chẳng lẽ lại thấy chết không cứu? Nó chỉ là một đứa trẻ thôi mà.”

Nguyễn Hựu Khôi chỉ cười nhạt, cáo từ đi về. Thoáng nghe có động, Lê Cận được đỡ về phòng, cô liền trốn sau bình phong. Trần Nhật Vĩnh đích thân dìu Lê Cận, cởi giày đưa cậu ta lên giường ngủ, dặn dò người hầu chăm sóc rồi mới ra. Thấy xung quanh yên ắng hẳn, Tường đi ra trước ánh mắt kinh ngạc của người hầu. Phòng Trần Nhật Vĩnh đã đóng cửa tắt đèn, trong sân chỉ còn trăng soi.

Ngồi trước gương gỡ trâm cài cùng hoa trên tóc, cô lại ngẩn người nhìn cành trâm vàng đính ngọc lấp loáng dưới ánh lửa. Năm xưa, cô đã từng nghĩ cha cô là một anh hùng, vị Tả quân kia cũng là một người thân thiết đáng trọng đáng kính. Người cha đã cho cô tất cả, viên tướng đã hỏi han giúp đỡ cô trong những ngày khốn khó nhất. Ở Gia Định ngày ấy, có lẽ cả đội quân Tàu Ô đầu hàng, lập xóm làng sống bên bến bãi cạnh phố Sài Côn cũng là những kẻ hào sảng buồn cười. Họ mặc những bộ áo cũ rách, nhảy múa, ca hát, đánh bạc, thậm chí là đánh nhau, nhưng cuộc sống rất giản đơn. Đến nơi đây, tất cả khoác lên áo gấm đai ngọc, vẫn nở nụ cười, vẫn vẻ ngoài thân thiết hào hiệp, nhưng tại sao lại khác đến vậy?

Ở nơi này, họ có thể giết nhau, ép nhau đến chết chỉ vì vài tranh chấp vặt vãnh. Ở nơi này, họ có thể dùng sự hào hiệp phóng khoáng của mình để thu về bọn tay chân cùng những viên quan lòng dạ khó lường làm thế lực. Ở nơi này, không chỉ trung nghĩa là giả trá mà ngay cả tội lỗi cũng là thứ mờ mịt khó phân. Tất cả chỉ là thứ người trưng ra cho những kẻ khờ khạo thích nghe chuyện tuồng kịch tin lời.

Ngày cô rời khỏi Thanh Hoa, Trần Công Lại cũng bị giải xuống thuyền đưa về Phú Xuân cùng vài thuộc hạ, quan tướng của Trung dinh Thần sách. Thấy cô, Thái Công Triều ra dấu, hẹn riêng cô ra một góc cảng khuất sau dãy nhà để hàng.

“Việc của Thống chế mà xong thì cũng phải cả tháng, tôi chẳng dính dáng gì nhưng hẳn cũng chẳng có chuyện để làm cho tới khi quan mới tới. Tôi sẽ thăm dò hộ việc cô đang vướng mắc xem thế nào.” Anh ta nói, nhưng Tường đã nhanh chóng lắc đầu.

“Không cần, anh đừng nói gì tốt hơn.” Bao lâu nay cô thấy rõ chuyện thê thiếp của Nguyễn Phúc Kiểu có liên quan được bao nhiêu tới ý kiến của anh ta? Sau việc của Hồ Thị Hoa, người trong cung hẳn chỉ sợ vị Hoàng thái tử này lại hồ đồ làm nên một đôi chuyện kinh hãi, nên phủ đệ của anh ta hầu như hoàn toàn do mẹ kiểm soát. Cô được kiệu đưa đến cửa thì có khi anh ta mới phát hiện ra. Vả lại, hiện giờ Nguyễn Phúc Kiểu lấy ai chả như nhau, anh ta việc gì phải từ chối cô, làm cha cô mất mặt? Nghĩ một lúc, cô liền nói tiếp. “Chuyện của cha tôi thì tôi tự đi hỏi, không cần phiền đến ai cả.”

“Cô…” Thái Công Triều im lặng hồi lâu rồi mới cười. “Tôi khuyên thật này, cô liệu cách trốn đi là hơn chứ hỏi cái gì? Cô cho là họ nghe cô nói à?”

“Có thể.” Tường nói nhỏ. Cha cô trước nay đều rất thương yêu chiều chuộng cô, hầu như cô muốn gì được nấy. Ngay cả nhà vua tuy nghiêm khắc nhưng vẫn có chút hiểu tình người, lẽ nào muốn trói cô đưa đến điện Thanh Hòa?

Thái Công Triều cười khẽ, ngẩng đầu nhìn bóng lá phất phơ bên kia rặng cỏ. Rồi bỗng dưng anh ta cũng rơi vào yên lặng.

“Đúng là tôi chẳng giúp gì được cho cô.” Thật lâu sau, Thái Công Triều mới khẽ khàng nói, thanh âm lại hơi khàn đi. “Bây giờ thân tôi còn lo không xong, chủ tướng có chuyện mà chỉ có thể bo bo giữ mình kẻo liên lụy.”

“Chỉ là thuộc hạ của ông ấy làm nên tội, có lẽ sẽ không bị xử nặng lắm đâu.” Nghĩ rằng anh ta lo phiền vì Trần Công Lại, cô bèn nói. Thái Công Triều hạ mắt nhìn xuống dòng sông cuồn cuộn đục ngầu.

“Phải, ông ấy sẽ không sao đâu. Ngoài tội đi đánh Sơn Âm năm xưa, ông ấy chẳng làm gì hơn nữa. Người ta chỉ muốn hất ông ấy đi, vậy là đủ.” Thái Công Triều lặng lẽ nói, sự bỡn cợt thường có của anh ta dường mất hẳn, thậm chí còn là buồn thương cùng… cay độc. “Có nhiều khi, tôi ghét cái thế gian này không tả nổi.”

Có tiếng người gọi phía bên kia. Thái Công Triều nhìn cô, lại mỉm cười, đưa tay chạm vào tóc cô.

“May mắn nhé.” Anh ta chỉ nói khẽ, rồi quay lưng.

Cô cũng đi về chiếc thuyền của mình. Ra khỏi cửa sông, hai chiếc thuyền chia đôi, một về Nam, một ra Bắc. Bóng Thái Công Triều vẫn đứng bên lan can thuyền, dõi nhìn mây trời. Anh ta có đưa mắt về hướng cô hay không, cô cũng không biết.

Tôi ghét thế gian này không tả nổi. Ngày ấy, vốn là cô cũng không hiểu được nỗi đau đớn của người thanh niên luôn mỉm cười nọ, cùng những gì anh ta muốn nói. Cả những điều anh ta sẽ vĩnh viễn không nói ra, dưới những bỡn cợt và dối lừa.

 

Chú thích:

[1] Thuật hoài kỳ 1 của Tùng Thiện vương

[2] Năm 1808, thổ mục Thanh Hoa Quách Tất Thúc nổi loạn, Lê Chất cùng Trấn thủ Nghệ An lúc đó là Trần Công Lại được phái đi đánh dẹp, chiêu dụ nhóm thổ mục khác là Cao Viết Miệt, Quách Công Chuyên đốt Sơn Âm, đuổi Quách Tất Thúc vào rừng. Đến năm 1819, Thanh Hoa lại có loạn, Lê Văn Duyệt tới chiêu hàng được Quách Tất Thúc cùng con là Quách Tất Công, Quách Tất Tài. Theo sử ghi, người có công thuyết phục nhóm này là Nguyễn Hựu Khôi.

Năm 1833, cũng chính Quách Tất Công, Tất Tài làm phản, lộ ra việc nuôi giấu Lê Duy Lương từ năm 1816.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.