Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

55. Bách thế tâm sự vong ngôn xử
Trường An in "Minh nguyệt 2" May 28th, 2019

  1. Bách thế tâm sự vong ngôn xử, vạn lý quan hà ức biệt tình[1]

(Tâm sự trăm đời quên lời nói, vạn dặm quan hà nhớ tình xa)

 

Chỉ năm tháng sau khi Nguyễn Phúc Kiểu trở thành Thái tử, Diên Tự công Lê Duy Hoán bị phát giác mưu phản.

Cuối năm, đoàn giải tù từ Thanh Hoa về đến Kinh, theo sau là nhóm người họ Lê. Lê Duy Hoán bị đưa vào nhà ngục, đàn ông, đàn bà, trẻ con quỳ trước cổng thành trong gió mưa vần vũ mùa đông. Lệnh vua không bắt tội họ Lê được báo ra, nhưng cũng chẳng làm vẻ sợ hãi mất đi trên khuôn mặt mọi người.

Bởi trong nhà ngục Hình bộ, Lê Duy Hoán cho biết, chính Nguyễn Văn Thuyên chủ mưu gửi thư cho anh ta làm phản.

Ở Thanh Hoa, một môn khách tên Đỗ Danh Hoành đã tìm tới Lê Duy Hoán, trình ra câu sấm ‘Phá điền thiên tử xuất’, giới thiệu thêm một kẻ tên Đặng Đình Thạch để về Kinh Bắc chiêu tập người mưu loạn. Sự việc bị lính trong vùng phát giác tố cáo cho thành thần Bắc Thành, họ mật đưa quân vây bắt, thu được tất cả văn thư cùng ấn tín. Nhưng sự việc vẫn chưa dừng lại, lời khai của Lê Duy Hoán trong nhà lao Hình bộ tạo nên một cơn sóng lớn trong triều.

Có những người vẫn không tin cha con Nguyễn Văn Thành mưu tạo phản. Ông Trung quân đã đi theo nhà vua từ những ngày gian khó nhất, lênh đênh ngoài biển đảo chẳng có gì để ăn. Nếu muốn làm phản, ông ấy có thể thực hiện từ lâu rồi, khi nắm được toàn bộ quyền lực ở Bắc Thành, khi quan lại nơi ấy ngày đó đều thân cận trọng thị Trung quân. Vả lại, cha con Trung quân đã bị giữ ở Kinh cả năm nay, làm sao có thể liên lạc kêu gọi Lê Duy Hoán?

Nguyễn Văn Thuyên đã gửi thư kêu gọi người Thanh Hoa, phía bên kia lại nói. Đám người âm mưu tạo phản đã lâu, tìm tới Lê Duy Hoán gần đây chỉ là người dưới của cái mạng lưới này. Chúng hoặc là muốn tìm cách giải thoát cho cha con Nguyễn Văn Thành, hoặc là tiếp tục mưu tính mà Nguyễn Văn Thuyên đã khai mào. Còn Nguyễn Văn Thành, đừng quên rằng ông ta bất mãn bao lâu nay, từ khi Lê Chất được cử làm Hiệp tổng trấn Bắc Thành, còn ông ta phải về Kinh, rồi đám quan lại thân quen của ông ta đều bị tố tội, từ Đặng Trần Thường đến Nguyễn Gia Cát. Mấy năm nay ông ta muốn lập Hoàng tôn làm Thái tử mà không được, lúc này chẳng phải là khi bùng phát sao?

Đúng vậy, Nguyễn Văn Thành là công thần lớn nhất trong triều đình, nhưng hiện tại lại đang bị hàng thần như Lê Chất, viên hoạn quan như Lê Văn Duyệt lấn át, kẻ kiêu ngạo như ông ta chịu đựng sao được? Muốn thực hiện giấc mộng quyền thần của mình, nếu không lập được Hoàng tôn, ông ta sẽ tìm đến họ Lê. Phù vua lập chúa, đó chẳng phải là cách tìm kiếm danh vọng dễ nhất trong thời đại này?

Tất cả vì việc lập Thái tử kia, câu chuyện lại chuyển hướng thì thầm. Nhà vua sẵn sàng bỏ qua luật ‘đích tôn thừa trọng’ trong khi Hoàng tôn cũng đã mười tám tuổi, để lập con trai một người hầu gái, thậm chí ngài ta không nhìn đến con trai của vị phi họ Lê, kẻ thừa tự của Bắc Thành. Xét về tính chính danh hay địa vị, Nguyễn Phúc Kiểu đều không có, anh ta chỉ hơn về tuổi tác. Một hoàng tử không được coi trọng đến mức chẳng thể lấy được một phủ thiếp có địa vị thỏa đáng. Một vị Thái tử được lập nên bằng cách cưỡng ép toàn bộ quan tướng vào điện Cần Chính ký tên.

Với cảnh tượng như thế, người như Nguyễn Văn Thành phản kháng là điều dĩ nhiên. Thậm chí ai biết chút lý lẽ cũng sẽ phản kháng, nên nhà vua trước đã triệt hạ nhiều viên quan cứng cổ, sau giết cả Đặng Trần Thường, xử tội bất cứ ai dám ra mặt bảo vệ Nguyễn Văn Thành, tất cả là để dọn đường cho Nguyễn Phúc Kiểu.

Lời đồn đại cứ thế râm ran trong kinh thành, bùng lên khi Nguyễn Văn Thành cũng bị bắt giam vào nhà ngục Thị trung.

Ngày Đoan dương, mặt trời như lửa chiếu xuống mặt đất nóng đến đá cũng phải tan. Cha Tường lại phải đến điện Thanh Hòa lạy mừng ông Hoàng thái tử, còn cô viện cớ vào cung thăm các công chúa. Nghe nói hôn sự lần tiếp theo cho các cô đang được sắp xếp, cả Ngọc Trân cùng Ngọc Xuyến sẽ hạ giá. Biết chuyện, chỉ có Ngọc Xuyến đầy vẻ bồn chồn háo hức, còn Ngọc Trân vẫn chỉ trầm lặng hướng ánh mắt ra cửa chẳng biểu lộ điều gì.

“Cũng tốt.” Nghe Tường ướm hỏi, Ngọc Trân nhàn nhạt đáp. “Bao lâu nay ở trong cung điện này, ta cũng mệt rồi. Hạ giá sẽ được mở đệ trạch, có thể tự do hơn.”

“Càng ngày càng có nhiều người nhập cung, chúng là một bọn yêu tinh.” Ở bên cạnh, Ngọc Xuyến lại bĩu môi. “Hoàng hậu xưa thì hiền lành chẳng nhìn đến kẻ bên ngoài, Nhị phi thì danh phận không cao khó bảo người, nên đám con gái mới tới làm loạn cả lên. Một năm nay Nhị phi đảm nhiệm quyền Hoàng quý phi thì chúng mới yên. Ngay cả đám trẻ sau này cũng khó bảo, năm xưa hóa ra hoàng Tư lại ngoan lắm rồi ấy, chỉ đi nghịch ở ngoài thôi chứ không gây chuyện ở nhà, không làm việc hư hỏng gì.”

“Chị thì tốt rồi, được lấy bậc anh hùng như mình muốn, hẳn chỉ ước gả đi ngay thôi.” Tường cười nói. Ngọc Xuyến được định hôn sự với Nguyễn Hoàng Toán, con trai Tiền quân Nguyễn Hoàng Đức, cả hai cha con luôn được khen ngợi về tính can đảm hào hiệp, quả là thích hợp với cô công chúa này. “Gia đình Tiền quân vẫn ở tại Gia Định, chị sẽ được về chơi lúc nào thích.”

Ngọc Xuyến đỏ mặt nhưng cũng chỉ cười, vẻ vui sướng không che giấu được. Trong các công chúa đã định hôn ước, gia đình chồng cô là tốt nhất cả về địa vị và danh tiếng. Cô hai mươi bảy tuổi mới định hạ giá, nhưng chờ đợi như thế cũng đáng.

Ngọc Trân nhờ Tường mua hộ vài món ăn miền Nam, cô nhớ khu chợ cạnh trại quân có bán nên đi đến khu vực phía sau hoàng thành. Lúc này phiên chợ cho lính đã tan, chỉ còn đôi quán nước rải rác người. Dắt ngựa đi qua lại một lúc, cô chợt nghe tiếng gọi.

“Cô chiêu nhà Hậu quân tới đây làm gì thế?” Thái Công Triều ngồi khoanh chân dưới bóng cây, ngẩng đầu nhìn cô mà cười. Nghe về món ăn cô muốn tìm, anh ta chỉ tay. “Nhà cô Hai Bản có bán đấy, nhưng cô ấy sắp đồ về rồi, để tôi đưa cô đi tìm.”

Nghe thế, Tường liền buộc ngựa dưới gốc cây, đi theo Thái Công Triều vào trong khu nhà lính. Loanh quanh một lúc, anh ta dẫn cô đến gian phía sau nhà ngục Thị trung, nơi cô Hai kia dùng để trữ hàng. Nhận gói bánh trên tay, Tường lại nghiêng người ngó qua ô cửa phía sau nhà, vốn nhìn thẳng vào sân của nhà ngục.

“Ông Thành ở trong đấy thế nào rồi?” Nghĩ muốn tỏ ý quan tâm, Tường bèn hỏi. Trái ngược với suy nghĩ của cô, Thái Công Triều nhún vai.

“Không biết.” Có vẻ rất quen thuộc cô Hai Bản này, anh ta tự nhiên ngồi trong gian nhà, rót nước trong ấm trà uống cạn. Trước vẻ mặt thắc mắc của Tường, anh ta lại nhíu mày. “Chẳng lẽ tôi phải ở đây trông ngóng coi chừng ông ấy mỗi ngày à?”

“Chẳng phải anh quan tâm ông ấy lắm sao?” Cô hỏi. Thái Công Triều nhíu một bên mày, rồi nhìn cô mà cả cười.

“Bấy lâu nay cô chiêu nghĩ gì thế?” Anh ta vừa nói vừa cười. “Ông ấy là một đại quan, nếu tôi quan tâm đến cả ông ấy thì phải quan tâm bao nhiêu người cho đủ? Thống chế Trung dinh Thần sách quân là Trần Công Lại, Phó Thống chế là Nguyễn Văn Soạn, tôi chỉ để tâm đến hai người ấy cũng đủ mệt rồi chứ.”

“Nhưng…” Tường ngẩn người. Nghĩ lại thì quả là trước nay Thái Công Triều chưa bao giờ nói quan tâm Nguyễn Văn Thành, chỉ là cô thấy anh ta đứng với Lê Văn Đức rồi tự suy nghĩ. Ngay cả trên tường thành hôm nọ, anh ta cũng đâu có nói lý do lo buồn cho cô. Chẳng lẽ từ đầu đến cuối cô đều đoán sai hết về con người này?

“Trung dinh Thần sách quân dạo trước được phái đi kinh lược Thanh Nghệ, rồi về trấn thủ Thanh Hoa, tôi hay về Kinh là để báo cáo. Cho nên người muốn hỏi chuyện ở Thanh Hoa thì tìm đến tôi thôi mà.” Thái Công Triều dứt tiếng cười liền chống tay nhìn cô, ngón tay vẽ một vòng tròn nhỏ. “Chuyện vây bắt Lê Duy Hoán lần này cũng do chúng tôi thực hiện đấy.”

“Thế lần trước anh buồn cái gì?” Nghe thế, Tường lại đâm vừa bực bội vừa bối rối, thấy mình như một đứa ngốc tự vẽ chuyện tưởng tượng. Lúc ấy, lần đầu tiên cô mới biết một khả năng kỳ lạ của Thái Công Triều: anh ta có thể đẩy kẻ bên cạnh vào sự rối loạn do họ tự tạo ra, chỉ bằng lối nói chuyện không biết đâu là đầu cuối.

“Cô không nghe Lê Duy Hoán khai nhận trong ngục sao? Là Nguyễn Văn Thuyên chủ mưu toàn bộ việc này. Chúng tôi nhận được tin báo của quan Kinh Bắc để theo dõi chúng lâu rồi, đằng nào cũng là Diên Tự công, làm sao muốn bắt là bắt, phải gom trọn cả ổ thì mới có thể nói chuyện.” Ngón tay Thái Công Triều nhịp bên thái dương anh ta. “Khi hoàng Tư thành Thái tử thì tôi nghĩ, thôi thế là xong đời cả bọn rồi. Nghĩ cũng đáng tiếc.”

“Nguyễn Văn Thuyên câu kết với Lê Duy Hoán thật à?” Nghe chuyện, Tường lại quên hẳn sự khó chịu vừa thoáng qua, cô ngồi xuống trước mặt Thái Công Triều, hạ giọng hỏi.

“À, việc này…” Anh ta nhíu mày, đưa mắt qua ô cửa sổ tới sân nhà ngục. “Cô nghĩ Tả quân Lê Văn Duyệt là người thế nào? Thì án đều do ông ấy tra khảo ra đấy. Nguyễn Văn Thuyên trước không chịu nhận là mình viết thơ, thì Tả quân khảo xong phải nhận. Lần này Thiêm sự Nguyễn Hựu Nghi cũng đã bị hoàng thượng chuyển làm Ký lục Quảng Bình rồi, ở đây còn có ai nữa đâu.”

“Tả quân chắc không phải người nham hiểm dựng chuyện ép cung đâu.” Tường nói nhỏ. Dù Tả quân không ưa Trung quân, có thể không chừa cho cha con Nguyễn Văn Thành đường sống, nhưng Tả quân không phải loại bịa đặt dựng chuyện giết người.

“Tùy cô nghĩ thế nào thôi.” Thái Công Triều chỉ cười. “Có những người tự cho rằng mình thẳng thắn quang minh, nhưng gặp chuyện thì thiên kiến chủ quan, có khi làm sai ở đâu cũng không biết, vẫn tự cho là mình đúng.

“Huống hồ ông Trung quân kiêu ngạo làm mất lòng người đâu phải mới một hai ngày. Đến người được Trung quân tiến cử bao lần như Nguyễn Duy Hòa còn đem bụng oán ông ấy, nhân lúc Văn Thuyên có chuyện mà đàn hặc Trung quân đủ các tội từ trước đến nay, như được giao làm luật nước mà tự tiện bỏ điều luật, giấu tội cưỡng gian vợ người cho thuộc hạ, xây mộ mẹ vượt phép.” Thái Công Triều cười trong cổ. “Thật ra loại người gây khó chịu nhất là kẻ tự cho mình thanh cao, nhưng việc làm thì lại tùy tiện, sai quấy chẳng bao giờ biết nhận. Lần trước cô nói rằng làm hỏng hết cả đám người xung quanh rồi lại cứ nghĩ là vô tội, lời thì đúng nhưng nói giữa trại quân tai vách mạch rừng chẳng có lợi cho cha cô đâu.”

Hóa ra đó là lý do anh ta đuổi khéo cô ra ngoài, Tường vẫn còn ngơ ngẩn nghĩ khi rời khỏi căn nhà. Người thanh niên này không biết nên nói là tinh ranh như cáo hay tâm tư khó dò, anh ta muốn người khác nghĩ thế nào thì là thế ấy, trong khi vẫn giữ kín bưng về bản thân. Viên Tham luận Thần sách quân này quả thật chỉ có sở thích tìm hiểu thông tin rồi đem ra ngoài trò chuyện, hay anh ta chạy khắp các nẻo trong Kinh thành nhằm mục đích khác?

Vì tò mò, mấy hôm sau Tường lại thơ thẩn tới trại quân tìm Thái Công Triều. Không thấy anh ta đâu, cô liền đến căn nhà phía sau ngục Thị trung. Quả nhiên anh ta ở đây, nhưng đang chăm chú ngóng nhìn qua cửa sổ vào trong nhà ngục. Tường nghe tiếng ồn ào phía ấy, liền trông qua vai anh ta, thấy một toán người vẻ mặt nghiêm trọng đang chạy xuôi ngược trong khoảng sân. Dường như cả toán lính Thị trung đang loạn.

“Có chuyện gì thế?” Cô hỏi khẽ. Thái Công Triều đưa ngón tay lên môi ra dấu yên lặng.

“Nguyễn Văn Thành tự sát trong ngục.” Anh ta thì thào. Tường cũng giật mình. Nhưng có vẻ xác Nguyễn Văn Thành đã được chuyển đi, toán lính này đang ồn ào khám xét toàn nhà ngục, tra tìm những người đã canh gác ông ta.

Thấy cái bóng nghiêng nghiêng đổ qua đám cỏ cao mọc trước cửa sổ, Thái Công Triều vội ấn cô ngồi xuống. Họ nghe tiếng thì thầm rất khẽ bên trong sân.

“Ông hoàng nói sao?” Tường nhận ra giọng Tả Thống chế Hoàng Công Lý. Thời gian này ông ta hay đi cắt quân canh gác quanh thành, cô cũng đâm ra quen cái giọng ấy.

“Ngài bảo cứ giao cho hoàng thượng, cẩn thận đừng để bị chặn.” Người kia đáp. “Tốt nhất tướng quân để cho người khác cầm, đừng tự làm.”

Tiếng chân kia đi xa, để lại thanh âm ồn ào trong nhà ngục Thị trung. Cô thấy bóng Hoàng Công Lý rời khỏi hiên nhà, liền quay lưng chạy theo. Viên Tả Thống chế này hẳn phải đến cung báo cáo về cái chết của Nguyễn Văn Thành trong nhà ngục của mình. Cô cũng muốn xem ông ta đã bắt được thứ gì để trình cho nhà vua.

Khi Tường vào cung nội, men theo con đường phía sau để đến điện Trung Hòa, nhìn qua cổng hậu điện đã thấy Hoàng Công Lý đứng trong sân.

“Ông ấy sau khi bị tra hỏi trong Võ công thự thì có vẻ buồn bực lắm.” Hoàng Công Lý vẫn đang kể tiếp câu chuyện của Nguyễn Văn Thành. “Ông ấy nói rằng: ‘Án đã xong rồi, quân xử thần tử, thần bất tử bất trung’, rồi bỏ đi nằm. Khi chúng thần gọi dậy thì đã thấy ông ấy uống thuốc độc tự sát.”

“Thành không có một câu biện bạch, ngược lại tính đổ hết tội bức ép hắn chết cho trẫm?” Nhà vua đứng quay lưng, Tường không nhìn thấy mặt ngài ta, chỉ nghe giọng nói kềm nén đầy phẫn nộ. “Cha con hắn từ trước đến nay vẫn vậy, tội thì leo lẻo chối, nhưng tra ra thì chẳng sai tội gì, vậy mà vẫn tự coi mình là công thần huân cựu không ai dám xử. Chỉ biết dùng cái chết tránh tội thì đúng là bọn dơ bẩn.”

Hoàng Công Lý im lặng thõng tay đứng trong sân khi nhà vua đi đi lại lại, dường vẫn chưa hết bàng hoàng. Hồi lâu, bỗng có tên quân chạy lại, đưa một tờ giấy vào tay Hoàng Công Lý, thì thầm với ông ta mấy câu. Hoàng Công Lý liền tiến tới, dâng tờ giấy lên cho nhà vua.

“Bẩm, quân vừa tìm được thứ này dưới giường ông Thành, không dám chậm trễ trình lên ngay cho hoàng thượng.”

Tường nhìn nhà vua mở tờ giấy, rồi tay ngài ta bỗng run run. Ngài ta bật lên một tiếng nấc khẽ trong cổ. Viên quan bên cạnh tiến lên toan hỏi, được ngài ta đưa tờ giấy sang cho.

“Sớm tối rèn đúc thành tội cực ác cho cha con tôi, không tố cáo vào đâu được chỉ có chết đi mà thôi.” Viên quan nọ đọc khẽ. Nhà vua cúi đầu đi vào điện, Tường dường nghe như có tiếng khóc. Cô cũng nhẹ chân rời đi.

Tình cờ sao, cô lại thấy Nguyễn Phúc Kiểu phía bên kia con đường. Để tránh mặt anh ta, cô liền chạy thẳng vào điện phía đối diện, xuyên qua cái điện ấy mà trở về cung nội. Vừa đi cô vừa nghĩ thầm, quả nhiên, anh ta cũng tới.

‘Ông hoàng’ mà Hoàng Công Lý nhắc tới hẳn là Nguyễn Phúc Kiểu, người vừa thân thiết với ông ta vừa liên quan dây mơ rễ má đến việc này. Nhưng giao thư của Nguyễn Văn Thành cho nhà vua thì có lợi gì cho anh ta? Ai cũng biết Nguyễn Văn Thành không ưa Nguyễn Phúc Kiểu, theo tính người bình thường thì cứ để ông ta chết đi trong tội trạng nhục nhã mới bõ ghét. Kể cả với tình hình đang xảy ra trong kinh thành, gán cho Nguyễn Văn Thành tội mưu phản cũng sẽ khiến Nguyễn Phúc Kiểu bớt bị lời ong tiếng ve bủa vây hơn. Giao lá thư của Nguyễn Văn Thành, cho thấy là nhà vua đã không bảo vệ ông ta, bức ép ông ta tới chết, ngược lại sẽ đẩy toàn bộ oán hận lên đầu Nguyễn Phúc Kiểu.

Tả Thống chế Thị trung Hoàng Công Lý đã phải hỏi ý Nguyễn Phúc Kiểu trước, vậy mà anh ta vẫn cứ làm thế vì lý do gì?

Bỗng cô nhớ tới lời Thái Công Triều hôm trước về Ký lục Quảng Trị Nguyễn Duy Hòa, người được Nguyễn Văn Thành cất nhắc rồi lại đi đàn hặc ông ta. Sau vụ việc đó, Nguyễn Duy Hòa đi qua cửa Đoan Môn mà không xuống kiệu, bị Trương Phúc Đặng bắt được, giải cho nhà vua. Lại là một viên tướng Thị trung khác ra mặt xử trị những người quyết ép chết Nguyễn Văn Thành. Nhìn hành động của Hoàng Công Lý hôm nay, nhóm người này hẳn đều đồng lòng nhất trí.

Vì một Nguyễn Văn Thành đã bị cách chức, chưa bao giờ ủng hộ mình, để ra mặt đối kháng với những kẻ muốn ép ông ta tới chết – bao gồm cả Tả quân và nhóm người của ông ta? Đến cuối cùng thì Nguyễn Phúc Kiểu đang nghĩ cái gì?

Ngồi chơi trong cung một lúc đợi người vãn rồi Tường mới vòng cửa sau đi ra. Ở sân trước thành, cô lại thấy một nhóm người nho nhỏ. Lính đưa những người con trai của Nguyễn Văn Thành đang bị giam ở nhà ngục ra khỏi thành, bên cạnh là cỗ xe chở áo quan. Mấy người phụ nữ được tin chạy tới, lăn mình khóc ngất bên quan tài.

“Được tha là tốt rồi, chúng ta về thôi.” Viên Cai đội Trung quân đứng cạnh đó khuyên giải. Một cậu bé vẫn ôm chặt lấy xe chở quan, toàn thân run rẩy.

“Vua ép chết cha ta.” Cậu ta vừa nói vừa khóc. Những người lính lo lắng nhìn quanh, nhưng người ở đó đều tỏ vẻ không quan tâm đến họ. Cậu bé mà cô biết có tên Nguyễn Hàm nấc lên, gào thét càng to hơn. “Vua ép chết cha ta!”

“Thôi, ta về đi.” Lê Văn Đức vội che miệng Nguyễn Hàm, nhấc bổng cậu ta lên mà ra hiệu cho đoàn người đẩy xe về. Nhóm người im lặng rời đi dưới mặt trời mùa hạ đỏ ối. Sân triều vắng tanh, chỉ có lính canh dưới chân tường.

Thậm chí trong triều chẳng một ai đưa tiễn. Tường nhìn lại cổng thành trống, lòng chùng xuống. Qua một đợt phong ba, những người muốn giúp đỡ, ủng hộ Nguyễn Văn Thành đều bị nghị tội, rồi chẳng còn ai ra mặt. Các viên quan lớn khác trong triều đều quay lưng với vị Quận công quyền vị nhất triều đình mà chẳng biết lấy lòng người. Ngay cả những kẻ từng là môn khách, gọi ông ta là ân nhân cũng ra mặt phản phúc. Nguyễn Văn Thành chết ở nhà ngục trong sự cô độc tột cùng, hẳn thấy như bị cả thế gian phản bội.

“Tránh qua!” Phía sau cô chợt vang tiếng quát. Tường nhìn lại, thấy kiệu của Hoàng thái tử đang ở ngay sau lưng. Than thầm trong bụng, cô tránh sang bên quỳ xuống, không buồn đôi co với tên lính vừa dám quát mình. Nhưng viên nội giám theo hầu nhận ra cô vội cúi chào.

“Ta tưởng ngươi lại bỏ chạy.” Khi kiệu đi ngang, cô bỗng nghe tiếng nói. Mím môi, cô quyết định đứng lên, hạ giọng hỏi với cái kiệu.

“Sao đội Thị trung phải giao thư ra thế ạ?” Tính cô không thể giữ thứ gì trong lòng lâu, nếu câu hỏi này không được trả lời hẳn sẽ mất ngủ cả đêm.

“Ta không ưa bọn bè phái.” Người trong kiệu trả lời.

Đứng một mình nhìn chiếc kiệu đi xa, Tường thấy mặt trời mùa hè nóng hầm hập trên đầu.

Hóa ra vẫn là cô nghĩ nhiều. Không ưa, con người này thì chỉ có lý do ấy. Thấy Nguyễn Duy Hòa phản bội ân nhân, thấy cả đám người hùa nhau kết tội Nguyễn Văn Thành, thì thuận chân đạp một phát, bất kể đó là ai. Bất kể cả hậu quả.

Thái Công Triều nghe chuyện cô kể lại thì lăn ra cả cười. Quả đúng là đám thanh niên tân tiến, anh ta vừa cười vừa nói. Trong khi cô thầm nghĩ, Lê Chất cha cô nghe chuyện cũng sẽ cười, nhưng là vừa cười vừa mắng bọn người khờ dại ngốc nghếch. Sự lựa chọn của Nguyễn Phúc Kiểu luôn luôn có vấn đề, trong khi anh ta rõ ràng là một con người thông minh. Liệu Nguyễn Phúc Kiểu có nhìn thấy con của Nguyễn Văn Thành nghiến răng nguyền rủa trước cổng thành, sau khi ông ấy được thuộc hạ anh ta giải oan? Vì chuyện lập Thái tử mà Nguyễn Văn Thành bị ép chết, rồi thì người người sẽ chỉ ghi nhớ điều ấy.

Vì bất mãn Thái tử mà Lê Duy Hoán cùng Nguyễn Văn Thuyên mưu phản, rồi thì mọi người sẽ chỉ ghi nhớ điều ấy. Vì Nguyễn Văn Thành mà đội quân Thị trung với cả hai vị Thống chế trở mặt, những viên quan trong triều đình này sẽ ghi nhớ điều ấy.

Sau này, cô nghĩ liệu anh ta có làm thế nếu biết trước được tương lai, rằng cả Hoàng Công Lý và Trương Phúc Đặng đều bị ép chết tương tự như Nguyễn Văn Thành của ngày hôm ấy? Anh ta sẽ nghĩ gì khi đón xác Trương Phúc Đặng trơ cứng và tái xám vì thuốc độc trở về? Anh ta sẽ nghĩ gì khi đứng một mình trong sân đá mênh mông lạnh tanh này nhìn vì sao phía xa, chờ cơn bão tới?

Cũng có thể, anh ta vẫn nghĩ mình chẳng làm gì sai. Nguyễn Phúc Kiểu là người có thể hối tiếc, nhưng không biết hối hận.

 

Chú thích:

[1] Đại Hoàng Mai Đỗ thị ký tặng của Doãn Uẩn

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.