Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

54. Hải nguyệt tuỳ triều dũng
Trường An in "Minh nguyệt 2" May 26th, 2019
  1. Hải nguyệt tuỳ triều dũng, giang vân độ lĩnh quy[1]
    (Trăng biển theo triều dâng, mây sông qua núi về)

 

Sau này khi đã lớn hơn, cô lại thường thầm nghĩ, thời điểm Nguyễn Phúc Kiểu lấy Hồ Thị Hoa, chẳng biết anh ta có ý thức được rằng mình sẽ phải trả cả cuộc đời cho quyết định ấy?

Nhưng thật ra anh ta vẫn còn có thể thay đổi và đi con đường khác sau khi Hồ Thị Hoa qua đời, vấn đề là Nguyễn Phúc Kiểu không muốn. Dù ban đầu quả thật chỉ có Ngô Văn Sở bị cách chức, Phạm Văn Tứ về hưu đồng ý gả con cháu cho anh ta, mọi sự đã dần dần thay đổi từ khi Nguyễn Phúc Kiểu làm chủ tế cho Thái hậu. Sự ưu ái của nhà vua dành cho anh ta ngày càng lộ rõ, khiến Tham tri Nguyễn Khắc Thiệu đồng ý gả con sang phủ hoàng Tư. Tuy nhiên, thái độ lạnh nhạt cùng lời ong tiếng ve về các tuyển thị bị anh ta bỏ mặc lại khiến người người chùn bước. Vậy là phủ đệ của anh ta vẫn hầu như chỉ có một thị thiếp mà cha là hàng thần đã bị cách chức chục năm trước, không có cơ khai phục.

Anh ta chẳng hiểu gì cả, Lê Chất cha cô cười nói. Những mối quan hệ trên vùng đất này dựa vào ích lợi và ràng buộc. Từ những ràng buộc của gia đình, tộc họ, xóm làng cho đến vùng miền, và rồi họ dùng cách để với tay ra xa hơn, kết bè phái nhiều hơn để củng cố cái khối người ấy. Hôn nhân chính là một trong những phương cách để ràng buộc những con người với nhau, tạo cho họ một quyền lợi chung, sức mạnh chung. Hôn nhân là lời hứa hẹn chia sẻ lợi ích cho tương lai, là lớp phủ bên trên muôn vàn đầu dây mối nhợ nhung nhúc khác. Hôn nhân tạo lập nên thứ đầu tiên cho diện mạo con người trong xã hội, chỗ đứng cùng vị trí của họ.

Nguyễn Phúc Kiểu đã lựa chọn sai ngay từ lúc khởi đầu, và sẽ phải đem cả cuộc đời để trả. Anh ta là con trai của cô hầu tòng vong theo nhà vua, rồi anh ta tiếp tục lấy con gái một viên Cai đội vệ Túc trực được thăng lên Vệ úy chỉ vì cuối cuộc chiến quá nhiều người chết. Họ ngoại của anh ta không có được một thuộc binh, thậm chí cha vợ anh ta cũng đã về hưu chẳng còn giữ được năm trăm tên lính. Những người bạn cùng dinh Thị trung của ông ấy vốn chỉ có chút quyền vị ở kinh thành, nhưng ra khỏi nơi này thì tất cả chẳng là gì. Quyền lực ở trên vùng đất này vốn chẳng mấy nằm trên bề mặt, cũng chẳng trong tay những vị quan tưởng chừng quyền khuynh cả vua.

Điều ấy đã hiển hiện ngay sau khi tang lễ Hoàng hậu hoàn thành. Trung quân Nguyễn Văn Thành bị tố cáo tội mưu phản.

Tháng chạp năm ấy, Tường từ cung về thì trời bất chợt đổ mưa to. Cô đành chạy vào hiên nhà Lục bộ trú tạm. Đứng một lúc, cô chợt nghe tiếng nói sau cánh cửa.

“Vẫn chưa tìm được Đỗ Văn Chương sao?” Thanh âm của nam giới rất gần, dường như người cũng chỉ đứng ngay sau cửa.

“Tôi nghe nói hắn đến Gia Định rồi, nhà vua cũng vừa phái người đi tìm bắt hắn về Kinh.” Thanh âm này lại có chút quen tai đối với cô.

Người phía sau đẩy cửa, Tường vội tránh sang bên, thấy người mới ra là hai thanh niên trẻ. Một người mặc trang phục cống sĩ, còn người kia chính là Thái Công Triều. Hai người thấy cô cũng chẳng tỏ vẻ gì. Viên cống sĩ mở ô, trước khi đi còn quay lại dặn dò Thái Công Triều.

“Anh ở trong thành có gì nghe ngóng giúp. Tôi ở viện Cống sĩ chẳng mấy người thạo tin.” Anh ta chưa nói xong, Thái Công Triều đã bật cười.

“Anh tốt nhất nên về nhắc nhở cha nuôi Trung quân của anh gô cổ ông con Cả lại, khảo hết tất cả mối quan hệ, đuổi hết bọn môn khách, đốt hết tất cả thơ ca vớ vẩn đi. Lời nói gió bay còn sợ bị mách lại nữa là viết ra trên giấy.” Thái Công Triều vỗ vỗ vai người kia ra chiều thông cảm. “Với những kẻ như Nguyễn Trương Hiệu thì việc gì phải mất công đôi co, càng chẳng tội gì phải đem đến tận quan nha mà xử.”

“Cha nuôi tôi không quen làm việc khuất tất.” Thanh niên kia chỉ nhẹ cười. Tường chớp mắt, bỗng nhiên nhận ra anh ta. Cậu bé tên Đức con nuôi của Nguyễn Văn Thành ngày ấy vẫn ngồi viết dưới gốc thị.

Cô chưa kịp nghĩ nên làm gì thì Lê Văn Đức đã quay người rời đi. Thái Công Triều quay lại, thấy cô vẫn trân trối nhìn theo Lê Văn Đức thì vẫy tay trước mặt cô.

“Có cần tôi gọi anh ta lại không?” Thái Công Triều cười. Nheo mắt nhìn Tường một cái, anh ta chợt tặc lưỡi. “Ồ, giờ tôi mới nhận ra cô chiêu nhà Hậu quân. Sao người hầu đâu cả mà để cô đứng trong mưa ướt thế này? Vào nhà đi.”

Vừa nói anh ta vừa mở cửa cho cô đi vào gian hiên bên của trại quân. Dường Lê Văn Đức cũng vừa từ đây đi ra, tách trà anh ta vừa uống còn ấm nóng. Ngồi bên bàn, Tường lại ngẩn người nhớ đến những ngày còn tại Gia Định. Sự xuất hiện của một người quen cũ khiến cô bồi hồi ngậm ngùi một lúc lâu. Đến khi cô lấy lại thần trí thì Thái Công Triều đã pha xong một ấm trà khác, đặt xuống trước mặt cô.

“Cái người tên Đức ấy bây giờ ở đâu thế?” Không muốn vòng vo, Tường hỏi thẳng. Thái Công Triều cũng chỉ cười, dường không cho là lạ.

“Anh ta đậu Hương cống hai năm trước, đang ở viện Cống sĩ chờ bổ đi nhậm chức.” Rót trà ra tách cho cô, anh ta hấp háy mắt. “Nhưng cô chiêu đừng nên có ý gì với anh ta thì hơn. Đó là con nuôi của Trung quân, kẻ địch với Hậu quân đấy.”

“Toàn chuyện vớ vẩn thôi.” Tường đảo mắt nói khẽ. Nguyễn Văn Thành là một kẻ kiêu căng nhỏ nhen, theo như cha cô nói. Chỉ là Lê Chất cha cô say rượu nói xấu, oán thán ông ta vài lời, Nguyễn Văn Thành đã đem mách với nhà vua, hẳn có ý ép người tới chết. Năm xưa ông ta cũng mâu thuẫn với Tả quân chỉ vì mấy lời nói. Kẻ võ biền thô lậu chẳng biết khôn khéo, khi gặp chuyện thì cãi vã đánh chửi nhau là bình thường, hẹp lượng như thế nên chẳng ai ưa thích, có riêng gì cha cô.

Thái Công Triều này là Tham luận Trung dinh Thần sách quân, thuộc quyền giám quân của Hữu quân Phạm Văn Nhân bao lâu nay. Phạm Văn Nhân lại là bạn của Nguyễn Văn Thành, tang lễ của ông Nhân vừa rồi cũng do Nguyễn Văn Thành chủ tang. Nên Thái Công Triều có quen với Lê Văn Đức cũng là thường. Chuyện hai người vừa nói thì cô hiểu đôi chút. Môn khách tên Nguyễn Trương Hiệu trong nhà con trai Nguyễn Văn Thành là Văn Thuyên đem thơ của anh ta đi tố cáo tội mưu phản với Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt đưa thơ cho nhà vua nhưng được bảo là không có chứng cứ để xét. Dù vậy, Nguyễn Trương Hiệu vẫn nhất quyết giữ thơ đòi tiền Văn Thuyên, không được thì níu áo Nguyễn Văn Thành làm to chuyện. Nguyễn Văn Thành mới đem cả con trai và Trương Hiệu tới nha phủ, vào cung báo cáo. Hiện thời đang cho người tìm môn khách tên Đỗ Văn Chương của Nguyễn Văn Thuyên để điều tra.

“Không đâu, tôi còn đang nghĩ sao sự việc lại tình cờ đúng lúc thế này.” Nghe câu nói của Tường, Thái Công Triều nhoẻn miệng cười. “Trung quân ở Kinh bao lâu chẳng việc gì, nhưng giữa năm nay hoàng thượng mới triệu Tả quân và Hậu quân về Kinh thì cuối năm có chuyện ngay. Lại nghe nói Nguyễn Trương Hiệu kia cũng vừa mới đến xin làm môn khách nhà Văn Thuyên, xúi bẩy anh ta làm bài thơ kia.”

“Thì cũng tự tay anh ta viết, chẳng lẽ tên Nguyễn Trương Hiệu ấy ép được à? Kẻ trong lòng không có ý thì chẳng đâu ra được những câu ấy. Nghe chuyện kết giao hào kiệt, hẳn anh ta lại nghĩ dùng mấy câu phỉnh phờ của bọn chèo hát kéo họ đến phủ, rồi chuyện đùa hóa thành thật đấy.” Tường dửng dưng nói. “Người như thế trước sau gì cũng gây chuyện, không phải tên Trương Hiệu này thì cũng là kẻ Tống Mỗ khác. Kẻ thích cãi người cứ tự cho là mình hay, nói lắm kéo theo càng nhiều người thì tưởng là mình đúng, không nhận ra là làm hỏng cả đám người xung quanh, đến khi có chuyện lại tự cho mình vô tội là thế nào?”

Ấm trà dừng giữa khoảng không khi Thái Công Triều chăm chú nhìn cô. Rồi anh ta phá ra cười.

“Bấy lâu nay nghe nói Hậu quân là người khôn ngoan hiếm có, hóa ra con gái ông ấy cũng thật không vừa.” Anh ta chẳng biết đang khen hay mỉa cô. Tường vừa cau mày, Thái Công Triều đã nhìn ra ngoài cửa. “Mưa ngớt rồi, cô nên về thôi.”

Anh ta đưa cô ra đến cửa, còn lấy cho cô một chiếc ô do sợ mưa xuống giữa đường. Nhưng cầm ô đứng ở cửa, Tường thấy mình như vừa bị đuổi khéo.

Cái con người này… Cô không hề bảo anh ta mời cô vào nhà cơ mà. Anh ta có thể ẩn ý cha cô hại người quen của anh ta được, sao không thể cho cô nói? Chẳng lẽ người quen thân của Nguyễn Văn Thành đều một mực gàn dở như ông ta?

Nhưng hóa ra lúc ấy cô vốn chẳng hiểu ý Thái Công Triều. Chỉ mươi ngày sau năm mới, những biến chuyển âm thầm đã diễn ra trong kinh kỳ. Nguyễn Hoàng Đức được bổ làm Tổng trấn Gia Định. Thượng thư Hộ bộ lĩnh Hộ tào Bắc Thành Nguyễn Đình Đức về Kinh, cho Nguyễn Hữu Thận đến thay. Ngày đầu tháng ba, nhà vua thiết triều tại điện Cần Chính, cho Thượng thư Lại bộ Trịnh Hoài Đức viết dòng chữ ‘Lập hoàng tử Kiểu làm Hoàng thái tử’, bảo các quan ký tên vào.

Tháng tư, Nguyễn Văn Thành bị thu ấn tín cách chức, Nguyễn Văn Thuyên bị giam vào ngục.

Tháng sáu, Nguyễn Phúc Kiểu lên ngôi Hoàng thái tử ở điện Thanh Hòa.

Các buổi lễ kéo dài đến mười ngày, nhưng Tường đều không tới. Ngày cuối cùng, cha cô bắt buộc đem cả gia đình đến điện Thanh Hòa chúc mừng, cô phải miễn cưỡng đi theo. Tuy nhiên nhà vua trước đã bắt quan các thành trấn phải cử người về dự lễ, điện Thanh Hòa đông nườm nượp. Tường chỉ quấy quá lạy một cái rồi quay lưng ra ngoài, không chắc người trong điện có ai đã nhìn thấy cô. Vẫn chưa thể ra về, cô đành loanh quanh bên ngoài, rồi lên tường thành nhìn ngắm xung quanh.

Điện này nằm phía Đông hoàng thành, cô chợt nghĩ. Nhưng nơi này không nhìn thấy sông, cũng chẳng thấy mặt trời. Hướng mắt ra xa chỉ thấy sân đá mênh mông, điện đài nhấp nhô. Mỗi một lần, Nguyễn Phúc Kiểu lại nằm trong một vòng vây mới.

Nhưng cũng chẳng quan trọng nữa. Anh ta cứ sống cuộc đời của anh ta, còn cô gái nhỏ bé nọ đã tan biến vào mặt đất và bầu trời. Vốn dĩ cô ấy cũng chẳng bao giờ có thể liên quan đến cuộc sống này, những vàng son rực rỡ, huyên náo rạo rực này. Khi nhìn Nguyễn Phúc Kiểu trên chiếc kiệu đầu rồng tám người khiêng, voi lễ dẫn đường, cờ quạt ngũ sắc theo hầu, chiêng trống vang dội đi vào cửa thành, bỗng dưng cô lại nhớ đến hình ảnh cậu bé trên tàu chiến năm nọ. Lúc ấy, cô gái nọ nắm tay cô, như thể họ vĩnh viễn đứng ngoài cuộc đời của cậu ta. Đúng ra, nếu như họ có thể cứ đứng ngoài cuộc đời của cậu ta…

Vốn chẳng muốn buồn thương, nhưng cô lại rơi nước mắt. Mặt trời đang hạ sau lưng cô, để lại một khoảng trời mờ bóng mây trước mặt. Tiếng ve mùa hạ kêu inh ỏi trong lá, hơi nóng bốc lên ngái mùi đất chiều tà. Gió thổi ù ù trên tường thành, khiến cô không nhận ra người tới sau lưng.

“Này.” Bên cạnh cô bỗng vang tiếng nói. Thái Công Triều ngồi xuống bên cạnh, đưa cho cô cốc nước anh ta cầm trong tay. “Uống đi rồi khóc tiếp.”

Cô vội lau nước mắt, Thái Công Triều vẫn chỉ cười.

“Tôi cũng định lên đây khóc lớn một trận, ai ngờ có người tới trước rồi.” Ấn cốc nước vào tay cô, anh ta nói rồi lại quay đầu nhìn bóng chiều đang đổ xuống, thoáng chốc như đã quên bẵng cô.

Chuyện của Nguyễn Văn Thuyên vẫn đang căng thẳng. Một vài viên quan tìm cách gỡ tội, che chở cho cha con Nguyễn Văn Thành đã bị trách phạt, thậm chí xử tội ngược lại. Vụ việc này xảy ra cùng lúc với Nguyễn Phúc Kiểu được lập làm Thái tử, khiến cho có không ít lời ong tiếng ve đồn đoán. Nhà vua muốn triệt hạ Nguyễn Văn Thành để lập Nguyễn Phúc Kiểu, rất nhiều người cùng nói. Quyền Trung quân đã được chuyển cho Nguyễn Văn Nhân, Thái Công Triều phải tới điện Thanh Hòa lạy mừng, nhưng hẳn anh ta cũng như cô chẳng muốn nhìn thấy Nguyễn Phúc Kiểu.

Nghĩ vậy, Tường tự dưng cảm thấy anh ta không còn đáng ghét như trước, thậm chí có chút cảm thông.

“Việc lập trữ này mà xong rồi, ông Trung quân chịu kềm nén lại một ít thì qua thôi.” Cô bèn nói. Thái Công Triều đưa mắt nhìn cô, nụ cười khó hiểu thoáng qua trên môi mắt.

“Nguyễn Trương Hiệu là tịch sĩ cũ của Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Hựu Nghi, và tất cả đều là đồng hương Thanh Hoa với hai kẻ được Nguyễn Văn Thuyên gửi thơ đấy. Hơn nữa, Nguyễn Hựu Nghi là người của Tả quân.” Thái Công Triều chầm chậm nói, cười khẽ trong cổ. “Cô nghĩ hoàng Tư có khả năng với tay tới được đám quan lại ở Thanh Hoa, Bắc Thành à?”

“Ngay cả hoàng thượng cũng không thể đâu.” Thái Công Triều lại nhìn cô qua đuôi mắt với ẩn ý là lạ. “Cô có nhớ loạn lạc xảy ra ở Bắc Thành tám năm trước không? Năm ấy Hậu quân cha cô được phái đi đánh, đã dùng các thổ ty, thổ mục bản địa dẹp loạn, rồi xin lập họ thành hiệu quân để cai trị trong vùng. Nhưng hoàng thượng cho rằng để họ thành hiệu quân thì thể nào cũng họp nhau làm phản, không thể để lớn mạnh, nên phong họ làm Phòng ngự sứ, Phòng ngự đồng tri, thiêm sự. Sau này ở biên giới phía Bắc cũng thi hành như thế.

“Ngay lúc ấy, hoàng thượng đã biết đám người đi theo quân triều để diệt kẻ nổi loạn cũng chỉ là bọn kết bè làm loạn tiếp theo. Thứ gọi là trung là nghĩa đều là chuyện nực cười.” Thái Công Triều khoanh chân ngồi trên tường thành, ngẩng đầu nhìn bóng mây mà cười. “Cô có thấy một đàn thú chưa? Chúng tụ họp với nhau, gây bầy kết nhóm, cắn xé lẫn nhau để chiếm lãnh địa săn mồi, rồi cùng nhau đánh chén toàn bộ thứ nằm trong lãnh địa ấy. Thuật cai trị ở những nơi như thế là xé nhỏ chúng ra, để chúng tự kiềm chế lẫn nhau. Và các viên quan giống như cha cô chính là kẻ nắm giữ cái khối người ấy, bằng đủ thứ quyền lợi thỏa thuận riêng với nhau. Dân là nước? Khổng Tử chỉ là một ông già không ai buồn thu nhận. Thế gian này là lãnh địa của thú hoang, thứ gọi là dân chúng chỉ là bọn thú nhỏ theo đuôi, là thức ăn, tay chân cùng nô bộc cho kẻ nắm giữ tất cả - bằng đủ thứ ràng buộc mà họ tự tạo thành, bằng sức mạnh. Rồi cái đám dân ấy sinh ra quan lại, sinh ra vua chúa, triều đình cùng đất nước. Nói cho cùng, cũng chỉ là một đám rừng hoang, là biển cả. Đúng, như một đám nước, chúng dính chặt vào nhau mà dập dềnh.”

“Vậy theo anh, kẻ nào làm hại Trung quân?” Với những điều Thái Công Triều nói, Tường lúc hiểu lúc không, cô đành hỏi lại. Anh ta gật gật đầu.

“Thế thì phải nói lại mười năm trước, có một loạt vụ việc quan lại tham nhũng ở Bắc Thành bùng phát. À, có cả Ngô Văn Sở cha thiếp thất hoàng Tư liên can đấy.” Thái Công Triều cười nhẹ. “Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, hệ thống quan lại mới được thiết lập ở Bắc Thành, và sau đó thì họ hiện nguyên hình. Kẻ tham gia vào chiến tranh vốn có rất nhiều mục đích, kẻ đã lựa chọn phản bội niềm tin cũ của chính mình để đi theo triều đình mới thì lòng dạ khó lường, đến cả kẻ tưởng chừng kiên trung cũng chưa chắc tốt lành khi có quyền lực vào tay. Và rồi kẻ mới kẻ cũ, người này người kia tố cáo lẫn nhau. Những kẻ chiến thắng lập thành phe phái mới, kẻ thua cuộc thì tức tối đi kích động rồi phản loạn. Ông Trung quân chỉ là vị quan Nam làm việc trong cả đám quan lại Bắc Thành, thế nào mà hiểu được cơ cấu cùng quan hệ của họ? Lại thêm tính cách kiêu ngạo chỉ thích nghe điều tốt, cho mình hơn người thì đừng nói đến chuyện kết giao, liên lạc, khoản đãi đám thổ ty, thổ hào, lý trưởng tục tằn tham lam kia. Mọi việc ấy dành cả cho bọn người dưới, mà đến Đặng Trần Thường, Nguyễn Gia Cát còn có thể làm giả hàng ngàn sắc phong thì coi pháp luật ra đâu? Thế là chuyện tốt ông chẳng có miếng, chuyện xấu thì đổ lên đầu.

“Có mà đám người ấy nhân lúc nhà vua muốn lập hoàng Tư nên tự khơi chuyện đổ dầu vào lửa. Vua chúa xưa nay chả phải chỉ là kẻ gánh tiếng cho toàn bộ đám người dưới à? Hôn ám hay minh mẫn chẳng qua cũng chỉ là chọn lựa thế nào thôi. Hay nói đúng hơn, là lựa chọn được đám thú nào mạnh hơn để thôn tính cả rừng, bắt muông thú phải im thin thít.” Thái Công Triều lại cười. “Thế gian này không cần biết người đúng hay sai, tốt hay xấu, cao khiết hay dơ bẩn, đẹp đẽ hay thối tha, chỉ cần biết người làm đúng theo yêu cầu của nó.”

Tường im lặng, lờ mờ nhớ đến ký ức xa xôi buổi hoàng hôn nào ở Gia Định, những lời cha cô từng nói. Chỉ cần tôi thắng, đó là đúng. Và ông ấy đã trở thành Quận công chỉ sau ba năm chinh chiến, xây dựng nên một thứ quyền lực trải khắp nửa đất nước. Cho bà cô một cuộc sống chẳng khác bà chúa tại quê hương, cho họ ngoại của mẹ cô chỗ dựa vững chắc trong triều đình, cho tất cả người thân quen cơ hội để tiến thân, cho cô một cuộc đời vô ưu vô lo, tự do hạnh phúc. Cho cả quốc gia này một triều đại vững chắc, một thời gian bình yên.

Nghe tiếng ồn ào ở phía cổng thành, cô liền nghiêng người trông ra. Một nhóm quân tướng đang đi vào, cô nhận ra vài khuôn mặt như Phò mã Trương Phúc Đặng cùng trang phục của quân Thị trung.

“Hẳn tối nay họ đến điện Thanh Hòa ăn mừng đấy.” Thái Công Triều cũng nhìn ra, cười bảo. Tường nhìn nhóm người tiến vào cổng thành, nghĩ tới cảnh tượng mười năm trước, cũng bọn họ đã tới dự hôn lễ của con gái Hồ Văn Bôi. Hiện tại Thống chế Nguyễn Văn Khiêm đã qua đời, đội quân này được chia đôi, một nửa cho Tả Thống chế Hoàng Công Lý, nửa cho Hữu Thống chế Trương Phúc Đặng. Những người bạn chiến đấu của ông Hồ Văn Bôi phần đã rút lui, phần vẫn chỉ có chức vụ thấp, đội quân này với những chỉ huy mới đã kịp xác lập quan hệ với Nguyễn Phúc Kiểu. Hoàng Công Lý dù chỉ là một viên Vệ úy Thị trung thì cũng được trọng dụng lãnh Trấn thủ Bình Định, rồi tiến thẳng lên Tả Thống chế. Khi Nguyễn Phúc Kiểu đã trở thành Hoàng thái tử, hẳn ông ta sẽ còn tiến xa.

“Cũng đã kịp bâu đến rồi.” Tường cong môi lẩm bẩm. Trong mắt Thái Công Triều lại ánh lên vẻ thích thú là lạ.

“Cô nói, đám người này có làm được gì không?” Giống như cha cô, anh ta cũng hỏi.

“Được, sai đâu đánh đấy, thắng thì không chắc.” Tường nhếch mép. “Sai đại bàng đi đánh ổ chuột còn may ra, đụng đến cáo chồn thì đã thua rồi.”

Thái Công Triều bật lên tràng cười dài, nhưng không nói thêm. Tường cho rằng mình cũng hiểu những gì anh ta đang nghĩ.

Không chỉ Nguyễn Phúc Kiểu mà cả nhà vua cũng đang quá tự tin vào bản thân mình. Gọi những trọng thần về Kinh và bổ xuống vùng biên xa những viên quan được coi là thân tín, cất nhắc những người hỗ trợ mình, cho thế là chiếm được sức mạnh trong triều đình. Phải, triều đình, nhưng không phải là đất nước.

Bao nhiêu năm qua, Lê Chất cha cô lăn lộn từ Nam chí Bắc, gây dựng nên thứ sức mạnh không chỉ nằm ở mảnh đất nhỏ bé này, kinh thành ba vòng tường này. Bao nhiêu năm trước, nhà vua gượng dậy sau những chiến bại, tạo dựng nên đội quân và vương triều từ hàng trăm hàng ngàn đội quân, quan hệ rải rác khắp nơi. Bao nhiêu năm nay, các lực lượng này âm thầm trừ khử, dung hợp, kết nối với nhau, tạo thành các thế lực mới.

Nguyễn Phúc Kiểu vốn không hiểu, hoặc anh ta bất chấp, hay cũng có thể là, anh ta đã lựa chọn sai ngay từ khi khởi đầu.

Sau này, khi nghe lời đồn về Hoàng Công Lý ở Gia Định, cô thầm nghĩ: Hóa ra, mọi người chỉ biết Nguyễn Phúc Kiểu là con rể một viên Vệ úy Thị trung. Một kẻ không công trạng hay tiếng tăm mà được bổ nhiệm đến làm Phó Tổng trấn Gia Định, chịu trách nhiệm cho toàn bộ rối loạn xảy ra thời điểm ấy. Sự nhầm lẫn nào đó đã xảy ra, nhưng nhìn lại căn nguyên thì hẳn chẳng phải vô tình. Sự nhầm lẫn nào đó đã xảy ra, và người ta dùng nó để nhấn chìm anh ta xuống ngay lập tức. Mọi sự có lẽ đã khác, nếu anh ta lấy con gái của một vị Quận công, Chưởng dinh, Thượng thư danh vị sáng ngời.

Ngay cả nhà vua cũng đã quá tin tưởng vào thứ trật tự mình thiết lập, quá tin vào những kẻ tưởng chừng luôn trung thành không thể đổi thay. Thứ quyền lực cùng sức mạnh mà những người như Lê Chất cha cô nắm giữ có thể còn vượt quá sự kiểm soát của ông ấy. Đúng vậy, như sự việc của Nguyễn Văn Thành hiện tại, kẻ nào cũng có thể khoanh tay đứng ngoài coi như mình vô tội.

Thấy nhóm người trong điện đã ra, Tường đứng dậy trở về cùng gia đình. Thái Công Triều gật đầu đáp lời chào của cô. Khi đã xuống cửa thành, cô nhìn lên bóng anh ta vẫn yên lặng trên tường cao, mờ trong khoảng tối đang buông xuống từ mênh mông bầu trời.

Tôi lên đây để khóc, anh ta nói. Nhưng anh ta bảo không hận Nguyễn Phúc Kiểu cũng như nhà vua, chẳng đổ lỗi cho bất cứ ai. Anh ta chỉ nhìn bóng tối đang buông xuống kinh thành, và nghĩ đến những năm tháng sau đó, những biến động sẽ xảy ra sau khi Thái tử được lập.

Và ngay lúc đó, có lẽ anh ta cũng hiểu, đã chẳng thể cứu được Nguyễn Văn Thành.

 

Chú thích:

[1] Thai Dương chu dạ của Tùng Thiện vương




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.