Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

45. Thảo sái quy lai lệ
Trường An in "Minh nguyệt 2" May 7th, 2019
  1. Thảo sái quy lai lệ, hoa hàm khứ biệt tình[1]
    (Cỏ rưới lệ ngày về, hoa ngâm tình khứ biệt)

 

Trong thành Phiên An, bấy giờ tên là thành Gia Định, có một khu xóm nằm ngay sau cung nội. Các quan lớn có phủ đệ riêng ngoài thành, xóm này chỉ có nhà quan tướng nhỏ ở cùng với quân đội Túc vệ bảo vệ thành trì và vị chúa. Nhà xây theo lối phương Nam rào thấp giậu thưa nằm san sát bên nhau, thường chỉ có ba gian hai chái cùng một khoảng sân hẹp bao quanh, nhà này nhìn thấu qua nhà kia. Khi có người mới đến, họ lại dựng thêm một căn nhà đầu ngõ, xóm làng cứ thế mà dài rộng thêm ra. Không có ruộng để cày cấy, người trong khu đi thuyền chở hàng, mua bán, may vá hay làm việc vặt trong thành. Hiện tại đoàn quân đánh trận ở phương Bắc vẫn chưa về, trong phố chỉ gồm toàn phụ nữ trẻ con, nhưng ngày thường vẫn vắng vẻ do người tỏa đi khắp vùng làm việc.

Cô bé nhỏ gầy dường chỉ cần nghiêng người đã lách qua được hàng giậu. Cô kiễng chân nhìn qua cửa sổ gian nhà bên, thấy bóng người bên trong liền rụt đầu, định quay lưng bỏ đi thì nghe tiếng gọi.

“Tường đấy à? Vào đi em.” Hồ Thị Hoa có lẽ đã kịp thấy cô bé. Miễn cưỡng quay lại, Tường đẩy cửa ngách vào chái nhà, nơi kê hai cái giường mỗi bên phòng. Hồ Thị Hoa đang nửa nằm nửa ngồi trên giường, phía đối diện có một cô bé khác trạc tuổi, gương mặt mang nét khoáng đạt của người phương Nam.

“Chị Tuyết, con bác Phạm cuối đường.” Hồ Thị Hoa đưa tay giới thiệu. “Còn đây là bé Tường mới đến.”

“Tôi có nghe nói.” Phạm Thị Tuyết nhìn qua Tường, chỉ cười nói. Nghe Hồ Thị Hoa ho khẽ mấy tiếng sau câu nói, cô quay sang, cau mày. “Nghe bảo mi giữa ngày nhảy xuống sông, sức khỏe đã không tốt rồi lại còn nghịch dại thế à?”

“Vì hai cậu kia nhảy xuống sông, chị ấy lo cho họ.” Hồ Thị Hoa không trả lời, Tường liền nói khẽ. Phạm Thị Tuyết hừ một tiếng.

“Ai chẳng biết cậu Tư hay nghịch, chỉ có cậu ấy gây họa cho thiên hạ chứ cần ai phải lo?” Cô tuột xuống giường, đến quạt nồi thuốc đang nấu cạnh bên, luôn miệng cằn nhằn. “Hoàng Cả đã đi theo chúa công, giờ thành Gia Định chỉ còn hoàng Hai coi sóc, cậu Tư tha hồ chạy khắp nơi nghịch ngợm, đã rủ rê ngay được cậu Năm theo rồi. Lại còn nhân lúc các bà đi chùa mà rủ bọn chị em, dỗ anh Trương Phúc Đặng dẫn đến tận sông Song Ma chơi. Nhị phi mà biết thì lúc ấy mới lắm chuyện.”

“Phải, lúc ấy thật ra tôi sợ cho cậu Năm hơn.” Hồ Thị Hoa nhỏ giọng nói như thanh minh. “Mới có năm tuổi đi học lặn bơi qua sông, cậu Tư nghĩ gì mà lôi em mình theo như thế?”

“Ông hoàng con rách trời rơi xuống ấy tưởng ai cũng như mình!” Phạm Thị Tuyết lại nói như gắt. “Nhưng bà Nguyên phi bận trông coi mấy đứa cháu không để ý được đến cậu ấy thì thôi, chứ Nhị phi biết cậu ấy dẫn cậu Năm đi bày trò thì chúa công chưa về, cậu ấy đã ăn roi trước.”

“Nhị phi cũng là mẹ đẻ cậu ấy mà.” Hồ Thị Hoa nói càng nhỏ hơn. Cô vẫy tay gọi Tường ngồi cạnh bên. Phạm Thị Tuyết nhấc ấm thuốc rót ra chén, quạt cho nguội, tỏ vẻ không nghe thấy câu nói của Hồ Thị Hoa.

“Người nhà của chúa công là thế nào đấy ạ?” Nghe câu chuyện của các cô bé, Tường lại lên tiếng hỏi. Phạm Thị Tuyết quay nhìn cô, rồi nở nụ cười.

“Em mới đến, rồi sẽ có lúc phải vào cung hầu, nên biết qua chuyện nhà chúa công một chút.” Phạm Thị Tuyết nhấc chén thuốc đưa cho Hồ Thị Hoa, lại ngồi xuống giường đối diện. “Ngài ấy trên còn Quốc mẫu và hai người chị, hiện có một Nguyên phi, dưới là Nhị phi cùng vài thê thiếp khác. Sau loạn năm Giáp Ngọ, chúa công theo chú chạy vào Nam, gia đình ngài ấy trốn lánh ở nhà Nhị phi, rồi được đón đến đây. Sau mấy lần loạn lạc thì cả nhà chỉ còn ngài ấy cùng hai chị, một người ở góa, một người lấy Hậu quân Võ Tánh đang ở Quy Nhơn đấy. Quốc mẫu bây giờ chỉ thích niệm Phật, chơi với mấy đứa cháu, tính người rất hiền, năm xưa Nguyên phi vì chuyện của hoàng Cả mà tức giận, phải nhờ Quốc mẫu hòa giải mới xong.

“Nguyên phi con nhà công thần Tống Phúc rất lừng lẫy, năm xưa chúa công xưng Nguyên soái lấy lại Gia Định là đến nhà bà ấy hỏi cưới. Nguyên phi theo chúa công bao nhiêu năm, được người cả trong ngoài kính trọng, tính tình hiền hòa dễ chịu tuy đôi lúc không kiềm chế được thì cũng nổi nóng. Bà ấy khổ lắm, cha chú đều chết ở trận địa, sinh được hai người con trai thì con đầu mất ở Phú Quốc, con thứ hai là hoàng Cả hiện giờ từ khi bốn tuổi phải theo Thượng sư Bá Đa Lộc đến Đại Tây Dương. Khi trở về, hoàng Cả nhiễm phải thói tục Tây dương, chửi mắng cả tổ tiên lẫn thần Phật, Nguyên phi đau lòng không biết sao mà kể. Nhưng dần dần khuyên giải dạy dỗ lại thì hoàng Cả bây giờ ngoan rồi, đang theo chúa công chinh chiến lập nhiều chiến công lớn. Hoàng Cả được phong làm Đông cung Nguyên soái, tức là Thế tử nối nghiệp chúa công đấy. Cậu ấy lại có mấy người con vừa sinh, Nguyên phi xem như khổ tận cam lai rồi.

“Nhị phi là con nhà quan nhỏ triều Phú Xuân năm xưa, tiên tổ truyền đời làm nghề dạy học, thầy thuốc, xem bói. Loạn năm Giáp Ngọ, cha chú bà ấy phải chạy vào Quảng Nam trốn tránh, gia đình chúa công thì đến nhà bà ấy ở một thời gian, bà ấy làm người hầu cho Quốc mẫu và các công nữ, rồi theo họ đến đây. Năm chúa công phải chạy sang Xiêm, Nguyên phi không theo được đành phải lấy bà ấy làm Nhị phi để hầu chúa công. Nhị phi là người thân tín của cả nhà chúa công, từ lúc nhỏ tuổi đã cực kỳ tháo vát, tuy phải chạy loạn từ bé nhưng theo tục gia đình vẫn chăm chỉ theo chúa công học tập. Có điều bà ấy phải lo lắng nhiều việc, trong khi Quốc mẫu cùng Nguyên phi thì chỉ chăm lo ăn chay niệm Phật, chúa công đi suốt có nhìn đến việc nội cung bao giờ, nên tính tình Nhị phi nghiêm khắc lắm.

“Sau khi chúa công về Gia Định thì lấy thêm mấy người thiếp, có bà Lâm Thức mẹ của hoàng Ba, cô Hai, Ba. Trước đó ngài ấy có hoàng Hai, cô Cả đều kém hoàng Cả hai tuổi. Nhà neo người, Quốc mẫu rất mong có thêm cháu, nhưng từ khi về chúa công chỉ sinh toàn con gái, hoàng Ba thì thiếu tháng, ốm yếu quanh năm, may mà Nhị phi sinh được hoàng Tư, đến bốn năm sau mới có thêm cậu Năm. Tính ra đồng lứa với cậu Tư trong cung chỉ có bọn chị em, nên cậu ấy mới suốt ngày bỏ ra ngoài chơi, cậu Năm vừa lớn là rủ rê nhau đi nghịch phá. Cũng vì trong cung điện chỉ toàn con gái với mấy đứa trẻ mới sinh nên cậu Tư được họ bao che, hễ chúa công rút roi định đánh là họ quỳ xin cho. Hai người anh của cậu ấy tuổi tác cách nhau xa quá nên không mấy thân, vả lại họ cũng chẳng mấy khi vào cung nội. Hoàng Hai mẹ mất sớm, từ lúc tách ra lập phủ chỉ thi thoảng vào thăm Quốc mẫu. Hoàng Cả từ bé đã sống xa gia đình, với bà và mẹ không có gì chung để nói chuyện. Hai cậu ấy người là Nguyên soái, người là Khâm sai Cai đội cả ngày ở trong quân. Cậu Ba là cái bình thuốc, ra gió thì ngã. Cậu ấm con các quan đồng tuổi cậu ấy cũng ít.

“Thêm lúc cậu Tư ba tuổi đã nhận Nguyên phi làm mẹ. Hồi ấy hoàng Cả được phong Đông cung Nguyên soái ra trận, nên chúa công bảo Nguyên phi nhận cậu Tư làm con cho đỡ cô quạnh. Thế thì hay rồi, Nguyên phi có Đông cung, sau thêm mấy cháu, Nhị phi có cậu Năm, có bao việc lớn nhỏ trong cung phải lo, bọn chị em thì nuông chiều, quan tướng thì bao che, cậu Tư tha hồ lục tung ngõ ngách cả thành Gia Định này lên. Theo thủy quân học lặn, lấy ngựa phóng ra rừng, trộm cả thuyền quân đi chơi, mò đến cục Chế tạo nghịch súng, hỏi đến trò nào mà cậu ấy không biết? Suốt ngày lang thang ở phố chợ bãi thuyền, nghe ngóng toàn những việc kỳ quái đem về kể. Đáng lẽ chúng tôi phải gọi cậu ấy là hoàng Tư, nhưng cậu ấy trốn ra ngoài nhiều quá sợ người ta biết nên bảo gọi là cậu Tư cho thuận. Lâu dần đến cả đứa hầu cũng coi cậu ấy là cá mè một lứa chứ nào phải công tử vương tôn.

“Trong cung hiện thời còn công nữ Cả tuổi cũng lớn rồi nhưng chưa hạ giá, bảo muốn theo hầu Quốc mẫu và mẹ cho đến khi đại định rồi mới tính đến chuyện chồng con. Cô Hai sinh ngay sau khi chúa công về Gia Định, cô Ba, Tư sinh cùng năm, lớn hơn cậu Tư một tuổi, cô Năm nhỏ hơn cậu ấy một tuổi. Cô Sáu mới có năm, sáu tuổi, từ cậu Năm trở xuống thì còn đang bọc tã cả. Nhưng các cô cậu trong cung phần nhiều tính khí tự do vì chẳng có ai coi quản, mẹ họ thì thân phận thấp không bảo ban được. Cô Cả đến tuổi lấy chồng lâu rồi mà chẳng có ai giục, cũng không ai ép buộc nổi. Cô Tư, Năm tuy còn bé mà đã bắt chước bảo không muốn lấy chồng, chỉ thích ở với bọn chị em. Hai người chị của chúa công, người thì ở góa, người đến gần ba mươi mới hạ giá, các công nữ xem thế làm lệ, bảo không phải anh hùng cái thế như Võ Hậu quân thì không gả.” Vẫy cây quạt nan trong tay, Phạm Thị Tuyết cười lớn. “Mẹ của tôi bảo, trên đời lấy đâu ra nhiều anh hùng thế! Đến đời các cô thì chắc chỉ còn toàn cậu ấm gió thổi là ngã.”

“Các cô không nhất thiết phải lấy cậu ấm, đời nào cũng có anh hùng thôi.” Hồ Thị Hoa cười khẽ, vẫn ôm chén thuốc trong tay thổi nhè nhẹ cho nguội. “Người tài không kể xuất thân, chỉ cần mình không câu nệ là được.”

“Đúng vậy, bà em bảo cha em là một anh hùng.” Đang ngồi bó gối nghe kể chuyện, Tường gật đầu. “Cha em chỉ là trẻ mồ côi trong núi, rồi trở thành tướng quân, lập chí thành đại tướng. Chỉ cần cha em muốn là sẽ làm được.”

“Cha em…” Phạm Thị Tuyết hỏi, nhưng cô vừa nói thì Hồ Thị Hoa đã quay đầu nhìn sang cửa bên.

“Cậu định đứng ở đấy nghe lén chúng tôi tới bao giờ thế?” Cô cười khúc khích. “Nắng tỏa kim quang trên vòng kim cô rồi kìa.”

Bọn họ thấy ánh sáng lấp loáng chiếu qua khe cửa trước khi cửa bị đẩy ra, hoàng Tư Nguyễn Phúc Kiểu đứng trước cửa phòng. Viên ngọc kết trên sợi dây vàng buộc tóc cậu ta tỏa sáng lóng lánh trong nắng. Áo tơ lụa dệt sợi kim tuyến, giày da hơi bám bụi, cậu ta trông chẳng giống đứa trẻ hay lang thang với các cô thường ngày.

Nguyễn Phúc Kiểu im lặng bước vào, thả xuống chén thuốc của Hồ Thị Hoa thứ gì đó nằm trong tay cậu ta.

“Sao bệnh mà vẫn nói lắm thế?” Tuy nhiên cậu ta mở miệng đã châm chọc. Liếc mắt nhìn quanh căn nhà, cậu ta hỏi. “Không có ai ở nhà sao?”

“Mẹ tôi ra chợ, đưa ba em theo rồi, bảo dẫn hai đứa con trai đến nhà thầy xin học cả thể. Để chúng ở nhà thì chúng chỉ quấy cho tôi không nghỉ được.” Hồ Thị Hoa khuấy bát thuốc, không xem Nguyễn Phúc Kiểu vừa bỏ thứ gì vào, nhấp môi uống.

“Mẹ ta bảo cứ đưa hai đứa con trai vào cung học chung, sao phải tìm thầy làng ngoài?” Nguyễn Phúc Kiểu cau mày, nhưng Hồ Thị Hoa chưa lên tiếng, Phạm Thị Tuyết đã cười.

“Vào cung học còn tốn kém hơn thầy làng. Dù chúa công cho tiền giấy bút thì nhếch nhác quá coi sao được? Ngày tết phải lễ thầy, lễ cả Quốc mẫu, Nguyên phi, Nhị phi, chẳng lẽ đem vào một nồi khoai?” Cô có vẻ bỗ bã bộc trực chẳng hề để ý đến sắc mặt người đối diện. Nhìn từ đầu đến chân Nguyễn Phúc Kiểu, Phạm Thị Tuyết cười lớn. “Trông cậu như mới từ trong cung đi thẳng ra đây, thật là chói mắt.”

“Nghe chúa công sắp về, các thầy nắm ta lại khảo cho bằng hết sách.” Ngồi cạnh Hồ Thị Hoa, Nguyễn Phúc Kiểu duỗi chân uể oải nói. “Ta mà đọc sai một chữ, các thầy bị phạt bổng cả tháng, ai mà không sợ.”

“Cả Gia Định phải chỉnh đốn lại rồi, nên hôm nay cậu không phóng ngựa ào ào vào ngõ nữa.” Hồ Thị Hoa cười khẽ, liếc mắt ra cửa nhìn bóng con ngựa nhỏ được cột ở rặng cây đầu ngõ xa xa. Thấy bát thuốc trong tay cô đã cạn, Tường im lặng đón lấy đặt xuống cạnh bếp, rồi đến ngồi bên cạnh Phạm Thị Tuyết.

“Này, vào cung với ta đi.” Nguyễn Phúc Kiểu chợt nói. “Nguyên phi nghe nói ngươi bệnh thì bảo ta đưa ngươi vào cung tĩnh dưỡng, ngoài này khí hậu thất thường, ngươi thì yếu từ bé, nhà đông người không nghỉ được.”

“Cảm nhẹ thôi, tôi đi thì ai nấu cơm?” Hồ Thị Hoa cười, kéo chăn nằm xuống giường. Nguyễn Phúc Kiểu cầm cây quạt nan cạnh đó, phe phẩy quạt cho cả cô lẫn mình.

“Ta sai người đến nấu cơm, không thì lấy thức ăn trong cung đến cho.” Cậu ta thản nhiên nói, không nhìn thấy cái cau mày rất nhẹ của Hồ Thị Hoa. Nhặt trong góc giường ra một mảnh vải cùng kim chỉ, cậu ta mím môi. “Ngươi vẫn phải làm việc à?”

“Hoàng Tư à, tôi đã chết đâu mà cậu cuống lên thế?” Hồ Thị Hoa khẽ gắt. “Tại cậu mà tôi rơi xuống sông thì cậu từ nay về sau đi đứng cho đàng hoàng, cậu đừng kiếm chuyện gây họa nữa thì chúng tôi đều vạn phúc vạn an!”

“Ta về cung gọi người đến đưa ngươi đi.” Ném mảnh vải xuống giường, Nguyễn Phúc Kiểu đứng dậy nói. Cậu ta đã biến mất mà trong phòng dường vẫn còn lấp lánh ánh kim quang.

“Đúng là loại người không nói lý lẽ được!” Hồ Thị Hoa tức giận nhỏm dậy chỉ tay mắng. Phạm Thị Tuyết lại cười ha ha.

“Cậu ấy từ bé đã biết xin lỗi ai đâu, thế này là biết lỗi lắm rồi đấy!” Cô vừa nói vừa vỗ tay cười. “Là người khác thì hẳn đến cúi đầu nói: Xin lỗi, làm ngươi rơi xuống nước phát bệnh, ta xin mẹ cho ngươi vào cung chữa trị, việc nhà của ngươi ta lo hết nhé. Thế có phải đã đáng yêu không?”

“Nghe thế mới đáng sợ.” Hồ Thị Hoa bĩu môi lẩm bẩm. Phạm Thị Tuyết đứng dậy, gọi Tường chuẩn bị đồ đạc cho cô ấy vào cung. Một lúc sau, quả nhiên có một chiếc xe nhỏ đến, người mặc áo cung nhân đỡ Hồ Thị Hoa vào xe.

“Chị ấy thân với người trong cung vậy ạ?” Khi xe đưa Hồ Thị Hoa đã đi khuất, Tường mới hỏi khẽ. Trước Tường nhìn thấy Hồ Thị Hoa mặc quần áo mộc mạc, nhà cửa cũng chẳng có gì, lại nghe nói cha cô là người hầu của chúa, vẫn cho rằng cô chỉ là con quan nhỏ.

“Cha chị ấy là Hồ Văn Bôi, hiện là Thuộc nội Cai đội vệ Túc trực, đội quân kề cận thân tín nhất của chúa công. Bác Hồ ở cạnh chúa công lâu rồi, tòng vong Vọng Các hai lần với chúa công, trôi dạt khắp nơi cùng ngài, tình như người nhà. Chức quan thì cũng không phải là quá nhỏ, nhưng lương lính thời chiến có được bao nhiêu. Bác Hồ đâu phải tướng ra trận để được thưởng quân công.” Phạm Thị Tuyết vừa súc rửa ấm thuốc, dọn dẹp nhà cửa vừa kể lể. “Cai đội vệ Túc trực kể cũng có nhiều người đến nhờ vả, nhưng bác ấy thật thà như đếm, chẳng cho vợ nhận thứ gì, bảo chúa công chẳng nghe lời bác ấy đâu mà nhờ. Mấy năm nay chiến tranh, giá gạo muối ở Gia Định tăng từng ngày, việc trong ngoài bác gái phải một tay lo hết. Hoa từ bé đã yếu, lâu lâu lại bệnh, dưới còn ba đứa em hai trai một gái, trai thì phải đi học, con gái thì còn ẵm ngửa, mấy đồng lương của bác Hồ chỉ đủ cho bác ấy chi tiêu trong quân. May mà vì gần gũi lâu rồi nên Vương hậu, Quốc mẫu thỉnh thoảng lại nhớ tới giúp cho, các công nữ cũng ở cùng nhau từ bé thân thiết nên Hoa nó bệnh thì được đón vào cung nghỉ ngơi.

“Năm xưa thành chưa xây xong, cả nhà chúa công phải ở nhờ chùa, cậu Tư sinh ra tại nhà cũ của mẹ Nguyên phi, Hoa cũng sinh trong năm ấy. Quân Túc vệ ở trong thành gần sát ngay cung nội, các bà cũng năng đi lại với nhau, cho trẻ chơi cùng. Hai đứa từng đặt chung một chiếu, từ bé đã ỏm tỏi với nhau rồi.” Phạm Thị Tuyết cười nói. Dọn nhà xong, cô đưa Tường rời đi. Căn nhà chỉ cần khép cửa chứ không khóa. Nhác thấy bóng người bên nhà mình, Tường lại chui rào trở về.

“Con bé lại trốn đi đâu rồi?” Vừa đến chái nhà, Tường đã nghe tiếng cằn nhằn. Cô so vai, ngồi lút xuống đám cỏ quanh sân. “Cả ngày chẳng được việc gì, im ỉm lầm lì y như cái giống nhà cô!”

“Mẹ uống nước đi đã ạ.” Tường nghe giọng mẹ cô mềm mỏng nhẫn nhịn nói. Hai người có lẽ vừa mới trở về nhà. Cô nghe lẫn cả tiếng trẻ con ọ ẹ khóc.

“Nước này đã nấu chưa thế? Thứ con gái chẳng được việc gì!” Bà cô mắng bên kia nhà nghe rõ mồn một. “Tưởng đâu con gái nhà quan nhà tướng giỏi giang, hóa ra chỉ là một đám ăn hại.”

“Mẹ, việc gì con không biết làm thì con sẽ học mà.” Mẹ cô nói như sắp khóc, nhưng giọng bà cô vẫn không hề hạ xuống.

“Thôi, cô chiêu cứ ngồi yên mà ôm con, đừng làm hại chúng tôi nữa! Cơm không biết nấu, bát không biết rửa, ra đến chợ cũng không biết tính tiền, may mà còn biết cho con bú đấy!” Nghe như bà cô đẩy ghế đứng dậy, đi vào nhà trong. Tiếng trẻ con khóc òa lên, bà còn quát to hơn. “Để nó chết thì chúng tôi không trả nợ nổi với nhà cô đâu!”

“Vâng, mẹ đi nghỉ ạ.” Mẹ cô lắp bắp nói, ẵm đứa trẻ ra đầu hồi dỗ dành. Tường lẩn càng sâu vào bụi cỏ, chỉ ước cỏ có thể lấp cả cô đi.

Trong nắng trưa phương Nam, hình bóng mẹ cô ốm yếu mỏng manh như ngọn cỏ. Năm ấy mẹ cô còn rất trẻ, chỉ vừa qua tuổi đôi mươi. Gương mặt với những đường nét nhạt nhòa, hình dáng gầy guộc thô cứng, tóc vấn chặt sau đầu, mẹ cô giống như ngọn cỏ mùa khô phương Nam, dù có mặc áo đại hồng, đeo vàng ngọc cũng chẳng sáng tươi lên được.

Một gương mặt mà nếu không mang danh phận con của Tư lệ Lê Trung thì hẳn đã chẳng mấy ai nhìn tới. Nên Lê Trung đem cô con gái Lê Thị Sa gả cho cậu thanh niên mồ côi nghèo khó Lê Chất, đến cả mẹ anh ta Đào thị cũng cảm thấy khó chịu. Bà càng khó chịu hơn với cô tiểu thư chẳng hề biết trồng rau nuôi gà, thậm chí chẳng nấu được một bữa cơm. Nhưng việc đã có người hầu, Lê Trung đem tới danh vọng và tương lai cho cậu con trai, bà phải tìm cách lấy lòng cả nhà thông gia lẫn cô vợ của con. Cho đến khi tất cả sụp đổ.

Ngày ấy, cái xác giả của Lê Chất được đem về Quy Nhơn, Đào thị vật mình lăn khóc. Bà nắm lấy Lê Thị Sa cào xé nguyền rủa tất cả họ hàng tổ tiên cô. Người hầu trong nhà đi hết, nhà cửa bị người ào đến khám xét đập phá, Tường vài ngày không có gì ăn khi bà chỉ lo than khóc, mẹ cô bất lực ngồi nhìn. Lần đầu tiên trong đời, con bé nhặt một đôi giày cũ đi ra ngoài đổi lấy cái bánh. Cô đã lần lần nhặt đổi như thế cho đến khi cả nhà bị đuổi về làng quê cũ của Đào thị. Quê của cha cô chỉ có rừng, đồi núi và đất cát. Muỗi mòng, rắn rết, ve vắt dày trong từng lùm cây. Những ngày chỉ có lá cây rừng lót dạ, những đêm kinh hoảng nhìn muỗi bay đặc ngoài màn, nghe tiếng thú rừng tru hú từng hồi. Những con người lạnh lùng thù địch, căm ghét và nguyền rủa.

Phù Ly là đất phong của Nguyễn Quang Bảo, người vừa bị giết chết ở thành Quy Nhơn. Lê Trung là người bức chết Nguyễn Nhạc, Thái Đức đế của người Quy Nhơn. Kẻ phản bội, tên phản phúc, đám trẻ réo gọi sau lưng cô, người lớn cười cợt và mắng chửi trước mặt cô.

Cha cô trở lại, đem cả nhà vào rừng trú ẩn. Nhưng vì quá khó khăn, cha đến tìm một người bạn cũ ở thành Quy Nhơn. Cô vào ở trong trại quân, lại có cơm ăn, áo mặc. Được một thời gian yên ổn, cha lại đưa họ đi, giấu vào rừng. Rồi một toán người đến, đưa họ tới đồn Nhạn Tử ngoài thành Quy Nhơn.

Và cô lại nghe những lời nguyền rủa. Hàng ngàn, hàng vạn lời nguyền rủa. Hàng quân Quy Nhơn có đến ba vạn, bọn họ phải ra hàng vì Lê Chất cáo giác cho quân Nguyễn chặn đánh quân cầu viện của Nguyễn Văn Ứng, chặt đứt toàn bộ hy vọng của người trong thành. Những toán hàng quân bị giam giữ mặt mũi lầm lì, những quan tướng Quy Nhơn giận dữ chửi mắng. Ngay cả các tướng trong quân Nguyễn cũng cười cợt và mắng chửi. Tên phản phúc, họ thì thầm với nhau. Vài viên tướng cũ của Nguyễn Nhạc không giấu thù hận ra mặt. Chủ tướng trong đồn phải nhanh chóng cho cả gia đình đi thuyền về Gia Định.

Con ta vừa lập công lớn, công vô cùng lớn, chỉ có bà kiên định nói, cả gương mặt lẫn đôi mắt ngời sáng. Nó là một anh hùng, đạp bằng tất cả để tiến tới thành công, làm nên công nghiệp. Các người chỉ ghen tị, kèn cựa với con ta. Rồi các người xem, con ta sẽ đứng trên toàn bộ các người!

Cha cháu là một anh hùng, tất cả khó khăn này là để đánh đổi cho thành công vang dội mai sau. Bà lẩm bẩm nói, trong ngày mưa nước dột tong tong qua mái nhà vừa lợp tạm. Tường im lặng ra chợ, nhặt nhạnh mấy thứ củ quả rơi rớt của phiên ban sáng. Em cô vừa sinh còn đang bế ngửa, mẹ cô lại vừa làm cháy một nồi cháo. Gia Định buổi chiến tranh, giá gạo muối tăng từng ngày.

Cha cháu là một anh hùng, con ta là một anh hùng, bà cô có thể vẫn đang lầm bầm trong giấc ngủ trưa mệt mỏi dưới nắng trời gay gắt. Mẹ cô có thể đang lẩm nhẩm thầm thì với em trai cô điều đó trong lúc ngóng trông về phương Bắc, nơi cha cô đang dùng máu và nước mắt đổi lấy công danh. Nơi cô đã bị xua đuổi không còn chốn quay về.

 

Chú thích:

[1]




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.