Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

42. Dị phiếu yêu đào đoan kết tử
Trường An in "Minh nguyệt 1" April 25th, 2019
  1. Dị phiếu yêu đào đoan kết tử, chung hôi linh bạng hữu di châu[1]
    (Đào non dễ rụng còn kết trái, trai cháy thành tro để lại châu)

 

Y trở về Hà Tiên đã vào tiết Thanh minh hai năm sau.

Vì mối quan hệ với Trương Sùng Hi, y không phải cập cảng Hà Tiên mà đi từ biên giới Xiêm La thẳng qua Cần Bột. Dưới hình dạng một dân thương hồ sống trong vùng Chân Lạp, y đưa thuyền nhỏ chở tiêu đến Hà Tiên, dừng chân tại Đông Hồ. Các quan trong vùng đã được thay thế gần hết so với trước khi y đi, Trần Chấn chuyển về Kinh, Hồ Công Chỉ đã qua đời. Hiện tại Bố chính Đoàn Khiêm Quang và Án sát Hồ Công Hy, Lãnh binh Hoàng Văn Lý đều là người hoàn toàn xa lạ mà y chỉ được nghe qua cái tên. Vả lại tỉnh thành đã được chuyển về vùng Giang Thành, khu vực Hà Châu trở nên vắng vẻ. Do đó y không lên bờ tìm cách báo lại với quan trong hạt, chỉ ở yên trong vụng chờ đợi.

Việc y trở về Hà Tiên vốn cũng là không nên, nhưng từ khi nghe tin báo, y không đừng được sự nôn nao, đã đích thân vượt qua trăm dặm để về nơi này đón người.

Theo thỉnh cầu của y, Phú Xuân đã chấp nhận cho thêm một người họ Mạc tới Xiêm La giúp đỡ. Vốn ban đầu họ định đưa người từ Nghệ An sang thẳng Vọng Các, nhưng không hiểu vì lý do gì lại thay đổi ý định, chuyển tới Hà Tiên để tìm cách đến Xiêm. Đã biết rõ sự tháo vát của các quan coi việc giao thương của triều đình, nhưng không đừng được lo lắng, đồng thời cũng do đang lang thang ở vùng biên giới, y liền vượt Cần Bột về Hà Tiên.

Do thám báo là việc tối mật, y không biết người được cử đi là ai, cũng chẳng biết bao giờ người ấy sẽ đến. Nhưng y hiểu rõ, khi người ấy về, nhất định sẽ tìm tới Bình San.

Chờ đợi mấy ngày, vào một đêm nọ, rốt cuộc y cũng đã thấy bóng người xuất hiện trên con đường lên núi. Thấy ánh lửa lập lòe trong gian thờ họ Mạc dưới chân núi, người ấy ngập ngừng một lúc rồi bước đến.

“Cha…” Trong bóng tối, y gọi khẽ. Mạc Công Tài nghe tiếng y, nhưng gương mặt vẫn bình thản. Ông bước vào đền thờ, quỳ lạy đủ lễ rồi mới quay sang, đi theo y vào gian nhà trong. Đền thờ này sau cuộc biến loạn vẫn không được sửa chữa, mái ngói lẫn tường đã sụp ít nhiều. Y tắt đốm lửa, chỉ nhờ ánh trăng suông chiếu qua cửa cùng mái thủng lỗ chỗ mà nhìn người cha đã lâu không gặp.

“Ta được cử sang Xiêm La phụ giúp cho con.” Nhìn quanh nghe ngóng một lúc, Mạc Công Tài lên tiếng. “Hoàng thượng bảo, công việc con đang làm rất tốt, nhưng chỉ có một người khó quản được tất cả việc trong ngoài. Liên hệ với người ở Vọng Các hay các quý tộc Xiêm La thì ta vẫn thông thạo hơn con.”

“Anh Hy ở Kinh thế nào rồi ạ?” Y hỏi. Trong bóng trăng, y vẫn nhận thấy cái cau mày rất nhẹ của Mạc Công Tài. Ông im lặng một lúc rồi mới trả lời.

“Đáng lẽ lần này thằng Hy được phái đi, nhưng đã được đưa khỏi ngục tới Nghệ An rồi, nó lại thoái thác bảo không có đường, không thể sang Xiêm. Hoàng thượng mới cử cha đi thay thế.” Mạc Công Tài thở dài. “Từ khi cha thằng Hy mất, nó đã không còn muốn làm gì nữa. Lần này có cơ hội ra khỏi ngục, gần như là tha bổng rồi, vậy mà nó cũng không muốn làm.”

Y im lặng, nghe tiếng ếch nhái côn trùng rền rĩ trong đêm. Cha y đã được giải phóng, nhưng Mạc Hầu Hy vẫn còn bị giam giữ, y không biết mình nên buồn hay nên vui.

“Mấy năm nay con vất vả rồi.” Dường vẫn quan sát y từ khi vào phòng, Mạc Công Tài nhẹ mỉm cười. “Hoàng thượng bảo, việc biên giới mấy năm nay chỉ nhờ vào con. Mùa xuân năm trước, quân Xiêm – Lào đánh Trấn Định, Trấn Tĩnh, tin thám báo đưa về mà ngài còn chẳng tin, không ngờ chúng đánh thật. Xiêm sau khi thua ở Chân Lạp thì dựa vào người bản địa mà quấy phá, lại nhằm đến những lúc, những nơi mà ta không ngờ nhất. Vào những tháng cuối năm thuận gió, chúng ta tung quân canh phòng cả Gia Định thì chúng lại im lặng, đợi đến tháng ba đi quấy nhiễu Trấn Định, Nghệ An. Khi nghe tin báo cả vạn quân tập trung ở Nam Chưởng, hoàng thượng không tin, bảo thám tử chỉ là người do thám mà sao lại có thể nói chuyện được với cả tướng lĩnh, biết cả tên tướng địch, nắm được quân tình như thế - Hóa ra có một đám người hết quấy rối Nghệ An lại tới Nam Chưởng, Hải Đông, Chân Lạp, Xiêm tập trung đám dân tứ xứ nhằm mục đích nhiễu loạn biên giới ta là chính.”

“Hoàng thượng tự cho mình là thông minh, nhưng bị thông minh hại đấy.” Nghe chuyện, y lầm bầm. Y đã phải đích thân đến Nam Chưởng, uốn ba tấc lưỡi, thi triển ba sáu phép thần thông để được vào ‘làm phép’ cầu may cho chính viên tướng Phọc Nha Thu La Ma, nghe viên tướng này đọc vanh vách kế hoạch tấn công – mà sau này đều là thật cả. Hóa ra tiếp được tin báo thì chỉ có quan địa phương khẩn trương sắp đặt, còn vị hoàng thượng nghi thần nghi quỷ kia cho y là phét lác chỉ vì tin tình báo quá chi tiết rõ ràng.

“Hoàng thượng nhiều việc nên lắm khi hấp tấp, phải có người cẩn trọng kỹ càng giúp đỡ, cũng có khi nghe vậy mà không phải vậy đâu.” Mạc Công Tài cười khẽ. “Tin biên giới chuyển tới phải qua Nội các viện rồi mới đến tay hoàng thượng, con báo có cả vạn lính Xiêm ở Nam Chưởng thì biên giới chưa rối, người Phú Xuân đã rối. Chúng cũng không đánh vào một lúc mà cử từng toán nhỏ quấy nhiễu, con báo sớm mà như thế chưa chắc đã là chuyện tốt.”

“Cho nên sau này con chỉ còn bám theo quân Xiêm, thấy chúng ở đâu báo ở đấy thôi.” Y nhún vai. Năm trước vua Chân Lạp là Nặc Chăn qua đời, Xiêm đưa anh em Nặc Giun về biên giới, dàn quân bên ngoài dòm ngó. Từ Nam Chưởng chạy về, y nghe ngóng được toán quân tuần phòng ở Bắc Tầm Bôn kể chuyện thấy người đưa Nặc Giun đến Hải Tây thám thính. Nhưng thấy phòng tuyến Trương Minh Giảng sắp đặt, Xiêm đã phải nản lòng, chỉ có thể quấy rối vùng Nghệ An mà không thể lấn xuống Chân Lạp. Một viên cựu An phủ sứ người Phiên ở Hải Tây ngầm mưu với Xiêm cũng bị y phát giác, Xiêm đành bó tay thúc thủ ngoài biên. Đến tháng chín, Phi Nhã Chất Tri xua quân lén tấn công phủ Trà Lô nhưng bị đánh tan.

“Nhờ biên giới an ổn mà hạ được Phiên An.” Mạc Công Tài chợt nói. “Trước quan quân định ra mưu kế đào hào sâu tiếp cận chân thành, vừa khiến tường thành sập đổ vừa có thể tránh đạn pháo. Triều đình định đến mùa xuân hè mới tấn công vì e mùa đông Xiêm tiến đánh. Nếu năm ngoái ở biên giới mà động, việc Phiên An chẳng biết còn dằng dai đến khi nào.”

“Cũng do Nông Văn Vân bị giết rồi đó thôi, Phiên An còn cớ gì để trụ?” Y nhàn nhạt đáp, có vẻ như không muốn nói thêm.

Tháng bảy năm ngoái, thành Phiên An bị hạ, rồi cái tin ấy cũng đã theo các thương thuyền báo khắp nơi. Tàn quân của Nông Văn Vân có một phần bỏ chạy sang Nam Chưởng, sợ hãi kể lại lúc đội quân người Thanh được các tướng Việt Nam thuê xông qua biên giới, bắt giữ cả nhà Nông, Bế. Thấy chứng cứ người Nam đưa ra, quan quân nhà Thanh cũng hợp lực truy bắt. Nông Văn Vân bị săn đuổi, đốt cháy rơi xuống vực trên đất Thanh. Toàn bộ hy vọng còn sót lại của người ở Phiên An tan vỡ - sau tháng mười một năm trước, Vũ Vĩnh Lộc trúng đạn chết ngoài thành. Anh ta đã không thể cầm cự được đến giờ khắc cuối cùng của Phiên An.

Và những câu chuyện vẫn còn tiếp tục, kể về khu thành đã gần như sụp đổ hoàn toàn sau trận chiến cuối cùng, kể về cuộc thảm sát bên dòng sông và ngôi mộ khổng lồ ‘Biền tru’ chứa hàng ngàn thi thể trong cánh đồng Tập Trận. Như một cánh đồng, ông lão người Thanh vừa kể vừa khề khà khói thuốc. Xung quanh là một hệ thống đường hào ngoằn ngoèo đào đến tận chân thành, làm sụp đổ từng mảng tường thành. Bên trong là những hào tránh pháo, những khu nhà méo mó đen kịt, cũng y một cảnh tượng như ở ngoài. Như một cánh đồng mùa hạn đã bị thiêu cháy đến ngọn cỏ cuối cùng, nứt toác dưới làn khói tanh hôi không rửa nổi.

Hình ảnh ấy trở thành một vết nứt âm ỉ dưới đáy lòng y. Tháng bảy năm ngoái, y đang lang thang trong núi rừng biên giới Chân Lạp, tình cờ mà đi lạc vào một đền thờ cổ đã bị bỏ hoang. Khu vực này vốn là kinh thành cũ khi Chân Lạp còn hùng mạnh, nhưng hiện thời đã điêu tàn dưới những đợt sóng chiến chinh, đình đài vùi trong cây cỏ. Y đã ngồi trong đền đá, nhìn con ong rù rù bay qua, và thầm nghĩ: yên ắng thế này, thật tốt.

Có lẽ bọn họ cũng nghĩ như thế. Yên ắng thế này, thật tốt.

Nhưng thế gian này chẳng có thời khắc nào dừng lại. Chấm dứt rối loạn trong nước, nhìn thấy khả năng của y, nhà vua muốn biết nhiều hơn về kẻ địch Xiêm La, ngoài những tranh chấp ở biên giới. Đất nước này đã mở cửa cho tàu thuyền Tây dương, đã trở thành gần như một thuộc hạ của Tây dương, phải đưa quân mộ người cấp lương tiền cho Anh Cát Lợi đi đánh trận – nhưng cũng đồng thời kêu gọi cùng chiêu dụ những nước Tây dương khác, quân đội Hoa Kỳ đã xuất hiện nơi cảng Vọng Các. Cậu nghĩ Xiêm La đánh Việt Nam chỉ vì tranh cãi vặt vãnh sao, chẳng phải đâu, họ có thế lực Tây dương đỡ lưng đấy – một người y gặp ở bến cảng cười. Anh Cát Lợi đánh Miến Điện vì muốn xâm nhập vào Quảng Tây, Xiêm cũng muốn chiếm Nam Chưởng, Ai Lao để trao đổi với Tây dương, mà như thế phải tranh cả Chân Lạp. Xiêm La là một nước giỏi việc trao đổi hơn ai hết, và họ sẽ dùng Ai Lao, Chân Lạp, kể cả Miến Điện, Việt Nam để trao đổi cho tự do của bản thân.

Để hiểu rõ Xiêm La, kể cả Tây dương cùng ý định của chúng ở nơi này, phải xâm nhập vào Vọng Các. Qua mấy lá thư trao đổi, nhà vua quyết định đưa thêm một người họ Mạc đến thẳng kinh đô của Xiêm La.

Nhưng Mạc Hầu Hy đã từ chối cơ hội ấy, nhường lại cho cha y. Y không biết tình trạng của anh ta hiện tại, nhưng nhìn ánh mắt cha y thì hiểu là chẳng mấy tốt đẹp. Nhận biết khiến cho vết nứt trong lòng y lại âm ỉ đau.

“Ta sống ở Kinh rất tốt, cũng giống như trước kia cùng bác Du được đưa về Kinh thời con chưa sinh ra thôi, cuộc sống nhàn nhã thanh tịnh. Thằng Hy đi vẫn hơn.” Trầm ngâm hồi lâu, Mạc Công Tài thở dài. Y lắc đầu, nắm cánh tay ông.

“Trương Sùng Hi mấy năm nay tìm người họ ta lưu lạc trong vùng, tìm được mẹ, em Chấn và thím nữa. Em Chấn và thím vẫn muốn ở trong nước, con đã cử người sắp xếp cho họ rồi. Mẹ bảo muốn theo chăm sóc cha, cha ở đâu thì mẹ đi theo đấy. Bây giờ cha đến đây cũng tốt.” Y mỉm cười. “Cha bàn với các quan để mẹ đi cùng, hẳn không có vấn đề gì đâu.”

“Cả mẹ con sao?” Mạc Công Tài hỏi lại, ánh mắt mông lung hướng về phía bóng tối trong hốc tường. “Mẹ con cũng muốn đi sao?”

Cha không muốn đi sao? Y nhìn thấy ánh mắt ông, lặng lẽ buông tay.

Mạc Công Tài ra đền ngoài thắp hương, cầm thêm một bó nhang lên núi. Ông rời khỏi lúc đã tờ mờ sáng. Y nhìn bóng ông trong màn sương xanh xao, cảm thấy hơi lạnh như ngấm vào tận tim.

Xiêm La trong ký ức cha y có lẽ chỉ là nỗi kinh hoàng ngày bé dại, là những mưu tính cùng áp lực đáng sợ dưới những mái vòm vàng. Ta ở Kinh sống rất thanh thản, có lẽ ông nói thật, đó cũng là cuộc đời mà y ao ước. Khi ra đi, y đã muốn dùng cả cuộc đời để bảo vệ ông, không nghĩ đến ngày ông lại bị cuốn vào cơn bão lốc của đời mình. Người mà y muốn cứu thoát khỏi tù ngục là Mạc Hầu Hy, nhưng có lẽ anh ta đã chẳng còn cần gì trên đời này.

Mạc Công Tài khởi hành rời khỏi Hà Tiên trước y. Nhằm tránh tai mắt, y không đi cùng chuyến với ông. Vẫn ở vụng Đông Hồ, y còn chờ đợi đôi ba người nữa.

Một buổi sớm tinh sương, chiếc thuyền nhỏ dừng trước mũi thuyền y. Y nghe tiếng cười trong vắt như chuông ngân trước khi mành thuyền lật lên, nhà sư già đi ra. Sau tấm mành tre, gương mặt cô gái trẻ nghiêng nhìn sang, dường như nắng còn óng trên gò má. Nhìn thấy y, ánh mắt cô gái chợt chựng lại, cô cau mày im lặng.

“Được chạy chữa thuốc thang, cô Hai khá hơn nhiều rồi.” Nắm tay áo cô Hai Lâm dắt sang thuyền y, sư Tràm cười nói riêng với y. “Ông Dương Đoan Bằng được phong làm Thái y hàm Thất phẩm, y đường khang trang, xây cả khu nhà thiện nguyện cho phụ nữ trẻ em bất hạnh sau trận chiến vừa rồi. Cô Hai sống ở đấy chung với các phụ nữ khác, nuôi nấng chăm sóc bọn trẻ. Bây giờ cô ấy không nhớ gì cả, nhưng tâm trí bình thường như một đứa bé gái, không đến mức như xưa.”

“Tốt thật.” Y gật đầu. Khi đề ra chuyện hợp tác với Dương Đoan Bằng, y đã nghĩ đến gửi gắm cô Hai Lâm cho ông ta. Thầy thuốc người Thanh này đã được phong làm Thái y phụ thuộc phủ Gia Định, gia thế vững mạnh, tài lực dồi dào. Y đi Xiêm La làm việc công, thêm các quan Gia Định giúp đỡ, việc chăm sóc cô gái này trở thành một phần nhiệm vụ của Dương Đoan Bằng. Nhưng chỉ sau khi y ra đi, Thái Công Triều bị gọi về Phiên An, Nguyễn Hoàng Nhiên bị tố tội sung sang Chân Lạp, Dương Đoan Bằng mới cho người đón sư Tràm và cô Hai Lâm đến y đường của ông ta. Có thấy hai người này biến mất, Thái Công Triều cũng không nghi ngờ và chẳng có đầu mối nào để theo dõi.

“Có vài người quanh vùng hỏi cưới cô Hai.” Sư Tràm chợt nói. Y ngẩng đầu, thấy ánh mắt thăm dò của nhà sư. Không biết nói sao, y bèn cười.

“Cũng phải nghĩ đến tương lai cho cô ấy rồi.” Không thể nói rằng y gọi họ đến đây để chờ đón một người chẳng tới.

Đúng vậy, người y chờ đợi vốn là Mạc Hầu Hy. Y vốn nghĩ mình suy tính rất chu toàn, rồi sẽ đưa mẹ đến ở với cha, đưa cô Hai Lâm đến gặp Mạc Hầu Hy. Cha y sẽ có cuộc sống an nhàn hãnh diện nơi kinh thành, còn bọn y sẽ cùng tung cánh vào khơi xa. Đó cũng là cuộc đời mà Mạc Hầu Hy mong muốn, vô cùng mong muốn.

Y có nên đưa cô gái đến Phú Xuân gặp Mạc Hầu Hy? Dù cô gái không nhận ra anh ta thì vẫn có thể khuyến khích Mạc Hầu Hy đứng dậy. Nhà vua đã tỏ ý không muốn tiếp tục trừng phạt Mạc Hầu Hy, rồi lần sau sẽ có một cơ hội khác.

“Tôi già rồi.” Dường lờ mờ nhận ra ý nghĩ của y, sư Tràm thở ra. “Một ông già với một cô con gái, tôi không đủ sức để bảo vệ cô ấy.”

Y nhìn cô gái trẻ ngồi đầu thuyền, tựa cằm lên gối ngắm nhìn đảo Tô Châu xanh biếc nắng. Dù mang tâm trí của một đứa trẻ, dù ngây dại đơn thuần, cô gái này vẫn đang ‘trưởng thành’, và nhà sư già chẳng thể bảo vệ, rào giữ cô trước cuộc đời, càng chẳng thể dạy cho cô về chuyện tình cảm trên đời. Y bắt cô đến Phú Xuân xa lạ chờ đợi Mạc Hầu Hy đang bị giam giữ có phải là chuyện nên làm?

“Để tôi nghĩ cách.” Cuối cùng, y đành thoái thác. Nghe tiếng chân y cùng nhà sư bước tới, cô Hai Lâm quay đầu. Nhìn y một hồi, cô vẫy tay ra hiệu y lại gần. Lấy trong túi đeo bên hông ra một nhúm vải, cô bỏ nó vào lòng bàn tay y.

“Trả.” Cô gái cười, đôi mắt cong như vầng trăng, dường nắng xung quanh cũng sáng rực lên. Y mở bàn tay, nhận ra túi tiền mình đưa cho cô hai năm trước, chỉ còn lại bao không.

Cô nhận ra y, qua chừng ấy thời gian? Thậm chí, cô luôn nhận ra y, trong sự ngây dại trống rỗng vô cùng? Có phải vì y hao hao một hình bóng nào đó thất lạc trong ký ức cô? Y ngẩn người, tự hỏi rồi tự lý giải, trong khi cô gái lại ngoảnh nhìn ra sông, khẽ ngâm nga một khúc hát trẻ con.

Đông Hồ bàng bạc nắng gió, dải bụi nước lấp lánh bay. Tô Châu ngân nga tiếng chuông sớm, bóng chim hót vang trong núi. Vùng đất nơi biên tái êm ả đón ngày sang, đem ánh nắng chứa chan mặt sóng.

Trong khoảnh khắc ấy, y đột nhiên hiểu ra tại sao Mạc Hầu Hy lại liều lĩnh làm mọi cách để được ở bên cô gái này, những gì anh ta đã thấy khi ngước nhìn ánh nắng nhảy múa ngoài ô cửa sổ mùa hạ nọ. Giấc mơ của Mạc Hầu Hy, vốn là được tung cánh vào bầu trời.

Không như giấc mơ của y những năm tháng ấy vốn chỉ là khoảng trời đượm hương mai tĩnh lặng. Ngước nhìn Bình San mờ trong khói nắng, y thầm nghĩ, lòng vẫn âm thầm rối loạn. Người vốn tự cho mình thông minh như y lại không biết phải giải quyết thế nào tình thế trước mắt.

Cuối mùa xuân, nam mai nở trắng rừng. Đang là tiết Thanh minh, mỗi ngày y vẫn lên núi thắp nhang cho các ngôi mộ. Khi y xuống núi lại chợt nghe tiếng nói chuyện, vài người lính đang đứng trước đền thờ họ Mạc, trong tay một người cầm thứ gì đó như bài vị.

“Các anh lấy gì thế?” Nghĩ họ lấy bài vị trong đền, y liền bước đến hỏi. Lúc này y đang mặc bộ quần áo nhếch nhác như dân đánh cá, nghĩ y là người sống quanh vùng, một người lính phác tay.

“Chúng tôi được phái đến đặt thứ này vào đền, nhưng không biết đặt ở đâu.” Anh ta đưa cái bài vị trong tay ra cho y xem. “Đền thờ hoang phế cả rồi, chỗ đặt bài vị cũng không đủ.”

Câu nói sau đó của người lính, y hoàn toàn không nghe được. Mấy chữ khắc trên bài vị đập vào mắt y: Mạc Hầu Hy.

“Mạc Hầu Hy… sao lại có bài vị?” Một lúc sau y mới mở miệng hỏi, thấy cổ họng khô rát như đau.

“Cậu ấy chết rồi, ở Kinh.” Người lính nói giọng Trực Kỳ thở dài khi thấy vẻ mặt y. “Người ở đây đều biết cậu ấy phải không? Đáng tiếc, họ Mạc chẳng còn ai.”

“Cậu ấy chết mấy ngày trước rồi, thư tín qua lại với Kinh mới báo cho quan Bố chính. Ông ấy bảo chúng tôi đi làm bài vị đặt vào đền thờ họ Mạc để tỏ chút ân nghĩa xưa.” Một người lính khác nói. “Chúng tôi không học chữ nên không biết sắp xếp thế nào. May quá, anh đọc được thì giúp chúng tôi với.”

Y im lặng đón bài vị trong tay người lính ôm vào trong đền, đặt cạnh bên bài vị Mạc Công Du. Mấy người lính thắp vội nén nhang rồi đi khỏi. Bàn tay y vẫn nắm chân bài vị, đầu ngón tay như đâm vào thớ gỗ. Mấy chữ ‘Mạc Hầu Hy’ bằng sơn mới như đâm vào mắt y, đồng thời lại chao đảo bồng bềnh tựa chìm sâu trong làn nước.

Mạc Hầu Hy đã chết, ngay sau khi cha y rời khỏi Phú Xuân. Mạc Hầu Hy đã chết, im lìm trong ngục giam, im lìm trong cô độc. Một cái chết chẳng đánh động được ai, chỉ có một bài vị khắc vội do người xa lạ đưa tới.

Mạc Hầu Hy đã đổi cơ hội giải phóng cho cha y, chẳng hề biết rằng cha y không muốn ra đi. Mạc Hầu Hy không hiểu, vì giấc mơ của anh ta là tự do.

Y vùng chạy khỏi đền thờ, vấp chân vào hòn đá cạnh đường mòn. Hoàng hôn đang đổ xuống, phủ cả khu rừng núi trong màu tím bát ngát. Bầu trời mở rộng về phía biển, ánh hồng rực rỡ như lửa cháy. Gió trên núi thổi xuống đã mang hơi sương lạnh. Khói nhang lẫn trong hương hoa đắng ngắt lồng ngực.

Ngồi bó gối cạnh đường lên núi, mất một lúc y mới nhận ra mình đang rơi nước mắt. Tiết Thanh minh, khu mộ vắng tanh. Tiết Thanh minh, xác Mạc Hầu Hy vùi chôn nơi đất lạ. Thế giới Thứu Lĩnh của y, hoàn toàn hoang vắng.

Y vốn nghĩ mình làm mọi cách để giúp đỡ Mạc Hầu Hy, nhưng bao giờ cũng là ngược lại. Mạc Hầu Hy đảm nhiệm mọi trách nhiệm của họ Mạc ở Hà Tiên, cho y thảnh thơi thư nhàn. Mạc Hầu Hy hất y xuống nước, nhận mọi tội trạng về bản thân. Mạc Hầu Hy quay trở lại ngục tù, để cha y ra đi. Vốn không phải vì cha y, mà là y. Giấc mơ của Mạc Hầu Hy, là tự do.

Chẳng còn ràng buộc, y đã có thể bay vào bầu trời. Không cần tên tuổi, thân phận hay trách nhiệm, chẳng một lo lắng bận tâm. Giải thoát khỏi một lời nguyền đời đời kiếp kiếp, bọn y đều đã từng mơ, vào ngày mùa hạ năm nọ.

Cái giá của tự do, chỉ Mạc Hầu Hy liều lĩnh đến cùng mới có thể trả.

Dưới chân núi, y gục đầu gào khóc. Tiếng khóc âm âm mất vào rừng cây và đá núi, những ngôi mộ đá im lìm.

 

Rồi từ ấy đã chẳng còn ai nữa

Thế giới Thứu Lĩnh, tiếng nhạc Tao đàn, vĩnh viễn vỡ tan

 

Chú thích:

[1] Điệu Nguyễn Quế Cơ kỳ 2 của Trịnh Hoài Đức




3 Responses
Lan

Nam ngoai to di qua Ha Tien, tinh co tham lang mo nha ho Mac, khi mo rat dep, tren doi Cao, co view nhin ra bien. Hoi do Chua doc truyen cua Ast.

Trường An

Hông phải biển đâu, Đông Hồ đó> :v

Lan

Thankx Ast da viet voi nhieu thing tin lich su, ma co le minh se Chang bao gio biet neu ko doc Ast.
May hom nay nghi viec vi bi om, o nha ranh nen co time doc mot mach Ast do :meo6:

Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.