- Thủ lạc vô tâm quan đắc thất, ngân ti quyển hậu mãn sơn thu[1]
(Giữ niềm vui vẻ không quan tâm được mất, dây tơ cuốn rồi núi đầy thu)
Tháng năm, Thành thủ úy Phú Quốc Nguyễn Văn Sương và Phó Quản cơ Hà Phú Trần Văn Cảm bị tố giác việc bắt Lãnh binh Nguyễn Quang Lộc giao cho Lê Văn Khôi. Cả hai bị lăng trì, chém đầu bêu ba ngày.
Tháng bảy, Vệ úy chư quân Thái Công Triều được phong làm Lãnh binh Hà Tiên.
Ngày hôm ấy, y cũng nhận được tin báo chuẩn bị lên tàu đến Xiêm La.
Sau thời gian dò hỏi, Trần Chấn tìm được danh tính một vị đạo sĩ có đôi chút tiếng tăm tại Quảng Tây đã mất tích trong lần vân du tới Hạ Châu, Mã Lai vài năm trước. Vì y vẫn còn quá trẻ, viên Trấn thủ Hà Tiên liền mộ một người Đường lớn tuổi ở Quảng Nam để giả danh vị đạo sĩ này, cho y làm đồ đệ của ông ta. Lấy giấy tờ của mấy thương buôn người Thanh bị bắt giữ trước đó chỉnh sửa lại, y đã có một tập thông hành đầy đủ dấu ấn các nước. Thậm chí không biết bằng cách nào, Trần Chấn có thể làm được cả tờ khai bản địa cho xuất thân của y, thư của một vị quý tộc ở Xiêm gửi cho nhóm đạo sĩ này mời họ đến chữa bệnh.
Quả nhiên là một vị quan cực kỳ thạo việc giao thương, y thầm nghĩ khi lật giở tập giấy dày đóng dấu son đỏ. Theo lộ trình của Trần Chấn vạch ra, y chỉ cần đi theo một tàu buôn đến Hạ Châu, rồi theo tàu thuyền ở đó tới Xiêm La. Thư của cha y từ Phú Xuân cũng đã đến, gửi cho y danh sách người có thể tìm tới liên lạc ngay khi vừa cập bến cảng. Nhóm người của Hồ Công Chỉ đưa thuyền về Xiêm vài năm trước bổ sung cho y những quy tắc, luật lệ mới của đất nước này sau khi ký kết quan hệ với Anh Cát Lợi. Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng cho chuyến đi của y.
“Cậu đi ngay lúc này à?” Ngồi bên kia phòng quan sát y cầm tập thư do Trần Chấn gửi tới, Trương Sùng Hi hỏi. Y biết anh ta lo lắng điều gì, nhưng chỉ cười.
“Việc của Đốc biện Đặng Chương cũng đã gần xong rồi, không cần phải lo.” Nghĩ một thoáng, cho rằng cần yên ủi Trương Sùng Hi thêm, y liền tiếp. “Lãnh binh Hà Tiên Bùi Công Lai lớn tuổi lại ngã bệnh nặng lúc này, công việc biên giới không biết an nguy lúc nào nên phải dùng Thái Công Triều thay tạm thôi.”
“Hắn ta trước đã có quyền Lãnh binh An Giang, sau được cử làm Lãnh binh đồn An Man, giờ lại đến Lãnh binh Hà Tiên, đó mà là ‘thay tạm’ à?” Trương Sùng Hi không cho là đúng, hừ khẽ trong cổ. “Bây giờ hắn đã nắm binh quyền cả vùng biên giới rồi!”
“Chức cao thì trách nhiệm lớn, khi có biến xảy ra thì anh ta phải đi đầu trận. Xiêm còn ở biên giới, tính toán được gì?” Y vẫn ra vẻ hàm hồ trả lời. Trương Sùng Hi có lẽ vẫn bất mãn, nhưng anh ta quyết định không tiếp tục nói thêm với y. Y cũng chẳng định bàn luận điều mình nghĩ với anh ta.
Đồn An Man mới được lập ở Nam Vang chỉ là một cái thành đất chưa xây xong, người còn tứ tán. Đến cả tỉnh lỵ Hà Tiên này cũng mới chỉ có lũy cũ Phù Dung do Mạc Thiên Tứ để lại cùng pháo đài Kim Dự đang xây sửa. Quân lính Chân Lạp nằm dưới quyền các quan Phiên chẳng nói làm gì, đến người ở Hà Châu, Kiên Giang còn chưa tập hợp về đủ, cơ sở còn chưa có. Chức vụ của Thái Công Triều nghe thì lớn lao, nhưng thật ra anh ta vẫn chỉ có đội hương dõng thân tín bên mình, và đội quân này thậm chí đang phải chia năm xẻ bảy theo những vị trí đồn trú mà anh ta được phong thêm.
Chia nhỏ đội quân này, đưa họ xuống dưới quyền của những viên quản lĩnh của triều đình, trong khi vẫn phong cho Thái Công Triều những chức danh ngất ngưởng khiến ai cũng phải e sợ. Để rồi anh ta bận rộn cùng mù quáng với địa vị cùng nhiệm vụ của mình, trong thời gian then chốt mà các quan Khâm phái đốc biện hoàn thành việc kiểm soát lại Nam Kỳ. Để Thái Công Triều đuổi theo những bóng ma cùng các mục tiêu tranh chiếm mới, tỉ như Trương Sùng Hi này hiện tại – và có lẽ, cả y.
Thái Công Triều có thể chẳng tin y đã chết trong cuộc phục kích sáng sớm hôm ấy, nhưng càng không hiểu tại sao y lại biến mất. Và trong sự nghi kỵ khẩn trương của mình, Thái Công Triều đã ra tay với những người mà anh ta nghĩ rằng sẽ hỗ trợ cho y – khởi đầu chính là Nguyễn Văn Sương.
Nguyễn Quang Lộc cùng Phạm Văn Bảo do Nguyễn Văn Sương bắt giữ - và giao vào tay Thái Công Triều. Dù hiện tại việc này nếu bị tố giác cũng chẳng làm thiệt hại mấy đến Thái Công Triều, anh ta cũng không thể dung một kẻ như Nguyễn Văn Sương, người có thể xoay theo bất cứ chiều gió nào có lợi, hoặc chỉ đơn thuần là không hề đặt lòng trung thành vào ai ngoài họ Mạc. Phải, Nguyễn Văn Sương đã bắt Lãnh binh Hà Tiên khi họ Mạc ra mặt quản trị vùng đất này, đã đi theo y bắt giữ và tiêu diệt phe nhóm Lê Văn Khôi, đã đứng ngoài nhìn Xiêm tiến đánh sau khi Trịnh Đường giữ họ Mạc đưa về Kinh. Y vốn luôn nghĩ rằng Nguyễn Văn Sương làm tất cả chỉ vì tiền bạc và lợi ích, nhưng thực sự, y đã hiểu gì về anh ta?
Y đã hiểu gì về những kẻ như anh ta? Y nhìn Trương Sùng Hi quay lưng ra ngoài theo lời nhờ phân phó chuẩn bị cho chuyến đi của y, nhớ lại lời của Vũ Vĩnh Lộc ngày hôm ấy: ‘Rốt cuộc, cậu hiểu được cái gì?’.
Hôm ấy, sau khi lặn tách khỏi nhóm người, y đã lần trở về doanh trại quân để tìm Lê Đăng Doanh. Dù ông ta cùng Tống Phúc Lương đã bị cách chức, việc bất ngờ xảy ra ở biên giới khiến Nguyễn Xuân phải đưa quân đi, hai người này vẫn ở lại Phiên An trông coi công việc. Nhưng y chưa tiếp cận được Lê Đăng Doanh, đêm ấy quân trong thành Phiên An đánh ra.
Nửa đêm, tiếng súng chợt nổ vang khắp ba mặt lũy, hỏa hổ phun lửa chói lòa những bóng người liều mạng xông đến tấn công lính canh phòng. Sau cuộc chiến vừa rồi, đội ngũ lính được cải tổ lại, cắt ban canh gác ngày đêm, nên dù bị bất ngờ, các cơ lính đã nhanh chóng tập hợp chống lại đợt tấn công. Một nhánh quân trong thành đột phá qua được lũy bị đẩy lùi lại. Trong đêm tối lù mù khói lửa chỉ thấy những bóng người chen lấn lẫn lộn không rõ hình thù, những bóng gươm giáo câu liêm loang loáng. Nhác thấy một người lính mặc áo đỏ bị câu liêm móc vào cổ kéo giật xuống lũy, y vội nắm lấy anh ta, mất đà cùng rơi xuống. Lính trong thành dưới hỏa lực của quân canh phòng vội vã chạy lui, kéo theo người lính mắc câu. Ngần ngừ một khoảnh khắc, y chạy theo.
Cổng thành dương mã đóng sập sau lưng, y vẫn còn cảm giác bàng hoàng như thể không tin được mình đã lại vào thành Phiên An.
Chẳng còn đình đài, cung điện, những khu phố khang trang, vườn hoa hồ cảnh trong trí nhớ của y, thành Phiên An chỉ là một khoảng đất trống mấp mô lũy đất hào sâu cỏ không mọc nổi, trong đêm trông như hàng hàng mộ địa. Chỉ những dãy nhà dựng sát chân thành còn đứng được vì ít phải chịu đạn pháo bắn vào. Y thấy cái đồn lũy nhỏ gần đó sáng lấp lánh trong đêm một cách kỳ dị, nhìn kỹ hóa ra tường lũy được đắp bằng các xâu tiền đồng. Trên nền đất cày xới của Phiên An, cái lũy tiền đồng đứng sừng sững lẻ loi, phản chiếu ánh lửa rừng rực xung quanh.
Tiếng động vang dội nối tiếp nhau khi các cổng thành đồng loạt đóng sập. Y chỉ vừa nhác thấy bóng vài con voi đứng bên cổng thành, người đã bị kéo giật đi. Dù y không mặc đồng phục quân chính quy, đội lính Phiên An vừa chạy vào đã nhanh chóng nhận ra y là kẻ bên ngoài. Nghe tiếng gọi chộn rộn hoảng hốt khắp thành, chúng vội trói y lại, ném vào một căn nhà gần cổng dương mã, rồi chạy đi báo cáo tình hình.
Mùi hôi thối trong căn nhà xộc thẳng lên óc khiến y choáng váng, phải một lúc lâu mới có thể định thần lại. Căn tù này có lẽ chẳng bao giờ được dọn dẹp, nền rơm đã mủn mốc, nhơm nhớp. Trong bóng tối, y chỉ nghe được tiếng chuột kêu rúc rích đó đây cùng mùi hôi khủng khiếp khiến y muốn nôn thốc nôn tháo ngay tại chỗ. Y thấy một bóng người bị ném vào chung, ngoài ra căn tù này chẳng còn ai khác.
Tiếng động bên ngoài dần lắng xuống, rồi y thấy ánh sáng mờ chiếu qua khe gỗ mục. Có tiếng chân đi tới, và y nghe một giọng Bắc Kỳ khàn khàn “Các ngươi đi!”.
Cửa gian nhà mở, hai bóng người cao lớn đi vào. Trong nắng sớm lờ mờ, y nhận ra Vũ Vĩnh Lộc và Nguyễn Văn Chắm, không có lính theo sau, lính canh tù cũng vừa bị đuổi đi. Nguyễn Văn Chắm hơi nhăn mặt vì mùi trong gian nhà, nhưng đích thân đến kéo tóc dựng người lính bên kia lên.
“Ngươi tên gì, quê ở đâu, trong đội nào?” Nguyễn Văn Chắm hỏi. Cả hai tỏ vẻ chẳng để ý gì đến y, có lẽ vì người lính kia mặc đồng phục tỏ rõ là lính triều đình, còn y chỉ như một hương dõng bình thường.
“Nguyễn Văn Điểm, quê Bình Định, dinh Tiền phong.” Im lặng hồi lâu, người lính cộc cằn đáp. Nguyễn Văn Chắm vẫn nắm tóc anh ta, hừ nhẹ.
“Đáng lẽ ta cho ngươi một dao chết tươi, treo đầu cho bọn ngoài thành biết, nhưng nghĩ lại ngươi cũng chỉ là một tên lính quèn đáng thương. Theo ta thì ta sẽ không bạc đãi ngươi.” Nhìn kỹ, y thấy trán Nguyễn Văn Chắm rịn mồ hôi. Giọng anh ta cũng có vẻ gấp gáp. “Khi ta đưa ngươi ra ngoài tra hỏi, hãy nói theo đúng lời ta: Quân bên ngoài đã bị đưa đến Chân Lạp gần hết, Xiêm lại đến tấn công, ở Bắc thì nơi nơi nổi lên, người trong thành ra thú đều bị xử tử cả. Nói sai một câu, ngươi lập tức rơi đầu, hiểu chưa?”
“… Được.” Nguyễn Văn Điểm trừng trừng nhìn Nguyễn Văn Chắm, nghiến răng thốt ra một tiếng. Viên tướng Điều khiển của Phiên An lập tức buông tóc, nắm cổ áo anh ta dựng dậy, kéo ra ngoài.
Ngoài khung cửa mở toang, y thấy những bóng người đứng ngồi trong khu đất trống gần cổng lớn. Có vẻ lính hôm qua rút về thành tập hợp chờ nghe tình hình. Vũ Vĩnh Lộc liếc qua y, dừng lại trước cổng căn tù, đứng yên quay lưng về phía y mà nhìn quang cảnh phía trước.
Thấy Nguyễn Văn Chắm lôi Nguyễn Văn Điểm ra, tiếng người lao xao. Rồi tiếng động lặng đi khi Nguyễn Văn Chắm cao giọng hỏi.
“Nói cho ta biết, tình hình quân Nguyễn bên ngoài thế nào?” Ném Nguyễn Văn Điểm xuống trước mặt quân lính, Nguyễn Văn Chắm quát. Y lại nghe khoảng im lặng hồi lâu trước khi giọng khàn đặc của Nguyễn Văn Điểm cất lên.
“Quân ta rất đông, cắt cử đội ngũ canh gác ngày đêm, một con ruồi cũng không trốn thoát! Quân Xiêm thua tả tơi không dám nhấc một bước qua biên giới! Bọn phản loạn ngoài Bắc cũng vừa bị bình định phải chui lủi như chuột qua Thanh, Ai Lao! Hoàng thượng ra lệnh tha cho toàn bộ người biết quay đầu ra thú!” Nguyễn Văn Điểm dường đang dùng hết sức bình sinh mà gào hét nhanh đến mức Nguyễn Văn Chắm không phản ứng kịp. Y nghe anh ta ‘Hự’ một tiếng, có vẻ như vừa lãnh một cú đánh, nhưng giọng vẫn chỉ khàn đi. “Ta đã bị bắt thì há lại sợ chết? Bảo thật cho lũ ngươi biết mà tìm lấy đường sống. Ngay cả trái ý giặc mà chết còn được phong hiển, chứ theo giặc mà chết thì chỉ làm lũ ma quỷ…”
Âm thanh cuối cùng của Nguyễn Văn Điểm lịm tắt trong một tiếng động rợn người tựa xương gãy vỡ. Nhóm người bên ngoài lặng đi, không một tiếng nói hay thậm chí là cử động. Y chỉ nghe tiếng bình bịch như một thân thể đang bị đấm đá liên tục. Và giọng quát hét của Nguyễn Văn Chắm lại giận dữ rống lên.
“Kẻ này là lính dinh Tiền phong, tay sai của tên Đảm, ba hoa dối trá nhằm lung lạc chúng ta! Bọn lính này ngày thường họp bè đảng ức hiếp chúng dân, ỷ thế bức bách chúng ta, có trò hèn mạt nào chúng không làm? Đến lúc thấy khó thoát khỏi cái chết vẫn quen miệng dối trá láo toét!” Tiếng đấm đá vẫn không dứt khi Nguyễn Văn Chắm gần như phát điên mà rống giận. “Triều đình họ Nguyễn gây oán than khắp chốn, nơi nơi các anh hùng hào kiệt khởi nghĩa dấy binh, rồi chúng sẽ phải tiêu vong! Bọn quan lính này bu bám vào quyền chức của chúng, giãy chết vẫn không từ!”
Vũ Vĩnh Lộc thở ra một hơi dài, quay vào nhà. Ngược sáng, y không nhìn được gương mặt anh ta. Vũ Vĩnh Lộc chỉ nắm cổ áo y kéo lên, lôi y ra ngoài.
“Ta đem kẻ này đi chém.” Vũ Vĩnh Lộc nói với tên lính thập thò ngoài căn nhà nhìn đám đông phía xa. Y thấy mình bị kéo đến chân cái lũy bằng tiền đồng kia. Nhưng Vũ Vĩnh Lộc không vào lũy, chỉ ném y xuống một cái hào cạn bên cạnh.
“Cậu Diệu, vào đây làm gì thế?” Nhìn y lồm cồm ngồi lên, Vũ Vĩnh Lộc nheo mắt nói. Để lẩn vào quân canh thành, y đã cải trang thành một hương dõng, bôi ít đất cát lên mặt. Nhưng trong thành Phiên An lúc này, quả thật chỉ còn Vũ Vĩnh Lộc là người quen thuộc nhất với y. Nguyễn Văn Chắm chỉ gặp y một lần, có lẽ đã sớm quên hẳn mặt mũi y.
Nhìn bộ dạng y lúc này, hẳn Vũ Vĩnh Lộc cho rằng y đã cố tình cải trang để xâm nhập vào thành. Với địa vị của y thì chẳng bao giờ cần phải ra đầu chiến tuyến để bị bắt.
“Tôi muốn báo tình hình vợ con anh.” Ngẩng nhìn Vũ Vĩnh Lộc, y nói khẽ. “Hai người đã bị bắt giam rồi. Em gái anh cũng đang bị giam giữ.”
“Tôi nghe nói Vũ Vĩnh Tài cũng vừa chết rồi, phải không?” Thấy Vũ Vĩnh Lộc vẫn im lặng, y liền nói tiếp. “Cả gia đình chỉ còn lại anh, chẳng lẽ anh muốn chết ở đây? Đúng như tên lính kia vừa nói, chẳng còn cơ hội gì đâu. Bọn Nông Văn Vân tấn công hai lần đều bại, anh em họ Nguyễn Hựu bị bắt giết cả rồi, các thổ mục cũng đang rơi rụng gần hết, quân triều đang tiến lên biên giới đòi tấn công qua cả đất Thanh. Xiêm đã bị đánh lui ở cả Chân Lạp lẫn Nghệ An, bây giờ đang ngược gió càng không có thời cơ tấn công lại. Anh ở đây là chờ đợi cái gì?”
Vũ Vĩnh Lộc vẫn im lặng, khuôn mặt sắt lại lầm lỳ. Y nghe văng vẳng từ xa tới tiếng của Nguyễn Văn Chắm vẫn đang gào hét. Khu thành này tràn ngập mùi hôi thối đến gần như tắc thở.
“Tại sao cậu lại vào đây? Chỉ để nói thế thôi à?” Vũ Vĩnh Lộc hồi lâu mới chậm chạp mở miệng. Khóe môi anh ta chợt động. “Vì em gái ta phải không?”
“Những kẻ như cậu, luôn không dám thừa nhận thứ gì, thậm chí không dám nhìn vào bản thân mình, trong khi tự cho rằng mình hiểu tất cả. Các người đứng trên cao nhìn lũ phía dưới vừa khinh thường vừa thương hại, vừa tự cho rằng mình tốt đẹp. Các người thì hiểu cái gì?” Y còn chưa kịp phản ứng, Vũ Vĩnh Lộc đã cười nhạt. “Ngay cả đứa em gái ta, nó thì hiểu cái gì? Nó được chúng ta bảo bọc, lớn lên trong sách vở, cho rằng chút ít thiệt thòi của mình là lớn lao bất hạnh. Nó chẳng hiểu cái gì đích thực là bất hạnh!
“Nó có phải lớn lên trong bùn lầy, sống như rác rưởi để bị gả bán cho một thằng nông phu rượu chè bê bết, bắt nó làm nô bộc nuôi cả nhà hắn? Nó có phải sống như một con chó kẻ đánh người đập, úp mặt quỳ lạy cả chó nhà người để có hạt cơm? Thậm chí nó có bị một đám cướp ào đến cưỡng bức rồi lôi đi chuyền tay nhau chà đạp cho đến chết? Nó có bị một tên cường hào bắt lấy làm đồ chơi rồi vứt bỏ? Nó có từng trải qua những ngày sống không bằng chết, sống mà không dám thở, sống mà không phải là người? Nó cũng giống như các người, tự cho rằng mình trong sạch thanh cao, cho mình cái quyền khinh thường kẻ khác, trong khi nó đang sống nhờ trên đám bùn lầy nhơ nhuốc chúng ta!” Vũ Vĩnh Lộc nói như rít qua kẽ răng. “Bây giờ cũng vậy, các người bảo ta ra hàng đi, chịu chết đi, vì con vì vợ vì em. Các người bảo ta quỳ xuống mà chịu lăng trì, cúi mọp đầu trước đám người ấy. Ta quỳ một đời đã đủ rồi!”
“Nếu dâng thành ra hàng, có thể anh sẽ không phải chết.” Y vẫn cố gắng nói. “Vả lại ở trong thành rồi thì anh cũng chết, vợ con anh cũng chết, có khác gì nhau?”
“Tên Nguyễn Văn Điểm kia cũng tự chọn đường chết, có khác không? Cậu Mạc, rốt cuộc cậu hiểu được cái gì?” Khuôn mặt Vũ Vĩnh Lộc vặn vẹo như thể anh ta rất muốn cười. Nhưng không đợi anh ta nói hết, y đã ngắt lời.
“Đúng, tôi không hiểu anh, nhưng tôi cũng chẳng làm gì có lỗi với các anh. Mọi người cũng chẳng làm gì có lỗi với các anh. Gia đình tôi tan nát, vô số người phải chết, vô số người bị chà đạp đến chết, là vì cái gì? Anh nói sống không bằng chết, anh thì hiểu cái gì về nó?” Trong y ẩn ẩn một cơn giận đến lạnh toát cả người, khi giọng y càng lúc càng lạnh. “Anh đi theo Tả quân dựa thời dựa thế gây ra vô số tội lỗi rồi không muốn bị trách phạt nên làm loạn. Anh tập hợp bọn cướp đi gây họa khắp nơi, rồi gọi thêm đám trộm cướp khác tới hỗ trợ. Anh rút về đây giữ mạng cho mình mà bưng bít giấu giếm, lấy mạng kẻ khác che đỡ. Rồi anh nói về sống không bằng chết, về bị bức hiếp cướp bóc, về nỗi than oán ai thương! Các anh là một bọn hèn nhát dám làm không dám nhận hậu quả, ích kỷ vô lương chỉ biết có mình rồi lại đổ lỗi cho cả thế gian.
“Vợ con anh không có lỗi với anh, không có lỗi với thứ oán hận nào đó mà bọn các anh tự xây tự dựng lên ở đây, càng không có lỗi với cả đám người điên cuồng các anh.” Y thở ra, trầm giọng. “Hẳn anh lại đang nghĩ, việc lớn mà thành thì họ hy sinh sẽ trở thành liệt nữ, thành thánh thành thần, việc không thành thì họ chết cùng anh. Trước đây anh hy sinh bảo vệ họ nên giờ họ phải hy sinh vì anh. Trong khi toàn bộ việc anh làm chỉ vì chính bản thân anh thôi.”
“Thì đã sao?” Vũ Vĩnh Lộc vẫn cười. Y không thể đọc được gì trong nụ cười, ánh mắt của anh ta. “Rốt cuộc, cậu hiểu được cái gì?”
Có phải thực sự y vốn chẳng thể hiểu được những kẻ như Vũ Vĩnh Lộc hay Thái Công Triều? Rằng y chỉ có thể đoán định âm mưu cùng toan tính của họ, thậm chí nắm bắt được những nỗi sợ hãi hay ham muốn để lợi dụng, nhưng không thể nắm được điều gì tạo nên chúng? Như buổi chiều hôm ấy nhìn nụ cười của Nguyễn Văn Sương trên bãi biển, y gần như hoang mang.
Được Vũ Vĩnh Lộc bí mật thả về, ngang qua cổng lớn, y còn thấy xác của Nguyễn Văn Điểm. Cái xác bị mổ bụng moi gan, gần như bị băm nát tan dưới cơn cuồng nộ[2]. Chẳng ai buồn thu dọn nó, trong thành Phiên An bị cày nát dưới đạn pháo, nồng nặc mùi hôi thối của những kẻ không còn cuộc sống con người. Cả ngàn con người trốn nấp trong khu thành, trong cuộc sống kỳ lạ thảm khốc này để chờ đợi một loại hy vọng, trong một loại tâm trạng mà y chẳng thể nào hiểu nổi.
Thậm chí ngày trước y cũng chẳng hiểu được Phạm Xuân Bích hay Nguyễn Văn Vi. Y biết mình còn chẳng như Nguyễn Văn Điểm có thể sẵn sàng nhận lãnh cái chết, y vào thành chỉ vì biết mình sẽ không bị giết với thân phận này, vì đã từng quen biết Vũ Vĩnh Lộc. Nhận nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm sang Xiêm La, nhưng y chưa từng nghĩ đến hy sinh hay chết chóc khi chuẩn bị mọi đường đi nước bước cho mình. Khi trở về Hà Tiên đối đầu với Thái Công Triều, y lùi lại quan sát và ngay lập tức biến mất khi thấy cơ hội sử dụng được kẻ khác. Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Văn Sương đã phải chết, và Trương Sùng Hi đang được đưa ra đầu sóng ngọn gió trong khi vẫn hoàn toàn không hề hay biết vai trò của bản thân.
Y biến mất, nhưng Trương Sùng Hi sẽ thay thế y làm kẻ kêu gọi thân tín nhà họ Mạc, trong khi Trương Sùng Hi chỉ là An phủ sứ hai phủ vùng biên – một sự tồn tại không đủ sức đe dọa với triều đình. Trong cuộc chiến tranh đoạt Phú Quốc, Thái Công Triều tiêu diệt Nguyễn Văn Sương, nhưng ở đó y đã có Hoàng Văn Kế. Đồn An Man được lập, quân đội của Thái Công Triều phải phân tán về miền Bắc Chân Lạp, trong khi chức vị Lãnh binh Hà Tiên sẽ đưa tới cho anh ta thứ quyền lực không biết đâu là thật giả.
Y đã từng nhìn thấy bác Mạc Công Du khoanh tay ‘như tượng gỗ’ ở Hà Tiên trong bấy nhiêu năm. Y đã từng làm Thống lãnh Hà Tiên trong vài tháng. Y biết rõ thứ quyền lực nào thực sự tồn tại trên vùng đất này. Y biết rõ thứ quyền lực nào trong trái tim con người, trong khi hoàn toàn không hiểu gì về nó.
Chú thích:
[1] Điếu nữ của Trịnh Hoài Đức
[2] Thực lục: Nguyễn Văn Điểm đã bị giặc bắt, tên nghịch Chắm dỗ bảo phải nói dối rằng: ở ngoài thành quan quân có ít, giặc Xiêm lại đến, ngoài Bắc giặc cướp nổi lên và những người trong thành ra thú đều bị xử tử cả. Như vậy là để cho mọi người đều nghi hoặc về ta. Kịp lúc tên Chắm họp đồ đảng để tra xét thì Văn Điểm đều nói trái lại, chỉ đáp lại bằng lời thẳng thắn, và nói: “Ta đã bị bắt, há tiếc gì cái chết? Cho nên bảo thật lũ người trong thành mau mau tìm lấy đường sống, thà trái ý giặc mà chết còn được hiển thần, chẳng hơn theo giặc, chết làm ma quỷ hay sao?”. Chắm cả giận, giết chết Điểm, mổ gan, xẻo thịt mà ăn.