Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

39. Xuân quy thượng tác tha hương khách
Trường An in "Minh nguyệt 1" April 5th, 2019
  1. Xuân quy thượng tác tha hương khách, hương tin bằng thuỳ ký dịch mai[1]
    (Xuân về vẫn còn là khách tha hương, tin quê nhờ ai gửi trạm mai)

 

Tháng năm, đổi phủ Vịnh Tham làm phủ Khai Biên, phủ Cần Bột thành phủ Quảng Biên, đưa Cai đội quyền suất cơ Trương Sùng Hi sung chức An phủ sứ hai phủ này.

“Trương Sùng Hi?” Nghe tin báo, Thái Công Triều hỏi lại, nghe giọng dường anh ta ngạc nhiên vì lệnh bổ nhiệm hơn là do người mang cái tên này.

“Anh ta ở trong đội hương dõng của Trấn phủ An Giang Lê Đại Cương.” Khâm phái đốc biện Đặng Chương đáp. “Trước đây Trương Sùng Hi bắt được Nguyễn Văn Bột, khi Xiêm tiến đánh thì anh ta được phong Đội trưởng, đi theo Trấn phủ Lê Đại Cương lập nhiều công lao ở xứ Phiên. Vì Tuần phủ Trần Chấn cho rằng hai phủ ấy là nơi Xiêm tấn công rồi rút lui, cần chú ý đặc biệt để kiểm soát được an ninh của cả Nam Kỳ và Chân Lạp, triều đình mới đặt ra chức An phủ sứ để làm việc chung với các quan Phiên nơi ấy. Trương Sùng Hi thạo làm việc với người Phiên, được Trấn phủ Lê Đại Cương tiến cử.”

“Chuyện Nguyễn Văn Bột…” Thái Công Triều vừa nói đã chợt ngừng lời. Đặng Chương đưa mắt nhìn anh ta, chỉ cười mà bỏ qua. Vì Hà Tiên bất chợt nổi lên bệnh dịch, Đặng Chương cùng Trần Chấn bận rộn sắp xếp người đi phân phát thuốc, kiểm soát dân chúng trong vùng. Câu chuyện về Trương Sùng Hi và hai phủ biên giới chẳng còn ai nhắc đến.

Nhưng gương mặt Thái Công Triều vẫn có vẻ nghĩ ngợi u ám. Chiều hôm ấy, y đi ra bến cảng lấy tàu đến Phú Quốc thì gặp anh ta. Nhìn chiếc tàu đang chuẩn bị dây chão, Thái Công Triều cười hỏi y.

“Cậu có việc gì cần ra Phú Quốc thế?” Giọng anh ta ẩn chứa tính toán là lạ. Y vốn định đến đảo thăm Hoàng Văn Kế nhưng không tiện nói, liền trả lời.

“Tôi đến xem cơ Hà Phú thế nào.” Đặng Chương được cử đến để trông coi việc sắp xếp binh lương vũ khí của hai tỉnh An Giang, Hà Tiên. Mấy lời của Trần Chấn hóa ra lại có một phần sự thật khi y giúp được viên Khâm phái đốc biện này ít nhiều. Khi Xiêm đánh vào, cơ Hà Phú đã không ra mặt, các cơ đội của Hà Tiên, Kiên Giang cũng tứ tán, giờ đây bọn họ phải kiểm kê, tập hợp lại tất cả. Trước đây khi làm Thống lãnh Hà Tiên, y nắm được một số thông tin về cơ cấu binh lính trong vùng, có thể kêu gọi vài viên đội trưởng trở lại.

Nhưng nghe đến cơ Hà Phú, Thái Công Triều trầm ngâm im lặng. Thấy thuyền đã gần chuẩn bị xong, anh ta mới bất chợt lên tiếng.

“Cậu biết Trương Sùng Hi không?” Nhìn y chậm chạp quay đầu lại, gương mặt chẳng tỏ một vẻ gì, Thái Công Triều cau mày. “Anh ta chẳng phải là Tri huyện trong vùng trấn nhậm của nhà cậu à?”

“À… phải.” Y vẫn chỉ gật đầu. Nghe cái tên đã có thể đoán được Trương Sùng Hi là người trong nhóm Phiên dân. Nhưng trước đây y chỉ là một kẻ nhàn rỗi lơ đãng, vốn chẳng quan tâm đến cả một viên Tri huyện bị cách chức ở đâu đó trong vùng. Thấy vẻ mặt Thái Công Triều, y liền cười. “Lãnh binh lo ngại chúng tôi quen nhau sao?”

Nghe câu hỏi, gương mặt Thái Công Triều sa sầm, anh ta mím môi im lặng. Y lên tàu đi ra biển, Thái Công Triều vẫn đứng nhìn theo, dường anh ta chỉ ước có một cơn bão cuốn phăng y đi.

“Trương Sùng Hi? Anh ta là Tri huyện cũ trong vùng đấy, kể cũng mấy năm trước rồi.” Nghe y hỏi, Hoàng Văn Kế nhíu mày một thoáng rồi ồ lên. “Tôi không nhớ rõ là vùng nào, nhưng hẳn quanh đâu đó Hà Tiên, An Giang. Sau Trương Sùng Hi bị cách chức vì tư tình làm việc riêng phạm lỗi. Trước đây tôi đã từng gặp anh ta đến thăm nhà họ Mạc biếu quà ngày lễ tết, đi chung thuyền với tôi về Kiên Giang.”

“Vậy sao…” Y chống cằm lên tay, nói khẽ. Chuyện Hoàng Văn Kế nói chưa hẳn là thật, ông ta là một thương buôn và không thể kể về những quan hệ nhì nhằng với quan lại trong vùng, chỉ như thể mới tình cờ gặp qua người. Nhưng quả nhiên người tên Trương Sùng Hi này có liên hệ sâu xa với y.

Theo lời Đặng Chương, Trương Sùng Hi lấy ảnh hưởng cũ mà tập hợp hương dõng đi theo Lê Đại Cương. Khi Thái Công Triều còn đang tiến đánh đồng Tập Trận, Trương Sùng Hi bao vây đón lõng ở biên giới Định Tường, bắt được Nguyễn Văn Bột. Như vậy anh ta đã đi sau nhóm Thái Công Triều, có lẽ được Lê Đại Cương phái đến. Hoặc thậm chí Trương Sùng Hi chẳng hề thuộc cả hai nhóm Thái Công Triều lẫn Lê Đại Cương lúc ấy. Anh ta tự đứng ra kêu gọi nhóm hương dõng riêng, và khi Thái Công Triều phát động tấn công ở Định Tường, Trương Sùng Hi cũng tiến quân từ Kiên Giang hoặc An Giang lên nhập bọn. Khi toàn quân tập hợp ở Phiên An, rồi được triều đình chia đặt lại, Trương Sùng Hi mới về đội hương dõng của Lê Đại Cương.

Theo lời người xung quanh, hành tung của Trương Sùng Hi khá mập mờ. Nguyễn Văn Bột thua trận ở Biên Hòa chạy xuống Định Tường, rồi bị Tuần phủ Ngô Bá Tuấn bắt giải cho quân. Theo lời Ngô Bá Tuấn, Trương Sùng Hi đã bắt được Nguyễn Văn Bột, nhưng Nguyễn Văn Bột lại khai rằng tự ra hàng. Viên tướng ngụy quân này đã bị vội vã đem chém đầu, nghi vấn vẫn chưa được sáng tỏ. Ngô Bá Tuấn bị cách chức bắt về Kinh, tội khai man nhận công vẫn được kể đến, nhưng Trương Sùng Hi lại được giao chức An phủ sứ hai tỉnh vùng biên. Một là viên quan này quả thật quá giỏi, hai là mối quan hệ của anh ta với Phiên dân sâu rộng khó lường, đủ để anh ta được giao trọng trách lớn đến thế.

Hoặc chẳng qua, Trương Sùng Hi là một nhóm khác. Anh ta chẳng thuộc phe Lê Đại Cương lẫn Thái Công Triều, cho nên đã được đưa xuống vùng biên giới như một cách khắc chế tất cả phe nhóm nơi này. Dùng người như dùng thuốc, Bùi Văn Lý đã từng nói. Và y bắt đầu mường tượng ra bàn cờ mà nhà vua đất nước này đang sắp xếp – cùng điều Thái Công Triều vốn e ngại nhất: Ngài ta hoàn toàn không muốn Thái Công Triều nắm được chút sức mạnh nào.

Mỗi khi sự biến vừa lắng xuống, lệnh chuyển, tách quân được đưa ra ngay lập tức, đều nhằm vào quân thứ Thái Công Triều. Y nhớ đến cả những lệnh liên tục gọi Thái Công Triều về Phiên An ngay khi quân Xiêm vừa rút khỏi biên giới. Hoàng đế dường như dành sự chú ý đặc biệt cho viên Vệ úy vốn thuộc Thần sách quân này. Rồi y nhớ tới một ký ức lờ mờ trước đó: Thái Công Triều từng kể đã cùng Lê Văn Đức và Nguyễn Công Tú đi thị sát công việc của Hậu quân Lê Chất ở Nghệ An.

Lê Văn Đức là cánh tay phải của nhà vua, Nguyễn Công Tú vừa được đưa đến Định Tường giám sát hoạt động của toàn bộ quan lại nơi này, hẳn cũng là một kẻ ngài ta tin cậy. Vậy thì, Thái Công Triều lúc ấy chỉ là một viên Tham luận của Thần sách quân, lại có quan hệ thế nào với hoàng đế để được phái đi cùng những bề tôi thân tín nhất của ngài ta?

Thái Công Triều vốn chưa bao giờ nói thật, kể cả về lý do tại sao anh ta lại xuất hiện ở Phiên An, trong nhóm người của Tả quân. Anh ta càng chưa bao giờ nói thật về những ngày ở cạnh nhà vua – hoàng đế của đất nước này. Và rồi khi nhớ lại những mệnh lệnh mà ngài ta dành cho Thái Công Triều, kể cả những lệnh phong chức liên tiếp ngày Xiêm tiến đánh, y càng nghĩ càng thấy lạ. Dường như hoàng đế vốn rất hiểu Thái Công Triều, hơn cả anh ta hiểu về chính mình.

Và rồi, y bắt đầu cảm thấy như Thái Công Triều đang vùng vẫy để thoát ra khỏi thứ gì đó. Không phải là những kẻ biết quá nhiều bí mật của anh ta ở Phiên An, càng chẳng phải là kẻ cứ bám chặt lấy anh ta quấy rầy như y, mà là một vòng vây lớn hơn, một thứ sức ép, nỗi sợ hãi lớn lao hơn. Tựa hồ có một bàn tay đang nắm lấy anh ta, vĩnh viễn không để anh ta trốn thoát.

“Trương Sùng Hi này tính cách hơi tùy tiện nhưng là người có nghĩa khí.” Thấy y im lặng nghĩ ngợi, Hoàng Văn Kế tưởng y lo lắng về Trương Sùng Hi, liền nói thêm. “Có anh ta quản lý người Phiên ở biên giới thì sẽ đỡ lo nhiều lắm.”

“Vâng.” Y cũng chỉ đáp gọn. Trong những năm tháng này, y cho rằng mình hiểu tính cách ‘tùy tiện và nghĩa khí’ của những viên tướng hương dõng. Họ có thể biểu lộ mặt cực kỳ tốt đẹp của mình với thuộc hạ và người thân quen, đồng thời là ích kỷ vô lối với những gì ở ngoài quyền lợi của họ. Những con người nhỏ bé sống trong các làng quê, khu ruộng bùn đất mênh mông, lớn lên cùng lòng suy tôn mong manh mơ hồ với một triều đình xa xôi không bao giờ thấy, thật ra điều họ tin tưởng lại đơn thuần hạn hẹp hơn thế rất nhiều. Họ đi theo những cơn gió thổi trên mặt đất, ngắn ngủi và xoay vần, nổi lên cùng biến mất chẳng theo một chiều hướng nào.

Như Nguyễn Hoàng Nhiên đã bị ước vọng say mê của mình làm mờ mắt, như những viên quan ở Hà Tiên này liên tục phạm tội và suy đồi, như cả những điều tưởng chừng là lòng tốt cũng trở nên sai lầm mù quáng. Con người quá mức yếu ớt trước dục vọng cùng cám dỗ, trước thách thức và lựa chọn. Trong những năm tháng này, y đã không còn oán trách hay giận dữ, nhưng đồng thời cũng chẳng tin tưởng con người.

Khi từ giã Hoàng Văn Kế ra về, y vẫn còn đang suy nghĩ đến điều đang xảy ra ở Hà Tiên – hay là ván cờ mà nhà vua ở Phú Xuân kia vẫn đang sắp xếp. Trương Minh Giảng ở Nam Vang, Lê Đại Cương ở An Giang, Trương Sùng Hi được phái đến Cần Bột, và Hà Tiên thuộc quyền kiểm soát của viên quan lọc lõi như Trần Chấn. Trương Minh Giảng là cận thần thân tín của hoàng đế, dù ít kinh nghiệm nhưng tuyệt đối trung thành cùng liều lĩnh, là người có thể sẵn sàng nhận lãnh cái chết để tử thủ biên cương. Lê Đại Cương tháo vát khôn ngoan tuy đa đoan nhút nhát, thành thạo giao thiệp với người Chân Lạp. Trương Sùng Hi xuất thân phức tạp, con người phức tạp, nhưng là một đối thủ đáng kể của Thái Công Triều. Đúng vậy, Trương Sùng Hi rất giống Thái Công Triều, và trong cuộc chiến tranh đoạt quyền lực cùng ảnh hưởng nơi này, sẽ chẳng có kẻ nào đạt được phần lớn nhất.

Thái độ Thái Công Triều với y cũng đột nhiên tỏ rõ: Anh ta cho rằng chính y đề đạt phái Trương Sùng Hi đến Cần Bột. Từ khi trở về Hà Tiên, y chưa từng tỏ ra gây hấn với Thái Công Triều, nhưng việc này có thể khiến anh ta quay mặt với y. Y hiểu rõ tâm lý của những người sống trong trạng thái của Thái Công Triều: luôn nghi kị, bất an và dễ dàng xao động từ biểu hiện nhỏ nhất của kẻ xung quanh. Từ đó, họ có thể trở nên cực kỳ tàn nhẫn.

Y nhìn ra lan can thuyền đến bờ biển Phú Quốc đang chìm trong bóng hoàng hôn, thấp thoáng mấy chiếc thuyền quân đậu trong bãi. Đội thủy quân của Phú Quốc trú đậu ở phía Đông Nam đảo này để phòng chống hải tặc Đồ Bà là chủ yếu, nhưng hiện tại họ đã chia lược một phần về bờ Bắc. Khi căng thẳng với Xiêm dâng cao, đồn Phú Quốc sẽ càng được chú trọng, cơ Hà Phú sẽ chẳng thể điềm nhiên khoanh tay đứng ngoài như cuộc chiến trước đó. Tham tri Binh bộ Đặng Chương được cử đến làm Khâm phái đốc biện vốn là để kiểm soát toàn bộ dân binh nơi này, mỗi nhân đinh phải được ghi chép, mỗi suất lính phải được sắp đặt, mỗi đội quân phải được bảo đảm để ra trận. Từ khi cách chức bác Mạc Công Du, ý định kiểm soát vùng biên giới địa đầu của nhà vua đã rõ ràng. Lấy hai phủ Vịnh Tham và Cần Bột, đẩy biên giới biển đến sát cạnh Xiêm La, cuộc chiến này đã đến lúc không thể khoan nhượng hay lùi bước. Và để nắm được an ninh của vùng biển Nam này, đảo Phú Quốc sẽ là tiền đồn quan trọng nhất.

Trở về Hà Tiên đã vào lúc đêm khuya, y ngay lập tức đến dinh Tuần phủ. Trần Chấn vẫn chưa đi ngủ, vẫn còn đang trò chuyện cùng Án sát Hồ Công Chỉ. Thấy y, Hồ Công Chỉ liền gọi vào.

“Chúng ta vừa mới nhắc đến chuyện của cậu. Mấy năm trước ta đưa thuyền Xiêm bị bão về nước có gửi theo vài người do thám, bọn họ hiểu biết đôi chút về phong tục của Xiêm, cậu có thể hỏi han họ. Nhưng lúc ấy ta làm việc ở Binh tào Gia Định, họ hiện thời đang sống tại Phiên An cả.” Hồ Công Chỉ nói. “Bây giờ là mùa gió nồm, không phải lúc thương buôn phương Bắc đưa thuyền đến Xiêm, chúng ta đang nói rằng không thể cho cậu giả dạng người Thanh được. Giữ nguyên mái tóc giả làm người Minh Hương thì không tiện lắm, Xiêm sẽ rất cảnh giác vì chúng biết phần lớn người Minh Hương không ở Xiêm thì là ở Việt Nam cả. Cậu có đáp thuyền từ Hạ Châu lên cũng sẽ bị tra xét rất ngặt nghèo. Cậu đã định thế nào chưa?”

“Tôi định dùng thân phận đạo sĩ.” Thấy ánh mắt dò hỏi của Hồ Công Chỉ, y buột miệng nói. Từ khi nghe nhà sư nọ kể về việc có thể đi lại nơi nơi dưới danh phận người tu hành, y đã âm thầm cất giữ trong lòng. Nghe Hồ Công Chỉ cân nhắc bắt y cạo đầu làm người Thanh, y lại càng kiên quyết nói. “Đạo sĩ dùng bùa chú viết chữ triện phương Bắc càng dễ lừa người, vả chuyên nghề luyện đan nấu thuốc thì đi lại với những các nhà buôn thuốc lẫn vào nơi rừng núi tìm trầm săn ngải, lấy mật dò sao hoàn toàn là chuyện bình thường.”

“Một tên lừa đảo, hả?” Nghe y nói, Trần Chấn bật cười ha hả. Dứt tiếng cười, ông ta gật đầu. “Cũng được, ta sẽ liên lạc với vài người ở Đài Loan, Quảng Châu xem ở chỗ họ có vị đạo sĩ nào nổi danh hay không. Tìm cho cậu vài cuốn sách ôm theo vừa để đọc vừa để đi lừa người luôn thể.”

“Trong lúc chờ đợi, tôi đến Phiên An hỏi chuyện người của ông Hồ Án sát vậy.” Y quay đầu nhìn Hồ Công Chỉ thăm dò. Ông ta gật đầu, cho y địa chỉ cùng danh tính người cần tìm, Trần Chấn biên giấy thông hành. Ngay trong đêm ấy, y lấy thuyền cùng vài người thuê chèo đi tới Phiên An.

Trên đường đi, y ghé vào Định Tường. Ở trên thuyền đợi tối, y lên bờ tìm đến ngôi chùa mà cô Hai Lâm cùng sư Tràm đang trú ngụ. Khu vực này tập trung nhiều gia đình quan lại, an ninh tốt hơn hẳn mọi nơi, ngôi chùa chỉ xây tường rào cao ngang trán, y leo qua cửa sau mà vào. Phía sau chùa có khu nhà dành cho Phật tử tu tập ở lại, hiện thời không mấy căn sáng đèn. Y nhẹ bước trong bóng tối tiếp cận khu nhà ấy, vừa qua sân đã nhác thấy một bóng người nhỏ bé ngồi trên bậc thềm.

Chẳng biết vì linh tính nào, người đang ngồi ngẩng mặt quay phắt về đúng phía y. Y nhận ra người ấy chính là cô Hai Lâm trong một bộ dạng gọn gàng sạch sẽ hơn hẳn, nhưng ánh mắt vẫn trừng trừng vô hồn như thể chẳng hề nhìn thấy người trước mặt. Cô ta chỉ ngẩng nhìn về phía y, không cả một cái cau mày khi thấy y đứng sau gốc cây lớn.

Có lẽ cô ta chẳng nhận ra y, y vừa nghĩ thế thì cô Hai Lâm đứng dậy, nhưng thay vì đi vào trong nhà, cô ta men theo hành lang đến căn nhà đầu dãy, đập cửa nhè nhẹ. Người ra mở cửa khiến y thầm thở phào, hóa ra là sư Tràm.

“Sao cậu lại đến đây lúc này?” Thấy y đột ngột xuất hiện trong sân chùa, sư Tràm có vẻ ngạc nhiên hỏi. Y nhanh chóng bước vào trong nhà. Dù chẳng có ý định trốn tránh, y cho rằng ít người biết y tới nơi này vẫn hơn. Thấy thái độ ấy, sư Tràm khép hờ cửa, vẫn để cô Hai Lâm ngồi trước bậc cửa chứ không vào phòng.

“Cô ấy có vẻ khá hơn rồi nhỉ.” Nhìn bóng lưng Hai Lâm, y nói khẽ. Không còn vẻ xơ xác gầy gò trước, nhan sắc cô gái đã hồi phục lại đôi ba phần, cho y rõ lý do cô ta gặp mối tai họa ấy. “Hai người ở nơi này có ổn không?”

“Họ đối với chúng tôi rất tốt, cử cả bà vãi chăm sóc cho cô Hai.” Sư Tràm thận trọng nói, vẫn chăm chú nhìn y. “Cậu có chuyện gì phải không?”

“Tôi sắp phải đi xa, nhưng trước đó tôi phải tìm người chăm sóc cho hai người. Ở nơi này dù tốt nhưng không thể lâu dài.” Y thở ra, nói khẽ, lấy trong người ra một miếng thẻ bài bằng vàng, bẻ đôi đưa cho nhà sư một nửa. “Nếu có người đem nửa mảnh thẻ bài này tới tìm sư cụ, hãy đưa cô Hai Lâm đi theo họ. Còn nếu kẻ khác tới thì đừng tin chúng.”

“Cậu định đi đâu?” Tay nhận nửa thẻ bài, sư Tràm vẫn lo lắng hỏi lại. Y chỉ mỉm cười.

“Công việc bình thường thôi. Tôi chỉ nhắc để sư cụ phòng trước. Thời buổi bây giờ bất trắc, kẻo có kẻ lừa đảo thấy hai người bơ vơ ở đây thì đến gây hại.” Y nói qua loa. An ủi nhà sư già thêm vài câu, y vội vã cáo từ.

Cô Hai Lâm vẫn ngồi trước cửa, giương mắt nhìn lên y. Nghĩ muốn dặn dò cô ta vài câu nhưng hẳn cô nghe chẳng hiểu, cũng không biết phải nói gì, y thuận tay lấy bọc tiền đeo ở thắt lưng đưa cho cô gái.

“Cô nhờ mua kẹo bánh ăn nhé.” Thấy ánh mắt ngây dại của cô gái, y bất giác đối xử với cô như một đứa trẻ. Nghĩ một thoáng, y chợt cười. “Đáng lẽ tôi phải gọi là chị mới đúng.”

Cô gái này là người trong lòng Mạc Hầu Hy, là nguồn cơn mọi bất hạnh trong đời anh ta, đồng thời là giấc mơ của anh ta suốt những ngày tháng ấy. Mạc Hầu Hy đã nghĩ về cô khi nhận lãnh những vết thương chí mạng từ bọn hải tặc Chà Và, khi vượt biển đến Hạ Châu toan tính xây dựng một tương lai khác cho đời mình, và trong cả những ngày bị giam cầm chỉ nhìn thấy một nhánh cây rung rinh ngoài khung cửa sổ bé tẹo teo như bàn tay. Giấc mơ ấy, ánh sáng ngoài khung cửa, tưởng như chỉ nằm trong lòng tay mà với mãi chẳng bao giờ tới.

Y đã từng nghĩ cô gái này cứ thế chết đi còn hơn là tiếp tục sống, nhưng nhìn cô hiện tại, y lại nhớ về hình ảnh nhánh cây ngoài cửa sổ gian tù ngày mùa hạ ấy. Những tư vọng, dục vọng, khát khao nhỏ bé cuốn mọi con người vào đủ loại lỗi lầm, tạo nên một thế gian quay cuồng rối loạn. Rồi chính tay họ, trực tiếp hay gián tiếp, hủy hoại những gì từng là trân quý nhất. Những người anh họ Vũ đã ôm đứa em gái nhỏ vượt qua sống chết. Những người cha đã cầm tay đứa con trai dạy từng nét chữ. Những tình yêu, ân nghĩa thuần phác ngọt ngào năm cũ. Tình anh em đồng đội trưởng thành gắn bó trong gian khó. Cả niềm tin tưởng kính trọng ngây thơ đơn thuần dành cho một hình tượng sáng rực chói ngời. Cả lòng tin vào lương tri và lẽ phải. Tất cả ảo tượng đã vỡ nát chỉ trong một cuộc biến loạn, dưới chân bức tường thành cao ngất. Trong một tấn kịch chẳng rõ ai mới là kẻ mở đầu.

Những mảnh đất đã bị đốt cháy thành hoang địa. Những con người đã cạn kiệt đến cả buồn thương. Những trái tim đã trở thành cõi chết cằn cỗi và những số phận đã bị đẩy vào mức không còn chốn quay đầu.

Tất cả chỉ còn lại trong ký ức y là bóng cây xanh mờ hơi nước óng ánh nắng mùa hạ ấy, ngày cuối cùng trước cơn biến loạn. Trong những năm tháng sau này, y vẫn nhớ mãi về nó, như thể cố nắm lấy một mảnh cuối cùng của con người mình giữa muôn vàn cơn bão lốc.

Cô Hai Lâm cầm bọc tiền, im lặng nhìn y rời khỏi khu nhà, biến mất vào bóng tối. Không nghỉ lại Định Tường, đêm ấy y đưa thuyền thẳng đến Phiên An.

Thuyền y tới đầu sông Tân Bình lúc tờ mờ sáng. Đèn tháp canh đầu sông vẫn chưa tắt, lính có lẽ đang đổi gác nên chẳng có bóng người trên tháp, đồn lũy trại canh phòng khuất trong bóng dừa nước cao phủ khói sương dày đặc. Vẫn còn ở giữa sông, y đã bảo người lái thuyền tạm buông chèo nghe ngóng, lên tiếng gọi lính canh trên bờ.

Tiếng gọi đầu tiên vừa cất lên, đáp lời y là tên bắn ra trong hàng dừa nước như mưa rào.

Người lái đứng đầu thuyền trúng tên ngay lập tức, ngã xuống nước giãy giụa vùng vẫy khiến cả chiếc thuyền chao đảo. Đây là loại thuyền chở gạo nhỏ, thành khoang mỏng manh không thể che chắn tên đạn, những người ngồi phía ngoài cũng trúng tên, gào thét kêu khóc lăn lộn trên thuyền. Y mím môi lăn xuống sông, cầm mái chèo quật mạnh vào thân thuyền, khiến nó lật nghiêng, hất toàn bộ người còn lại vào lòng nước.

Nghe động, vài bóng lính từ trong trại canh chạy ra, có vẻ như còn chưa kịp hiểu chuyện gì vừa xảy đến với chiếc thuyền lật. Không đợi họ đưa thuyền ra cứu, y lặng lẽ chuồi trong nước và sương mù lặn đi.

Y vốn trưởng thành nơi bờ biển, kẻ muốn triệt hạ y chẳng lẽ lại không nghĩ đến? Vả lại, lẽ nào kẻ ấy biết y sẽ đến Phiên An lúc nửa đêm về sáng để phục kích nơi này?

Hoặc đơn giản, kẻ ấy vốn chỉ muốn y chết – bằng bất cứ cách nào, bất cứ thời cơ nào thuận tiện nhất. Những kẻ tràn đầy nghi kỵ và bất an, vốn luôn hành xử vô cùng tàn nhẫn ngay khi có thể.

 

Chú thích:

[1] Cửu cư Chân Lạp kỳ 1 của Trịnh Hoài Đức




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.