- Mai khâu vãn thướng lược đông phong, nhất vọng tiêu nhiên nhã bất cùng[1]
(Chiều muộn lên gò mai thưởng gió đông, trông ra xa xôi tịch mịch mắt khôn cùng)
Dù đã quyết định không can thiệp, nhưng nghe đến người bị bắt theo Xiêm, lo rằng nhỡ có người quen không may gặp nạn, y cùng vài binh lính đưa thuyền nhỏ đến Cần Bột. Không biết tìm được ở đâu, Nguyễn Văn Sương đưa cho bọn y vài bộ quần áo tu hành, nói rằng quân Xiêm rất tôn trọng người tu đạo nên sẽ an toàn hơn. Đến Cần Bột, nhóm y tản đi, y giả trang thành một đạo sĩ vòng từ sau núi đi tới, ra điều y mới từ núi Con Voi đến Cần Bột.
Y lấy một chiếc bè chuối đi theo dòng sông đổ ra cảng biển Cần Bột. Ven dòng sông có vài làng nhỏ nhưng hiện tại đều đã trống vắng vì người chạy trốn chiến tranh, nhiều ngôi nhà bị đốt rụi, các đền chùa khang trang lộng lẫy bị cướp phá đến từng viên gạch ngói. Những đồng lúa cũng đã bị xéo đạp nát tan, cả quãng đường dài mà y không gặp được một bóng người ngoại trừ con bù nhìn ngả nghiêng giữa đồng. Ngôi làng của thương nhân nằm gần cảng Cần Bột đã thành một khoảng đất cháy đen đầy tro than, xác vài con vật nham nhở xương da rải rác lẫn với vài mảnh áo người. Y cập bè trôi gần bờ nhằm quan sát kỹ hơn ngôi làng chỉ còn trơ vài cột than cháy, đền thờ Thiên Hậu bằng gạch nám đen màu khói, cửa bị đạp đổ ngang là căn nhà duy nhất còn đứng được. Trong nắng trưa, y chợt thấy một làn khói mỏng manh thoát qua cửa sổ ngang của đền thờ.
Nghĩ một lúc, y quyết định lên bờ, đến ngôi đền nọ nghiêng ngó. Trong đền quả nhiên có người, một nhà sư mặc bộ nâu sồng tả tơi đang đun nồi rau trong chái điện. Y nghe văng vẳng tiếng thút thít, phải nhìn kỹ hồi lâu qua khe cửa sổ mới nhận ra hình dáng có lẽ là một cô gái bó gối ngồi trong góc nhà.
“Ta không tìm được gạo, chỉ hái được ít lá rau, thí chủ ăn lót dạ.” Nồi rau chín, nhà sư dịu dàng lên tiếng, giọng lại khàn đặc đầy mệt mỏi. Cô gái nọ vẫn không ngẩng đầu lên, ông đành nhấc nồi rau đặt sang bên, đứng dậy bước ra ngoài.
Hẳn họ chạy từ trong nhóm người bị bắt về, y thầm nghĩ khi nhìn cô gái hơi hé mắt qua cánh tay khoanh quanh gối. Làng này gần biển nhưng xa núi, người chạy loạn cũng không đi qua. Muốn hỏi thăm trước về tình hình nhóm tù nhân, y liền bôi ít đất lên mặt, vòng ra trước cửa đền làm bộ dáng hớt hải chạy vào.
“A!” Thấy bóng người, cả y và nhà sư cùng bật thốt.
“Ở đây có người à?” Y ra vẻ ngạc nhiên nói, không đợi nhà sư kia lên tiếng đã chạy vào gian chính điện, kéo cánh cửa đổ khép lại sau lưng. “Sư cụ cho tôi ở nhờ một lát.”
“Thí chủ ở đâu tới đây?” Có lẽ thấy bộ áo đạo sĩ của y, nhà sư ngay lập tức bình tĩnh lại mà hỏi. Y vuốt mồ hôi trên trán, thở dài.
“Tôi có thằng bé đệ tử chạy loạn bị lạc mất, tìm khắp nơi không thấy. Nghe nói quân Xiêm rút chạy có bắt theo mấy người, tôi muốn đến Cần Bột tìm, nhưng chưa biết làm sao để đến gần cảng. Cả vùng chỉ còn ngôi nhà này, tôi mới muốn đến nghỉ ngơi nghĩ cách.” Y dùng giọng rầu rĩ mà than thở, rồi chớp mắt nhìn lên nhà sư già. “Sư cụ sao lại ở đây? Người có biết gì về đám tàn quân ở biển Cần Bột không?”
“Tôi cũng mới từ nơi ấy chạy ra đây.” Nhìn bộ dạng lôi thôi của y, nhà sư cảm thông thở dài, lắc đầu. “Tôi không thấy đứa trẻ nào trong đoàn người bị bắt. Quân Xiêm chỉ bắt phụ nữ, tráng đinh, thợ khéo đi làm việc cho chúng. Vả lại chúng vội vã rút chạy, sáng nay đã đưa hầu hết người lên thuyền đi rồi.”
“Sư cụ cũng bị chúng bắt theo ạ?” Y ra vẻ vừa thất vọng vừa tò mò hỏi. Nhà sư đưa mắt nhìn sang chái nhà bên, thở dài.
“Tôi cũng là đuổi theo một người đến đây, may mà theo kịp. Sáng nay quân Xiêm trói tất cả người đưa lên thuyền, đêm qua may sao tôi đến Cần Bột kéo được nữ thí chủ này vào rừng, chạy suốt buổi sáng tới được đây.” Y đã thấy những vết thương chằng chịt trên tay chân nhà sư già khi ông nói. Có lẽ do đồng bệnh tương liên, ông từ ái nhìn y, dịu giọng an ủi. “Trong nhóm ấy quả không có đứa trẻ nào, đệ tử của thí chủ hẳn đã tìm được nơi nương náu an toàn, thí chủ không cần lo lắng quá.”
Y thở ra, ngồi bệt xuống sàn. Vậy là bây giờ có tới cảng biển thì đã chẳng còn mấy người ở đó, y thầm nghĩ. Nhà sư nhìn y cúi đầu nghĩ ngợi hẳn cho rằng y đã mệt, liền rót cho y một chén nước còn âm ấm. Y lấy trong tay nải ra túi lương khô đưa cho ông, ông liền cầm nó sang gian bên cạnh.
“Sư cụ gọi ‘nữ thí chủ’, cô ấy là ai thế?” Khi nhà sư đã trở lại gian chính điện, y thuận miệng hỏi. Vì một cô gái mà nhà sư này liều mạng chạy theo tàn quân, xâm nhập cả vào doanh trại giữ tù binh, không nói cũng biết phải hung hiểm bao nhiêu để cứu được cô ta ra, nghĩ cũng lạ thường.
“Nữ thí chủ ấy là con gái ân nhân của tôi.” Nhà sư thở dài, khoang chân ngồi xuống gần y, nét mệt mỏi hằn lên trên gương mặt. “Ngày trước có lần tôi đi vân du bị rắn độc cắn, lần mò được ra đến vệ đường, một nhà buôn ngang qua thấy thế liền đưa tôi đi cứu chữa. Cả nửa năm trời tôi ở nhà ông ấy, tiền thuốc men chăm sóc cho tôi đều do ông ấy lo cả mà chẳng bảo tôi phải trả lại gì. Đến khi tôi lập am tu, ông ấy vẫn thường tới cúng dường quyên góp. Cho đến loạn lạc vừa rồi, chẳng may nhà ông ấy bị cướp giết hại cả, tôi đến thì chẳng còn ai. Người ta bảo xác ông ấy trôi vào bến, còn vợ con thì bị cướp bắt đi rồi.
“Tôi nghe vậy cũng đi tìm họ. Nhưng hồi ấy bọn Khôi đang đánh xuống An Giang, người bỏ nhà bỏ làng chạy cả. Những làng ở gần sông, gần tỉnh thành bị đốt hết, đám vô loại trong vùng thấy loạn thì họp nhau hôi của bắt người, cướp bóc nơi nơi. Cứ nghe tin có bọn cướp ở đâu thì tôi tới tìm người, dù gì tôi cũng là sư sãi, có gì đâu để sợ.” Nhà sư cúi đầu, môi mím khẽ. “Nhưng người chết nhiều quá, người bị bắt cũng nhiều quá, nhiều đến mức tôi gần như phát điên. Rồi đến một chỗ nọ, tôi tìm được xác của vợ ân nhân tôi, cùng với thi thể của mấy cô gái khác có lẽ đã chết được một thời gian. Tôi chỉ nhận được bà lớn, do đó tưởng rằng con gái ân nhân cũng đã chết, đành chôn cất cho họ, không tìm kiếm nữa.
“Nhưng tôi vẫn cứ đi không dừng lại được. Cứ nghe ở đâu có người chết, có trộm cướp là tôi lại tới, dù chỉ để chôn cất họ, tụng cho họ một bài kinh. Chỉ trong có hai tháng trời, tôi tưởng như mình đã ở trăm năm dưới địa ngục. Đến khi triều đình lấy lại tỉnh thành, đám trộm cướp mới trốn đi. Quan triều bắt mọi người về làng, kiểm tra quê quán, đám người ấy lại trốn về, ném bỏ người bị chúng bắt. Cũng nhờ vậy mà tôi tìm lại được nữ thí chủ này.” Ánh nắng đau đáu trong mắt nhà sư già khi ông thở dài thật khẽ, lặng lẽ kể tiếp câu chuyện của mình. “Không tiện dắt nữ thí chủ vào am tu, tôi nhờ gia đình một thầy thuốc chăm lo chạy chữa cho cô ấy. Chẳng ngờ đến thế vẫn không yên, trong một đêm quân Xiêm lại kéo tới, cô bé lại bị bắt đi. Tôi chạy suốt từ An Giang đến Hà Tiên rồi Cần Bột, may mà lần này vẫn giữ được người.”
“Cô ấy…” Y đưa mắt nhìn cửa gian nhà bên, ngập ngừng lên tiếng. Chuyện xảy ra với cô gái này không cần hỏi cũng hiểu được, nhìn cô ta quả thật cũng không mấy bình thường.
“Nữ thí chủ từ lần trước đã điên điên dại dại, tôi mới gửi ở nhà thầy thuốc. Giờ thì…” Tiếng thở dài trầm sâu trong ngực nhà sư, ông cắn một miếng lương khô, nói khẽ. “Tôi chưa biết phải đưa cô bé đi đâu bây giờ. Khắp nơi người ta đánh nhau, cướp phá, loạn lạc. Tôi chỉ còn chút sức tàn, cố gắng đưa cô ấy chạy trốn được đến đâu hay đến đấy.”
“Tôi có thuyền đưa người đến đây, có thể chuyển hai vị về Hà Tiên.” Y nói ngay. Rồi sau đó… quả thật đến y cũng chẳng thể biết được.
Nhà sư gật đầu cám ơn y. Có lẽ đã quá mệt mỏi, ăn xong miếng lương khô, ông ngả người xuống sàn đất ngủ. Y liền ra ngoài đền nghe ngóng. Nơi này ở cạnh dòng sông đổ ra biển, những toán tàn quân hẳn cũng sẽ chạy qua. Thấy cửa sổ chái nhà vẫn chưa khép, y liền đến đóng lại. Nghe động, cô gái kia ngẩng đầu lên.
Qua mái tóc xõa rối bù, y chẳng thấy gì ngoại trừ đôi mắt mở to nhưng hoàn toàn ngây dại trên gương mặt tái nhợt, bên má còn vết bầm tím có lẽ do bị đánh. Nhưng cô gái trừng trừng nhìn y, với một thái độ khiến y có cảm tưởng cô ta nhìn thấy ma.
Y lặng lẽ đóng cánh cửa, không muốn cô gái hoảng sợ thêm. Đi được vài bước, y nghe tiếng động phía sau lưng. Cô ta đã đẩy cửa nhìn theo y. Nhưng thấy y quay lại, cô gái chỉ ngẩn người, buông cánh cửa xuống.
Có lẽ cô ta thấy y nhang nhác ai đó? Y nghĩ thầm, bụng dạ chợt quặn lên.
“Sư cụ kể ân nhân người là nhà buôn, nhà ấy ở đâu, làm gì thế ạ?” Đợi nhà sư già ngủ dậy, y liền hỏi ngay.
“Ông ấy họ Lâm, buôn gạo ở Định Tường. Nhà giàu mà chỉ có một cô con gái, cả vùng đều biết, cho nên mới ra nông nỗi…” Nhà sư ngậm ngùi nói. Có lẽ ông còn kể thêm điều gì đó, nhưng y chẳng còn tâm trí để nghe được.
Cô gái này chính là người Mạc Hầu Hy muốn tìm, nguồn cơn mọi biến động, bất hạnh trong đời anh ta. Có lẽ Mạc Hầu Hy cũng như nhà sư này lầm tưởng rằng cô gái đã chết - và để cô ta rơi vào cuộc sống còn tồi tệ hơn địa ngục.
Không như lời nhà sư nói, cô gái không điên dại, mà là một trạng thái còn tệ hơn. Cô chỉ ngây dại, như thể không còn chút nghĩ suy hay thậm chí là cảm giác. Cô chỉ phản ứng với thức ăn khi bụng đói, đòi ăn bằng tiếng thút thít nho nhỏ. Đau cô cũng không biết kêu, nhà sư phải cột dây vào tay dẫn cô đi. Cô chỉ ngồi bó gối ngẩn người, thậm chí tiêu tiểu ngay tại chỗ. Cô ngoan ngoãn đi theo y xuống bè, rồi vượt rừng về phía dòng sông đến Hà Tiên. Những người lính ngạc nhiên khi thấy y dẫn một cô gái và nhà sư theo cùng, nhưng nghe chuyện thì chẳng ai hỏi nữa.
Tuy vậy, y có thể đưa cô gái này đi đâu? Đến Hà Tiên, y vẫn còn đang nghĩ. Cũng như cảnh tượng ở Cần Bột, quanh tỉnh lị Hà Tiên chỉ còn là một vùng đất đen màu than cháy. Phố thương ở Hà Châu đã bị cướp phá, đốt cháy sạch sanh, đến cả pháo đài Hà Tiên cũng đã bị đánh sập. Khu nhà trong lũy dành cho quan quân chỉ còn vài gian chính điện vẫn nguyên vẹn. Y để hai người ở tạm trong doanh trại quân, đến trình diện với Trịnh Đường để báo cáo về tình hình tại Cần Bột.
“Sau khi thu được Châu Đốc, Tướng quân Trần Văn Năng đã phái Tham tán Hồ Văn Khuê đem binh thuyền đến Lô An làm thanh thế hỗ trợ ta. Nhưng ta đã lấy được Hà Tiên, quân Chân Lạp lại đang đánh Xiêm ở Bông Xui, Hồ Văn Khuê đem thuyền đi chặn rồi.” Trịnh Đường thông báo ngắn gọn cho y về tình hình ở Chân Lạp. Không hiểu sao y cảm thấy ông ta có vẻ khá căng thẳng dù chẳng nói về chuyện cam go. “Hiện tại đại quân Trương Minh Giảng đã chiếm được Nam Vang, sẽ phái Trương Phúc Đĩnh đưa bọn Thái Công Triều đến đây để đánh dẹp hải phận Cần Bột.”
“Như cậu nói những khu vực ven sông biển đã bỏ trống, thì bọn Xiêm có thể đưa quân gian tế đến, đồng thời vẫn còn bọn lẩn lút trong Gia Định, Chân Lạp chưa chạy được sẽ dùng đường ấy mà đi, cả trong lẫn ngoài đều bất lợi. Chúng có thể thình lình ập đến Hà Tiên chiếm cứ tỉnh lị bất cứ lúc nào. Cần có người kiểm soát chặt, quản lý rộng khu vực này.” Trịnh Đường cau mày nói chặn khi y vừa mở miệng. “Mà cậu cũng thấy đấy, Hà Tiên này bây giờ chẳng còn gì cả. Việc đầu tiên ta phải làm là sửa lại mấy pháo đài, đồn lũy để phòng ngừa, đợi tình hình yên rồi mới có thể chiêu tập dân trở về. Chuyện người ở đây cậu rành rõ hơn ta, cậu nên nghĩ cách gì giúp cho ta mới phải.”
Và đừng hỏi ông ta về chuyện người họ Mạc, cũng đừng yêu cầu ông ta giúp đỡ bất cứ chuyện gì, y hiểu ẩn ý của Trịnh Đường, chỉ im lặng gật đầu. Khi ra doanh quân để đón nhà sư và cô gái, một người lính gần đó mới thì thầm hỏi y.
“Tuần phủ cáu gắt lắm phải không?” Đưa mắt nhìn quanh, anh ta hạ giọng. “Vừa mới báo tin thắng trận, hoàng thượng đã đùng đùng hỏi tội quan cả vùng rồi. Trước đó Tuần phủ và Lãnh binh không chịu đưa thuyền đuổi đội quân Xiêm kia, chỉ bắt một thuyền gọi là, hoàng thượng đã trách mắng. Sau vừa nghe tin thu phục được Nam Vang, hoàng thượng đã yêu cầu các quan truy xét, báo cáo lại tình hình. Tại sao Tuần phủ lại chẳng hề thám thính được ý định tấn công của Xiêm để xin cứu viện sớm, tại sao quân An Giang không chịu giữ thành mà bỏ chạy, rồi cả bọn trộm cướp nổi lên ở Định Tường khi nghe Xiêm đến. Tuần phủ đang bị cách lưu, lấy lại tỉnh thành mà chẳng được một lời khen lẫn phục chức, lại nghe toàn chiếu chỉ trách mắng, các quan ai nấy đều căng thẳng.”
“Nghe như đã bực bội lâu rồi, giờ mới phát ra.” Nghe chuyện, y chỉ cười nói. Vẫn là Thái Công Triều thông minh hơn hết, tự mình đi trước lập công. Trịnh Đường tính quá hóa vụng, chỉ bo bo giữ thân, tìm cách quấy quá báo công chỉ khiến người trên càng thêm bực. Tiếng là đánh được quân Xiêm nhưng chẳng tóm được một tên đầu sỏ nào, tình hình ở Gia Định vẫn chực chờ rối loạn, u u minh minh, toàn bộ trách nhiệm hóa ra đổ lên đầu vị Tuần phủ có trách nhiệm truy đuổi thuyền giặc này.
“Đến Án sát Hà Tiên Đặng Văn Nguyên cũng vừa bị giải về Kinh rồi.” Người lính đột ngột nói. “Ông ấy thấy quân binh rút thì chạy trốn đến Sa Đéc, tới tận khi quan quân lấy được Châu Đốc mới ra trình diện. Bị giải về Kinh lập tức chứ không cho ở lại làm việc chuộc tội, ông ấy lần này khó tránh khỏi tội chết.”
Y im lặng gật đầu. Trước đây những viên quan bỏ trốn trong loạn Lê Văn Khôi cũng bị giải về Kinh nghị xử, nhưng hiện tại thì hẳn ai cũng cảm thấy được cơn giận dữ âm thầm từ ngàn dặm xa kia quét đến. Gia Định vẫn đang liên tục rối loạn, và những vị quan đến từ Bắc Kỳ chẳng thể cai quản được nó, những viên quan Nam Kỳ loay hoay giữa các mâu thuẫn của lý và tình. Những cung cách, chiều hướng hành xử trái ngược nhau của triều đình và quan lại địa phương, những lệnh trừng phạt lẫn tha thứ không theo một đường hướng nào rõ rệt, tất cả chỉ càng làm sự hoang mang dâng cao. Và những viên quan sẵn sàng bỏ thành trì khi có động, những viên tướng rút chạy giữa trận tiền chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa. Chưa có một ai bị trừng phạt thẳng tay vì bỏ trốn, và việc ấy có thể đang gây ra hậu quả hiện tại. Một cái án nặng nề hơn giáng xuống là điều ai cũng đang đoán trước, đang chờ đợi.
Thầy thuốc được cử đến từ kinh thành đi theo đoàn quân đã băng bó vết thương, tạm thời chữa trị cho cả nhà sư và cô gái họ Lâm nọ. Không thể để họ ở lại trại quân, y đưa cả hai người về phủ họ Mạc. Khu phủ không thoát khỏi đám người cướp bóc, tất cả đã cháy thành than, chỉ để lại vài nền nhà đen kịt. Y đành đưa người đến đền thờ họ Mạc dưới chân Bình San, nhận ra ngôi đền cũng đã bị cướp phá sạch sanh, cửa nghiêng rào đổ, may tường ngói vẫn còn đứng vững. Bàn thờ đã bị cướp đến từng lư hương đĩa cúng, bài vị bị vứt chỏng chơ trên sàn.
Y cùng nhà sư phải đích thân dọn dẹp nấu nướng tạm cho bữa chiều trong khu nhà sau đền. Cô gái vẫn thu mình ngồi trong góc căn phòng tối om, bất động hoàn toàn với mọi việc xảy ra xung quanh. Khi y kê lại bàn thờ, gom các bài vị để lên bàn ngay ngắn, dâng một chén cơm cúng, cô mới hơi ngẩng đầu nhìn sang, có lẽ vì chén cơm trên bàn. Nửa khuôn mặt đã được bôi thuốc tím đen, chỉ có đôi mắt cồ cộ phản chiếu ngọn lửa nhang đèn, tóc xõa tả tơi trên bộ quần áo vải thô đen đúa, trông cô như một hồn quỷ đầy đáng sợ chập chờn giữa bóng tối.
Ăn xong bữa tối, y đi ra ngoài, nóng lòng thăm dò tìm hiểu khu vực xung quanh. Nhóm quân Xiêm có lẽ cũng đã lên Bình San, nhưng chẳng có gì trong ngọn núi này để cướp. Từ trên núi nhìn xuống, y chỉ thấy những vạt đất bị đốt cháy trải dài, không có lấy một bóng con người. Cả Hà Tiên như đã biến thành một vùng đất chết dưới chân y.
Phương Thành tre trúc xanh xanh, trăng soi Đông Hồ thơm ngát, Chiêu Anh các dặt dìu tiếng nhạc, Bình San mênh mông hương mai, tất cả như chưa từng có. Những ngày xanh lang thang đồi vắng, lặng yên nghe dòng người nườm nượp lại qua khu biển xa, tưởng đã ở kiếp nào. Hà Tiên phía trước là biển, bao quanh là núi, trăng bạc hồ xanh, lẻ loi cô tịch như cõi tận cùng của thế gian.
Gần dưới chân đồi, y thấy một ngôi mộ vừa mới xây, đá còn trắng bạc dưới ánh trăng. Mộ của Mạc Công Du chưa được trăm ngày mà đã hương tàn khói lạnh. Y hái một bó hoa dại để trước mộ ông, ngồi cạnh mộ mà ngơ ngẩn nhìn khoảng không trước mặt. Trăng tròn vành vạnh trên khoảng trời bát ngát, rằm tháng giêng rồi, y chợt nghĩ. Tết Nguyên tiêu, những chuỗi đèn lấp lánh, tiếng chiêng trống rộn ràng của những ngày xưa cũ, cũng đã biến mất như chưa từng tồn tại trên mảnh đất vắng lặng này. Người đã từng cùng y đón Nguyên tiêu năm trước, chỉ còn lại một nấm mồ hoang.
Chẳng ai nhớ hôm nay là Nguyên tiêu, ngay cả trong trại quân ngoài tỉnh lị. Họ đang mải khuân đất đá xây lại pháo đài, gác súng lên thành lũy, nằm ngồi ngả nghiêng trên những chiếc thuyền đề phòng bị tấn công bất ngờ, chờ đợi quân tiếp viện đến hỗ trợ. Kho lương tiền của tỉnh đã bị cướp sạch, mỗi người chỉ có nắm lương khô lót dạ, nhà ở cũng chỉ là mái tranh dựng tạm. Ngọn lửa quét qua, đốt cháy toàn bộ khu cảng thị phù hoa, đốt cháy cả thời gian và cuộc đời mỗi con người.
Y sẽ đi đâu tìm lại người nhà họ Mạc? Có lẽ Mạc Hầu Chấn quả đã theo lời y, đưa tất cả về nhà họ ngoại, nhưng họ cũng sẽ chẳng thể ở yên nơi chốn cũ. Cả một vùng biển bị quân Xiêm cùng Chà Và, Nam Dương, Thanh phỉ càn quét, họ sẽ phải bỏ chạy, rồi họ có trở về? Trở về với một ngôi phủ chỉ còn tro than, trở về với một lời nguyền khôn bề hóa giải, với một vùng đất lẻ loi trơ trọi như tận cùng của thế giới.
Như thể một sân khấu đèn hoa vừa tắt, Phương Thành nhộn nhịp, Chiêu Anh hào hoa, Hà Tiên cảng thị, đã biến mất theo trong ánh sáng muôn màu lấp lánh, trả lại cho y cõi đất của người chết muôn thuở im lìm. Như thể y đã từng ngồi nơi đây từ hàng trăm năm trước, lắng nghe hơi thở cô độc hoang tàn của cuộc hành trình vĩnh viễn chẳng thể quay đầu.
Trong khu đất trống bỗng có bóng người chuyển động. Y nhận ra chính là cô gái họ Lâm nọ. Cô ta đi khỏi đền, trong tay cầm nắm cơm có lẽ lấy trên bàn thờ. Tất cả cảm giác còn lại của cô chỉ là đói, như một con thú hoang. Y nhìn cô ta cúi đầu ăn cạnh hồ nước trước đền, nghĩ thầm cô hẳn đã sống qua những ngày chẳng còn giống con người.
Tôi không biết đưa cô bé đi đâu, nhà sư nói, y hiện tại cũng không biết. Y chẳng có gì, thậm chí chẳng có một cuộc đời, chẳng có nổi tự do. Y cũng không biết có nên báo cho Mạc Hầu Hy về cô gái này – kẻ đã chẳng còn giống với con người.
Mọi điều xảy đến với Mạc Hầu Hy đều trở nên sai lầm, méo mó một cách quái dị, bất lực không thể chịu đựng nổi. Liệu anh ta có cảm thấy vui hơn khi cô gái anh ta yêu vẫn sống – trong trạng thái điên điên dại dại một phần do lỗi lầm của anh ta ngày ấy? Tưởng rằng cô ta đã chết, Mạc Hầu Hy không tìm kiếm nữa, và đẩy cô ta hai lần vào tay kẻ cướp, vào một cuộc sống chẳng phải của con người. Để Mạc Hầu Hy thấy cô gái ấy lúc này, cô ta chẳng thà chết đi còn hơn.
Y nhớ tới đôi mắt của cô gái phản chiếu bóng lửa nhang thờ, như thể một linh hồn đã hoàn toàn chết hẳn trong trần thế đọa đày hơn cả địa ngục. Y nhìn mảnh đất trải dưới ánh trăng như thể than cháy của ngày Nguyên tiêu tích tụ đến ngàn đời, nghe tiếng gió trượt xuống từ đỉnh đồi giá lạnh. Hương mảnh bay trong gió, lặng lẽ bao phủ y.
Hoa mai vẫn nở, tan chìm trong lặng im. Trong cõi chết im lìm.
Chú thích:
[1] Mai khâu vãn diểu của Trịnh Hoài Đức