Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

33. Kỳ đa phân đại đạo
Trường An in "Minh nguyệt 1" February 22nd, 2019
  1. Kỳ đa phân đại đạo, địa tịch thất cô thôn[1]
    (Đường lớn phân muôn ngã rẽ, đất vắng chẳng thấy cô thôn)

 

Hai bên bờ sông Châu Đốc là đồn trại đóng dài cả dặm, đây là khu đồn lũy phòng thủ sông bị quân Xiêm chiếm đóng, tường lũy dày chắc, khu trại phía trong còn đủ các kho lương thảo, thuốc súng. Đoàn thuyền Xiêm đã rút chạy qua lũy, chỉ để lại quân bộ đóng trong đồn phong tỏa dòng sông.

Quân của Thái Công Triều và Phạm Hữu Tâm không thể đột phá qua vòng tên đạn phòng ngự. Thấy Thái Công Triều đã trúng đạn, Trương Minh Giảng liền dàn thủy quân giữ lòng sông, chia quân lên bờ đóng giữ hòng tìm cách tấn công vào lũy Xiêm. Cả thủy bộ quân cùng tiến lên hỗ trợ nhóm Thái Công Triều, Phạm Hữu Tâm đi trước, áp sát đồn Châu Đốc. Trận chiến ác liệt tiếp tục đến chiều mà vẫn bất phân thắng bại.

Chiều tối, một đoàn thuyền khác từ hạ nguồn sông tiến tới, Bình khấu Tướng quân Trần Văn Năng thân đốc suất binh thuyền đến hỗ trợ đại quân. Thấy đêm đã buông, Trương Minh Giảng tạm thời cho nghỉ quân, sắp xếp lại đội ngũ để tìm cách tấn công vào lũy.

Những người lính trở về vẫn ám đen màu khói súng và bùn đất. Trên những chiếc thuyền cập bờ, họ lặng lẽ khiêng xuống những thi thể trúng đạn tử trận ban sáng. Thái Công Triều ôm vai đẫm máu nhưng không nhờ người đỡ, tự mình đến trại để băng bó vết thương. Thấy vẻ lo lắng của Trương Minh Giảng, Thái Công Triều phác tay.

“Vết thương nhẹ thôi, đạn xuyên qua thịt chỉ cần băng lại là khỏi. Anh lo đốc thúc tấn công nhanh cho được việc, không phải lo cho tôi.” Thái Công Triều cười nói, đưa mắt nhìn trại quân xung quanh. “Quân Xiêm chỉ đang cầm cự cho đội thủy quân rút chạy, chúng cũng nhanh chóng bỏ trận địa ngay thôi.”

“Anh đi trị thương đã.” Trương Minh Giảng chỉ gật đầu nói. Khi Thái Công Triều đã đi, anh ta mới quay sang Trần Văn Năng. “Quân bộ Xiêm bọc lót cho thủy quân bỏ chạy, Tướng quân nghĩ chúng muốn làm gì?”

“Quân Xiêm tấn công vào Gia Định dùng thủy quân đi trước, nhóm quân bộ này là mới từ Nam Vang đến. Chúng chủ tâm đánh nhanh tận dụng lúc ta bất ngờ không phòng bị, nên quân mới chia nhiều nhóm như thế.” Trần Văn Năng trầm ngâm nói. “Nhưng nếu thực chúng muốn thắng thì nhóm thủy quân này phải chờ nhóm quân bộ phía sau đến, tổng lực cùng đánh. Đằng này bọn lính thủy đi trước bỏ chạy đến tận đây mà chúng cũng không hợp sức giữ đồn. Không phải quân bộ bọc lót cho đám thuyền ấy chạy đi, mà là chúng chẳng hề liên quan đến nhau.”

“Đám thủy binh của Xiêm vốn từ Hà Tiên tới, Tuần phủ Trịnh Đường bảo chúng là quân ô hợp mới tập hợp đi theo Xiêm.” Trương Minh Giảng nói, đưa mắt nhìn Trịnh Đường đứng trước y. “Người của Lê Đại Cương cũng vừa mới báo lại, nhóm quân Xiêm định đến tấn công Quang Hóa phần lớn là người Chân Lạp bị chúng bắt mặc quần áo giả dạng quân Xiêm. Quân Xiêm thực sự chưa biết là bao nhiêu, nhưng chúng dùng toàn những kẻ bên ngoài đi trước dẫn đường cho chúng.”

“Thái Công Triều cũng bảo, người Xiêm chẳng hề muốn sống chết vì bọn Khôi, chỉ là muốn nhờ rối loạn ở Gia Định mà ăn hôi. Chúng dùng quân Man tấn công đạo Quang Hóa, dùng người Thanh, Gia-tô tấn công vào Hà Tiên, làm tiên phong dẫn đường cho chúng.” Nghe nhắc đến tên, Trịnh Đường thận trọng lên tiếng, mắt ông ta đột nhiên nheo lại. “Nhưng dù vậy, nhóm quân bộ này thấy thủy quân không tiến được mà không bỏ chạy, vẫn là có ý muốn giữ chân ta cho bọn thuyền kia trốn xa. Trong khi ta dùng thuyền truy đuổi thì quân bộ khó trốn hơn thuyền, nhất định là trong đám thủy quân kia có kẻ quan trọng với bọn chúng.”

“Vừa rồi ở sông Cổ Hỗ có một nhóm quân Xiêm vòng qua đánh sau lưng lũy Chiến Sai. Chắc chắn là có kẻ dẫn đường cho chúng.” Trần Văn Năng nói qua kẽ răng. “Đường sông ở Nam Kỳ kẻ mới đến không thể nào rành rõ, huống hồ là len qua sông nước chằng chịt để đánh tập hậu. Ngay cả lần trước Tống Phúc Lương đánh trận Thuận Cảng, ta thường nghĩ ông ta chủ quan, nhưng sông nước, địa thế vùng này đúng ra phải rất quen thuộc với ông ta, vậy mà ông ta chia mấy nhánh quân đều không thể đánh vào được, ngược lại còn bị chúng vòng ra sau đánh vào thuyền chỉ huy khiến cả Tham tán cũng bị thương. Bọn Xiêm mới chỉ đến Thuận Cảng thì lý đâu lại có thể dựa vào vùng cát lầy ấy để thủ chắc như thế.”

“Vâng, tôi cũng chỉ đánh thắng được chúng trong mấy trận phục kích đêm khuya và thủ ở lũy Chiến Sai. Nghĩ lại cũng kỳ lạ, Xiêm đã tiến quân từ Bắc Tầm Bôn đến Nam Vang từ gần hai tháng trước, chờn vờn ở biên giới, nhưng đánh vào vừa đúng lúc tôi được lệnh đưa thuyền đến An Giang. Chỉ cần chúng chậm trễ thêm vài ngày, An Giang có thể đã giữ được.” Trương Minh Giảng gật đầu, trầm giọng nói. “Thái Công Triều khi bảo tôi phải giữ Thuận Cảng thì nói nhất định không thể để Xiêm vào đến Định Tường, Vĩnh Long, lấy cớ là dân nơi ấy không quen chiến trận. Nhưng chính anh ta vừa đem hương dõng Định Tường đánh bọn Lê Văn Khôi, lẽ nào lại cảm thấy người vùng này không nhờ cậy được?”

“Trong vùng có bọn gian tế, chỉ cần chờ quân Xiêm tiến đến, quan quân rối loạn thì chúng sẽ nổi lên cướp tỉnh thành. Mà chắc chắn rằng, đám thủy quân Xiêm không chỉ có người Thanh, Nam Dương, Miên, Lào như Trịnh Tuần phủ nhìn thấy đâu.” Trương Phúc Đĩnh đến lúc ấy mới lên tiếng. “Ngay cả trong quân đội bây giờ, ta chưa thể xác định được kẻ nào mất tích ngoài chiến trận, kẻ nào bỏ trốn, và kẻ nào chạy thẳng về phía địch quân.”

“Vừa rồi phát hiện trong quân thứ Tống Phúc Lương có gian tế, nhưng bọn Lê Đăng Doanh không dám báo về Kinh, chắc chắn là còn nhiều thứ bị che giấu với bên ngoài.” Trần Văn Năng nhếch môi, trở lại dáng vẻ giận dữ khinh miệt. “Thậm chí ngay cả Thái Công Triều cũng chưa chắc đã nói tất cả những gì anh ta biết với chúng ta. Để bắt tận gốc bọn gian tế phải tóm được lũ cầm đầu trong đám thuyền kia.”

“Ngay cả khi đã đẩy lui được Xiêm, bắt được kẻ cầm đầu thì ta mới có thể ổn định hoàn toàn tình hình trong nước. Trước hết là đám người Gia-tô kia cứ một đồn mười, mười đồn trăm những tin đồn vớ vẩn do bọn thừa sai đơm đặt, xưng tụng chúng là thánh là thần, mới dẫn đến chuyện cả đám người đi theo chúng liều chết chống quan quân, thậm chí đem bọn người ngoài vào dày xéo quê hương.” Trương Phúc Đĩnh thở dài. “Đáng tiếc Tướng quân Trương Minh Giảng đã vội vàng chém đầu tên Lê Văn Công kia, không thì đã có thể đưa hắn đi nhận tội trước chúng dân về bọn thừa sai cố đạo cấu kết nhau khắp thế giới để gây loạn lạc, ít ra thì cũng bắt được chứng cứ tên Phú Hoài Nhân kia là chủ mưu gây rối. Bằng không chúng cứ lẩn lút trong dân gian đóng vai kẻ bị hại, đổ hết tội cho triều đình bức bách chúng không cần lý do, kêu gọi dân chúng làm loạn, gieo rắc ý phản nghịch. Cái đám người ấy là một ổ gian tế tay sai cho đám Tây dương lẫn bọn cố đạo, chỉ chờ cơ hội bọn Tây dương đánh vào là thành khối thuốc nổ ngay. Ta nói thì chúng chẳng tin, phạt thì chúng oán, trừng trị đám cố đạo Tây dương thì bọn ấy đầy một miệng gian trá kích động người. Phải bắt được lũ cầm đầu đem đi diễu khắp đất nước, lúc ấy may ra mới được.”

“Tuần phủ Trịnh Đường và các Lãnh binh An Giang, Hà Tiên chuẩn bị ngay thuyền bè, đưa khoảng sáu trăm quân đuổi theo đám thuyền Xiêm!” Trần Văn Năng dứt khoát nói. “Ta đẩy mạnh tấn công đánh lui bọn quân bộ này mở đường sông Vĩnh Tế, không thì các người cứ đi theo đường sông nhỏ đến Hà Tiên.”

“Vâng!” Trịnh Đường chỉ cúi đầu nói.

Trong lúc các tướng cắt cử thuyền bè quân lính, y đến trại thương binh thăm Thái Công Triều. Vai anh ta trúng đạn nhẹ, chỉ cần băng bó rịt thuốc, ngồi nghỉ ở khoảng đất trống sau trại. Thấy y, Thái Công Triều vẫy tay gọi y lại gần.

“Cậu được lệnh tới Hà Tiên rồi phải không?” Y gật đầu, Thái Công Triều đưa mắt nhìn quanh rồi hạ giọng cười nói. “Cậu có định quay trở lại quân thứ Phiên An không?”

“Tình hình hiện giờ cậu cũng thấy ngay trước mắt, chẳng ai tin được ai nữa. Càng kéo dài lâu, trạng thái này sẽ càng tệ hơn, kẻ không có tội thì cũng khó mà sống, lỗi nhỏ thành lỗi to.” Thái Công Triều nheo mắt, giọng càng hạ thấp dường chỉ như tiếng thì thầm. “Trừ phi cậu tạo nên chiến công oanh liệt có thể cứu giúp cả nhà họ Mạc, bằng không thì cứ quay lại mà chịu chết. Những kẻ có chút ít khôn lanh đã nhanh chân bỏ trốn trước, để lại hậu quả cho bọn phía sau. Và sau tất cả chuyện này, kẻ nào còn có thể tin người được đều là thứ ngu ngốc.”

“Đáng tiếc cậu đi cùng Trịnh Đường, ông ta chẳng phải là người đơn giản, cũng không phải loại người sẽ tâu công khen thưởng cho cậu đâu.” Thái Công Triều nhếch nhẹ môi, lắc đầu. “Nên cậu phải tính sớm đi, trở về Phiên An sẽ không kịp nữa.”

Y im lặng nhìn Thái Công Triều rồi chậm chạp đứng lên, gật khẽ.

“Cám ơn anh, tôi hiểu.” Nhìn ra doanh trại lính phía xa, y lại nhẹ cười. “Tôi cũng không cần phải lo lắng cho anh.”

Là Thái Công Triều quá khôn ngoan hay y quá ngốc nghếch? Khi đi ra bến sông nhìn những chiếc thuyền được đưa tới, y lại tự hỏi mình. Toàn bộ hành động của Thái Công Triều đều đi trước một bước – như anh ta đã nói: Khi được thả ra trận địa, thoát khỏi Phiên An, cũng là lúc mọi kẻ bộc lộ khuôn mặt thật của chính mình, từ viên đại tướng hoàng thân quốc thích cho tới kẻ gian tế không ai biết tên biết mặt lẩn lút trong rừng sâu, và cả những người lính này. Trong cuộc chiến, mọi thứ hiển lộ, và khiến cho mọi người có cảm giác rằng tất cả điều tốt đẹp đều là vô ích, vô nghĩa lý. Không có tha thứ, chẳng có nhân từ, và càng không thể tin tưởng. Chỉ có hai bên trận địa, và bằng mọi cách giết chóc, triệt hạ nhau đến cuối cùng – thậm chí, chẳng cần có nguyên do.

Mọi sự tha thứ đều dẫn tới bại vong và đổ vỡ, từ Phạm Xuân Bích cho đến Tống Phúc Lương và Lê Đăng Doanh hiện tại. Bằng một thứ luân lý nào đó không thể hiểu nổi, mọi lòng tốt đều là sai lầm, mọi hành động đều là mù quáng. Có lẽ ngay từ khi Bạch Xuân Nguyên ngửa cổ cười dài trong sân đền ngày hôm ấy, phá vỡ hoàn toàn mọi ảo tưởng tốt đẹp trên thế gian, mọi thứ trong cuộc chiến này đều phi lý, mù lòa, thậm chí ngu ngốc đến lạ thường. Và rồi đến cuối cùng, chẳng ai còn biết tin vào điều gì, ngay cả chính bản thân mình. Bùi Văn Lý đã nhận ra mình không thanh cao tài giỏi như đã tưởng, Tống Phúc Lương trong thời khắc bỏ chạy khỏi Thuận Cảng hẳn cũng nhận ra mình chẳng phải viên quan đạo đức như đã từng mong muốn.

Cũng như y chẳng phải là người thanh niên vô tư thuần phác ở Bình San năm nọ. Thế gian này chẳng giản đơn phân biệt theo cái gọi là thật giả đúng sai. Và những chuỗi lửa vẫn cháy bùng lên muôn vàn ảo cảnh trong mắt những kẻ mù.

Thái Công Triều nhận ra điều đó, ngọn lửa đang cháy bùng lên trong mọi kẻ. Và anh ta nhanh chóng chạy lên trước. Lập đại công, anh ta nói, một thứ công lao có thể chuộc lại mọi tội lỗi. Chẳng cần phải chiến thắng, chẳng cần phải tài năng, chỉ cần liều lĩnh và đúng thời cơ – như Thái Công Triều luôn luôn làm được. Để rồi y cảm thấy mình ngu ngốc khi đã lo lắng, thậm chí là kính phục anh ta. Thái Công Triều vĩnh viễn chẳng phải là một đại tướng như Trương Minh Giảng, thậm chí cũng chẳng được như Trần Văn Năng, anh ta chỉ là một kẻ cơ hội. Một kẻ dùng tính mạng mình để đoạt lấy những cơ hội, đùa giỡn với sự ngu ngốc của con người để lên tới đỉnh cao. Đó cũng là một loại tài năng, có lẽ.

Như y vốn chẳng thể làm như anh ta. Khi đã lên thuyền, nhìn đám lửa đột ngột bùng lên trong đồn lũy Châu Đốc mà Xiêm đang chiếm đóng, y vẫn còn đang nghĩ đến điều đó. Nửa đêm, Xiêm cho đốt toàn bộ doanh đồn, rút quân chạy về Chân Lạp. Trần Văn Năng một mặt phát quân truy đuổi, một mặt ngay lập tức giao cờ lệnh cho Trịnh Đường, Nguyễn Đăng Huyên đưa đám quân thuyền xuất phát chạy qua Thoại Hà về Hà Tiên đuổi theo thủy quân Xiêm ra biển.

Đến kênh Vĩnh Tế, bọn y gặp phục kích. Chừng hơn chục thuyền Xiêm đậu lại ven bờ, kết bè toan đốt lửa hỏa công. Nguyễn Đăng Huyên cứ cho quân sấn đến, chặt bè đốt thuyền, bắn súng đuổi đánh. Nhóm thuyền chặn đường liền tan chạy. Bọn y thẳng đến Giang Thành, thấy đồn lũy đã trống, nhưng vẫn còn vài chiếc thuyền Xiêm ngoài khơi.

“Chúng chạy hướng Đông về đây, ta có thể chặn đánh được.” Lãnh binh An Giang Nguyễn Đăng Huyên nói. Trịnh Đường vẫn còn đang nheo mắt nhìn cảnh tượng hoang tàn của tỉnh lị Giang Thành kéo cho đến bờ biển, một lúc sau mới gật đầu.

“Ta chỉ có năm chiếc thuyền có buồm, Lãnh binh chỉ huy đuổi bắt chúng.” Trịnh Đường đưa mắt qua đám thuyền ngoài khơi, lại chẳng hề có vẻ hăng hái. Ông ta phất tay. “Ta đưa một nhóm quân vào tỉnh lỵ nhanh chóng xem xét tiếp quản lại Hà Tiên, kẻo bọn thổ phỉ hôi của kéo đến.”

“Tôi ra biển.” Y nói khi Trịnh Đường nhìn về phía mình. Ông ta cũng chỉ gật đầu. Nhóm quân thuyền ít ỏi lại tiếp tục chia đôi, theo lệnh Nguyễn Đăng Huyên chạy ra biển chặn đầu nhóm thuyền kia.

Năm chiếc tàu ô có buồm nhanh nhẹn chạy trước, lấy đại bác bắn trúng vào chiếc thuyền cuối đoàn. Đám người trên thuyền ấy nhảy cả xuống biển. Nhưng Nguyễn Đăng Huyên chỉ cho tàu tiếp cận thuyền đã bắn, không tiếp tục phát lệnh đuổi theo nhóm còn lại.

“Tàu Chà Và.” Nhìn mấy khẩu súng và pháo trên thuyền, Nguyễn Đăng Huyên nói. “Bọn hải tặc Chà Và quen lặn biển, nghe động là nhảy xuống biển trốn đi toàn bộ. Chúng ở đây để chặn đường che chắn cho bọn người ở Hà Tiên chạy thoát. Đuổi theo chúng cũng chẳng ích gì.”

“Nhưng đoàn thuyền nào cũng phải có đội trưởng. Cứ đuổi theo bắt tất cả, có thể tóm được kẻ cầm đầu.” Y nói. Nguyễn Đăng Huyên nhìn y, bất chợt mỉm cười.

“Ta cho cậu một nhóm quân, cậu làm nhiệm vụ săn lùng chúng nhé.” Nguyễn Đăng Huyên vỗ vai y, dùng giọng cha chú mà nhỏ nhẹ nói. “Cố lên, cậu Mạc.”

Để lại một chiếc tàu ô cho y, tất cả quân còn lại quay đầu theo Nguyễn Đăng Huyên vào trong bờ, kéo theo chiếc thuyền chiến phẩm. Khi ấy, chiều cũng đã buông.

Bóng những hòn đảo lẻ loi in xuống mặt biển trải ráng hồng. Y nén tiếng thở dài trong ngực, gọi người đưa thuyền vào một hòn đảo gần đó nghỉ ngơi.

Đây cũng lại là điều Thái Công Triều đã nói. Trịnh Đường quả nhiên chẳng phải là người có thể nhiệt tâm bán mạng cho bất cứ điều gì, ông ta chỉ luôn tính toán thứ có lợi nhất cho bản thân. Với đội thuyền ít ỏi nhỏ lẻ này, ông ta hiểu rằng vô cùng khó khăn để chiến thắng đội tàu địch, và đẩy ngay nhiệm vụ cho Nguyễn Đăng Huyên. Đến lượt Nguyễn Đăng Huyên cũng chỉ thực hiện vừa đủ, bắn trúng một chiếc thuyền, dù chẳng bắt giữ được ai thì vẫn có thể báo tin chiến thắng. Chẳng một chiến công nào có thể được lập với những chủ tướng này.

Hòn đảo mà y tấp vào lại đang có người. Vài chiếc thuyền nhỏ đậu trong bờ, thấy tàu y vào thì mấy người ra nghiêng ngó. Thấy y đứng đầu mũi tàu, một người trong bọn gọi lớn.

“Cậu Mạc!” Người đàn ông cao lớn có vẻ hoang dã bắt tay gọi. Y nhận ra ngay lập tức Thành thủ úy Phú Quốc Nguyễn Văn Sương.

“Chúng tôi đi đánh cá.” Nguyễn Văn Sương nói khi đón y xuống bờ cát. Y gật đầu.

“Anh có thấy bọn tàu Chà Và vừa chạy qua không?” Nhóm người này hẳn thấy tàu thuyền Xiêm đến thì tản ra xem xét tình hình. Phú Quốc nằm ngoài khơi Hà Tiên, bọn họ hẳn rành rõ chuyện trong bờ hơn hết.

“Chà Và?” Nguyễn Văn Sương nhướn mày, rồi bật cười. “Bọn hải tặc Chà Và tung hoành trên biển thì có làm tay sai cho ai? Chỉ có mấy tên ở Tân Gia Ba thuộc Đông Ấn Ô Lan theo đạo Gia-tô chạy đến thôi. Bọn chúng thì cứ theo dấu Xiêm là thấy, chúng còn tụ họp một đám ở Cần Bột.”

“Chúng định làm gì ở Cần Bột?” Y lại hỏi. Hành động của đám thủy quân này quả thật kỳ lạ. Chúng để quân bộ ở lại chặn đường, rồi tiếp tục cài quân mai phục tại Vĩnh Tế để có thời gian đưa đám người ở Hà Tiên chạy thoát, nhưng đến giờ vẫn lần chần ở Cần Bột, chẳng lẽ vẫn còn ý định dòm ngó Hà Tiên?

“Không, chẳng qua đông quá chưa chạy được.” Nguyễn Văn Sương nhún vai, nhừa nhựa nói. “Cả mấy ngàn người vừa từ trong Gia Định chạy ra, chúng chưa đưa đi được nên tập trung ở Cần Bột chờ thuyền sang Xiêm thôi.”

“Nghe đâu là người Gia-tô trong Gia Định chạy theo Xiêm. Chúng còn bắt thêm khoảng mấy trăm người ở vùng biên giới[2].” Nguyễn Văn Sương chợt quay sang y, trầm giọng hỏi. “Cậu có định đánh đến đó không?”

“Chúng vừa mới thua trận, nghe thấy quân đuổi đánh là tan chạy ngay. Đám người Gia-tô lẫn tù binh ấy càng chẳng cần nói làm gì, chém chúng dễ như chém chuối. Chỉ cần trăm người thì ta đã có thể làm cỏ cả vùng!” Nguyễn Văn Sương cười lớn. “Đám người ấy là quân gian tế đưa Xiêm vào Gia Định, đến giờ rút chạy theo giặc, triều đình hẳn đang nghiến răng căm tức muốn xẻ thịt lột da chúng. Cậu cứ cắt tai chúng xâu về báo công là được thưởng to.”

“Cậu muốn đánh thì cứ nói, anh em tôi sẽ theo cậu tất!” Nguyễn Văn Sương vỗ vai y, hồ hởi nói. Y chỉ nhàn nhạt gật đầu.

“Muốn đánh phải hỏi ý Tuần phủ, Lãnh binh. Tôi giờ không có quyền hạn, chỉ có nhiệm vụ đưa thuyền đi nghe ngóng, không thể tự tiện làm gì.” Y nói, quay đầu gọi lính vào hạ trại trong bờ. Nghĩ một lát, y phái người đem thuyền nhẹ về báo lại với Trịnh Đường chuyện vừa nghe về đám người ở Cần Bột.

Theo tính khí của Trịnh Đường, hẳn ông ta vẫn cứ ngồi chờ thuyền Cự hải của triều đình trước khi ló đầu ra biển. Cần Bột tiếp giáp biên giới Xiêm La, thuyền Xiêm có thể sang tấn công ứng cứu bất cứ lúc nào. Muốn tấn công vào khu vực này, ý tưởng đem một đám người phục kích của Nguyễn Văn Sương lại là đúng đắn nhất. Chỉ cần ít thuyền và một đám lửa vào ngày trăng non lù mù này, toàn bộ nhóm người ấy sẽ tan vỡ.

Nhưng để làm gì? Y nhìn ánh mặt trời biến mất trên mặt biển trong không gian xanh sẫm và bóng tối đổ ập xuống ngút ngàn, lòng trĩu nặng. Đám người ấy đã làm tất cả những gì mình muốn, mình có thể, và đã rút đi, đã chấp nhận mất đi quê hương cùng đất nước, gia tộc và cả cuộc đời. Tất cả hậu quả đã được tạo thành, đã không thể thay đổi. Mọi hành động sau đó đều chỉ là trả thù và giận dữ với mọi sự không thể đổi thay ấy.

Ngay cả điều Trương Phúc Đĩnh muốn cũng không thể thực hiện. Đám người chủ mưu luôn là kẻ cao bay xa chạy trước nhất, là kẻ đã dùng hàng vạn quân cùng cả đám người kẹt lại này chặn đường bọn y. Còn đám đông nọ, những kẻ chấp nhận đánh đổi cả cuộc đời kia, luôn là bọn chẳng hề biết điều gì. Họ chỉ biết nghe và tin những thứ mình muốn, đi theo những thứ mà họ vốn chẳng hề hiểu. Ngay cả cái chết của họ cũng vô nghĩa lý và vô ích như thế mà thôi.

Mạc Hầu Hy sẽ không cần y lập cái công ấy để giải thoát cho anh ta. Cha y sẽ không cần y làm như thế để vinh danh cho họ Mạc. Y vẫn luôn chẳng thể làm gì để đổi thay cái kết quả đã được tạo thành. Nhưng lúc này y không hận thù hay giận dữ, chỉ buồn rầu.

Hãy đi đi, Thái Công Triều đã nói. Y luôn không thể như anh ta, đạp lên những đợt sóng, đùa bỡn với lòng người, xoay vần cùng vận mệnh, làm một kẻ cơ hội nhạo báng và vô lương đến tận cùng. Thậm chí y còn chẳng thể như Nguyễn Văn Sương cùng muôn vàn kẻ, cứ làm những gì mình muốn, và ném bỏ hậu quả lại cho người khác. Y thật ra chẳng phải là một kẻ khôn ngoan.

Mặt trời đã khuất sau đáy bể. Đống lửa trên bờ cát đã được đốt lên. Toán biền binh hòa nhập rất nhanh với đám lính Phú Quốc, đã bắt đầu kể cho nhau nghe chuyện về trận chiến vừa xảy ra. Nguyễn Văn Sương cho khuân rượu thịt từ thuyền đến, cười ha hả chia sẻ cho người mới tới.

Y nhìn nụ cười của Nguyễn Văn Sương và nghĩ đến lời khuyên của anh ta, bỗng có cảm giác như khi nhìn Thái Công Triều lao vào lũy Châu Đốc. Là sự vị kỷ của thế gian này quá tự nhiên lẫn hiển nhiên, hay y vốn luôn chẳng hiểu nổi con người?

 

Chú thích:

[1] Phỏng Bùi Độn Am tịch thiên mê lộ khẩu chiếm của Trịnh Hoài Đức

[2] Chừng hai năm sau, triều đình cho người đi sứ lẫn thăm dò bên Xiêm thì nghe báo cáo lại rằng có khoảng 2000 người Gia-tô chạy theo Xiêm, được vua Xiêm cấp cho một ngôi làng ở gần Bangkok. Ngoài ra trong trận ấy còn có khoảng 300 người bị Xiêm bắt đưa theo.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.