Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

32. Hành nhân diệc hữu anh hùng lệ
Trường An in "Minh nguyệt 1" February 13th, 2019
  1. Hành nhân diệc hữu anh hùng lệ, vị hướng từ tiền tửu nhất kiêu[1]
    (Người qua đường cũng có lệ anh hùng, đến trước từ đường rót một tuần rượu)

 

“Tướng quân mới đến nên vào tướng doanh nghe xem báo cáo quân tình, phân bổ lực lượng quân tướng rồi điều động tiện hơn.” Thấy vẻ giận dữ của Trần Văn Năng, Trương Phúc Đĩnh mềm mỏng nói. Những viên tướng khác hiểu ý, dạt sang hai bên để họ đưa Trần Văn Năng vào trong lũy.

Ngang qua một khoảng lũy cao, y chợt nghe tiếng hát lè nhè. Trần Văn Năng quay phắt sang, gần như gầm lên.

“Kẻ nào dám say sưa trong quân ngũ?” Đứng gần, y nghe giọng Trần Văn Năng như thấu vào óc. Nhưng người ngồi sau lũy vẫn bất động, Trương Minh Giảng vội vàng tới kéo ông ta lên. Đó là một người đàn ông trên dưới bốn mươi tuổi, không mặc áo lính mà là thường phục văn nhân, mặt mũi đỏ gay, hơi rượu phả ra nồng nặc.

“Bùi Văn Lý, nguyên Án sát của An Giang.” Trương Phúc Đĩnh nhỏ giọng như phân trần với Trần Văn Năng.

“Tướng quân đến rồi kìa, anh mau đứng dậy chào hỏi đi.” Trương Minh Giảng có vẻ bối rối lay người đàn ông say khướt. Bùi Văn Lý nhướn cặp mắt lờ đờ nhìn lên.

“Tướng quân? Là lão Tướng quân ra trận bỏ quân chạy đó hả?” Ông ta lè nhè nói trước vẻ mặt hơi thất sắc của Trương Minh Giảng. “Lão Tướng quân bất tài, ta đang thắng thì lão đưa quân tới, ỷ súng lớn quân nhiều mà đẩy lính đánh xáp lá cà, lao vào tên đạn của địch mà tiến, đến khi thấy bất lợi thì lão chạy trước nhất, không buồn nhìn đến ai. Anh Giảng đây phải chạy theo mà giữ lão lại, ở một mình đợi bọn lính bị lão đẩy vào chỗ chết kia trở về, anh gọi lão là Tướng quân có ngượng miệng không thế?”

“Không phải, là Bình khấu Tướng quân vừa từ Phiên An đến.” Trương Minh Giảng vội nói, Bùi Văn Lý bật tiếng cười to.

“À, còn đám Tướng quân ở Phiên An cũng là một bọn vô dụng có khác gì? Hoàng thượng đã gửi ba, bốn chỉ dụ bảo chúng đưa quân đến An Giang hỗ trợ, chúng còn bận cãi nhau, một người cũng không có! Anh Giảng nói lại xem, chỉ dụ của hoàng thượng bảo chúng làm gì? Nào là tập hợp thêm lính thêm thuyền, cho quân tiếp viện đóng giữ biên giới, ổn định nhân tâm, chuyển ngàn rưỡi quân tiếp viện An Giang, thì chúng cử anh đưa bốn trăm quân đến An Giang coi như hết chuyện![2] Đến khi nghe Hà Tiên thất thủ thì gửi thêm vài trăm tên quân nữa để nướng cho giặc Xiêm à? Tới khi chúng ta gom ít tàn quân mà đánh chặn được Xiêm thì chúng bò tới định lấy công, không được thì vứt bỏ chúng ta ở lại chờ chết! Hay, hay lắm, công hầu khanh bá, đường đường nhận là công thần khai quốc, hoàng thân quốc thích, thật là một bọn khốn kiếp!” Bùi Văn Lý như gào lên, hất tay Trương Minh Giảng định ngăn ông ta lại. “À, với các Tướng quân thì Xiêm chiếm mấy vùng đất đã sao, chúng chỉ là một bọn ô hợp chuyên cướp bóc, cướp xong thì rút, các ông còn được ghi công đi sứ giỏi, dọa Xiêm bỏ chạy. Còn chúng đốt nhà ai, giết chết ai, cưỡng bức vợ con ai thì liên quan gì đến các ông? Các quân các tướng vì chặn chúng mà chết thì chỉ là bọn biền binh, đội trưởng nơi biên giới, liên quan gì đến các ông? Các ông chỉ cần nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu, làm danh sách dâng lên để hoàng thượng ban tiền tuất tiền chôn người, viết vài bài văn tế bi đát thảm sầu, thế là hết chuyện!”

“Bùi Văn Lý!” Trương Phúc Đĩnh cũng đành vội vàng chạy tới, quay người Bùi Văn Lý lại để ông ta nhìn thấy Trần Văn Năng, nhẹ giọng nói. “Bình khấu tướng quân tới rồi, đại quân triều đình cũng tới rồi, chúng ta sẽ đánh đuổi bọn Xiêm sớm thôi. Ông có lòng căm thù giặc thì phải hăng hái lên dẫn quân đánh giặc lập công, trả thù bọn chúng.”

“Dẫn quân đi?” Bùi Văn Lý trừng mắt nhìn Trần Văn Năng, đột nhiên ngửa cổ cười lớn. “Phải, ta dẫn quân đi giữ thành An Giang, rồi dẫn quân đi lấy lại tỉnh thành, rồi lại dẫn quân đi giữ thành, rồi dẫn quân đi đánh trận. Một lần, ta phải nhảy xuống sông khi tướng chạy mất. Lần sau, quân ít người thiếu, chính ta phải bỏ chạy. Lần cuối, tướng lại lâm trận bỏ chạy, để quân ta chết hết!

“Có biết Thành thủ úy An Giang Nguyễn Đăng Luận vừa chết không? Ông ta vốn đã hưu trí rồi, nhưng vì mưu của Thái Công Triều nên đứng ra nhận làm Trấn phủ để bắt bọn ngụy Khôi, đưa thành trì về cho ta. Để rồi ông ta bị bắt đi tòng quân, lại phải chết ở Thuận Cảng!” Bùi Văn Lý lắc lư đứng lên, đi đến trước mặt Trần Văn Năng, bất thần nắm lấy cổ áo viên Tướng quân. “Có biết đám hương dõng ngày ấy đi theo ta lấy lại thành là những ai không? Họ có chết cũng không được ghi tên! Bây giờ nhà cửa làng mạc họ lại bị đốt phá, họ lại theo ta phơi thây ngoài sa trường. Tất cả là tại vì ta kêu gọi bọn họ đến! Vì ta muốn lấy lại thành trì lập công nên chiêu binh mãi mã, vì ta đẩy họ đi chết cho bọn khốn kiếp các người! Bây giờ các người còn có thể bảo ta gọi thêm quân, dẫn thêm lính lập công cho những tên khốn nữa à?”

Bùi Văn Lý gần như quát vào mặt Trần Văn Năng, Trương Minh Giảng ở phía sau vội vã bất chấp mà bịt miệng Bùi Văn Lý lại, kéo ông ta ngã xuống đất, gọi lính khiêng đi ném vào thùng nước. Trần Văn Năng liền đưa tay ngăn lại.

“Dẫn anh ta đi nghỉ đi.” Trần Văn Năng dịu giọng bảo toán lính. Nhóm người khiêng Bùi Văn Lý đi xa, Trương Minh Giảng liền cúi đầu.

“Người của Bùi Văn Lý vừa rồi tử trận, trận đánh Thuận Cảng thiệt hại nhiều, tâm lý ông ấy không chịu đựng nổi mới trở nên nát rượu, nói năng lảm nhảm.” Trương Minh Giảng nói như thanh minh, thấy Trần Văn Năng im lặng liền vội tiếp. “Ông ấy chỉ là cống sĩ xuất thân, trước nay làm việc giấy tờ trong cung, trợ giáo thị độc cho các hoàng tử, lần đầu ra ngoài làm việc đã gặp chuyện thế này…”

“Tên khốn!” Trần Văn Năng chợt mắng, bàn tay siết thành nắm đấm nổi gân xanh. Trương Phúc Đĩnh đứng cạnh biết ý giữ viên tướng lại.

“Tướng quân là trọng thần của triều đình, là chủ tướng quan trọng nhất lúc này trên trận địa, đừng nên nghĩ đến những chuyện bên ngoài.” Trương Phúc Đĩnh hạ giọng nói rất khẽ. “Hoàng thượng đã gửi mấy chỉ dụ liền giục Tống Tướng quân về Phiên An, việc xong thì công thưởng tội phạt, Tướng quân không cần phải bận lòng. Quân Xiêm ở trước mắt, lẽ nào tiếp tục tranh cãi để việc càng thêm xấu?”

Đôi mày vẫn cau chặt, nhưng Trần Văn Năng chậm chạp thả tay, quay người đi về phía tướng doanh. Không được họp bàn cùng quan tướng, y đứng lại bên ngoài đợi Thái Công Triều.

Hồi lâu, y thấy Bùi Văn Lý được lính đưa trở về trước tướng doanh. Trông ông ta đã hơi thanh tỉnh, khăn tóc gọn gàng hơn. Thấy cửa tướng doanh đóng, Bùi Văn Lý bất chấp ánh mắt xung quanh, ngồi bệt xuống đất chờ người cho gọi. Trước nay vốn chưa từng gặp nhau, ánh mắt Bùi Văn Lý lướt qua y như muôn vàn người khác quanh đó.

Chờ lâu, y lấy bình nước gần đó, đến đưa cho Bùi Văn Lý.

“Uống rượu nhiều khát nước, ông uống cho tỉnh.” Y nói, Bùi Văn Lý đưa mắt nhìn lên y, chợt cau mày.

“Giọng cậu giống người trong hạt ta, vùng nào thế?” Bùi Văn Lý hỏi, y hơi ngẩn ra.

“Hà Tiên.” Cuối cùng, y nói. “Tôi có chuyện đến phía Bắc, vừa trở lại.”

Bùi Văn Lý gật đầu, nhận bình nước trong tay y, ngửa cổ uống cạn.

“Ta nghe Trịnh Đường nói các đội quân ở Hà Tiên bị đánh tan rồi.” Ngồi im một lúc, Bùi Văn Lý chợt nói. “Các đội hương dõng, biền binh đều tan rồi. Ngoại trừ Ngô Văn Loan quyền sai vệ Hà Dũng đến giúp Trịnh Đường, tất cả đều bỏ chạy. Cơ Hà Phú vừa mới lập công đánh giặc biển giờ cũng chẳng còn ai.”

“Bọn họ thấy thất lợi thì lui, cũng không phải là chuyện xấu.” Y cười nói. “Bảo toàn bản thân để khi có việc cùng họp nhau giúp sức, tốt hơn liều lĩnh ở một trận địa thiệt hại.”

“Ta vẫn thường hay tự hỏi tại sao hoàng thượng lại cứ phải dùng một người như Lê Đại Cương, đến khi có việc mới hiểu.” Bùi Văn Lý gật gật đầu, chợt nói sang chuyện khác. “Ta trước nay chỉ là một kẻ đọc sách, quản Hình tào, nghĩ rằng thế gian nằm trong pháp luật cả. Nhưng vùng đất này, hay cả đất nước này, đều là tồn tại trên các quan hệ. Khi có việc, chỉ Lê Đại Cương mới chỉ huy được dân Man, người vùng biên giới, do ông ta đã làm việc lâu ở Vĩnh Thanh, đi lại với Chân Lạp. Ta đi kêu gọi người, cũng là dựa trên thổ mục hào lý của vùng đất ấy, các viên quan địa phương của nó. Hà Tiên mất, thật ra cũng chẳng phải lỗi của Trịnh Đường hay bọn người ở Phiên An, mà vì do ta phá vỡ quan hệ của nó vậy. Hoàng thượng hay bảo, dùng người như dùng cỏ thuốc, cây độc cũng có thể chữa bệnh, nhưng ta lại không hiểu ý người.”

“Và rồi người ấy cũng cứ dùng sai vị thuốc.” Y cười, nói rất khẽ. Bùi Văn Lý bật ra một tiếng nửa như cười lẫn thở dài trong cổ, cúi đầu.

“An Giang sắp đến mùa gặt rồi.” Khi y nghĩ Bùi Văn Lý đã im lặng hẳn, ông ta chợt lên tiếng, giọng như gió thoảng giữa trại lính ồn ào.

Bùi Văn Lý không nói gì thêm cho đến khi được gọi vào tướng doanh. Y nhìn những bước chân lảo đảo ngật ngưỡng của ông ta, trong lòng man mác không rõ vui buồn.

Trịnh Đường được phái đi vận chuyển quân lương đến ngày hôm sau mới trở về doanh trại. Trong khi đó, quân Xiêm lập đồn lũy đầu bên kia bờ sông, vẫn cho thuyền đến nã pháo từng đợt vào thành lũy bên này. Quân mới tới được Trần Văn Năng sắp xếp lại canh phòng, chuẩn bị vũ khí và thuyền bè. Tống Phúc Lương cùng Trần Văn Trí nhanh chóng lên thuyền trở về Phiên An mà chẳng mấy ai hay biết. Y vẫn đang chờ quyết định phân bổ của các tướng nên được đưa tới ở chung trong doanh Thái Công Triều. Anh ta không nói với y về kế hoạch đã bàn luận với các chủ tướng, ngày rời khỏi doanh đến đêm tối mới về ngủ.

Quân Xiêm bên kia thấy đại quân từ Kinh đến và cờ chủ tướng của Trần Văn Năng thì có vẻ chững lại thăm dò, nhưng quân trong lũy vẫn cẩn mật canh phòng cả ngày lẫn đêm tránh những cuộc phục kích bất ngờ. Đêm ấy y được phái đến cổng lũy canh gác, vừa lúc thấy Trịnh Đường về tới.

Nghe y gọi, Trịnh Đường quay đầu, nhưng không mấy ngạc nhiên khi thấy y. Trong những ngày này, các viên tử, ngay cả những Ân kỵ úy và Thừa ân úy được tập ấm như con trai Tượng quân Nguyễn Đức Xuyên, cũng đã tình nguyện tòng quân. Ông ta khoanh tay đứng đợi y lại gần, đôi mắt hơi nheo lại.

“Chào Tuần phủ, tôi muốn hỏi chuyện Hà Tiên.” Y nói ngay, thấy ánh tính toán trong mắt Trịnh Đường càng rõ. “Họ Mạc nhà tôi thế nào rồi ạ?”

“Xin lỗi, ta không biết.” Trịnh Đường thở ra, lắc đầu. “Hôm ấy quân Xiêm đến, ta chỉ kịp huy động quân đội chống giữ nhưng đánh không lại, phải chạy qua kênh Vĩnh Tế về An Giang, nào có thời gian nhìn tới người. Nhưng mấy hôm trước thấy tàu thuyền Xiêm tụ tập thì ta đã báo động, người ở Hà Tiên hầu hết hẳn đã kịp chạy về Long Xuyên, Ba Thắc, mùa này ngược gió tàu thuyền Xiêm sẽ khó có thể đi tới, cũng đỡ lo ít nhiều.”

“Ông không phải quay về tỉnh lỵ lấy giấy tờ, ấn tín sao?” Y ngờ ngợ hỏi. Theo người kể lại, khi Hà Tiên thất thủ, Trịnh Đường đã lui trước, nhưng cơ Hà Dũng của Ngô Văn Loan vẫn còn cố gắng cầm cự phía sau. Các quan thường phải đem theo toàn bộ ấn tín của mình khi có việc, huống hồ đánh trận trên biển thì Trịnh Đường không phải chẳng có thời gian rút chạy. Nhà họ Mạc ở rất gần tỉnh lị, Trịnh Đường lại nói như không hề hay biết.

“Phải, nhưng họ Mạc bỏ chạy thì cũng có báo lên ta đâu, sao lại hỏi ta?” Trịnh Đường khẽ cau mày, chợt có vẻ tức giận. “Bằng không thì ta cũng muốn hỏi, đám người Nguyễn Văn Thụy đi đâu rồi?”

“Nguyễn Văn Thụy đánh được Đồ Bà, bắt được Trần Thục Ân, ta liền báo ngay để hoàng thượng khen thưởng gia ân cho hắn, đối với hắn không bạc. Hắn cũng trở thành Phó Quản cơ Hà Phú, coi như là viên chức triều đình, nhưng rồi không thấy mặt đâu!” Trịnh Đường gằn giọng, mắt càng nheo lại như muốn đâm thấu qua y. “Ngay cả nhóm người ở Phú Quốc, từ Thành thủ úy Nguyễn Văn Sương cho đến cơ Hà Phú đều khoanh tay ngồi nhìn, trong khi nhiệm vụ của chúng là tuần tiễu bờ biển. À, rồi ta mới nghĩ ra, chỉ có cậu Mạc đây mới sai phái được chúng.

“Ta cũng muốn hỏi, bằng cách nào cậu sai phái được bọn Nguyễn Văn Sương, Nguyễn Văn Thụy phản Lê Văn Khôi, đoạt lại Hà Tiên, thanh trừ giặc cướp cho cậu?” Trịnh Đường nhàn nhạt nhếch môi. “Nguyễn Văn Thụy xuất thân từ đội Thanh Châu thì không nói, nhưng bọn Nguyễn Văn Sương lẫn cơ Hà Phú phần lớn là dân Phú Quốc vốn chỉ thích lấy đầu cướp biển kiếm tiền, là một bọn lính mộ ngang ngược chẳng biết sợ ai. Cậu lấy Hà Tiên, rồi phong cho Nguyễn Văn Thụy quản cơ Hà Phú, nghĩa là cho hắn ta coi quản cả hai nhóm lính mộ, hương dõng thủy bộ, đem hắn đi làm việc cho mình. Khi có việc, chỉ cần hắn bỏ đi là cả Hà Tiên ta chỉ còn hai trăm biền binh và một nhóm quân cơ Hà Dũng, còn đội quân Hà Phú đáng sợ kia hoàn toàn mất tích!

“Xong việc ở đây, khi về triều, ta và cậu cần đến bộ Binh làm cho ra lẽ.” Trịnh Đường hạ giọng, lạnh lẽo nói. “Cha và bác Mạc Công Du của cậu đều do Xiêm vương nuôi lớn, rành chữ Xiêm còn hơn chữ Hán, đến khi Xiêm đánh vào thì cả họ Mạc lẫn lính tráng liên quan không thấy một bóng người. Phải, ta cũng muốn hỏi họ Mạc nhà cậu đã ở đâu lắm đấy!”

“Trịnh Tuần phủ, cậu Mạc!” Một tiếng nói chợt cắt ngang lời Trịnh Đường. Thái Công Triều đến sau lưng y từ lúc nào, lên tiếng gọi. Tuy Thái Công Triều chỉ mang chức Vệ úy, Trịnh Đường cũng đang bị cách lưu do thua trận Hà Tiên, hai người qua loa chào nhau mà không hành lễ. Thái Công Triều cười nói. “May quá hai người đều ở đây, tôi đang có chuyện cần bàn gấp.”

Y nhìn qua Trịnh Đường, đi theo Thái Công Triều vào trướng doanh. Anh ta ngồi xuống sau chiếc bàn thấp, trải cuộn bản đồ lên bàn.

“Hoàng thượng vừa có dụ cho các Tướng quân, Tham tán rằng Xiêm đang dồn quân đến đây, mạn Hà Tiên có thể không phòng bị, có thể chỉ cần một ít quân vòng qua Long Xuyên, Kiên Giang hoặc đường biển Phú Quốc đến đánh lấy lại Hà Tiên. Các tướng đang tìm người giả làm thuyền buôn đi xuống vùng ấy để thăm dò, đồng thời cần chuẩn bị trước một nhánh quân để đến đánh Hà Tiên. Chỉ cần cửa Thuận Cảng mở, đường Hậu Giang thông là lập tức tấn công.” Thái Công Triều chỉ cho bọn y ngã ba Thuận Cảng nằm giữa nhánh Tiền Giang chảy vào Hậu Giang. “Mất đường lui ra biển, quân Xiêm chỉ có thể rút về qua đất Chân Lạp. Bọn người Thanh, Nam Dương vì thế cũng không thể thi thố khả năng đánh trận trên biển, sông nước Nam Kỳ nhiều vũng lầy, bãi cạn sẽ gây rắc rối cho chúng. Vả lại, có thể ở Hà Tiên còn nhiều dư đảng, thủ lĩnh của bọn người này canh phòng, nghe Hà Tiên bị tấn công thì chúng sẽ phải chạy về, đại quân ta đỡ một mối lo. Chưa biết tên Lê Văn Công kia có nói thật hay không, nhưng sớm chặt đứt đường Hà Tiên thông ra biển, bọn tiếp viện sẽ không thể đến nữa.”

“Quân Xiêm vẫn còn giữ chặt cửa sông Cổ Hỗ, thất bại hai trận mà vẫn hung hăng, chúng có thể rút lui sao?” Trịnh Đường cau mày hỏi. Thái Công Triều gật gật đầu.

“Chúng đến đánh Nam Kỳ vì nghĩ chúng ta bận rộn chuyện Lê Văn Khôi, lơi lỏng phòng bị, lại nghe nói dân Nam Kỳ theo bọn Khôi và nhóm Gia-tô, Thanh. Nay ta giữ được chúng ở An Giang, lại có đại quân kéo tới, cho chúng thấy rằng việc chẳng dễ dàng như chúng tưởng. Người Xiêm đi đánh trận chỉ để cướp bóc, thấy lợi thì tiến, thấy khó thì lùi, có gì mà phải liều chết cho bọn Khôi?” Thái Công Triều chợt cười khẽ. “Đã bao nhiêu lần rồi, Xiêm chỉ cần thấy thua trận là bỏ chạy thu quân, thấy cứng là rụt vòi không dám hung hăng. Chỉ cần ta đủ cứng cỏi để phô trương thanh thế là dọa được bọn chúng chạy thẳng về Bắc Tầm Bôn. Vừa rồi Trương Minh Giảng hai lần chặn đứng quân Xiêm chỉ với khoảng ngàn người, bây giờ còn cả đại quân đến, chúng không thấy đường thắng là lại lùi thôi.

“Nhưng vấn đề là chúng lùi đến đâu. Bao nhiêu năm nay Xiêm đem anh em Nặc Giun, Nặc Yêm làm cớ đánh Chân Lạp, bây giờ chúng có thể chiếm cứ Nam Vang sát ngay cạnh ta. Xiêm đánh Gia Định, hai nước đã trở mặt, không thể để Chân Lạp giống như Vạn Tượng, thành khoảng đất để Xiêm tấn công quấy nhiễu mãi.” Thái Công Triều nhìn lên bọn y. “Muốn đánh sang Nam Vang thuận lợi, nhất định phải chiếm lại được Hà Tiên.”

“Tôi sẽ sức Lãnh binh cùng các tướng Hà Tiên, An Giang chuẩn bị, đưa người đi dò thám trước đường đánh xuống.” Trịnh Đường gật đầu. Thái Công Triều đưa mắt nhìn qua y, mỉm cười.

“Hoàng thượng lại vừa nói ‘chia vài ngàn binh’, nhưng chắc chắn là chẳng có đâu.” Thái Công Triều nhún vai. “Binh ít tướng thiếu, phải nhờ đến binh dõng địa phương vậy.”

Y nhìn hình vẽ đường bờ biển ngoằn ngoèo dưới ngón tay Thái Công Triều, gật đầu.

Chỉ hôm sau, tin từ phía Bắc chuyển tới: Quân Chân Lạp đánh Xiêm lùi về Phủ Lật.

Quân bộ của Xiêm từ Bắc Tầm Bôn đến Phủ Lật, đi tới Ba Cầu – Nam Phủ giáp đạo Quang Hóa, toan đánh sang Biên Hòa. Ba viên quan Oc-nha của Chân Lạp đem quân giao chiến, đẩy lui được nhóm Xiêm binh, xin Gia Định tiếp viện. Lê Đại Cương và Nguyễn Hoàng Thỏa từ đạo Quang Hóa liền đưa binh dõng đến trấn giữ Phủ Bắc.

Thái Công Triều nhận tin báo, ngẩng đầu nhìn trời. Buổi tối hôm ấy, phía Tây mây đen kín, phía Đông sao sáng giăng.

“Đêm nay giặc trốn.” Thái Công Triều nói, quay nhìn quan quân. “Gió Đông đã lên rồi. Bấy lâu nay Xiêm dựa thế gió mà thả bè lửa xuống tập kích ta, nay thấy gió đổi chiều hẳn phải lo sợ, nói về hỏa công thì chúng tuyệt đối không bằng ta. Doanh trại đêm nay phòng thủ cho chặt, chuẩn bị sẵn thuyền bè.”

Nửa đêm về sáng, Xiêm đến tấn công. Một nhánh quân Xiêm vòng từ phía Định Tường đánh úp hữu đồn, đại quân Xiêm tấn công vào tả ngạn. Trong bóng tối, tiếng quân Xiêm hò hét vang dậy, súng bắn động đất trời, hỏa khí đốt sáng rực dòng sông. Đến gần sáng, tiếng súng mới im. Trong ánh sáng ngày, người trong lũy nhận ra khoảng sông trước mặt gần như hoàn toàn hoang vắng. Xiêm đã bỏ đồn trại rút đi trong đêm, chỉ còn đôi ba chiếc thuyền vội vã bỏ chạy.

Nguyễn Xuân đem vài chục thuyền đến Tân Châu chặn đường, Trương Minh Giảng, Trương Phúc Đĩnh đưa đại quân đuổi theo Xiêm. Đến Châu Đốc, Xiêm dồn lại một vạn quân đóng đồn bên sông, chặn đường đội binh thuyền tiến tới. Đồn trại trải dài, cờ bay liệp liệp, súng gươm tua tủa cả dặm.

“Chúng quyết tử chiến với ta ở đây.” Trên thuyền chỉ huy, Trương Minh Giảng mím môi nói. “Chúng không đánh được ta ở lũy Chiến Sai, nên tìm cách dụ chúng ta đến đây đánh giáp lá cà. Lần trước Tướng quân Tống Phúc Lương đã thua rồi.”

“Để tôi đi.” Thái Công Triều đột nhiên lên tiếng. Viên tướng tên Phạm Hữu Tâm bên cạnh cũng gật đầu. Trương Minh Giảng liền cho hai người dẫn quân tiến đánh thẳng vào đồn lũy Xiêm.

“Anh ta điên rồi!” Bên cạnh y, Trịnh Đường nói khẽ. Y đã được đưa sang thuyền Trịnh Đường, trừng trừng nhìn thuyền của Thái Công Triều vượt lên phía trước, xông thẳng vào tầm bắn của địch. Thái Công Triều tự điều khiển một chiếc thuyền Cự hải dẫn đầu đoàn quân. Đội hương dõng của anh ta theo sau, tiếng hô dậy đất.

Chiếc thuyền của Thái Công Triều lọt hẳn vào giữa những làn đạn đan kín sông. Súng lớn nhỏ hai bên bờ cùng bắn. Lá cờ lệnh trong tay Thái Công Triều vung lên.

“Đánh!” Tiếng hét của Thái Công Triều vang động dòng sông. Bốn phía đạn giăng pháo nổ, những bóng người ngã gục.

Y nghe có tiếng hét thảng thốt khi cái bóng của Thái Công Triều gục xuống đầu thuyền, nhưng anh ta vẫn giữ chặt cờ lệnh trong tay.

Chỉ cần đủ cứng rắn là dọa được chúng chạy thẳng về Bắc Tầm Bôn, Thái Công Triều đã nói. Đối mặt với một vạn đại quân, với trận thua thảm khốc trước của Tống Phúc Lương, với nỗi sợ hãi tính toán chần chờ như một thói quen của đạo quân này, anh ta đã tình nguyện xông ra phía trước. Thái Công Triều, Vệ úy Chư quân quản lãnh hương dõng toàn Gia Định, chủ tướng thực sự của đội quân Gia Định.

Y nghe, trong tiếng trận chiến ồn ã vang động, tiếng thét gào váng óc, văng vẳng có tiếng khóc.

Lúc ấy, y đã nghĩ, chưa bao giờ, chẳng bao giờ, y có thể hiểu được Thái Công Triều.

 

Chú thích:

[1] Đề Trần tướng quân miếu của Trịnh Hoài Đức

[2] Ngay khi nghe thám báo việc Xiêm động binh, Minh Mạng đã ra chỉ dụ gọi các tướng ở Gia Định cho tập hợp thêm binh dõng, chuyển quân tới biên giới canh phòng. Đến khi Xiêm tới Phủ Lật, An Giang báo lên, Minh Mạng gọi đưa 1500 quân cùng hương dõng của Thái Công Triều tới An Giang, cắt đặt Trần Văn Năng, Trương Minh Giảng đi.

Nhưng đến tận khi Trịnh Đường đưa tin cấp báo thì Minh Mạng vẫn phải gửi dụ mắng “Các tỉnh An Giang, Hà Tiên dò thám được tình hình quân Xiêm, đã mấy phen báo tin có động. Đáng lẽ các Tướng quân, Tham tán ở quân thứ sớm phải dự liệu phòng trước khi việc xảy, vậy mà lại như không nghe biết gì, ngồi nhìn đến thế, chung quy không có động tĩnh gì”, tiếp tục sai các Tướng quân đích thân ra biên phòng. Nhưng đến khi Hà Tiên thất thủ cũng chỉ nghe báo lại đã phái Trương Minh Giảng đem 400 quân đi An Giang, sau được thêm 500 quân nữa định tới Hà Tiên.

 




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.