- Bất phụ cựu phong quang, thanh sơn ý thái hậu[1]
(Chẳng phụ phong quang ngày cũ, ý của núi xanh thật hậu)
Tháng mười một, quân Xiêm chia ba đường thủy bộ tấn công Nam Kỳ.
Tin tức này do Bố chính Bình Định báo cho y. Y được gọi đến dinh Bố chính để nhận chỉ dụ đặc biệt của hoàng đế: Chuyển y về Gia Định.
“Trước Lê Văn Tề đã được đưa về Gia Định, hiện tại đã được cử làm Ngoại úy Suất đội đem một đội hương dõng đến An Giang.” Bố chính Bình Định Đặng Đức Thiêm nói, sau khi thông báo lại cho y khẩu dụ của hoàng thượng. “Các Suất đội Tả sai, Tả bảo, Minh Nghĩa trước thuộc quyền Tả quân cũng đã đồng loạt đến An Giang theo các Tướng quân, Tham tán nghênh đón quân Xiêm. Cậu Mạc đang trong thời gian định đoạt, dù không có quan chức nhưng vẫn nên về phụ giúp cho quân tướng.”
“Tình hình quân Xiêm ở Nam Kỳ thế nào rồi ạ?” Y nghe giọng mình thoáng sợ hãi, nhưng không phải vì bản thân.
“Theo tin thám báo thì Xiêm chia ba đường thủy bộ, một đạo bộ binh xâm nhập từ Bắc Tầm Bôn, một đạo thủy quân từ Biển Hồ phương Bắc xuống, một đạo qua đường biển đánh vào Hà Tiên, An Giang.” Trong mắt Đặng Đức Thiêm có ánh nhìn là lạ. “Theo tin vừa đây, quân Xiêm đã đến Phủ Lật của Chân Lạp. Trước biền binh tuần biển Hà Tiên thấy trong địa phận Xiêm có khoảng ba trăm chiếc thuyền, Tuần phủ Trịnh Đường đã thông báo lên. Nhưng việc Xiêm đánh sang Nam Kỳ còn chưa rõ nên phải xem xét, nay các bộ trong triều vẫn đang sắc tờ tư hỏi người Xiêm. Tuy nhiên việc canh phòng vẫn phải chuẩn bị trước.”
Y khẽ cắn môi, rồi quyết định im lặng tuân mệnh, chuẩn bị để được dẫn về phương Nam.
Khi y tới Gia Định, các Tướng quân, Tham tán vẫn đang tuyển lựa binh dõng quanh thành Phiên An, chia đặt một nhóm ở lại canh lũy trong lúc toàn quân chuẩn bị đến biên giới nghênh chiến. Trong lúc bận rộn, y được đưa tới thẳng quân thứ của Thái Công Triều. Trước cửa doanh trại anh ta đã được cắm một tấm biển mới, ghi chức Thành thủ úy.
“Hầu như tất cả quan tướng Gia Định đều được khai phục. Lê Đại Cương còn được làm Án sát sứ, quyền Lãnh binh An Giang.” Thái Công Triều nhún vai nói khi nhìn ánh mắt y quan sát tấm biển. “Xiêm đã tiến đến Bông Xuy, quốc vương Chân Lạp vừa nghe động đã vắt chân lên cổ chạy về An Giang, Hồ Công Chỉ giữ cũng không được.”
“Hai đạo thủy quân của chúng chưa tấn công sao?” Y hỏi. Thái Công Triều nhìn y, chầm chậm mỉm cười.
“Có lẽ chúng cũng đang tìm cách thăm dò như trước đây, đưa hai anh em Nặc Giun, Nặc Yêm đi trước làm thanh thế để xâm nhập Chân Lạp, xem tình hình bên ta như thế nào rồi mới tiến hay hòa. Trò này chúng đã chơi bao nhiêu năm rồi. Nhưng ngày nay thì quả không giống thuở xưa.” Đôi mắt Thái Công Triều đột nhiên sắc lại, rắn đanh như giọng anh ta. “Theo tin thám báo thì chúng đang bảo Lê Văn Khôi gửi thư cho chúng cầu viện binh, việc thành sẽ hàng phục dâng đất cho chúng. Bọn người Xiêm trước chỉ có cớ loanh quanh ở Nam Vang, giờ thì phất lá cờ ‘Tả quân’ mà sang thẳng Gia Định!”
“Sao lại có thể?” Y bật thốt. Chuyến thuyền đi sứ trước kia đã bị y bắt được, không chừa lại một kẻ nào.
“Trước ở đây có một người bị bọn bên trong bắt được lôi vào thành, nghe bọn Chắm, Tước nói với nhau rằng quân ngoài thành đang rút đi, lại có thư từ bên ngoài vào báo cho chúng đừng đầu hàng, sắp có quân Xiêm đến cứu viện. Đám quan tướng lại nghĩ rằng chúng đang tìm cách nói láo phô trương thanh thế, không mảy may nghi ngờ tí gì.[2]” Thái Công Triều cười nhạt. “Trong khi mật dụ của hoàng thượng cho quan quân về Kinh là chuyện thật, bây giờ Xiêm đến cũng là chuyện thật. Đám trong thành Phiên An thông tỏ tình trạng bên ngoài còn hơn cả người của triều đình! Chúng mà chỉ có mỗi một chiếc thuyền đi sứ à?
“Theo tin riêng của ta báo lại, trong đội thủy quân của Xiêm có gần hai trăm thuyền của bọn người Gia-tô đủ mọi chủng tộc Xiêm, Lạp, Lào, Thanh, Chà Và đang đậu ngoài Hà Tiên. Đạo trưởng Gia-tô ở Xiêm còn đang lồng lộn kêu gọi giáo dân cả vùng này tiếp chiến cho Phú Hoài Nhân.” Thái Công Triều nhướn mày trước vẻ mặt của y, ra vẻ ‘đã hiểu chưa’. “Ta còn đang nghĩ về chuyện tháng vừa rồi có một loạt người Gia-tô trong thành ra hàng, trong khi cũng chính miệng bọn Chắm bảo có thư báo quân Xiêm sắp đến.
“Đám hàng quân này ra ngoài hẳn là để liên lạc thông suốt hơn.” Thái Công Triều bật lên tiếng cười nhạt trong cổ. “Cho nên giờ thì hay rồi, đám người ấy chạy khắp nơi vời được cả quân Xiêm về tận đây! Mà đâu phải chỉ quân Xiêm, là tất cả bọn Gia-tô trong vùng kéo tới, dạy cho hoàng thượng biết là chúng có dám bỏ cả cha mẹ lẫn nước nhà cho nước nhà trời của chúng hay không!”
Dù giọng nói vẫn rất mềm mại như thường, nhưng rõ ràng Thái Công Triều cũng đang nổi nóng. Thái độ anh ta làm y nhớ tới Trần Văn Năng hôm nào, có lẽ sự ức chế không chỉ trong một hai ngày. Ngay cả y cũng đang thấy hai bàn tay lạnh toát, sự giận dữ bất lực dâng lên nghẹn lòng.
Hóa ra, tất cả những gì y làm vẫn hoàn toàn không có ích lợi gì. Tất cả chỉ ngày càng trở nên tồi tệ, xoay chuyển theo những cách mà chẳng ai có thể ngờ.
“Ta vẫn chưa báo chuyện nhóm người Gia-tô ở Hà Tiên cho các tướng biết.” Thái Công Triều chợt nói, giọng hơi dịu lại nhưng vẫn nửa mỉa mai nửa cay nghiệt. “Bọn họ bây giờ còn đang bận cãi nhau không biết nên làm gì cho phải. Ôm rơm rặm bụng, đã lỡ đắp lũy bao vây thành toan bài nhân nghĩa thì rút quân đi bằng thả cho bọn Khôi càng tự do vào ra, công lao bao nhiêu tháng hóa thành công cốc. Một số vẫn không tin quân Xiêm sẽ đánh Gia Định, cho rằng chúng chỉ dọa dẫm ở Nam Vang như trước, chỉ cần đưa vài đoàn sứ đến cãi nhau thì chúng sẽ rút lui. Báo tin về đám người Gia-tô lảng vảng ở Hà Tiên cũng chẳng ích gì, chỉ khiến đám quan nhân nghĩa tự cắn đuôi mình, càng chẳng biết xử trí thế nào. Thôi, cứ để chúng đánh vào đi.”
“Anh…” Y trừng mắt nhìn Thái Công Triều, dường nghẹn giọng. Thái Công Triều ngồi xuống sau bàn quân vụ, nhếch môi.
“Cậu biết bây giờ ở Hà Tiên có bao nhiêu quân tướng chính thức không? Hai trăm người! Cả Hà Tiên sẽ bị thổi bay chỉ trong một khắc, trong khi tất cả đại quân ngồi ở đây. Nhưng để thuyết phục cử quân đến Hà Tiên, rồi đưa theo đám quân ấy tới nơi mất bao nhiêu ngày? Báo thêm tin về đám người Gia-tô lẫn Thanh, lại mất thêm bao nhiêu thời gian coi xét thanh trừ đám hàng quân bây giờ? Những kẻ ngu ngốc thì cứ để chúng chết đi!” Thái Công Triều rít qua kẽ răng. “Trước đây ta cứ tưởng chỉ những tên khốn mới đáng nguyền rủa, bây giờ mới biết đám người tự nghĩ mình đức cao vọng trọng, nhân nghĩa từ ái còn đáng lăng trì hơn! Chỉ một cái thành Phiên An nhỏ bé mà xem chúng đã xử lý thành cái dạng gì?”
Y lại im lặng. Đây chính là cách hành động của Thái Công Triều. Anh ta cứ bỏ mặc mọi sự bùng nổ, thậm chí tiếp tay cho nó – một cách làm mà thậm chí y không biết là đúng hay sai.
Thái độ Thái Công Triều đã vậy, không khí của tướng doanh lúc này hẳn không cần phải suy đoán. Và theo những gì y đã thấy trước đây, điều Thái Công Triều nói hiển nhiên là sự thật. Sự chậm trễ và chần chờ của quan tướng tại Phiên An với tình hình biên giới bởi nhiều lý do tạo thành, trong đó có khu thành này. Theo tin báo, lương thực trong thành chỉ còn cầm cự được thêm đôi ba tháng. Nhưng lơi lỏng canh phòng, dù không cho kẻ bên ngoài có thể đánh ra, thì ý định ‘vây thành siết lương’ cũng đã hoàn toàn thất bại.
Đem một đội quân tướng đủ mọi thành phần, trong đó hiển nhiên có cả bọn gián điệp và phản phúc lẫn vào, ra một mặt trận sinh tử, càng là điều không ai muốn làm. Trần Văn Năng đã bị cản lại một lần, và có thể tiếp tục bị cản trở trong những ý định thanh trừ sát phạt mà ông ta cho là cần thiết. Những sự xung đột nổ ra thật chẳng để làm gì.
Nhưng y không quan tâm đến quan tướng Phiên An, y chỉ đang nghĩ về người nhà họ Mạc vẫn còn ở phương Nam, quanh Hà Tiên, Mạc Hầu Chấn có thể vẫn chưa kịp đưa họ đi. Y chỉ đang nghĩ về cảnh tượng Định Tường đỏ rực như định mệnh, và những con đường văng vẳng tiếng khóc của nạn dân chạy trốn, những xóm làng cháy đen nằm bên những dòng sông Gia Định. Những con người vừa từ cõi chết trở về, ngỡ đã giành lại được sự sống bình an cho bản thân. Những nấm mộ còn chưa kịp xanh cỏ và mùi máu còn chưa kịp tan đi trên dòng nước.
Y chẳng thể như Thái Công Triều có khả năng lạnh lùng quan sát và đưa ra quyết định như thể thế gian chỉ là một bàn cờ. Y chẳng thể chấp nhận nổi nỗi bất lực khi mình chỉ là một cá thể nhỏ nhoi hoàn toàn không có khả năng lay chuyển được bất cứ ai, chẳng một điều gì – Ngay cả cái thảm họa đang đến ngay trước mắt.
“Xin lỗi, ta có nhiệm vụ phải giữ cậu ở đây, không thể cho cậu về Hà Tiên.” Dường hiểu được ý nghĩ của y, Thái Công Triều nói, đến vỗ vai y ra chiều thông cảm. “Lúc này chuyện nào cũng gây ngờ sợ, cậu nhất thiết không thể tự tiện về Hà Tiên. Đừng lo, có chuyện gì thì quan tướng luôn được bảo vệ đầu tiên, họ Mạc nhà cậu hẳn sẽ được đưa đến nơi an toàn.”
Một viên quan vào phòng gọi Thái Công Triều, anh ta sắp xếp cho y một chỗ nghỉ trong doanh trại rồi nhanh chóng bỏ đi.
Cả trại quân Phiên An đang rơi vào một guồng quay chóng mặt. Chỉ trong vài ngày, các lệnh chuyển quân chuyển lương liên tiếp được truyền tới. Ngựa trạm từ khắp các vùng dường không lúc nào vắng bóng. Cùng với tin từ biên giới phương Nam, các biến động tại phương Bắc cũng càng lúc càng phức tạp.
Chỉ dụ của hoàng đế cho các hương thân Gia Định báo tin bình định vùng biên Bắc vừa tới ngày hôm trước, hôm sau đã nghe tin quân Xiêm lấn qua biên giới Vạn Tượng, đe dọa Nghệ An. Và rồi tin dữ từ Hà Tiên liên tiếp chuyển đến: Quân Xiêm vào hải phận Lam Dữ. Hơn trăm thuyền Xiêm từ cửa biển Kim Dữ và nhánh sông Thị Lý cùng đổ vào Hà Tiên.
Tin cuối cùng của Trịnh Đường chuyển tới: Hà Tiên thất thủ.
Cùng lúc, quân Xiêm tràn qua Nam Vang tiến đến An Giang. Thừa biện Nam Vang biên vụ Hồ Công Chỉ cho quân rút lui. Đại quân tại Phiên An mới vội vã phái Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đem tám chiếc thuyền và bốn trăm quân đến An Giang, năm trăm quân đến Hà Tiên.
Chỉ dụ của hoàng đế ban xuống giáng cấp tất cả Tướng quân và Tham tán. Nhưng người ở Phiên An còn một việc khác hơn phải lo: người trong thành đột nhiên ồ ạt ra hàng. Hàng loạt phụ nữ và trẻ em dòng dây, mang hành lý tư trang ra khỏi thành, bảo rằng họ là người bị kẹt trong thành, nay bọn Khôi đuổi ra ngoài tất cả.
Mấy ngày sau, khi bọn y chuẩn bị lên thuyền đến An Giang, chỉ dụ của vua lại tiếp tục đưa đến: Tha cho tất cả phụ nữ và trẻ em về quê nhà, để lính ra hàng sung quân, khoan thứ cho tất cả tội trước của người Gia-tô toàn Gia Định, không cho quan địa phương nã bắt[3].
Nghe đọc chỉ dụ, Thái Công Triều ngẩng đầu, bóng của nụ cười thoáng qua trên khuôn mặt anh ta. Trần Văn Năng nhận chỉ dụ, quay lưng đi mà không nhìn đến nhóm Trần Văn Trọng, Lê Đăng Doanh được giao nhiệm vụ ở lại giữ Phiên An.
Theo lời dụ, quân Phiên An chia đôi, bảy ngàn quân ở Phiên An, bốn năm ngàn quân theo Trần Văn Năng tới An Giang, chờ lính từ Kinh và các tỉnh miền Nam điều động xuống tiếp ứng. Để đối phó với ba đạo quân cùng số người chiêu mộ không thể đếm xuể của Xiêm La.
Bọn y vừa đến Định Tường, tin được truyền tới: An Giang thất thủ.
Hồ Công Chỉ rút về từ Nam Vang họp cùng Bùi Văn Lý ở An Giang và Trịnh Đường rút về kênh Vĩnh Tế đến đóng quân tại Trạo Khẩu. Hai nhánh quân Xiêm từ Hà Tiên và Nam Vang hợp lực cùng tràn tới, tất cả quan lính văn võ An Giang phải bỏ thành chạy về Sa Đéc.
Trong thuyền chủ tướng im phăng phắc kể cả khi người lính báo tin đã ngừng lời. Trương Minh Giảng đưa mắt nhìn viên tướng Nguyễn Xuân cùng được phái đi, rồi đến Thái Công Triều và y. Thái Công Triều được Trương Minh Giảng đột ngột gọi tới liền đưa y cùng vượt sông chạy theo bắt kịp nhóm lính đi trước. Lúc này anh ta chỉ hơi cúi đầu, cau mày như ngẫm nghĩ.
“Ta chỉ có chưa tới một ngàn quân…” Hồi lâu, Nguyễn Xuân nói khẽ. Trương Minh Giảng vẫn nhìn Thái Công Triều.
“Trước đây khi vừa ra quân thì anh đã nói, chúng ta có đến cũng cứu không kịp An Giang và Nam Vang, quả nhiên Xiêm lấy thần tốc làm trọng. Bây giờ chúng ta chỉ có chưa tới một ngàn quân, kể cả tàn quân ở An Giang chạy về, phải làm thế nào?” Trương Minh Giảng ôn tồn nói với Thái Công Triều như thể họ vẫn quen bàn việc với nhau. Thái Công Triều đưa mắt nhìn lên, gật đầu.
“Cứ phải tiến quân giữ lấy Thuận Cảng. Xiêm dù đông cũng không dám đường đường chính chính tiến đến Tiền Giang mà chúng phải lẩn qua đường Hậu Giang đánh lên. Ta phải nhanh chóng chiếm được chỗ hiểm ấy mới có thể kiểm soát được trận thế. Nếu để Xiêm vượt qua Thuận Cảng, tiến đến Vĩnh Long, Định Tường thì dân nơi ấy phần nhiều làm nông, phong tục xa hoa, không quen đánh trận, lại vừa trải qua biến loạn, sẽ hại đến cả Gia Định.” Thái Công Triều chậm rãi nói. “Ngay cả các quân tướng đi cùng trận này cũng không được báo cho biết tình hình quân Xiêm.”
“Đánh thế khác nào liều chết!” Nguyễn Xuân bật thốt. Thái Công Triều đưa mắt nhìn viên tướng, cái bóng nụ cười nhàn nhạt vẫn ở trên môi.
“Bằng không các ngài cứ đợi đại quân đến chi viện, hẳn không ai trông đợi một ngàn quân có thể thắng vạn quân, có thua cũng chẳng phải lỗi các ngài. Bây giờ chỉ dụ chia quân của hoàng thượng mới tới, dẹp yên sự tranh cãi ở Phiên An, đợi đám người ấy chia quân cử tướng còn mất một khoảng thời gian nữa.” Giọng Thái Công Triều đột nhiên trầm xuống. “Xiêm lấy thời cơ tốc độ làm trọng, dùng bọn người ô hợp đủ mọi danh xưng nhằm làm nhiễu loạn dân tình. Giữ chúng được ở vùng biên giới thì còn có thể hư hư thực thực mà liều chết, chứ để chúng vào đến Vĩnh Long, Định Tường thì hư hóa thành thực, một hóa thành mười, chẳng ai còn có thể làm chỗ nương nhờ cho các ngài đâu.[4]”
Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân cùng im lặng, rồi cho Thái Công Triều trở về. Anh ta vốn được đưa đến đây để chiêu mộ binh dõng, lo làm hỏa khí, không được đi theo quân Trương Minh Giảng. Bọn y lặng lẽ rời khỏi thuyền quân, lấy một chiếc thuyền nhẹ trở lại Định Tường.
“Bọn họ có đi chặn quân Xiêm không?” Y quay đầu nhìn bóng quân thuyền ít ỏi, lo lắng hỏi. Thái Công Triều cười khẽ.
“Theo tính khí Trương Minh Giảng thì hẳn là có. Dù sao anh ta cũng chẳng còn đường nào để rút lui. Đám tướng quân ở Phiên An, Tống Phúc Lương là em trai của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, Lê Đăng Doanh là thầy dạy của vua, đến Trần Văn Năng, Nguyễn Văn Trọng còn không thể phản bác được, mà Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân mới trở thành kẻ bị đưa đi trước tế thần.” Thái Công Triều chợt tặc lưỡi. “Cho nên hoàng thượng mới đẩy tất cả bọn tù binh ở Phiên An đi, vừa được tiếng nhân nghĩa kêu gọi lòng người, vừa đỡ việc tranh cãi cho bọn tướng lĩnh, lại giảm bớt kẻ có thể tư thông với giặc trong quân. Tuy nhiên cũng là đẩy bọn người ấy xuống các tỉnh, nếu bọn Trương Minh Giảng không giữ được thì sẽ loạn to.”
“Nếu bọn họ quả thật không giữ được thì sao?” Y lại hỏi. Thái Công Triều cười to.
“Thì phải xem vận số của Gia Định lẫn giá trị ‘nhân nghĩa’ của các ông họ Nguyễn thôi vậy!”
Chỉ dụ đặc biệt của triều đình ban xuống: Thăng chức cho Thái Công Triều làm thự Chư quân Vệ úy lĩnh quản hương dõng toàn Gia Định.
Quân Xiêm tiến đến Thuận Cảng, đóng đồn hai bên bờ sông chiếm giữ, bị Trương Minh Giảng chặn đường đánh lui.
Nửa đêm, Trương Minh Giảng cho quân đánh úp bờ tả ngạn. Vệ úy Nguyễn Văn Tình cùng Tuần phủ Hà Tiên Trịnh Đường đánh bờ hữu ngạn. Xiêm liền thu quân, lấy thuyền lớn kết lại chặn giữ giữa dòng.
Nghe Xiêm bị chặn ở Thuận Cảng, Tống Phúc Lương và Trần Văn Trí từ Phiên An đem quân tiếp viện hợp cùng Trương Minh Giảng, lấy đại bác bắn phá dàn thuyền Xiêm trên sông. Quân Xiêm cũng từ hai bên bờ bắn trả lại. Đánh đến chiều, Tống Phúc Lương phải cho thuyền lui, toàn quân rút theo. Thành thủ úy An Giang, Phó vệ úy vệ Túc võ tử trận, Tham tán Trần Văn Trí trúng đạn thương nặng. Quân Nguyễn rút về sông Cổ Hỗ. Xiêm từ Thuận Cảng đến tấn công, dựng trại đối diện thành lũy, bắn đại bác tới.
Nửa đêm, quân Xiêm đốt bè lửa thả xuống, đem quân tấn công thành lũy. Quân Nguyễn dựa vào lũy cầm cự, Trương Minh Giảng gọi đại bác trên thuyền cự chiến. Đánh từ nửa đêm đến gần trưa, Xiêm phải rút lui.
Tin từ trận tiền đưa về, xin thêm binh thuyền hỗ trợ, gọi đích thân Thái Công Triều đến An Giang.
Chỉ vua ban xuống: Thăng Thái Công Triều làm Vệ úy, hiệp bàn quân cơ cùng các quan tướng An Giang. Trần Văn Năng thay Tống Phúc Lương làm chủ tướng.
Từ Định Tường, y theo Thái Công Triều và Trần Văn Năng đến Thuận Cảng. Khu doanh trại của lính Nguyễn chỉ có ba bốn ngàn quân, kể cả lính từ Hà Tiên, An Giang rút về. Tống Phúc Lương đang bệnh nặng không ra khỏi doanh, Trần Văn Năng xuống thuyền xông vào lũy, lớn tiếng gọi các quan gần đó tới.
“Vừa bắt được một kẻ từ Nam Vang chạy về.” Trương Minh Giảng báo lại với Trần Văn Năng, chỉ tay về một người có vẻ như quý tộc Chân Lạp. “Hắn bảo, Phi Nhã Chất Tri có khoảng một vạn quân đóng ở Nam Vang, phái tì tướng Phi Nhã Liêm Cầm Hiên đem hai trăm thuyền với chừng sáu đến tám ngàn quân đánh Châu Đốc, Phi Nhã Phạt Lăng đem một trăm năm mươi thuyền với trên dưới một vạn quân đánh Hà Tiên.” Ngừng một thoáng, Trương Minh Giảng nhìn lên vẻ mặt sắt lại như đá của Trần Văn Năng rồi mới hạ giọng nói tiếp. “Trịnh Đường bảo, lính tiên phong đánh Hà Tiên là bọn người Thanh. Bọn đánh Hà Tiên là một nhóm ô hợp gồm cả Thanh, Xiêm, Lạp, Lào, Chà Và.”
“Bọn chúng đều là giáo đồ Gia-tô.” Lại một khoảng im lặng ngắn, Trương Minh Giảng mím môi, quyết định nói. “Chúng tôi vừa bắt được một giáo đồ Gia-tô tên Lê Văn Công. Hắn nói giáo trưởng ở Xiêm đã ra lệnh kêu gọi toàn vùng, chiêu dụ được thêm khoảng hai ngàn người nữa đi theo bọn Xiêm, đang trên đường tới.[5]”
“Tình hình miền Bắc thế nào?” Trái với ý nghĩ của mọi người, Trần Văn Năng có vẻ bình tĩnh, quay đầu nhìn viên quan vừa tới là Tán tương Trương Phúc Đĩnh mà hỏi.
“Quân Xiêm đã chiếm phủ Trấn Tĩnh, đánh vào Quảng Trị, Trấn Ninh, đe dọa Nghệ An.” Trương Phúc Đĩnh hạ giọng báo, thấy Trần Văn Năng vẫn im lặng liền tiếp. “Nhưng Tổng đốc Lê Văn Đức báo về đã tấn công quét sạch Ngọc Mạo, Vân Trung của bọn Nông Văn Vân, tình hình biên giới phương Bắc tạm thời an ổn.”
“Vĩnh Long vừa báo đến tin của quốc vương Chân Lạp đang được đón ở đấy.” Trương Phúc Đĩnh vẫn nói. “Ông ta bảo tháng trước nghe tin Xiêm kéo đến thì cũng đã đưa quân tới biên giới phòng ngự. Nhưng Xiêm đưa Nặc Giun, Nặc Yêm về, quân dân nghe thế đều tan vỡ, thậm chí có kẻ còn hàng giặc, quay đầu tấn công ngược lại. Quốc vương Chân Lạp đem sang đây khoảng gần hai ngàn người, thuyền khoảng trăm chiếc. Hoàng thượng đã có lệnh cho Bố chính Vĩnh Long tuyển lựa đám người ấy đưa đến quân thứ cùng đánh giặc, đạo Quang Hóa đưa Lê Đại Cương và Nguyễn Hoàng Thỏa trấn giữ, không cho Xiêm lấn qua đến Phiên An.”
“Khi có việc phải dùng toàn lính hương dõng và bọn viên tử, quan tướng triều đình chết hết rồi à?” Trần Văn Năng đột nhiên gằn giọng mắng. “Bọn Khôi gọi quân Xiêm đến giải vây cho chúng, Xiêm lại đang tràn ngập Chân Lạp, có thể đánh vào bất cứ đâu, vậy mà đám người ở Phiên An cứ xem như không phải chuyện của mình, để Biên Hòa tự lo phòng bị, đưa bọn hương dõng tới coi như hết việc! Chúng sợ ngàn tên nhóm bọn Khôi phá thành ra nên không dám phái quân đi à? Đã hèn nhát thế thì đừng có làm quan làm tướng! Chọn đưa ngay khoảng thêm ngàn quân tới Quang Hóa cho bọn Lê Đại Cương! Phiên An có chuyện gì thì cả đám người ở đấy chết đi!”
Chú thích:
[1] Loạn hậu cửu nhật đăng Mai khâu của Trịnh Hoài Đức
[2] Thực lục, đầu tháng 11 năm 1833: “Lại nghe đồn bọn giặc ở phía mặt trước ngoài thành bắt được 1 người. Bọn tên nghịch Chắm và nghịch Tước mớm lời bảo nó nói: Quan quân có bọn rút về, quân Xiêm đã đến. Giặc lại nói dối rằng ngoài thành có người gửi thư, dặn người trong thành chớ nên ra thú, ra thú tất bị giết hại. Bọn thần nghiệm xem tình hình ấy, thì ra giặc đã dần dần suy nhược.”
[3] Tháng mười hai, sau khi một số người Gia-tô trong thành Phiên An ra hàng, Minh Mạng ban chỉ dụ cho các quan sáu tỉnh Nam Kỳ “Một vài kẻ trót đã theo đạo Gia-tô nhưng xét ra bản tâm họ chẳng qua vì tình cờ bị tả đạo mê hoặc, nhưng thiên lương vẫn còn, chắc rằng lâu dần họ tự tỉnh ngộ. Chứ đâu lại có lý nào khinh bỏ cha mẹ, làng nước mà theo loài khác? Nên chày cho năm tháng để họ tự biến đổi lấy. Gần đây nghe nói các quan địa phương thừa hành không tốt nhất khái đều cấm đoán bài xích cả. Lại có những bọn hư hỏng tạ sự dọa nạt khiến họ bối rối không yên. Thế không phải là ý sửa đổi phong tục dần dần.
“Các ngươi nên lập tức dụ khắp dân gian: Đối với những kẻ đã trót theo đạo Gia-tô thì không cần tra bắt để họ được yên thân làm ăn. Hoặc giả có kẻ trước đi nơi khác, hoặc sa ngã vào trong bọn giặc cướp, nên biết đem mình ra thú để được rộng tha tội trước, cho về ở nhà. Xóm làng sở tại không được chỉ trích ruồng rẫy.”
[4] Theo Thối thực ký văn của Trương Quốc Dụng, viên quan được cử tới Gia Định thời gian này, người hiến kế cho Trương Minh Giảng giữ Thuận Cảng chính là Thái Công Triều.
[5] Thực lục, tháng 12 năm 1833: Quân tuần tiễu bắt được một giáo đồ Gia Tô là Lê Văn Công và nói: “Còn Trưởng giáo Gia Tô tên là Thuận ở nước Xiêm, dụ được hơn 2.000 người, gồm có Xiêm, Chân Lạp, người Đại Thanh và người Chà Và theo đạo Gia Tô còn ở phía sau, chưa đến”. Bọn Trương Minh Giảng cho rằng giáo đồ Gia Tô phần nhiều theo giặc, ngầm thông tin tức, nên lập tức chém đầu Lê Văn Công và đem tình hình tâu lên.