Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

29. Hương quan phiêu đãng tam phân địa
Trường An in "Minh nguyệt 1" February 3rd, 2019
  1. Hương quan phiêu đãng tam phân địa, thư kiếm quai sơ thập quá xuân[1]
    (Quê hương trôi dạt đất chia ba, sách gươm chểnh mảng đã mười xuân qua)

 

Tháng mười, chiến cuộc đông cứng quanh thành Phiên An.

Người bên trong đào hầm đắp đất, che ván quanh chân thành để phòng súng bắn, tất cả tám cửa thành đều bị chất đá ong, xây đất chèn chắn lối cố thủ. Quân ngoài thành cũng không cố đánh, có ý bao vây bức kẻ bên trong cạn lương kiệt lực mà đầu hàng, họ cho xây những ụ đất cao để nhìn vào thành, bắt đầu dùng đến phương cách kêu gọi kẻ trong thành hạ súng.

Vì vậy, thân thuộc kẻ trong thành bị giải đến ty Án sát Phiên An ngày càng đông. Họ Mạc được thu xếp ở trong một gian nhà ngoài khu tù phạm, y lại ngày ngày thấy những hàng người được dẫn vào ra. Vì cái chết của Mạc Công Du, Mạc Hầu Hy được phép đeo cùm đưa linh cữu cha về Hà Tiên, y cùng Mạc Công Tài ở ty Án sát đợi lệnh. Triều đình nhận định chiến cuộc ở Phiên An không còn gay gắt, nhiều Tướng quân, Tham tán cũng đã nhận được lệnh gọi về Kinh, bọn y chờ đợi đi cùng chuyến với bọn họ.

Nhưng các vị quan này hẳn chẳng thể chịu tay trắng về Kinh như thế, y thầm nghĩ khi nhìn toán người vừa được đưa tới ở sân ngoài. Toàn bộ công tích ở Gia Định này thuộc về Thái Công Triều cùng đội hương dõng anh ta lãnh đạo, còn vài chiến công nhỏ lẻ của các vị tướng đã nhanh chóng bị xóa mất bởi tình hình phức tạp tại Phiên An. Những kẻ trong thành đóng chặt cửa cố thủ, phá đường tấn công vào, trong khi đó dùng những cổng thành Dương mã để đột kích ra ngoài. Khu thành được xây theo kiểu Tây dương trở thành một công cụ đắc lực để thực hiện các cuộc phản công ngầm, thậm chí là đột phá ra mà kẻ ở bên ngoài khó lòng kiểm soát nổi. Theo tin đồn, hai vị tướng già đức cao vọng trọng Tống Phúc Lương và Trần Văn Năng thậm chí đã trở mặt mâu thuẫn với nhau vì phương cách tấn công và kiểm soát Phiên An. Quân bên ngoài đã dùng đủ mọi  cách mà vẫn không thể tiếp cận khu thành vững chắc, khi quân trong thành thừa cơ thực hiện các cuộc tấn công nhỏ lẻ, gây thiệt hại cho kẻ bao vây rồi rút chạy. Viên hàng tướng Hoàng Văn Toán đã là kẻ bị trừng phạt đầu tiên cho những thất bại như thế.

Các viên trọng tướng triều đình hẳn không thể cứ thế về Kinh với Phiên An còn ở sau lưng và Gia Định do một bàn tay Thái Công Triều lật ngược tình thế. Do đó họ đổi phương cách, đi lùng tìm thân thuộc của những trọng tướng ở thành Phiên An. Trong đó, người thân của những viên quan triều đình cũ nhanh chóng bị phát hiện nhất.

Ngay hôm đến Phiên An, y đã thấy cha của Đặng Vĩnh Ưng bị đưa lên ụ đất trước thành để lớn tiếng kêu gọi con trai ra hàng. Nhưng trong thành vẫn im phăng phắc, và sau ba ngày, thay thế cho dáng vẻ liêu xiêu của ông lão chỉ còn là đầu ông cắm trên cọc gỗ, trừng trừng nhìn về thành.

Nhưng thân thuộc những hào mục Thanh Nghệ của Tả quân có vẻ khó tìm hơn. Mấy ngày này, lính chỉ áp giải đến người thân của vài kẻ tên tuổi nhỏ ở trong thành, phần lớn quanh Gia Định. Hôm nay y thấy vẻ mặt của lính áp giải đã tươi hơn khi hắn sang sảng báo cáo.

“Đã bắt được vợ con của ngụy Trung quân Nguyễn Văn Quế.” Lính lôi ra trước một người phụ nữ với hai đứa con gái nhỏ, tất cả đều lấm lem như vừa bị kéo từ trong bùn. Án sát Gia Định Hoàng Văn Minh nhìn ba mẹ con, nhỏ giọng gọi người mời Bình khấu đạo Tướng quân Trần Văn Năng và Tham tán của ông ta là Lê Đăng Doanh đến ty.

Hai đứa con gái run rẩy bám lấy áo mẹ, cả ba run rẩy đứng chờ giữa sân khi lính đẩy nhóm người khác vào khu tù. Một lát sau, hai viên tướng đến nơi, nghe Hoàng Văn Minh báo lại, Trần Văn Năng chỉ tay vào người phụ nữ, cao giọng.

“Vợ nghịch phạm Quế vào thành gọi hắn ra đầu hàng! Hoàng thượng có chỉ, thân thuộc gọi được kẻ trong thành ra hàng, tha cho tất cả, người thân được về quê, tên phạm sung quân chờ lập công.” Dù đã hơn bảy mươi tuổi, giọng Trần Văn Năng vẫn sang sảng trong khoảng sân rộng. Người phụ nữ nấc lên một tiếng, sụp xuống dưới chân ông ta.

“Quan lớn, quan lớn minh xét cho con. Con chỉ có hai đứa con gái, chồng con đã bỏ con ở quê từ lâu không nhìn tới, giờ làm sao con gọi chồng ra được?” Người phụ nữ nức nở khóc. “Con của con còn bé, đều là gái cả, làm được chuyện gì? Chồng con bỏ con đi làm quan thì con cũng chẳng được nhờ, đến khi làm giặc con nào có biết!”

“Nói với tên nghịch Quế, hắn không ra hàng thì cả ba mẹ con bị ném xuống sông. Quân lệnh như sơn, từ nay lấy làm lệ cho tất cả tên ngụy quan tướng trong thành Phiên An!” Trần Văn Năng vẫn chém đinh chặt sắt nói mà không lay động mảy may trước tiếng kêu khóc của người phụ nữ và hai đứa trẻ. Theo lệnh ông ta, lính lôi hai đứa con gái vào nhà lao, một nhóm lính khác áp giải người phụ nữ vẫn vật vã khóc than đến cổng thành.

Người phụ nữ đã đi, Hoàng Văn Minh quay sang hai viên quan lớn, gọi lính lấy ra phong thư trong hộp kín đưa cho họ.

“Người ở Kinh vừa chuyển tới thư của hai tên đạo trưởng Gia-tô là Tây Hoài Anh và Phan Văn Kinh thuyết dụ tên Phú Hoài Nhân trong thành ra hàng.” Hoàng Văn Minh dâng cả chiếc hộp cho Trần Văn Năng, tiếp tục nói. “Về việc đưa thư vào thành, tôi vừa bắt được cháu của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Hán. Hắn trước đây từng đi lại với bọn Khôi, có thể gọi chúng dòng dây đưa vào thành nói chuyện.”

Trần Văn Năng đưa thư cho viên Tham tán Lê Đăng Doanh bên cạnh. Lá thư hẳn đã được dịch ra chữ Hán bên cạnh bản gốc tiếng Tây dương. Lê Đăng Doanh vừa đọc đã cau mày.

“Người Gia-tô ở Nghệ An và Thanh Hoa cũng vừa nổi loạn, kéo theo cả quan tướng nơi ấy. Tây Hoài Anh này bảo, nếu Phú Hoài Nhân không lên tiếng gọi giáo chúng thôi đi thì tất cả sẽ bị giết hết.” Lê Đăng Doanh vừa nói, Trần Văn Năng đã hừ khẽ.

“Tên Tây Hoài Anh này đang bày trò nước đôi, nói là khuyên ngăn nhưng đang tìm cách báo cáo tâng công cho tên đạo trưởng rằng chúng đang khiến giáo đồ cả nước này phát điên! Bị giết, chúng mà sợ bị giết à? Chúng còn đang kêu gào bị giết thì sẽ được lên thiên đàng!” Trần Văn Năng khoát tay nói lớn. “Từ ngày đi theo Thế Tổ nhìn lão Bá Đa Lộc cùng bọn tay sai của lão, ta còn lạ gì bọn này! Ngày ấy Tây Sơn cấm đạo, hành hình tàn sát không ghê tay mà chúng có nao núng gì đâu. Đám cố đạo Tây dương miệng ra rả nhân từ mà chỉ chực đẩy đám giáo dân mông muội vào chỗ chết càng nhiều càng tốt, càng gây loạn càng hay để lấy phần lợi cho chúng, chứ bận tâm gì đến bọn đâm đầu đi chết?”

“Hoàng thượng vừa xuống dụ bảo đám giáo dân vẫn là con dân ta, chỉ vì oán triều đình cấm đạo mà đi theo bọn Khôi chứ không phải muốn liều sống chết với triều đình. Cho nên kêu gọi chúng buông giáo thì ta vừa đỡ một mối lo, vừa có lợi cho chính chúng.” Lê Đăng Doanh vẫn nhẹ nhàng nói. Đáp lại chỉ là tiếng Trần Văn Năng quát càng to hơn.

“Bảo hoàng thượng đến đây mà nhìn đám đàn bà Gia-tô đi bỏ thuốc độc vào thịt thà bánh trái trong chợ[2], quân hay dân chết cũng mặc kệ, chỉ cầu lòng người xào xáo, người chết càng nhiều càng hay! Đám táng tận lương tâm ấy chết cả đi ta không tiếc!” Trần Văn Năng có vẻ giận dữ thực sự, giật lấy lá thư trên tay Lê Đăng Doanh. “Ngay từ ban đầu vừa bao vây được thành, hoàng thượng bảo dùng hỏa công đánh mạnh vào thành, bọn Tống Phúc Lương còn viện dẫn ra nào đàn bà con gái, nào kẻ bị bức bách bên trong, lần lữa mãi không chịu làm. Đợi đến khi chúng lấy tổ ong lấp kín thành, xua đám đàn bà con gái ấy ra làm kẻ truyền tin, đầu độc, gian tế, rồi lại bao nhiêu người nữa phải chết! Đám khốn kiếp ấy cho một mồi lửa chết sạch cả đi, chúng ta có còn phải đem quân nướng ở ngoài cái thành này hay không, mà cả đám thân nhân chúng không buồn nhìn mặt này có phải chết thay cho chúng hay không?

“Tiếc vài kẻ oan mạng, khiến hàng trăm hàng ngàn kẻ oan mạng, thứ lòng nhân của đàn bà ấy đem mổ tim ra mà tế người tử trận lẫn chết oan! Giờ thì hay lắm, đắp ụ súng lên mà bắn vào hú họa vào thành, ngọc đá cùng nát, chờ vận may bọn Khôi trúng đạn. Phải, trúng được ngay Lê Phúc Bảo, để chúng đem xác ông ta lên đầu thành mà phơi báo công, để bộ Lại lẫn bộ Binh đỡ phải xét xử đấy!” Giọng Trần Văn Năng gần như gầm lên. “Đến giờ chúng gọi từ bọn Thổ Nùng ở Thái Nguyên, Cao Bằng nổi lên hàng ngàn hàng vạn đánh thành giết người, cho đến đám Gia-tô, Thanh phỉ hợp lực quấy rối khắp cả đất nước, có phải tất cả đều từ thứ lòng nhân khốn kiếp của các người không?”

“Mọi việc đều cần khéo xử trí, không thể lấy chuyện một thành suy ra chuyện một nước.” Lê Đăng Doanh vẫn điềm đạm nói khẽ. “Kẻ nào có thể kêu gọi chúng quay đầu được thì vẫn tốt hơn là tất cả đều nổi loạn, hậu hoạn khôn lường. Vương giả cần lòng nhân để yên tĩnh lòng người, còn bằng không chuyện nhỏ hóa thành chuyện to, đúng hóa thành sai. Vài cái mạng oan trong thành Phiên An là chuyện nhỏ, nhưng cũng chẳng ngăn cản được bọn Thanh phỉ lẫn thổ mục thổ hào làm loạn, lại hóa thành chuyện để chúng rêu rao rằng ta bất nhân, đến lúc ấy còn kẻ nào theo ta được nữa?”

“Tham tán, đám nho sĩ các ông nói chuyện sách vở đủ rồi.” Trần Văn Năng đột nhiên cười khẽ, khuôn mặt già nua thoáng vẻ cay độc. “Tôi đã đi theo Lê Văn Duyệt đánh trận Thị Nại, theo Nguyễn Văn Thành lấy lại Bình Định đây. Đống nhân nghĩa sách vở của các ông, vứt cho chó ăn đi!

“Đám người ấy theo ta vì ‘nhân nghĩa’? Có mà chúng không còn đường nào để đi nên phản chủ giết bạn quay đuôi đầu hàng. Có mà chúng đấu đá tranh giành với nhau không lại nên chạy về theo ta. Trong đám bọn chúng, kẻ ra hồn người thì đều đã phơi thây, kẻ còn sống thì rặt một lũ phản phúc thối tha. Thứ ‘nhân nghĩa’ của các ông là những ngày chúng ta nhặt xác quân lính, chôn cất đồng bạn, sống dở chết dở trong rừng thiêng nước độc vì đám phản quân trở cờ ở thành Bình Định! Nhân nghĩa? Có ai nhân nghĩa với chúng ta không, hả?” Trần Văn Năng ném lá thư vào hộp, đóng sập nó lại vang tiếng ầm ĩ. “Thế Tổ tha cho chúng không phải vì nhân nghĩa, mà chỉ vì muốn bọn khốn thối tha còn lại ra hàng, không còn liều chết quấy phá, để bọn khốn ấy làm đám chó vẫy đuôi phục vụ mình. Còn thứ nhân nghĩa không có tích sự gì thì cũng chẳng có giá trị gì với bọn khốn đâu! Nó cũng chẳng có tích sự gì trên thế gian này ngoại trừ tô điểm cho ‘vương giả’ các ông đâu!

“Giỏi nhân nghĩa mà tha cho bọn chúng, rồi đám đạo trưởng đem nhân nghĩa của nhà trời rót vào tai chúng. Đến lúc ấy ông sẽ biết đạo lý của ông có ý nghĩa gì!” Trần Văn Năng quay đầu gọi lính giải Lê Văn Hán đến, cầm chiếc hộp đựng thư hầm hầm bỏ đi. Lê Đăng Doanh thở dài, khoanh tay vào áo mà trò chuyện khe khẽ với Hoàng Văn Minh. Một lát sau, cả hai cùng vào khu giam tù phạm.

Gió thổi qua khoảng sân ngoài ty Án sát, cuốn đám lá rụng xoay tròn. Y quay đầu về phía sau, thấy Mạc Công Tài cũng đang nhìn ra cửa sổ quan sát cuộc nói chuyện vừa rồi. Nhưng như y, ông im lặng.

Tháng mười, chiến cuộc đông cứng ở Phiên An, nhưng những cái chết vẫn đang tiếp tục. Tiếng khóc than vẫn văng vẳng trong khu tù phạm của ty Án sát hàng đêm. Máu vẫn tiếp tục đổ trong các cuộc hành hình, tám trăm người Thanh bị bắt phần bị chặt bốn ngón bàn tay phải đày sang Chân Lạp, phần bị giao vào các làng quản thúc.

Mỗi ngày, y nhìn những đoàn người vào ra cổng ty Án sát, cảm giác lòng mình lạnh đi dần dần, đến mức không còn thấy buồn vui. Lòng y dường đã biến thành một cõi tro tàn như hình ảnh Phiên An ngày hôm ấy. Ngay cả những vết thương trên cơ thể cũng chẳng thể nhức nhối.

Hôm ấy, nhìn thấy xác Mạc Công Du được đưa xuống thuyền, Mạc Hầu Hy đã như chết lặng. Chỉ vài tháng, y cũng đã không còn nhận ra người anh họ trước đây. Mạc Hầu Hy dường già đi cả chục tuổi, nét khô cằn oán hận hằn lên gương mặt hốc hác tang thương. Anh ta chỉ có thể đứng nhìn trân trân xác người cha, không hề phản ứng khi được Mạc Công Tài báo lại những gì đã xảy ra ở Hà Tiên.

Và rồi, bất thần Mạc Hầu Hy lao vào y, rút cả súng làm côn gậy đánh xuống. Nếu không có người xung quanh cản lại, Mạc Hầu Hy có thể đã giết chết y. Những gì xảy ra sau đó để Mạc Công Du được khâm liệm chuyển về Hà Tiên, y đều không biết khi đến ra mắt các Tướng quân, Tham tán Phiên An cùng ty Án sát trong bộ dạng máu còn chảy ròng ròng một bên mặt sưng phồng méo mó. Mạc Công Tài chỉ báo lại, Mạc Hầu Hy chấp nhận bị đeo cùm như tù phạm để được đưa về An Giang đưa tiễn cha. Thậm chí anh ta còn không thể trở lại Hà Tiên.

Trong phòng giam giữ ở cửa ty Án sát, y và cha cùng im lặng mỗi ngày chờ đợi Mạc Hầu Hy quay về, im lặng nhìn những gì diễn ra trước mắt, nghe những tin báo đến từ mọi vùng của đất nước. Tháng mười, cuộc chiến ở Thái Nguyên đang hồi căng thẳng, thành Thái Nguyên bị hạ, các đội quân bị đánh tan. Những đội hải tặc Đồ Bà, Thanh phỉ đánh suốt từ Khánh Hòa đến Hà Tiên. Những nhóm thổ mục đã tôn phù Lê Duy Lương tiếp tục tìm kiếm các mục tiêu mới để kết đoàn nổi dậy. Những chỉ dụ chênh vênh giữa hai bờ tha thứ và xử trị. Những con người hoang mang trước những lựa chọn và sự vị kỷ cực cùng của con người.

Đêm ấy, người phụ nữ thất thểu về cổng ty Án sát. Có lẽ cô đã dòng dây ra khỏi thành sau khi gặp Nguyễn Văn Quế và trở lại mà không ai hay biết. Cô đứng hồi lâu trước cổng, gương mặt trắng tái xơ xác như một bóng ma. Đến chừng lính đổi gác đi ngang, người phụ nữ mới gọi khẽ, xin được gặp Trần Văn Năng.

Viên tướng này quay trở lại cùng với người Tham tán của ông ta. Thấy vẻ mặt người phụ nữ, có lẽ cả hai cũng đã đoán ra kết quả. Không còn nước mắt để khóc, cô ngã sụp xuống chân Lê Đăng Doanh, ngước đôi mắt trũng sâu nhìn lên ông.

“Ném xuống sông, đem xác đến cổng thành cho Nguyễn Văn Quế thấy!” Trần Văn Năng lạnh lùng ra lệnh cho lính lôi người phụ nữ đi. Ngừng một thoáng, ông ta nói thêm. “Đưa cả hai đứa con của nghịch Quế theo cô ta!”

“Việc này để tôi coi quản.” Lê Đăng Doanh chợt nói. Trần Văn Năng đưa mắt nhìn ông ta, rồi gật đầu bỏ đi. Lê Đăng Doanh gọi người đưa hai đứa trẻ ra khỏi tù, dẫn cùng người phụ nữ đến bờ sông.

Tiếng khóc inh ỏi của bọn trẻ lọt thỏm vào khoảng yên ắng nặng nề của ty Án sát. Ngay cả người trong khu tù phạm cũng đã im phăng phắc. Trong khu nhà chỉ còn đôi tiếng chân lính đổi canh, tiếng xe ngựa di chuyển. Ngoài xa, tiếng pháo thần công bắn mỗi đêm từ đồng Tập Trận lại vọng tới.

Gió thổi ngọn đèn trên bàn phụt tắt. Vẫn ngồi trên phản, y nhắm mắt, lần đầu tiên cảm thấy cơn đau nhức nhối trong cơ thể trở lại.

Tiếng chuột kêu rúc rích đâu đó trong góc phòng. Tiếng pháo bắn đều đặn như thể vĩnh viễn không chấm dứt. Không biết đã bao lâu, khi pháo ngừng giữa những đợt bắn, y chợt nghe tiếng bánh xe gỗ lộc cộc và tiếng chân người. Rồi tiếng mở khóa, cửa phòng y bị đẩy ra.

Trong ánh trăng hắt đến, y nhận ra Lê Đăng Doanh. Ông ta nửa kéo nửa khiêng một cái bao lớn vào phòng. Nghe động, cha y ra phòng ngoài, đỡ cho người đàn ông già.

“Đây là…” Vừa chạm vào cái bao, cha y đã nói khẽ. Lê Đăng Doanh chỉ gật đầu. Sau khi đặt cái bao xuống giữa phòng, ông ta và cha y ra khiêng vào thêm một bao khác. Y mở bao, nhận ra bên trong là một đứa trẻ còn ướt ròng nước.

“Tôi đang ở trong quân, chẳng có chỗ nào tạm giấu được chúng. Ông và cậu rủ lòng thương chúng với.” Lê Đăng Doanh đóng cửa, thì thầm. “Để tôi về cho người đi xem quanh đây có nhà nào sẵn lòng nhận người thì cho chúng đến, làm lại sổ hộ tịch quê quán mới, rồi đưa chúng đi xa. Ông và cậu giấu chúng ở đây đêm nay giúp tôi.”

Cha y gật đầu, lấy khăn lau tóc và mặt mũi cho bọn trẻ. Chúng đã bị cột khăn quanh miệng, nhưng y cho rằng chưa thể tháo ra.

“Mẹ chúng vùng vẫy quá, lính phải dìm cô ta xuống. Đến bọn trẻ này thì chỉ bỏ bao ném sông, may tôi cứu được.” Lê Đăng Doanh ngồi xổm nhìn hai đứa trẻ trong bóng tối lù mù. Cha y để thoát ra một tiếng thở dài.

“Chúng chỉ là bọn trẻ gái, việc gì đến mức thế?” Y giận dữ nói. Lê Đăng Doanh đưa tay ra dấu cho y im lặng.

“Thật ra thì… vẫn tốt hơn bị chém đầu.” Tay ông ta đặt lên tóc một đứa trẻ, trong khi cái bóng của nụ cười mờ ảo giữa đêm. “Luật bảo, nợ cha con trả, một kẻ phản nghịch, giết cả ba họ. Đã bị bắt đến đây, dìm sông vẫn hơn bị đưa lên lũy chém đầu.”

Tiếng pháo xa lại vọng đến. Lúc này y dường thấy cả ánh sáng của đạn pháo trên bầu trời qua cửa sổ.

“Ông làm thế này có sao không?” Cha y quay nhìn Lê Đăng Doanh hỏi. Viên quan già lại cười.

“Hoàng thượng vừa có lệnh gọi các quan tướng về Kinh, tôi cáo bệnh ở lại Gia Định mấy ngày, về nhà tìm chỗ gửi gắm chúng nó. Tôi là người Gia Định, làm quan ở Gia Định nhiều năm, có thể nhờ vả được. Vả lại…” Giọng Lê Đăng Doanh hơi trầm xuống. “Tôi là thầy phụ đạo của hoàng thượng, có bị phát hiện chắc cũng không bị chém đầu vì tội tư thông với giặc đâu.”

“Ông đưa bọn trẻ vào đây bằng cách nào thế?” Y nhìn ra cửa, nghi hoặc hỏi. Dù là đại quan triều đình, thầy dạy cũ của vua, ty Án sát cũng không phải nơi có thể vào ra dễ dàng.

“Ta lôi chúng lên, bảo chúng chết rồi, cứ thế bỏ lên xe đưa vào ty Án sát để nghiệm thi. Rồi đưa thêm hai cái xác nữa vào ty để thay thế cho chúng.” Lê Đăng Doanh nói sau khoảnh khắc im lặng ngắn. “Hiện tại có rất nhiều người chết.”[3]

Sợ có người tới, Lê Đăng Doanh cùng bọn y bế hai đứa trẻ vào trong giường, buông màn xuống. Viên quan này vội vã cáo từ, hứa sẽ đưa người đến vào hôm sau. Ngồi đợi một lúc, y nghe tiếng ọ ẹ trong màn, liền vén màn, đưa tay làm dấu cho hai đứa trẻ đang hoảng sợ.

“Mẹ các em trốn được rồi, đưa hai em đến đây để tìm đường thoát thân.” Y nói khẽ. “Ngày mai sẽ có người đến đưa các em ra khỏi đây.”

“Các em phải yên lặng, đừng để bị phát hiện ra.” Y nhấn giọng dặn. Hai đứa trẻ gật đầu, y mới tháo khăn bịt miệng chúng, cho chúng ngồi lên. Cha y đem tới một cái lồng ấp cho chúng sưởi tạm. Bị kinh hoàng suốt trên quãng đường đến nơi này, hai đứa trẻ co người ôm lấy nhau, thậm chí không dám lên tiếng hỏi.

Bên ngoài đột nhiên vọng đến tiếng nổ xé toạc màn đêm. Nhìn ra cửa sổ, y thấy ánh sáng đỏ rực chiếu lên từ phía thành Phiên An, trong lúc những tiếng nổ nhỏ vẫn tiếp tục. Lính canh trong ty nghe động cũng đổ ra sân, xôn xao bàn tán.

“Hẳn pháo bắn trúng vào kho đạn trong thành.” Mạc Công Tài nói khẽ. Nhưng tiếng nổ chỉ vọng thêm một lúc rồi yên. Nửa đêm, y nghe tiếng ngựa dừng trước cổng ty.

“Quan Án sát bảo tôi đến thành Phiên An xem tình hình.” Người hẳn là lính báo tin vừa về nói với lính canh cửa.

“Có tên nào chết không?” Lính canh có vẻ háo hức hỏi. Nhưng người báo tin chỉ thở ra.

“Không, chúng chỉ lôi hai cái xác lên thành, bảo hai người này mưu đốt kho súng đạn bị chúng bắt được.” Vừa dắt ngựa vào, người lính vừa cau mày nói như cố nhớ điều vừa nghe. “Chúng bảo, một người là Lãnh binh Hà Tiên Nguyễn Quang Lộc, một người là người nhà Bố chính Hà Tiên Phạm Xuân Bích.”[4]

“Họ làm sao lại ở trong thành ấy?” Một người lính tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi. Nhưng lính báo tin chỉ nhún vai. Anh ta liền đổi giọng. “Nghe nói Hà Tiên không đánh tự mất, Lãnh binh thì chẳng có tăm hơi gì, Bố chính Phạm một mình xông ra giết địch, lúc ấy thân thuộc ở đâu? Hẳn hai người này đầu hàng bọn Khôi, đến khi thất thế thì nghĩ cách tâng công, chết cũng chẳng tiếc.”

“Cũng tốt, chúng cho gián điệp trà trộn trong quân ta quấy phá nhiều rồi, đến giờ chúng mới thấy trong thành có gián điệp.” Người lính khác góp lời. “Cứ để bọn khốn chúng tự giết nhau.”

Tiếng xôn xao của đám lính đi xa. Y chợt nhận ra móng tay đã bấm vào thịt đến gần bật máu.

Quả thật Nguyễn Quang Lộc và Phạm Văn Bảo đã không trở về được nữa, y thầm nghĩ khi nhìn cái bóng run rẩy của hai đứa trẻ trong màn. Những người từng là lý do khiến quan tướng bên ngoài chùn tay ‘thất bại’ cũng đang bị hủy hoại dần dần trong thành chết Phiên An. Khu thành vẫn ngày ngày có hàng binh trèo tường dòng dây ra ngoài đầu thú – nhưng không phải họ. Họ đã ở lại, chọn lấy cái chết trong thành Phiên An.

Những kẻ ra hồn người đều đã chết, bọn còn sống chỉ là lũ phản phúc. Trần Văn Năng đã từ chối tha thứ và khoan nhượng, trong sự sống mọc lên trên cánh đồng chết năm xưa.

 

Chú thích:

[1] Thu dạ đồng cố nhân thoại cựu bộ cổ vận của Trịnh Hoài Đức

[2] Thực lục, tháng 10 năm 1833: Vua bí mật dụ bảo rằng: “Lại nghe đồn các hàng quà bánh, cá thịt ở chợ, thỉnh thoảng có những phụ nữ theo đạo Gia Tô ngầm bỏ thuốc độc vào trong, quân ta có khi nhỡ ăn phải. Nếu đúng như tin đồn, thì sự lo về đạo Gia Tô, không phải chỉ ở trong thành Gia Định, lại sợ bên ngoài, có khi bè lũ nó cũng không ít.”

[3] Thực lục, tháng 6 năm 1835: Thự Công bộ Thượng thư Lê Đăng Doanh có tội, bị mất chức. Trước đây, Nam Kỳ có việc, Doanh được sung là Bình khấu đạo Tham tán. Có người nhà Tướng quân Trần Văn Năng dò thám bắt được vợ và 2 con gái của tên nghịch phạm Nguyễn Văn Quế. Năng sai vợ Quế vào thành dụ Quế, không được, bèn dìm xuống nước cho chết. Còn Doanh thì cho quê quán phạm nhân bảo đảm 2 người con gái ấy, mà cứ im lặng không đem tâu lên. Đến đây, việc phát giác, vua ra lệnh cho tâu rõ lại, Doanh bấy giờ mới tự nhận lỗi.

[4] Thực lục, tháng 10 năm 1834: Truy tặng nguyên Lãnh binh Hà Tiên Nguyễn Quang Lộc làm Vệ uý, trật Chánh tam phẩm, chuẩn cho theo hàm truy tặng mà cấp tiền tuất. Trước đây, tỉnh Hà Tiên thất thủ, Lộc làm Thủ ngự ở Phú Quốc bị Nguyễn Văn Sương bắt đưa cho giặc, giam ở trong thành Phiên An. Lộc cùng Phạm Văn Bảo (là người nhà Hà Tiên Hộ phủ Phạm Xuân Bích, cũng bị giặc bắt) mưu đốt kho thuốc súng, việc vỡ lở, đều bị giặc Khôi giết cả.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.