- Quy sơn bất tận tình trung khúc, dạ dạ phần tiền khởi nộ ba[1]
(Về núi nhưng khúc nhạc tình chưa dứt, đêm đêm trước mộ sóng giận tràn)
Việc trở về Hà Tiên hóa ra lại khó khăn hơn y tưởng. Ra khỏi địa phận Phiên An, tất cả mọi nẻo đường bộ, sông cho đến kênh rạch đều đã bị chặn. Ngoài cả ngàn quân từ phía Nam đổ lên cùng hàng trăm thuyền lớn, binh từ các làng cũng được huy động ra để lập chốt canh phòng. Nhắm không thể vượt qua hàng rào phòng ngự này, y bỏ thuyền lên bờ, đi về phía Định Tường tìm nhà Nguyễn Hoàng Nhiên. Ở đây y vốn coi như chỉ biết qua Hoàng Nhiên, thầm nghĩ có thể ở nhờ nhà anh ta để chờ xem tình hình chuyển biến ra sao.
Các con trai Nguyễn Hoàng Đức ở chung trong một phủ được chia thành hai khu. Nghe y tới, Nguyễn Hoàng Nhiên liền nhanh chóng mời y vào nhà, cậu út Nguyễn Hoàng Thỏa ở khu bên cũng đi sang hỏi chuyện.
Vừa vào nhà, y đã thấy bàn thờ mới lập cho Nguyễn Hoàng Thành, vị Phò mã vừa mất năm trước. Con cả của Nguyễn Hoàng Đức trước đã mất sớm, con thứ ba là Thành được tập ấm nhận chức Đô úy, trở thành Phò mã sống tại Kinh, chỉ có hai người con ở Kiến An chăm sóc phần mộ tổ tiên. Cái chết của Nguyễn Hoàng Thành do đó có vẻ không tác động lớn với người nơi đây, chỉ khiến Hoàng Nhiên và Hoàng Thỏa tỏ ra sốt ruột khi nghe tình hình Phiên An do y kể lại.
“Nguyễn Hàm theo giặc rồi sao?” Nguyễn Hoàng Nhiên bần thần hỏi lại, rồi thở dài. “Anh ta vốn muốn được trổ tài vùng vẫy một phen, không ngờ lại chọn phương cách này để thực hiện.”
“Cậu bảo quân triều mất Biên Hòa rồi?” Nguyễn Hoàng Thỏa lại quan tâm đến chuyện khác. Người nơi này có vẻ bị ngăn trở nên không biết về tình hình phía Bắc. Hoàng Thỏa lo lắng nói. “Lấy Biên Hòa làm phên giậu ngăn cách, chúng có thể nhân lúc này tấn công xuống phía Nam.”
“Thậm chí là rất sớm thôi.” Y gật đầu. “Nhìn quan quân bao vây Định Tường, có lẽ đã chuẩn bị tốt cả rồi?”
“Ừ quân thì có chuẩn bị, nhưng người thì chẳng chắc.” Không hiểu vì sao, Nguyễn Hoàng Nhiên phì ra một tiếng. “Không nói đến Tuần phủ Định Tường Tô Trân, Tổng đốc An Hà Lê Đại Cương, Tuần phủ An Giang Ngô Bá Tuấn, Bố chính Hà Tiên Phạm Xuân Bích đều là những tay thư sinh chỉ giỏi ba hoa, Tổng đốc Long Tường Lê Phúc Bảo tiếng là quan võ của cả mấy tỉnh mà vừa rồi tham hặc Lãnh binh Vĩnh Long khiến người ấy bị cách chức, quân lính chẳng biết có nghe theo ông ta hay không.”
“Lần này lấy Lê Đại Cương làm chủ soái cũng đáng lo. Ông ta là người Bình Định, vốn được chính Hậu quân Lê Chất tiến cử, từng làm việc ở Gia Định dưới quyền Tả quân vài năm, được Tả quân tin cẩn lắm. Khi Lê Đại Cương bị hoàng thượng rút từ Vĩnh Thanh về, Tả quân còn xin cho ông ta ở lại mà không được. Sau ông ta không hiểu sao lại trở thành quan thân tín của hoàng thượng, Bạch Xuân Nguyên cũng do Lê Đại Cương tiến cử với hoàng thượng đấy.” Nguyễn Hoàng Thỏa ở một bên nói xen vào. “Bây giờ bọn Khôi lấy danh Tả quân gây biến, Lê Đại Cương lại rơi vào thế yếu, gọi người chẳng mấy ai nghe nữa.”
“Hiện giờ quan ở các tỉnh phần nhiều là quan văn, lại là người Bắc Kỳ cả, ngoài Lê Đại Cương chẳng có ai quen thuộc với Nam Kỳ, mà Lê Đại Cương thì…” Nguyễn Hoàng Thỏa bỏ lửng câu nói, thở ra. “Các đội quân mới được dồn đặt, phân tán mỗi người một nơi, Lãnh binh cũng chia đặt lại hết cả, lính trốn chẳng ai kiểm soát nổi. Các cơ đội ở Gia Định này đều chia theo từng vùng, tập trung lính có chung quê quán, lấy tướng từ đó mà kiểm soát. Giờ thì chẳng ai nói ai nghe, quan lớn nói đường quan lớn, lính lao xao đường lính, có khi tiếng nói Nam Bắc nghe còn chẳng thông.”
“Đúng vậy, nếu bọn Khôi đánh xuống thì chúng ta phải tự lo cho mình chứ chẳng trông cậy được vào đám thư sinh ấy đâu.” Nguyễn Hoàng Nhiên nói. Bàn bạc với y thêm vài câu, sắp xếp cho y nghỉ trong nhà, hai anh em đi ra ngoài gọi binh lính của phủ lẫn quân tự điền chuẩn bị phòng ngự.
Chỉ đợi hai ngày sau, thuyền từ Phiên An đã xuất hiện.
Theo dòng sông lớn, đoàn binh thuyền Phiên An xuôi xuống, phóng hỏa đốt thuyền đang chắn cửa sông Lật Giang. Hai đoàn quân của Lãnh binh An Giang và Phó Lãnh binh Định Tường nối tiếp nhau thua trận dưới hỏa khí của thuyền Phiên An. Một nhóm quân khác của Nguyễn Hựu Khôi nhân rối loạn đi vào dòng sông nhỏ len ra phía thượng lưu Lật Giang, định đánh bọc hậu Tổng đốc Long Tường Lê Phúc Bảo. Lê Phúc Bảo vội vã thu quân lui về Vũng Cù. Tổng đốc An Hà Lê Đại Cương nghe tin cũng nhanh chóng dẫn đội binh thuyền chạy về Kiến Đăng tỉnh An Giang.
Chỉ trong một trận đánh, toàn bộ quân bốn tỉnh Nam Kỳ đã chạy khỏi Định Tường. Vòng vây quanh Định Tường hoàn toàn tan vỡ. Tuần phủ, Án sát Định Tường chỉ còn vài chục người bên cạnh phải vội vàng bỏ lỵ sở chạy trốn. Bọn Thái Công Triều tiến vào thành Định Tường như chỗ không người.
Vốn đã định nhân lúc giao tranh mà lẩn qua vòng vây phòng thủ, y vẫn trở tay không kịp trước biến chuyển quá nhanh này. Dường chỉ trong một ngày, người từ Phiên An đến thay thế quân triều đình bao vây Định Tường. Và thay thế cho những nhóm dân quân lớn nhỏ là các đoàn người mang gậy gộc súng ống đổ ra những ngõ đường y như tại Phiên An.
Vừa nghe tiếng súng từ đầu sông vọng đến, đã có mấy nhóm vẽ mặt xăm mình đổ xô ra khua chiêng gióng trống reo hò. Đoàn thuyền Phiên An cập bến trước lỵ sở thành Định Tường, nhóm người này đã hòa lẫn với quân lính vừa thắng trận truy đuổi săn lùng người trong thành chạy ra, xông vào nhà quan lính quanh thành, thậm chí đạp cửa tấn công nhà dân. Chỉ sau một buổi sáng, tiếng kêu khóc, gào hét đã vang động Định Tường.
“Bọn người Thanh kéo theo đám du đãng đi cướp dọc phố, chuẩn bị xông vào các làng rồi!” Nguyễn Hoàng Thỏa chạy về báo, vẻ mặt thất sắc. “Thấy chỗ nào cướp được là chúng cướp, đốt được là chúng đốt. Ai chống cự là chúng đánh, bắt cả vợ con họ giữa ban ngày!”
“Họp binh phủ lại, giữ làng ta trước đã!” Nguyễn Hoàng Nhiên nghiến răng nói. “Chuyện ở bên ngoài đừng đụng vào, kẻo chúng nhất loạt kéo đến thì chỉ một mồi lửa là ta chết hết!”
“Nhưng anh…” Nguyễn Hoàng Thỏa nghẹn giọng, Nguyễn Hoàng Nhiên không nhìn tới anh ta, vội đi ra ngoài sắp đặt lính canh gác. Y liền chạy theo Nguyễn Hoàng Nhiên ra cửa làng.
Đã có mấy đám khói bốc lên quanh vùng. Tiếng chiêng trống, thanh la không át được âm thanh của con người. Dòng sông chảy qua làng lềnh bềnh gỗ cháy cùng vài mảnh áo nón trôi nổi. Bỗng y nhìn thấy một chiếc thuyền nhỏ đi qua trước mặt, đầu thuyền là bóng người mà y rất quen.
“Anh Hy!” Y bật gọi lớn. Người trên thuyền quay lại, quả nhiên là Mạc Hầu Hy. Anh ta cho thuyền cập bờ đón y lên.
“Anh đi đâu thế?” Nhìn quanh thuyền, y hỏi. Trên thuyền có khoảng chục lính của đội Hồi lương, cho thấy Mạc Hầu Hy vẫn không được tự do đi lại hoàn toàn. Gương mặt Mạc Hầu Hy ngưng trọng trong một vẻ lo lắng mà y chưa từng thấy. Anh ta không buồn trả lời y, chỉ mím môi nhìn đăm đăm vào khoảng sông phía trước, như thể đang ước mình biết bay.
Hai bên bờ sông, những đám khói vẫn tiếp tục bốc cao, những bóng người chạy loạn vẫn thấp thoáng sau các bụi dừa nước, cỏ lau cao ngất. Cảnh tượng này tưởng chừng kéo dài mãi xuống tận An Giang, thậm chí cả Hà Tiên. Định Tường, tỉnh lị trù phú bậc nhất của miền Đông Gia Định, đang trở thành miếng mồi ngon bị xâu xé.
Thuyền dừng trước một khu phố bên sông. Không đợi thuyền cập bến, Mạc Hầu Hy nhảy lên bờ, chạy vào ngôi nhà lớn đầu làng. Cửa nhà mở toang, khắp nhà chỉ toàn mảnh sành sứ vỡ, đồ đạc ngã đổ lỏng chỏng, không có lấy một bóng người. Y theo Mạc Hầu Hy chạy khắp trong ngoài mới bắt được một ông già nấp sau chuồng bò cũng đã bị phá cửa trống hoang.
“Ông Năm, cô Hai đâu?” Vừa nắm lấy áo ông lão nhấc lên, Mạc Hầu Hy đã vội vã hỏi. Vẫn đang run như giẽ, ông lão chớp đôi mắt kèm nhèm hoảng hốt nhìn lên, nhận ra Mạc Hầu Hy thì chợt khóc lớn.
“Cậu Hy, cô Hai bị bắt rồi!” Ông lão lập cập khóc rưng rức. “Sáng quan quân vừa chạy, bọn du đãng trong chợ đã ập vào cướp của. Thấy cô Hai, chúng lôi theo rồi! Chúng bắt nốt bà Cả, bà Hai, chị bếp! Ông nhà với người hầu đánh không lại, người bỏ chạy, người bị chúng giết. Chúng trói ông bảo đem ném cho cá sấu, vì ngày thường ông vẫn quát mắng chúng.”
“Chúng nó đi đâu?” Mạc Hầu Hy quát lên, mắt ngầu đỏ. Ông lão hoảng hốt lắc đầu.
“Tôi không biết. Chúng cướp hết của, gạo trong nhà chất lên thuyền, đem tất cả người đi rồi.” Ông lẩy bẩy nắm cánh tay Mạc Hầu Hy, ánh mắt sợ hãi đến gần như điên dại. “Chúng chuẩn bị mấy hôm nay rồi, thấy đánh nhau là cả bọn ập vào cướp. Người trong làng nghe động mang vũ khí ra thì chúng đã chạy xa. Tôi… tôi sợ quá, tôi không biết làm gì…”
Buông ông lão, Mạc Hầu Hy lại chạy ra bến sông. Giờ y mới nhận ra những cọc cột thuyền đã bị chặt đứt, mấy gian nhà lá dựng bên sông để trữ hàng cũng đã bị đốn sập, gỗ cùng rơm trôi nổi ven mép nước. Ngôi nhà này có dáng vẻ của một phú thương buôn gạo, nhưng bến sông cất dỡ hàng đã bị phá tan tành, thuyền bè bị cướp đi hết. Ngôi làng phía sau vẫn im lìm, có vẻ như không còn một người.
Mạc Hầu Hy thất thần nhìn ra dòng sông mênh mông, bốn bề chỉ xanh rì màu cây cỏ. Chiều mùa hạ, mặt trời đỏ ối, nắng nhức đau trong mắt.
“Ông ấy bảo chúng là bọn du đãng trong chợ, vậy ắt phải có người biết chúng. Anh đi dò hỏi, hẳn sẽ tìm ra chúng có hang ổ ở đâu.” Y nhìn quanh, nói khẽ. Gò má Mạc Hầu Hy co giật, trong một thoáng, y tưởng anh ta sẽ quát lên.
“Đi ngay!” Nhưng Mạc Hầu Hy chỉ gằn giọng, nói mà không nhìn đến y. “Đi về Hà Tiên ngay!”
“Việc ở đây là của ta.” Mạc Hầu Hy vừa nói vừa nhảy lên thuyền, quát đám lính Hồi lương đi về phía chợ. Bị bỏ lại một mình trên bãi, y đành vội lấy một ghe chở rau nhỏ của làng, xuôi dòng sông về phương Nam.
Ngoảnh đầu nhìn lại, y chỉ thấy những đám khói đen bao phủ Định Tường dưới trời chiều đỏ ối. Cả Định Tường đang bốc cháy trong tiếng kêu khóc rợn người.
Dưới ánh mặt trời đỏ ối, ngôi nhà trống im lìm trong tiếng khóc của ông hầu già đang dập đầu trước cửa.
Không dám đậu thuyền lại nghỉ đêm, y đi thẳng về Hà Tiên. Quân của Lê Đại Cương đã lui đến An Giang, Lê Phúc Bảo chạy tới Vĩnh Long, để lại một khoảng trống cho y đi thoát. Tỉnh lỵ Vĩnh Long vắng tanh, hầu như toàn bộ quân đã bị đưa đến Định Tường. Y vòng ra sau kênh Vĩnh Tế tới đầu dòng Giang Thành, đến dinh phủ của họ Mạc vẫn nằm dưới Bình San, nơi đặt lỵ sở cũ của Hà Tiên.
Vừa đến nơi, y đã thấy điều kỳ lạ. Vụng Đông Hồ chỉ có đôi ba chiếc thuyền buôn, nhà cửa quanh phủ họ Mạc vẫn mở cửa, nhưng trong dinh không một động tĩnh. Đợi nửa ngày, y mới thấy bóng một cô hầu len qua cửa phủ, mang rổ đi về phía chợ.
Y lấy hòn đá ném vào chân cô ta, ra hiệu cho cô đi theo. Tới nơi vắng vẻ, cô hầu nắm tay y kêu lên.
“Cậu vẫn chưa bị bắt sao?” Cô gái sợ hãi nói. Y lắc đầu. Nhìn quanh quất, cô hạ giọng thì thào. “Từ trước, vừa nghe binh biến ở Phiên An, Bố chính Phạm đã cho người đến bắt hai ông, cả cậu Chấn cũng bị đưa đi rồi. Bố chính cấm chúng tôi tiết lộ ra ngoài, phải đóng cửa phủ, sinh hoạt như bình thường. Vì phủ này ít người, ông Cả suốt năm nay bị bệnh không ra ngoài, chẳng ai để ý.”
“Cô có biết họ đưa hai ông đi đâu không?” Dù đã đoán trước, y vẫn cảm thấy lạnh lòng. Cô hầu lắc đầu, y đành bảo cô ta về phủ đem cho y một ít tiền, ra vẻ như chưa từng gặp y. Để tránh gặp người, y leo lên Bình San, ẩn trong khu mộ địa vừa nghỉ chân vừa chờ đợi.
Mai trắng đã kết quả xanh vàng, hương vẫn còn phảng phất. Những cây mai này năm xưa do Mạc Thiên Tứ cho đem từ Quảng Đông về trồng, mấy chục năm đi qua, cây đã tàn lụi ít nhiều. Nằm trên đám cỏ, y thở một hơi dài, tưởng như mùi khói vẫn còn trong cổ.
Đây là nơi mà xưa kia y ngày ngày tìm tới. Đi khỏi khu mộ địa dưới chân gò, y lên đến đàn tế khi xưa chỉ còn là một khoảng đất lát đá trống trải, từ đó ngẩng đầu nhìn trời, tận hưởng sự yên ả vô biên. Trên đỉnh núi, dường như ve cùng các loài côn trùng cũng không còn kêu, chỉ có gió rì rào. Những con đường nhỏ rợp bóng cây len giữa các ngôi mộ tròn cũng không một bóng người. Từ ngày ấy, hầu như chẳng còn ai đến nơi đây. Nhiều khi trong lúc ngắm bầu trời trên ngọn núi, y đã nghĩ thế giới này là một cái hố lật ngược, đem tất cả ném vào không trung.
Ngày ấy, những cuộc chiến với y chỉ là câu chuyện, những tên người chỉ là các bóng ma. Hiện tại, y lại cảm thấy mình là một bóng ma nằm giữa thế gian.
Hẳn thuyền của bọn Thái Công Triều vẫn đang xuôi dòng đánh xuống. Hẳn đám người đang hoành hành ở Định Tường vẫn đang lan rộng. Hẳn Mạc Hầu Hy vẫn đang điên cuồng tìm kiếm trên các dòng sông Gia Định mênh mông. Hoặc anh ta đã không còn tìm nữa.
Rất nhanh, bọn họ sẽ tới nơi đây. Y đã thấy tình hình ở Vĩnh Long, y đã hiểu những gì anh em Nguyễn Hoàng nói về các viên quan ở Gia Định, y đã thấy cảnh tượng suốt một năm nay. Y đã thấy cảnh tượng ở Phiên An, Định Tường. Y đã gặp những người như Trần Văn Tha, Bùi Văn Thuận, và cả những kẻ như Thái Công Triều. Y đã chạy một đoạn đường dài về đây, để chờ đón kết cục này.
Năm xưa y thấy khoảng trời như hố rỗng. Hiện tại y lại đang thấy ngạt thở dưới bầu trời.
Nghe tiếng chân dưới triền dốc, y nhổm người ngồi lên. Nhưng đến trước mặt y không phải cô hầu quen thuộc mà là một nhóm người gươm giáo cầm tay. Y nhận ra người của ty Án sát Hà Tiên.
“Cậu Mạc Hầu Diệu đã về, Phạm Bố chính muốn gặp cậu.” Viên quan đi đầu nói. Y im lặng đứng lên, đưa tay cho anh ta. Ngần ngừ một thoáng, những người lính vẫn trói tay y, đưa về thuyền đi đến thượng lưu Giang Thành.
Nhưng chiều tối hôm ấy Phạm Xuân Bích mới về phủ Bố chính. Khi viên Bố chính đẩy cửa đi vào, y đang nhắm mắt thiu thiu ngủ cạnh chiếc bàn kê bên cửa sổ. Nghe tiếng động, y mở mắt, thấy Phạm Xuân Bích đã ngồi trước mặt.
“Bác và cha tôi đâu?” Không buồn chào hỏi, y nói ngay. Phạm Xuân Bích vẫn cúi đầu gỡ miếng giáp cổ tay. Viên Bố chính này tuổi mới ngoài ba mươi, tuy xuất thân là cống sĩ nhưng phải làm việc nơi biên giới nên anh ta ăn mặc như quan võ.
“Ta nghe nói cậu từ Phiên An trở về đây. Tình hình Định Tường thế nào?” Vẫn gỡ nút thắt dây buộc, Phạm Xuân Bích nhẹ nhàng nói mà không trả lời câu hỏi của y. Câu nói sau đó của anh ta lại càng không. “Cảnh tượng của Thanh Nghệ, Bắc Thành mỗi lần loạn lạc cũng là như vậy đấy.”
“À, chỉ trong tuồng kịch mới có các anh hùng ‘cướp của người giàu chia cho người nghèo’, mới có bọn Lương Sơn Bạc đánh thành cướp phủ mà chỉ giết mỗi quan binh, mới có đám thổ phỉ kéo đàn họp nhau đi đánh loạn mà chỉ tiêu diệt kẻ ác. Hẳn cũng chỉ trong tuồng kịch mới có hai đám quân đánh trận chỉ cần sắp hàng cử tướng ra múa may thí võ, mới có quan là quan, giặc là giặc, dân là dân, nơi những kẻ khốn cùng nào cũng tội nghiệp đáng thương, người giàu có nào cũng bất nhân đáng chết. Tuồng kịch chỉ là chuyện của đôi ba người, kể việc của mấy đạo quân, mang danh ‘vì dân’ mà chẳng nói đến dân, giương cờ ‘vì nước’ mà chẳng lý đến nước. Cho nên nào có cảnh tượng quân đánh nhau mà đốt nhà giết người, nào có nói để làm nên ‘anh hùng’ thì vô số người vô tội phải chết. Mà cái bọn tự cho mình đáng thương khốn khổ để làm loạn ấy thì lại chẳng phải người đầu tiên chết. Những kẻ đáng thương yếu ớt, bọn dân đen khổ sở chẳng biết phải làm gì, chẳng biết cách nào để tự bảo vệ mình ấy, mới là người chết mà không kêu được một tiếng. Cái bọn thường dân chỉ biết ngày ngày cày cuốc làm lụng, cố gắng sống sót được chút nào hay chút ấy đấy, thì làm gì biết họp nhau giết người, làm gì biết nhân danh đạo cao nghĩa cả, làm gì biết lái thuyền chiến, bắn súng quá sơn.” Phạm Xuân Bích khẽ cười, đặt miếng giáp tay xuống bàn. “Cảnh tượng mà ta thấy cả đời, từ khi mở mắt nhận thức, chính là cảnh cậu vừa thấy đấy, quê hương của ta đấy.”
“Vì các ông không giữ được Gia Định. Mang danh là đại tướng mà gặp đám thổ phỉ thì chạy dài, còn trách được ai?” Y hừ nhẹ trong cổ. “Nói thương dân thì sao chẳng đi ra đầu hàng, giữ yên được người? Bọn Khôi phần đông cùng quê với ông, sao chẳng đi mà họp? Triều đình của ông với những vị quan giáp trận vắt chân lên cổ chạy chưa chắc bằng chúng đâu.”
“Triều đình của ta?” Phạm Xuân Bích nheo mắt cười. “Thôi nào, chẳng ai chịu trách nhiệm được cho người khác cả. Đổ lỗi cho người chẳng làm mình tốt hơn đâu.”
“Con người ấy mà, chẳng ai thấy mình có lỗi cả. Mình phạm lỗi, phạm tội thì cũng phải tự lý giải nguyên nhân, tự biện minh cho mình, đẩy lý do cho người khác. Có những kẻ cảm thấy mình khốn khổ quá, thế là vớ lấy thứ xấu xa gần nhất, đổ tất cả nguyên nhân cho nó. Lại có kẻ khác, không biết lý giải từ đâu, đành đem nguyên nhân đẩy cho trời. Rồi cứ thế mà viện mọi duyên cớ, mọi lý do để giẫm đạp lên nhau, chẳng kẻ nào thấy mình có lỗi.” Phạm Xuân Bích gật đầu. “Cậu lẫn cậu Hy đều cảm thấy mình khó khăn quá, mình là con cháu công thần mà chẳng được hưởng gì, nên phạm chút tội kiếm chút tiền thì đã làm sao. Bọn Nguyễn Hựu Khôi hẳn cũng cảm thấy mình nghèo hèn vất vả, chẳng được sung sướng như những kẻ ăn trên ngồi trốc, thế thì mình lợi dụng bòn rút lấy chút của chút việc thì đã làm sao. Nhìn ra xung quanh, kẻ nào mà chẳng xấu xa, ai mà chẳng thích lợi dụng, nhất là bọn có tiền có quyền chẳng bất công lắm ru? Đến lúc bị phạt bị tội, ai nấy đều cảm thấy mình oan ức, bị chà đạp, bức hiếp, khốn khổ nhất, đều phẫn nộ thấy thế gian chẳng công bình. Ngay cả bây giờ, cậu Hy theo giặc đánh quan quân, cậu vẫn cảm thấy chỉ là chuyện nhỏ, cậu ta không chết là được, phải không? Ngay cả khi đã thấy cảnh tượng Phiên An, Định Tường, cậu vẫn tìm cách đổ lỗi cho đám quan tướng bất tài chúng ta, phải không?
“Ta đang muốn nói cùng cậu, là về quê hương của cậu. Hà Tiên là nhà của cậu, không phải của ta. Trách nhiệm của ta là với triều đình, không phải với quê hương lẫn gia đình cậu.” Phạm Xuân Bích vẫn nhẹ nhàng lạnh nhạt nói. “Ta chỉ đang muốn hỏi, cậu có nghĩ mình muốn làm gì không, ngoài chuyện ngồi trơ mắt đổ lỗi, coi như mình hết việc?”
“Ông đã bắt tất cả chúng tôi giam giữ ở đây, lại hỏi chúng tôi muốn làm gì?” Y cau mày. “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là đưa đầu ra đón lưỡi kiếm, gọi anh Hy đầu hàng thôi chứ.”
Phạm Xuân Bích thở dài.
“Hẳn cậu cũng đoán ra rồi, An Giang khó giữ được. Đến khi ấy, ta đành liều chết với Hà Tiên. Nhưng khi ta có chuyện, ta hy vọng có người thay ta giữ Hà Tiên. Hà Tiên là vùng biên giới vô cùng quan trọng, ta nghĩ rằng cậu hiểu.” Phạm Xuân Bích ngẩng nhìn vào mắt y, trầm giọng. “Vả lại, cậu có muốn Hà Tiên giống như Định Tường?
“Hà Tiên này, số lượng người Thanh, Tây dương, Man, Thổ, tù nhân, tù binh, du đãng phải hơn cả Gia Định cộng lại. Thêm cả Xiêm La, Chân Lạp, Anh Cát Lợi ngoài biên ải. Cậu có nghĩ, nếu cái khối người ấy bùng nổ thì sẽ là thế nào?”
Chú thích:
[1] Khốc Đặng Cửu Tư tiên sinh của Trịnh Hoài Đức