Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

21. Bình ngạnh nhiệm phù trầm
Trường An in "Minh nguyệt 1" January 3rd, 2019
  1. Bình ngạnh nhiệm phù trầm, bào ảnh đẳng sinh tử[1]
    (Bèo hoang phận nổi chìm, sinh tử như bọt nước)

 

Cuối tháng năm, quân Nguyễn Hựu Khôi chiếm được thành Biên Hòa.

Quân triều đình vẫn chưa xuất hiện, Phó Lãnh binh Phiên An Giả Tiến Chiêm sau khi bị đánh lui đã chạy về Biên Hòa, họp cùng quân Tuần phủ tỉnh này đưa tới lập đồn phòng thủ tại trạm Bình Phú ở biên giới Phiên An.

Từ Phiên An, hai đội quân thủy bộ của Lê Đắc Lực và Lưu Hằng Tín cùng đánh lên. Suất đội Tượng cơ của tỉnh Biên Hòa là Nguyễn Văn Khiển làm nội ứng xua voi đánh vào sau đoàn quân tỉnh. Thủy binh Biên Hòa ở sông Nhà Bè cũng bị quân Lưu Hằng Tín đánh bại. Thấy đội quân Phiên An kéo tới, Tuần phủ Biên Hòa Vũ Quýnh cùng văn võ trong thành đều bỏ chạy.

Phó Vệ úy vệ Tả bảo Lê Đắc Lực tự xưng Trấn phủ Biên Hòa, lấy cựu Hiệp trấn Hà Tiên Nguyễn Hựu Dự làm Hiệp trấn, cùng đội con hát Hùng Thắng đóng giữ thành.

Nhưng chiến thắng ấy chưa được bao lâu, một cái tin khác đã làm xôn xao Phiên An: Tại Ninh Bình, Lê Duy Lương đã bị thổ mục hiến nộp cho triều đình.

Các cổng thành Phiên An luôn đóng im ỉm, chỉ mở cửa Định Viễn được canh phòng gắt gao. Hiện tại, Nguyễn Hựu Khôi cho thuê dân xay thóc kho ngoài thành để đưa vào trong lưu trữ. Y đã lảng vảng quanh thành đôi ba lần nhưng chỉ thấy hàng hàng súng pháo chất trên tường, chẳng có bóng một viên quan tướng nào xuất hiện, bọn Nguyễn Hựu Khôi có vẻ không buồn kiểm soát phố thị Phiên An, để mặc cho dân chúng tự quản. Không biết làm cách nào để vào thành, thấy quân lính tập trung ở thủy trại, y liền đổi đi sang hướng ấy, hy vọng có thể gặp một người quen nào đó.

Chị dâu Ba của Vũ thị, tức vợ cả của Vũ Vĩnh Lộc, có một quán bán hàng xén nhỏ ở trong chợ cạnh trại thủy quân. Theo lời kể lại, do cô chỉ sinh được một con gái nên Vũ Vĩnh Lộc lấy thêm vợ lẽ, lục đục xảy ra, hai mẹ con cô phải rời khỏi nhà. Tuy nhiên lính trong thủy trại biết thân phận của cô nên vẫn giữ cho hai mẹ con an toàn. Đã mấy ngày sau sự kiện chiếm thành, cuộc sống ở vùng ven Phiên An bình lặng trở lại, tuy không còn thông thương từ bên ngoài đưa đến. Người trong các làng tự lập đội thanh niên bảo vệ, trồng cấy và chia sẻ cho nhau những món hàng mình có. Quán ‘chị Ba Lộc’ vẫn mở bán cho lính trong trại và người xung quanh, trở thành nơi cung cấp hàng hiếm hoi trong khu vực.

Lúc này người trong chợ vắng hẳn, quán hàng của vợ Vũ Vĩnh Lộc bán đến tối trời mới dọn dẹp đi về. Ngồi nửa buổi trong quán theo dõi thủy trại, y cũng định rời đi, bỗng dưng bắt gặp một bóng đen chui qua kẽ hở của trại vốn bị cây lấp rậm rạp, chạy về hướng chợ. Cái bóng vừa chui vào bụi duối cạnh bờ sông đã bị y túm lại.

“Trần Văn Tha?” Chút ánh sáng trăng ít ỏi khiến y nhìn thấy gương mặt người vừa chạy trốn. Nhận ra y, qua khắc kinh hoàng ban đầu, Trần Văn Tha đưa tay ra dấu cho y im lặng. Đưa mắt nhìn quanh, y kéo áo anh ta. “Đi vào đây!”

Trần Văn Tha đi theo y vào quán của vợ Vũ Vĩnh Lộc. Thấy cô đang đóng cửa trước, y nhỏ giọng nói.

“Chị Ba Lộc về nhà trước, em đóng cửa quán cho chị.” Y gọi cô ta theo lối của người xung quanh. Người phụ nữ nhìn thoáng qua bóng đen sau lưng y, gật đầu, lên xe thổ mộ đi về ngôi nhà trong làng gần đó.

“Anh làm gì vậy?” Đóng kín tất cả các cửa trong ngoài của quán, y mới quay sang Trần Văn Tha hỏi. Theo tin tức mà y nghe được từ người nhà họ Vũ thi thoảng đến tìm Vũ thị, bọn Nguyễn Hựu Khôi tự chia đặt chức quan cho nhau, cũng bao gồm Lục bộ, Ngũ dinh, Ngũ khuông vệ như một triều đình. Trong đó Trần Văn Tha được phong làm Phó tướng Thủy quân dưới quyền kẻ từng làm trong Hành nhân ty Lưu Hằng Tín. Bộ dạng anh ta lén lút trốn khỏi trại thủy quân lại chẳng hề giống với một Phó tướng.

Nghe câu hỏi, Trần Văn Tha hạ mắt nhìn xuống sàn đất, hồi lâu mới nói khẽ.

“Tôi muốn trốn. Về quê.” Anh ta ngắc ngứ thì thầm. Y phải thoáng ngạc nhiên.

“Họ làm gì anh à?” Với một người tù mang án tử như Trần Văn Tha, thật ra vị trí hiện tại vẫn tốt hơn. Bọn Nguyễn Hựu Khôi vừa chiếm được Biên Hòa, thanh thế lan truyền toàn Gia Định, nhưng anh ta lại muốn trốn? Vào vòng vây của triều đình? Anh ta cứ cố ở lại trong đội quân này, ngay cả nếu bọn họ thua trận thì vẫn có thể bỏ chạy, cơ hội sống vẫn cao hơn tự mình nộp mạng.

“Nghe nói triều đình phát lệnh lùng bắt thân nhân của người trong thành. Tôi phải về thôi.” Giọng thì thào của Trần Văn Tha gần như vỡ ra. “Nhận chức phong của giặc phải tru di tam tộc, họ sẽ bắt được người nhà tôi ngay thôi.”

“Những người trong thành cũng giống anh sao?” Nghe câu nói của Trần Văn Tha, y đâm thắc mắc. Nếu quả thật như anh ta nói, chẳng lẽ tình hình trong thành vẫn cứ yên bình không một phản ứng như vậy?

“Bọn họ… tôi không giống bọn họ.” Trần Văn Tha mím môi, mắt tối sầm. “Bọn họ bảo, triều đình mà giết thân nhân của họ thì càng biểu hiện sự bạo ngược bất nhân, bọn họ càng có cớ để kêu gọi người nổi dậy chống triều đình, rồi bọn họ sẽ báo thù cho những người bị giết. Nhưng mà… nhưng mà, người chết có thể sống lại được sao? Người thân do tôi tham sống hại chết mà lại cần tôi báo thù sao? Tôi phải về, phải về thôi.”

“Về đầu thú bây giờ, anh sẽ chết.” Y nói, lòng lạnh ngắt. Vừa mất Biên Hòa, lòng căm phẫn đang ngùn ngụt lên cao, lại có một tướng giặc tự đầu thú, những người ở bên kia ranh giới Biên Hòa sẽ không tha cho Trần Văn Tha. Huống hồ anh ta chỉ là một viên quan nhỏ đã mang sẵn án tử do ‘thông đồng với ngụy triều’, một kẻ thù mà tất cả người họ Nguyễn đều căm ghét.

“Tôi không về, bọn họ sẽ chết.” Trần Văn Tha rã rời ngồi sụp xuống, tay ôm mặt, gần như khóc nấc lên sau kẽ ngón tay. “Tôi lầm rồi! Đáng lẽ lúc ấy tôi cứ như Bùi Văn Thuận, nhận lãnh một nhát gươm là xong. Tôi cứ muốn sống, tôi cứ muốn xem tình hình ra làm sao. Tôi cứ nghĩ nay mai quân triều đình sẽ đến thôi, thì tôi làm nội ứng, tôi sẽ lập công chuộc tội. Nhưng tôi đợi mãi, đợi mãi họ không đến, họ còn thua trận ở Biên Hòa, rồi họ bảo sẽ bắt giết hết người nhà tôi. Tôi phải làm sao, làm sao đây?

“Tôi đã mang án tử, thà cứ nhận một nhát gươm, rồi có khi còn được phong tặng vẻ vang cho cả nhà. Nhưng tôi lúc nào cũng lầm, lúc nào tôi cũng lựa chọn sai, làm hại người khác. Tôi cứ lần lữa, lần lữa, tôi cứ muốn sống, tôi muốn được về nhà, tôi muốn nhìn thấy mẹ tôi, cháu tôi, anh em tôi. Tôi không giống bọn họ, tôi không thể để cho ai chết vì tôi. Tôi không làm được, không sống như thế được, không chịu đựng được! Cha tôi qua đời rồi, mẹ tôi già rồi, các anh tôi có gia đình, có con cái, tôi không thể hại chết họ.”

“Anh sẽ chết.” Y thì thầm như chỉ tự nói cho mình nghe. Chạy trốn, lọt vào tay kẻ nào, Trần Văn Tha cũng sẽ chết. Không chạy trốn, Trần Văn Tha cũng sẽ chết, tự anh ta sẽ làm mình chết với thái độ này.

“Tôi muốn về nhà. Một lần, chỉ một lần thôi. Ba năm rồi, tôi muốn về nhà.” Run rẩy nắm chặt bàn tay, Trần Văn Tha nhắm mắt nói khẽ. “Từ lúc đưa hai chú cháu nọ đến Gia Định, tôi đã bị giam mãi ở đây. Tôi muốn về xin lỗi mẹ tôi một lần.”

Y đứng im. Bóng đèn lay động trong căn phòng kín. Đêm mùa hạ, tiếng ếch dế côn trùng vang động bốn phương. Vai Trần Văn Tha đã thôi run, anh ta ngồi im trên đất, ánh mắt trống rỗng nhìn vào bóng tối.

“Anh định về bằng cách nào?” Cuối cùng, y hỏi. Hẳn anh ta chỉ vừa mới nghe tin, xúc động nghĩ ngay đến việc chạy trốn. Bằng không, chẳng kẻ nào có ý nghĩ trốn được khỏi Phiên An lúc này bằng việc lẩn vào bụi cây. “Nếu đi lên Biên Hòa bây giờ, anh cũng phải qua Bình Thuận, rời khỏi Nhà Bè có thể đã gặp binh tuần ở Vũng Tàu, khó có thể đi lên Phú Yên.”

“Tôi có thể xuống phía Nam, đi qua cửa Mỹ Tho.” Trần Văn Tha nói khẽ. “Tôi vừa nghĩ chạy vào làng, tìm một thuyền chở gạo nào đó, đi nhờ xuống phía Nam. Nhưng… nếu thấy tôi mất tích, họ cũng lùng tìm ngay thôi, rồi lại liên lụy đến người cho tôi nhờ.”

“Quan quân hẳn đã tập hợp ở Định Tường. Tôi nghe nói cả đường núi Quang Hóa lên phía Bắc cũng đã bị chặn rồi.” Y thở dài. “Anh đã nghĩ đến việc tìm thuyền vượt biển ở Mỹ Tho?”

“… Chưa.” Trần Văn Tha mím môi. Hẳn nhiên, hiện tại chỉ có Phiên An là yên ắng trong tầng tầng lớp lớp vòng vây bao bọc. Đại quân Phú Xuân chưa kịp đến, quân đội các tỉnh thành chỉ tập trung bao vây Phiên An, chặn tất cả đường đi ra ngoài của nhóm người này. Nghĩ đến việc vượt qua nhiều lớp bao vây của cả hai phe phái cũng khó khăn như thoát lưới trời.

“Muốn đi qua cửa Mỹ Tho, phải phá vỡ vòng vây Định Tường.” Ngoài cửa sổ chợt vang lên tiếng nói. Hai người bọn y giật mình hoảng hốt ngoảnh lại, thấy khuôn mặt tươi cười của Thái Công Triều ngoài khung cửa đan bằng tre. Anh ta chẳng cần hỏi thêm, đẩy cửa sổ nhảy vào trong nhà.

“Đừng sợ, ta vốn đến tìm cậu Mạc, không phải đi bắt anh đâu.” Thấy vẻ sợ hãi của Trần Văn Tha, Thái Công Triều phác tay nói, quay sang y mỉm cười. “Ta nghĩ ta thoáng thấy bóng cậu ngoài thành nên cho người theo dõi đến đây. Cậu Mạc thế là không làm được thám tử nếu có việc phải sang Xiêm La đâu.”

“Anh muốn gì đây?” Đến lượt y trầm giọng hỏi. Thái Công Triều nghe nói đã được phong làm tướng Thống lãnh Trung quân, đội quân quan trọng nhất của Phiên An hiện tại. Nhưng thái độ của anh ta khiến y không bao giờ đoán bắt được. Đêm nọ, có vẻ như anh ta đã bày cách thả y chạy trốn.

“Giờ để ta lo việc tướng trốn đã.” Thái Công Triều phẩy tay, đến trước Trần Văn Tha, cúi mình cười nói. “Anh muốn trốn thì chẳng bằng đi theo ta. Ta sắp đến đánh Định Tường rồi, lúc hai bên đánh nhau thì anh cứ giữ một cái thuyền, muốn đi đâu cũng mặc.”

“Chắc chiều nay anh Tha lo lắng nên không nghe thấy lệnh điều động thủy quân chuẩn bị đánh Định Tường.” Thái Công Triều vỗ vai Trần Văn Tha, nhẹ giọng nói. “Thật ra nghe đến chuyện thân nhân bị bắt thì ai cũng lo cả, nhưng cũng chẳng ai muốn nộp mạng hết. Vậy là bọn họ nghĩ ra một cách: Chiếm lấy Gia Định, bắt giữ toàn bộ thân thuộc của những viên quan miền Nam đang ở trong triều, xem chúng có để yên cho hoàng thượng giết thân nhân không.”

“Anh có thể đánh cược với vận may một lần xem.” Tiếng cười nho nhỏ thoát khỏi môi Thái Công Triều khi anh ta nhìn xuống vẻ mặt Trần Văn Tha. “Chỉ kẻ thắng thế mới có tiếng nói, chỉ khi nắm được đại cục thì mới đủ sức mạnh. Làm việc lớn mà lúc nào cũng nơm nớp lo lắng tình riêng thì không thể làm được đâu.”

“Tôi… tôi không muốn làm ‘việc lớn’.” Mím môi mấy lần, cuối cùng Trần Văn Tha nói khẽ như hụt hơi. “Tôi cũng không muốn đánh cược với vận mạng người nhà tôi. Mạng của họ không phải thứ để cược, họ chết một người cũng không được.”

“Vậy được rồi, anh cứ theo tôi, rồi đến Định Tường tôi sẽ cho anh đi.” Thái Công Triều buông tay khỏi vai Trần Văn Tha, gật gật đầu. “Đừng lo, tôi không muốn bức bách ai bao giờ. Để những người như anh ở trong quân không có lợi mà có khi còn là hại, giữ một xác chết cũng chẳng để làm gì. Bây giờ anh cứ về trại thủy quân chuẩn bị, đừng làm lộ hình tích ý định.”

“Đi đi, kẻo họ phát hiện ra anh không có trong trại.” Thái Công Triều kéo Trần Văn Tha lên, đẩy ra phía cửa. Có vẻ không còn cách nào khác, Trần Văn Tha cúi đầu rời đi từ cửa chính, như thể anh ta chỉ đến quán mua đồ.

Trần Văn Tha đã đi, Thái Công Triều mở tất cả cửa sổ ngó quanh khu chợ lẫn đường xuống bến. Chừng thấy đã an tâm, anh ta mới quay về ngồi trên cái sập tre giữa phòng, chân khoanh lại, nhìn y mỉm cười.

“Cậu Mạc nghe rồi đấy, chúng tôi vừa thắng ở Biên Hòa, muốn đánh xuống phía Nam. Quân triều đình nghĩ muốn bao vây chúng tôi, cắt đường lên Bình Thuận, thì chúng tôi cắt đường tiếp tế của chúng xuống phía Nam, chiếm lấy Gia Định. Vừa rồi đánh Biên Hòa, chúng tôi phát hiện ra quả thật quan quân các tỉnh chả có gì, gặp phải thuyền lớn súng mạnh của chúng tôi là tan tác như ong vỡ tổ. Nhìn thế, có thể chỉ trong một tuần trăng là chúng tôi có thể đánh hạ An Giang, chiếm lấy Hà Tiên thôi.” Môi vẫn cười, nhưng mắt Thái Công Triều săm soi thái độ trên gương mặt y. Y vẫn không lên tiếng, anh ta liền nhẹ nhàng nói tiếp. “Cậu Mạc Hầu Hy trong thành đã nhận chức Thủy quân kiêm lĩnh Ngũ dinh, sẽ đi theo tôi lần này.”

“Cậu ta hẳn giống Trần Văn Tha, đợi không được nữa. Lần này đánh xuống Nam, có trói cậu Hy vào cột buồm làm thanh thế thì Đại Nguyên soái cũng phải trói thôi.” Thái Công Triều bật ra tiếng cười khi nhắc đến chức vị của Nguyễn Hựu Khôi. “À mà, Đại Nguyên soái có thư muốn gửi ông Mạc Công Du, tôi còn đang nghĩ phải nhờ cậu Hy hay cậu Diệu đưa cho ông ấy.”

Y im lặng, nghe tiếng máu đập bưng bưng trong tai, trong khi tim lạnh ngắt. Điều y lo sợ cuối cùng cũng đã tới.

“Nhưng các cậu không giống Trần Văn Tha, các cậu còn có thể lựa chọn.” Thái Công Triều chồm người tới trước, chống khuỷu tay lên gối mà nheo mắt nhìn y. “Điều cậu lo sợ nhất bây giờ hẳn là muốn đánh đến Hà Tiên, chúng ta sẽ phải vượt qua bao nhiêu vòng vây. Trong khi đó, chỉ cần giáp trận là cậu Mạc Hầu Hy sẽ lộ mặt, vua quan triều đình sẽ biết ngay cậu Hy trở giáo theo giặc.[2] Lúc ấy chẳng biết quan ở Hà Tiên sẽ đối xử với nhà họ Mạc làm sao. Cậu Hy vừa đưa quân đến kênh Vĩnh Tế là có thể ông Mạc Công Du đã rơi đầu rồi.

“Bây giờ là lúc ai cũng phải lựa chọn hành động thôi, vì thế tôi mới tìm cậu.” Trong mắt Thái Công Triều ánh lên một cái nhìn mà y không thể cắt nghĩa nổi. Ngón tay anh ta nhịp xuống mặt sập tre, trong khi anh ta vẫn chòng chọc nhìn y. “Cậu đã nghĩ đến cách nào cứu được ông Mạc Công Du lẫn nhà họ Mạc hay chưa?”

“Cám ơn anh đến báo, tôi sẽ quay về Hà Tiên ngay.” Y nhỏ giọng nói, đổi lại là tiếng cười của Thái Công Triều.

“Các người định chạy đi đâu? Phạm Xuân Bích chuyển lỵ sở về sông Giang Thành thay vì vùng đất trống trải trước, chính là không để ai chạy trốn được. Cậu Hy ở trong thành Phiên An, nghe Phiên An có chuyện thì có thể bây giờ Phạm Xuân Bích đã bắt giữ ông Du rồi.” Dường mất kiên nhẫn, Thái Công Triều liền đổi giọng. “Cậu có nghĩ đến việc chiếm lấy Hà Tiên, làm chủ vận mệnh của mình không?”

“Tất nhiên, trong bụng cậu đang nghĩ chúng tôi liệu có đủ sức để chiếm giữ Gia Định hay không. Một đám tù phạm nếu có khả năng thì đã chẳng bị bắt đến đây. Đặt quan chia chức mà chỉ toàn bọn lâu nhâu, tính ra quân chỉ toàn theo đóm ăn tàn, làm được việc chỉ khoảng vài trăm kẻ. Đi theo một bọn như thế không đáng mặt thế gia, mà nếu vì bọn ấy mang nỗi nhục muôn đời càng không đáng. Nhưng ai biết được, Tây Sơn chỉ là một đám thổ phỉ trong núi cũng đánh dẹp từ Nam chí Bắc, đến cả Thế Tổ chỉ có một nhúm quân đạn còn không đủ vẫn thắng được cả Việt Nam. Tình hình chưa biết ra sao, hơn nữa bọn người Thanh, Tây dương, Xiêm La vẫn chưa rõ thực lực thế nào, có tác động gì. Chỉ biết rằng cậu Hy mà lộ mặt thì ông Mạc nguy to!” Thái Công Triều tặc lưỡi, ra giọng vừa cảm thông vừa cha chú dạy dỗ y. “Trong tay có lực lượng, người có danh có thế mà để mạng sống của mình cho kẻ khác quyết định, lỡ mà chết cũng không oán ai được đâu.”

“Anh muốn chúng tôi chiếm Hà Tiên, hỗ trợ các anh?” Y hỏi khẽ. Nhưng Thái Công Triều lắc đầu.

“Nào nào, đã nói tôi không thích bức bách người khác. Bảo theo hỗ trợ tôi thì nhỡ ra tôi thua trận, làm hại cả nhà họ Mạc sao? Tôi đến đây tìm cậu chỉ vì lòng tốt, đơn thuần vì lòng tốt của tôi mà thôi.” Đứng lên rời khỏi sập, Thái Công Triều quét mắt đảo quanh căn phòng một lần nữa rồi đến bên y, hạ giọng. “Kẻ làm vua làm chúa có năng lực gì mạnh nhất? Không phải là đi quản thiên hạ, mà là khiến thiên hạ chết vì mình.

“Ở Hà Tiên có đội Biên lương, cũng như đội Hồi lương ở Phiên An này thôi. Qua vụ việc vừa rồi, nghe nói hoàng thượng bảo các quan nghiêm soát các đội binh tù này, thấy kẻ nào đáng nghi phải giết ngay. Nhưng Phạm Xuân Bích quê Thanh Hoa, hẳn là không nỡ đem bọn ấy ra giết một loạt đâu.” Tiếng cười của Thái Công Triều khàn khàn bên tai y. “Có khi một năm ở đấy, bọn chúng đã thơn thớt gọi ông ta là ân công phụ mẫu rồi. Người ta thường bị lừa bởi chính những kẻ tưởng đâu là thân thiết nhất với mình.”

“Các anh định dùng bọn Biên lương chiếm Hà Tiên?” Y hỏi mà chẳng phải là hỏi. Hẳn nhiên, Thái Công Triều không cần phải đến tìm y để nhờ giúp đỡ bọn Biên lương. Câu nói của anh ta chỉ cho thấy bọn người Nguyễn Hựu Khôi đang nhắm đến những nhóm tù binh ở rải rác trong Gia Định. Đất Hà Tiên rộng lớn, rất nhiều tù binh được đưa đến, cấp cho công cụ để khai hoang. Điều Thái Công Triều đang muốn nói, là y hãy lợi dụng chính bọn người ấy.

“Tôi có lòng tốt với các cậu.” Thái Công Triều vỗ vai y. Anh ta thở ra. “Thôi, bây giờ tôi phải về chuẩn bị. Cũng phải coi chừng anh ngốc Trần Văn Tha kia.”

“Anh giúp Trần Văn Tha thật sao?” Khi Thái Công Triều đã ra đến cửa, y chợt lên tiếng. Tay đặt lên cửa, Thái Công Triều hơi ngẩng đầu.

“Đừng lo, hắn ta quả thật là một kẻ vô dụng chẳng ích lợi gì cho ai.” Vừa đẩy cửa, Thái Công Triều vừa đáp. “Chẳng qua ta là một cô nhi không có lấy thân nhân nào để lo lắng, thấy nhõn hắn ra hồn người. Bọn leo lẻo vì nghĩa vì nhân mà đánh nhau, nhưng hại chết đầu tiên là những kẻ còn chút lương tri như hắn. Bọn còn sống rặt một lũ vô lương.”

Gió thổi vào, lay động ngọn đèn trong phòng. Y nghe tiếng cửa sập lại, trả y lại với màn đêm vang âm thanh ếch dế rền rĩ.

Thu dọn quán hàng trở về, y tìm bà Đỗ và Vũ thị, báo cho họ tin tức vừa nghe được, đồng thời nói rằng y sẽ tìm cách quay lại Hà Tiên ngay sáng mai. Y nói xong, cả hai đều im lặng.

“Họ Mạc rất quan trọng với Hà Tiên, hẳn Phạm Xuân Bích biết cân nhắc, không vì cậu Hy mà làm hại đến ông Công Du.” Bà Đỗ Thị Phẫn nhẹ nhàng nói như muốn an ủi y. Y chỉ gật đầu không nói. Bà liền đứng lên. “Để ta gọi mấy đứa chuẩn bị lương khô, quần áo cho cậu. Ba Lộc quen người trong vùng, mượn cho cậu một chiếc thuyền. Cậu đi lại vùng này lâu năm, hẳn sẽ không sao đâu.”

“Cậu định làm gì khi về Hà Tiên?” Khi bà Đỗ đã ra khỏi phòng, Vũ thị chợt hỏi. Y không đoán định được ý trong mắt nàng ta.

“Tôi vẫn chưa biết. Chỉ là lo lắng không thể yên tâm khi chiến sự đến, tôi phải về thôi.” Y nói khẽ. Không muốn bàn luận thêm, y lảng sang chuyện khác. “Các chị các bà thân gái ở đây, phải cẩn thận.”

“Không cần phải lo cho tôi. Cậu mới đáng lo.” Vũ thị cười nhẹ. “Cậu có nghe chuyện họ Lê bị bắt ở Bắc Kỳ chưa?”

“Quân triều đình chia ba bốn nhóm, một nhóm tại Sơn Tây, một nhóm săn đuổi ở Ninh Bình, nhóm khác chia nhau Thanh Hoa, Hưng Hóa, giăng lưới mà càn quét. Lê Duy Lương trốn đến Ninh Bình, quân triều bắt giữ thổ mục, ra lệnh dân trong vùng phải giao nộp Duy Lương. Nhưng ngoài một Tri châu ở Hưng Hóa tự ra hàng, quân triều đình không bắt được một thổ mục nào cả, toàn bộ kẻ bị bắt đều là người Kinh. Trong khi rối loạn ở Bắc Kỳ đều do nhóm thổ mục gây ra. Chúng nuôi Lê Duy Lương, đem mấy chữ ‘họ Lê’ ra dụ dỗ người khác, nhưng khi thấy thua trận là trốn sạch, giao nộp bọn Lê Duy Lương ra tế thần. Thứ gọi ‘Phù Lê’ ở Bắc Kỳ chính là như thế đấy.” Vũ thị nghiêng đầu, đưa mắt nhìn ngọn đèn sau lưng y. “Năm xưa Thế Tổ đem họ Lê từ Đại Thanh trở lại, vốn là muốn mượn danh họ giữ yên Bắc Kỳ. Nhưng có danh mà không hiểu thực, không hiểu vị trí của mình trên đời, cuối cùng đem chính mình lẫn con cháu thành công cụ cho người khác lợi dụng tận diệt. Nơi nơi nói phù Lê, người người nói trung thành, họ Lê tin vào lời của những kẻ như thế mà chết. Có oán hận người phản phúc thì trước cũng phải trách mình ngu dại.”

“Vâng, em hiểu.” Y vẫn chỉ nhũn nhặn đáp, lòng y lại đang thầm nghĩ: Rốt cuộc Thái Công Triều muốn gì?

Ý của anh ta rất rõ ràng: Hãy lợi dụng đội quân Biên lương gây rối loạn, đoạt chính quyền như bọn Nguyễn Hựu Khôi đã làm ở Phiên An này. Đẩy tất cả trách nhiệm cho chúng, và lợi dụng chúng tùy theo tình hình. Được chúng suy tôn, đưa tới quyền lực cùng sức mạnh, nhưng nếu bất lợi, dùng chính sức mạnh ấy tiêu diệt chúng lập công.

Đó chính là cách ‘làm chủ vận mệnh’ của anh ta. Rồi y lại đang nghĩ, Biên lương và Hồi lương, Nguyễn Hựu Khôi và nhà họ Mạc, thật ra có ý nghĩa gì với Thái Công Triều?

 

Chú thích:

[1] Tặng Giác Lâm Viên Quang thiền sư của Trịnh Hoài Đức

[2] Theo Đại Nam thực lục, danh sách người theo Nguyễn Hựu Khôi sau khi thành bị chiếm không có Mạc Hầu Hy, dù thời gian đó Mạc Hầu Hy đang bị giam ở Phiên An. Đến sau khi An Giang thất thủ, quan ở Biên Hòa mới báo lên có Mạc Hầu Hy làm Thủy quân kiêm lĩnh Ngũ dinh.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.