Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

20. Quang xạ lang viên kinh mộng điểu
Trường An in "Minh nguyệt 1" December 30th, 2018
  1. Quang xạ lang viên kinh mộng điểu, ảnh trầm đào lãng trạc tiềm ngư[1]
    (Ánh chiếu vườn cau kinh động chim trong mộng, bóng chìm trong sóng khơi dòng cá lặn sâu)

 

Y vốn khá e ngại khi tìm tới lăng mộ Tả quân, nhưng khi đến nơi, y biết rằng mình đã lo thừa. Một đám người đông đúc bao quanh khu đất, khoảng sân rộng inh ỏi tiếng kèn trống thanh la. Nhóm người này bao gồm cả dân Thanh cạo trọc nửa đầu, dân Man cởi trần nửa người lẫn đám con hát vẽ mặt bảy màu, đám trẻ con gần đó thì thụp leo trèo dòm ngó. Y đã cẩn thận bôi ít đất cát vào mặt, thay quần áo người Kinh thay vì Minh Hương, nhưng đến đây thì hóa ra cũng chẳng cần thiết. Đám đông đang bận la hét, hò reo, tất cả sự chú ý dồn vào giữa sân, chẳng ai nhìn đến ai.

Vất vả len vào, y nhìn qua kẽ hở người thấy hai kẻ đang bị trói nằm trong sân, trước chính điện của lăng. Bạch Xuân Nguyên bị quấn vải trắng kín người, máu thấm đỏ cả vải, mắt trán sưng húp bầm tím. Nguyễn Trương Hiệu có vẻ đã nhanh chóng đầu hàng hơn nên chỉ bị trói gô, nhét giẻ vào miệng. Một lò hương lớn đang được đặt phía sau hai người, khói tỏa ngùn ngụt. Nhóm ca công dàn thành hai hàng tấu nhạc khí ò e, làm sự ồn ào càng tăng lên như sóng. Nguyễn Hựu Khôi ngồi trong hiên chính điện, đứng phía trước là Đặng Vĩnh Ưng và Đinh Phiên. Đặng Vĩnh Ưng đang cầm một cuộn giấy, và có vẻ các ca công vừa tấu nhạc giữa một đoạn nghỉ để tăng kịch tính cho bài diễn thuyết của ông ta.

“Tên hôn quân vô ơn bạc nghĩa khiến trời thần cùng giận, đem tai họa giáng xuống liên miên. Bao nhiêu năm nay, dịch bệnh chết hàng vạn người hoành hành từ Nam chí Bắc, thiên tai nơi nơi khắp chốn, sao chổi mọc ba tháng không tắt, báo hiệu khí số nhà Nguyễn đã hết. Vì Tả quân, vì Gia Định, vì cả Đại Việt, Đại Nguyên soái nhận thiên mệnh tái lập Lê triều, tiêu diệt bọn vua quan hôn ám.” Đặng Vĩnh Ưng lại hùng hồn cất tiếng. Y bị đám đông đẩy lùi về sau, khi chồm đến nhìn được khoảng sân thì bài hịch cũng đã hết. Đặng Vĩnh Ưng giơ tay chỉ về phía bọn Bạch Xuân Nguyên giữa sân. “Khởi đầu là đem bọn phản phúc Bạch Xuân Nguyên tế vong hồn Tả quân nơi chín suối, để người được ngậm cười. Các bậc anh hùng xin cho hỏi, ta nên xử hai kẻ này như thế nào?”

“Đốt chết hắn!” Một thanh niên đứng trong vòng người hét lên. Y loáng thoáng nhận ra đó chính là Lê Văn Hán. Anh ta đứng giữa vòng vây của bọn lính đeo khăn trắng vẫn chưa cởi.

“Đốt chết hắn! Đốt chết Bạch Xuân Nguyên!” Dường đồng loạt được kích động, đám đông gào lên. Bị quấn chặt trong đống vải, Bạch Xuân Nguyên vẫn bất động, chỉ có Nguyễn Trương Hiệu lăn lộn khóc nấc, đập chân tay xuống đất.

“Để xem nó nói gì.” Nguyễn Hựu Khôi nói, cho một tên lính lấy giẻ khỏi miệng Nguyễn Trương Hiệu. Nguyễn Trương Hiệu liền vội vàng nói như gào lên.

“Tất cả đều là ý của Bạch Xuân Nguyên! Hắn bảo tôi đi gây sự khiến các anh tức giận làm nên tội thì hắn mới có cớ để xử. Hắn bảo phải đào mồ Tả quân lên mới nghe. Moi móc lỗi của các anh chỉ là cớ để xử tội Tả quân. Tất cả là âm mưu của hắn! Đều là của hắn!” Nguyễn Trương Hiệu đảo mắt nhìn quanh đám người hung hãn, thống thiết kêu gào. “Các anh nào có tội gì, đều là do Bạch Xuân Nguyên bịa chuyện dồn ép mọi người vào chỗ chết!”

“Bạch Xuân Nguyên, có phải không?” Nguyễn Hựu Khôi cười nhạt, lại ra hiệu cho tên lính giật mở phần vải quấn quanh mặt Bạch Xuân Nguyên. Gương mặt sưng phù của Bạch Xuân Nguyên nhăn khẽ vì đau.

Hai mí mắt nặng nề của ông ta nhìn lên Nguyễn Hựu Khôi, rồi cái bóng của một nụ cười méo mó xuất hiện trên khuôn mặt không còn hình thù.

“Phải, ta chỉ muốn ép chết các ngươi, ta chỉ muốn đào mồ Lê Văn Duyệt đấy!” Giọng nói lào khào khàn đặc của Bạch Xuân Nguyên lọt thỏm giữa khoảng sân rộng, nhưng đám đông đã yên lặng đi vài phần. “Ta còn tiếc là không bịa ra chuyện để giết được các ngươi càng nhanh càng tốt, bọn sâu mọt ăn chết thứ nuôi sống chúng! Đối với bọn vô lương khốn kiếp các ngươi, tử tế lẫn đạo lý là một trò hề.

“Ta đã nói, nhưng hoàng thượng không nghe lời ta. Bao nhiêu tội của Lê Văn Duyệt đều đã nằm ở triều đình, lăng mộ của tên hoạn quan ấy vẫn còn ở đây, làm nền cho đám đàn trò con hát các ngươi.” Ánh mắt khinh miệt của Bạch Xuân Nguyên quét qua đám ca công. “À, tên hoạn quan ấy thì cũng có khác gì các ngươi, đều là một bọn giả dối như nhau. Đến tận cuối đời, lão ta vẫn giả dối mua danh, một bên thơn thớt lấy lòng triều đình, ra vẻ đi nộp lại thớt voi được Chân Lạp tặng, một bên giữ riêng thớt voi khác cho mình. Ra vẻ chính trực liêm chính làm gương nhận thưởng, hóa ra cùng bọn Nguyễn Văn Thoại một giuộc như nhau![2] Lão với các ngươi hẳn ngồi cười ở đây, khinh triều đình là một lũ ngốc đi khen thưởng lão, noi gương lão. Thứ gọi là lòng trung thành, sự chính trực của các ngươi đấy, bọn làm trò!”

Tên lính bất thần giơ chân đạp Bạch Xuân Nguyên văng trên đất. Ngã sấp xuống mặt sân, Bạch Xuân Nguyên vẫn lấy hết sức bình sinh quát hét.

“Ta đã bảo, Lê Văn Duyệt chết thì cũng phải đào mồ lão lên, đừng để bọn con hát của lão biến cả Gia Định thành tuồng kịch! Lão có khác gì các ngươi, cùng là một bọn phản phúc gian ngoan như nhau. Lão nhận ơn của Thế Tổ rồi hãm hại con cháu Thế Tổ, tên hoạn quan mà muốn làm vua cả nước, mưu tính làm Hoắc Quang! Lão một mặt ra vẻ thi ân với người dưới, trong khi để các ngươi hoành hành bóc lột, hành hạ dân chúng không cần biết cần hay. Ngay cả với các ngươi, lão thấy bất lợi là rẫy ra ngay lập tức như Trần Nhật Vĩnh, như chính các ngươi bây giờ. Các ngươi nằm ở Phiên An trong tay ta là do chính Lê Văn Duyệt cho phép ta xuống đây, cho phép triều đình coi quản, mặc kệ các ngươi sống chết, chỉ cần lão ta yên ổn là đủ! Kẻ lá mặt lá trái, ích kỷ vô lương, chỉ biết có mình, vô tình bạc nghĩa bậc nhất chính là tên hoạn quan ấy!” Tên lính đạp lên người Bạch Xuân Nguyên, ấn đầu ông ta xuống. Ngoẹo cổ về một bên, tiếng Bạch Xuân Nguyên vẫn khàn khàn vang. “Nào, tiếp tục đến đây diễn tấn tuồng báo oán cho ân công đi, để làm trò cười cho muôn đời!”

“Được, ta sẽ dùng ngươi để tế Tả quân, cho xứng đáng với tội lỗi ngươi vừa thừa nhận.” Nguyễn Hựu Khôi nghiến răng nói. Lính từ trong sân khiêng ra một vạc dầu, tên lính kia xốc Bạch Xuân Nguyên lên, chờ lệnh ném ông ta vào vạc.

“Tế Lê Văn Duyệt?” Bạch Xuân Nguyên cười lớn. “Có mà sau này người người sẽ ghi nhớ đây là nơi bọn tay sai ác ôn của Lê Văn Duyệt đốt chết ta. Ta có làm ma vẫn đứng ở đây, ngay chính điện này, canh giữ bọn các ngươi không cho siêu sinh. Lê Văn Duyệt chỉ có một nấm mồ chẳng biết có xác hay không, chẳng bằng ta trở thành một vị thánh thần ngay tại nơi này. Đến đây mà đốt chết ta, lũ quỷ ma!”

Đám đông ồ lên tiếng lao xao. Đinh Phiên ghé tai Nguyễn Hựu Khôi thì thầm. Nguyễn Hựu Khôi gật đầu, rút thanh đao lớn ném đến giữa sân.

“Đây là nơi linh thiêng thờ phụng Tả quân, không phải chỗ cho tên điên cuồng hèn mạt như ngươi hồ lộng. Ta sẽ cho ngươi chết đúng với thân phận nhục nhã của ngươi, tên chó săn của triều đình.” Nguyễn Hựu Khôi đứng dậy, giơ tay ra hiệu cho đám đông, sang sảng nói. “Bạch Xuân Nguyên, Nguyễn Trương Hiệu tham tàn hống hách, gây ra bao nợ máu với dân Gia Định, với hương hồn Tả quân. Nay ta thay mặt muôn người xử chúng trảm quyết ngay tại chỗ.”

“Cậu Hàm, thực hiện đi!” Nguyễn Hựu Khôi quay đầu gọi. Đến lúc ấy y mới thấy người đứng khuất sau cánh cửa chính điện. Nguyễn Hàm bước ra sân, nhặt lấy thanh đao Nguyễn Hựu Khôi đã ném, chậm chạp đưa mắt nhìn sang Nguyễn Trương Hiệu.

“Chính cậu Nguyễn Hàm đã bắt giữ Nguyễn Trương Hiệu ở ngoài thành, nhờ đó biết được Bạch Xuân Nguyên cho đào một hang trú ẩn trong dinh Bố chính, trốn thoát được chúng ta.” Nguyễn Hựu Khôi cười khẩy, nhướn mày với Bạch Xuân Nguyên. “Ngươi đã biết thu nhận một tên phản phúc làm thuộc hạ là thế nào chưa, Bạch Bố chính tự cho mình sáng suốt nhất thiên hạ?”

“Từ lúc tên hoạn quan, kẻ con hát nắm quyền, thiên hạ trở thành một tuồng chèo, ta tránh cũng không được.” Bạch Xuân Nguyên ngang ngạnh nói trong khi Nguyễn Trương Hiệu trừng trừng nhìn Nguyễn Hàm và thanh đao trong tay anh ta, sợ đến cứng lưỡi không thốt ra được một tiếng.

Vẫn lầm lì không nói một lời, Nguyễn Hàm nâng đao. Nhát chém sả xuống Nguyễn Trương Hiệu trong tiếng hò reo của đám người trong sân. Tiếng nhạc nhức óc lại vang dội.

Bạch Xuân Nguyên chợt ngửa đầu cười dài.

“Một tên hoạn quan giữ được một thớt voi, được đám con hát, lũ du côn hộ tống tưởng mình là minh chúa. Một tên du đãng phất lên nhờ bợ đỡ kẻ trên, thu nạp bọn thổ phỉ tưởng mình là anh hùng. Đám con hát vô tình bạc nghĩa sống dựa bã quyền môn, bán rẻ tiếng cười mua lòng thiên hạ, ai cho ăn thì cúp đuôi theo tưởng mình là chính diện đẹp đẽ. Đám bất lương cướp của giết người, vô tri ngu muội, ích kỷ tàn nhẫn tưởng mình đáng thương. Một bọn tham quan lừa trên dối dưới, vơ vét bạo ngược tưởng mình là chính nghĩa. Kẻ cướp nhìn thành ban ơn, phản phúc đội lốt trung nghĩa, giờ đến thằng con trai vô dụng gọi giặc làm cha hại chết cả nhà nhân danh báo thù!” Bạch Xuân Nguyên cười sằng sặc khi xác chết không đầu của Nguyễn Trương Hiệu vẫn đang giãy bên cạnh, máu bắn tứ tung rơi xuống cả ông ta. “Ân công, nghĩa tử, trung thần, vũ dũng, trí giả, thanh quan, nhân đức, tuồng kịch này quả nhiên không uổng kiếp người!”

“Hắn điên rồi.” Người trong sân thì thào trước thái độ của Bạch Xuân Nguyên. Nguyễn Hàm còn đang ngẩn người nhìn cái đầu của Nguyễn Trương Hiệu lăn lông lốc trên đất. Nguyễn Hựu Khôi cau mày, đích thân đi ra sân giật lấy đao trong tay Nguyễn Hàm.

“Phải, ta điên. Chính các ngươi khiến ta phát điên!” Bạch Xuân Nguyên trừng mắt nhìn thanh đao đang được giơ lên. Nguyễn Hựu Khôi cười gằn.

“Một tên điên tưởng mình đang giúp nước thờ vua. Đến mình còn chẳng cứu nổi.” Nhát chém phạt ngang khi Nguyễn Hựu Khôi vẫn còn đang nói. Đầu Bạch Xuân Nguyên rơi xuống đất, tắm trong máu bắn ồ ồ. Nguyễn Hựu Khôi nắm thủ cấp Bạch Xuân Nguyên giơ cao, hùng hồn nói.

“Tên Bạch Xuân Nguyên đã đền tội với Tả quân. Anh em theo ta, tiêu diệt triều đình Phú Xuân, giết chết tên Đảm!”

“Giết chết! Giết chết!” Đám người vung tay, nhảy múa gào thét. Kèn vang, nhạc trỗi đinh tai nhức óc. Nguyễn Hựu Khôi quát bảo người đưa xe tù đến cắm đầu Bạch Xuân Nguyên đem đi diễu phố. Mấy con hát giọng khỏe cầm bài hịch của Đặng Vĩnh Ưng tuyên đọc khắp các phố phường.

Nghĩ việc ở đây đã xong, y im lặng lùi khỏi đám đông, trở về phủ bà Đỗ. Người phụ nữ già vẫn ngồi trong chính điện, nghe tiếng cửa mở liền đưa mắt nhìn lên. Y đã đóng cổng phủ, cẩn thận khóa cửa trong ngoài, thả mấy con chó trong chuồng sau nhà ra cổng chính.

“Bên ngoài thế nào rồi cậu?” Thấy cử chỉ của y, bà Đỗ Thị Phẫn lo lắng hỏi. Y lắc đầu.

“Ở ngoài rất rối loạn, bà phải cẩn thận coi chừng trộm cướp. Tốt nhất bà nên thu gom tư trang, cất giấu đồ quý hiếm, rồi rời khỏi phủ nương náu ở nhà người quen. Bây giờ đám du đãng bên ngoài đang nhảy múa chạy theo bọn Khôi, nhào vào cướp bóc dinh phủ các quan đã chạy trốn, bắt bớ thân nhân họ. Bọn Khôi đang lúc thiếu người, kẻ nào gia nhập cũng nhận, nên chúng thành một toán cướp ngày giữa Phiên An rồi.” Y mệt mỏi ngồi xuống, tựa lưng vào cửa. Bà Đỗ Thị Phẫn liền im lặng đứng lên, rót trà đưa cho y rồi đi ra nhà sau. Một lúc, y ngửi thấy mùi thức ăn đưa đến. Bà Đỗ đem cho y một nồi cơm với mấy quả trứng luộc, thở dài.

“Cả ngày cậu chưa ăn gì, phải ăn đi đã.” Bà nói. Y vội cám ơn bà, ngấu nghiến bữa cơm đạm bạc. Bà Đỗ chậm chạp ăn, thi thoảng đưa mắt nhìn ra cửa nghe ngóng tiếng động bên ngoài. Xa xa có tiếng trống chiêng, cả tiếng pháo nổ đì đùng – hoặc là tiếng súng bắn thị uy.

“Bà không sợ sao?” Vừa ăn vừa ngẩng đầu nhìn bà Đỗ, y hỏi. Người phụ nữ già này có sự bình tĩnh không suy chuyển, có lẽ ngay cả khi phải đối đầu với bọn Nguyễn Hựu Khôi, đã khiến bọn ấy phải bỏ đi mà không bức bách được bà.

“Quang cảnh này giống nhiều năm trước, lúc Gia Định còn chiến tranh.” Bà Đỗ cúi đầu, cười nhẹ. “Tôi đã từng phải đi theo gia đình Thế Tổ lúc ở Phú Quốc, khi ra Chân Lạp. Mỗi khi chiếm lại được Phiên An, bọn họ cũng tuần hành như thế.

“Dạo gần đây, mỗi năm có hàng ngàn hàng vạn người Thanh đến Gia Định. Nghe nói ở Thanh đói kém, bọn dân nghèo đáp thuyền đến đây chỉ mang theo có manh chiếu rách, tỏa đi khắp nơi. Nghe triều đình làm ngặt chuyện xuất nhập cảng Đà Nẵng, Nam Định, Quảng Yên, kiểm soát việc quản lý các bang hội của bang trưởng, nên người Thanh chủ yếu đi vào Gia Định.” Bà Đỗ đột nhiên khẽ khàng nói sang chuyện khác. “Kể cả nhóm cố đạo Tây dương, thậm chí cả bọn buôn thuốc phiện.”

“Ở Hà Tiên cũng vậy, thậm chí có cả một nhóm người lai Tây dương.” Y nói, bà Đỗ lắc đầu.

“Cuộc chiến năm xưa làm ta biết một chuyện: Đừng mong kẻ bên ngoài thương xót, nghĩ cho mình. Không kể đến bọn Xiêm La, Tây dương, ngay cả kẻ nói cùng một thứ tiếng cũng chẳng biết nghĩ cho nhau đâu. Nhờ cậy những kẻ như thế, cầm bằng tự sát.”

“Bọn họ cũng có thể họp lại, chia sẻ quyền lợi cho nhau, chung sống với nhau.” Y nói khẽ. Bà Đỗ nhìn y, một ý khó hiểu ánh lên trong mắt.

“Cậu biết vụ việc Trung quân Nguyễn Văn Thành không?” Bà chợt nói, hạ giọng. “Bao nhiêu năm hầu cận cạnh Thế Tổ, ta biết một chuyện: Thực sự, Thế Tổ không hề tin một ai. Bề ngoài rộng rãi hào phóng độ lượng, thực sự là không hề, không hề tin một ai. Thứ gọi là ‘độ lượng’, ‘chấp nhận’, chính là như thế đấy. Bằng không thì chỉ nên gọi là ngu ngốc khờ dại.”

“Thế gian này với những kẻ ngu ngốc khờ dại không có xót thương hay thông cảm, đừng để bọn họ lừa.” Thấy y đã ăn xong, bà Đỗ thu dọn chén đũa đem ra nhà sau. Cả đêm kiệt sức, y ngã xuống sàn, nhắm mắt trong tiếng chiêng trống, hò hét vọng xa xa gần gần. Cả Phiên An dường đang bốc cháy, và máu của Bạch Xuân Nguyên đã rải khắp mọi nẻo đường Phiên An, khởi đầu cho một cuộc chiến đẫm máu.

Nhắc đến Nguyễn Văn Thành, y lại nhớ tới Nguyễn Hàm cùng gương mặt anh ta khi cầm đao chém Nguyễn Trương Hiệu. Y chưa từng nghĩ tới chuyện anh ta sẽ đi theo Nguyễn Hựu Khôi hay xuất hiện trong lăng thờ Tả quân, nhưng có vẻ mối thù đã khiến anh ta làm tất cả. Và từ khi chém Nguyễn Trương Hiệu, Nguyễn Hàm chẳng còn con đường để quay đầu.

Bọn Nguyễn Hựu Khôi, kể cả những người đi theo, cũng không còn bất cứ con đường nào để quay đầu. Tiêu diệt triều đình Phú Xuân, Nguyễn Hựu Khôi nói, dường như là lựa chọn duy nhất. Hoặc chiếm lấy Gia Định, làm vua một cõi. Bắt đầu một cuộc chiến chỉ có thể kết thúc khi một bên hoặc tất cả cùng tận diệt. Như cuộc chiến kéo dài ba mươi năm trước đây, thậm chí là giao tranh hàng trăm năm sau khi họ Lê sụp đổ.

Theo lời kể của những người đến từ phương Bắc, nơi ấy chưa bao giờ bình yên, những cơn sóng chưa bao giờ ngừng nghỉ trong những cuộc xung đột khởi đầu bởi bất cứ lý do nào. Những người đến từ xứ sở ấy cũng chưa bao giờ biết đến bình yên, chưa bao giờ thôi tranh giành và thù hận. Trong một cái chớp mắt, Phiên An đã biến thành một dáng vẻ xa lạ mà y chưa từng biết tới. Những con người y thường đi ngang qua ngoài đường bỗng dưng bộc lộ một bộ mặt không thể ngờ. Chỉ sau một đêm, tất cả vỡ ra, trong tiếng huyên náo ồn ào chóng mặt, trong mùi máu cùng xác chết tanh lợm hôi nồng.

Những xác chết đêm hôm trước đã bị kéo khỏi thành, ném vào bãi đất trống của đồng Tập Trận. Bọn Vũ Vĩnh Lộc, Thái Công Triều đang kéo quân đi càn quét vùng ven Phiên An, đưa thuyền chặn các cửa sông. Nhóm Đinh Phiên, Đặng Vĩnh Ưng cùng quan lại cũ của Phiên An đem các bài hịch văn đi tuyên dụ mọi nơi, kéo theo một đám người rồng rắn tụ họp. Nhà thường dân đóng chặt cửa, các chợ không mở, thương thuyền đậu trong bến đã nhanh chóng rời đi từ đêm hôm trước, chỉ còn đôi ba chiếc nằm im lìm. Các ngõ đường của Phiên An chỉ còn những nhóm người cầm gươm giáo gậy gộc, hò hét chém giết cùng nguyền rủa.

Không khí chỉ dịu lại khi cơn mưa mùa hè đổ xuống vào cuối buổi chiều. Lợi dụng khoảng thời gian đất trời tối tăm, y cùng bà Đỗ Thị Phẫn rời khỏi khu dinh phủ. Đã có một chiếc thuyền đợi sẵn ở bờ sông, đưa hai người tới ngôi làng bên kia sông Tân Bình. Khu vực này nằm xa thành, nhà cửa chen lẫn trong mộ địa, đường đất nhão ướt cỏ mọc đầy. Triều lên, nước dâng gần đến sàn nhà. Y được đưa tới một căn nhà đơn sơ nhưng sạch sẽ cuối làng. Mở cửa đón bọn y là một cô bé dưới mười tuổi.

“Cháu chào bà ạ.” Cô bé khoanh tay lễ phép nói, đưa bà Đỗ cùng y vào trong nhà. Vũ thị cùng một cô gái khác đi ra, họ thoáng ngạc nhiên khi thấy y.

“Cậu Mạc chạy loạn khỏi thành, cho cậu ấy nương nhờ một thời gian.” Bà Đỗ nói, Vũ thị im lặng dìu bà ngồi xuống sập. Cô bé chạy đi rót nước đưa lại, bà Đỗ liền cười với nó. “Cháu Mai đây phải không? Dạo này lớn quá rồi. Mẹ cháu đâu?”

“Chị Ba em có quán hàng gần trại thủy quân, chắc cũng sắp về. Chị ấy bảo muốn xem gia đình anh Ba thế nào.” Vũ thị nói. Thấy ánh mắt nghi ngại của bà Đỗ, nàng ta lắc đầu. “Dù sao anh ấy cũng là cha bé Mai, phải xem tình hình ra sao. Nếu anh ấy biết nghĩ, đón bé Mai vào thành xem như là bảo vệ cho nó. Chị ấy là người có nghĩa, sẽ không báo ra chúng ta đâu.”

“Bình thường đã chẳng nhìn ngó gì đến con bé, chẳng lẽ lúc này lại nhớ tới nó được sao?” Bà Đỗ nói khẽ khi cô gái trẻ hẳn là vợ ba của Tả quân dẫn cô bé sang gian phòng bên. “Em nói với chị dâu nhân tình hình rối loạn dẫn con bé đi xa còn tốt hơn.”

“Tình hình rối loạn là lúc trộm cướp hoành hành, không có quan binh thì đám cướp của giết người còn biết sợ ai, hai mẹ con làm sao dám đi?” Vũ thị thở dài. “Ngay cả người làm cũ trong nhà em cũng không dám đưa hai mẹ con đi. Bà Cả thấy tình hình Phiên An cũng rõ mà.”

“Vả lại, có thể rối loạn còn lâu.” Vũ thị đặt một chén trà trước mặt y, quay về ngồi cạnh bà Đỗ, lắc đầu. “Nghe nói chỉ trong một ngày, đám quân của Nguyễn Hựu Khôi đã lên đến cả ngàn người. Chúng còn dùng được người Gia-tô, Thanh, lợi dụng mối liên hệ của các cố đạo lẫn mạng lưới con chiên, mạng lưới buôn bán, bang phái của người Thanh, nghĩ cách vươn ra khắp Gia Định kêu gọi mọi người. Cứ như thành Phiên An đêm qua, một đám người bất ngờ trở giáo chiếm thành, thì chẳng cần Nguyễn Hựu Khôi tự đến, các tỉnh thành cũng nguy to.”

“Mỗi năm cả vạn người Thanh vào Gia Định, chúng mà trở mặt thì phải làm sao?” Bà Đỗ cũng thất sắc nói. “Bọn người Gia-tô quan hệ với cả Tây dương đang ở Xiêm La, bấy lâu chúng chỉ chờ có lý do để đánh sang Gia Định. Các cố đạo kêu gọi một tiếng, thậm chí đến Anh Cát Lợi cũng có thể đến giúp bọn chúng.”

“Nghe nói Anh Cát Lợi và Phú Lang Sa không hòa hảo với nhau, cố đạo Phú Lang Sa kêu gọi thì họ chưa chắc đã nghe.” Y lên tiếng nói khẽ. “Nhưng người Gia-tô họp thành nhóm thành đoàn, ở rải rác khắp nơi. Quan quân mà đánh phải thì các cố đạo lại la lối tuyên truyền, kích động con chiên phản ứng, tự dưng không có chuyện mà thành ra có, thành một chuỗi lửa cháy không dập nổi.”

“Đâu phải chỉ người Gia-tô mới thế. Quân Thanh thuận, An thuận, Bắc thuận, Hồi lương[3] đều nhất loạt theo Nguyễn Hựu Khôi rồi đấy thôi.” Vũ thị bỗng cười khẽ. “Tôn xưng một kẻ bất lương làm chủ soái chỉ vì hắn cùng quê quán phe nhóm, cùng giương một lá cờ minh chúa hão huyền, nào là chuyện của riêng một nhóm người.”

 

Chú thích:

[1] Gia Định tam thập cảnh – Võng thị ngư đăng của Trịnh Hoài Đức

[2] Theo Đại Nam thực lục, năm 1815, Gia Long cho 5 hoàng tử lớn mỗi người 1 thớt voi. Năm 1832, triều đình sai Gia Định đi mua voi của Chân Lạp, Lê Văn Duyệt được tặng riêng 1 con voi, liền xin đưa chung vào ngạch. Minh Mạng thưởng 40 lạng bạc bảo cấp cho viên quan Chân Lạp, nói phải lấy đó làm răn không nên làm lạm, khiến người ở xa có cớ nói. Đến cuối năm 1832, Lê Văn Duyệt đã chết, quan ở Gia Định cho biết Lê Văn Duyệt giấu riêng 1 con voi, bộ Binh chứng thực tâu lên. Minh Mạng nói voi là công cụ của triều đình, không được dùng vào việc tư, nhưng Lê Văn Duyệt đã chết rồi thì không xét nữa. Các hoàng tử cũng phải nộp lại voi đã được Gia Long ban.

[3] Quân An thuận, Thanh thuận, Bắc thuận là lính thú. Quân An thuận quê Nghệ An, Thanh thuận quê Thanh Hóa, Bắc thuận quê Bắc Thành. Quân Hồi lương là người phạm tội bị sung quân, phát phối đến Gia Định.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.