Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

18. Sầu đồng giang cửu khúc
Trường An in "Minh nguyệt 1" December 25th, 2018
  1. Sầu đồng giang cửu khúc, giang khúc nhiễu giang thành[1]
    (Sầu hòa vào chín khúc sông, khúc ca trên sông nhiễu thành trên sông)

 

Buổi tháng năm ấy, ban đêm đã có một trận mưa, khiến không khí ban sáng thanh sạch và tĩnh lặng đi vài phần. Khoảng sân trước căn nhà giam của Mạc Hầu Hy trồng một cây ngọc lan, nước nhỏ lác đác từ nhánh cây xuống dường vẫn còn thoang thoảng mùi hoa.

Nhưng Mạc Hầu Hy chỉ thừ người nhìn khoảng trống giữa những khu nhà, ánh mắt trống rỗng. Anh ta thỉnh thoảng được rời khỏi nhà đi ra sân, nhưng có vẻ cả không gian của nhà tù cũng đã trở nên quá chán chường. Khoảng thời gian trước bị hỏi cung và nghị án, Mạc Hầu Hy còn có đôi chút nghĩ ngợi, hỏi han y. Hiện tại thì có vẻ anh ta như chẳng muốn nghe lời y nói, hay thậm chí nhìn thấy y.

“Ở Hà Tiên đang xây lỵ sở mới, tháng ba vừa rồi mới định xong hướng. Sắp xếp cắt đặt lại toàn bộ chức quan, cơ đội lính tráng nên mọi người đều bận cả. Nghe đâu Bố chính Phạm Xuân Bích nói, lính ở các cơ trốn đến hơn tám trăm người rồi.” Y nói, cố gắng thu hút sự chú ý của Mạc Hầu Hy. “Triều đình đang chú trọng phòng mặt biển, đánh đuổi bọn hải tặc. Ở Phú Quốc cũng đã cho xây thêm đồn, đặt binh pháo phòng ngự. Mùa thu năm ngoái, đội trưởng sở Phú Quốc là Ngô Văn Thành đánh giặc biển ở Hòn Dừa, chém được mấy tên, thu được súng ống khí giới của chúng. Anh ta được phong lên ngay Chánh đội trưởng. Với tình trạng lính tráng ở Hà Tiên như thế này, triều đình sẽ phải nghĩ đến chúng ta ngay thôi. Tới lúc ấy, anh có thể được cho về làm việc ở Hà Tiên chuộc tội. Biển cả mênh mông, hải tặc người Thanh, Chà Và vô số, lo gì không lập được công lao? Một năm nay, em đã bảo ngầm Mạc Hầu Chấn thu nhận ít thuộc hạ, nếu có việc thì sử dụng được.”

Mạc Hầu Hy vẫn ngẩn người nhìn mấy giọt nước từ lá cây rơi xuống trên sân, đọng giữa mấy hòn đá nhỏ. Anh ta im lặng một lúc lâu đến mức y đã nghĩ chẳng có lời nào y nói lọt vào tai anh ta.

“Rồi cứ như thế, cả đời sao?” Hồi lâu, môi Mạc Hầu Hy chợt mấp máy. Anh ta nói như thể thở dài. “Người ta làm quan còn có thể từ, nhưng chúng ta thì chỉ có ngồi đợi kẻ khác sai khiến sắp đặt. Cha ta thật ra đâu có muốn làm Trấn thủ Hà Tiên gì đó, thật ra ông cũng đâu có muốn cả nhà bị giết hết, bản thân lớn lên trong cung điện kẻ thù, cả đời lại trở thành công cụ cho người ta giành giật. Ta bị giam giữ ở đây, án tử treo trên cổ, chẳng qua cũng là một cách đe dọa để cai trị Hà Tiên, phòng ngừa sự cố nào đó xảy ra nếu xung đột với Xiêm. Cha ta sẽ thà chết chứ không thể làm hại ta. Cũng như cha ta dù đã bị cách chức vẫn được lưu ở Hà Tiên, vốn là muốn dựa vào một hình nhân hữu danh vô thực. Chúng ta cứ phải sống như thế, suốt cả đời, đến bao nhiêu đời sau nữa?”

“Việc không thể khác, chỉ có thể tùy nghi ứng biến, an toàn là tốt rồi.” Y nói, tuy chẳng có vẻ giống lời an ủi cho lắm. Mạc Hầu Hy lộ rõ vẻ chán nản, ngả người dựa vào cây cột bên cạnh. Y đành thở ra. “Bây giờ không phải là lúc suy nghĩ nhiều. Nghĩ càng nhiều thì càng luẩn quẩn loanh quanh. Chẳng bằng anh nghĩ đến lúc nói năng với các quan giám sát, coi ngục như thế nào. Các quan lớn đi làm việc hẳn cũng nghĩ đến việc ghé tới đây thăm anh, biểu hiện tốt thì có thể đến thẳng tai hoàng thượng. Em đã nói một năm nay quá nhiều việc nên anh mới phải ngồi mãi trong tù, bọn em không có dịp nào xin phúc thẩm lại án. Việc thư rồi, có cơ hội anh sẽ được ra ngay.”

“Nói năng với các quan giám sát?” Mạc Hầu Hy đột nhiên cười nhạt. Anh ta đưa mắt nhìn quanh sân, hất cằm về một góc. “Như tên kia à?”

Nhìn theo Mạc Hầu Hy, y thấy một người đàn ông chừng năm mươi tuổi đang giơ chân cho người tù lau giày. Giày vừa sạch, ông ta đạp lên tay người ấy bước qua. Những người tù cùng lính đang ở trong sân im lặng tránh đường ông ta.

“Ai thế?” Y hỏi, nhìn người đàn ông vung chân đá thau nước ai đó để ngoài sân sang bên, cung cách như thể là ông chủ của cả nhà tù.

“Nguyễn Trương Hiệu, thuộc hạ của Bạch Xuân Nguyên đấy.” Mạc Hầu Hy nhếch mép. “Lão ta chẳng có chức vị gì, nhưng mượn thế Bạch Xuân Nguyên hống hách khắp nơi, ai đụng tới là lão đe dọa mách Bạch Bố chính vu tội cho người ấy. Những lúc rảnh rỗi, lão lại tới nơi này ra oai.”

“Khu tù này vốn nhiều quan lại bị giam mà.” Mắt Mạc Hầu Hy nheo nheo nhìn những người trong sân. “Biểu hiện tốt với các quan, chẳng bằng lo lót lấy lòng tên du đãng khốn kiếp này.”

“Năm xưa hắn còn hại chết được cả Quận công.” Y lẩm bẩm. Thấy người vừa lau giày cho Nguyễn Trương Hiệu đi ngang qua, Mạc Hầu Hy vẫy tay gọi. Y nhận ra đó là một thanh niên còn trẻ, tuy râu tóc để bờm xờm. Không giống như những người ở trong khu ‘tù quan’ này ăn mặc vẫn có vẻ chỉn chu, áo quần anh ta bạc phếch, rách lỗ chỗ, chân không có giày mà đi đôi dép cỏ đã bung rách.

“Có trái cây nhà đem tới, anh lấy một ít về mà ăn.” Mạc Hầu Hy chỉ rổ trái cây y vừa đưa vào, cười nói. Y liền nhanh nhảu lấy cái rổ cạnh đó bỏ trái cây vào. Thanh niên kia nhỏ giọng cám ơn, đưa cả hai tay nhận.

“Ở đây có sẵn dao, hay anh cứ ngồi ăn với chúng tôi luôn thể.” Y nói. Nhìn bộ dạng người tù này hẳn không thuộc loại được phân phòng riêng, ít trái cây anh ta đem về phòng sẽ bị chia hết. Thấy Mạc Hầu Hy gật đầu, anh ta mới lặng lẽ ngồi xuống chiếu cạnh bọn y.

“Trần Văn Tha, nguyên là Đốc vận.” Mạc Hầu Hy uể oải nói như thể giới thiệu.

“Anh can án gì thế?” Nghe vậy, y đâm thắc mắc. Rõ ràng là một chức quan vô cùng thấp so với những người ở trong nhà tù này, nhưng tại sao anh ta lại ở chung cùng bọn họ?

“Tôi bị kết án trảm giam hậu.” Trần Văn Tha cúi đầu mỉm cười, tay mân mê vỏ ngoài trái cam. “Do tôi làm Đốc vận chở chú cháu nhà Tây Sơn đến Gia Định.”

“Ba năm trước, có người ở Bình Định tố cáo mấy người con của Nguyễn Nhạc vẫn còn sống. Triều đình phái Trương Minh Giảng dẫn đội Cẩm Y vệ đến tra xét săn lùng. Có hai chú cháu họ Nguyễn trốn được, lẩn vào thuyền tôi đi việc công đến Gia Định.” Trần Văn Tha vẫn nhẹ nhàng nói, giọng không chút cảm xúc. “Đến Cần Thơ, nghe chuyện truy lùng người nhà Tây Sơn, tôi có nghi ngờ báo lại với thủ ngự, nhưng ông ta không nghe. Đến khi thám tử do triều đình phái tới Gia Định truy lùng bắt được chú cháu nhà ấy ở Vĩnh Thanh, họ khai ra đi thuyền của tôi. Thủ ngự ấy cùng tôi đều bị kết án, nhưng ông ấy chuyển đi rồi, chỉ còn tôi ở đây.”

“Nếu chỉ chở ngụy mà bị tội thì đến được Vĩnh Thanh, hai chú cháu ấy phải đi bao nhiêu tàu bè rồi?” Nghe chuyện, y buột miệng hỏi. Trần Văn Tha nhìn y, bỗng ý cười ánh lên trong mắt.

“Thật ra không cần lệnh thủ ngự, nếu nghi ngờ thì tôi cứ trói giam lại, hai người ấy chẳng thoát được.” Trần Văn Tha gật đầu, tay vẫn đều đặn gọt vỏ trái cam. “Nói với thủ ngự chẳng qua chỉ để tìm người hành động thay cho mình. Thằng bé ấy mà, nó còn nhỏ lắm.”

“Sau này kết án, nghe nói cha chú cùng anh lớn của nó bị chém cả, nó vì còn nhỏ nên bị án trảm giam hậu chung với tôi. Tôi bị bắt ở Gia Định, đưa vào thẳng đây, còn nó chẳng biết đã ra sao rồi.” Trần Văn Tha cười khẽ. “Việc mình không muốn làm nên toan tính đẩy cho người khác, rốt cuộc chỉ mang tội vào thân, lại cũng chẳng làm kẻ nhân nghĩa nên hồn. Phải mà tôi có ý tha bọn họ thật thì cứ im lặng giả vờ như không hề biết, có khi bọn họ cũng đã thoát thân sang Chân Lạp, Xiêm La, mà chẳng ai bắt tội được tôi.

“Chẳng qua thằng bé ấy giống con trai anh tôi. Hai chú cháu ấy giống ngày thường tôi dắt nó đi chơi vậy. Tôi biết là phải báo nhưng cứ dùng dằng không nỡ, một khắc hồ đồ hại tất cả mọi người.” Trần Văn Tha bổ trái cam chia cho bọn y, nụ cười vẫn dính chặt trên môi. “Đã ba năm rồi, qua ba kỳ thu thẩm mà vẫn chưa xử, có thể tôi may mắn được giảm án.”

“Phát phối đi làm lính thú thì đến chết mới được về quê.” Mạc Hầu Hy vẫn dựa vào cây cột đột nhiên nói. Y phải ngạc nhiên trước thái độ thù hằn trong giọng anh ta.

“Nhà tôi có bốn anh em, cũng may, cũng may.” Trần Văn Tha gật gật đầu, lấy ra một chùm nhãn, tỉ mẩn bóc vỏ. Mạc Hầu Hy cau mày nhìn anh ta, mím môi không nói.

Giờ nghỉ ngoài sân đã hết, Trần Văn Tha cáo từ bọn y về gian tù của anh ta. Y còn thấy anh ta cúi đầu chào tất cả mọi người trong sân, ngay cả các bạn tù.

“Trong nhóm ấy có quan lại, biết đâu sau này được thả ra phục chức, lễ phép để họ nhớ tới thì mới có cơ may đưa vào thu thẩm giảm án.” Nghe y nhận xét về thái độ của Trần Văn Tha, Mạc Hầu Hy cười nhạt. “Quan to thì phạm ít án nho nhỏ vẫn có cơ được thả, thậm chí lại làm quan lớn đường đường. Tên Đốc vận tầm thường như Tha thì có khi bị ném vào tù xong đã quên bẵng luôn rồi. Lỡ như án kéo dài lâu quá, quan mới tới quẹt vào đem tất cả ra chợ xử cho xong, đỡ mất công phải tra đi xét lại. Lúc ấy ngọc đá cùng nát, kêu được vào đâu?”

“Nhìn Trần Văn Tha thì có phải ta vẫn còn may mắn không?” Ngồi xuống giường, Mạc Hầu Hy ngẩng đầu nhìn tán cây rung rinh ngoài khung cửa sổ nhỏ chỉ chừng hai bàn tay. “Lỡ như tên Bạch Xuân Nguyên có lôi ta ra xử tội, cả nhà ta vẫn gọi được nửa triều đình này lên tiếng. Còn hắn chỉ có thể cung cúc chờ vận may, mỗi cầu được sống chẳng ra hồn con người vẫn không được.”

“Nếu anh được thả ra, có thể giúp cho hắn.” Trước giọng điệu của Mạc Hầu Hy, y nói như muốn an ủi anh ta. Mạc Hầu Hy lại làm ra vẻ không nghe thấy lời y.

“Rốt cuộc thì chúng ta đang chờ cái gì vậy?” Đôi mắt tràn đầy màu xanh hòa cùng ánh nắng ngoài khung cửa hẹp, Mạc Hầu Hy nói khẽ, rất khẽ. “Năm xưa họ Mạc bị giết hết, từ Xiêm La trốn về, rồi hết người này đến người khác chết, là vì cái gì vậy? Năm xưa Tây Sơn, Nguyễn, Trịnh, Lê đánh nhau, bao nhiêu người chết cho đến tận bây giờ, là vì cái gì vậy?”

Vì không biết nên nói điều gì, y đành im lặng.

Mạc Hầu Hy ăn xong bữa trưa đã leo lên giường nhắm mắt như ngủ, y đành phải rời khỏi khu nhà giam. Không muốn trở về để gặp bọn Thái Công Triều cùng vô số câu chuyện ồn ào của họ, y mượn một con ngựa, đi đến Mai khâu. Mùa này nam mai chỉ còn lác đác, quả đã kết xanh cây, nhưng sen đang nở rực rỡ trong các ao hồ, dòng nước quanh quanh lẫn trong lau sậy. Nắng lấp loáng phản chiếu trên nước tựa sương giăng. Trên đồi phóng mắt nhìn ra chỉ thấy lớp thảm xanh như lẫn với mây trời bao la bát ngát. Hương cỏ hoa lẫn với mùi nước khiến tâm trí y nhẹ hẳn đi. Buộc ngựa trước cổng chùa, y ngồi trên bậc thềm đá mà ngẩng nhìn trời, những đám mây đổi dạng thay hình theo làn gió.

“Ơ, cậu Mạc đấy à?” Một tiếng nói chợt vang sau y. Cô hầu gái của Vũ thị nghiêng đầu nhìn xuống y, ngạc nhiên hỏi. Y đứng lên, cười chào cô ta.

“Hôm nay bà Hai cũng đến chùa à?” Y hỏi. Cô hầu gái này luôn đi theo Vũ thị, hẳn chẳng có việc phải đến đây một mình.

“Từ khi Tả quân mất, bà vẫn đến đây niệm Phật luôn.” Cô hầu gật đầu, nhưng chợt có thái độ là lạ. “Tang Tả quân chưa mãn, bà không gặp người nào cả.”

“Đã đến đây thì tôi nên chào bà Hai một tiếng, đứng dưới bậc thềm thôi cũng được.” Ở Phiên An này, ngoài bọn Thái Công Triều thì y coi như chỉ quen biết thêm Vũ thị, lại chẳng mấy khi được gặp nàng ta. Bỗng nhiên trong y cồn cào một linh cảm kỳ lạ, như thể hôm nay y phải gặp nàng ta cho được.

Cô hầu ngần ngừ một thoáng, nhưng vẫn dẫn y về căn nhà trai giới nằm mé bên chùa. Gian nhà hầu như nằm lọt hẳn trong rừng nam mai, trước cửa đặt thêm mấy chậu sứ trắng nhỏ. Y đứng trong sân, chờ cô hầu báo tin. Lát sau, cô ta mở cửa đi ra, gọi y đến đứng dưới bậc thềm, rồi cẩn thận khép hờ cửa lại.

“Chị dạo này sức khỏe vẫn tốt chứ?” Y lên tiếng với cánh cửa sơn son, có thể nhìn thấy một con ong vàng đang đậu trên cửa, kêu rù rù khe khẽ.

“Nhà cậu có ổn không?” Vũ thị không trả lời câu hỏi của y. Ngược lại, câu hỏi của nàng ta làm y im lặng mất một lúc.

“Không.” Cuối cùng, y nói, hạ ánh mắt nhìn xuống bậc thềm đá. “Bác Công Du bệnh cả năm nay rồi. Bác ấy lúc nhỏ trải qua nhiều việc, lại phải long đong nhiều nơi, sức khỏe không tốt. Bây giờ gặp chuyện của anh Hy, từ lúc anh ấy bị phán án giảo giam hậu, bác ấy ngã bệnh.”

“Vậy sao? Tôi không nghe gì cả.” Giọng Vũ thị ngạc nhiên thật sự, thậm chí còn vô cùng lo lắng. Y nghe ra ý của nàng ta, liền cười.

“Nhà em không báo ra ngoài, mà các quan trấn thủ Hà Tiên cũng không cho ai được phép nói ra ngoài.” Ngừng một thoáng, y nói khẽ. “Cả anh Hy cũng không nên biết.”

“Cậu đến Phiên An chuẩn bị cho kỳ thu thẩm?” Vũ thị thở dài, nhưng không nói thêm.

Y biết, với tình hình Phiên An, thậm chí là cả Gia Định, Việt Nam hiện tại, sẽ chẳng ai có tâm trí nhớ đến những kẻ đang ngồi trong tù. Thậm chí, với cơn sóng đang nổi lên ở phương Bắc, cả đất nước này đang phập phồng nín thở không biết ngày mai sẽ ra sao. Với một Bạch Xuân Nguyên đang soi xét đào bới toàn Gia Định bây giờ, e rằng nhà tù chỉ có thêm chứ không bớt. Mạc Hầu Hy cũng biết điều đó, nên anh ta hoàn toàn chán nản buồn bực.

Nhưng nếu muốn nói, thì y mới đáng chán nản buồn bực hơn ai hết. Một năm nay, y nhận ra mình chỉ là một cậu ấm chẳng hề có chút khả năng gì, có vị thế nào trong khối quyền lực khổng lồ này. Cái khối quyền lực có thể nghiến phăng những kẻ như Trần Văn Tha, hay thậm chí kể cả bọn y, bọn Nguyễn Hựu Khôi, như nghiến qua một con kiến. Trước những cuộc chiến đang và sắp đến, y sợ, quả thật y cũng biết sợ. Làn sóng người hỗn loạn mù lòa quay cuồng trong chém giết, chìm ngập trong khói lửa mịt mù, chìm sâu dưới bảy tầng nước đại dương; những mưu toan và sự tàn ác không thể tưởng tượng nổi dưới bầu trời, tất cả trong lời kể của bác và cha y ngày càng trở nên rành rõ sống động.

Có lẽ Mạc Hầu Hy cũng đã hoảng sợ như thế, khi lần đầu tiên phải đối mặt với những tên cướp biển hung hãn dã man, khi phải nhận lãnh những vết thương chí mạng trên mặt biển mù khơi mênh mông như mộ địa. Trong sự bỏ rơi lạnh lùng cùng cực của con người. Từ đó, anh ta không còn muốn hy sinh, không còn muốn liều lĩnh hay thậm chí là thực hiện nhiệm vụ mình phải làm.

Một năm nay, y cùng Mạc Hầu Chấn, hai thanh niên duy nhất của nhà họ Mạc, phải gánh vác công việc Chánh đội trưởng mà Mạc Hầu Hy để lại, dù cơ đội Hà Tiên đã bị giải tán. Y nhìn thấy những pháo đài, đồn sở rải khắp chiều dài Hà Tiên. Y nhìn thấy những viên quan và cả những đội quân bỏ trốn. Cũng như y, họ biết chiến tranh sắp đến.

Nhưng y cùng cả nhà họ Mạc không có nơi nào để bỏ trốn. Dù bất cứ điều gì xảy ra, cũng chẳng có cơ hội nào để bỏ trốn. Với bọn y, đó không phải là lựa chọn, mà là một lời nguyền.

Ngày xưa y đã nói quá dễ dàng về việc từ quan với Mạc Hầu Hy. Ngày xưa, y chẳng hiểu những gì anh ta đã trải qua. Cảm giác như vĩnh viễn mắc kẹt trong mạng nhện, càng vùng vẫy càng rơi xuống nơi tuyệt vọng nhất. Nhìn bác Công Du và cha, y càng hiểu rõ. Bọn y là một loại công cụ chiến tranh, đời đời kiếp kiếp gắn liền với một mảnh đất tranh giành chia rẽ, đời đời kiếp kiếp mắc kẹt trong tấm mạng của định mệnh.

“Cậu trông có vẻ mệt mỏi quá. Em đem cho cậu một ly trà đi.” Vũ thị nói với cô hầu. Cô ta đi ra, đưa cho y chén trà đã lạnh. Ngồi trên bậc thềm, y cúi đầu nhấp từng ngụm hương sen đăng đắng thơm ngát, dường còn thoảng cả mùi trầm. Y nghe tiếng mõ rời rạc vọng ra từ căn điện chính, có lẽ đang chuẩn bị cầu kinh buổi chiều.

“Sau này chị định thế nào?” Không muốn nói thêm về việc nhà, y hỏi. Nghe gió đập cánh cửa lạch cạch sau lưng.

“Với tôi thì làm gì có ‘sau này’. Chắc chỉ là xây một cái am trong phủ, ngày ngày cầu kinh gõ mõ.” Vũ thị cười khẽ, giọng nói vẫn bình thản, nhưng lại khiến y im lặng mất một lúc lâu.

“Sao anh chị gả chị cho Tả quân thế?” Đây là câu mà y đã muốn hỏi ngay lần đầu nhìn thấy nàng ta.

“Cha mẹ tôi mất sớm, các anh ấy nuôi tôi lớn.” Giọng Vũ thị khẽ khàng như gió rì rào quanh gò cao, y nghe lẫn vào trong thanh âm của con ong đang bay quanh cánh cửa. “Nhà hết gạo, chẳng vay mượn ai được, các anh ấy theo người ta đi phá kho thóc, cướp của làng khác, bị săn đuổi phải trốn vào rừng. Rồi cứ thế họp nhau thành cướp, nhỏ thì chặn đường thương buôn, lớn thì phá cả phủ thành. Tả quân đến, bảo theo ông ấy sẽ có gạo ăn, ông ấy sẽ xin tha tội cho tất cả chúng tôi.

“Các anh tôi giỏi lắm, có thể điều khiển quân đội, rất được Tả quân coi trọng.” Vũ thị lại cười. “Ban đầu họ chỉ theo Tả quân đánh dẹp quân thổ phỉ, chiêu tập đám trộm cướp, làm thanh thế ở biên cương. Tôi tuy là gái nhưng chẳng có họ hàng chăm sóc nên ở chung nhà với các anh, được vợ anh Hai nuôi, đi theo quân đội Tả quân khắp nơi. Tả quân từ lâu cũng biết tôi, do tôi hay được các anh dẫn theo chơi.

“Từ khi đến Gia Định này, chúng tôi mới thay đổi. Trước nhà chúng tôi ở trong doanh trại quân, sau này chuyển về một ngôi nhà lớn riêng. Rồi Trần Nhật Vĩnh theo Tả quân đến Gia Định, bắt đầu những việc làm ăn mờ ám, dần dần ai cũng bắt chước, thấy đất Gia Định chỗ nào cũng ra tiền. Các anh tôi nói về tiền bạc ngày càng nhiều hơn, lấy thêm vợ, sinh thêm con. Rồi một ngày, họ bảo Tả quân muốn lấy tôi.” Vũ thị ngừng một lúc, rồi lại đều đặn nói. “Tất nhiên là tôi không tin. Nhưng họ bảo, Tả quân giờ là Tổng trấn, phải lấy thêm mấy người vợ mới ra dáng đại quan thống lĩnh một phương. Họ muốn tìm vợ cho ông ấy, tuy nhiên nếu đi mua chẳng biết con người thế nào, vả lại không xứng với thân phận Tả quân. Con gái nhà có thế có lực thì hẳn nhiên không muốn lấy ông ấy. Việc khó khăn như thế đành phải nhờ tôi giúp vậy.”

“Thế mà chị cũng tin à?” Y kinh ngạc bật hỏi. Tiếng cười của Vũ thị trầm sâu.

“Lúc ấy tôi còn nhỏ, vả lại cả đời chỉ biết các anh tôi. Ngày xưa tôi chỉ là một đứa con gái bé vô dụng mà họ còn mang tôi chạy khắp nơi, lẽ nào lại muốn điều xấu cho tôi? Cậu hiểu mà, người trong một nhà có khi chỉ cần nhìn họ lo lắng, mình cũng lo theo, họ buồn thì mình làm sao vui được. Lúc ấy tôi cảm thấy mình như Vương Chiêu Quân vì nghĩa mà ra đi vậy. Hóa ra là tôi xem quá nhiều tuồng kịch mất rồi.” Qua khe cửa, y thấy cái bóng nghiêng nghiêng trải dài trên sàn bất động. Vũ thị cúi đầu thì thầm. “Sau này tôi mới biết, vị trí vợ lẽ của Tả quân rất nhiều người tranh đoạt. Còn những kẻ ra vẻ đáng thương thì chỉ là đang muốn lợi dụng mình mà thôi. Các anh tôi đến tận bây giờ vẫn chẳng có chức tước gì trong quân chỉ vì xuất thân quá thấp, chẳng được mang quốc tính như Nguyễn Hựu Khôi hay là thổ hào có chút danh vọng như Đặng Vĩnh Ưng, chỉ nhờ vào tôi mà xây dựng thanh thế trong đám người ở Gia Định này.”

“Chị không giận các anh sao?” Y hạ giọng hỏi. Vũ thị vẫn về nhà ngày giỗ kị, nhìn quan hệ của nàng ta với các anh em rất bình thường.

“Tôi quen rồi.” Vũ thị quay đầu nhìn ra cửa sổ. Nắng chiều xế bóng chan hòa không gian vắng lặng. “Khi mà rất nhiều người đều nói tôi phải có trách nhiệm với họ. Có lần tôi về nhà khóc, họ họp nhau lại mắng mỏ tôi. Cả thế gian này, tôi chẳng còn đi đâu được. Đây là việc tôi phải làm, số phận tôi phải mang, trách nhiệm tôi phải gánh. Lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại.”

Con ong vẫn bay rù rù bên cửa. Người phụ nữ diễm lệ vẫn bất động bên bàn. Y nhìn cánh cửa sơn son lay động trong gió, rung đập liên tục, vọng vào tai y ong ong như nhịp điệu lặp lại của một thế gian không chốn quay đầu.

Trong nỗi xót xa bất chợt dâng nghẹn lòng, bỗng dưng y đã nghĩ: giá mà thế gian này có thể tan vỡ đi, thì đã sao?

 

Chú thích:

[1] Tương hành tạp vịnh – Văn địch của Trịnh Hoài Đức




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.