Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

17. Kinh doanh tráng chí mê như ngã
Trường An in "Minh nguyệt 1" December 24th, 2018
  1. Kinh doanh tráng chí mê như ngã, hồ thỉ sinh sơ tiếu lãng huyền[1]
    (Mê mải đuổi theo tráng chí như ta, cười cung tên ra đời uổng phí)

 

Người Gia-tô có một bức tranh gọi là “Bữa tối cuối cùng” mà y từng thấy bản sao của nó. Sau này, y nghĩ về đêm định mệnh hôm đó cũng bằng hình ảnh kỳ lạ ấy.

Hôm ấy lại là ngày giỗ kị của họ Vũ. Nhưng không như một năm trước đó phủ đệ ồn ào nhộn nhịp đến mức y chẳng hề nhớ được một khuôn mặt nào, lúc này phủ họ Vũ chỉ có khoảng hơn chục người. Và cũng chẳng có tiếng nhạc ngoại trừ đôi thanh âm rời rạc vang từ một kẻ ôm đàn búng dây trong góc, khu nhà chìm trong bầu không khí nặng nề đến như có thể cảm thấy bọn rầy nâu đập cánh quanh những chiếc đèn.

Trời chập tối, y vừa ra khỏi thành đã được bọn Thái Công Triều kéo tới phủ họ Vũ. Chỉ có đôi ba bàn tiệc bày trong khoảng sân trước nhà, khách khứa cũng loanh quanh bọn Vệ úy Tả quân trong thành.

“Ơ, chưa ăn à?” Vừa mới vào cửa, Thái Công Triều đã nhìn quanh hỏi trổng. Bữa tối chưa được dọn ra, mới bày trà nước. Vũ Vĩnh Tiền lắc đầu.

“Đang đợi anh Khôi.” Vẻ tức bực thoáng qua khuôn mặt Vĩnh Tiền. “Đến tối hẳn thì Án sát Nguyễn Chương Đạt mới có thể thả nhóm anh Khôi về nhà. Dù sao cũng không nên làm quá lộ để Bạch Xuân Nguyên biết được.”

“Tên Bạch Xuân Nguyên ấy cứ giương nanh múa vuốt, gầm gừ tưởng mình hay, chứ quản thế nào được Phiên An?” Thái Công Triều cười hà hà, kéo tay y ngồi xuống một chiếc bàn trống. “Ngay cả hoàng thượng cũng nghĩ chỉ cần tước bọn lính Tả bảo, Minh Nghĩa đi là xong, nhưng ở Gia Định này thì từ quan lớn đến bọn lính chăn voi đều về phe ta. Bảo phải nghiêm xét nhóm anh Khôi, anh Bột cái gì, chứ các anh ấy chỉ cần buổi sáng vào Hình tào xơi nước nghỉ ngơi, tối lại về nhà. Bọn Nguyễn Văn Quế, Bạch Xuân Nguyên khoác áo đại quan nghênh ngang đi lại, chẳng qua là bọn hình nhân giấy ta thổi một cái là bay.”

“Nghe nói Nguyễn Văn Quế đã xin vua phái một nhóm binh Kinh đến đây, viện cớ tập luyện phòng ngự, nhưng hẳn ông ta cũng cảm thấy nghi ngại rồi.” Vũ Vĩnh Lộc ngẩng đầu nhìn cái đèn lồng đỏ treo trên ngọn cây trong sân, chậm chạp nói. “Dù sao ông ta làm quan lớn đã lâu, không giống tên Bạch Xuân Nguyên háu đá kia. Mà cả Bạch Xuân Nguyên đang cho tháo dỡ nhà quân dân trong thành Phiên An, đuổi mọi người ra khỏi thành, chắc hắn cũng có cảm giác không tốt.”

“Một tên điên như hắn thì có cảm giác gì!” Một người ngồi trong bàn của anh em họ Vũ mà y biết là Vệ úy Lâm xạ Dương Văn Nhã phì ra một tiếng khinh miệt. “Hắn nói thành này vốn là căn cứ phòng ngự, các doanh trại quân chỉ là nhà xây cho việc quân. Dân vào họp chợ buôn bán cho quân trong thành thì đến tối phải đi ra. Tả quân làm việc không ra sao, khiến cho thành Phiên An làm nơi sống lẫn cho cả đám người, ngang nhiên chiếm đất xây nhà trong thành, khiến thành không khác gì cái chợ. Hắn đem luật ra bắt tháo dỡ tất cả nhà cửa, đuổi sạch người trong thành ra ngoài thì cũng ai làm gì được hắn? Hắn chỉ chăm chăm soi lỗi sai của người khác, dùng chúng để thóa mạ họ. Tính cách này giống hệt ông chủ hắn, đúng là một giuộc như nhau!”

“Nói đến ‘ông chủ hắn’, thì tôi vừa nghe Nguyễn Đức Nhuận đã bị cách lưu rồi.” Vũ Vĩnh Lộc vẫn dùng giọng trầm sâu từ tốn mà nói, đưa mắt nhìn về cái bàn dưới bóng cây. Trong ánh lửa nhập nhoạng, y nhìn thấy gương mặt Nguyễn Hàm sắt lại rắn đanh. “Từ cuối năm vừa rồi, nghe nói thiên tai liên tiếp xảy ra ở Bắc Kỳ. Ba tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định bị nặng nhất, người chết đói rất nhiều. Tất cả quan coi việc ở ba tỉnh ấy đều bị giao cho bộ Lại xét xử. Nguyễn Đức Nhuận làm Tuần phủ Hưng Yên, vừa mới dâng sớ nói về việc xử lý phát chẩn thì ngay lập tức bị cách lưu.

“Nguyễn Đức Nhuận là người Tả quân đề bạt, cũng chính là ‘bạn thơ tri kỷ tri giao’ của cậu Cả nhà Trung quân đấy.” Vũ Vĩnh Lộc nhếch mép như cười mà không phải cười trước vẻ mặt của Nguyễn Hàm. “Mà cũng phải nói, Tổng đốc Hà Ninh Nguyễn Kim Bảng là người được Hậu quân Lê Chất đề bạt. Hay sao bọn họ đều bị tội một lượt. Bây giờ Nguyễn Đức Nhuận được sai đi đánh bọn Lê Duy Lương rồi, hẳn cũng là cách thăm dò anh ta. Nếu lỡ có sai phạm gì, Nguyễn Đức Nhuận khó mà giữ được đầu.”

“Hoàng thượng vẫn phải dùng người của Tả quân chẳng qua vì không tìm được sai phạm nào của họ. Một khi người rơi rụng dần, thế lực yếu đi, sẽ không thiếu kẻ giậu đổ bìm leo đi tố đủ loại tội đâu, chả cần đến chuyện đánh Lê Duy Lương.” Thái Công Triều cười nói như thể chuyện phiếm. Nhưng người xung quanh anh ta đều im lặng. Thấy thế, Thái Công Triều quay về phía Nguyễn Hàm, cười ha ha. “Hóa ra ông con nuôi nhà cậu Hàm làm được một cuộc báo phục hoành tráng đấy! Cầm dao thì chỉ giết được một hai người, tố nhảm cũng chỉ hạ bệ được đôi ba kẻ. Phù trợ hoàng thượng nắm binh quyền, rồi có thể tận diệt được toàn bộ phe đối địch, không chừa một kẻ nào!”

Toàn bộ người trong sân dường cảm thấy câu nói của Thái Công Triều chẳng có gì đáng cười. Họ im lặng uống cạn chén trà trong tiếng đàn bập bùng của người ngồi ở góc sân. Một lúc sau, nghe tiếng ồn ào đầu ngõ, Nguyễn Hựu Khôi cùng một nhóm người khác vào phủ, y thấy cả một người Tây dương và một người Thanh.

“Anh Khôi về rồi ạ.” Vũ Vĩnh Tiền đứng lên chào, gọi người trong nhà bày bàn tiệc. Nguyễn Hựu Khôi trông có vẻ lầm lì hơn lần y gặp năm trước, râu tóc cũng không cạo, im lặng ngồi xuống bàn cạnh anh em họ Vũ.

Vũ Vĩnh Tài đưa chén rượu tận tay ông ta, cười nói.

“Dạo này anh em hiếm khi có dịp gặp nhau, phải no say một bữa. Anh Khôi uống một ly tẩy trần cho hết xui xẻo đi.”

“Uống một ly có thể đuổi được Bạch Xuân Nguyên đi sao?” Nguyễn Hựu Khôi cầm chén rượu, nhướn mày. Có vẻ buổi sáng ông ta đã gặp chuyện rất không vui.

“Anh không cần phải lo lắm đâu. Lệnh hoàng thượng chuyển anh cho ty Án sát xét xử, mà Án sát Nguyễn Chương Đạt hầu như là người của ta còn gì.” Vũ Vĩnh Tiền khoát tay. “Trong vụ ván gỗ có ba người phạm tội, anh với anh Bột là Phó Vệ úy, chỉ có Hồ Văn Triệu là Vệ úy Tả bảo nhất. Có gì cứ lập án đổ hết tội cho Hồ Văn Triệu là xong, ông ta chức vụ quyền hạn đều cao hơn bọn anh.”

“Ta không có thói đối xử với anh em như thế!” Nguyễn Hựu Khôi cau mày, gằn giọng. “Dù không thân thiết thì Hồ Văn Triệu vẫn là người trong Tả quân bao lâu nay, vì một tên điên Bạch Xuân Nguyên mà bán đứng anh em đồng đội sao?”

“Cứ lôi nhau chết chùm thì đến Án sát cũng không thể nào giúp bọn anh được đâu.” Thái Công Triều lên tiếng, gắp lấy một miếng thịt trong đĩa vừa được đưa ra. “Lỗi phải có người chịu, tội phải có người gánh. Đến Trấn phủ Phiên An Trần Hữu Thăng chỉ vì không bắt được tên Chà Và nào còn bị giáng luôn làm lính, Hiệp trấn Hà Tiên Nguyễn Hựu Dự ăn được mấy đồng giờ ngồi trong tù. Bọn anh chỉ là Vệ úy mà vượt quyền làm chuyện trái phép, tội phải gấp đôi ba. Nghe ở Bắc Kỳ có tên lại thuộc sửa ống đong gạo để gian lận bị chém đầu, lấy xương sọ treo lên trước cửa nha thị chúng rồi đấy.”

Gương mặt Nguyễn Hựu Khôi càng tối sầm. Im lặng một lúc, ông ta đấm tay xuống bàn, làm chén rượu chưa hề uống lăn xuống đất vỡ tan.

“Tên Bạch Xuân Nguyên khốn kiếp!” Nguyễn Hựu Khôi gầm gừ trong cổ, nói như muốn nhổ cái tên ra khỏi miệng.

“Bạch Xuân Nguyên chỉ là tay sai, từ khi bọn chúng đến Gia Định, có ai an lành đâu.” Người Tây dương ngồi cùng bàn Nguyễn Hựu Khôi chợt lên tiếng, tay làm dấu thánh nhỏ. “Sự bách hại càn quét từ Bắc xuống Nam, không ai tránh thoát.”

“Cố Du vừa về Phiên An đấy à? Ăn mặc khác quá làm tôi không nhận ra.” Thái Công Triều nghiêng đầu sang, vừa nhồm nhoàm nhai vừa vui miệng hỏi. “Nghe nói ở Trực Kỳ đang cho dỡ nhà thờ rồi?”

“Là xã Dương Sơn ở ngay cạnh kinh thành vừa được cha Phan Văn Kinh cải đạo, đã có kẻ báo lên. Cha Phan Văn Kinh trước bị tội giảo giam hậu, sau bị đưa vào làm lính ở Thừa Thiên, lý trưởng bị bắt đi sung quân tại Trấn Ninh. Nhà thờ bị dỡ bỏ hết. Lính ở trong làng bị phát phối đi Thanh Hoa, Quảng Ngãi. Sau này lính trong vệ Loan giá theo đạo cũng bị bắt trị tội. Chúng gây sức ép đến nỗi dân ở phường Nam Dương Tây, Quảng Trị phải tình nguyện bỏ đạo.” Người Tây dương được gọi là cố Du buồn bực nói. “Từ thời Thế Tổ đã cho lệnh cấm xây thêm nhà thờ, giờ triều đình lấy cớ ấy để trừng phạt người phạm luật. Hiện tại mới chỉ phạt tội quan chức binh lính, nhưng gây sức ép, dọa nạt nơi nơi, bức dân phải bỏ đạo. Các Tuần phủ, Tổng đốc vừa được lệnh kêu gọi giáo hóa, trước triệt bỏ nhà thờ, sau cấm dân tụ tập truyền đạo. Giả nhân giả nghĩa bảo không được bắt nhiễu dân chúng, nhưng ai tự dưng theo chúng!”

“Tôi nghĩ việc cũng tại các ông thôi. Mấy năm trước hoàng thượng gọi ông đến làm thông dịch Hành nhân ty, cũng là quan thất phẩm đường đường[2]. Các ông lại tố khổ với Tả quân, làm sức ép để rời khỏi Phú Xuân.” Thái Công Triều vừa khua đũa vừa nói, bất chấp nét mặt của cố Du kia. “Người đạo các ông mấy trăm năm nay gây bao nhiêu chuyện trong vùng, phù trợ Tây dương đánh chiếm hết các quốc gia ở Nam Dương, bây giờ lấn đến tận Miến Điện rồi, ai mà không lo cho được? Các ông ở trong triều làm việc để hoàng thượng yên tâm, cho người dưới đi truyền đạo, thế có phải đã tốt không? Bây giờ ôm vào cái danh ‘phe phái của Tả quân’, lấy Tả quân đe dọa hoàng thượng, không biết còn mưu đồ bất chính gì khác nên mới phải chạy trốn, lẩn lút khắp nơi làm chuyện mờ ám. Thế lực thì lớn mà muốn tự do làm theo ý mình, phù trợ kẻ địch của hoàng thượng, ngang nhiên chống đối. Không nói đến nhà vua nghi thần nghi quỷ kia, đến tôi cũng phải ngờ vực. Giờ ông muốn tốt thì chạy về Kinh ngoan ngoãn làm thông dịch, thiên hạ sẽ thái bình ngay.”

“Ta không làm tay sai cho những kẻ như thế.” Cố Du sa sầm mặt, nói như nghiến qua kẽ răng. “Một hai gọi chúng ta là tà đạo, nói kẻ theo đạo là bọn ngốc, những gì chúng ta tin là hoang đường ngớ ngẩn, bài bác cười nhạo từ thiên đường cho đến thuyết sáng thế. Đã vậy còn muốn lợi dụng chúng ta dịch sách, thông ngôn, dạy tiếng. Dạy tiếng cho chúng để chúng tìm đến bọn vô thần báng bổ lùng giết chúng ta như ở Phú Lang Sa à?”

“Ừm, có người yêu thì cũng phải có người ghét, đúng không? Các ông ngứa mắt hoàng thượng, hoàng thượng cũng ngứa mắt các ông. Chừng nào người ta không làm gì mình thì thôi. Các ông truyền đạo bắt người ta phải phá bàn thờ, bỏ tiên tổ, bài bác thần linh của người thì được, sao lại cấm người khác ghét thiên đường của các ông?” Thái Công Triều nhét một miếng rau cải vào miệng, khoát tay nói. Cố Du trừng mắt nhìn anh ta, rồi đột ngột đẩy ghế, đi khỏi phủ. Người trong sân không ai gọi ông ta lại.

“Kệ ông ta đi.” Thái Công Triều cúi đầu húp canh, nói mà không liếc mắt sang. “Theo chia rẽ phe phái thần linh mà đánh nhau là chuyện nhảm nhí điên rồ của bọn Tây dương. Ở đây chúng ta mới chỉ có một tên điên Bạch Xuân Nguyên đã muốn phát rồ.”

“Thật ra ông ấy nói đúng một chuyện: Chẳng có ai vừa lòng với hoàng thượng cả.” Người Thanh vốn im lặng uống rượu ở một góc bàn chợt nói. “Người Gia-tô, người Thanh, kể cả các giống người Thổ. Tôi làm ở Hành nhân ty, thường nghe họ than rằng làm việc với các nhóm dân giờ quá khó khăn. Ai cũng than thở về đủ loại lệnh kiểm soát mà hoàng thượng đặt ra. Bây giờ còn ra lệnh đặt đồn điền, lính Gia Định trốn đến bảy, tám phần rồi.”

“Đúng vậy, việc không chỉ nằm ở mỗi một tên Bạch Xuân Nguyên!” Nguyễn Hựu Khôi nghiến răng nói. “Cả cái triều đình Phú Xuân là một bọn điên rồ nhiễu sự y như Bạch Xuân Nguyên, quyết phải ép chết người khác mới nghe, không để cho ai sống yên.”

“Vậy các anh cứ tạo phản lật đổ triều đình được đấy.” Thái Công Triều cười ha ha, nói như thể chuyện phiếm. “Toàn bộ quân khí của Gia Định đang nằm ở Phiên An chờ phân phối. Vừa rồi để chống quân Xiêm, Tả quân cho làm hỏa khí cực mạnh lẫn tàu lớn, thuyền trận lưu ở Phiên An. Dùng chúng chiếm lấy cả Gia Định dễ như trở bàn tay. Rồi có thể như Thế Tổ năm xưa, lấy Gia Định làm căn cứ chiếm toàn Việt Nam.

“Các người xem, thứ gì Thế Tổ có thì chúng ta cũng có tất. Uy tín với người Gia Định, quan hệ với người khắp Nam Bắc, thành Phiên An, đất Gia Định, thậm chí cả nhóm Gia-tô, Thanh, Xiêm La, chỉ cần gọi một tiếng là có người hỗ trợ. Thế Tổ hay nói năm xưa chỉ dùng một dúm đất Gia Định lấy được cả đất nước, là thế mà thôi.” Thái Công Triều vung vẩy cái đùi gà trên tay, hào hứng nói. “Mà nghe ở phương Bắc đang loạn to. Ba tỉnh Bắc Kỳ đói kém suốt từ năm ngoái, người tha phương chết đói đầy đường. Nghe bảo toàn bộ kho thóc, lương tiền của các tỉnh đã phát hết, hoàng thượng phải lấy thóc từ Kinh đem ra Bắc Kỳ. Như vậy cả kinh thành cũng không còn dư dả gì nữa. Trong khi đó bọn Lê Duy Lương vừa nổi lên đã kêu gọi được hàng ngàn người, từ Thanh Nghệ cho đến tận Bắc Ninh, đánh thành phá phủ khắp nơi, đến Thự Thượng thư Binh bộ Lê Văn Đức cũng phải đích thân đi làm Tham tán đánh dẹp rồi.”

“Đúng vậy, Bắc Kỳ nghe nói khó khăn lắm. Nguyễn Đức Nhuận vừa rồi bị cách lưu vì xin đem thóc trong kho ra phát chẩn toàn bộ, bị hoàng thượng mắng là kho chỉ có một vạn tiền thóc, liệu phát được hết cho người dân không.” Vũ Vĩnh Lộc âm trầm tính toán nói. “Tổng đốc Hải Dương nói người dân tỉnh khác tới kiếm ăn đến gần ba vạn, tiền và thóc trong kho tỉnh ấy đã sắp hết rồi. Thóc trong các kho Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định chắc cũng đã hết, nên mỗi tỉnh phải lấy một vạn quan tiền ra phát, trong Kinh chở ra hai vạn phương gạo nữa. Nhìn tình hình này, nếu bọn Lê Duy Lương kéo dài được cuộc chiến, đến Phú Xuân cũng chẳng còn thóc gạo cho quân đi đánh.”

“Nên anh Khôi cứ an tâm. Số anh phúc lớn mạng lớn, đám quan Phú Xuân sẽ phải rút hết về thôi. Nguyễn Văn Quế xin quân đấy mà hoàng thượng có cho đâu.” Thái Công Triều vẫn cười hà hà, đưa mắt nhìn quanh sân, nâng ly hướng về Nguyễn Hựu Khôi. “Uống một ly cho may mắn nào!”

Tiếng cười của Thái Công Triều phần nào xua bớt bầu không khí tăm tối trong sân. Mọi người lục đục nâng ly chúc Nguyễn Hựu Khôi, trở lại với bàn tiệc. Uống được vài tuần, Nguyễn Hựu Khôi chợt nheo mắt nhìn người đang chơi đàn trong góc sân, vẫy tay.

“Ngươi lại đây uống một ly.” Ông ta tự tay rót rượu sang chén bên cạnh, đưa cho người đàn ông chơi đàn. Trong ánh lửa sáng, y nhận ra đó là một người trạc gần tứ tuần, mày râu nhẵn nhụi, mắt dài môi mỏng trông có vẻ thanh nhã.

“Cám ơn Phó Vệ úy.” Đưa hai tay nhận chén rượu, người đàn ông cười nói. Nguyễn Hựu Khôi đập đập tay xuống ghế bên cạnh ra dấu cho anh ta ngồi xuống cùng ăn. Người hầu trong nhà hiểu ý lấy ra một bộ chén đũa khác.

“Từ dạo Tả quân mất, ta chưa nhìn thấy ngươi.” Nguyễn Hựu Khôi nói ra chiều thân thiết. “Nghe nói Nguyễn Văn Quế, Bạch Xuân Nguyên chiếm dinh Tả quân, giải tán đoàn hát, đuổi tất cả mọi người đi rồi?”

“Nhà chúng tôi ở trong thành cũng bị dỡ bỏ. Mọi người xao xác, một phần vì còn đang tang Tả quân nên ít ai tới tìm chúng tôi diễn, chúng tôi chỉ đành họp nhau ở trong một ngôi nhà gần cầu Cao Miên.” Người đàn ông nói bằng giọng chẳng rõ cảm xúc là gì. “Nghe bảo ở kinh thành thì hoàng thượng không ưa bọn đàn ca con hát, chẳng rõ đã định luật gì cho chúng tôi chưa.”

“À, có đấy. Mấy năm trước ta đã nghe thấy luật cấm quan lại đến kỹ viện nhà thổ. Từ quan cho tới các cậu ấm thừa tự nhà quan đi lại xóm Bình Khang đều bị lôi ra đánh trượng nát mông. Giám sinh, sinh viên thì lập tức bị đuổi về làm dân, cấm không cho thi thố gì nữa.” Thái Công Triều lập tức nhanh nhảu xen vào. Nhác thấy thái độ của người đàn ông, anh ta liền lấp liếm ngay. “Từ thời Thế Tổ, thuộc hạ Định Viễn công dụ dỗ người ta đi làm con hát, Thế Tổ cũng đã nọc anh ta ra đánh một trận tơi bời. Thế Tổ qua đời, Định Viễn công có lần gọi thợ đi chế mũ áo con hát, chắc hẳn anh ta rất có hứng thú với kịch tuồng. Hoàng thượng biết chuyện gọi đến mắng, đánh thuộc hạ của phủ vì tội không biết can ngăn, còn đặt cả người để coi chừng công. Diên Khánh công, Kiến An công cũng từng bị tội vì đi bắt con hát.

“Ngươi ở Gia Định chắc không biết, phường Du Xuân bị đổi thành ca công nhưng vẫn giữ nguyên được số người, không bị đưa vào sổ dân chịu sai dịch là nhờ có Tả quân. Chứ còn ở Hà Nội, Giáo phường bị rút từ ba trăm xuống một trăm, Giáo phường Thanh Hoa từ hai trăm xuống tận năm mươi người. Tất cả bị loại bỏ khỏi lệ biệt nạp, không còn việc hát chầu ngày lễ công, chỉ có thể ôm đàn vẽ mặt đi hát ở mấy đoàn lang thang, vào xóm Bình Khang.” Thái Công Triều tặc lưỡi. “Có vẻ các hoàng tử anh em làm hoàng thượng chán ghét việc nuôi con hát, gây chuyện khắp nơi rồi. Trước là cắt giảm ca kỹ đàn hát cho cung triều, sau hẳn là dòm ngó đến bọn hát hò trong các phủ đệ ngay thôi.”

“Chúng tôi là phận bị khinh rẻ, may nhờ có Tả quân thương tình mới sống đến được ngày hôm nay, thật chẳng biết ngày sau thế nào.” Người đàn ông kia thở dài, ngậm ngùi nói. Nghe câu nói, gương mặt Thái Công Triều đột nhiên chuyển biến thành một thái độ kỳ lạ, anh ta liền cúi xuống uống rượu, che giấu nụ cười sau vành ly.

Nguyễn Hựu Khôi đột ngột vỗ bàn, đứng dậy quát lớn.

“Ta chịu đựng không nổi nữa!” Vẻ mặt ông ta bừng bừng giận dữ, đỏ gay không biết vì rượu hay vì nổi nóng. “Vì một tên Bạch Xuân Nguyên mà chẳng ai sống ra hồn! Rồi cả đời chỉ nơm nớp lo sợ, bị bọn chúng đè đầu cưỡi cổ, không coi ra gì, các người xem có sống nổi hay không?”

“Anh say rồi.” Vũ Vĩnh Lộc đảo mắt quanh đám đông, đến ôm vai Nguyễn Hựu Khôi ấn xuống ghế. Người ca công bên cạnh cũng nhanh chóng nói mấy lời xoa dịu. Nguyễn Hựu Khôi uống thêm vài ly rồi cáo từ đi ra nhà sau, viện cớ cần nghỉ ngơi.

Ăn vội hết bữa tối, y cùng bọn Thái Công Triều và Nguyễn Hàm về nơi ở vốn chung một khu. Khi ấy, trăng cũng mới vừa lên đến ngọn cây.

“Cậu Hy thế nào rồi?” Trên đường, Nguyễn Hàm bỗng lên tiếng hỏi. Y thở dài.

“Qua kỳ thu thẩm mà chưa có phán quyết gì thêm, anh ấy rất nóng lòng. Tâm trạng anh ấy dạo này xuống lắm.” Nói đúng hơn, đến hiện tại thì Mạc Hầu Hy còn không buồn trò chuyện với y. Ở trong gian nhà tù, anh ta chỉ ăn và ngủ, nhưng mắt trũng sâu, da tái xám lại. “Không ai mắc án tử chờ thi hành mà vui được cả.”

“Do tên điên Bạch Xuân Nguyên không biết dở chứng lúc nào.” Nguyễn Hàm nói, đưa mắt nhìn đống gỗ khổng lồ chất cao ngất quanh thành. Từ sau án lấy trộm gỗ của Nguyễn Hựu Khôi, Bạch Xuân Nguyên bắt nộp toàn bộ số gỗ đã lấy về. Đống gỗ này chắn cả mấy cổng thành, khiến trong ngoài đều bức bối chật chội. Ánh mắt Nguyễn Hàm càng tăm tối hơn. “Trước hắn là thuộc hạ của Tả quân mà ngày nay quay ra không còn chút tình nghĩa gì. Chủ tớ bọn hắn đều là bọn khốn kiếp!”

“Chủ tớ nào thế?” Nghe giọng Nguyễn Hàm, y đâm thắc mắc. Thái Công Triều ở một bên phì cười.

“Nguyễn Trương Hiệu, trước là người của Nguyễn Hựu Nghi môn khách Tả quân, bây giờ đã nhanh chóng vẫy đuôi với chủ mới là Bạch Xuân Nguyên.” Hất nhẹ cằm về phía Nguyễn Hàm, chẳng hiểu sao anh ta vẫn toe toét cười. “Mà Nguyễn Trương Hiệu cũng chính là kẻ tố cáo cha con Trung quân, hại họ nhà tan cửa nát.”

“Ở kinh thành, Lê Văn Đức sẽ không tha cho Nguyễn Đức Nhuận đâu.” Nguyễn Hàm chợt nói, môi anh ta nhếch lên trong nụ cười kỳ lạ. “Nhưng bọn khốn cắc ké như Nguyễn Trương Hiệu mới là đứa không ai giết được. Hắn chỉ cần lắc mình chạy trốn vào bóng các ông lớn, thế là chẳng ai có thể đụng tới.”

“Không phải chẳng đụng tới được, mà vì một tên khốn nhãi nhép như thế mang tội thì có đáng không?” Thái Công Triều lắc đầu. Nguyễn Hàm hừ khẽ.

“Vì ai cũng nghĩ thế nên hắn mới còn sống đến giờ này, dựa bóng Bạch Xuân Nguyên đi hạch hỏi mọi người, dọa nạt vơ vét. Bạch Xuân Nguyên chỉ nhìn thấy tội của người khác, có nhìn xuống kẻ dưới chân mình không? Hắn chửi mắng người mờ tối nhưng lại thu nhận một thuộc hạ như Nguyễn Trương Hiệu, rồi tự cho rằng mình sáng suốt.” Nguyễn Hàm vẫn đều đặn bước đi, chỉ có đôi mắt anh ta ngập trong bóng tối. “Có nhiều khi, chỉ để bắt một con giun mà phải đào cả cái cây lên vậy. Ai bảo cây đi làm chỗ che chở cho bọn sâu mọt. Rồi cái cây cũng thành ổ sâu mọt mà thôi.”

 

Chú thích:

[1] Lữ thứ hoa triêu của Trịnh Hoài Đức

[2] Thực lục, tháng 7 năm 1827: Bổ người Tây dương là Phú Hoài Nhân làm Chánh thất phẩm thông dịch ty Hành nhân, Tây Hoài Hoa và Tây Hoài Hoá làm Tòng thất phẩm thông dịch ty Hành nhân, mỗi tháng cấp cho mỗi người 20 quan tiền, 4 phương gạo lương, 1 phương gạo trắng, sai phủ Thừa Thiên trông coi, cấm không được ra ngoài dạy học trò để truyền giáo.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.