Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

16. Uẩn tạ phương tâm tuyết lý mai
Trường An in "Minh nguyệt 1" December 20th, 2018
  1. Uẩn tạ phương tâm tuyết lý mai, nại hàn hữu đãi vị khinh khai[1]
    (Lòng thơm như mai vùi trong tuyết, chịu lạnh đợi chờ chẳng dễ mở khai)

 

“Hỏi thật, chuyện tàu thuyền Xiêm bị đánh thuế hàng trăm quan ở Hà Tiên ấy, vốn là việc dưới thời Võ Du làm Hiệp trấn, đúng không?” Chỉ trong một cái chớp mắt, Thái Công Triều đã đổi giọng, nheo mắt nhìn y. “Nhưng hắn ta được chuyển đi cùng lúc với Trần Nhật Vĩnh, để Nguyễn Chương Đạt thay vào, nhận tội bị giáng liền bốn cấp. Hà Tiên liền biên giới cùng Chân Lạp, giao thương với Xiêm La, bọn Nhật Vĩnh vơ vét của người Phiên đem đi bán lại, hẳn phải dùng cảng biển Hà Tiên chứ không thể dồn tất cả ở Phiên An để Tả quân nghi ngờ. Cửa Ba Thắc thì mấy năm nay bị kiểm soát gắt gao do chuyện Xiêm La.

“Võ Du đang làm Thị lang Hình tào ở Gia Định, việc tâu chuyện cơ yếu khi quân Xiêm lấn sang biên giới do Tả quân sai hắn về Kinh báo, chuyện kinh lược thám sát Chân Lạp thì là do Tả quân sai hắn đi làm, cho thấy Tả quân vốn vô cùng tin tưởng hắn. Chuyện Nguyễn Văn Thoại sai người làm việc riêng vừa rồi cũng do chính Tả quân nghe Võ Du nói mà báo lên. Là Võ Du nhanh nhảu chạy đi lấy lòng chủ mới, bỏ đá xuống giếng, hay là y nói thật mà vua Chân Lạp một lòng e sợ không dám nhận tiền bồi thường, thoái thác cho qua? Mà nếu Võ Du nói thật, thì moi lại tội lỗi của một người đã chết để làm gì? Có mà tội của kẻ sống nhiều hơn nên muốn đẩy sự chú ý đi thôi.” Thái Công Triều vẫn hăng say nói, rồi quay sang y đang ngẩng đầu nhìn con chim sẻ vừa đập cánh bay qua. “Cậu Mạc có biết hắn làm gì ở Hà Tiên không?”

“Không, bác tôi chỉ lo việc giao thiệp với Xiêm La, chẳng hề can dự đến chuyện của các Hiệp trấn. Nên ông ấy mới bị hoàng thượng cách chức vì yếu đuối vô năng, không quản nổi Hà Tiên đó thôi.” Y trả lời, bụng lại thầm tiếc Võ Du bị cách chức Hình tào Gia Định do tâu nhảm, bằng không y đã có thể tới tìm ông ta. Tốt xấu gì chuyện của các quan ở Hà Tiên hẳn bác y cũng biết một ít, dùng lấy cứu người cũng là có thể.

Đối với câu hỏi của Thái Công Triều, trong đầu y chỉ có một ý nghĩ: cả đám người đâm đầu hại nhau chết sạch, chẳng cần đến vị hoàng thượng nơi xa ngàn dặm kia phải tự ra tay. Đúng là cách con người làm với Ông Kẹ.

Thấy thái độ của y, Thái Công Triều bỗng nhiên thở dài, vỗ vai y mà hạ giọng ra chiều thân thiết.

“Tôi biết họ Mạc ở trong thế khó, chỉ muốn tự bảo toàn lấy thân, nhưng không quan tâm đến chuyện thế sự cũng chẳng phải là cách hay. Người tự cho mình là thanh cao, lại không biết bị kẻ tiểu nhân ám hại lúc nào, rồi cứ ôm lấy sự thanh cao của mình mà chết trong bùn lầy. Năm xưa ông Ngô Nhân Tĩnh bị người cáo nhảm chuyện tham tang ở Chân Lạp, Tả quân báo lên mà không hề có chứng cứ gì. Chuyện xảy ra ngay sau khi Nguyễn Văn Thoại đến Chân Lạp nhận chức Bảo hộ. Vì vài lời nói nhảm mà không thể biện bạch cho bản thân, ông Ngô Nhân Tĩnh uất ức bệnh mất, khi chết vẫn oán trách kẻ đưa chuyện hại ông ấy – là đang nói Tả quân hay Nguyễn Văn Thoại đấy? Mối thù oán của Trịnh Hoài Đức và Tả quân không phải ngày một ngày hai, lại càng chẳng phải chỉ vì mấy cái họ vua. Năm ấy ông Ngô Nhân Tĩnh bị người hại, qua đời mà còn chẳng được phong xứng với công lao, chết trong sự ghẻ lạnh của toàn Gia Định lẫn triều đình, chẳng qua chỉ vì cái miệng của hai trọng thần.

“Khi đó quân Xiêm La cũng vừa gây hấn ngoài biên, vua Chân Lạp mới được đưa về, sắp xếp lại nước Chân Lạp trống rỗng, không tiện làm mất lòng hai kẻ làm được việc ở biên ải, Thế Tổ đành vứt bỏ Ngô Nhân Tĩnh. Tả quân với Hậu quân suốt ngày khinh rẻ bọn Trịnh Hoài Đức chỉ là kẻ học trò chẳng làm gì được ai chính vì lẽ đó, mà đây cũng là lẽ đời.” Thái Công Triều bỗng lại cười lục khục trong cổ. “Mấy năm sau, đến lượt Trịnh Hoài Đức xuống làm Hiệp trấn Gia Định, lôi ngay ra được Bảo hộ Lưu Phước Tường khi trước làm Trấn thủ Vĩnh Thanh tham tang đến hàng vạn. Án ấy chưa xử xong, lại tiếp tục thấy Bảo hộ cho thuộc hạ đi nhũng nhiễu dân Phiên, Lưu Phước Tường phải tội chết. Mà Lưu Phước Tường năm xưa là người cùng đi làm việc ở Vạn Tượng với Nguyễn Văn Thoại.

“Án của Lưu Phước Tường ở Vĩnh Thanh, vốn là xảy ra trong thời Tả quân làm Hiệp trấn Gia Định, Nguyễn Văn Thoại làm Bảo hộ Chân Lạp. Cho nên mấy năm sau nữa, án của Hoàng Công Lý chẳng biết là đang nhắm vào ai đâu. Chỉ biết do dân Phiên nổi loạn, hoàng thượng phải phái Tả quân đến dẹp yên, rồi nhanh chóng rút Trịnh Hoài Đức về Phú Xuân. Đến khi vợ Trịnh Hoài Đức chết, ông ấy đổ bệnh nặng ở Phú Xuân mà xin mãi hoàng thượng cũng không cho về Gia Định, tới tận khi triều đình triệu Tả quân về Phú Xuân bàn chuyện, Trịnh Hoài Đức mới có thể quay lại Phiên An[2]. Cho đến cuối đời, Trịnh Hoài Đức không thể nào về Gia Định được nữa. Quả thật thời loạn là đất của bọn võ biền tướng lĩnh, dùng tay nắm cả giang sơn, chết sống do bọn ấy định đoạt cả. Quan lớn thì sao mà ngay cả hoàng thượng cũng đã thế nào, đúng như Lê Chất nói ‘vào triều giẫm chân một cái là bọn ấy mất vía’.” Thái Công Triều cười ha ha, lại vỗ vai y một cái. “Hà Tiên là nơi biên thùy quan yếu lại nhiều việc, không phải dẹp giặc biển Chà Và thì cũng phải giao thiệp với Xiêm La, Chân Lạp, năm xưa ông Mạc Công Du vẫn thường đi sứ luôn. Cậu Mạc Hầu Hy mấy năm trước không may gặp chuyện bất ngờ chứ chuẩn bị cẩn thận, chém được mấy cái đầu giặc biển là có thể thăng chức ngay, đâu đến nỗi bị tình cảnh như bây giờ. Họ Mạc thay vì bo bo giữ mình thì thu nhận thêm thuộc hạ, rèn luyện thêm binh thuộc, chẳng những khi có việc thì lập được công mà lúc bình thường cũng chẳng cần phải sợ sệt ai. Mình tự lo được vận mệnh của mình, chẳng tốt hơn sao?”

“Phủ họ Vũ đông quá.” Y nghiêng đầu nhìn cổng phủ đệ đông kín ngựa xe võng lọng mà nói. Chỉ nghe Thái Công Triều lải nhải một lúc, bọn y đã tới được phủ họ Vũ ở ngoài thành. Ở khoảng cách này, y đã nghe tiếng nhạc vọng ra. Phong tục miền Nam mời các đoàn hát đến vào dịp lễ tiết, buổi giỗ kị của nhà họ Vũ trông như tiệc tập họp người quen của anh em nhà này.

“Để tôi dẫn cậu đi gặp trực tiếp anh em họ.” Thái Công Triều hào hiệp nói, kéo y vào phủ, chỉ cần gật đầu với hai người coi cửa đã có thể đi suốt đến hậu viện. Vừa vào sân sau, Thái Công Triều đã gọi lớn. “Vĩnh Tiền, Vĩnh Lộc có nhà không?”

“Anh Công Triều ạ?” Một thanh niên đang ngồi trong nhà đi ra, thấy bọn y liền cười nói. “Hai anh ấy đang ngồi tiếp khách bên ngoài, anh không thấy sao?”

“Vĩnh Tài đấy à, không sao, em ở đây là tốt rồi.” Thái Công Triều nắm vai y đẩy tới, phác tay. “Cậu Mạc ở Hà Tiên đến muốn hỏi thăm nhà em, cũng có chút chuyện muốn bàn, nhưng ở ngoài đông đúc quá. Em cho cậu ấy ngồi ở đây một lát, đợi anh em rỗi việc rồi bàn chuyện sau.”

“À vâng, nhưng…” Thanh niên tên Vũ Vĩnh Tài không hiểu sao hơi ngập ngừng, liếc mắt vào trong nhà. Tấm màn trúc che cửa nhà bỗng lay động, tiếng một cô gái trẻ vọng ra.

“Cậu Mạc Hầu Diệu đấy à? Mời cậu ấy vào đây.” Một cô hầu trẻ đi ra vén màn, khiến y thấy người đang ngồi phía trong.

“Chị!” Y toét miệng cười, bất chấp cả Thái Công Triều lẫn Vũ Vĩnh Tài mà phóng vào trong nhà. Cô gái y trang lộng lẫy trông chỉ trạc tuổi y bỏ miếng trầu đang têm xuống, vừa cười vừa cau mày.

“Cậu bảo tết về lại Phiên An để tôi dẫn cậu đi ngắm hoa mai, thế mà mất hút.” Nàng ta nói khi y cúi mình làm lễ quấy quá. Y vội ngẩng lên, nhanh nhảu thanh minh.

“Năm ngoái biên giới có việc, đầu năm nay là chuyện tiễu Chà Và, hoàng thượng bảo nhà họ Mạc cử người sang Xiêm La thám thính. Chọn qua chọn lại, cuối cùng anh Hầu Hy đi, còn em phải ở nhà trông coi công chuyện. Mấy năm nay, ở Gia Định không ai rỗi việc cả.”

“Hay cho câu ‘ở Gia Định không ai rỗi việc cả’. Thế hôm nay cậu đến đây có việc gì?” Cô gái liếc mắt qua Vũ Vĩnh Tài và Thái Công Triều đang đứng ngoài cửa, ra hiệu cho họ vào ngồi trong nhà. Cô hầu đưa tới một chiếc ghế cho y ngồi cách sập của cô gái hai, ba bước chân.

“Em biết cậu Mạc à?” Y chưa trả lời, Vũ Vĩnh Tài chợt lên tiếng hỏi. Vũ thị gật đầu không nói, y lại phải nói thay.

“Năm trước tôi đến Phiên An, nghe nói chùa Ân Tông ở Mai khâu vốn là thắng cảnh nổi danh nên lên chơi. Bà Hai Tả quân tình cờ cũng ở đó dâng hương lễ Phật, hiến tặng kinh sách cho chùa. Chẳng hay kinh sách thiếu mất vài quyển, tôi nhớ hiệu sách gần chỗ trọ của tôi có bán nên bảo đám hầu chạy đi mua thế vào. Chúng tôi hỏi chuyện rồi biết nhau.” Y vừa kể xong, Thái Công Triều ngồi ở bên kia phòng chợt bật lên tiếng cười.

“Đi chùa tình cờ quen biết, nghe như chuyện của tài tử giai nhân trong sách.” Anh ta theo thói bỗ bã của quân lính nói đưa chuyện, thấy ánh mắt Vũ Vĩnh Tài liền vội im bặt, giả lả cười. “Nhưng cậu Mạc đây là thân phận em út con cháu, nào phải là chuyện trong sách.”

“Cậu đến đây vì chuyện của cậu Hy phải không?” Chẳng buồn nhìn đến Thái Công Triều, Vũ thị quay sang y, điềm đạm gật đầu. “Từ lúc cậu Hy bị giải tới, cả Phiên An đều nói về chuyện này. Người quen của nhà họ Mạc cũng thử tới tìm bà Tả quân xin giúp ít nhiều. Nhưng hiện tại Tả quân không khỏe, bà Đỗ phải ở cạnh túc trực chăm nom, không dám nói thêm về tình hình bên ngoài, chỉ sợ ông ấy bệnh nặng hơn. Bây giờ cậu có tìm gặp Tả quân cũng chẳng ích gì.”

“Tả quân bệnh nặng lắm ạ?” Y thất vọng ra mặt, lo lắng hỏi. Vũ thị nhìn xuống đĩa trầu, nhấc đĩa đưa cô hầu đem tới cho Vũ Vĩnh Tài.

“Anh đem đĩa trầu ra bàn thờ làm lễ hộ em.” Vũ thị nói, Vũ Vĩnh Tài có vẻ không dám nói thêm, im lặng cầm đĩa trầu đi ra. Thái Công Triều cũng viện cớ cần chào anh em họ Vũ liền đi theo. Người đã ra hết, Vũ thị mới nhìn y, hạ giọng. “Mấy năm nay Tả quân không khỏe, từ khi lo lắng chuyện Xiêm La thì càng mệt mỏi hơn. Hiện tại không báo ra bên ngoài, coi như Tả quân vẫn đang coi sóc công việc, chứ thực sự đều do Thống chế Nguyễn Văn Quế làm cả.”

“Vả lại, Tả quân cũng không muốn làm việc xung đột với hoàng thượng nữa, triều đình có lệnh gì thì ông ấy sẽ nghe theo lệnh ấy. Họ Mạc là phên giậu của Hà Tiên, hoàng thượng sẽ biết cân nhắc không để đám người dưới muốn làm gì thì làm, không cần phải nghe các tin đồn nhảm.” Vũ thị nói như muốn an ủi y, rồi thở dài. “Cũng đừng nghe theo bọn họ làm chuyện hồ đồ. Ai cũng có tư tâm của mình cả, nông nổi nghe theo bọn họ chỉ hại chết bản thân thôi.”

“Tại sao Tả quân lại hòa giải với hoàng thượng thế ạ?” Nghe câu nói của Vũ thị, y đâm thắc mắc. Nàng ta đưa mắt nhìn ra mấy vệt nắng chiếu qua mành trúc, như thể nghiền ngẫm câu hỏi của y.

“Có lẽ là từ án của Trần Nhật Vĩnh, Nguyễn Văn Thoại, Tả quân đã bị thất vọng ít nhiều. Sau này xung đột với Xiêm phát ra, Xiêm liên tục mượn cớ đưa anh em nhà vua Nặc Chăn về Bắc Tầm Bôn, loan truyền tin rằng vua Chân Lạp hoang dâm xa xỉ cần phải thay thế, Tả quân cho người đến Chân Lạp thăm dò. Người ta bảo các quan Chân Lạp người khoanh tay ngồi nhìn, người hai lòng phản trắc, người thì lộ rõ là mong ngóng quân Xiêm sang. Cả Chân Lạp chỉ có mỗi một quan Chiêu chùy do ta lập nên để giúp việc cho vua là còn theo ta. Hậu quả đến như ngày nay, là do ai?” Đưa tay sửa mép áo thêu hoa, Vũ thị lắc đầu. “Nghe quân Xiêm đến biên giới, Tả quân phải cầu cứu triều đình đưa Nguyễn Văn Xuân cùng ba mươi thuyền lớn đến hỗ trợ, bị hoàng thượng nói là quân ở Gia Định vô dụng hết rồi sao? Ngoài biển thì không đánh nổi bọn Chà Và, bên trong thì chỉ nghe tiếng gió đã hoảng hốt cầu binh Phú Xuân. Nguyễn Văn Xuân từng làm Bảo hộ Chân Lạp, nhưng đó là chuyện hơn hai mươi năm trước, ông ấy đã tám mươi tuổi rồi.

“Trong khi đó, người ở Gia Định này vẫn chỉ lo toàn việc không đâu. Nhìn lại quả nhiên là chẳng có kẻ nào trông cậy được.” Vũ thị cười khẽ. “Bình nhật thì nói năng to tát, chẳng qua là kéo bè kéo cánh cậy thế ức hiếp người rồi lại tưởng mình tài giỏi. Những kẻ khác thì ai lo phận nấy, bo bo giữ mình, vơ vét kiếm lợi riêng. Đến khi có chuyện, nhìn đi nhìn lại không thấy một ai có khả năng làm tướng ra trận, người lãnh binh có khả năng chinh chiến phục người. Thậm chí cả Gia Định này chỉ có mỗi một cái thành Phiên An vừa to vừa cao, ngoài ra chẳng còn gì khác. Hoàng thượng vừa tiếp quản Hà Tiên đã nghĩ tới chuyện xây pháo đài phòng thủ, trong khi mấy chục năm các quan ở Hà Tiên chỉ nghĩ tới thu thuế thuyền.

“Năm ngoái quân Xiêm tiến sát tới biên cương, triều đình cho tập hợp giản binh phòng ngự. Quân Xiêm rút đi, nhân tiện đang cần ván gỗ để đóng thuyền, triều đình mới sai binh lính lên rừng chặt. Đám người ở Phiên An này chỉ chờ có lệnh là đem lính đi làm tận sức, lấy gỗ thừa bán cho người Thanh.” Đưa mắt nhìn ra cánh cửa nửa khép nửa mở, ánh mắt Vũ thị càng lạnh nhạt. “Lính ấy do làng tập hợp để phòng khi đánh giặc, đem lên rừng cho kẻ ngã nước người bệnh chết, sai khiến họ không còn chút sức lực nào. Làm thế không chỉ sau này người nghe gọi lính là trốn mất, mà tổn hại còn vĩnh viễn về sau. Vậy mà còn tâu xin chia lính làm hai ban, hoàng thượng bác đi mới thôi. Đánh nhau ở biên giới là việc của ai, chứ đám người này chỉ cần thấy có lợi là vơ vét vào, bất chấp hậu quả.

“Tả quân dù không biết chuyện bọn họ lấy ván gỗ, hẳn chẳng khó thấy thái độ của người xung quanh – thật ra cũng có khác gì với triều đình Chân Lạp? Toàn bộ Gia Định này thật sự chỉ trông vào sự tồn tại lay lắt của ông vua Nặc Chăn kia, chừng nào ông ta còn sống thì quân Xiêm còn chưa có cớ lấn chiếm. Tình thế đã là như vậy, không quay về dựa vào triều đình thì còn hy vọng ở thứ gì?” Ánh mắt Vũ thị dừng lại trên gương mặt y, tràn đầy cảm thông buồn bã. “Ngay cả cậu Mạc Hầu Hy, làm việc trong thời điểm này mà chỉ lo thu lợi riêng. Giá cậu ấy cứ đáp thuyền qua Xiêm thu nhặt được các tin tức quan trọng, lấy công bù tội cũng là một lẽ, việc giả làm thương nhân buôn bán cũng có thể biện bạch được. Có phải cậu ấy tính toán chỉ đưa thuyền đến Hạ Châu rồi quay về, nghĩ triều đình hỏi tới thì nói lại mấy tin tức phong thanh nghe ngoài cảng biển là xong, đúng không?”

“Người nhà họ Mạc rất quen thuộc với Xiêm, sang bên ấy nguy hiểm lắm.” Y nhỏ giọng nói như thanh minh, trong lòng lại gờn gợn. Bấy lâu nay bác Mạc Công Du thi thoảng giữ chức sứ quan đi lại làm việc giữa hai triều đình, các công việc do thám đều là người dưới làm, sau Mạc Hầu Hy có lần đưa sứ Xiêm về nước mà đến Hạ Châu. Nay Mạc Hầu Hy nhận việc đưa thuyền sang Xiêm, chẳng biết là do lệnh thật hay ngay lúc ấy anh ta đã thấy cơ hội đáp thuyền đi buôn lậu gạo?

“Cậu bảo cậu Mạc Hầu Hy cứ thành thực báo cáo, sẽ không đến nỗi phải rơi đầu.” Nhận ra thái độ của y, Vũ thị cười nhẹ. Nghe tiếng chân ở phía xa, hẳn Vũ Vĩnh Tài đã về, nàng ta nói nhanh. “Cũng đừng nghe lời xúi bẩy làm chuyện hồ đồ đấy.”

“Nói như vậy nghĩa là dù hồ đồ hay không thì ta vẫn ngồi chờ chết ở đây?” Nghe xong chuyện, Mạc Hầu Hy nhướn mày hỏi lại. Đến chiều tối anh ta mới được thả về nhà giam. Vừa ngấu nghiến ăn, Mạc Hầu Hy vừa nghe y kể về hành trình chạy quanh thành Phiên An buổi sáng. Vẫn ngậm cái xương gà trong miệng, Mạc Hầu Hy rít lên qua kẽ răng. “Có biết con trai của Lê Duy Hoán mới năm trước bị phê chuẩn xử tử không? Thằng bé ấy lãnh án tử rồi ngồi trong tù gần hai mươi năm nay rồi đấy! Lần lữa mãi đến giờ, hoàng thượng còn bảo thương nó ngày xưa bé dại có biết gì đâu nên cho thắt cổ tự tử. Nguyễn Văn Quế bảo ta phải giảo giam hậu, giống thằng bé ấy thì ta thà chết còn hơn!”

“Anh có thể xin được trảm quyết ngay mà.” Y lầm thầm nói, nghiêng người tránh miếng xương gà bị ném đến. Thấy vẻ phẫn nộ của Mạc Hầu Hy, y cũng hất cằm. “Ai bảo anh đi gây chuyện? Người ta bảo anh đến Xiêm La, anh đem gạo sang Hạ Châu làm gì?”

“Cha ta hay bảo, cố Phật vương Xiêm là ân nhân của cả nhà ta.” Hừ khẽ trong cổ, Mạc Hầu Hy bưng chén rượu uống ừng ực, cau có nói. “Năm ấy toàn bộ người của họ Mạc ta đều bị Trịnh vương giết cả, ông cố tự sát trong ngục, chỉ có bốn, năm người vì còn bé nên bị đưa đi đày. Phật vương đang ở Chân Lạp nghe tin trở về, giết Trịnh vương, đem mọi người về nuôi trong cung, bằng không thì đã chết mất xác ở nơi rừng thiêng nước độc chung với đám nô lệ rồi. Phật vương cho cha ta về Hà Tiên là vì tin ông ấy biết cảm ơn người cứu mạng, Hà Tiên thành địa điểm bình hòa cho hai nước. Bây giờ hai bên đánh nhau, ta biết phải chọn bên nào? Chẳng những thế, chỉ cần lộ ra bênh vực về phe bên nào thì kẻ kia cũng giết ngay.”

“Bác bị miễn chức, thật ra chẳng phải không tốt.” Y gật gật đầu. “Chỉ cha em và anh còn đôi chức quan, lần lữa mấy năm rồi thoái thác về nhà là ổn, đã có khoản thuế mật ong triều đình dành cho họ Mạc, mỗi tháng được cấp thêm vài phương gạo. Bây giờ vì việc của anh mà đâm tiến thoái lưỡng nan, không biết phải làm sao.”

“Chỉ có em mới sống được với vài phương gạo đó thôi!” Mạc Hầu Hy lại quát khẽ. “Em thì tốt rồi, không chức không việc chỉ cần ngồi nhà lĩnh lương của cha, rảnh rỗi thì đem sách lên Bình San úp vào mặt ngủ đến chiều rồi bò xuống. Có biết đi cầu hôn một đứa con gái phải đem theo bao nhiêu vàng không? Có biết đi uống rượu không có tiền thưởng còn bị con hát cười vào mặt không? Hà Tiên này trước bị cấm đánh bạc, sau người Thanh bị cấm buôn hết thứ này đến thứ nọ, nghĩ ta chỉ trồng cấy mấy mảnh đất hoang rồi buôn gạo với cái giá rẻ mạt ở Bắc Kỳ thì làm giàu được à? Mà tại sao ta lại phải lo chuyện bọn dân đói ở Bắc Kỳ, lo giá gạo cao chúng không mua được? Ta đóng thuế mỗi tháng là đủ trách nhiệm rồi chứ, còn phần ta làm ra ta muốn bán cho ai thì bán. Gạo lúa muối đường người Nam Kỳ cũng phải sôi máu làm ra, đâu phải để đi phát chẩn, bán giá rẻ thối cho đám người chẳng biết là ai. Chúng đói làm loạn thì triều đình tự đi mà dẹp! Bóp cổ đầu này bắt ói ra cho đầu kia, chẳng trách người xứ này thà bán cho thuyền buôn lậu còn hơn đem lên phương Bắc, thà chết ở Hạ Châu còn hơn tuân theo cái lệnh dở hơi của Phú Xuân!”

“Anh à, muốn làm giàu thì đợi mấy năm nữa, chúng ta từ quan về hết, thậm chí cải danh trốn sang Xiêm La, Hạ Châu rồi muốn làm gì cũng được. Sao phải lợi dụng thuyền việc của người ta, dùng luật lách luật khổ sở thế?” Y chống tay nhìn Mạc Hầu Hy, thở dài nói. “Trong khi thật ra anh cũng có biết đi buôn là thế nào đâu, nếu không đã chẳng đụng mặt Nguyễn Tri Phương ngay ở cảng. Thuyền công cán của Việt Nam ta ra ngoài đều có cờ hiệu cả đấy.”

“Ta cần tiền…” Mạc Hầu Hy nhét miếng gà vào miệng, lùng bùng nói thầm. Y chớp mắt, muốn hỏi nhưng rồi đột ngột ngậm miệng.

Có biết đi cầu hôn phải mang theo bao nhiêu vàng không? Anh ta hỏi, và quả thật là y không hề biết. Họ Mạc của y lưu lạc bao năm, thuyên chuyển bao lần, dù có được ban thưởng thêm những lần bác Mạc Công Du đi sứ thì cũng chẳng khá hơn các nhà thương buôn xung quanh, thậm chí còn chẳng được xông xênh như họ. Nhà y lẫn Mạc Hầu Hy không có thuyền buôn, chẳng có bao nhiêu điền sản, chỉ có mỗi khoản thuế mật ong được triều đình ban riêng, nên Mạc Hầu Hy mới phải dùng thuyền của triều đình đi buôn lậu.

Cũng như lúc Mạc Hầu Hy liều lĩnh xông vào đám cướp biển Chà Và, trong khi toàn quan quân phía sau đã lùi lại. Anh ta đã từng muốn dùng máu lẫn mạng sống của bản thân để đổi lại chút danh vọng, thậm chí chỉ là một phần tiền thưởng.

Nhưng có khi, dùng cả máu lẫn mạng sống cũng chẳng thể đổi lại được chút gì. Hôm ấy Mạc Hầu Hy người ướt đẫm máu trở về, chỉ có bọn y chăm sóc. Lệnh vua đến, vì tình thế bắt buộc nên Hầu Hy phải chạy trốn, tha tội cho viên Chánh đội trưởng.

Máu rơi xuống biển ngày hôm ấy, chẳng đổi lại được chút gì. Máu đã đổ ở Xiêm La, ở chiến trường Hà Tiên, Giang Thành năm ấy, cũng đã rơi vào khoảng trống không vô tận.

Trong căn phòng kín chỉ nghe tiếng nhai nuốt của Mạc Hầu Hy. Y nhìn anh ta ăn ngấu nghiến sau cả ngày nhịn đói, bỗng cảm thấy như thể thế gian này chỉ còn hai người bọn y. Giống như cha và bác y, hai giọt máu duy nhất của nhà họ Mạc run rẩy nắm lấy tay nhau lần tìm sự sống, trên bờ vực của các cuộc chiến tranh.

Em sẽ cứu anh ra, khi ấy, y đã nghĩ. Em sẽ cứu anh ra, bằng bất cứ giá nào.

 

Chú thích:

[1] Hữu sở tư của Trịnh Hoài Đức

[2] Theo Đại Nam thực lục, Trịnh Hoài Đức xin phép nghỉ quay về Gia Định 3 tháng mùa đông. Theo ghi chép của sứ giả Miến Điện đến Gia Định đầu năm mới, thì Lê Văn Duyệt đã đi khỏi Phiên An thì mấy ngày sau có “1 vị quan lớn về chôn vợ”, được Phó Tổng trấn lúc ấy là Trương Tấn Bửu đón tiếp.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.