Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

10. Sầu tuyệt tử hôi tao ninh hậu
Trường An in "Minh nguyệt 1" November 30th, 2018
  1. Sầu tuyệt tử hôi tao ninh hậu, lộ nhân không chỉ cố tương quân[1]
    (Thảm bấy tro tàn ngâm đáy nước, khách nhìn cửa tướng mảnh vườn không)

 

Lần cuối cùng cô gặp Nguyễn Hựu Khôi là mùa xuân hai năm sau.

Ông ta đến phủ Kiến An nhưng không thông báo, cô chỉ biết nhờ một người hầu mách bảo. Lòng dạ nôn nao, cô đến tìm người cậu ở gian nhà chính. Tất cả cửa nhà đóng kín, người hầu cũng đã bị đuổi ra ngoài. Nép dưới góc trường lang, cô áp tai vào cửa sau, nghe tiếng nói khe khẽ của Kiến An công trong phòng.

“Đáng tiếc, chuyện này ta không giúp được.” Kiến An công vẫn đang nói bằng giọng uể oải bình thường của ông ta. “Ngươi đến tìm Bạch Xuân Nguyên dập đầu ba quỳ chín lạy với hắn thì may ra hắn buông tha cho ngươi. Giờ án của ngươi đã được trình lên hoàng thượng, nín nhịn cho qua chuyện thì may ra thoát. Hoàng thượng mới chỉ cách chức ngươi để điều tra, vẫn còn cho ngươi đường sống, chỉ cần đừng làm to chuyện hơn là được. Kết quả tùy thuộc vào thành thần Phiên An cả. Nếu chỉ là việc nhỏ, mai này ngươi vẫn còn có cơ hội lập công lao nào đó mà phục chức.”

“Tôi có đi dập đầu lạy Bạch Xuân Nguyên thì hắn cũng đâu buông tha!” Nguyễn Hựu Khôi nóng nảy nói. “Ngay sau khi Tả quân qua đời, hắn đã xông vào phủ lục lọi giấy tờ, lôi ra cả loạt chiếu chỉ đóng dấu khống, thư từ với người Anh Cát Lợi. May mà trước đó Lê Văn Yên đã đốt rất nhiều giấy tờ đi rồi, bằng không chẳng còn ai ngồi được ở đây. Bây giờ hoàng thượng vẫn còn chưa truy xét vì chưa đủ bằng chứng, nhưng Bạch Xuân Nguyên thì đang lục tung cả Gia Định lên kết tội mọi người. Đến lúc hoàng thượng bình ổn được tình hình, mở lại án thì tất cả chúng tôi chết hết!”

“Lúc này tình hình chưa bình ổn sao?” Kiến An công vẫn nhàn nhã cười. “Ngay sau khi xử án Trần Nhật Vĩnh cùng hàng loạt quan ở Gia Định, hoàng thượng đã dần cho quan xuống tiếp quản các vị trí. Từ năm trước, Tả quân đã đệ đơn từ chức, xin hoàng thượng cho người xuống Gia Định chia đặt lại cơ cấu. Nguyễn Văn Quế cùng Bạch Xuân Nguyên đã ở Gia Định cả năm nay rồi. Ngay sau khi Tả quân qua đời, hoàng thượng đã gọi cả cơ Tả bảo nhất, Tả bảo nhị, vệ Minh Nghĩa về Kinh và Quảng Ngãi hết thảy. Giờ chỉ còn đang sắp xếp lại các cơ An thuận, Hồi lương, Bắc thuận xem nên để chúng vào đâu. Bạch Xuân Nguyên chẳng qua thuận nước đẩy thuyền, tố ngươi tội năm trước lợi dụng chiếu chỉ sai phái biền binh lên rừng chặt gỗ, hoàng thượng vẫn chưa xét tội ngươi thì tình hình còn chưa tệ lắm. Kẻ thức thời là tuấn kiệt, ngươi có đi dập đầu với tên họ Bạch một cái thì đã làm sao.”

“Bạch Xuân Nguyên là một tên điên!” Nguyễn Hựu Khôi rít lên. “Mà không phải chỉ mình hắn, những kẻ khác cũng đang chực chờ moi tội trạng Tả quân ra để tâng công lấy thưởng. Năm nào Thị vệ Trần Văn Tình tố được Trần Nhật Vĩnh, có hai tên thị vệ khác cũng tự tiện bắt người tra xét để tố tội quan Phiên An đấy thôi. Đến ngay cả Mạc Hầu Hy còn bị Nguyễn Tri Phương tố buôn lậu gạo tận Hạ Châu, bị xử giảo giam hậu thì còn ai thoát được?”

“Mạc Hầu Hy ngồi trong ngục cả năm rồi còn chưa bị xử tử, ngươi vội cái gì?” Kiến An công cười khẽ. “Kể ra hắn cũng không may mắn, nhận nhiệm vụ đưa thuyền sang Xiêm do thám mà còn muốn trục lợi kiếm thêm ít đồng, chở trộm ít gạo. Ai ngờ đã sang tận Hạ Châu vẫn còn đụng mặt Nguyễn Tri Phương, phải giả đánh đắm thuyền mà về vẫn không thoát. Vụ việc ấy ngay cả Tả quân cũng không thể đỡ cho hắn, nhưng chưa bị biến thành Hoàng Công Lý trảm quyết tại chỗ thì là phúc của hắn rồi. Ngay cả viên tôn thất hút thuốc phiện mà còn bị tước quốc tính đổi họ mẹ, đày ra tận Phú Quốc[2], thì Mạc Hầu Hy chở trộm gạo mua thuốc phiện tội còn to gấp mười.

“Mạc Công Du khéo cư xử, thời gian kéo dài thêm một ít, tình hình ổn định rồi thì Mạc Hầu Hy sẽ được giảm án. Dù sao hắn tuổi trẻ không biết suy nghĩ, sống trong phong tục suy đồi nên tính cách buông tuồng, công lao cha ông hắn vẫn còn có thể giúp cho hắn. Ngươi cũng vậy, phương hướng là do ngươi tự chọn, ngươi có thể đem những ích lợi của ngươi bày cho hoàng thượng, không đến nỗi chỉ vì ít ván gỗ mà chết được đâu.”

“Ai có thể ngồi chờ vận may từ cái sở thích thất thường của lão vua ấy?” Nguyễn Hựu Khôi dường càng nghe càng giận, bắt đầu mất bình tĩnh nói lớn. “Thế nếu lỡ có chuyện gì đó xảy ra thì chẳng phải chúng tôi là người bị chém trước tiên sao? Xưa Hoàng Công Lý cuối năm Dần đến Gia Định, đầu năm Mão đào sông An Thông, đến năm Thìn thì sư Kế nổi dậy tận bên Chân Lạp, vậy mà ông ta phải gánh hết cả tội làm loạn dân tình Gia Định, kích động Chân Lạp làm phản. Chẳng phải chỉ vì lúc ấy vua mới lên ngôi, Gia Định rồi cả nước xảy ra dịch bệnh, thêm sư Kế nổi loạn nên đem Hoàng Công Lý ra làm kẻ tế thần? Ra điều tất cả tội lỗi là của hắn ta đấy nhé, các người đem hắn ra mà xả giận! Bây giờ mà tên Nặc Giun, Nặc Yêm ở Bắc Tầm Bôn lên cơn điên đem Xiêm đánh xuống, kẻ cuồng nào ở Gia Định chịu hết nổi đống luật sắt của vua, thậm chí tên thổ mục nào ở Ba Thắc nổi lên theo mùa, thì chúng tôi bị đem tế cờ hết thảy!”

“Chuyện ấy thì còn phải chờ vào ngươi thôi. Lính Tả quân cùng vệ Minh Nghĩa bị đưa đi, nhưng ngươi còn cả đám bạn bè ở Gia Định, kể cả các vệ Hồi lương, An thuận cũng có thể giúp ngươi được ít nhiều. Các ngươi là kẻ võ biền, tình hình bất ổn thì cơ hội lập công cũng đâu có ít, lúc ấy lại trở thành anh hùng như ai.” Kiến An công bình thản nói. “Ngươi nghĩ, nếu muốn xử ngươi thì trong cả mấy năm nay tiếp quản Gia Định, hoàng thượng thiếu cơ hội à?

“Ngay cả mấy vệ tù binh các người tự tiện lập thành đội trưởng, thư lại kia, hoàng thượng cũng đã mắt nhắm mắt mở bỏ qua. Tả quân mấy năm cuối đời đã đưa công việc về lại cho triều đình, ông ấy là người khôn ngoan. Dù sao ông ấy cũng là một hoạn quan, gia đình lại chẳng có kẻ nào nổi trội, bao nhiêu quyền lực hư vinh chỉ như tấn tuồng sân khấu, đèn tắt kịch tan. Ông ấy vì hiếu thắng mà mâu thuẫn với hoàng thượng đủ chuyện, nhưng rồi cũng biết thứ gì là quan trọng, người chẳng thể ở mãi trên dương thế. Dù thật lòng nghĩ thế nào thì hoàng thượng đã cho lễ Tả quân đủ trọng, ngươi nói Bạch Xuân Nguyên bới việc mà cả nửa năm nay ngài ấy cũng chẳng làm gì. Hai người cả đời cãi nhau mà chịu hòa thuận rồi, Gia Định nhiều việc lắm sự, ai quan tâm đến tên Phó Vệ úy tép riu như ngươi?”

“Tôi đã bảo, Bạch Xuân Nguyên là một tên điên! Hắn còn thấy Tả quân được phụng thờ ngày nào ở Gia Định là không chịu đựng được ngày ấy.” Nguyễn Hựu Khôi vẫn khăng khăng nói. “Hắn chịu khuất làm việc nửa năm dưới quyền Tả quân để chực chờ moi lỗi của ông ấy. Cả nửa năm sau hắn mới moi được tội của tôi để tố, hiện giờ càng như lên cơn dại chạy khắp Gia Định đe dọa mọi người.”

“Thì các ngươi cứ đi tố cáo hắn. Hay là vì bản thân có tội bị hắn nắm thóp nên không tố được, chỉ đành lo lót van xin hắn cho qua?” Kiến An công chép miệng thở dài. “Ta đã bảo, kẻ thắt nút phải làm kẻ gỡ nút, ngươi đến dập đầu xin hắn tha cho thì mọi người hết việc.”

“Có tên điên nào biết mình điên đâu. Hắn trước là thụ hưởng cảm giác được kính sợ, sau là chực chờ lập công phong chức. Hắn bây giờ mới chỉ được phục đến Thự Thị lang Binh bộ, không đạp lên được ai để phục hồi chức cũ thì hắn còn chưa yên.” Nguyễn Hựu Khôi nắm tay đập xuống sập, to tiếng nói. “Thấy hoàng thượng im lặng trước mớ chỉ đóng dấu khống, trước loạt chứng cứ hắn tâu nộp lên, hơn nửa năm nay hắn lại càng phát khùng, cuối cùng đổ lên đầu tôi tất thảy!”

“Thế rồi ngươi muốn làm thế nào?” Kiến An công dường cũng mất kiên nhẫn hỏi vặn lại. “Các ngươi than trời trách đất vì Bạch Xuân Nguyên nhưng im ỉm không kẻ nào chịu tố cáo hắn vì cùng một giuộc, rồi các ngươi hy vọng hoàng thượng là hỏa nhãn kim tinh biết chuyện ngoài ngàn dặm à? Ngươi làm nên tội mà không muốn chịu tội, đến đây tìm ta là muốn ta làm gì? Chẳng lẽ ta đi tìm hoàng thượng mách tội Bạch Xuân Nguyên, để khi người điều tra đến hỏi thì các ngươi chối sạch, ta hóa thành kẻ đơm chuyện bịa lời à? Ngay cả bây giờ ngươi muốn tìm tội đổ lên cho hắn thì cũng chẳng làm được như xưa, người là cái giống gió chiều nào theo chiều nấy, Tả quân mất thì người chạy sang xun xoe chủ mới cả rồi. Mờ ám như lạy lục Bạch Xuân Nguyên xin tha, đường đường chính chính như đi tố cáo hắn thì ngươi đều không muốn làm, chẳng lẽ ngươi chờ hắn tự lăn ra chết?”

“Giá mà hắn lăn ra chết được.” Nguyễn Hựu Khôi mím môi lầm bầm. Giọng ông ta chợt đầy vẻ đe dọa âm u khiến cô ở ngoài cửa sởn cả da gà. Im lặng hồi lâu rồi Kiến An công mới cất tiếng.

“Ta chỉ có thể giúp ngươi khỏi tội chết, dù sao ngươi cũng là thông gia của ta. Từ nay về sau, ngươi nghĩ cho kỹ mình muốn làm gì. Bỏ quan trường thì ngươi vẫn sống thoải mái, mà muốn tiếp tục thì ngươi phải bắt đầu lại từ đầu, nhịn nhục nhẫn nại. Tả quân đã mất rồi, không còn ai nâng đỡ cho ngươi đâu.” Kiến An công chợt hạ giọng. “Những năm cuối đời, Tả quân làm hòa với hoàng thượng, chấp nhận sự quản lý của triều đình, là vì muốn cho các ngươi một đường sống. Ông ấy cũng như các ngươi là kẻ bần cùng nắm được quyền lực, tưởng chừng có thể dựa vào nhau mà hùng cứ một phương, chẳng cần phải nể nang ai, nhưng cũng là việc không nghĩ đến ngày mai, tùy tiện theo ý thích. Một đám người tùy tiện vui vẻ thế đã đủ rồi. Ta đã nói, mấy năm nay nếu muốn trừng trị các ngươi thì hoàng thượng không thiếu lý do, không cần chờ đến Bạch Xuân Nguyên bới tội. Đến Mạc Hầu Hy còn không tránh thoát, ngươi là cái gì?”

Một khoảng yên lặng lại kéo dài, cô nghe rõ cả tiếng đồng hồ nước trong phòng lách tách.

“Kiến An công, ngài là người sinh ở trên cao, cả đời chỉ biết sai phái kẻ khác, xem kẻ khác lạy lục van xin mình. Ngài vốn không hiểu cảm giác sống chết phải chờ ân huệ của người khác.” Nguyễn Hựu Khôi nặng nề nói, chợt cười khàn khàn. “Sống như thế, khổ hơn là phải chết.”

“Ngươi cũng đâu có muốn chết. Bằng không cứ nắm cổ Bạch Xuân Nguyên mà lôi đến công đường.” Kiến An công thản nhiên cười. “Các ngươi sống đường hoàng minh bạch không được, rồi lại viện cớ để làm trò khuất tất, đổ lỗi cho người khác ép uổng mình.”

Cô nghe tiếng xô ghế, rồi tiếng cửa bị đẩy ra. Nguyễn Hựu Khôi quay người rời khỏi phòng mà không chào Kiến An công. Vội chạy ra, cô nắm kịp người cậu ở cửa vườn.

“Cậu Khôi, cậu đi đâu thế?” Cô vội vã nắm tay áo Nguyễn Hựu Khôi, sợ hãi hỏi. Gương mặt Nguyễn Hựu Khôi âm u tựa mây đen giăng kín, trong mắt còn ánh sát khí như thể muốn giết người. Thấy cô, ông ta đứng lại, nghe câu hỏi của cô thì đưa mắt nhìn quanh ngõ tre đường rào.

“Cậu cũng chưa biết đi đâu bây giờ.” Nguyễn Hựu Khôi cười nhạt, đưa tay vỗ lên tóc cô. “Cháu ở đây thì chắc cũng yên ổn rồi.”

“Năm xưa ta không gả cháu vào nhà tên Cai đội, Lang trung, Vệ úy nào đó quả là đúng đắn. Những kẻ không biết phải chết lúc nào, sống cả đời chỉ để quỵ lụy hầu hạ, chẳng có gì tốt cả.” Tay Nguyễn Hựu Khôi nắm lại bên vai cô. “Những người như ông ta, vốn chẳng hiểu gì cả. Năm xưa Tả quân cũng bảo, không thể chịu đựng được là thái độ của hoàng thượng. Hoàng thượng cùng Trịnh Hoài Đức đặt ra họ Tôn Thất, lúc Tả quân hỏi tại sao, thắc mắc mãi thì họ khinh khỉnh nhìn ông ấy, sau lưng lại bảo ông ấy không biết Kinh Thi, chẳng hiểu chữ nghĩa để mà bàn chuyện. Tả quân ghét Trịnh Hoài Đức, cũng vì thế đấy. Mà ta nghĩ, Tả quân vốn đáng lẽ phải ghét cả hoàng thượng.

“Sử dụng chúng ta làm kẻ giữ phòng biên giới, để đánh đông dẹp bắc giữ yên địa vị của mình, để sai phái tùy ý, nhưng chẳng bao giờ coi trọng chúng ta, khinh rẻ chúng ta. Bề ngoài thì ngọt nhạt mà khi có chuyện thì trở mặt coi chúng ta là bọn ngu muội vô tri, không đáng nghe đáng kể. Lúc nào cũng chỉ biết ra lệnh, ra lệnh, chúng ta làm không được thì quở trách trừng trị. Vốn là từ đầu đến cuối đã không thể nói chuyện được! Từ đầu đến cuối vốn đã không coi chúng ta là người!”

“Không, Kiến An công rất tốt với cháu.” Cô vội nắm lấy Nguyễn Hựu Khôi, hoảng hốt trước vẻ cuồng dại trong mắt ông ta. Hất tay cô, Nguyễn Hựu Khôi quay lưng bỏ đi. Bóng ông ta nhanh chóng khuất sau hàng tre.

Ngoảnh đầu lại, cô thấy bóng Kiến An công trước cửa nhà chính. Nguyễn Hựu Khôi đã đi, ông cũng phất tay áo vào nhà trong.

Vẫn như trước, cả hai ra vẻ không nhận thấy cô vẫn đang ở đó.

Mắt cô chợt nhòa đi trong lệ. Nước mắt chảy xuống má mà cô không hiểu vì sao. Cô ngơ ngác nhìn khu phủ đệ quen thuộc, trường lang bao quanh hồ thơm ngát mùi hoa, bầu trời trên hàng rào tre và những ngọn cau cao vút. Mọi thứ chợt trở nên xa xôi đến lạ kỳ, như thể cô chưa bao giờ ở nơi này. Cô có cảm giác mình chỉ là một chiếc lá đột nhiên bị gió thổi bay đến, ở trong một cuộc đời vĩnh viễn không thuộc về cô.

Nhà cỏ ngói tranh, núi xanh nước biếc. Đường rầy vó ngựa, cổng đá lâu đài. Khu phủ đệ nhốt kín thời gian trong nườm nượp dòng người qua lại. Vốn dĩ, vẫn là chẳng ai chú ý đến cô.

Họ không chú ý đến cô, ngay cả ở pháp trường ngày hôm ấy.

Cậu Cả của cô và hai người con lớn của Nguyễn Hựu Khôi đã bị bắt cùng một viên tướng trong nhóm phản quân đầu thú, đem ra phanh thây trước bàn thờ tế lễ quân tướng chết trận ở Nam Kỳ. Tháng tám mùa thu năm ấy, trận chiến vẫn đang dằng dai quanh Biên Hòa. Sau khi đánh chiếm Định Tường và Vĩnh Long, phản quân đã phải lui về vì gặp kháng cự, tập trung đóng giữ quanh Phiên An, toan chiếm lấy đường từ Biên Hòa đến Bình Thuận. Kiến An công nói, hoàng thượng đợi đến giờ mới giết tù binh vì sợ người thân các quan tướng ở Gia Định bị trả thù. Hiện tại đại quân đã đến, quyết tử chiến ở Phiên An.

Cô không nghe rõ ông nói gì, cô chỉ theo ông đến pháp trường. Nơi này vốn không cho dân thường lẫn người ngoài vào, nhưng Kiến An công có thể đi lại mọi nơi. Giữa khoảng đất rộng, họ đã bày hương án, đàn tế, khói hương nghi ngút. Bài vị của những vị quan tướng bị giết ở Gia Định được đặt bên trên. Dưới là danh sách quân lính chết trận cùng bài văn tế. Một vị tôn thất được phái đến chủ lễ.

Cô nghe những câu chuyện xôn xao xung quanh. Cô nghe tên những người chết trận. Cô nghe vào tháng năm, Nguyễn Hựu Khôi đem các Vệ úy của Tả quân và lính Hồi lương, An thuận trong thành Phiên An lùng giết Bạch Xuân Nguyên. Bạch Xuân Nguyên trốn được, họ bèn tìm giết Tổng đốc An Biên Nguyễn Văn Quế, mở cửa ngục thả tù nhân, chiếm lấy thành Phiên An. Từ thành Phiên An, nhóm quân này đoạt lấy quân thuyền đánh khắp Gia Định, kêu gọi những nhóm quân Bắc thuận, An biên vốn là tù binh khác nổi dậy, chiếm cứ đến tận Hà Tiên.

Cô nghe chuyện Tôn Thất Gia thất trận ở Biên Hòa, bị bắt vào thành, cho voi lăng trì. Cô nghe chuyện những trận đánh và người chết. Cô nghe tin những người mất tích và các địa phương còn chưa biết tình hình.

Cô nghe những lời nguyền rủa và kết tội. Chỉ vài tên tù phạm mà có thể chiếm cả thành, là do Nguyễn Văn Quế và Bạch Xuân Nguyên quá chủ quan. Toàn bộ quân khí của Gia Định đã tập trung ở thành Phiên An. Các nhóm tù phạm rải rác khắp Gia Định, kêu gọi bọn người Thanh cùng nổi dậy. Bao nhiêu năm nay, Gia Định vốn là nơi tiếp nhận tù đày, chúng đem cả gia đình đến sinh sống. Cho chúng vũ khí và quân lực, tổ chức chúng thành đoàn đội, tiếp sức cho chúng bằng bọn thương buôn, tất cả là lỗi của Lê Văn Duyệt. Chỉ xây đắp Phiên An mà không hề chú trọng phòng ngự cho các khu vực khác, đây không phải là để phòng quân Xiêm mà là chủ ý làm phản. Đám Vệ úy Tả quân mà có thể huy động lực lượng toàn Gia Định, là do Lê Văn Duyệt chỉ đạo. Tất cả là lỗi của ông ta.

Cô nghe tiếng gọi tên người, tù binh được áp giải đến trước đàn tế. Trong một lúc, cô ngơ ngác không biết Lê Văn Báo, Lê Văn Hổ, Lê Văn Quýnh là ai. Người lại bảo, tất cả họ đã được đổi theo tên Lê Văn Duyệt.

Bốn người bị trói vào cọc gỗ. Lưỡi đao vung lên, không chém đầu họ mà lướt rạch đôi ngực. Đao phủ moi tim gan người đang giãy chết trên cọc, bày lên đĩa dâng bàn thờ tế.

Bị bịt kín mắt miệng, tù nhân chỉ quằn quại trên cọc, tiếng thét gào tắt lịm thành những thanh âm ồng ộc trong từng đợt máu bắn đỏ khoảng đất. Bàn thờ phủ vải đỏ sẫm, lênh láng máu chảy từ những chiếc đĩa đựng tim gan. Máu lênh láng mặt đất. Vị tôn thất chủ tế đưa tay tuyên xưng, nợ máu phải trả bằng máu.

Trời thu xanh trong, gió rì rào trên các triền sông, mây khói phủ mờ lầu các. Kèn vang, nhạc trỗi, khúc ca chiêu hồn người réo rắt mùi máu tanh.

Phía trước cô, Kiến An công vẫn đứng thẳng, tay chắp sau lưng. Không đến nơi này với thân phận tôn thất tế tự, ông đứng lẫn vào những quan tướng tới tế lễ. Mọi người xung quanh đều mang khuôn mặt như đúc bằng sắt. Chẳng còn bao nhiêu người ở Phú Xuân, tất cả đã được phái đi đánh dẹp từ Nam chí Bắc. Ở phía Bắc, dượng của cô, Tri châu Nông Văn Vân nổi loạn. Tin vừa được đưa tới kinh thành.

Trong bóng của rặng tre bao quanh pháp trường, cô nhìn khung cảnh buổi tế lễ và tàn sát, cô nhìn những bóng người lại qua, cô nhìn vị tôn thất vẫn đang nói. Cô nhìn người chồng quay lưng đứng như thể không hề biết có cô phía sau.

Có lẽ, là ông vẫn chưa từng biết đến cô. Như ngày hôm đó, ông đưa cô vào cung điện. Qua đường hào và cầu đá trên những hồ sen nở trắng, cô tới trước một khu điện xa lạ. Ngày còn nhỏ, cô chưa từng vượt qua bức tường bao thứ ba để vào nội cung.

Cô đã quỳ bên hồ sen trắng, nghe tiếng thưa dạ của các cung nữ ngoài điện. Cửa điện mở, vạt áo hoàng bào xuất hiện. Cô cúi gằm, nghe tiếng Kiến An công nói điều gì đó. Ông bảo đã truất cô xuống làm nữ tì, nay xin vào thông báo.

“Cô ta là vợ lẽ ngươi đã hơn mười năm, biết gì chuyện nhà họ ngoại?” Tiếng nói vang bên cô, xa lắc như vọng từ thế giới khác. Tiếng nói dường vẫn quen từ gần hai mươi năm trước. “Huống chi theo luật thì cháu gọi bằng cậu cũng không bắt tội đến.”

“Chuẩn cho đoàn tụ.” Tay áo hoàng bào phất lên, người đã quay lưng. Cô nghe được mất tiếng nhắn nhủ dặn dò Kiến An công về chuyện giao thiệp trong ngoài. Cô nghe tiếng cửa đóng mở, tiếng người đi lại. Cô nghe tiếng lá cây, chim muông lao xao trong vườn thượng uyển.

Có người đỡ cô lên, phủi áo cho cô. Tiếng cô cung nữ nhỏ bảo, may quá, hoàng thượng không xử tội cô ấy. Biết không, con trai và anh của nghịch Khôi đã bị bắt, đang ở trong ngục chờ tử hình rồi. Hoàng thượng đang rất giận.

Hương sen thơm ngát trong không khí. Cô cúi gập người, có cảm giác muốn nôn khan.

Kiến An công chưa từng nói với cô chuyện ấy. Cũng như ông chưa từng nói về những câu dối trá cô tuôn ra như một bản năng khi van xin cầu lụy. Cũng như cô chưa từng nói với cậu mình về những gì xảy ra giữa những bức tường phủ đệ Kiến An.

Cũng như, cô chưa bao giờ thấy rõ người mặc áo hoàng bào nọ. Cũng như người chưa từng thấy rõ, thậm chí để tâm đến cô. Thậm chí là không buồn căm ghét hay giận dữ, chỉ vì không đáng.

Cô chỉ là họ ngoại của tội nhân, thậm chí không đáng để tử hình.

Cô chỉ là họ ngoại của tội nhân, không đáng để giữ lại. Cũng như cậu của cô, không đáng để tiếp tục lợi dụng và toan tính. Cũng như thân phận những người thân của cô, tan biến trong một cái chớp mắt, không đáng để xót thương.

Sen vẫn nở trắng hồ. Gió đưa hương đầu thu phảng phất.

Mái rơm ám khói, ngõ trúc quanh quanh, phủ đệ thơm hương, pháp trường máu nhuộm. Hải đường đỏ màu lửa trong ký ức cô loang mãi, loang mãi thành hồ máu tươi lênh láng.

 

Chú thích:

[1] Phế viên của Tùng Thiện vương, Ngô Linh Ngọc dịch

[2] Thực lục, tháng 11 năm 1832: Cai đội dinh Thần cơ là Tôn Thất Huyên hút thuốc phiện vụng… Tước bỏ họ tôn thất đổi theo họ mẹ gọi là Lê Văn Huyên, phát vãng làm lính ở đảo Phú Quốc.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.