9. Nhất vĩ thượng khả hàng, tương kiến bất khả đắc[1]
(Một cành lau còn có thể sang sông, sao ta muốn gặp nhau lại chẳng được)
“Khi tôi sang Xiêm, có biết người Xiêm nói gì không? Họ nghĩ nước này đang tìm cách gây sự, trước là bắt tay với Miến Điện, sau là xúi bảo Quốc trưởng Vạn Tượng đánh lén. Vì muốn đỡ cho Miến Điện khỏi cuộc tấn công của Anh Cát Lợi và Xiêm mà dùng người Vạn Tượng đi đánh Xiêm. Mà có biết tại sao họ nghĩ như thế không? Nhờ phúc của Tả quân và đám người dưới của ông ta! Tôi bảo sự kiện sứ Miến Điện chỉ là hiểu lầm, thì họ nói mấy năm nay tàu thuyền Xiêm đến Hà Tiên đều bị đánh thuế mấy trăm quan, là muốn gây sự hay thèm tiền đến độ ấy? Sứ giả do vua Xiêm phái tới thì bị bắt giữ, thư không chuyển giao, triều đình chẳng biết gì[2]. Ngài có ở đấy không mà biết tôi đã phải muối mặt như thế nào!” Bạch Xuân Nguyên nghiến răng gần như quát lên. “Đám người ở Gia Định điên hết cả rồi! Kẻ điên vì tiền, kẻ điên vì danh.”
“Năm xưa tôi đi theo Tả quân vì nghĩ ông ta là một anh hùng khẳng khái đảm lược, xem bây giờ cái đám lâu la hèn mạt xung quanh đã biến ông ta thành cái dạng gì? Ông ta dẫn sứ Miến Điện đến triều đình, bảo là đi mua vũ khí nên đưa người đến Miến, rồi bên ấy muốn kết giao? Nói láo không biết ngượng miệng! Người Anh ở Xiêm nói với tôi, họ bắt được đoàn sứ Miến Điện ấy, biết câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. Tả quân nghe lời một thằng thương lái ham lợi mờ mắt nào đó muốn đi buôn tổ yến, cho hắn cầm công hàm ngoại giao sang Miến để không bị khám thuế, giữa đường bị người Miến bắt được. Hắn bịa ra chuyện bên ta muốn âm thầm kết giao nên mới có đoàn sứ giả ấy[3]. Chuyện cười nhục mặt của cả một nước rồi đấy! Xem hành động của Tả quân có khác gì với Trần Nhật Vĩnh, có khác gì với đám lâu la của ông ta, mượn danh triều đình để đi moi tiền, đi buôn lậu, giờ thì là buôn lậu xuyên quốc gia!” Râu tóc dựng ngược, Bạch Xuân Nguyên vẫn đứng giữa nhà chỉ tay quát hét. “Quả nhiên kẻ nhỏ làm chuyện bại hoại nhỏ, kẻ lớn làm chuyện bại hoại lớn!”
“Nào nào!” Kiến An công nắm cánh tay Bạch Xuân Nguyên, cố gắng an ủi người đàn ông rõ ràng đang giận đến phát điên. “Hoàng thượng cũng đã bảo, Tả quân là người trung thành nhưng thiếu sáng suốt. Ông ấy già rồi, có thể bị đám người ấy lừa phỉnh mà thôi.”
“Lừa phỉnh? Nói nghe nhẹ nhàng quá rồi!” Bạch Xuân Nguyên cười nhạt. “Ngài có biết bây giờ ông ta tự xưng là ‘cô’ như vua chúa rồi không? Có biết đám con hát xung quanh ông ta đã kịp sáng tác ra những bài thơ ‘sấm truyền’ chân mạng đế vương cho ông ta rồi không? Để rồi chúng xin gì ông ta cũng cho, nói gì ông ta cũng tin. Ếch chết tại miệng, người chết vì tiếng. Vì cái nhãn ‘Tả quân rộng rãi hào hiệp nhân từ’ khốn kiếp mà ông ta phải phình lên mua danh chuộc tiếng, chỉ sợ làm mất lòng bọn chúng là ông ta trở thành người xấu ngay lập tức. Chỉ cần có thứ gì phạm đến quyền lợi của chúng là chúng thúc Tả quân làm ngược lại, nhân danh ‘đạo lý’ với chả ‘nhân từ’.
“Có khi đến giờ ông ta đã chẳng còn nhớ nổi mình là ai nữa đâu. Nhờ phúc của đám con hát xung quanh, chúng đã kịp sáng tác được cả vở ‘Tả quân xử án Hoàng Công Lý’ mô phỏng ‘Bao Công xử án Bàng Thái sư’ rồi đấy. Trong nội cung có bà nào họ Hoàng à? Hay bọn chúng mất trí không nhớ ra nổi rằng Lê Văn Duyệt tháng bảy năm ấy được phái đến Gia Định đánh dẹp sư Kế làm loạn Chân Lạp, cuối tháng chín Chân Lạp mới yên, đầu tháng chín vụ Hoàng Công Lý đã thành án, cho xử ngay tại Gia Định chứ không đưa về Kinh, tháng năm Hoàng Công Lý đã bị tử hình? Trong khi có vị ‘quốc trượng’ làm trời làm đất là thuộc hạ Tả quân, thượng cấp em trai Tả quân thật đấy thì chúng mắt mù tai điếc cả rồi.
“Dùng bọn con hát tâng bốc bản thân đến tận trời cao, trong khi Lê Văn Duyệt đã làm được gì? Công bình Tây không ai qua nổi Nguyễn Văn Thành, Võ Tánh, ngay cả Nguyễn Hoàng Đức còn hơn ông ta. Trận Thị Nại còn ghi bia mộ Võ Di Nguy, lấy Phú Xuân, Bắc Thành công lớn thuộc về Lê Chất. Ông ta dù có đem quân bình định bọn man mọi khắp nơi thì bằng được Nguyễn Văn Thành bình trị Bắc Kỳ không? Gia Định do Thế Tổ mở mang xây dựng, bao đời Tổng trấn cùng phát triển, ông ta đã ở Phiên An được bao nhiêu năm? Vậy mà nhắm mắt mở mắt là lại ‘công ơn Tả quân’, coi ông ta là cha là mẹ sinh ra cả cái đất ấy. Đúng ông ta chỉ có mỗi vụ Hoàng Công Lý để tự bốc thơm mình, trong khi Trần Nhật Vĩnh còn sờ sờ kia kìa. Cả đám người điên điên dại dại chìm trong tuồng chèo của đám con hát. Cả Gia Định là một đám người điên!”
“Chuyện của đám con hát, ai lại tin là thật bao giờ.” Kiến An công bật cười, vỗ vai Bạch Xuân Nguyên, đưa anh ta ngồi xuống ghế, vẫy tay gọi người hầu rót nước. Quát hét chừng đã thấm mệt, Bạch Xuân Nguyên có vẻ nguôi nguôi, hầm hầm cầm chén trà uống cạn. Kiến An công lại ôn tồn nói. “Gia Định nhiều thành phần phức tạp, kẻ cai trị cũng phải biết chút thủ đoạn yên ổn lòng người. Chuyện đám con hát ta còn lạ gì, huống hồ là một bọn không chữ nghĩa, cắp tuồng chèo bên Tàu về sửa lại, vớ lấy mấy cái địa danh, hàm hồ áp đặt tên người, thế là cũng thành truyện tích mới diễn cho đám dân xem giải trí. Chúng thấy ai nổi tiếng, chuyện nào dễ bày trò thì làm thôi, bậc trí giả chẳng ai tin là thật.”
“Ngài nghĩ trong sử sách có bao nhiêu thứ do đám tuồng chèo con hát viết ra?” Bạch Xuân Nguyên nhếch khóe môi, như cười mà không phải cười. “Con người là loại thích nghe thứ mình muốn, chỉ cần biết tác động vào tâm lý chúng là xong. Ông mặt đen lão mặt trắng, hoa đán tiểu sinh thân phận cùng khổ đáng thương, hát mấy lời tha thiết thảm sầu, bày tỏ vài thứ bất công vô lý, diễn ra vài vai anh hùng thảm liệt, mấy lão khẳng khái chống trời, rồi nói gì chúng cũng tin. Truyền đến vài đời, thế gian này trở thành tuồng hát hết cả.”
“Nói kẻ trí giả không tin tuồng hát càng chẳng phải đâu. Tôi nhờ người đọc ghi chép của sứ Miến Điện do Anh Cát Lợi giữ, tự dưng hiểu ra tại sao đám người Gia Định suốt ngày đòi đi đánh Xiêm. Năm ấy hai cựu thần Phú Lang Sa của tiên đế đang ở Phú Xuân đòi về nước, các đạo trưởng Tây dương lập tức mò tới tiếp xúc hứa hẹn cùng sứ thần Miến Điện. Tả quân còn say sưa kể về chiến tích của Nã Đại Phá Luân. Trong khi hai cựu thần kia vốn suốt ngày lôi kéo hoàng thượng đi kết liên cùng Phú Lang Sa, họ ở đây với thân phận của bề tôi vua Phú Lang Sa giúp đỡ nước ấy vươn tay sang Đông Ấn. Thậm chí chúng có thể đang âm mưu bành trướng như Anh Cát Lợi bây giờ, chỉ từ một mẩu đất nhỏ nhoi mở cảng Hạ Châu mà đánh chiếm gần hết cả vùng biển Nam Dương rồi đấy. Hai kẻ ấy ở đây, triều đình muốn đóng thuyền phát triển quân sự thì chúng không giúp, mà nghe đến chiến tranh là chúng tới đổ dầu vào lửa[4]. Thế mà thân làm Tổng trấn Gia Định, trước là âm mưu trục lợi làm xằng, sau là không phân biệt đúng sai, không biết tình thế, suốt ngày chỉ thúc đi đánh Xiêm La. Hà Tiên tự tiện bắt giữ sứ giả Xiêm không thèm báo cho triều đình là lệnh của ai đấy?” Gương mặt Bạch Xuân Nguyên càng tối sầm lại. “Mấy kẻ Tây dương đem đến một thiên đường mới. Hẳn đám dân ngu cho rằng chỉ cần theo chúng là chẳng cần làm gì cũng giàu cũng mạnh, được bảo vệ che chở bởi những ông thánh quảng đại vô biên. Những kẻ vốn không kiến thức, nhờ đánh trận giết chóc, liều lĩnh lập công như Lê Văn Duyệt lại càng say mê hình tượng những anh hùng vô lối như Nã Đại Phá Luân.
“Đám người Gia Định suốt ngày gây sự với Xiêm La chẳng phải chỉ vì tiền. Ngài có biết cái nhóm tù binh bị đày xuống Gia Định đã trở thành quan quân trong thành Phiên An? Trong khi chúng là bọn trộm cướp mà ta mất bao nhiêu công sức, mạng lính mới bắt được. Những kẻ ngông nghênh tàn ác ghét người giàu, khinh rẻ mạng người nghèo, chỉ cho chúng là đúng, thù oán cả thế gian. Chúng cứ cho rằng chúng nghèo khổ thì chúng họp nhau đi đánh quan giết người cướp của gì cũng được, xong rồi tự xưng chính nghĩa với chả bất công, trong khi bản chất là một đám ngu ngốc. Sử dụng đám người ấy quản việc công, Lê Văn Duyệt hẳn lại tưởng mình trở thành ông thánh rắc nước trời rửa cho đám tội đồ, để chúng thành thiên thần cả đấy. Đám người Gia Định nào có sợ chiến tranh. Đám quan lại thì nghĩ phái quân ra trận được cấp bao nhiêu lương bao nhiêu tiền. Đám võ biền hung hăng thì chỉ chờ cơ hội lao sang Chân Lạp giết chóc vơ vét, dùng mạng lính lập công để chúng thành anh hùng. Không đánh được thì tìm tới ông thánh Lang Sa, Cát Lợi mà xin ơn mưa móc.”
“Khoan, ta nghe nói rằng hoàng thượng đã bác tờ xin đưa tù binh Thanh Nghệ làm thư lại của Tả quân từ hai năm trước rồi mà.” Kiến An công nghiêng người tới trước, dò hỏi. Râu tóc Bạch Xuân Nguyên lại dựng ngược lên trong cơn giận bùng phát ngút trời.
“Nhà vua đối với chúng là cái gì mà chúng nghe? Chỉ cần đến khóc lóc diễn trò với ông thánh Lê Văn Duyệt là xong! Chúng không báo cáo lên mà cho người trong ấy làm việc, cho đi sai phái, lãnh chế độ y như thư lại thật, ai hỏi tới thì chúng bảo là đang làm việc đi đày. Đúng là đi dạy vượn leo cây!” Nắm tay đấm mạnh xuống bàn, mắt Bạch Xuân Nguyên long lên sòng sọc. “Tôi vừa định điều tra nhóm quân này cùng việc ở Hà Tiên thì bị chúng làm trò hất về đây. Cái kẻ tên Nguyễn Hựu Khôi kia, là một tên phản phúc đầu sỏ!”
“Nguyễn Hựu Khôi?” Kiến An công hỏi, nhưng Bạch Xuân Nguyên đột nhiên im lặng. Ông ta đưa mắt nhìn Kiến An công rồi đứng lên.
“Nếu tên Lại Thế hay gì đó không ở phủ ngài, tôi xin sang tìm nơi khác.” Bạch Xuân Nguyên phất tay áo đứng dậy làm lễ với Kiến An công, quay người đi. Đến cửa, ông ta ngừng chân, hơi quay đầu nói khẽ. “Kiến An công ngài là người quảng giao, nhưng nhân tình hỗn độn, ngài cũng nên biết lựa bạn mà chơi.”
“Ta cũng muốn khuyên Bạch Thị lang một câu.” Kiến An công xoay chén trà trong tay, chậm rãi nói. “Anh không thể dùng cách đối phó với vua quan Xiêm La mà xử trí bọn hèn mọn được đâu. Người xưa bảo dân là nước, có thể nâng thuyền mà cũng có thể lật thuyền, chính là bọn hèn mọn ấy đấy. Không cho người khác đường sống thì mình cũng khó mà bảo toàn bản thân.”
“Tôi có thể sống chết với chúng, y như ngày tôi đi Xiêm La mà thôi.” Bạch Xuân Nguyên nheo mắt nhìn hoàng hôn đã xuống lưng chừng trời, hừ nhẹ. “Chúng đừng tưởng tôi chịu thua bọn chúng.”
Gõ ngón tay xuống bàn, Kiến An công trầm ngâm nhìn bóng dáng Bạch Xuân Nguyên khuất sau tấm bình phong. Ông ta đưa mắt nhìn qua cô thị thiếp vẫn ngẩn người quỳ cạnh bình hoa vỡ trên sàn, rồi vẫy tay gọi tên hầu bên cửa.
“Ông lái Hoàng về chưa, gọi đến cho ta.” Sai phái tên hầu xong, Kiến An công mới nhẹ giọng gọi cô. “Kìa, hoa rơi héo cả rồi.”
Cô vội vàng thu dọn mảnh vỡ, lấy bình khác cắm hoa cúc bày lại trên bàn thờ. Khi cô định rời khỏi phòng, Kiến An công chợt lên tiếng.
“Em cứ ở lại đây.” Ông ta chỉ cho cô cái sập trong góc phòng, sau bức bình phong. Cô cúi đầu, im lặng ngồi xuống. Chỉ chờ một lúc, ông thương lái người Thanh tên Hoàng Diệp có nhà ở trong làng đã chạy sang.
“Công việc ở Gia Định thế nào?” Chào hỏi trò chuyện mấy câu, Kiến An công hỏi. Hoàng Diệp cười hà hà.
“Ổn thỏa cả, thuộc hạ của phủ Kiến An công tạo điều kiện thuận lợi cho tôi lắm. Nay thấy tôi về Phú Xuân, Hoàng Văn Thông cũng có chút quà biếu ngài.” Hoàng Diệp dâng lên một cái hộp sơn mài đỏ, nhưng Kiến An công chỉ gật đầu, cho tên hầu thu nhận mà không mở ra.
“Ngươi có gặp Phó Vệ úy vệ Minh Nghĩa Nguyễn Hựu Khôi không?” Kiến An công hỏi, nụ cười của Hoàng Diệp vẫn hớn hở sáng bừng.
“Bẩm có ạ, tôi cũng đã có chút quà gửi gắm ông ấy. Phó Vệ úy là họ ngoại của Kiến An công, ông Vũ Vĩnh Tiền là em rể của Tả quân, trong Gia Định không ai không nghe tiếng nể oai. Nguyễn Phó Vệ úy xuất thân là người Cao Bằng gần sát Đại Thanh, lại càng thuận lợi cho công việc của chúng tôi. Vừa rồi Phó Vệ úy còn hỏi tôi có muốn giao dịch với vùng Nghệ An hay không, đường ấy đi qua Vạn Tượng, vốn có rất nhiều sản vật. Ông ấy có thể liên lạc với các thổ mục giúp tôi.” Hoàng Diệp xoa tay vào nhau. “Tôi còn đang suy nghĩ, vì đi buôn ở các xứ Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Hạ Châu, Phúc Kiến vốn đã phức tạp, chưa có ý định đến cả Vạn Tượng.”
“Ồ?” Kiến An công nhíu mày. “Nguyễn Hựu Khôi có quen với người ở Thanh Nghệ à? Ai thế? Vậy mà hắn không nói cho ta.”
“Ông ấy chỉ nói thế, tôi không biết ạ. Tôi cũng bận hỏi ông ấy chuyện Hà Tiên, năm trước giặc Chà Và nhiều lần nổi lên đến xâm phạm lãnh hải, đặt cả súng ống khí giới mai phục trên các đảo, khiến dân buôn vô cùng lo ngại.” Ngón tay Hoàng Diệp vặn vẹo xoắn vào nhau. “Ông ấy bảo năm trước hoàng thượng bãi chức Trấn thủ Hà Tiên của Mạc Công Du, sắp xếp lại quan chức ở Gia Định, nên chẳng ai làm việc nữa. Ngay cả khi thuyền Chà Và tấn công, quan quân chỉ thủ cho có lệ, con trai Mạc Công Du là Chánh Đội trưởng Mạc Hầu Hy đến đánh mà không ai tiếp cứu. Mạc Hầu Hy bị thương nặng phải bỏ thuyền chạy suýt chết. Con cháu nhà họ Mạc mà lưu lạc bị khinh nhờn đến độ ấy, Hà Tiên sao giữ được.”
“Chuyện của Mạc Hầu Hy, ta nghe rằng đó là cơ Vĩnh Bảo hậu gặp giặc bỏ chạy. Cơ Vĩnh Bảo hậu quê ở Vĩnh Long, liên quan gì đến Hà Tiên? Chẳng qua tướng hèn nhát bo bo giữ mình, không phải chuyện mình thì không can thiệp, chẳng phải sao?” Kiến An công xoay chuỗi hạt gỗ trên đầu ngón tay, mỉm cười. “Ta chỉ biết Thự Hiệp trấn Hà Tiên Nguyễn Hựu Dự vừa bị tố tội bắt được thuyền buôn thuốc phiện, tịch thu tài sản của phạm nhân giá hai vạn, nộp vào kho ba ngàn. Hoàng thượng phải sai Tả Thị lang Lại bộ Phạm Xuân Bích đi làm Thự Hiệp trấn Hà Tiên rồi.”
“Phải phải, các quan của hoàng thượng phái xuống có làm được việc đâu. Chẳng ai chịu nghe cả.” Hoàng Diệp bỗng bật cười. “Các ông ấy bảo muốn xử việc nghiêm minh, rồi thì thế nào? Ông mới đến bới việc ông cũ, người của ông cũ thì bới chuyện ông mới, tố nhau bảy phần thật ba phần giả, hoặc toàn dựng chuyện đánh lẫn nhau. Cuối cùng chỉ nội sắp đặt quan chức nha đường, chuẩn bị tiền cho các ông ấy đi lại thay thế nhau cũng hết thời gian.”
“Vậy mà chuyện làm ăn của ngươi vẫn không ảnh hưởng gì nhỉ?” Kiến An công mỉm cười nói. Hoàng Diệp càng cười lớn hơn.
“Chuyện xấu của tên quan trước họ Trần là một cái kho, đào mãi không hết, cho nên chẳng ai đào đến hiện tại cả. Các ông mới đến phạm lỗi thì là chuyện của các ông ấy cùng thuộc hạ, chẳng liên quan đến người của Nguyễn Phó Vệ úy lẫn thuộc hạ của ngài. Cái Gia Định ấy là một ổ tội phạm, quan nào lại nào bới đến là chết cả thôi. Ông nào mà chả có thuyền buôn lậu, chả đi buôn thuốc phiện, dùng quân lính đi làm việc riêng, dùng của công xây dựng trái phép, nhẹ nữa thì là thấy việc không làm, thấy án không hỏi, mua danh chuộc tiếng lấy quân công, sống trong vũng bùn thì phải mắt ngơ tai điếc cầu an ổn. Chả tự nhiên mà thuốc phiện tràn ngập Gia Định, ra ngoài biển thì thuyền buôn lậu xếp hàng dài, đến Hạ Châu thì gạo Gia Định chất đống ngoài cảng.” Lái buôn người Thanh tặc lưỡi. “Hoàng thượng nước này ra điều luật lệ nghiêm khắc, không như Đại Thanh cho phép buôn thuốc phiện ngang nhiên, hóa ra vẽ rắn thêm chân, tạo điều kiện cho đám quan lại làm giàu. Giờ tra đến thì chúng liều chết che giấu, trước là dụ dỗ quan mới tới theo cùng, không được thì quay ra triệt hạ nhau, cuối cùng càng làm càng bung bét, lôi nhau xuống vũng bùn. Nếu cứ làm gắt, có khi phải diệt cả nửa Gia Định, mà bản thân cũng lưỡng bại câu thương.”
“Và cũng chả ảnh hưởng gì đến ngươi. Ông này không dựa được thì ngươi tìm ông khác. Trừ phi ngươi bị tóm ở hiện trường.” Kiến An công nheo mắt. “Cẩn thận đấy. Ta nghe nói ở Bắc Kỳ, người Thanh buôn lậu thuốc phiện đã bị chém đầu, cả phố buôn bị gọi tới tra xét, đến chủ thuyền cũng không thoát tội.”
“Thuốc phiện được buôn bán tự do trên thế giới, hoàng thượng làm thế chỉ khiến bất mãn lên cao, thuế thì không thu được mà người thì sợ hãi oán than, thương mãi tụt giảm, chẳng có cái lợi gì.” Hoàng Diệp lắc đầu, nhỏ giọng. “Kiến An công là thân hoàng đệ, nên lựa lời khuyên nhủ hoàng thượng một câu. Người xưa nay đều lấy hòa làm quý, lấy vô vi làm chủ, cho người tự quyết phận người, trời tự xoay vận trời, tất cả đều có nhân quả báo ứng. Ngài ấy cứ muốn một mình chỉnh lý thiên hạ, làm việc chẳng giống ai, nhưng trời đất có theo ý ngài ấy bao giờ đâu.”
“Phải, có lẽ ta nên khuyên nhủ hoàng huynh ta vài câu.” Kiến An công vẫn chỉ mỉm cười. Nụ cười như miên viễn phảng phất trên khuôn mặt ông ta.
Khi Hoàng Diệp đã cáo từ ra về, Kiến An công vẫn ngồi bên bàn, đăm đăm nhìn ngọn đèn chập chờn. Mưa thu về rả rích ngoài song. Cô yên lặng bất động bó gối trong bóng tối.
Một lúc lâu sau, bà cả cho người hầu đến mời chồng xuống nhà dưới ăn cơm, Kiến An công mới thở ra, đứng dậy đi đến trước mặt cô.
“Em nghe rồi chứ hả?” Giọng ông ta vẫn dịu dàng. Ngược sáng, cô hoàn toàn không thấy khuôn mặt người chồng. Kiến An công vươn tay, vuốt tóc trên trán cô đã rịn đầy mồ hôi trong trời thu se lạnh. “Phải làm sao đây?”
“Trên đời ta vốn sợ nhất những kẻ như Bạch Xuân Nguyên kia. Hắn làm việc ở Bắc Thành dưới quyền Lê Chất bao nhiêu năm mà chỉ là tên Tri bạ, nhờ vào bản lĩnh liều mạng đến được ngày hôm nay. Mối hận này hắn không thể nuốt xuống được đâu, nhưng càng vùng vẫy thì hắn càng bị dìm chết, đó mới là cái kết cho những kẻ như hắn. Chỉ là, cạnh hắn giờ lại có anh trai ta.” Kiến An công khe khẽ cười. “Cho nên hắn sẽ không chết, cho đến khi hắn tự làm mình chết, như Trần Văn Tính, Trần Đăng Nghi kia.
“Nhưng hắn tự cho rằng mình đúng, trong khi toàn thiên hạ nhìn hắn đối xử với thượng cấp cũ như thế sẽ nói gì? Hắn tự cho rằng mình chính nghĩa, người cho rằng hắn là kẻ bạc ác vô lương. Hắn tự cho rằng mình thông minh tài giỏi, nhìn thấu những trò cười của thế gian, thế gian sẽ dìm hắn vào bùn lầy ô danh muôn thuở. Hắn thanh cao tự mãn, tự cho mình chống lại cả thiên hạ, không biết sợ bất cứ ai, không sợ từ vua quan Xiêm quốc cho đến trời đất cùng sống chết, rồi hắn sẽ phá hoại cả thiên hạ này mà thôi.
“Nếu em lựa chọn, em sẽ lựa chọn gì?” Ngón tay âm ấm của Kiến An công bất động trên tóc cô. “Ngay bây giờ ta có thể đem chuyện của Hoàng Diệp cùng Hoàng Văn Thông báo cáo lên hoàng thượng, từ đó mà ngài có thể truy ra cả đường dây mối nhợ của cậu em. Chỉ cần lôi ra được một kẻ, có thể truy lùng triệt hạ tất cả. Có thể tiêu diệt tất cả nguy cơ. Từ cậu em, bạn bè hắn ta, các đội quân tù binh Hồi lương, An thuận kia, cho đến cả Tả quân, đến ngay cả những con hát thuộc phủ ông ta, cả những thương buôn khắp Gia Định. Chỉ cần bắt được Hoàng Diệp, lão ta sẽ khai hết, khai sạch.”
Cô trừng trừng nhìn bóng hình tối sẫm trước mặt. Cô trừng trừng nhìn vào bóng tối.
Mưa thu rào rào ngoài cửa, vang động trong tai, trong trí óc cô thành những âm vọng bưng bưng.
Cô run rẩy nắm lấy tay Kiến An công, run rẩy cúi đầu.
“Xin ngài, xin ngài đừng báo cáo cậu thiếp. Cậu thiếp sống khó khăn, chỉ muốn kiếm thêm ít tiền, ngày còn nhỏ bị khinh bạc nên cậu muốn có chút danh vọng, thích được người tôn vinh. Nếu có điều không phải, ngài có thể nói riêng với cậu thiếp, bắt cậu không được làm thế nữa.” Mắt cô bắt đầu nhòe đi, nhưng cô thấy mắt mình khô rát, ráo hoảnh. Cô chỉ run rẩy như đang lên cơn sốt. “Nếu có gì sai lầm, cậu ấy có thể sửa. Ngài đừng tố cáo cậu thiếp, không thì cậu ấy chết mất.”
“Xin ngài. Thiếp xin ngài.” Cô dập đầu xuống sàn, vừa lạy vừa nức nở. “Mẹ thiếp chỉ có cậu là em. Nhà ngoại thiếp chỉ có mình cậu ấy là con trai. Cậu ấy đã nuôi thiếp từ nhỏ tới lớn. Em họ thiếp vừa mới sinh, còn chưa biết nói.”
Kiến An công không đáp, không lên tiếng. Cô chỉ nhìn thấy mũi giày ông ta trên sàn nhà gỗ, cái bóng trượt dài phủ lên cô.
Không nói một lời, ông quay lưng. Cánh cửa phòng sập lại, ánh đèn rung lên giữa khoảng trống im lìm.
Chú thích:
[1] Cổ ý của Tùng Thiện vương
[2] Thực lục, năm 1828: Vua Xiêm lại hỏi: “Lại hỏi năm ngoái thuyền nước Xiêm đến Hà Tiên, nghe trấn thần bắt phải báo mỗi thuyền tốn đến vài trăm quan tại sao vậy? Bọn Hy nói: "Việc ấy hẳn là không có, người hiếu sự bịa đặt ra đó thôi". Vua Xiêm nói: "Trước kia muốn sai sứ đi giao hiếu, chỉ vì quan Bảo hộ chối không nhận thư, mà Hà Tiên lại bắt giữ người buôn nước Xiêm, sợ sứ giả đi lại bị giữ lại, có hại đến tình láng giềng, nên không sai nữa. Từ nay về sau, hai nước đi lại, nếu có việc gì không hợp lẽ, cũng nên châm chước, chứ đừng câu nệ thì đạo giao lân trọn vẹn được".
[3] Trích Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin-China, exhibiting a view of the actual State of these Kingdoms của John Crawfurd xuất bản năm 1830: “Trong 1822, một viên quan nhỏ mọn của Việt Nam, hoặc một chức sắc cấp thấp, từng tự xưng là người Thiên Chúa giáo nhưng đã bỏ đạo, nói với Tổng trấn Gia Định Tả quân rằng có thể làm giàu bằng cách mua tổ chim yến và đem chúng tới Trung Quốc bán. Đó là nguồn gốc của một phái đoàn từ Việt Nam đi tới Ava (Miến Điện), và phái đoàn từ Ava tới Việt Nam sau đó. Phái đoàn Việt Nam được cử đi chỉ với danh nghĩa của Tổng trấn Gia Định, không được phép của triều đình. Ban đầu, nó chỉ là đi thăm dò mua bán, mà không được khôn ngoan lắm, khoác lên mình tính chất chính trị, và kẻ đề xướng cũng là người đứng đầu sứ đoàn. Ông ta đến Rangoon bằng đường qua Penang, và chuyến đi này được báo cho triều đình. Thư ủy nhiệm mà ông ta mang theo không khiến người ta bằng lòng, cũng như lời giải thích của ông ta chẳng hiệu quả rõ ràng, nên theo phong tục của Miến Điện, ông ta bị bắt giữ và tra tấn bắt giải thích.”
[4] Trích Journal of an Embassy…: “Tướng Tổng trấn và hai viên quan Pháp Vanier và Cheneaux đứng về phía Miến Điện.”