Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

8. Hà tu hận ngữ tương cầm
Trường An in "Minh nguyệt 1" November 26th, 2018

8. Hà tu hận ngữ tương tầm, hí ngữ tương xâm[1]
(Cớ sao cùng tìm lời oán hận, cùng chiếm lời trêu chọc)

 

Hồn hề, hồn hề, hồn bất quy
Đông tây nam bắc vô sở y.
Thướng thiên há địa giai bất khả,
Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi?
Thành quách do thị, nhân dân phi
Trần ai cổn cổn ô nhân y.
Xuất giả khu xa, nhập cứ tọa,
Tọa đàm lập nghị giai Cao, Quỳ.
Bất lộ trảo nha dữ giác độc,
Giảo tước nhân nhục cam như di.
Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu,
Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì.

Hồn hề, hồn hề, suất thử đạo
Tam Hoàng chi hậu phi kỳ thì.
Tảo liễm tinh thần phản thái cực,
Thận vật tái phản linh nhân xi.
Hậu thế nhân gian giai Thượng Quan,
Địa địa xứ xứ giai Mịch La.
Ngư long bất thực, sài hổ thực
Hồn hề, hồn hề, nại hồn hề.[2]

Cô nghe tiếng ngâm thơ nho nhỏ văng vẳng trong sân, vẫn luôn tay xếp các chén trà lên mâm. Đến khi cửa phòng chợt mở, cô mới ngẩng lên, thấy Kiến An công đứng ở cửa, vẫy tay gọi.

“Em lại đây tiếp khách cho ta.” Tiếp khách phụ nữ là việc mà cô vẫn cùng phu nhân đảm trách, nên cô vội lau tay, hỏi khẽ.

“Ai thế ạ?” Trong lòng cô lấy làm lạ, tại sao lần này Kiến An công không gọi vợ cả khi có khách đến nhà.

“Vợ lẽ của Tả quân.” Kiến An công mỉm cười trả lời. Cô ngẩng đầu lên.

“Ông ấy có vợ lẽ ạ?” Năm xưa Thế Tổ cho Tả quân Lê Văn Duyệt một người cung nữ làm vợ mà thật ra là để cai quản phủ đệ ông ta, chuyện ấy thì cô cũng biết. Nhưng Tả quân xuất thân là hoạn quan…

“Tả quân có ba người vợ.” Kiến An công ơ hờ nói, cũng không định giải thích cho cô. “Cô vợ lẽ này là em gái của một tên Vệ úy hay gì đó họ Vũ trong quân của ông ấy, lần này theo hầu vợ cả Đỗ thị và cậu của em đến Kinh thăm Thái hậu. Bà Đỗ đi đường không khỏe, nhờ cô ta đến hỏi thăm ta cho đủ lệ.”

Một người ở địa vị như vậy thì không đáng cho phu nhân của Kiến An công tiếp đãi, cô hiểu như thế, liền im lặng đi theo ông ta.

Vòng ra bên tả trường lang bao quanh hồ, cô nhìn thấy bóng một phụ nữ vấn tóc cài trâm kiểu người Gia Định. Lại gần, cô thoáng giật mình khi nhận ra người này còn rất trẻ, như thể chưa đến đôi mươi. Cô ta đứng nép sau giò lan hồ điệp cao hơn cả người được treo cạnh cột trường lang, dõi mắt về phía trường lang bên kia. Nhìn theo ánh mắt cô ta, cô thấy thấp thoáng bóng áo xanh soi xuống hồ nước, chính là người đang ngâm bài thơ nọ.

Mùa xuân, nước trong xanh phản chiếu màu trời. Xanh đến trong vắt trong mắt người thiếu phụ.

“Bà Vũ.” Cô khẽ khàng cất tiếng gọi. Cô gái giật mình nhìn sang, thấy cô đã cúi đầu. “Tôi là phủ thiếp của Kiến An công, lần đầu gặp bà Hai Tả quân.”

“À… dạ, lần đầu gặp. Hân hạnh gặp bà.” Cô gái trẻ họ Vũ lúng túng chào. Cô thấy ánh mắt cô ta còn nhìn lại bóng người bên kia hồ một lần nữa. Đỏ mặt, cô gái cười chống chế. “Tôi không biết ai lại ngâm bài thơ bất tường như thế ngay trong phủ đệ.”

“Dạ…” Đến lượt cô hơi bối rối. Chữ nghĩa của cô chỉ vừa đủ để đọc một số sổ sách thu chi, không hề hiểu bài thơ Hán ngữ kia có ý nghĩa gì. Cô nghiêng qua bụi hoa, nheo mắt nhìn người áo xanh một thoáng rồi gật đầu. “Đó là Tham tri Binh bộ Lê Văn Đức.”

Dù người này không thường tới các cuộc hội thơ của Kiến An công, cô cũng khá ấn tượng với anh ta. Con người ôn hòa như gió xuân, phong nhã hào hoa, còn trẻ đã thăng đến Trấn thủ Nghệ An, rồi Tham tri Binh bộ. Anh ta hai mươi tuổi đỗ cống sĩ, tài kiêm văn võ, tự thân tiến thủ, trước ở kinh kỳ mấy năm rồi hiện tại về lại được vài tháng, gây xôn xao nho nhỏ với mỗi bước đi. Người xung quanh thì thầm bảo, anh ta chính là một Lưu Mục Chi của đương thời. Cô không biết Lưu Mục Chi là ai, nhưng hẳn là một lời khen.

“Ở phủ này không mấy câu nệ về thơ từ.” Nhìn cô gái trẻ với ít cảm thông âm thầm, cô mỉm cười nói, đưa tay ra hiệu cho cô ta đi theo cô đến nhà trong.

Chái bên nhà chính mở cửa nhìn ra sân, từ nơi này lại nhìn rất rõ quang cảnh suốt phủ, kể cả người đàn ông trẻ kia. Vừa nói với Vũ thị vài câu chuyện phiếm, cô đã thấy Kiến An công ra mời Lê Văn Đức vào nhà chính. Hai gian nhà chỉ cách nhau một bức tường gỗ. Cô thấy rõ vai Vũ thị hơi so lên khi nghe tiếng viên Tham tri Binh bộ kia ở ngay sát bên.

“Chúc mừng anh đã thăng chức Thự Thượng thư Binh bộ.” Có tiếng nước, hẳn Kiến An công vừa rót trà vừa cười nói. “Hiện đang là lúc cần người, hẳn anh sẽ sớm trở thành Thượng thư thôi.”

“Không dám, đó là nhờ công ơn cất nhắc của hoàng thượng, tôi chỉ biết sợ hãi dốc công báo đáp, không mơ cao xa.” Lê Văn Đức trả lời vừa lịch sự vừa xa cách. Cô biết anh ta là người Gia Định, giọng nói vẫn mang đậm âm sắc phương Nam dù đã nhiều năm ở phương Bắc.

Ngón tay Vũ thị siết chặt chén trà, cô ta ngẩn người, như không hề nghe thấy lời cô đang nói.

“Ở tuổi anh mà đạt đến chức tước này, quả là kim cổ không có bao nhiêu người.” Kiến An công cười hà hà, giọng thân thiết. “Bao nhiêu năm anh một mình phấn đấu, tự lực thăng tiến, làm người chính trực tài năng, đến giờ là một Thự Thượng thư mà không một ai dám bàn ra nói vào. Người bình thường muốn thăng tiến được như thế đã khó, với địa vị của anh còn khó gấp mười.”

“Không dám,” Lê Văn Đức vẫn dùng giọng nhẹ nhàng ôn hòa không chút cảm xúc của mình mà đáp. “Hoàng thượng hiện tại là người công minh, tôi vẫn cảm thấy mình không có gì là khó khăn.”

“Đúng vậy, ta cảm thấy từ ngày ở Gia Định thì hoàng thượng đã để tâm đến anh.” Kiến An công nói, ngay lập tức bật cười. “Dù lúc ấy chúng ta cũng chỉ gặp nhau có mấy lần. Từ lúc anh được Thành Trung quân nhận làm con nuôi, chỉ vào thành Phiên An vài dịp. Ông ấy ở suốt ngoài trận, có ở Gia Định thì cũng bận rộn việc quân. Hoàng thượng hay theo quân lính tập trận có thể gặp được anh nhiều hơn.”

“Lúc ấy tôi còn nhỏ, cũng không mấy ở trong quân. Từ sau đại định, cha nuôi thường ở Bắc Thành, tôi cũng đi theo, có lẽ hoàng thượng không nhớ rõ tôi thế đâu.” Lê Văn Đức lễ độ đáp. “Kiến An công quảng giao để tâm đến người mới có thể nhớ rõ một kẻ nhỏ nhoi như tôi.”

“Vả lại, lần này tôi từ Nghệ An về Binh bộ vốn là có việc. Chức tước này nặng ngàn cân, không phải là thứ để vui mừng.” Ngừng một thoáng, Lê Văn Đức nói tiếp. Cô lại nghe tiếng rót nước, khi Kiến An công cũng im lặng.

“Lần này ta mời anh đến phủ cũng vì việc ấy.” Một lúc sau, Kiến An công mới cất tiếng. “Hôm nay ta cũng mời Lang trung Hộ bộ Bạch Xuân Nguyên đến đây bàn việc.”

“Bạch Xuân Nguyên vừa được sung Chánh sứ đi Xiêm, chuyến đi này cực kỳ quan trọng. Năm ngoái Xiêm và Vạn Tượng đánh nhau, Xiêm đánh đến đốt rụi Viên Chăn, bắt Quốc trưởng Vạn Tượng đem về Xiêm lăng trì. Ta thấy đội quân Xiêm phạm vào biên giới thì đưa một nhóm sứ giả sang hỏi, không ngờ tướng Xiêm giết sạch cả đoàn người chỉ còn vài tên lính chạy được về. Hiện thời Xiêm đang chiếm đất Vạn Tượng, ngắm nghé xuống gây hấn ở Bắc Tầm Bôn, Cam Lộ, Trấn Ninh.” Kiến An công chậm rãi nói. “Ta nghe nói chuyện đi sứ lần này, hoàng thượng cho hỏi khắp lục bộ ai có thể tự nguyện đi, cuối cùng chỉ có hơn mười người dâng biểu xin tiên phong, trong đó có Bạch Xuân Nguyên.”

“Vâng, chuyện này tôi hiểu rõ, vì đoàn sứ thần năm ngoái được phái đi từ Nghệ An.” Lần này, cô nghe trong giọng Lê Văn Đức chút cảm xúc kềm nén hiếm hoi. “Xiêm cùng Anh Cát Lợi đánh Miến Điện, Quốc trưởng Vạn Tượng thừa cơ gây sự, bị Xiêm đánh bật lại phải chạy sang nước ta trốn tạm. Khi thấy yên, ta cho ông ta về, không ngờ Xiêm vẫn không bỏ qua, mới thành cơ sự ấy. Ta không muốn Quốc trưởng Vạn Tượng cứ kình chống với Xiêm mãi, nên bộ Lễ soạn tờ dụ thay Vạn Tượng tạ lỗi, giao cho tôi cử người đưa đi. Không ngờ tướng Xiêm mới chỉ nhìn thấy đoàn sứ giả đã ra tay hạ sát toàn bộ. Cai đội Phan Văn Thống, cùng thông ngôn, thổ binh, người bản xứ hơn năm mươi người đều bị hại. Không lường được Xiêm lòng lang dạ sói, đem người dâng vào miệng cọp là lỗi của tôi.”

“Chuyến đi sứ lần này lành ít dữ nhiều, vua quan Xiêm chỉ vì một tiếng bất cẩn mà ra tay tàn sát không phải là điều lạ. Huống hồ bọn họ giờ làm tôi cho Anh Cát Lợi, trước là đi đánh Miến Điện, sau có thể trở mặt với ta bất cứ lúc nào. Nhìn đoàn sứ giả lần trước, ai nấy đều sợ hãi. Khắp lục bộ chỉ có được mười người gan dạ lĩnh mệnh đi, Bạch Xuân Nguyên quả là một tay đảm lược hơn người.” Kiến An công chậm rãi nói như cân nhắc từng lời. “Ta cũng nghĩ anh vừa từ Nghệ An trở lại, cùng người Xiêm có chút hiểu biết, có thể chỉ bảo cho đoàn sứ giả ít nhiều. Chỉ có điều…”

“Bạch Xuân Nguyên vốn ở trong Hậu quân, do cố Tổng trấn Lê Chất tiến cử, trước coi việc giấy tờ ở Bắc Thành, sau nhờ chăm chỉ làm việc mà được thăng Thự Lang trung, tôi biết.” Lê Văn Đức nghe như cười. “Mà việc trước đó, Bạch Xuân Nguyên là thuộc hạ của Tả quân, được Tả quân phái đi theo Quận Chất, tôi cũng rõ.”

“Nhưng Kiến An công không cần lo lắng, nếu để tâm đến chuyện phe phái thì tôi đã không làm việc được với ai trong triều đình này. Năm xưa tôi vừa mới đỗ cống sĩ thì cha nuôi xảy ra chuyện, hầu như toàn bộ người thân quen của ông bị hại, tôi may mắn chỉ là một Tri huyện nhỏ không ai để ý đến. Từ ấy, triều đình này chỉ còn người của các ông họ Lê, nhưng tôi vẫn đi đến được ngày hôm nay. Đúng như Kiến An công nói, là nhờ ngẩng cao đầu mà sống.” Giọng Lê Văn Đức vẫn trầm tĩnh, không vui chẳng buồn. “Vả lại, Nguyễn Trương Hiệu chỉ là một tên du đãng hèn mọn không đáng để tâm đến. Năm xưa nếu không có hắn thì cũng là kẻ khác mà thôi, có trách thì trách cậu Cả của cha nuôi tôi quá ngốc nghếch để bọn chúng lôi kéo. Một kẻ khốn nạn theo đóm ăn tàn, bày mưu lập kế hèn hạ hại người, cốt cũng chỉ để tâng công kiếm lợi cho mình, chẳng một ai coi trọng. Nghe nói bây giờ hắn đang vạ vật ở Phiên An làm một tên mõ dọa ăn dọa uống moi tiền bị người người khinh ghét.

“Cũng như vậy, nếu Bạch Xuân Nguyên cùng các quan không phải thuộc hạ của Tả quân, Hậu quân thì sẽ là một kẻ nào đó quyền cao chức trọng tương đương. Thứ bọn họ tìm kiếm là cơ hội và chỗ dựa, cũng như mọi kẻ sĩ trong thiên hạ khác, mà chẳng qua trong vị trí của họ không có sự lựa chọn. Thứ quyết định con người là hành động của họ, không phải vì họ thuộc phe phái nào. Nếu bọn họ cấu kết với nhau chuyên quyền tham tàn thì mới là do chính bản thân họ.

“Lần này Bạch Xuân Nguyên dũng cảm ra đi vì việc nước, tôi rất kính trọng anh ta. Nỗi đau buồn xấu hổ của tôi với đoàn sứ giả bị hại trước vĩnh viễn không thể nguôi ngoai, tôi không hy vọng những người vì nước liều mình lại gặp chuyện.”

“Đúng vậy, cảm động vì chuyện bất bình thì ai cũng làm được, nhưng tình nguyện xông pha gánh vác chẳng có bao nhiêu người.” Kiến An công thở dài. “Khi nghe chuyện đoàn sứ giả bị quân Xiêm tàn sát, ai cũng xúc động đến lạnh cả tâm can, nỗi bất bình sôi sục. Nhưng đủ dũng cảm để xông vào hang cọp, lại đủ tự tin để gánh vác việc lớn, nhận lãnh trọng trách liên can đến cả quốc gia, trước nay ta chưa từng nghe đến viên Lang trung nhỏ bé ở Bắc Thành như Bạch Xuân Nguyên, giờ lại muốn khấu đầu trước anh ta. Một vương công như ta quả thật quá vô dụng kém cỏi, bao năm ăn lộc chẳng được việc gì.”

“Đi sứ là việc quan trọng, đáng lẽ Kiến An công nên mời cả đoàn người tới. Tôi có chuyện muốn dặn dò từng người, cũng muốn kính họ một ly.” Lê Văn Đức nói. Nghe tiếng vỗ tay như của Kiến An công.

“Phải, ta cho gọi tất cả mọi người tới! Cai đội thì sao mà quan nhỏ thì thế nào, người dũng cảm vì nước đều đáng trọng!” Kiến An công cười lớn, cất tiếng gọi người. Sau khi phái lính đi mời từng người trong Kinh, Kiến An công lại tiếp tục phân phó người của phủ đi bày tiệc ngoài sân. Mùa thu hay mưa, họ phải vội vàng dựng cột lợp mái tạm. Trong thoáng chốc, cả phủ bị gọi xoay việc như đàn ong.

Không tiện ở nhà chính, cô đưa Vũ thị vào gian hậu viện dành cho phụ nữ trong nhà. Liếc mắt về phía tường bên rồi thiếu phụ trẻ chậm chạp đi theo cô. Từ trong căn phòng kín, họ lắng nghe âm thanh lao xao bên ngoài, đôi lúc dội lên như sóng.

“Chị ở phủ này thích nhỉ.” Vũ thị chợt nói, cúi đầu mỉm cười. “Kiến An công quả không hổ danh Mạnh Thường Quân tái sinh, thơ văn phong nhã, tập hợp những con người sĩ khí ngất trời.”

“Phủ đệ Tả quân thì thế nào?” Cô hỏi, đơn thuần vì tò mò. Thấy mắt Vũ thị tối đi.

“Tôi ở cùng Đỗ phu nhân tại một phủ riêng, Tả quân hầu như chẳng bao giờ tới. Khách đến tìm Đỗ phu nhân hầu hết là người muốn nhờ xin điều gì đó. Mỗi năm vài lần, Tả quân làm tiệc mừng sinh nhật cho Đỗ phu nhân hay cha mẹ bà thì tôi được ra ngoài, đến phủ của ông ấy. Thi thoảng khi có khách thì Tả quân cũng gọi tôi đến góp mặt. Đó là phủ đệ rất lớn ở bên một vườn hoa lớn.” Vũ thị thì thầm nói, gương mặt vẫn còn nét thơ trẻ lại sớm tối tăm, phảng phất hờn oán. “Tả quân chẳng bao giờ mở hội thơ, những người xung quanh ông ấy cũng vậy. Họ chỉ uống rượu ăn tiệc, xem đấu voi, xem xiếc, nhất là coi tuồng hát. Phủ của Tả quân có một đoàn con hát đông đến cả trăm người.”

“Ồ, ở đây thì con hát bị coi rẻ lắm.” Cô chớp mắt, ngạc nhiên thật sự. Vũ thị nhìn thoáng lên cô, nụ cười cứng nhắc vẫn ở trên môi.

“Nghe nói năm xưa Thế Tổ không cho con hát gia nhập quân đội nên lập ra ban Du Xuân riêng, Tả quân ngày ấy còn là hầu cận của ngài, có thể đã nhận lãnh coi sóc ban. Họ gắn kết với ông ấy giống như một đội quân vậy. Bao nhiêu năm rồi, cha truyền con nối, rồi nhận học trò, truyền nghề, lập gánh hát, có thể con số này còn đông hơn cả trăm. Họ ở khắp Gia Định.” Cô gái nghiêng đầu nghe tiếng nhạc ngoài sân vọng vào, ánh mắt trống rỗng. “Danh thế Tả quân rất cao, phủ đệ đông đúc, nhưng cũng rất ồn ào. Ngay cả nơi ở của Đỗ phu nhân cũng ồn ào. Ai phạm lỗi thì Tả quân chém ngay, tội nặng đem cho voi giày. Họ nói chuyện đánh bên này bên kia, làm thế nào để kiếm lợi từ việc này việc nọ.”

“Thật ra đó là chuyện thường ngày của triều đình.” Cô nói, nhưng Vũ thị lại lắc đầu mỉm cười.

“Họ suốt ngày mắng người…” Cô gái nói, bất chợt lại im lặng. Bên vai cô ta, cô thấy trăng đã lên ngoài cửa sổ.

“Thứ cho tôi tò mò, tại sao cô lại vào phủ Tả quân?” Nén không được, cô gần như buột miệng hỏi. Bàn tay cô gái siết lấy tà áo, cô ta mím môi ba lượt mới trả lời.

“Anh tôi là Vũ Vĩnh Tiền, bạn thân của cậu chị.” Đầu càng cúi thấp, ánh mắt cô gái lại càng lạnh ngắt như dao. “Anh ấy bảo Tả quân có ơn cất nhắc, phải dùng tôi để báo đáp.”

Đến lượt cô im lặng, trong ngực cồn cào như có ngàn điều muốn nói mà cô biết không nên nói ra.

Tiệc ngoài sân vừa mở, người của Đỗ thị đã đến đón Vũ thị về. Từ biệt cô gái ở cổng sau, cô ngẩn người nhìn ánh sáng đỏ rực trong sân hắt lại. Bóng người áo xanh dường như vẫn còn đứng dưới trường lang hắt ánh dương quang.

Có lẽ anh ta sẽ vĩnh viễn không biết đến cô gái đã nhìn mình sau bụi hoa chiều hôm ấy. Con người như gió xuân êm đềm kia cũng vĩnh viễn chỉ nằm trong một giấc mộng.

Mùa thu kia lá rụng đầy ngõ trúc. Hải đường lại nở hoa tưởng chừng đã giữa tiết xanh thắm hồng tàn.

Tối hôm ấy cô không có cơ hội gặp Bạch Xuân Nguyên. Phải đến mùa thu hai năm sau, cô mới chạm mặt anh ta. Cũng vào một buổi chiều, người đàn ông cao gầy xăm xăm xông vào nhà vườn Kiến An, không đợi người hầu báo mà thẳng một đường vào nhà chính. Đang cắm hoa cúc bày lên bàn thờ, cô giật mình đánh rơi bình hoa xuống đất vỡ tan.

“Có chuyện gì thế?” Kiến An công đang ngồi trên sập ngoảnh ra, hơi nheo mắt. “À, Thị lang Bạch Xuân Nguyên đây mà. Sao anh ở Gia Định về đây rồi?”

“Tên Lại Thế nhà ngài ở đâu rồi?” Không buồn chào hỏi, người đàn ông được gọi là Bạch Xuân Nguyên hầm hầm nói. Kiến An công ngồi thẳng người lên, nghiêm mặt.

“Đây là nhà hoàng đệ, anh làm cái gì thế? Có chuyện gì?” Ông ta trầm giọng gắt, khiến Bạch Xuân Nguyên hơi giật mình, cúi người như thể quấy quá chào.

“Tôi đang ở Gia Định thì có tên Lại Thế thuộc phủ của ngài tố cáo việc lậu đinh năm nào đó ở đây, hoàng thượng gọi tôi về, giáng ba cấp.” Bạch Xuân Nguyên nặng nề nói, dường như lại chỉ chực cơ hội bùng phát. “Năm ngoái tôi làm Phủ doãn Thừa Thiên, trăm công ngàn việc, bỏ sót mất tờ tâu tố cáo làng nọ lậu đinh, hoặc cũng có thể là quên mất. Một, hai tên đinh thì đáng kể gì? Vậy mà tôi vừa chân ướt chân ráo đến Gia Định nhận chức Binh tào đã có kẻ ở đây bới chuyện.”

“Phủ của ta không có kẻ nào là Lại Thế. À, Lại Thế là tên một ngôi làng trong vùng này. Tin tức của Thị lang Binh bộ sai rồi.” Kiến An công thở ra, lắc đầu. Ông ta đứng lên, cảm thông vỗ vai Bạch Xuân Nguyên. “Gia Định là đất dữ, hoàng thượng nghĩ anh có thể đối phó được nên mới đưa đến, Tả quân cũng là thượng cấp cũ của anh, sao lại đến mức ấy?”

“Kiến An công có biết Binh tào Gia Định trước tôi là ai không?” Bạch Xuân Nguyên cười gằn. “Thự Hữu Thị lang Binh bộ Trần Đăng Nghi, năm ngoái mới nhậm chức ở Gia Định đã lăn đùng ra chết! Vụ án Trần Văn Tính năm xưa, Trần Đăng Nghi lúc ấy là Tả Thị lang Công bộ, cùng chịu chung tội với Trần Văn Tính, bị Hình bộ xử chết rồi hoàng thượng thả ra. Tôi không chết mà chỉ bị đá ngược trở lại Phú Xuân có phải đã may mắn rồi không?”

“Mà lý do Trần Văn Tính bị hại chết, tôi nghĩ mình hiểu tại sao rồi đấy. Năm xưa Tả quân tự tiện cho người mang công vụ ngoại giao sang Miến Điện, nước ấy cử sứ đến đây muốn kết giao đánh Xiêm. Tả quân cùng đám người Gia Định ủng hộ theo Miến Điện, chỉ có Trần Văn Tính bác bỏ, cuối cùng hoàng thượng nghe theo ý Văn Tính. Hừ, ở Gia Định cùng Xiêm La tôi đã nghe được những thứ thật hay ho!” Bạch Xuân Nguyên đứng sang bên, tránh bàn tay của Kiến An công, quắc mắt. “Hoàng thượng lo chuyện biên giới nên cử tôi đến làm Binh tào Gia Định, không ngờ lại lôi ra được một tổ ong. Quân Xiêm La mà quan trọng à? Có mà đám binh lính ở Gia Định có ngày dìm cả quốc gia này xuống biển chết!”

 

Chú thích:

[1] Lưỡng đồng tâm của Tùng Thiện vương

[2] Bài thơ Phản chiêu hồn của Nguyễn Du, nằm trong tập thơ Bắc hành tạp lục 1813-1814. Dịch nghĩa:

Hồn ơi, hồn ơi, sao chẳng về?
Ðông tây nam bắc không chốn nương tựa
Lên trời xuống đất đều không được
Còn trở về thành Yên thành Sính làm gì?
Thành quách còn đây, nhân dân đã khác
Bụi bặm mù bay làm dơ bẩn quần áo
Ra ngoài thì ruổi xe, vào nhà ngồi chễm chệ
Ðứng ngồi bàn bạc như hai bậc hiền thần Cao, Quỳ
Không để lộ ra nanh vuốt nọc độc
Mà cắn xé thịt người ngọt xớt
Không thấy sao mấy trăm châu ở Hồ Nam
Chỉ có người gầy gò, không ai béo tốt.

Hồn ơi, hồn ơi, nếu cứ noi theo lối đó
Thì sau Tam Hoàng không hợp thời nữa
Hãy sớm thu góp tinh thần trở lại Thái Cực
Ðừng trở lại đây nữa để người ta mai mỉa.

Ðời sau đều là Thượng Quan
Khắp mặt đất đều là sông Mịch La
Cá rồng không ăn, sói hùm cũng nuốt
Hồn ơi, hồn ơi, hồn làm sao đây?




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.