7. Nhiễm nhiễm anh đào phong tín, mông mông thược dược yên phi[1]
(Phất phơ anh đào theo gió, mênh mông thược dược trong sương)
“Cháu chào cậu ạ.”
Cô gái đến trước cửa cúi mình chào hai người đàn ông đang ngồi trên sập. Người được gọi là cậu của cô, lúc này có tên Nguyễn Hựu Khôi, quay sang mỉm cười gật đầu.
“Lâu lắm rồi cậu mới gặp cháu đấy.” Ánh mắt anh ta quét qua bộ áo gấm hoa, trâm cài tóc vàng đính hạt mã não của cô cháu gái, có vẻ hài lòng. Nguyễn Hựu Khôi liền vẫy tay. “Cháu vào đây nói chuyện với cậu một lúc.”
Cô gái khép nép bước vào phòng, ngồi trên chiếu dưới chân Kiến An công. Nguyễn Hựu Khôi liền đẩy chiếc hộp lớn trước mặt đến phía cô.
“Cậu nghe nói cháu vừa sinh, nên đem thứ này làm quà cho cháu…” Anh ta còn chưa nói hết, Kiến An công đã xua tay, chặn cái hộp lại giữa hai người.
“Ta bây giờ không thể nhận thứ như thế này được.” Đưa mắt nhìn thoáng qua cô thị thiếp, Kiến An công vẫn quyết định nói thẳng. “Lúc này họ đang điều tra Trần Nhật Vĩnh, ta lại nhận đậu khấu từ Chân Lạp đem tới, nếu có chuyện biết giải thích ra sao? Hiện thời trong kinh nhiều quan lại đã bị xét nhà, tịch biên do nhận của từ Trần Nhật Vĩnh, đến Thượng thư Lại bộ Trần Lợi Trinh còn bị cách chức, tống giam, Thượng thư Hộ bộ Lương Tiến Tường cũng đang đợi án.”
“Ai dám đi xét nhà của thân hoàng đệ bao giờ?” Nguyễn Hựu Khôi nặn ra một nụ cười. Kiến An công lại hừ khẽ.
“Do việc của Trần Văn Tính, hoàng thượng đang giận dữ vô cùng, không nói trước được điều gì đâu. Anh em ta thân nhau từ nhỏ, ta biết hoàng thượng mà nổi nóng thì Thiên Lôi còn phải cất búa đi đấy.” Kiến An công lắc đầu, cúi hớp ngụm trà. “Do các người cũng quá quắt, chuyện Trần Văn Tình chỉ là lời của một người, cứ lơ đi là xong, các người cứ phải ép chết hắn ta cho bằng được. Đến Trần Văn Tính là một đại quan mà các người cũng lập mưu hại. Giờ thì hay rồi, hoàng thượng biết các người dối trá giở trò ma quỷ, cho điều tra hết cả lục bộ, Lại bộ cùng Hộ bộ bị bêu đầu trước tiên.”
“Chuyện Trần Văn Tình là Tả quân nổi nóng trước, chúng tôi nào có làm gì.” Nụ cười dính cứng như một cái mặt nạ trên Nguyễn Hựu Khôi. “Vả lại, Trần Nhật Vĩnh vốn giỏi nhất là uốn ba tấc lưỡi, bày mưu ma chước quỷ. Hắn nghe Thị vệ Trần Văn Tình về Kinh tố cáo mình là đã đi ton hót với Tả quân trước, khiến Tả quân nổi nóng đòi nhà vua giao Tình ra giết. Đến Thượng thư Công bộ Trần Văn Tính thì Nhật Vĩnh thấy bộ ty đưa xuống sai quy cách thuyền nhưng vẫn cứ làm, nghĩ cách đem người thẩm tra như Văn Tính chịu tội thay, một mặt hắn năn nỉ Tính cất sớ tâu không báo cho hoàng thượng, một mặt hắn tự vác đơn đến kêu gào với triều đình. Vậy là hắn ra điều mình chỉ phạm một lỗi nhỏ, sơ suất do ty viên, lỗi do Thượng thư, còn hắn đã thành thực báo cáo, mọi tội lỗi cùng sự chú ý đều nhằm vào Trần Văn Tính. Chẳng trách Tính lại bị Hình bộ phán tội xử trảm.”
“Không phải là toàn bộ sự việc của Trần Văn Tính đều do một tay Trần Nhật Vĩnh tạo ra? Ty viên Công bộ tư sai quy cách thuyền cũng là do hắn nói, việc đóng thuyền ở Gia Định cũng do hắn làm, giả ma giả quỷ dọa nạt Trần Văn Tính? Ngay từ đầu Trần Nhật Vĩnh đã đóng thuyền sai quy cách, nhưng Tả quân về Kinh để Nguyễn Văn Tuyên quyền Tổng trấn, lượng khó có thể qua mặt được Tuyên nên Vĩnh lừa Trần Văn Tính để ông ta ếm chuyện đi, rồi lại tự tâu lên, thế là vừa giết được Trần Văn Tính vừa rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm về đống thuyền bỏ đi ở Gia Định, lại đút túi thêm một mớ của.” Kiến An công cười nhạt. “Ngươi nói đúng, Tả quân bị Trần Nhật Vĩnh lừa khích đi giết Trần Văn Tình, còn bọn các ngươi thì đang đi lừa cả quốc gia này rồi đấy. Trần Nhật Vĩnh chỉ là một tên khốn khôn vặt, duy có các ngươi mới giúp hắn lừa khắp mọi người được thôi.”
“Kiến An công vốn cũng hiểu rõ, người trên đời có lợi thì mới làm, có ăn thì mới sống được. Vả lại, dù chúng tôi có muốn yên ổn cũng được nào. Gia Định đất giàu tiền của nhiều, đặc sản lắm, các quan ở đây nhìn đến quan Gia Định chúng tôi thì chỉ nghĩ đến chuyện quà cáp tư túi. Đến lúc ấy, làm quan thanh liêm thì chúng tôi biết lấy tiền ở đâu ra mà đưa?” Nguyễn Hựu Khôi còn đang nói, Kiến An công đã lại ngắt lời.
“Ngày trước Tả quân cũng nghe các ngươi nói như thế phải không? Vì Trần Văn Tình đòi quà cáp không được nên sàm tâu về Trần Nhật Vĩnh với hoàng thượng.” Kiến An công cười khùng khục trong cổ. “Thôi, đã đến đây gặp ta thì đừng bày lời dối trá, lươn lẹo vòng quanh nữa đi. Ta không phải Tả quân tưởng các ngươi chỉ là một đám trẻ ranh đáng thương lớn lên nơi rừng hoang núi thẳm, côi cút bơ vơ, bị cả thế gian bức ép tàn ngược đâu.”
“Chuyện là tôi nghe nói triều đình định bãi bỏ việc mua đậu khấu và ngà voi từ Chân Lạp. Ngoài ra, hoàng thượng cũng bảo là sau này mua thứ gì cho triều đình cũng phải tâu giá để ngài phân liệu.” Nguyễn Hựu Khôi thu cái hộp lại bên mình, nhũn nhặn nói như thể không nhận ra ý của Kiến An công. “Ngày trước Trần Nhật Vĩnh tham lam quá mức, nhân việc đi mua thổ sản cho triều đình mà tự tiện nâng số lượng mua vào, cùng Bảo hộ Thoại Ngọc hầu ra sức ép giá Phiên dân, thậm chí chiếm đoạt lấy không[2]. Số hàng ấy, Nhật Vĩnh một phần biếu xén trám miệng các quan, một phần đem ra bán lại. Số cửa hàng của hắn ở Gia Định khang trang bề thế không kém một đại thương nào. Nhưng hoàng thượng triệu hắn về làm Hộ tào Bắc Thành, hắn vừa đi khỏi thì cả ngàn người đưa đơn tố cáo, gây ra tình trạng bây giờ. Nhân chuyện của Trần Nhật Vĩnh, hoàng thượng cũng đang cho người xuống Gia Định thụ lý đơn kiện, Trấn thủ Phiên An là Phạm Văn Châu đang như cá nằm trên thớt.”
Nguyễn Hựu Khôi rề rà nói, Kiến An công cũng chỉ khép hờ mắt lắng nghe, gật đầu. Ngừng một thoáng, Nguyễn Hựu Khôi đành quyết định nói tiếp.
“Thú thật với Kiến An công, tôi cũng có ít cửa hàng ở Gia Định, bấy lâu nay vốn lấy mối nguồn từ phía Trần Nhật Vĩnh, chuyện làm ăn ấy mà. Nhưng sau chuyện này, tôi nghĩ mình phải tự tìm cách làm thôi.” Không biết nghĩ gì, Nguyễn Hựu Khôi đưa mắt nhìn cô cháu gái vẫn im lặng chuyên trà. Không hiểu ý anh ta, cô ngơ ngác nhìn lại.
“Triều đình không mua nữa thì ngươi nghĩ có hoàng đệ mua, hả?” Kiến An công cười khẽ, mắt lại nheo sắc như dao. “Khi chuyện đang ầm ĩ khắp cả trong triều ngoài quận, Bắc Thành bị thanh tra toàn bộ, đến cả Phò mã cũng bị cách chức đuổi về, Gia Định đang nhao nhác thế này. Chỉ cần cho các ngươi một tờ tư có đóng dấu, thế là các người mặc sức tung hoành trời Nam bể Bắc vơ vét của người, toàn bộ oán giận trút lên cho triều đình, trách nhiệm đẩy về cho ta lãnh. Càng làm càng lớn, càng lúc càng to. Trên đời này, ta vốn sợ nhất là phải làm việc với những kẻ vừa tham lam vừa ngu ngốc.”
“Tôi chắc chắn không phải là kẻ ngu ngốc, Kiến An công hiểu rõ mà.” Nụ cười vẫn trơn chuội trên gương mặt Nguyễn Hựu Khôi. “Chỉ những kẻ ngu ngốc mới làm trò chặn đường cướp của như thế, ăn được một miếng mà tiếng oán than dậy gấp mười. Chúng tôi thực sự chỉ là những thương buôn đang tìm đường làm ăn dễ dàng hơn, nhằm chia sẻ lợi ích cho cả Gia Định.”
“Ta biết một thứ đi buôn có lãi nhất: Buôn lậu.” Kiến An công búng ngón tay, gật gù. “Đừng quên ta sinh ra ở Gia Định. Xứ ấy lúa gạo thừa mứa, dân tình phức tạp, ngày trước Thế Tổ trong tình trạng chiến tranh mà đặt ra nhiều luật cấm, ta vẫn thấy chúng tìm cách lách luật luôn. Chia sẻ lợi ích cho cả Gia Định? Quả nhiên là chia sẻ lợi ích cho tất cả các người, tiền đút túi riêng, không phải nộp cho nhà nước một xu nào.”
“Thế thì đã có sao, Kiến An công? Từ ngày hoàng thượng lên ngôi, kinh doanh phát triển, triều đình còn đang định tự đưa tàu đến xứ Tây dương buôn bán, quốc khố ngập bạc vàng. Ít hạt gạo, lá trầu ở Gia Định thì thấm vào đâu.” Nguyễn Hựu Khôi đột nhiên cau mày, hạ giọng. “Vả lại, chẳng có ai ở Gia Định muốn nộp thuế để hoàng thượng xây thành ở mấy xứ Bắc Kỳ đâu.”
Kiến An công nhướn mày, trầm ngâm nhìn Nguyễn Hựu Khôi. Một nụ cười kỳ lạ nở trên khuôn mặt.
“Có vẻ ngươi đã nghĩ hết cả rồi.” Cằm Kiến An công gật khẽ. “Ta cũng vẫn nghĩ, bằng cách nào mà Trần Nhật Vĩnh có thể một tay che trời ở Gia Định. Có đứa ngốc mới tin chỉ bằng ba tấc lưỡi mà hắn bảo Nguyễn Văn Thoại ép lấy của Phiên dân, mà khiến hắn thao túng được quan trên dưới lớn nhỏ, kể cả chẳng cách nào một mình hắn có thể xây được cửa hàng lớn đến thế. Hóa ra, đúng hắn chỉ là một tên khốn tham lam ngu ngốc! Hoàng thượng có thể giết được một mình hắn, không thể giết được con rết trăm chân.”
“Từ lâu ta cũng rất thắc mắc, tại sao Tả quân lại là người tố cáo Trần Nhật Vĩnh? Tả quân cũng có thể là trung thành, nhận ra sai lầm – nhưng tại sao các đơn thư tố cáo ấy lại tới được tay Tả quân khi có bọn rết các ngươi xung quanh?” Ánh mắt càng sâu tối, Kiến An công quan sát Nguyễn Hựu Khôi với sự thích thú ngấm ngầm. “Trần Nhật Vĩnh nghe đến chức Hộ tào Bắc Thành kiêm Đê chính đã ngửi thấy mùi tiền, nhanh chóng chạy ra Bắc Kỳ. Các ngươi nhân cơ hội học ngay cách thức gắp lửa bỏ tay người của hắn, mượn tay Tả quân giết chết hắn. Dân chúng đâm đơn kiện, Phiên dân oán thán? Ha ha, ta không tin cái trò tuồng kịch ấy đâu.
“Các ngươi là một bọn con hát tự dựng sân khấu lên cho mình, quàng áo mão vào người Tả quân. Một mặt ca hát xưng tụng ông ta là minh chúa, là thánh thần thanh liêm minh khiết, một mặt mượn danh ông ta đi làm bậy khắp nơi. Vừa ca tụng Tả quân vừa ra tay vơ vét, vừa đem hình ảnh một thánh thần ra làm bùa mê thuốc lú vừa lừa gạt chiếm đoạt của người. Mượn danh triều đình làm trò xằng bậy rồi đổ cho triều đình cùng hoàng thượng, trong lúc xưng tụng Tả quân đến tận trời cao. Cả cái Gia Định đang biến thành sân khấu tuồng với một ông vua giấy cùng đám con hát vừa tìm cách lừa gạt chiếm đoạt của người vừa khơi dậy ai oán thương sầu theo ý chúng.”
“Kiến An công quá lời rồi. Tả quân được toàn dân Gia Định tôn kính là lẽ xưa nay, người nói thế chẳng phải xúc phạm Tả quân lắm ru?” Mặt không đổi lấy một sắc, Nguyễn Hựu Khôi bình thản nói. “Vả lại, sao người chẳng nghĩ tất cả đều là ý của hoàng thượng? Từ chuyện Trần Văn Tình, hoàng thượng đã nghi ngờ Trần Nhật Vĩnh cùng Tả quân. Chẳng phải Trần Văn Tình vẫn đang sống đó sao, ngài sẵn sàng trở mặt cùng Tả quân để che chở hắn. Đến chuyện của Trần Văn Tính, Hình bộ đã xử trảm giam hậu, lỗi của ông ta dù sao cũng vẫn là lỗi, hoàng thượng lại thả ra, coi như toàn bộ là trách nhiệm của Trần Nhật Vĩnh? Mấy năm trước hoàng thượng cho lệnh chuyển Trần Nhật Vĩnh đến Vĩnh Thanh, vì Tả quân giữ mà hắn mới ở lại được Phiên An. Sau đó hoàng thượng đưa cái mồi Hộ tào kiêm Đê chính Bắc Thành ra nhử, khiến Trần Nhật Vĩnh tự chạy đến Bắc Kỳ nộp mạng. Thư kiện của chúng dân dù thật hay giả thì cũng là thiên thời địa lợi. Hoàng thượng tóm ngay Nhật Vĩnh ở Bắc Thành, rồi lôi ngay ra được Thượng thư Lại bộ cùng Hộ bộ, chẳng cần phải nhìn đến sắc mặt Tả quân, cũng chẳng cần giao Trần Nhật Vĩnh về Gia Định làm án. Rồi sau đó, hàng loạt quan lại ở Gia Định đang bị thẩm tra, chẳng lẽ chúng tôi không lo sợ sao?”
“Vì các ngươi là một bọn võ biền, không ai chú ý tới. Ngươi chỉ dùng danh nghĩa con nuôi Tả quân mà làm vương tướng với đám người xung quanh, chứ chẳng là gì trong triều đình này. Trần Nhật Vĩnh ít ra còn từng là Tham hiệp Thanh Hoa, lãnh Công tào, từng được đãi quốc yến trong điện Cần Chính, còn ngươi chỉ có cái quốc tính chẳng biết thật hay giả.” Kiến An công mỉm cười, giọng vẫn ôn hòa êm ái. “Cây cao đón gió lớn, chỉ đám muỗi hút máu nấp bụi bờ mới ngày càng sinh sôi.”
“Người thường nói Kiến An công hào hiệp phong nhã, không ngờ ngày càng có giọng kiêu bạc giống hoàng thượng.” Nguyễn Hựu Khôi phì cười. “Chúng tôi quả thật chỉ là một bọn hèn mọn lấy phương thức hèn mọn để cầu sinh, ngài đâu phải là không hiểu. Chúng tôi có thể sinh sôi thì cũng là phúc của Kiến An công ngài. Ngài sống ở kinh kỳ phồn hoa đắt đỏ, làm một Mạnh Thường Quân tạo phúc cho muôn người, là chỗ dựa của kẻ sĩ khắp thiên hạ. Trong khi ngài xem, mái ngói nhà dột vẫn chưa có tiền sửa, muốn mua con ngựa cũng phải chạy đến tận Bắc Kỳ, hoàng thượng thỉnh thoảng nhớ tới thưởng thêm một ít thì cũng nói một tràng về tiết kiệm, chê trách ngài hoang phí. Ngài vì nước vì dân mà lao tâm khổ tứ hóa ra thành kẻ hút mỡ máu nhân dân. Trong khi chúng tôi muốn báo đáp ngài cũng không biết làm sao.
“Người xưa thường bảo, rắn quá sẽ gãy. Kiến An công cũng vừa nói, chẳng ai có thể một mình mà làm nên đủ chuyện. Há chỉ duy chúng tôi mà có thể gây loạn cả Gia Định? Chỉ một ít hạt gạo, lá trầu mà cũng không thể để cho chúng dân Gia Định được, chẳng phải là quá nhẫn tâm sao? Trong khi triều đình thiếu thứ gì thì cứ mặc sức đến Gia Định chiểu giá thu mua không cần biết vật giá tăng hay giảm, dân lợi hay hại.” Tay nắm chặt trên gối, mày cau lại, Nguyễn Hựu Khôi chợt đổi giọng. “Các ngài sống ở đây, cơm bưng nước rót, châu báu lót làm giường, khinh thường bọn dân ghẻ làm mọi cách mưu sinh, trong khi chính các ngài sống trên tiền mỡ máu của bọn chúng đấy.”
“Thôi lời tuồng kịch ấy đi, đã bảo đừng diễn vai trẻ con côi cút trước mặt ta!” Kiến An công ơ hờ búng móng tay, đưa mắt nhìn cành hoa lan đung đưa ngoài cửa. “Ngươi đến đây tìm ta có việc gì?”
“Không dám phiền đến Kiến An công, tôi chỉ muốn xin vài thuộc hạ của ngài.” Mím môi, Nguyễn Hựu Khôi hơi cúi mình nói. Kiến An công liếc mắt nhìn anh ta, một lúc sau thì gật đầu.
“Ngươi muốn tìm ai thì cứ bàn với họ rồi thông báo cho ta. Dù sao, các ngươi muốn đi đâu ta cũng không cản được.”
Nguyễn Hựu Khôi cúi rạp người tạ ơn rồi đứng lên, đi giật lùi ra cửa. Kiến An công cũng phủi áo đứng dậy, vào phòng trong nghỉ ngơi. Cả hai không ai nhìn đến cô gái vẫn ngồi dưới chân sập. Cô lúi húi thu dọn mâm trà đem ra ngoài thì gặp Nguyễn Hựu Khôi vẫn đứng cạnh hồ nước.
“Cháu ở đây thế nào?” Nguyễn Hựu Khôi hỏi. Lần này hiểu ý anh ta, cô gái cúi đầu lí nhí.
“Phủ này có nhiều thê thiếp, Kiến An công đối với mọi người đều như nhau. Cháu sống cũng bình thường thôi ạ.” Qua khóe mắt, cô thấy gương mặt Nguyễn Hựu Khôi sa sầm. Anh ta quay nhìn cá dưới hồ, như đã quên bẵng người cháu bên cạnh.
“Ta vốn nghĩ cháu có chút tư sắc, nhưng Nguyễn Phúc Đài là một tên cáo già.” Hồi lâu, Nguyễn Hựu Khôi lẩm bẩm. “Hắn chẳng muốn có liên hệ chính thức nào với ta, nhưng vẫn muốn trục lợi từ ta. Gả cháu cho hắn, quả thật đã bị hắn lợi dụng rồi.”
“Dạ?” Cô gái ngơ ngác. Nhưng Nguyễn Hựu Khôi lầm lì quay người bỏ đi.
Chiều tối, Kiến An công ra nhà ngoài, nhìn thấy hộp đậu khấu Nguyễn Hựu Khôi đưa tới vẫn để trên sập, liền gọi cô thị thiếp đưa trả lại cho anh ta.
Ngôi nhà Nguyễn Hựu Khôi ở tạm cùng bờ Nam nhưng vào sâu trong núi Ngự Bình, đường đi khá hoang vắng. Cô gái cùng người hầu theo đường lớn rẽ vào một ngõ nhỏ khi trời đã nhá nhem. Bỗng nhiên, họ nghe tiếng người ú ớ, rồi mấy bóng người vụt qua bên kia bụi tre gai.
Vội chạy tới phía tiếng động, cô thấy một người đàn ông ướt đẫm từ đầu đến chân đang co quắp rên rỉ trong đám cỏ. Không đủ sức đỡ ông ta lên, cô đành chạy đến nhà của Nguyễn Hựu Khôi gọi người. Đi đến nơi, thấy người đàn ông đang hấp hối, thái độ của Nguyễn Hựu Khôi chợt trở nên kỳ lạ. Anh ta im lặng phất tay ra hiệu cho đám tùy tùng lui về, kéo cháu gái cùng người hầu của cô vào nhà.
“Không được nói cho ai biết!” Trừng mắt cảnh cáo cô người hầu, Nguyễn Hựu Khôi gần như đẩy cháu gái vào nhà trong. Cô gái vẫn đang run rẩy vừa sợ hãi vừa tức giận.
“Không cứu thì ông ta chết mất…” Cô còn chưa nói hết câu, Nguyễn Hựu Khôi đã cười gằn.
“Có cứu thì ông ta cũng chết thôi. Cháu biết đó là ai không?” Gương mặt Nguyễn Hựu Khôi bộc lộ một vẻ vừa giống khinh ghét, vừa như thích thú. “Cựu Thượng thư Công bộ Trần Văn Tính, người vừa được hoàng thượng thả khỏi Hình bộ, đưa vào Vũ khố.”
“Quan trong Vũ khố giết ông ấy ạ?” Cô gái vẫn đang run rẩy như phát sốt. Nguyễn Hựu Khôi lắc đầu, tặc lưỡi.
“Ông ta vừa mới ra khỏi tù của Hình bộ, ai cần phải giết?” Anh ta ngẩng nhìn xà nhà, nói như ngâm nga. “Nguyễn Phúc Đài nói đúng, giết được một kẻ chứ không diệt được cái chân rết. Phá hủy một đường dây chứ chẳng truy tận được người. Hẳn là bọn Trần Nhật Vĩnh giết đấy.”
“Từ nay cháu cũng nên hiểu biết một số thứ để có gì còn nói giúp cho cậu.” Quay nhìn cô cháu gái, Nguyễn Hựu Khôi kéo cô ngồi xuống, bắt đầu giảng giải. “Trần Nhật Vĩnh trước là Tham hiệp Thanh Hoa, trước nữa là Tham sự Hình bộ, mà cháu có biết, ngay khi Trần Nhật Vĩnh đến thì Trấn thủ Thanh Hoa lúc ấy bị Tả quân tố cáo giải về Kinh. Không phải lỗi của viên Trấn thủ ấy mà là lính của ông ta làm bậy, đây là trò triệt hạ nhau quen thuộc của họ đấy. Nhắc đến lại nói, năm xưa Trung quân Nguyễn Văn Thành chết do con trai bị tố làm thơ mưu phản, liên lụy đến cả nhà. Mà Nguyễn Trương Hiệu tố cáo con trai Quận Thành lại là môn khách của Tham sự Hình bộ Nguyễn Hựu Nghi, Nghi là thuộc hạ của Tả quân.[3] Mà thơ phản nghịch của con trai Quận Thành vốn gửi cho hai người là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận ở Thanh Hoa.
“Đến khi hoàng thượng nay lên ngôi, Tả quân tâu xin cho Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận không phải thi mà vào thẳng Hàn lâm viện.” Nguyễn Hựu Khôi gật đầu trước gương mặt mơ hồ của cô gái, cười nhạt. “Khi tiên đế còn sống, chúng còn phải giả vờ như không phải mình cấu kết với nhau hại chết Quận Thành, đến khi vua trẻ lên ngôi thì mặc nhiên coi là mình chẳng cần kiêng nể gì nữa. Tới khi Tả quân về Gia Định, hoàng thượng cho tất cả thuộc hạ, quân ứng nghĩa Thanh Nghệ đi theo, trong đó lại có Nguyễn Trương Hiệu, bây giờ đang ở Gia Định đấy. Nguyễn Hựu Nghi cũng theo Tả quân vào Hình tào Gia Định, sau mới chuyển lại về Bắc. Cả một nhóm người xúm xít quanh chân Tả quân mà thăng quan tiến chức. Thượng thư Lại bộ Trần Lợi Trinh kia cũng chỉ là tên bám cửa quyền môn nên được cất nhắc phong chức, thời Thế Tổ hắn chỉ là Ký lục Định Tường, hoàng thượng lên ngôi chỉ trong năm năm thăng tới Thượng thư, đến khi vỡ lở ra thì do quan hệ với Trần Nhật Vĩnh cũng như Tả quân.
“Nói chung bọn chúng là một đám dây mơ rễ má kết chặt với nhau như rong biển, siết chết bất cứ ai lại gần đe dọa chúng. Vụ án Trần Văn Tính, có kẻ quyết ép chết ông ta cho được vì ông ta rất được hoàng thượng tin dùng. Năm trước sứ giả Miến Điện vào chầu muốn kết giao, cả triều đình ngả theo ý Tả quân, chỉ có mình Trần Văn Tính chống lại mà hoàng thượng lấy cớ ấy bác lời Tả quân đi. Mà những kẻ như ta nằm trong đội quân ứng nghĩa theo Tả quân từ xưa, đã nhìn rõ trò gian dối quỷ quyệt của đám quan lại bọn chúng. Kẻ nào cũng đầy một miệng nhân nghĩa trung trinh, mà ra tay với nhau ác hơn quỷ sứ.” Nụ cười của Nguyễn Hựu Khôi càng quái dị, tiếng phát ra trong cổ lục khục như cười. “Một Trần Nhật Vĩnh, Trần Lợi Trinh hay cả đám quan lại ở Phiên An kia chết, thì vẫn còn thuộc hạ của chúng, những mối dây ngấm ngầm quanh chúng.
“Tên Thị vệ Trần Văn Tình kia chỉ là một thằng oắt máu nóng thấy chi nói nấy chả biết gì, nhưng Thượng thư Trần Văn Tính thì không thể sống được. Vụ án Trần Nhật Vĩnh làm thuyền sai phép tắc ấy, nếu truy ra thì phải kể đến lượt sai thứ bao nhiêu, vì nguyên nhân nào mà chúng nhất quyết thấy sai vẫn làm, dùng của công đóng ra một đống rác. Trần Văn Tính vì tình riêng hay vì sợ tội mà bao che cho chúng, hẳn là đợi chúng sửa chữa sai lầm, nhưng chúng làm hỏng đến cùng rồi đổ lên đầu ông ta, đẩy ông ta vào Hình bộ quyết giết cho chết. Hiện thời mới chỉ có mấy kẻ thân thiết với Trần Nhật Vĩnh bị bắt, nếu để Trần Văn Tính sống thêm thì có mà nửa triều đình này sẽ đi đời. Chết, hàng loạt quan lại vừa thả ra khỏi tù đã chết, chết trong tù, đâu có Trần Văn Tính là số ít!”
“Sao hoàng thượng vẫn để thế được ạ?” Cô gái càng nghe càng sợ hãi, mặt mũi tái xanh. Nguyễn Hựu Khôi lắc đầu.
“Cháu tưởng vua là đáng sợ lắm à? Cháu nghĩ hoàng thượng hay Kiến An công đáng sợ hơn? Ta nói cho cháu biết, hoàng thượng muốn giết một người cũng phải hỏi ý trăm quan, tra đi tra lại ba lượt. Một hành động hồ đồ, cả đám người nhảy vào vừa đe dọa vừa ép buộc. Một hành vi sai trái, đám tự cho là sĩ phu ấy dùng ngòi bút để bôi bẩn trăm đời sau. Còn người như Kiến An công, dễ lắm, cháu nhìn Trần Văn Tính kia kìa.” Nguyễn Hựu Khôi ha hả cười lớn. “Thứ con người muốn là lợi ích, vua thì có lợi ích gì? Nhất là loại vua nhân nghĩa lễ trí tín, nói ra toàn lời hay ho, đặt ra toàn tiêu chuẩn ngặt nghèo, tưởng thế là tốt cho thiên hạ. Như ở Gia Định, Trần Nhật Vĩnh dựa bóng Nguyễn Văn Thoại cướp của Phiên dân, bọn dân Chân Lạp kêu trời trời không thấu, kêu đất đất không hay. Tha cho vài thuyền thuế, chở trộm vài chuyến đồ quốc cấm, buôn vài thùng thuốc phiện, vậy là đem tiền về cho gia đình, mua thêm thuộc hạ, đất đai, càng thêm sung túc. Tiền đem chia nhau, nuôi bọn người dưới cùng gia đình chúng, nghiễm nhiên trở thành một ông quan nhân đức. Nếu có kẻ nào ngứa mắt thì họp nhau lại bày mưu ma chước quỷ, dùng tay tên vua ngu ngốc kia triệt hạ nó mà mình vẫn mang danh ‘Vì dân trừ hại’. Không nữa thì cứ gọi bọn du thủ du thực vào đánh chết nó đi, xong chuyện.”
“Vậy cậu bây giờ thuộc nhóm nào thế ạ?” Cô gái nhẫn nhịn hỏi khẽ. Cô bắt đầu thấy sợ nụ cười của cậu mình. Nguyễn Hựu Khôi hơi nghiêng người về phía cô, hạ giọng thì thào, dù thật ra chẳng cần thiết.
“Bây giờ cậu vẫn đang trong giai đoạn xây dựng. Cháu cứ chờ đấy, rồi cậu sẽ làm chủ cả Gia Định.”
Chú thích:
[1] Tây giang nguyệt – Họa Lật viên giảng Hòa Phủ của Tùng Thiện vương
[2] Thực lục, năm 1830: “Như năm trước mua đậu khấu mỗi 100 cân trả đến trên dưới 150 lạng bạc, thế mà bảo hộ Chân Lạp là Nguyễn Văn Thoại cùng phạm viên là Trần Nhật Vĩnh chỉ trả 50, 60 lạng, lại còn nói tự xuất của nhà để cấp thêm. Bọn ấy đã mưu gian cho đầy túi, lại đổ lỗi cho bề trên, thì dân mọn ở biên thuỳ còn trông mong gì nữa.”
[3] Theo Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, Nguyễn Trương Hiệu còn là con nuôi của Lê Văn Duyệt.