Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

6. Lộ trích tàn hà
Trường An in "Minh nguyệt 1" November 22nd, 2018

6. Lộ trích tàn hà, nguyệt minh sơ liễu[1]
(Mưa nhỏ sen tàn, trăng soi rặng liễu)

 

“Ta nói điều này không phải là có ý gì đâu.” Miên Liêu còn chưa kịp phản ứng, Kiến An công đã nhanh chóng lắc đầu thanh minh. “Chỉ là chúng ta trong lúc rỗi rảnh tụ họp với nhau vẫn âm thầm tiếc cho nhà ngoại cháu lẫn Tả quân. Cả hai đều là anh hùng cái thế, lập bao công lao cho nước nhà, hai gia đình đều là danh gia vọng tộc oai danh lẫy lừng, quyền khuynh thiên hạ, cuối cùng lại phải chịu một kết cục như thế. Bây giờ cháu là hy vọng duy nhất còn lại của nhà Lê Hậu quân, chúng ta đều không nỡ thấy cháu phải thui chột đi trong ấm lạnh tình người.”

“Hiện tại cháu chỉ đang cố công học tập, sức chưa đủ thì sao dám nghĩ xa.” Miên Liêu cúi đầu cười. “Trong hàng các hoàng tử, người giỏi nhiều như mây, cháu chẳng qua là một hạt cát thôi.”

“Ầy, bọn trẻ ấy giỏi thì cũng chỉ giỏi ngâm thơ vịnh chữ, đem ra làm việc xem là biết ngay!” Kiến An công phì cười. “Chúng tự tin vào kinh sách, nhưng chỉ thấy chữ trong kinh sách mà lại chẳng thấy người, tin rằng kinh sách đều là thật cả. Chẳng biết kinh sách có thật hay không thì người có hiểu hay không cũng là một lẽ. Nước ta từ thời Lê về trước chỉ dạy đến mỗi Tống sử làm lối văn cử nghiệp, hoàng thượng chê trách suốt là đồ lạc hậu đi dạy thứ cách đã gần ngàn năm[2]. Nhưng mà chỉ có học đến đời Tống thôi cũng không xong, năm nào thi cử cũng phải xử tội gian lận, kỳ thi thì không lấy nổi Trạng nguyên, Bảng nhãn. Trong khi đề quanh đi quẩn lại cũng chỉ hỏi những vấn đề cũ kỹ, đem thứ kiến thức của ngàn năm trước bàn chuyện của ngàn năm trước. Đừng nói đến Minh sử phức tạp rộng lớn, các phe phái Nho gia phong phú sinh động, càng chẳng thể bàn tới chuyện đang xảy ra bây giờ. Hoàng thượng lấy chuyện buôn bán để cho người đem thuyền đến các xứ Tây dương xem xét, cũng chỉ là đang vừa nhìn vừa học, kiến thức với thực tế chênh nhau quá mức kê sao cho vừa. Ấy là ngài đã lớn lên ở Gia Định, thuở nhỏ đã lăn lộn trong đám quân tướng binh tốt qua những ngày gian khó nhất. Chứ còn đám trẻ lớn lên trong kinh viện, tiếp xúc chỉ toàn những ông già, nói ra toàn những mây gió trăng hoa, có chuyện thì chỉ cần chạy tới nấp sau lưng phụ hoàng, có thể làm được cái gì?

“Cháu xem Tả quân ấy, chẳng cần biết chữ, không cần đọc qua một trang sách cũng có thể cai quản Gia Định. Trong khi đám đọc sách thì chỉ vì vài chuyện bất đồng sách vở mà cãi vã đâm chém nhau.” Kiến An công lắc đầu, hớp ngụm trà trong chén, vẫy tay. “Nói về tài năng văn võ, ai có thể bằng Trung quân Nguyễn Văn Thành năm xưa? Một bài thơ trị yên loạn lạc, một bàn tay chinh phục sơn hà. Nói về công lao, đến Tả quân còn chưa bằng được. Khi Tả quân còn chỉ là hầu cận của Thế Tổ, ông Thành đã là tướng chỉ huy Tiên phong vào sinh ra tử. Tả quân lập được chiến công trong những trận đánh quan trọng, là vì có ông Thành làm người nắm giữ trận địa chính cho Tả quân đánh phục kích sau lưng. Không giữ được trận địa Bình Định huống lại có được Thị Nại? Không kiên cường chống chọi suốt bốn, năm năm trời nơi sơn lam chướng khí, trùng trùng phục kích, lớp lớp bao vây thì có thể lấy được Phú Xuân? Vậy mà con người có thể chống lại muôn địch năm ấy, cẩn trọng giữ được toàn quân, lại không chống được người, không giữ được mình.”

“Cháu nghe nói là do phía Tả quân lập mưu hại Trung quân?” Mắt vẫn không rời chén trà, Miên Liêu nói như chuyện phiếm tình cờ.

“Hai người không vừa mắt nhau, chuyện nhỏ hóa thành chuyện lớn, kết cục lưỡng bại câu thương.” Kiến An công gật gật đầu, dùng đúng giọng của Miên Liêu mà trả lời, rồi lại nhanh chóng đổi giọng. “Ta chỉ là nói, văn thơ không tả được đời, sách vở không nắm được người. Cháu có rảnh rỗi thì nên ra ngoài tiếp xúc với nhiều người, trò chuyện thêm với họ, học thầy không tày học bạn, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Chứ đừng học thói kiêu bạc của bọn văn nhân xem thường những kẻ hèn mọn, kẻo có ngày bị kẻ hèn mọn ấy hại chết vẫn không hiểu lý do. Mà trên đời này, kẻ hèn mọn nhiều hơn hẳn người tôn quý. Cháu cứ xem đấy, ông Thành và Tả quân cãi nhau, cuối cùng hiện tại người ta chỉ thường nói đến sự thận trọng quá mức, chậm tiến chậm quyết của Trung quân, kẻ ác mồm còn bảo ông ấy nhút nhát – chứ ai nhìn thấy ông ấy cầm đại quân giữ trận địa vốn không thể liều lĩnh? Cái không may của ông Thành chẳng phải chỉ là gây sự với Tả quân, mà là đụng chạm đến cả bọn dưới gót Tả quân vậy.”

“Ta biết đám người ngoài kia lén bảo ta câu kết với bọn Khôi, chúng mới dựng cờ suy tôn ta.” Miên Liêu hơi đưa mắt nhìn lại, Kiến An công đã ‘hừ’ khẽ. “Ta sống trên đời này, lấy chữ ‘Hòa’ làm chính yếu, lấy kết giao làm vui, không biết chê người khinh người, chẳng dại dột đánh giá ai khác, chứ ta không phải là kẻ chẳng biết đúng sai phải trái. Bọn Khôi xuất thân thổ mục trong núi, không trung chẳng hiếu, ta vốn nghĩ cho chúng cơ hội sửa đổi, thu nhận chúng vào triều đình để góp công khuyển mã, ngờ đâu tính phản phúc không thể mất. Trước nhân danh Tả quân, sau dựng cờ tên ta, chỉ là để lập cha con hắn xưng vương hầu chiếm riêng Gia Định. Ta cũng là một đời sai lầm, không biết làm cách nào để tin người, nhìn người được nữa. Ta tự cho mình thông minh, cuối cùng vẫn là không đủ.”

“Vâng.” Miên Liêu cúi đầu đáp khẽ. Từ bên cạnh, không hiểu sao y thấy nụ cười vương vất bên môi cậu ta.

Khi từ giã Kiến An công ra về, bọn y lại gặp người thị thiếp của ông ta ngoài cửa vườn. Đứng dưới rặng tre rào, thấy Miên Liêu đi ra, cô ta liền cúi đầu chào.

“Sáu năm trước tôi có nhặt nhầm thứ này của mẹ hoàng tử, nay chợt nhớ ra.” Đến trước ngựa của Miên Liêu, cô ta đưa cho cậu một túi gấm nhỏ.

Miên Liêu mở túi, dốc ngược nó xuống. Một hạt châu đỏ nâu y hệt như chuỗi hạt máu kia rơi vào bàn tay cậu.

“Lúc ấy Cung tần đỡ tôi dậy, tôi lỡ tay bám vào, làm rơi hạt châu ngoài cùng của xâu chuỗi người đang đeo. Hạt châu này tình cờ sao lại rơi vào trong cổ áo tôi, về nhà rồi tôi mới nhận ra.” Cô thị thiếp của Kiến An công giải thích, rồi lại cúi thấp người. “Sáu năm nay tôi không có cơ hội trả lại cho Cung tần, giờ mới gặp hoàng tử.”

“Cám ơn cô.” Miên Liêu cất túi gấm vào áo, cậu ta nhìn thoáng qua cô thị thiếp, ánh mắt chợt trở nên sâu xa. “Cô có muốn nói gì không?”

“Tôi… chỉ muốn hỏi thăm mẹ hoàng tử.” Ngần ngừ một thoáng, cô hỏi khẽ, giọng chợt như hụt hơi. Ánh mắt Miên Liêu càng sâu tối lại. Trong một khoảnh khắc, y tưởng cậu ta muốn giết người phụ nữ trước mặt.

“Chẳng có gì.” Cậu ta ngồi thẳng người lên trên lưng ngựa, giật dây cương cho ngựa đi tiếp. Câu nói tiếp theo của cậu ta lẫn vào tiếng vó ngựa lộc cộc, âm thanh rặng tre rào rào. “Người chết tất nhiên là chẳng có gì.”

Ngoái đầu lại, y thấy mặt người phụ nữ kia trắng xác như một bóng ma.

Đến ngã rẽ đầu sông, Miên Liêu đưa cho y túi gấm đựng hạt châu xương. Cậu ta vẫn im lặng, nên y chỉ cầm lấy túi, cúi mình chào cậu ta cùng đoàn tùy tùng.

Chuyện viên hổ phách đã được xử lý xong, lại có thêm một hạt châu mới cho y ‘làm phép’.

Tuy nhiên, y chỉ cất hạt châu vào chung với chuỗi hạt, lăn ra ngủ. Mấy ngày liền xâm nhập vào ký ức trong chuỗi hạt xương kia khiến y cảm thấy mệt mỏi rã rời, tâm trí trôi nổi, vụn nát ra như mây mùa thu trên trời. Hiện tại chỉ cần ở gần chuỗi hạt thì y cũng đã thấy khó chịu, liền đem nó giấu vào sạp gạo trong bếp.

Y ngủ một mạch đến tận tối, bụng đói réo gào mới lục đục trở dậy. Tùy tùng của Miên Liêu đưa đến một giỏ cơm để trên bàn, y vừa lật nắp giỏ đã nghe hơi lạnh ùa tới. Cô bé áo tím lại xuất hiện trước cánh cửa đóng kín.

“Ngươi đi với ta!” Cô ra lệnh. Y chỉ nhướn mắt nhìn lên.

“Xin lỗi, ta phải ăn.” Y lấy hộp cơm trong giỏ ra, ngồi xuống bàn, nói mà không nhìn bóng ma mang hình dáng đứa trẻ kia. “Sáng đến giờ ta còn chưa ăn gì."

“Đi với ta!” Cô ta trầm giọng nói. Y lấy hộp canh ra, lắc đầu.

“Ngươi đã bao giờ thấy đạo sĩ nào sợ ma chưa? Ngươi là người thì ta còn sợ chứ ma thì còn lâu!” Y nhấc hộp thịt hít hà. “Ngay cả cậu Nguyễn Phúc Miên Liêu kia, bây giờ cậu ta bản thân còn lo không xong, một bước cũng khó đi, có chuyện thì ông bố treo ngược cậu ta lên như chơi. Vì cậu ta trả tiền nên ta còn phải làm việc, chứ các ngươi đừng hòng dọa ta.”

“Có người sắp chết, đi với ta!” Cô bé kia nôn nóng chạy đến trước mặt, kéo áo y. Y nhíu mày nhìn qua, cô ta nói nhanh như giải thích. “Người ấy đến chỗ vắng tự sát, ta chỉ gọi được ngươi.”

“Bây giờ là giờ ăn cơm…” Y lầm bầm nói, nhưng vẫn đứng dậy đi theo cô ta. Vừa chạy, y vừa nghĩ bụng: quả nhiên giờ cơm là lúc tự sát tốt nhất, chẳng phải đêm khuya hoang vắng như trong tuồng kịch. Đây là thời điểm có thể đi lại mà mọi người đều không để ý đến, đường xá vắng vẻ, trời đất tối tăm. Quả là thuận tiện hơn trốn nhà trốn người nửa đêm lén lút chạy đi tự tử nhiều.

Quãng đường không xa, chạy đến đoạn rừng trúc đầu dòng sông thì y nhìn thấy bóng một người phụ nữ. Cô ta ngồi bó gối trên bờ đất, tóc xõa dài phủ cả bờ lưng, im lặng như đá dưới tán trúc đong đưa trên mặt sóng.

“Cô này…” Y lên tiếng gọi. Người phụ nữ quay đầu lại, y chợt ngẩn người. “Là cô à?”

Cô ta chính là thị thiếp của Kiến An công. Không còn mặc bộ quần áo giản dị cùng vẻ bơ phờ buổi sáng, cô ta đang mặc áo đỏ thêu hoa, tô môi vẽ mày. Lúc này, ẩn hiện trong bóng tối trăng mờ, cô phảng phất đã trở lại thành một mỹ nhân yêu kiều thuở trước.

Người phụ nữ nghe tiếng gọi, quay đầu lại, ánh mắt chợt dừng phía sau y.

“Chị…” Cô ta kinh ngạc lẩm bẩm. Y ngoái đầu, nhưng lần này y lại chỉ thấy một khoảng không. Môi người phụ nữ mấp máy khi cô ta nhìn trừng trừng vào khoảng trống. Trên khuôn mặt cô ta, y thấy vẻ gì đó gần như kinh sợ.

Mắt bỗng dưng trợn ngược, người phụ nữ lăn ra bờ đất ngất xỉu.

“Sao bây giờ?” Y lóng ngóng chạy tới đỡ đầu cô ta lên. Hơi thở của cô vẫn đều, hẳn chỉ bất tỉnh do sợ hãi. Cái bóng mờ mờ của cô bé kia hiện lên, cô nheo mắt nhìn người phụ nữ rồi phác tay.

“Lấy xâu chuỗi cùng hạt châu rơi kia lại đây.” Mắt và giọng cô cực kỳ lạnh nhạt.

Không muốn theo lời cô ta, nhưng nghĩ tới bữa cơm chưa ăn trên bàn, y liền quay lại nhà. Moi chuỗi xương trong sạp gạo lên, lấy cơm trộn thịt nắm lại, y vừa ăn vừa đi ra bờ sông. Khi y đến, trời đã tối đen, trăng lên chừng đầu ngọn cây, nhưng người phụ nữ vẫn chưa tỉnh lại.

Cô bé lấy chuỗi châu cùng túi gấm trong tay y, đặt lên ngực người phụ nữ. Cô vẫy y lại gần, ra dấu cho ngồi xuống cạnh bên người đang bất tỉnh. Y nghe âm thanh kỳ lạ nửa như tiếng hát, nửa như tiếng khóc vang sau lưng, nơi cô bé nọ đang đứng. Các âm vọng cứ trộn lẫn vào nhau, lao xao rì rầm, rời rạc tản mác khiến tâm trí y đâm hỗn loạn.

Dưới ánh trăng, y lại chìm vào cơn mê.

Đồng xanh núi cao, mái rơm ủ khói, tiếng hát khe khẽ của người phụ nữ chuyển thành giọng thì thầm ‘Ngày mai con đi với cậu mợ đến Kinh, nhớ ngoan ngoãn nghe lời. Ở Kinh, cậu có thể tìm cho con một nhà rất tốt’.

‘Ở nhà tốt là con được ăn no hả mẹ?’

‘Ừ, giờ cậu con là người của Tả quân, ai cũng kính nể. Đến khi lớn, con có thể được gả vào nhà con quan nào đó, làm một phu nhân. Nếu người đó không tốt với con, cậu con sẽ ra mặt bảo vệ con.’

‘Cũng như cậu bảo vệ mẹ. Con không cần làm phu nhân, chỉ đừng đánh con giống cha đánh mẹ. Cũng không giống ông Ba, ông Năm đánh vợ. Không giống anh đánh con. Chỉ cần không đánh con là được rồi.’

Sương mờ khói sóng, tường đỏ ngói xanh, liễu rợp sông dài. Xe ngựa lộc cộc đi qua các khu phủ đệ tường cao cửa kín, đến một cánh cổng sơn đỏ. Cô gái trẻ xuống xe ngựa, đỡ một đứa trẻ xuống cùng.

“Hôm nay em Dung và em Yến được Nhị phi cho về nhà chơi, các em khác đều còn nhỏ cả, em đến chơi với các em ấy, phụ chị Kiều chăm sóc bọn trẻ luôn thể.” Cô gái dặn dò đứa bé gái chừng tám, chín tuổi. Nó hăng hái gật đầu với cô.

Đứa trẻ được đưa đến một căn phòng có chừng ba, bốn trẻ khác chừng dưới năm tuổi. Chúng bày trò chơi ầm ĩ đến chiều tối, rồi cô gái cùng vài phụ nữ đưa cơm đến, lo cho bọn trẻ ăn ngủ. Lạ nhà, đứa trẻ không ngủ được, lăn qua trở lại hồi lâu. Nghe tiếng vó ngựa lộc cộc ngoài ngõ, nó hé cửa sổ nhìn ra, thấy ánh đèn đung đưa, vài bóng người loáng thoáng quanh cổng. Lan can bên cạnh nhà chợt nghe có tiếng rì rầm. Tò mò, nó trượt xuống giường, luồn ra ngoài xem xét, thấy nhà chính bên kia sân đá vẫn sáng đèn.

Bóng một người phụ nữ đi qua giếng đá, tiếng rì rầm sau nhà càng sôi nổi hơn. Lần này, nó nghe rõ tiếng một cô gái buột miệng nói “Chị Kiều đến rồi kìa!”.

‘Chị Kiều’ là người mà người quen của nó nhắc tới. Đứa trẻ nghĩ thầm, liền nhân bóng tối và thân hình bé nhỏ của nó mà men qua lan can tả vu đến gian nhà sáng đèn. Nấp dưới bóng cây hải đường, nó nhìn được qua cửa chính gian nhà, thấy bóng lưng một người phụ nữ đang quỳ, cúi sụp đầu xuống sàn.

“Ngẩng lên!” Tiếng nói của nam giới, có lẽ vẫn là thanh niên trẻ, giọng lại không giống mấy với người xứ này. Người phụ nữ chậm chạp thẳng lưng quỳ lên. Giọng nói có vẻ bình thản dửng dưng của thanh niên kia lại tiếp tục. “Nàng có biết chuyện cha nàng không?”

“Bẩm ông hoàng, thiếp biết.” Tiếng nói của phụ nữ trẻ, êm và trầm, cũng chẳng giống giọng người xứ này. Cô nhẹ nhàng nói tiếp. “Khi cha thiếp mất tích, thiếp còn nhỏ, nhưng vẫn nhớ được năm xưa nhà thiếp sống ở trung tâm thành Đông Kinh, chính là gần điện Kính Thiên. Một đêm, mẹ thiếp đưa các con bỏ trốn, mãi sau mới gặp lại cha.”

“Nhưng nàng chưa từng nói với ta?” Giọng người thanh niên vẫn chẳng lên chẳng xuống, như thể anh ta vẫn còn đang muốn thăm dò điều gì đó.

“Làm sao thiếp có thể nói được ạ?” Cô gái trả lời vẻ nhẫn nhịn. “Khi ở lầu các Đông Kinh, thiếp vẫn chỉ là một đứa trẻ. Còn tuổi thơ của thiếp vẫn là mót khoai lúa ngoài đồng, uống nước ruộng mùa lũ, mẹ thiếp bảo cha đã chết rồi, bị người ta ném xuống sông chết rồi, còn người xung quanh thì bảo thiếp là con hoang. Trốn trốn tránh tránh, giấu giấu giếm giếm, đến cha mẹ thiếp là ai thì họ bảo sao thiếp nghe vậy, có nghi ngờ mà hỏi thì cũng chẳng bao giờ được trả lời.”

“Vả lại, đó là cha thiếp. Dù nghi ngờ từ lâu, thiếp cũng sẽ không nói.” Cô gái lại cúi sụp đầu, giọng đã nén lại vẫn như vỡ ra. “Mẹ thiếp may mắn lắm mới có lại được chồng, anh em thiếp khó khăn lắm mới có được cha. Thiếp không thể mất họ được.”

“Nên nàng sẵn sàng hy sinh ta?” Người thanh niên kia chợt cười khẽ. “Nàng có biết mình đã đẩy ta vào vị thế nào?”

“Ông hoàng có thể thôi thiếp, đây là chuyện không liên quan đến ông hoàng. Thiếp có thể đến cung tạ tội với hoàng thượng, xin cho ông hoàng.” Bờ vai người phụ nữ vẫn bất động, cô ta bình thản nói như chuyện đã suy nghĩ từ lâu. “Thậm chí ngài có thể ban chết cho thần thiếp, từ nay về sau ông hoàng và nhà họ Ngô không có liên hệ gì nữa.”

“Nàng có vẻ đã nghĩ tất cả rồi đấy.” Người thanh niên lại cười. “Các người cũng thật hay ho, cứ bừa bãi gây chuyện rồi đi chống chế, không thoát được thì đòi sống đòi chết hòng đổ hết trách nhiệm cho người bị hại. Rồi đến giờ thì sao, đem nàng ra uy hiếp ta à?”

“Bẩm ông hoàng, không phải. Thiếp chỉ đưa ra cách giải quyết, nếu ông hoàng không bằng lòng thì thiếp sẽ nghĩ một cách êm đẹp hơn.” Giọng cô gái càng kiên quyết. “Thiếp ở phủ ông hoàng nhờ phúc mà có chút danh phận cao hơn người khác, ông hoàng chỉ cần cho thiếp xuống làm thị nữ là được rồi.”

“Thôi!” Người thanh niên ngắt lời khi cô gái còn chưa nói hết. “Ta không có thói giải quyết việc bằng phụ nữ. Tự dưng chạy đến quỳ ở đây đòi sống đòi chết, thời gian nàng suy nghĩ vớ vẩn chẳng bằng chăm sóc bọn trẻ đi.”

“Nhưng…” Cô gái ngẩng đầu. Nghe tiếng như ngón tay thanh niên kia gõ xuống bàn.

“Nàng cưới ta là do cha mẹ sắp đặt, nếu muốn hỏi tội thì ta hỏi tội cha nàng trước. Không phát hiện ra cha nàng là cái sai của bọn làm hộ tịch từ ngày ở Gia Định. Từ nay về sau, vị thế của ta trong triều là do chính ta quyết định, không phải nhờ bất cứ quan hệ nào. Nếu chỉ có chút việc như thế này mà ta còn phải loanh quanh nghĩ quẩn, bày trò ma quỷ trên danh phận một đứa con gái nhỏ nhoi như nàng thì sau này ta còn làm được cái gì?” Ánh đèn đổ xiêu qua bóng một người tiến tới cô gái đang quỳ, đưa tay cho cô ta. “Từ nay về sau, nàng ngẩng cao đầu mà làm phủ thiếp của ta. Kẻ nào dựa vào chút việc nhỏ, mấy thứ danh phận không đáng mà bày trò khinh mạn, cứ nói với chúng: Ta không để ý thì không đến lượt chúng.”

Tiếng nức nở bật ra trong đêm. Dưới gốc hải đường, đứa trẻ đăm đăm nhìn những bóng hình trong căn phòng mờ ảo. Mắt nó mờ đi trong lệ.

Mai trắng đường xuân, chái nhà mở cửa cho nắng rọi. Cá đớp dưới ao bèo, sóng bọt lăn tăn. Thiếu nữ cầm cành liễu đăm đăm nhìn người đàn ông trước mặt, anh ta vẫn đang nói say mê.

“Từ nay cậu phải vào Gia Định theo Tả quân, cháu nếu muốn cũng có thể vào theo. Nhưng cậu nghĩ phận gái đường xa cực khổ cho cháu, vả lại cháu ở Phú Xuân cũng quen như quê mình rồi, không muốn rời đi. Cậu đang muốn tìm cho cháu một nơi gửi gắm.” Người đàn ông đang nói chợt dừng, lại chép miệng. “Chắc cháu cũng đã nghe mợ nói rồi, cậu muốn đưa cháu vào cung, nhưng không được.”

“Con gái Hậu quân vào cung tháng trước, được phong Cung tần, cậu mới nghĩ rằng hoàng thượng vừa lên ngôi, muốn lấy lòng quan lại thì sẽ nạp thêm cung phi, xây dựng quan hệ. Ngờ đâu ngài ta một mặt đồng tình lấy con gái Hậu quân, một bên đến tận nhà Ngô thị phong tước, đề thơ, phục chức Chưởng cơ cho Ngô Văn Sở. Cậu đã nhờ cả Tả quân đánh tiếng, nhưng ngài ta không chấp nhận cháu.”

“Bây giờ chị Kiều vẫn là người cao nhất cung nội ạ?” Thiếu nữ hỏi khẽ. Khuôn mặt người đàn ông thoáng vẻ tức bực.

“Với người cha như thế thì cô ta không lên nổi Hoàng hậu đâu, nhưng vẫn là chính cung, khiến cha con Hậu quân bực bội không biết bao nhiêu mà kể.” Bỗng anh ta bất chợt đổi giọng hồ hởi. “Dù hoàng thượng không muốn lấy cháu, nhưng hoàng đệ Kiến An công hợp mắt cháu, ngỏ lời với ta. Tuy giờ anh ta đã có phủ phi, nhưng làm lẽ nhà công hầu còn tốt hơn làm vợ nhà quan nhỏ.”

“Cậu, cháu không…” Thiếu nữ hoảng hốt nói. Người đàn ông xua tay.

“Hôm qua ta đã đồng ý với Kiến An công rồi, vài ngày nữa anh ta sẽ đưa lễ tới.” Thấy vẻ mặt thiếu nữ, người đàn ông ngọt nhạt. “Kiến An công hào hiệp phóng khoáng, là một danh sĩ đương thời, một công tử danh giá được hâm mộ ở kinh thành này. So với hoàng thượng tính tình khắc nghiệt lại có một Ngô thị được sủng ái cạnh bên, thêm con gái nhà Hậu quân thì trong cung càng khó khăn, phủ Kiến An công là nơi thoải mái hơn nhiều. Cậu đi cùng Tả quân đến Gia Định xa xôi, mọi sự không biết thế nào, cháu ở phủ Kiến An công có thể giúp được gì đó cho cậu.”

“Năm xưa nhà ta khó khăn, cậu đi theo Tả quân mới được ít danh vọng, chăm sóc cho cả mẹ con cháu. Đưa cháu đến Phú Xuân này là cậu muốn tốt cho cháu, để cháu có một đời an nhàn, không phí phạm tuổi xuân ở cái đất rừng ruộng quê kia.” Thiếu nữ vẫn không lên tiếng, người đàn ông cau mày nói. “Phủ hoàng đệ con ruột Thái hậu, em ruột hoàng đế, cháu còn muốn chê cái gì? Hay cháu chê ta không làm được tới Tổng trấn nên không đưa được cháu vào cung, lập cháu làm hoàng hậu?”

“Cháu không dám.” Thiếu nữ mím môi cúi đầu, nghẹn ngào nói. “Công ơn cậu chăm lo dưỡng dục bấy lâu nay, cậu muốn cháu ở đâu thì cháu ở đấy. Cháu không dám cãi lời.”

Người đàn ông hài lòng rời đi. Thiếu nữ lặng người nhìn cành mai lắc rắc rơi cánh mỏng xuống hồ nước. Cô vào nhà, mở rương hòm lấy ra một chiếc áo đỏ.

‘Từ nay về sau, nàng ngẩng cao đầu mà làm phủ thiếp của ta.’

‘Hoàng thượng đến tận nhà Ngô thị phong tước, đề thơ, phục chức Chưởng cơ cho Ngô Văn Sở.’

Cá đớp động sóng nước tràn, mai rụng ngày xuân sớm. Ôm tấm áo đỏ, thiếu nữ nức nở khóc trong phòng vắng.

 

Cô ta là cháu họ ngoại, liên quan gì đến chuyện của cậu cô ta?[3]

 

Chú thích:

[1] Pháp khúc khiến tiên âm – Thính Trần Bá Di đàn Nam cầm của Tùng Thiện vương

[2] Thực lục, năm 1823: Quang lộc Tự khanh Phan Huy Thực tâu rằng: “Từ đời Lê trở lại, những người học thi cử chỉ đọc các sử Hán, Đường, Tống làm lối tắt thi cử”. Vua nói: “Từ Nguyên, Minh cho đến Đại Thanh có đến 6, 7 trăm năm. Cứ nay mà xem thì từ Tống trở lên đã thành đời thái cổ rồi, mà kẻ học giả bỏ gần cầu xa là cớ làm sao?”. Lại quay hỏi Thiêm sự Lê Văn Đức. Lê Văn Đức đáp rằng: “Thần cũng chỉ học văn cử nghiệp mà thôi”. Vua lại nói: “Văn cử nghiệp làm lầm người ta đã lâu. Trẫm cho rằng văn chương vẫn không nhất định. Nay văn cử nghiệp chỉ câu nệ sáo cũ, lên mặt với nhau, đứng riêng phe phái, nhân phẩm lấy đấy làm cao thấp, khoa trường lấy đấy làm đỗ hỏng, học hành như thế, lạ gì nhân tài mỗi ngày một kém. Nhưng tập tục theo nhau, khó mà thay đổi. Vài năm nữa nên bàn thay đổi”.

[3] Thực lục, tháng 6 năm 1833: Kiến An công Đài cho rằng: "Vợ lẽ mình là cháu gọi nghịch Khôi bằng cậu, vậy xin truất xuống làm nữ tì". Vua bảo rằng: "Nó là vợ lẽ ngươi đã hơn 10 năm, biết gì đến việc nhà họ ngoại? Huống chi cháu gọi bằng cậu, theo luật cũng không bắt tội đến. Nay đã truất làm đầy tớ gái, thì chuẩn cho đoàn tụ.”




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.