4. Phương ý bất thâm thiển, khán thử bác sơn hôi[1]
(Ý thơ nào kể nông sâu, non xa nhìn khắp rợp màu tro bay)
Mưa thu rì rào lối trúc, khói thu bàng bạc màu sương. Mái hiên xanh trĩu nặng tháng năm, lá úa vàng không qua được thời gian dằng dặc. Mùi trầm thoảng trong hương hoa ngai ngái chìm vào hơi sương cỏ.
Hương trà ấm giữa lòng bàn tay cũng tan nhanh đi trong gió. Người thanh niên trẻ cúi đầu chuyên trà, không nhìn đến tập giấy được đặt trước mặt.
“Đã mãn tang vợ con, cũng phải sớm tìm phủ thiếp mới cho con. Ta xét con cháu các quan thần trạc tuổi con có những người này, con xem thế nào.” Người phụ nữ nói, ngón tay vẫn đặt trên tập giấy. Họ đang ngồi trong thủy đình cạnh hồ, gió vi vu đưa hơi mưa lành lạnh. Không đợi thanh niên lên tiếng, người phụ nữ đã tiếp tục. “Ta đã gọi mấy cô gái này vào hầu để xem xét thế nào, thấy có con gái nhà Ngô Văn Sở, cháu gái họ Trần Công đều được lắm. Con gái Hữu Tham tri Nguyễn Khắc Thiệu[2] giỏi giang khôn khéo, hiềm là hơi nhỏ tuổi.”
“Con đã tìm được người rồi, cháu gái Chánh vệ Hữu quân Thiện vũ vệ họ Phạm.” Người thanh niên chậm rãi nói, đặt lại bình trà xuống bàn.
“Ai cơ?” Người phụ nữ nhíu mày, nghĩ một lúc rồi ‘à’ lên. “Con bé Tuyết, cháu ông Tứ[3]? Nhưng mà… ông ấy về hưu rồi.”
“Ông ấy từ khi theo ta lập quân công từ Phố Châm đến Quy Nhơn, cũng coi như danh giá. Con biết cô ấy từ ngày ở Gia Định, người tính tình hiền lành, có thể chăm sóc Dung được.” Giọng của người thanh niên vẫn không cao không thấp, ra vẻ như không nhận thấy ẩn ý trong câu nói của mẹ anh ta.
Người phụ nữ im lặng một lúc lâu rồi thở dài. Bà cúi đầu lấy trong tay nải bên người ra một cái hộp gỗ, đặt lên bàn.
“Hôm nọ ta tìm lại được trong cung thứ này.” Bà đẩy cái hộp gỗ đến trước mặt con trai. “Năm ấy con trộm thuyền của phụ hoàng rồi bị đánh, con bé Hoa đưa đến cung. Ngày ấy phủ của con bị canh giữ, nó không vào được.”
“Ta không cho nó vào gặp con.” Thấy người thanh niên đột ngột ngẩng đầu lên, bà lại thở hắt ra. “Ngày còn bé, con gây họa nhiều biết bao nhiêu mà kể. Con bé dẫu là con cháu nhà công thần, có thể viện cớ hầu Hoàng hậu mà vào cung, đâu thể muốn làm gì cũng được.”
Người thanh niên im lặng mở chiếc hộp, lật lớp vải lót trong, chạm vào túi hạt sen đã khô bên trong.
“Nó bảo con chỉ thích ăn hạt sen trắng, chê tất cả loại sen khác, xin ta đem nấu cháo cho con.” Người phụ nữ ngoảnh đầu nhìn ra màn mưa rì rào tiếng trúc. “Hoa sen trắng chỉ biết chính lòng mình, không vương vấn nhân gian. Cây thị kia hương thơm sắc thắm nhưng chim chóc không đậu được. Thê Phượng viên, phượng hoàng chẳng phải ngô đồng không đậu, không phải nước trong chẳng uống. Con bề ngoài thì hòa nhã, nhưng trong lòng lại chẳng có con người.”
“Con có biết, ngoài kia người ta nói con thế nào?” Người phụ nữ chợt hỏi. Thanh niên đóng hộp gỗ lại, hơi mỉm cười.
“Dễ nghe thì là kiêu căng ngạo mạn, khó nghe thì là khó chịu.” Anh ta cười khẽ. “Con chẳng qua chỉ không chịu đựng được một số loại người, tính tình lại xốc nổi không biết suy nghĩ, hễ giận lên là mắng người, thật chẳng được rộng rãi hào phóng như phụ hoàng.”
“Phụ hoàng con chuyện gì cũng cho qua được, nhưng lại không để ai qua mặt mình. Con thì thật ra chuyện gì cũng nghĩ cho người, nhưng lại không chịu đựng được lỗi lầm của người.” Người phụ nữ nâng chén trà trong tay. “Phượng hoàng vốn là thứ không có thật ở thế gian, còn con vẫn cứ muốn sống trong thế giới của riêng mình.”
“Bây giờ con là vị hoàng tử lớn tuổi nhất, lại có danh nghĩa là con của Hoàng hậu. Hoàng hậu bây giờ Đông cung đã mất nhưng vẫn còn các hoàng tôn, nếu chọn lựa sẽ chẳng chọn con. Bà ấy lại là con cháu nhà Tống Phúc, dù dâu bể đi qua thì dòng họ đã thiệt hại ít nhiều, nhưng danh thế vẫn cao. Ta chỉ là người hầu của Quốc mẫu, dù nhà ta cưu mang gia đình hoàng thượng, ông ngoại con hiện tại làm đến Tham tri Lễ bộ thì thân phận vẫn không so được, chúng ta vẫn chỉ là kẻ xuất thân thường dân áo vải.” Làn khói từ chén trà tan đi trước mắt người phụ nữ trong hơi thở thật khẽ. “Nhưng con có nghĩ, dù con không muốn ngôi Thái tử thì người để yên được cho con? Phụ hoàng yêu con như thế, kỳ vọng vào con như thế, chẳng biết là làm lợi hay hại cho con? Không chỉ hoàng tôn, Tam phi Lê thị kia tuổi cũng còn trẻ, nếu sinh ra hoàng tử thì chỉ e lại có phong ba.
“Đi hỏi trong triều, có ai muốn lập con? Nhưng cha truyền con nối là lẽ lâu nay, nếu bỏ qua mấy chục người con mà viện dòng chính lập xuống hoàng tôn, cũng là tiềm ẩn một mối họa. Không chỉ hoàng tôn còn nhỏ tuổi, mà xung quanh các vương hầu khanh tướng đều lớn mạnh vững chắc, rễ sâu nhánh lớn, không đủ sức đủ uy để cầm giữ là họa cho xã tắc. Con thì cái gì cũng tốt, nhưng chỉ biết có mình.” Ngừng một thoáng, người phụ nữ trầm giọng. “Ta là một người hầu, con lại chọn lấy con gái một người hầu, rồi con nghĩ mình sẽ đứng ở đâu được trong triều đình này?”
“Chia bè lập phái, bên nào cũng muốn nuốt chửng bên kia. Chọn đứng ở bên nào cũng sẽ chỉ làm mồi cho kẻ còn lại, rồi tự đem mình hóa thành mối họa.” Người thanh niên vẫn lạnh nhạt nói. “Huống hồ dưới mắt phụ hoàng còn đi mưu cầu việc riêng, kết giao với những kẻ không ra gì làm loạn triều cương, là kẻ tính quá hóa vụng, chỉ đợi ngày phụ hoàng diệt hết tất cả.”
“Ta không bảo con gây bè phái, mà là thế lực.” Người phụ nữ cau mày, hơi nghiêng tới trước. “Con nghĩ khi có chuyện, người ta sẽ ủng hộ con rể của lính hầu hay con rể nhà Quản đạo Thanh Hoa ngoại, nhà quan Tham tri? Người ta sẽ kính trọng một người lính thuộc vệ Túc trực chỉ biết trung thành cẩn trọng đi theo phụ hoàng con khắp nơi, hay là một vị tướng tử thủ thành Bình Định, học trò Võ Trường Toản, Hữu Tham tri Công bộ xây dựng Văn Miếu? Con nghĩ chỉ cần phụ hoàng con muốn thì con cứ việc ở đây, không màng gì đến người khác, chỉ cần nói vài lời hay ho, đọc vài bài văn thơ rồi người ta sẽ coi trọng con, chấp nhận con? Trong khi con thậm chí còn chẳng được khôn khéo biết lấy lòng người như Đài em con?”
Người thanh niên lại im lặng, đưa mắt nhìn xuống hồ sen đang tàn dần. Lá sen úa màu rung rinh dưới mưa, làn nước nổi từng đợt sóng tròn.
“Con được phép cưới con bé Hoa vì con vẫn chỉ là một hoàng tử chẳng phải dòng chính, cũng vì phụ hoàng con là một người không màng lẽ thường, con bé lại hay vào cung chơi cùng cha nó nên được phụ hoàng con yêu thích. Nhưng thật ra, ta không bao giờ muốn nó gặp con.” Người phụ nữ đặt lại chén trà xuống bàn, tiếng lạch cạnh vang rành rõ trong bầu không khí vắng lặng. Bà cau mày nhìn hộp gỗ vẫn nằm trong tay con trai. “Lần ấy con bị đánh đến không đứng lên nổi, nhìn thấy nó, thật lòng ta chỉ muốn nó biến mất!”
“Con ở bên nó một năm, tưởng nhớ nó cả năm, nghĩ cũng đã đủ rồi. Con nhìn ra ngoài mà xem, Bắc Thành lại có loạn, dịch bệnh lại đang nổi, đất nước này đã được yên ắng ngày nào. Người đến tuổi thành niên, làm lễ đội mũ thì phải trưởng thành đi thôi, không phải cứ sống theo ý mình mãi được. Con không thể cứ gây họa cho mình, cho cả hoàng thất, cả quốc gia chỉ vì ý muốn của riêng con.” Đặt hòn đá chặn giấy lên tập danh sách, người phụ nữ trầm giọng kiên quyết. “Con có biết bây giờ các quan trong triều chẳng ai muốn gả con gái cho con? Ta cùng phụ hoàng con mãi mới thuyết phục được Ngô Văn Sở đã bị cách chức về làm ruộng ở Quảng Trị?”
Người thanh niên nhìn bà một lúc, bất chợt bật cười, hơi cúi mình.
“Vâng, xin mẹ làm chủ cho con.” Ánh mắt anh ta lạnh tanh.
Khi người phụ nữ hài lòng dặn dò thêm vài điều rồi đứng lên định rời khỏi đình, anh ta gọi bà lại.
“Cám ơn mẹ.” Anh ta cũng không nói thêm.
Còn lại một mình, anh ta cầm lên chiếc hộp gỗ, đi về phía lan can nhìn ra hồ. Mở hộp, anh ta bốc từng nắm hạt sen buông xuống. Có những hạt đã khô cong, vỡ ngay trong tay anh ta.
Bầu trời trên mặt hồ tan thành từng vòng sóng. Đá bạc màu rêu cũ. Mây dằng dặc trôi qua núi biếc. Trúc reo vào thiên thu.
Sắc thu úa màu hổ phách, tan vỡ thành từng hạt li ti buông vào giữa thinh không. Y thấy những cảnh tượng vụn vặt loang loáng qua trước mắt, nhạt mờ như từng làn khói mỏng.
Khu thành đan những ô đường vuông vức, nườm nượp người lại qua nô nức, hai đứa trẻ nắm tay nhau ngắm đèn treo rực rỡ dưới trăng. Cô bé lấy đất sét nặn cho cậu bé một con nai nhỏ.
Bến thuyền Sài Côn đông đúc những cột buồm lô nhô, hàng ngũ quân kỳ lớp lớp. Bên lan can thuyền, cậu bé mặc áo chiến vẫy tay với nhóm người trên bờ.
Hiên lạnh sao thưa, căn phòng mập mờ ánh nến, cô bé ngồi bên giường, chạm tay lên má cậu bé đang nằm, thì thầm ‘Cậu bị cha đánh đau không?’.
Nắng rực trời hồng, hai đứa trẻ trèo ra bờ tường, nhảy qua hào nước, chạy mất bóng vào cánh đồng cỏ cao quá đầu người.
Bờ liễu đương xuân, thuyền đậu bên bến đá, thiếu nữ cởi nón tươi cười với thiếu niên trên bờ. Xanh xanh màu áo, long lanh dòng nước, mái chèo khua động, thiếu niên ngẩn ngơ.
Cổng trúc đỏ màu xác pháo, tiếng nhạc rộn rã vang. Xe ngựa đưa người qua cửa dừng bên cầu đá. Sen nở trắng mặt hồ. Bên kia cầu, thiếu niên mặc triều phục tươi cười đợi thiếu nữ điểm trang rực rỡ bước sang.
Nắng bạc mưa giăng, tang treo trắng hiên lục. Sen trong hồ vẫn rực rỡ ngát hương trong lặng yên.
“Minh nhật ngũ canh tàn mộng giác,
Bình phân lưỡng địa chiếu tương tư.[4]”
Tiếng thanh la chợt dội lên, khiến y bừng tỉnh. Có tiếng chân chạy rầm rập qua ngõ, tiếng người gọi nhau í ới vọng xa xa gần gần.
“Cháy nhà à?” Vừa kịp hồi phục tinh thần, y đã bật thốt. Không đợi cô bé kia trả lời, y chạy ra ngoài cửa, vừa kịp thấy mấy bóng đen vụt qua.
“Đó là hướng phủ Tùng Quốc công.” Cô bé đi theo sau y, nghiêng tai lắng nghe một lúc rồi nói. “Lại đấy xem sao.”
Giọng cô vẫn bình thản, nên y cũng chỉ im lặng đi về phía cô chỉ. Bốn phía lại chìm vào yên ắng. Tiếng thanh la vừa rồi hẳn chỉ là người vác theo khua phải. Đi qua dòng sông là đến khu phủ đệ của các hoàng tử nằm ở phía tả Hoàng thành. Những phủ rộng nằm sau tường cao đều đóng cửa tĩnh mịch. Nhưng trong phủ Tùng Quốc công, ánh lửa lại sáng đỏ trời, ngoài cửa có bóng người lô nhô đông đúc.
“Này, có chuyện gì thế?” Men theo rào quanh phủ đệ, y nắm được một người có vẻ như gia nhân phủ bên cũng ra ngoài ngó nghiêng, liền hỏi.
“Đêm nay phủ Tùng Quốc công mở tiệc, có diễn trò, đánh thanh la. Chẳng may nhà vua đi qua gần cổng Hoàng thành, nghe được tiếng thanh la nên cho người đến hỏi.” Người kia hấp háy mắt, cười khẽ. “Ai cũng biết hoàng thượng ghét bọn diễn trò, Tùng Quốc công thấy người hỏi thì vội cho giải tán. Nhưng hoàng thượng lại vừa cho người tới tra xét hẳn hoi, hẳn không để yên Tùng Quốc công đâu.”
Y nhớ tới lời nói buổi sáng của Trường Khánh công Miên Tông, liền gật gật đầu cùng anh ta đứng nhìn xem. Một lát, có chiếc xe ngựa lắp kính chạy đến, đưa tới một thanh niên mặc áo gấm cao lớn phương phi.
“Thọ Xuân công, Hữu Tôn chính Tôn Nhân phủ.” Người cạnh y kêu lên đầy vẻ kinh ngạc. Cùng lúc, một nhóm người ăn mặc như nội quan xuất hiện sau con đường, đi theo Thọ Xuân công kia vào phủ. “Lần này phủ Tùng Quốc công khó qua khỏi rồi!”
Y chợt thấy tay áo của mình bị giật nhẹ. Cô bé kia kéo y ra hiệu rời khỏi khu vực phủ đệ. Nhưng vừa quay lưng đi, y đã nghe tiếng gọi.
“Này!” Thanh âm lạnh lùng chẳng cất cao mà lại vô cùng khô khan ấy thì y cũng chẳng lạ. Không biết từ đâu xuất hiện, thiếu niên nọ đứng dưới tán cây đằng xa, vẫy ngón tay gọi y lại gần.
“Theo ta vào phủ!” Và cậu ta đi theo cửa hông của phủ, khi cửa chính đã bị đoàn người Thọ Xuân công kia chắn mất.
Trong sân, y thấy người của phủ đã được tập hợp, xếp thành bốn hàng dài. Trong hiên nhà thấp thoáng bóng áo gấm hoa đủ sắc, y loáng thoáng nhìn thấy vài khuôn mặt rất trẻ, có vài cô bé như thể mới tám, chín tuổi.
Thanh niên được gọi là Thọ Xuân công đứng trước nhà chính, đưa tay nhận một cuốn sách dày do nội quan đưa tới. Bên cạnh anh ta là một thanh niên khác chừng vừa đôi mươi, nét thanh tú nho nhã, y đoán chừng chính là chủ nhà. Thấy cuốn sách, thanh niên gượng cười.
“Anh Ba không đến mức phải làm tới như vậy chứ?” Thiếu niên đưa y đi vòng ra gian nhà sau, y nghe được thanh niên hẳn là Tùng Quốc công kia nói khẽ. Thọ Xuân công lật cuốn sách trong tay, thở dài.
“Phụ hoàng bảo ta phải tra xét đến nơi. Vừa rồi tiếng thanh la vang động, người đi hỏi báo rằng phủ em mở tiệc, bày trò vui. Ngài mới hỏi là em mời đám trò ở đâu, người xung quanh lại nói rằng ai chẳng biết phủ Tùng Quốc công nuôi một đám diễn trò, gia nhân trong phủ đều là con hát. Phụ hoàng đang nổi trận lôi đình.” Thọ Xuân công liếc mắt nhìn qua Tùng Quốc công, ý vị sâu xa. “Phụ hoàng bấy lâu nay tin tưởng em mở thi xã dạy anh em ngâm vịnh học hành, không phải để em tập hợp các hoàng tử, hoàng nữ xem bọn diễn trò, càng không phải để phủ đệ em biến thành đoàn hát. Tôn Nhân phủ trước đã có lệnh cấm các bậc vương tôn đàn đúm với bọn hèn mọn diễn tuồng hát nhảm. Em tự cho mình là người phong nhã, con cháu bậc trí sĩ, đừng nên phóng túng làm càn, xem luật là cỏ rác như thế.”
“Em chỉ rảnh rỗi dạy bọn chúng mấy câu hát, không phải…” Tùng Quốc công đỏ mặt định nói, nhưng Thọ Xuân công đã đưa cuốn sách cho nội quan, hất cằm.
“Hỏi từng đứa xem đứa nào biết diễn trò, trục xuất ngay đêm nay!” Anh ta nói rồi quay vào hiên, nơi các hoàng tử, hoàng nữ vẫn ngồi. Bọn họ đều đứng dậy chào hỏi anh ta.
“Các em đều ở đây à?” Nhìn thấy ba hoàng nữ nhỏ, Thọ Xuân công nhíu mày. “Đêm đã khuya rồi, các em về cung ngay!”
“Quả thật bọn em đến đây mở thi xã ngâm vịnh cùng nhau, anh Miên Thẩm sợ bọn em buồn chán nên mới dạy bọn hầu hát mấy câu, diễn vài vở vui vẻ. Vì chúng em nhỏ tuổi nên mới làm lụy anh ấy bận lòng, không phải do cố ý.” Hoàng nữ chừng mười ba tuổi cúi đầu cung kính nói. Thọ Xuân công thở hắt ra.
“Chỉ là ‘hát mấy câu’ mà đánh thanh la vang động khắp Kinh thành, đến tận cung của phụ hoàng? Các em coi đây là nơi nào thế hả?” Anh ta hầu như gắt lên.
“Thanh la là do em đánh.” Thiếu niên vẫn đứng trong bóng tối chợt lên tiếng. Cậu ta nắm vai y, đẩy y ra trước. “Em mời đạo sĩ đến làm lễ ở sông Ngự Hà, tình cờ trùng hợp với tiệc của phủ Tùng Quốc công, nên tiếng mới vọng đến chỗ phụ hoàng. Ngài hẳn đang ở Cơ Hạ đường nên nghe được chăng?”
“Em…” Thọ Xuân công ngẩn người, như muốn nói gì đó mà ngắc ngứ không ra lời. Thiếu niên vẫn điềm nhiên nhìn anh ta, gương mặt sắt lại lầm lỳ.
“Miên Liêu…” Ngay cả Tùng Quốc công cũng có vẻ hoảng hốt, vội đi tới gọi.
“Anh có thể về báo với phụ hoàng. Em chưa có phủ đệ, tước danh, càng chưa có gia đình nô bộc, muốn phạt thì cũng chỉ cấm túc đôi ba tháng, chép phạt vài trang chữ.” Thiếu niên nhếch môi. “Nhưng dù phụ hoàng ghét chuyện đồng bóng, cũng chưa từng cấm chúng ta làm lễ cầu siêu bao giờ.”
Trong ánh lửa, mắt Thọ Xuân công nheo lại, sâu hun hút. Anh ta mím môi mấy lần, rồi gật đầu.
“Ta sẽ báo với phụ hoàng. Trước tiên phải xử lý chuyện phủ Tùng Quốc công đã. Tội tới đâu xử tới đấy.”
Y thở ra hơi tắc nghẽn trong cổ. Thiếu niên tên Miên Liêu này, y hệt như lúc cậu ta nhắc ‘Văn Miếu’ hất Miên Phú vào tay Miên Tông, lại vừa đem y ra tế thần. Quả thật, cậu ta quá lắm chỉ bị cấm túc, chép phạt – chỉ có y là lãnh nguy cơ bay đầu. Đạo sĩ lang thang vác thanh la đánh động cả khu phủ đệ, cung đình của vua chúa, cái lý do thoái thác của cậu ta mới hay ho làm sao!
Nhưng vì lý do gì đó, Thọ Xuân công có vẻ không muốn truy cứu tên đạo sĩ như y. Anh ta chỉ trở lại gian nhà chính, lắng nghe nội quan truy hỏi bọn hầu trong phủ. Tùng Quốc công thấp thỏm đi theo người anh. Nội quan khác đi đến, mời ba hoàng nữ hồi cung.
“Anh Miên Thẩm không sao chứ?” Cô bé nhỏ nhất trong ba người lo lắng quay đầu lại hỏi.
“Đám hầu biết diễn trò trong phủ khó mà ở được. Nhưng mà…” Cô bé tuổi chừng ở giữa buông quạt đứng khỏi sập, nghiêng đầu. “Việc tệ hơn là sẽ truy xét tất cả các phủ. Chỉ e người đã chú ý đến khu phủ đệ này từ lâu thôi.”
“Mai Am!” Cô hoàng nữ lớn hạ giọng gọi giật như nhắc nhở. Im lặng, ba cô cùng theo nội quan rời khỏi phủ.
Thấy vãn người, một hoàng tử trẻ tuổi nghiêng người về phía thiếu niên, hỏi khẽ.
“Phủ Tuy Quốc công có động tĩnh gì không?” Anh ta vừa hỏi vừa ngoắc ngón tay ra hiệu. Thiếu niên ngồi xuống sập, hạ mắt lắc đầu.
“Chưa nghĩ tới để tra xét. Nhưng hẳn là sớm thôi.” Cậu ta nói. Hoàng tử kia gật đầu.
“Hai phủ nằm cạnh nhau, không bắt được chứng cứ thì cũng có thể khiển trách chuyện biết mà không báo.” Anh ta liếc mắt nhìn đám đông đỏ lửa giữa sân, nhíu mày. “Ai mà ngờ chuyện nhỏ như thế lại làm lớn ra đến vậy.”
“Phụ hoàng dạo này sức khỏe không tốt, nghe tiếng thanh la chắc rất bực.” Giọng điềm đạm của thiếu niên y nghe mãi thành quen. Đây là cái giọng mà cậu ta dùng khi đang nghĩ cách bẫy người hoặc lẩn tránh điều gì đó. Hiện tại thì y chẳng còn tin cậu ta đã tìm cách gỡ tội cho Tùng Quốc công này. Mục đích của cậu ta khi đẩy y ra trước có thể chỉ vì ‘phụ hoàng nghe tiếng thanh la rất bực’ kia.
Thấy trời đã khuya, Thọ Xuân công cho người bảo các hoàng tử ra về. Vẫn lầm lỳ, thiếu niên ném y lại ở bến sông. Khoanh tay trong áo, y chầm chậm bước trên con đường ven dòng sông, ngẩng đầu nhìn trăng trên trời, nghe gió vi vu giữa tầng không. Sương vẫn từng đợt lênh đênh thổi vào qua các tháp canh cao, tưởng như mù kết trên đỉnh non.
Bóng cô bé kia xuất hiện giữa sương mù chập chờn như bóng ảnh dưới làn nước.
“Vừa rồi cậu Miên Liêu kia gọi tôi, cô biến đi đâu ấy nhỉ?” Thấy cô bé, y cười. Tay vẫn khoanh trong ống áo đạo sĩ rộng, y nheo mắt nhìn cái bóng mập mờ trước mắt. “Mà thật ra thì, cậu ta có nhìn thấy cô không?”
“Tôi đã gặp hoàng nữ Mai Am thật trong kia. Mà đúng là tôi đã nghĩ, trên đời sao lại có một cô bé nào giống cô.” Ánh trăng sáng tỏ con đường và dòng sông, nhưng không xua được sa mù. Bóng cô bé vẫn đứng yên bất động, chỉ có viên hồng ngọc trước ngực cô lóe sáng lấp lánh. “Trên đời này không có, ngay cả hồn ma cũng không có. Vì không chỉ cái tên, ngay cả bề ngoài của cô cũng là giả.”
Ngày đầu tiên, y thấy cô bé này đứng cạnh thiếu niên nọ, nhưng cậu ta không liếc mắt nhìn cô lấy một lần.
Khi quay lại, thiếu niên bảo y ‘tới gần vườn’, chứng tỏ người đã không thấy y vào phủ Tùng Quốc công. Họ cũng đã không thấy cô bé dắt y vào.
Đôi mắt trong như ngọc, nụ cười ngọt ngào, dáng vẻ thanh tú như hương thu phảng phất, gương mặt cô lúc này lại có vẻ quen thuộc lạ kỳ với y.
Đây là khuôn mặt y đã thấy mài mại trong đường nét của Trường Khánh công Miên Tông. Cũng là gương mặt y đã thấy trong ký ức của viên đá hổ phách.
Chú thích:
[1] Vịnh hiểu của Tùng Thiện vương, bản dịch Ngô Linh Ngọc
[2] Nguyễn Khắc Thiệu là học trò Võ Trường Toản, được chính Võ Trường Toản tiến cử cho Gia Long. Đến năm Gia Long thứ năm được bổ làm Hữu Tham tri Công bộ, trông coi việc xây Văn Miếu, nhà Quốc học, rồi coi thi, trông coi việc đê điều ở Bắc Thành, quản lý quân thủy sư của cả Bắc Thành. Ông là ông ngoại của Tùng Thiện vương.
[3] Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, Gia phi Phạm Thị Tuyết quê ở Tuy Viễn, Bình Định, cha là Phạm Văn Chẩn. Đại Nam liệt truyện chép một công thần tên Nguyễn Văn Tứ quê Tuy Viễn, và có người con tên Chẩn, có lẽ do đổi họ. Nguyễn Văn Tứ theo quân Nguyễn từ năm 1793, Chánh vệ Hữu quân Thiện vũ vệ, về hưu năm 1804, đến năm 1817 nhận chức ở An Tây thượng đạo. Khi mới đầu làm đền thờ Hồ Phạm nhị tần từ, Phạm Thị Tuyết được phong Tu nghi, cao hơn tất cả cung nhân thời ấy, có lẽ do chức vị của ông cha.
[4] Tống biệt – Phú đắc quan san nguyệt của Tùng Thiện vương. Dịch nghĩa: Canh năm ngày mai đã tỉnh giấc mộng tàn, hai bờ chia nửa chiếu tương tư.