Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Xung đột vùng miền (4)
Trường An December 23rd, 2017

Chế độ quân chủ Nguyễn ở Huế trong thế kỷ 19 là một sự thử nghiệm chưa từng có trong nỗ lực cai trị toàn bộ các khu vực mà chúng tôi đã thảo luận. Khiếm khuyết của thử nghiệm này là trừ phi nhà lãnh đạo đủ sức kiểm soát ít nhất một trong hai khu vực mạnh về kinh tế và đông dân nhất, là Đông Kinh hoặc Nam Bộ, còn bằng không ông sẽ không đủ sức cai trị các vùng còn lại. Khi cố gắng cai trị từ Thuận Quảng, các vua nhà Nguyễn đã không thể kiểm soát hoặc Đông Kinh hoặc Nam Bộ. Đến lúc Pháp chuẩn bị chiếm Huế trong thập niên 1880, triều đình nhà Nguyễn đã không có sự kiểm soát thật sự đối với Nam Bộ và Đông Kinh. Nam Bộ đã trở thành thuộc địa của Pháp và Đông Kinh trở thành nơi vô chính phủ với những quân lính không chính quy từ Trung Quốc, tay súng địa phương và những kẻ phiêu lưu từ châu Âu. Vào lúc này xảy ra ví dụ cuối cùng mà tôi muốn thảo luận về xung đột giữa các vùng, một xung đột giữa Thuận Quảng và Thanh Nghệ, ẩn khuất trong lớp vỏ ngoài của cuộc chinh phục của Pháp và sự kháng chiến.

Nhóm tinh hoa hoàng cung Huế không bao giờ kết nạp người từ Nam Bộ hay Đông Kinh với một mức độ đáng kể nào. Đến giữa thế kỷ 19, nhóm này chủ yếu bao gồm toàn người từ Thuận Quảng và Thanh Nghệ. Người từ hai vùng này sau đó có những thái độ khác nhau đối với hoàng gia và với câu hỏi làm sao phản ứng trước Pháp. Khi vấn đề bảo hộ của Pháp xuất hiện, giới tinh hoa Thuận Quảng ủng hộ việc hòa hoãn và hợp tác để cứu chế độ quân chủ trong khi các lãnh đạo Thanh Nghệ ủng hộ kháng chiến. Cuộc xung đột phe nhóm tại hoàng cung sau cái chết của vua Tự Đức năm 1883 có thể được diễn giải như cuộc đấu tranh giữa các lãnh đạo Thuận Quảng ủng hộ hợp tác và các lãnh đạo Thanh Nghệ chống hợp tác. Chính sự chủ động của người Thanh Nghệ đã dẫn đến việc đưa hoàng gia thoát khỏi Huế và kêu gọi “cần vương” năm 1885. Sự đáp ứng lời kêu gọi này đã diễn ra rộng lớn và kéo dài tại Thanh Nghệ, tiếp tục cho đến khi Phan Đình Phùng qua đời gần 10 năm sau, trong lúc các lãnh đạo Thuận Quảng nhanh chóng hòa hoãn với Pháp chống lại các đối thủ Thanh Nghệ của họ.

Diễn giải cuộc chinh phục An Nam của người Pháp và phong trào Cần vương cuối thập niên 1880 và đầu 1890 ở một mức độ nào đó như một cuộc xung đột giữa các vùng ở Việt Nam sẽ vi phạm các quy chuẩn của cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại. Nhưng nếu phủ nhận khả năng phân tích này, chúng ta sẽ che khuất những điểm đặc trưng trong tình hình Việt Nam cận đại, đặc biệt khi ta xem xét vai trò của Thanh Nghệ (tức Nghệ Tĩnh trong thế kỷ 20) trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thập niên 1930 và số lượng các lãnh tụ dân tộc thời hiện đại, bao hàm Hồ Chí Minh, người xuất thân từ vùng này. Người dân Thanh Nghệ Tĩnh có tiếng là “người theo chủ nghĩa dân tộc” và “yêu nước”; liệu có thể nào những từ này là lối uyển ngữ thay cho khát vọng của vùng muốn vươn lên hay không.

Tôi sẽ kết thúc bằng việc xem xét một vài câu hỏi thường xuất hiện trong các thảo luận về các vấn đề được bàn đến trong tiểu luận này. Đến mức nào có thể nói rằng “các yếu tố lịch sử năng động” (dynamic historical factors) giúp giải thích chuỗi các sự kiện tôi đã đề cập trong bài viết này? Ý niệm về các yếu tố lịch sử thay đổi phải được định vị trong các hoàn cảnh khu vực và thời gian, bởi vì mỗi khu vực với địa hình cụ thể, với các khả năng liên lạc và trao đổi với những khu vực khác, và cảm thức tự hào và gắn bó địa phương là những đơn vị phân tích phù hợp. Điều này ngụ ý rằng những ý niệm về các yếu tố lịch sử thay đổi bao trùm trên toàn Việt Nam phải được quan sát với sự hồ nghi. Những người quyết tâm cai trị toàn bộ các dân tộc Việt sẽ nhấn mạnh về một lịch sử và văn hóa Việt Nam đơn nhất với một cội nguồn duy nhất và một xung lực duy nhất xuyên suốt thời gian và không gian. Nhưng những giấc mơ về tính độc nhất này là sự thể hiện niềm tin chính trị, chứ không phải là điều nghiễm nhiên.

Bằng cách chia lịch sử và văn hóa Việt Nam thành từng khu vực, chúng ta có thể xây dựng những cái nhìn về các quá khứ tiêu biểu về các dân tộc Việt Nam hơn là những gì được mô tả bởi cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại. Nhưng điều này sẽ không đủ nếu khi đó mỗi khu vực lại được xem như một thực thể có sự phát triển liên tục riêng của nó. Các khía cạnh của các quan điểm vùng có thể vẫn dai dẳng khi được củng cố bằng địa hình địa vực, nhưng tôi quan tâm đến khả năng là hành vi con người, dù mang tính chất khu vực hay “quốc gia”, thì cuối cùng vẫn mang tính chất giai đoạn, chứ không tiến triển liên tục, và rằng lịch sử của mỗi vùng cũng đứt đoạn giống như mọi nguyên lý căn bản lớn hơn tầm vùng miền. Đông Kinh đã là nhà của các vị vua và là một khu vực năng động, cố kết từ thế kỷ 11 đến 14; sau giai đoạn đó, vùng này liên tục chịu sức ép từ sự trỗi dậy của các khu vực phía Nam. Những tham vọng của Thanh Nghệ, đầu tiên hướng ra Bắc sau đó hướng về Nam, đã có sự vượt trội tinh thần trong các diễn ngôn bao quát toàn Việt Nam trong nhiều thế kỷ mặc dù nội dung của những tuyên bố tinh thần của vùng này thay đổi qua từng thời đại. Trong thế kỷ 15, những người ủng hộ nhà Lê tự nhận có một lẽ phải dựa trên các mô hình đạo đức có trong các sách cổ. Trong thế kỷ 16 và sau đó, mục tiêu khôi phục nhà Lê và những hăng hái sau đó của vùng Thanh Nghệ được loan đi với lời kêu gọi nhắc đến lòng trung thành và uy tín tổ tiên, chính nghĩa của một chế độ quân chủ đã quá vãng chỉ còn tính biểu tượng. Thuận Quảng cai trị vùng biên giới phía Nam trong hai thế kỷ; thành công tương đối của nó với tư cách một trung tâm vùng đã không thể biến thành ưu thế trên toàn Việt Nam bởi những hạn chế về địa hình và sự chú tâm hạn hẹp đến Huế. Khoảnh khắc chiến thắng của Bình Định, từng đoạn từng hồi, liên quan đến vị trí của nó trong một hoàn cảnh lớn hơn của các mối quan hệ khu vực. Nam Bộ, một trung tâm buôn bán quốc tế, cung cấp sức mạnh cho Nguyễn Ánh nhờ sự giàu có và tính đa dạng, nhưng cuối cùng bị xem là không quan trọng và bị từ bỏ bởi các lãnh đạo mắc kẹt trong hệ thống các ưu tiên của các vùng khác; kết quả sau đó là Nam Bộ tự tìm hướng đi giữa các cường quốc thế giới và học cách chịu hậu quả của điều đó. Không có khu vực nào đã hoặc sẽ duy trì một sự gắn bó tuyệt đối, tất cả đều ở trong tình trạng phát triển và thay đổi; chúng sẽ tiếp tục đấu tranh với nhau và đồng thời liên tục tái định nghĩa mình trong tương lai. Yếu tố lịch sử với xung lực lớn nhất là khao khát phát triển và thay đổi của con người – nó tạo ra những đà tiến cấp vùng và những sự định hình từng giai đoạn của các đà tiến đó. Không có một hình thái làng, hệ thống gia đình, hay một mô hình hoạt động tín ngưỡng trên toàn cõi Việt Nam, nhưng từ vùng này sang vùng khác, ta có thể tìm thấy nhiều trạng thái của tất cả những điều trên; chúng liên tục trải qua thay đổi, không phải theo một logic vĩnh cửu mà theo những thay đổi của trải nghiệm con người mang tính chất có vẻ ngẫu nhiên và theo từng giai đoạn.

Một câu hỏi khác: liệu “hòa bình” mang ý nghĩa gì trong các xã hội Việt Nam đã trải qua “xung đột” trong nhiều thế kỷ? Bên dưới bề mặt của chiến tranh là một sêri những biến chuyển xã hội liên quan nông nghiệp và thương mại mà về căn bản không liên quan đến những nghị trình trong cuộc xung đột. Trong khi một vài lãnh tụ và tùy tùng của họ ganh đua chuyện thống trị, những người dân nói tiếng Việt đi lại, lao động, tìm kiếm những nơi “yên bình” riêng của họ ngay cả khi xã hội nói chung có vẻ đang được tổ chức cho chiến tranh. Đồng thời, bên dưới lớp vỏ thống nhất triều đại là những nền văn hóa truyền miệng địa phương hóa, đè lên nhau và một sự đa dạng các khác biệt vùng xung quanh chủ đề là người Việt Nam.

Trong những năm mà tôi đã đề cập, không có giai đoạn nào mà những người nói tiếng Việt không đánh lẫn nhau hoặc giao chiến với các láng giềng. Đây là một tình trạng bình thường tại Đông Nam Á thời tiền hiện đại. Trong tiểu luận này, tôi đã không đặt nhiều chú ý về quan hệ xung đột của Việt Nam với người Trung Quốc, người Chàm, Khmer, Lào hay Xiêm. Mỗi một quan hệ này đều riêng biệt và đặc thù với những thay đổi về đe dọa, cơ hội và lãnh thổ; ngoài ra, chúng thay đổi với thời gian. Không có một sơ đồ khái niệm đơn nhất có thể giải thích toàn bộ các xung đột này hay thậm chí giải thích một xung đột trong toàn bộ thời gian. Có nhiều khả năng để phân tích các hoàn cảnh mà có thể đặt sự kết nối giữa những xung độtcủa người Việt và xung đột giữa người nói tiếng Việt và người ngoài và những khả năng này đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng; không có những tính cách “dân tộc” được đơn giản hóa nào có thể giải thích những câu hỏi xuất hiện từ một nghiên cứu như vậy.

Tôi ngờ rằng, trong các thế kỷ được đề cập ở tiểu luận này, ý niệm hòa bình có nghĩa là tồn tại bên trong quỹ đạo của một lãnh tụ có khả năng thực thi sự độc quyền vũ lực. Sống trong hòa bình có nghĩa là sống dưới sự bảo vệ của một người có quyền uy. Những cố gắng mở rộng quỹ đạo hòa bình ấy để bao gộp toàn bộ các dân tộc nói tiếng Việt tất yếu dẫn đến chiến tranh khi những quỹ đạo này chen lấn nhau. Vì thế trong khi chiến tranh xảy ra ở vùng biên, hòa bình lại được củng cố ở trung tâm. Khái niệm đương đại của chúng ta về “hòa bình” liên quan đến những ý niệm về nhà nước hiện đại và tính chất bắt buộc tuân theo hành vi thống nhất mà nhà nước đòi hỏi. Nhưng trong thời gian trước khi có các nhà nước hiện đại, khi sự lãnh đạo chính trị được thực hiện bởi các lãnh tụ và các nhóm đối với các vùng lân cận tùy thuộc sự thay đổi của tính cách và quan hệ con người, thì “hòa bình” không phải là thành tựu của sự thống nhất pháp luật mà là tập hợp các tình huống gần như luôn luôn bao hàm cả chiến tranh.

Một câu hỏi khác: liệu “xung đột” có thể được tách thành một phạm trù riêng biệt thuộc về trải nghiệm con người và được đối xử như một đối tượng tri thức có những hình thức lịch sử riêng của nó? Với tôi, có vẻ như mọi sự tìm kiếm một hình thức kết cấu của xung đột đều không thể tách khỏi mọi khía cạnh khác của hành vi con người và vì thế phải thừa nhận những yếu tố hỗn độn và không theo quy luật về “nguyên nhân, hình thức và sự phát triển”. Tôi không tin rằng các cuộc xung đột mà tôi đã trình bày trong tiểu luận này là tất yếu, không thể tránh được. Tôi không thấy có bất kỳ bằng chứng nào về sự cần thiết kinh tế, hằn thù sắc tộc, hay thậm chí logic địa lý khiến mọi cuộc chiến tranh này là không tránh được. Có vẻ trong nhân loại có điều gì đó có thiên hướng dẫn đến xung đột. Tôi đã cố gắng hình dung làm thế nào cách nghĩ dựa trên địa hình giúp soi sáng kiểu xung đột theo vùng, nhưng mục đích của tôi không phải nhằm nói rằng hành vi con người bị quy định bởi địa lý và con người nhất định phải giao tranh vì những cấu trúc địa hình, địa vật nhất định. Tôi đã khảo sát những thiên hướng, chứ không phải những sự bắt buộc. Cùng lắm, tôi đi tìm trong địa hình, địa vật để có các câu trả lời về việc các xung đột diễn ra như thế nào, chứ không để giải thích nguồn gốc của chúng. Nguồn gốc của xung đột nằm trong những con người cụ thể. Không có nhóm người nào về bẩm sinh lại “hiếu chiến” hơn nhóm khác; thói quen gây chiến được thu nhận và từ bỏ trong những hoàn cảnh thời gian và nơi chốn nhất định.

Các chương chiến tranh chúng tôi đã xem xét trong tiểu luận này có thể được xem như là đã xảy ra do nỗ lực của những người nói tiếng Việt muốn vượt qua các hạn chế của địa hình và tư tưởng vùng và muốn hướng đến một nền hòa bình của toàn bộ người Việt. Không có nỗ lực nào thành công. Và điều này đưa chúng ta đến câu hỏi về một “lịch sử chung” và sự ức đoán về việc các khu vực Việt Nam “thuộc về” đâu, trong sự sắp xếp kiến thức hệ thống: ở Đông Á hay Đông Nam Á. Thật dễ dàng để cho rằng Đông Kinh có thể xem như một phần của Đông Á trong khi Nam Bộ được xem là một phần của Đông Nam Á. Nhưng điều này có ý nghĩa gì chomột “lịch sử chung” của các dân tộc Việt? Và điều này có ý nghĩa gì cho Đông Á và Đông Nam Á với tư cách các phạm trù kiến thức học thuật?

Ý tưởng về một “lịch sử chung” là một điều được tưởng tượng và tranh luận, chứ không phải là một vấn đề hiển nhiên; nó không phải là một di sản rõ rệt mà đúng hơn, nó được nghĩ ra, dạy dỗ và học từ thế hệ này sang thế hệ khác: nó là một vấn đề truyền thụ. Một “lịch sử chung của người Việt” là chuyện ý thức hệ và chính trị, không phải là học thuật. Ví dụ, sự khẳng định nhà Mạc là “quân nổi loạn” là quan điểm của vùng Thanh Nghệ. Sự khẳng định Nguyễn Huệ Quang Trung đã thống nhất các dân tộc Việt là quan điểm của Bình Định và Thanh Nghệ. Sự khẳng định Nguyễn Ánh Gia Long đã thống nhất các dân tộc Việt là quan điểm của Nam Bộ và Thuận Quảng. Sự níu kéo của Đông Kinh đối với nhà Lê trong thế kỷ 18 và 19 là cách duy nhất để giành một tiếng nói trong nhiều âm thanh chính trị; cả khu vực Đông Kinh và triều Lê khi đó đều đã không còn quyền lực. Việc xây dựng một “lịch sử chung” nằm trong địa hạt thần thoại.

Điều tối đa có thể nói là các dân tộc Việt mà chúng tôi đã thảo luận đều nói một ngôn ngữ mà tất cả đều hiểu, nhưng thậm chí ngay cả ở đây chúng ta vẫn phải chú ý rằng cái “ngôn ngữ chung” đó là một lớp âm thanh, từ vựng và cú pháp tương đối hời hợt, mà ẩn bên dưới đó lànhững lớp sâu sắc hơn của những mô hình ngôn ngữ vùng. Chữ Nôm, hệ thống chữ viết được dùng trong mấy thế kỷ mà chúng tôi đã thảo luận, có tiếng là không có hệ thống và đầy rẫy những thay đổi và sự khó hiểu. Một chữ có thể chỉ nhiều từ khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và nơi chữ đó được viết; và một từ có thể được viết theo nhiều chữ, cũng lại tùy thuộc vào thời điểm và nơi mà nó được viết. Đây là một hệ thống chữ viết có sự nhạy cảm cao đối với các cách phát âm vùng và đối với sự thay đổi ngữ âm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chữ Nôm là một tư liệu quý về những khác biệt trong ngôn ngữ vùng và về cách ngôn ngữ thay đổi theo thời gian. Tôi càng làm việc với chữ Nôm lâu, tôi lại càng hồ nghi những lý thuyết về ý nghĩa của một “ngôn ngữ chung”, một “lịch sử chung”, một “văn hóa chung”. Chữ Nôm là một phản đề mạnh mẽ chống lại việc thả vào quá khứ những viễn cảnh viết sử mang tính dân tộc chủ nghĩa vốn có nguồn gốc từ thời hiện đại. Và chắc chắn đó là một lý do vì sao chữ Nôm lại bị từ bỏ.

Liên quan vấn đề định nghĩa một “lịch sử chung” của các dân tộc Việt là sự khó khăn của việc đạt sự đồng thuận về một vấn đề thường khô khan, tức là quy cho họ một vị trí trong tương quan với Trung Quốc và các dân tộc khác. Nếu quả thật có một ranh giới giữa Đông Á và Đông Nam Á, thì chắc chắn nó rơi vào giữa người Việt, và sự nhấn mạnh về tính chất vùng của Việt Nam mà tôi đã nhắc có lẽ có thể được nhận diện bởi chủ đề lớn hơn là tính chất vùng tại châu Á. Thiển ý riêng của tôi là nếu phải phân tích trong khuôn khổ Đông Á và Đông Nam Á,thì có lẽ tốt hơn là đặt người Việt vào khu vực Đông Á; nhưng tôi sẽ muốn tách người Việt ra khỏi Đông Á hoặc Đông Nam Á và xem họ như những nhóm người chia sẻ một vùng âm thanh và đứng giữa một ranh giới văn hóa lớn.

Nếu bị buộc phải phân một lằn ranh giữa Đông Á và Đông Nam Á, tôi sẽ vẽ đường ranh tại đèo Hải Vân, giữa Huế và Đà Nẵng, chính ở giữa vùng mà chúng tôi đã gọi là Thuận Quảng. Từ nơi này nhìn về Nam, người ta có thể thấy một sự thay đổi rõ rệt nhất về khí hậu, tiếng nói và lối sống so với bất kì đâu trên bờ biển Việt Nam. Cũng có thể bảo rằng một đường ranh như vậy được đặt tại đèo Ngang hoặc sông Gianh hoặc tại Đồng Hới. Vùng đất từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân thực tế chính là vùng Nhật Nam, khu vực xa nhất mà nhà Hán hay bất kì triều đại Trung Hoa nào từng giành được về phía Nam. Việc đặt ở nơi này một đường ranh giới giữa Đông Á và Đông Nam Á không phải dựa trên yếu tố chinh phục của người Hán; mà đúng hơn, tôi tin rằng khả năng chinh phục của người Hán về phía Nam là yếu tố phụ thuộc khí hậu, địa hình và những tiên liệu về khả năng tổ chức xã hội.

Có vẻ lạ lùng là khi tôi thảo luận những khu vực Việt Nam, tôi nói về Thuận Quảng như một đơn vị đơn nhất nhưng khi tôi thảo luận về những khu vực châu Á rộng hơn, tôi lại vạch lằn ranh ở giữa Thuận Quảng. Tôi tin rằng sự bất thường này là thể hiện rằng sự phân tích của chúng ta càng dựa nhiều vào những mảnh vỡ của trải nghiệm con người, thì nó càng ít đáp ứng các phạm trù rộng lớn về lịch sử và văn hóa được hình dung ở mức toàn cầu hoặc mức toàn quốc. Sự chú ý đến chi tiết có lẽ là một hoạt động có tính lật đổ, phá vỡ.

Tác giả: Keith W. Taylor
là Giáo sư khoa Nghiên cứu châu Á,
Đại học Cornell



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.