Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Xung đột vùng miền (2)
Trường An December 21st, 2017

Sự hỗn loạn trong đầu thế kỷ 16 thể hiện qua những cuộc nổi dậy của nông dân ở Đông Kinh, mà lớn nhất là của Trần Cao. Đó là một nhà sư tự nhận mình là Đế Thích giáng sinh và hậu duệ nhà Trần. Những sự hỗn loạn này có thể dễ dàng được hiểu là phản ứng mang tính Phật giáo của Đông Kinh trước thay đổi được gán cho triều Lê của Thanh Nghệ và yếu tố Nho giáo của nó. Nhân vật tái lập trật tự ở Đông Kinh, Mạc Đăng Dung, là thành viên trong cùng gia đình họ Mạc mà từng ủng hộ nhà Minh một thế kỷ trước. Ông tập hợp nhóm cận thần mở rộng cửa cho các gia đình Đông Kinh và thành công trong việc huy động sự ủng hộ địa phương. Một chi tiết quan trọng nhưng ít được nhắc tới là Đông Kinh đã trung thành sâu sắc với gia đình họ Mạc trong thế kỷ 16 và Đông Kinh đã cứng rắn chống lại cuộc chinh phục của đoàn quân Thanh Nghệ vào cuối thế kỷ này.

Trịnh Tùng, người dẫn đầu cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh trong thập niên 1590, đã tổ chức sự chiếm đóng quân sự tại Đông Kinh mà vẫn còn thể hiện rõ khi Alexander de Rhodes sống ở đó trong thập niên 1620 và 1630. Alexander de Rhodes tường thuật, có vẻ với sự phóng đại, rằng 50.000 lính từ Thanh Nghệ đóng thường trực tại “hoàng thành” ở Đông Kinh để bảo vệ những người trị vì và đàn áp các cuộc nổi dậy ở các tỉnh xung quanh Hà Nội. Bên cạnh đó còn là các đoàn thủy quân lớn tuần tra trên sông “để bảo vệ ông hoàng trước mọi phe phản loạn”. Cho đến tận năm 1630, các cuộc càn quét của họ Mạc từ thung lũng Cao Bằng phía Bắc, nơi nhà Mạc tiếp tục trị vì cho đến thập niên 1670, thể hiện dư âm cuộc nổi dậy chống lại nhà Trịnh của những cư dân vùng phía đông Đông Kinh. Cho mãi đến thập niên 1650, dưới sức ép của thất bại quân sự ở miền Nam, nhà Trịnh mới bắt đầu thu phục nhiều người Đông Kinh dưới trướng của họ. Kết quả của việc này là cuộc xung đột phe nhóm kéo dài dựa trên các cạnh tranh quyền lợi địa phương. Các căng thẳng tương tự cũng thể hiện trong các cuộc nổi loạn lan rộng hầu khắp Đông Kinh trong thập niên 1740, 1750 và 1760 khi các đoàn quân nông dân địa phương bị lính từ Thanh Nghệ đàn áp sau nhiều năm đánh nhau.

Qua những gì trình bày, điều mà tôi hi vọng thể hiện là cuộc xung đột vùng giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ là đặc điểm nổi bật trong hình dung của chúng ta về một kinh nghiệm lịch sử Việt Nam. Đông Kinh là đồng bằng trồng lúa rộng lớn với dân số tương đối đông dọc các dòng sông và biển; người dân ở đây xem vùng rừng núi chủ yếu là điều gì đó xa lạ. Thanh Nghệ chạy dài vào miền Nam với đồng lúa thưa thớt giữa các đồi và núi; đồi núi ở nhiều nơi kéo dài ra vùng duyên hải; những người trồng lúa sống như các láng giềng gần của các nhóm miền cao có cách sống ít mang tính nông nghiệp hơn. Trong nhiều thế kỷ, Đông Kinh dày đặc các chùa chiền và lâu đài; các quan lại người Trung Hoa và vua nước Việt đã cai trị ở Đông Kinh nhiều thế kỷ. Trong nhiều thế kỷ, Thanh Nghệ là vùng biên giới tương đối hoang vu giữa Đông Kinh và khu vực người Chàm ở phía Nam. Bắt đầu với Hồ Quý Ly và sau đó với Lê Lợi, Thanh Nghệ trở thành khu vực của các vị vua và lãnh chúa có khao khát thống trị Đông Kinh; đó là nơi tuyển quân cho triều đình và là quê hương của những người nghĩ rằng họ phải lao động kham khổ giữa sự nhũng lạm miền Bắc của Đông Kinh. Đông Kinh, mặc dù có liên hệ chặt chẽ hơn với văn hóa Trung Hoa, không thể cạnh tranh về mặt quân sự với Thanh Nghệ, bởi vì đằng sau Thanh Nghệ là một vùng rộng lớn của những người nói tiếng Việt, một kho tiềm tàng nguồn nhân lực bổ sung lính nhập ngũ, những người không quen với và không chịu ràng buộc bởi những lề thói của người nông dân trồng lúa. Đổi lại, Thanh Nghệ không thể thống trị khu vực nếu nó mở rộng ra ngoài tầm với của Thanh Nghệ; trong thế kỷ 17, nỗ lực trong suốt nhiều năm của Thanh Nghệ muốn kiểm soát các lãnh địa nằm sâu về hướng nam đã kết thúc trong thất bại. Vậy loại khu vực nào xuất hiện sau Thanh Nghệ?

Đèo Ngang và dải Hoành Sơn, ở biên giới phía Nam của Thanh Nghệ, đã là mũi phía Nam của vương quốc người Việt trong nhiều thế kỷ. Đằng sau nó là một đồng bằng hẹp dọc biển, rộng khoảng 30 cây số giữa núi và biển, kéo dài khoảng 250 cây số đến đèo Hải Vân. Khu vực này, thời hiện đại gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, được các nhà cai trị người Việt trong thế kỷ 15 và 16 gọi là Thuận Hóa; nó bao gồm các lãnh thổ thay phiên bị chiếm, bị chinh phục bởi những nhà cai trị Trung Hoa và Việt Nam suốt nhiều thế hệ, nhưng cho đến thế kỷ 15, nó vẫn là vùng biên giới tranh chấp bởi các vua Chàm. Trong thập niên 1470, vua Lê Thánh Tông đưa quân vượt qua Thuận Hóa, chinh phục và đóng quân trên ba trăm cây số lãnh thổ dọc biển nằm giữa đèo Hải Vân và đèo Cù Mông, mà khi đó gọi là Quảng Nam, nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Diễn biến này mở cửa biên giới phía Nam cho sự bành trướng chưa từng có của người Việt.

Danh từ “Nam tiến” đã trở thành một phạm trù quan trọng trong cách viết sử của Việt Nam. Dù được nhìn tiêu cực như sự xâm chiếm hay tích cực như một sức mạnh, thì danh từ này thường được phân loại như một điều có sẵn trong cái gọi là tính cách Việt Nam, một tiến trình đã diễn ra trong suốt lịch sử Việt Nam, và theo mô hình này, nó được xác định là bắt đầu từ thế kỷ 10 khi người Việt được cho là đã thoát khỏi sự kiểm soát của sự cai trị Trung Hoa. Tôi thì muốn chia phạm trù này thành những chương cụ thể và xem những sự hình thành khác nhau của các sự kiện tại các thời điểm và nơi chốn khác nhau. Lãng mạn hóa hay chê trách việc mở rộng về phía Nam của người Việt trong tiến trình nhiều thế kỷ cũng đều khiến chúng ta không thấy được những gì đã xảy ra ở một thời điểm hay nơi chốn nhất định. Tôi sẽ không nói về Nam tiến. Thay vào đó, tôi sẽ nói về sự hình thành các phiên bản mới của việc làm người Việt Nam ở ba khu vực vừa mới có người Việt sinh sống ở bên ngoài đèo Ngang: Thuận Quảng, Bình Định và Nam Bộ.

Nơi đầu tiên của các vùng này tôi sẽ gọi là Thuận Quảng, một cách nói tắt từ hai vùng Thuận Hóa và Quảng Nam của thế kỷ 15 và 16, nhưng đã được định nghĩa lại cho mục đích của tôi để loại trừ khu vực sâu trong phía Nam, Bình Định, một nơi có sức mạnh khu vực riêng của nó trong thế kỷ 18. Như thế Thuận Quảng ở đây là tập trung vào một trung tâm chính trị ở Phú Xuân (Huế) và một trung tâm buôn bán ở Hội An và Đà Nẵng. Sự trỗi dậy của Thuận Quảng với tư cách một trung tâm quyền lực khu vực mới trong hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa đã bắt đầu bằng việc di dời của Nguyễn Hoàng và tùy tùng vào khu vực này năm 1558. Nguyễn Hoàng xuất thân từ Thanh Nghệ và liên minh với các phe khác của Thanh Nghệ chống lại nhà Mạc ở Đông Kinh. Trong thập niên 1590, Nguyễn Hoàng đưa quân từ Thuận Quảng tham gia vào các chiến dịch chặng cuối đuổi quân Mạc ra khỏi Đông Kinh. Tuy vậy, các nỗ lực của Trịnh Tùng muốn đặt Nguyễn Hoàng ở dưới uy quyền của ông ta thất bại, và vào năm 1600, Nguyễn Hoàng quay về Thuận Quảng và củng cố sức mạnh của gia đình tại đó.

Trong những năm 1620, căng thẳng giữa những người con của Trịnh Tùng và Nguyễn Hoàng bùng nổ thành cuộc chiến, và giao tranh kéo dài hơn 50 năm. Các từ áp dụng cho hai bên thể hiện một cảm thức mạnh mẽ của sự phân biệt không gian. Vương quốc phía Bắc, do họ Trịnh cai trị, được gọi là Đàng Ngoài, và vương quốc phía Nam của họ Nguyễn được gọi là Đàng Trong. Các từ “ngoài” và “trong” có thể hiểu đơn giản như ngôn từ phân cách tính chất trung ương và bên lề, hoặc chúng có thể được soi sáng bằng một cặp diễn đạt khác đươc sử dụng trong thế kỷ 15 để diễn tả việc đi lại dọc trục Bắc – Nam: vào Nam, và ra Bắc. Ý niệm về việc đi “vào” phía Nam và “ra” Bắc, miền Nam “ở trong” và miền Bắc “ở ngoài” đã được giáo sư Nguyễn Tài Cẩn phân tích dựa trên kinh nghiệm đi lại giữa vùng đồng bằng mở của sông Hồng với Hà Nội là trung tâm và các lãnh thổ hẹp phía nam bị hạn chế giữa núi và biển. Giải thích này là khả tín khi dựa trên trải nghiệm địa hình của con người.

Làm thế nào những người sống “ở trong” không gian miền Nam hẹp có thể chống đỡ các đợt tấn công liên tiếp của người sống “ở ngoài” trên đồng bằng rộng lớn? Những người “bên trong” đã không chỉ vượt qua sáu chiến dịch lớn của người “bên ngoài” mà họ cũng phản kích và chiếm cứ nhiều nơi của Thanh Nghệ trong nhiều năm của thập niên 1650 trong lúc đồng thời đưa đội quân đầu tiên của người Việt vào đồng bằng sông Mêkông. Liệu việc “ở trong” có đem lại lợi thế nào không? Dường như là có, bởi vì những người miền Nam tận dụng “sự ở trong” của họ bằng cách đắp lũy giữa biển và núi ở cửa bể Nhật Lệ tại Đồng Hới, cách không xa nơi được thừa nhận là biên giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong tại sông Gianh. Đằng sau các lũy, những nông dân – quân đội sống chen chúc trong các làng – chốt gác tự túc. Trong toàn bộ các trận chiến của thế kỷ 17, người Bắc chưa bao giờ vượt qua nơi này. Họ chưa bao giờ “vào được trong”? Tại sao?

Một cách giải thích là người miền Nam bảo vệ lãnh thổ của họ trong khi người miền Bắc cách xa nhà ở một nơi không quen thuộc. Ngoài ra, mỗi năm chỉ có một khoảng thời gian ngắn thuận lợi cho giao chiến vì sự hạn chế của mùa khô khi quân đội có thể di chuyển, hạn chế gió để giúp hoạt động thủy quân, và thiếu tiếp viện từ miền Bắc; nếu người miền Nam đơn giản chỉ kháng cự đủ lâu, người miền Bắc sẽ phải lui quân trước khi đường tiếp tế của họ cạn kiệt hoặc trước khi có thay đổi về gió và có mưa. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là những cân nhắc chiến lược này gắn với một tình thế cụ thể, một địa hình cụ thể, và rằng chúng không được trải qua như những quan niệm trừu tượng mà như những khả năng thật sự.

Một sự xem xét kỹ địa hình ở Đồng Hới và những nỗ lực củng cố nơi này bằng lũy của con người cho ta thấy một không gian tương đối nhỏ giữa núi và biển mà để qua nơi này chỉ có hai tuyến đường khả dĩ: một “đường núi” ở phía tây băng qua những đồi thấp dưới chân núi và một “đường biển” ở phía đông băng qua rìa cồn cát ở bờ biển. Ở giữa hai tuyến đường này là một dải rộng của sông và đầm lầy. Rõ ràng người miền Bắc không có khả năng vượt qua nơi này chỉ bằng thủy quân; nếu không có bộ binh, lực lượng thủy quân của họ không phải là đe dọa thật sự cho phía Nam Đồng Hới. Một phần là vì ưu thế vượt trội của thủy quân miền Nam, những người đã học từ người Bồ Đào Nha cách trang bị và sử dụng súng đại bác trên thuyền, nhưng ngay cả nếu không có điều này, thì khả năng bảo vệ bờ biển của phía Nam có vẻ vẫn vượt trội hơn quân miền Bắc nếu không có hỗ trợ của bộ binh. Sự nghiên cứu này cho thấy địa hình tại Đồng Hới trở thành tâm điểm của giao tranh, nó nằm ngay trong biên giới và ở một nơi mà chọn lựa di chuyển bằng đường bộ bị hạn chế ở hai tuyến đi lại hạn hẹp. Việc áp dụng trí tuệ con người tại địa hình này đã tạo nên một hệ thống tường trải dài từ các ngọn núi ở hai nơi khác nhau và bao gồm các thành lũy dọc bờ biển ở trên các đụn cát.

Tôi đã dừng lại ở Đồng Hới bởi vì chính tại đây ba thế hệ các lãnh tụ vùng đã liên tục đụng trận, nơi Đàng Ngoài và Đàng Trong đã thử thách và định lượng sự phân cách của họ. Tại sao những bản sắc và tham vọng vùng này lại thể hiện bằng đại bác, gươm và voi trận thay vì bằng những phương thức giao tiếp ôn hòa hơn như thương thuyết và nhượng bộ? Một giải thích thu hút và thường được trích dẫn là việc chỉ ra rằng, trong những năm này, Trung Quốc đang trải qua giai đoạn dài thay đổi triều đại và, khi không có sự đe dọa can thiệp của Trung Quốc, người Việt không cưỡng được nội chiến. Nhưng có ít nhất ba luận cứ chống lại quan niệm này. Đầu tiên, biện luận ở trên sẽ không giải thích được cuộc chiến Đông Kinh với Thanh Nghệ kéo dài hầu hết thế kỷ 16, trừ phi người ta muốn nói rằng vào thời đó, sự suy thoái của triều Minh đã loại bỏ mối đe dọa can thiệp của Trung Quốc, nhưng như thế điều này trở thành một kiểu giải thích rất không chính xác, thậm chí tùy tiện. Thứ hai, việc Trung Quốc tiếp tục là một yếu tố trong chính trị Việt Nam trong suốt thời chiến tranh thế kỷ 16 và 17, ngay cả trong giai đoạn chuyển tiếp triều đại, bị bỏ qua quá dễ dàng. Trong thế kỷ 16, các lãnh đạo Thanh Nghệ gắng sức nhờ đến hành động của nhà Minh để chống lại Đông Kinh. Một đội quân Minh đã đến trong những năm 1540, nhưng xung đột đã tránh được nhờ nỗ lực ngoại giao của nhà Mạc. Sau khi họ chinh phục được Đông Kinh, những cố gắng của họ Trịnh nhằm tiêu diệt hẳn đối thủ đã bị cản trở suốt gần tám thập niên bởi sự bảo vệ của nhà Minh, sau đó là nhà Thanh, dành cho họ Mạc ở tỉnh Cao Bằng nơi biên giới với Trung Quốc.

Thứ ba, chắc chắn là sai lầm khi giải thích xung đột vùng ở Việt Nam là vì thiếu đe dọa từ ngoài, cứ như thể một trong số ít những điều, nếu không phải là điều duy nhất, khiến người Việt Nam trở thành một loại người riêng biệt là nhờ một phản ứng chung hay thống nhất trước mối đe dọa can thiệp của nước ngoài. Điều này đơn giản là sự kiêu ngạo của cách viết sử dân tộc chủ nghĩa đã biến “tinh thần chống ngoại xâm” thành tố chất vĩnh cửu trong “bản sắc Việt Nam”. Việc đi tìm ở Trung Quốc hay nơi khác những giải thích cho chuyện xảy ra ở Việt Nam không còn là một chiến lược phân tích làm thỏa mãn, đặc biệt khi một cách nhìn sự việc đáng tin hơn rõ ràng ở ngay trước mắt. Nếu chúng ta có thể bỏ ra khỏi đầu óc mình quan niệm về “chất Việt Nam” như một đối tượng tri thức và thay vào đó, xem xét cẩn thận điều mà những người chúng ta gọi là người Việt đã làm ở những thời điểm và nơi chốn cụ thể, thì khi đó chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy bên dưới lớp âm thanh, ngữ âm, lời nói chung, hay bất kì cách tưởng tượng nào của chúng ta về hiện tượng ngôn ngữ con người, là những con người khác biệt mà cái nhìn của họ về bản thân và người khác dựa vào địa hình vùng họ sống và dựa vào những trao đổi văn hóa có được tại vùng đó.

Liệu có còn quá ngạc nhiên là Đàng Trong đã chống lại uy quyền của Đàng Ngoài tại Đồng Hới trong nhiều thế hệ và nhiều trận đánh khi chúng ta nhớ lại rằng những dân tộc mà ta gọi là Chàm trước đó đã từng kháng cự uy quyền miền Bắc cũng tại chính nơi này trong hàng trăm năm? Liệu có khó hiểu được là dân tộc chúng ta gọi là người Việt, những người mới đến sống ở đây, lại có một thái độ trước quyền lực miền Bắc theo nhiều cách cũng tương tự các cư dân trước đây? Thay vì dõi mắt về Trung Quốc phía Bắc để phân tích, có thể đã đủ khi quan sát kỹ hơn Thuận Quảng và xem xét làm thế nào sự định vị chiến lược và văn hóa của những người nói tiếng Việt tại một nơi mà trong nhiều thế hệ là của người Chàm lại có thể giúp soi sáng và giải quyết nỗ lực tìm hiểu của chúng ta. Những cư dân mới đến đã thờ phụng các vị thần của các cư dân cũ. Chuyện họ cũng thừa hưởng những kẻ thù của cư dân cũ gây ngạc nhiên chỉ bởi vì mức độ tuyên truyền ý thức dân tộc chủ nghĩa nhắm vào người của thế kỷ 20. Có thể hữu ích hơn nếu ta không nói về cuộc Nam tiến của dân tộc Việt, mà thay vào đó, nói về sự hình thành những phiên bản mới của việc làm người Việt ở lãnh thổ trước đây của người Chàm và các dân tộc khác.

Một sự biểu lộ về khác biệt giữa “những phiên bản” làm người Việt có thể nằm trong địa hạt của sự nhạy cảm về tôn giáo, văn học và thơ ca. Chính trị Việt Nam ngày càng trở nên địa phương hóa và phi tập trung hóa đến mức không nhân nhượng trong tiến trình của thế kỷ 16, nhưng sau đó, những ký ức “Việt” về thời kỳ ấy lại trở thành trung tâm luân lý trong con người Nguyễn Bỉnh Khiêm (sinh năm 1491). Vai trò quân sư và thầy giáo của ông được kích hoạt bởi việc “thoái ẩn” về quê cũ, phía đông Hà Nội, năm 1542. Giọng nói của ông được xem như một nguồn quyền uy mà không còn tìm thấy trong địa hạt chính trị, và mọi lãnh tụ tham vọng trong thời ông đều được mô tả là đã đi tìm và nhận sự ban phúc của ông dành cho tham vọng cá nhân và vùng miền của họ. Tuy nhiên, sau cái chết của ông năm 1585, ngay cả một trung tâm văn hóa hoặc luân lý Việt đã không còn tồn tại.

Thơ ca của Nguyễn Bỉnh Khiêm và của học trò giỏi nhất của ông, Phùng Khắc Khoan(1528-1613), người chọn phụng sự chúa Trịnh ở Hà Nội, mô tả thế giới như một nơi nguy hiểm, đầy lòng tham, bạo lực, hỗn độn, tranh quyền đoạt lợi. Ở một mức độ triết lý, tôn giáo hay thi ca, Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa quan niệm về nhân sinh này thành những tuyên ngôn về tính tuần hoàn và sự tu thân. Trong một bài thơ của ông, ngôn ngữ Phật giáo xác nhận một chu kỳ tuần hoàn trong biến thiên của con người; thời gian liên tục đi theo những vòng hưng thịnh và suy tàn. Phản ứng đúng đắn của con người là sự tu thân. Tôi muốn đối lập điều này bằng một sự nhạy cảm thơ ca mà sau đó xuất hiện ở phía miền Nam.

Đào Duy Từ (1572-1634) có thể được xem là nhà thơ Đàng Trong đầu tiên. Ông bị loại khỏi cuộc đua quyền chức ở miền Bắc vì chúa Trịnh khinh ông là con nhà xướng ca, nên ông vào Nam và phụng sự chúa Nguyễn, rồi thành người xướng xuất việc đắp lũy ở Đồng Hới. Những bài thơ được cho là của ông sử dụng một ngôn ngữ Phật giáo rất khác thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thời gian không phải tuần hoàn mà là trống rỗng; sự thông thái không phải là thành quả của sự tu dưỡng mà là xảy đến không cần nỗ lực. Ẩn dụ về tính cách con người không phải là mẩu vườn được chăm bón mà là thiên nhiên không có bàn tay con người. So sánh với tư tưởng tuần hoàn nhưng có tính cạnh tranh tìm thấy trong thơ miền Bắc, những bài thơ của Đào Duy Từ thể hiện một cảm giác tự do và tự tin không quan tâm đến quy tắc, lịch sử, hay tổ tiên. Nhìn bề ngoài, nó cũng có vẻ cho thấy một sự chuyển từ tư tưởng Tịnh độ (Pure Land) sang Thiền.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.