Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Xung đột vùng miền (1)
Trường An December 20th, 2017

Để biết thế nào là sự khác biệt của "sách 100 năm trước", xin giới thiệu 1 bài viết khoảng... 20 năm trước. :D Tất nhiên hông phải sử gia quốc tế thì auto-đúng, nhưng đọc để biết giới sử học quốc tế đã ở đâu rồi. Bài thì dài mà phải chuyển mã, chỉnh định dạng, cách đoạn mới post được, người lười chia làm nhiều đoạn ngắn.

-

Xung đột vùng miền giữa các dân tộc Việt từ thế kỷ 13 đến 19
Keith W. Taylor
Lê Quỳnh dịch

Lời giới thiệu của dịch giả: Trong một thời gian dài, đa số các học giả nước ngoài đồng ý rằng chỉ có một lịch sử Việt Nam duy nhất và một nền văn hóa Việt Nam duy nhất. Nhưng gần đây có một số thay đổi trong xu hướng nghiên cứu. Đọc ở Hà Nội năm 1998 trong Hội nghị Việt Nam học, Keith W.Taylor nhắc đến khuynh hướng nhấn mạnh vào “những vùng và địa phương hoặc các nhóm xã hội hay chính trị trong quá khứ đã bị bỏ qua hay là không được coi trọng bằng các chủ đề thống nhất của các phạm trù dân tộc” (“Việt Nam học ở Bắc Mỹ”, Nxb. Thế giới, 2002)

Trong một phỏng vấn của đài BBC năm 2003 về quá trình thay đổi tư tưởng của ông, Keith W.Taylor nói ông hồ nghi “về ý kiến phát triển lịch sử liên tục, một lịch sử thống nhất liên tục”, vốn là quan điểm được các học giả nghiên cứu về Việt Nam tán đồng trước đây.

Bài tiểu luận này in trong quyển Guerre et paix en Asie du SudEsdo Nguyễn Thế Anh & Alain Forest chủ biên. Tên tiếng Anh của bài: “Regional Conflicts Among the Việt Peoples Between the 13th and 19th Centuries” (1998) Một phiên bản khác của bài này sau đó được Keith W. Taylor bổ sung thêm và in với tựa đề “Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region”.

---

Trong thế kỷ 20, các mô tả về lịch sử và văn hóa Việt Nam đã đặt trọng tâm vào những mô hình về sự thống nhất và liên tục. Trong bài tiểu luận này, tôi sẽ khảo sát những sự tương quan có thể có giữa suy nghĩ và nơi chốn, giữa các cách làm người Việt và địa hình. Mục đích của tôi là đặt những sự hình thành tư tưởng và hành động của người Việt vào từng địa điểm cụ thể ở không gian và thời gian khi chúng xuất hiện.

Tôi sẽ nói bằng ngôn ngữ tương đối tổng quát để thảo luận những sự kiện trải dài trong nhiều thế kỷ và nhiều khu vực. Trong một số trường hợp, cái nhìn của tôi dựa trên những nghiên cứu chi tiết về các chủ đề đã được đề cập bởi tôi hay nhiều người khác. Trong các trường hợp khác, tôi nương theo trực giác, nhường cho các nghiên cứu tương lai xác nhận hoặc bác bỏ quan điểm của tôi. Tôi hướng đến một cái nhìn chặt chẽ mà có thể giúp ích cho nghiên cứu tương lai nhờ sự khơi gợi hoặc khích động; tôi không tự phụ cho rằng quan điểm của mình là dứt khoát đúng.

Tôi đã chọn thảo luận sáu cuộc xung đột liên quan năm vùng trong năm thế kỷ. Các xung đột vùng này có thể liên quan đến sự mở rộng biên giới phía Nam của các dân tộc nói tiếng Việt và sự thể hiện các quyền lợi chính trị của các vùng. Chúng cũng có thể liên quan các hình thức địa phương của tôn giáo, ý thức hệ, ngôn ngữ và văn hóa. Phương pháp của tôi là sẽ ngắn gọn duyệt lại các cuộc xung đột và bày tỏ một số bước phân tích có thể áp dụng cho các xung đột này.

Có bằng chứng về xung đột tại các địa phận được cho là nơi tổ tiên người Việt hiện đại từng cư trú từ thời xưa nhất mà văn bản còn ghi lại, dù là chuyện về các vua Hùng huyền thoại, hay các văn bản lưu giữ tại Trung Quốc, hay những sự kiện ghi trong biên niên sử của Việt Nam. Trong những năm cuối trị vì của Lê Hoàn, vào đầu thế kỷ 11, các cuộc chinh phạt của triều đình liên tục tấn công những cư dân của khu vực mà nay là các tỉnh Vĩnh Phú, Thanh Hóa và Nghệ An, tất cả tọa lạc ở bên rìa hay bên ngoài đồng bằng sông Hồng rộng lớn nơi khi đó là trung tâm quyền lực của hoàng gia. Con trai và là người nối nghiệp của Lê Hoàn, Lê (Long) Đĩnh, tiếp tục đưa quân tấn công các dân tộc ở Thanh Hóa và Nghệ An và xây một con đường xuyên qua các tỉnh miền Nam này để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các cuộc chinh phạt. Vị vua tiếp theo, Lý Công Uẩn, cũng mở chiến dịch chống các tỉnh miền Nam này, nói rằng ông không thể không tấn công người dân Nghệ An vì họ “không tôn trọng những hướng dẫn khai hóa”. Những dấu hiệu chiến tranh trong đầu thế kỷ 11, khi một chế độ triều đình địa phương đang bắt đầu hình thành, có thể được hình dung như xung đột giữa tổ tiên của những dân tộc mà trong thời hiện đại đã được phân biệt, theo ngôn ngữ và xã hội, là các chi người Kinh (vùng thấp) và người Mường (vùng cao) của các dân tộc Việt. Đó không phải là những chương riêng lẻ.

Hai cuộc xung đột đầu tiên trong sáu xung đột tôi muốn nhắc đến diễn ra giữa nơi tôi gọi là Đông Kinh, tức đồng bằng sông Hồng mà trung tâm là Hà Nội, với Thanh Nghệ, tọa lạc nơi miền Nam và bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh. Cần nhắc rằng phương ngữ tại phần phía Nam của Thanh Nghệ, tức Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) lại gần với tiếng Mường hơn là tiếng Kinh. Ngay cả hiện nay, giữa những người làm việc trong chính phủ và giới khoa bảng ở Hà Nội, cũng có sự nhận thức về tương quan ảnh hưởng và quyền lực giữa người từ Hà Nội và các tỉnh xung quanh với người từ Thanh Nghệ (Thanh Nghệ Tĩnh hay Nghệ Tĩnh). Không phải ai cũng nhớ rằng các khu vực này từng gây chiến với nhau trong đầu thế kỷ 15 và hầu như trong suốt thế kỷ 16.

Chương xung đột đầu tiên tôi chọn để thảo luận đã gần như bị chôn sâu đằng sau khung viết sử theo hình thức kháng chiến chống ách đô hộ quân Minh trong ba thập niên đầu tiên của thế kỷ 15. Nhưng cái điều được xác quyết hời hợt như cuộc chiến “giải phóng dân tộc” lại có vẻ khác hẳn khi được xem xét kỹ.

Vào cuối thế kỷ 14 Hồ Quý Ly đã kiểm soát triều Trần và năm 1400 tự lập triều đại riêng. Trong khi nhà Trần là người thuộc đồng bằng sông Hồng, Hồ Quý Ly là người từ Thanh Nghệ, và ông xây một thủ đô mới ở Thanh Hóa. Việc ông không giành được sự trung thành của vùng Đông Kinh là một yếu tố quan trọng trong việc nhà Hồ không chống nổi cuộc xâm lược của nhà Minh năm 1406-1407, thời điểm khi Hồ Quý Ly từ bỏ phần lớn khu vực Đông Kinh và tìm cách phòng thủ bờ Nam của sông Hồng. Có nhiều bằng chứng cho thấy đa số sĩ phu ở Đông Kinh sẵn sàng chấp nhận sự cai trị của quân Minh và rằng nhiều thế gia vọng tộc ở khu vực này, đặc biệt là họ Mạc, đã trung thành phục vụ quân Minh. Năm 1407 người Minh nói hơn 1100 nhân vật có thế lực địa phương bày tỏ sự trung thành với nhà Minh và yêu cầu vùng đất của họ sát nhập vào đế quốc Trung Hoa. Tài liệu của nhà Minh ghi lại rằng hơn 9000 người địa phương sau đó đã đến thủ đô nhà Minh để được sắc phong làm quan chức cấp tỉnh. Hiệu lực của sự cai trị của nhà Minh đã không thể xảy ra nếu không có sự chấp nhận và tham gia với mức độ lớn của người địa phương.

Không khó để đọc cái gọi là “phong trào giải phóng dân tộc” của Lê Lợi như là cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh, với việc nhiều nhân vật Đông Kinh xem người Minh như thế lực bảo vệ chống sự quê kệch của các tỉnh phía Nam. Cái nhìn này đi ngược với cách viết sử của nhà Lê và cách viết sử dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại, nhưng khi xét các sự kiện về sau, nó lại đáng tin hơn so với khuynh hướng thông thường giả tảng như nhiều ngàn người phục vụ quân Minh hoặc đã biến mất vào màn sương phương Bắc hoặc bỗng dưng quay lại thành người yêu nước.

Vai trò của Nguyễn Trãi, sĩ phu Đông Kinh nổi tiếng và là người về Nam để gia nhập đoàn quân Lê Lợi ở Thanh Nghệ, không phải là nhân vật tiêu biểu hay đại diện cho xu thế chung của quê ông. Các bài thơ ông viết trong thời Minh và trước lúc ông về Nam phục vụ Lê Lợi, thể hiện, như cách dùng từ của O.W. Wolters, “một người xa lạ ngay trên mảnh đất của mình”. Nhiều bài văn ông viết sau khi ông về Nam là những lá thư gửi người cùng thời phục vụ nhà Minh, thúc giục họ xoay sang phục vụ Lê Lợi. Sau này Nguyễn Trãi bị cô lập và triệt tiêu – bị cáo buộc tội giết vua và bị xử trảm năm 1442. Thảm kịch này chắc chắn có sự tác động của việc ông đã tách mình khỏi cả những người đồng hương ở Đông Kinh để phục vụ quyền lợi của Thanh Nghệ, và mặt khác, những bài thuyết lý của ông về cách cai trị và nỗ lực của ông muốn đưa thêm người Đông Kinh vào phục vụ công việc triều chính lại khiến ông bị cô lập bởi những thế lực đang lên từ Thanh Nghệ.

Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) thường được xem là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam bởi vì ông tạo lập một chính quyền trung ương kiểu Trung Hoa và đã có cuộc chinh phục Chămpa. Thế nhưng thành tựu quan trọng nhất của ông lại không thường được công nhận: đó là thành công của ông trong việc tập hợp đoàn cận thần dung hòa cả quyền lợi của Đông Kinh và Thanh Nghệ. Triều đại của ông, và âm hưởng trong sự trị vì của người con nối nghiệp, đã tạm thời dập tắt các căng thẳng nhờ việc đáp ứng các quyền lợi của các phe. Một khía cạnh trong sự đáp ứng này là việc chinh phục lãnh địa người Chàm ra tới đèo Cù Mông, ở biên giới phía Nam của nơi sau đó là tỉnh Bình Định. Nó đem lại cho phe Thanh Nghệ một khoảng không gian mới cho tham vọng của họ. Một khía cạnh khác trong sự đáp ứng quyền lợi này là các khoa thi tạo cơ hội nhập triều chính cho những người Đông Kinh có gia đình từng phục vụ người Minh. Tuy vậy thành công của vua Lê Thánh Tông phần lớn bắt nguồn từ uy tín cá nhân của ông. Nó thể hiện rõ khi chỉ hơn một thập niên sau khi ông mất, triều đình bắt đầu phân rã thành những phe nhóm diệt nhau để rồi sau đó khởi đầu cho ba thế hệ chiến tranh giữa Đông Kinh và Thanh Nghệ, tức là cuộc nội chiến Lê-Mạc của thế kỷ 16. Đây là chương xung đột thứ hai mà tôi chọn thảo luận trong bài viết này.



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.