Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Phương xa – 2
Trường An September 2nd, 2015

2. Tế toán phù sinh thiên vạn tự, trường ư xuân mộng kỷ đa thì

 

Những ngày sau đó là một chuỗi âm thanh ồn ào và dòng thác người đến rồi đi mà tôi không thể nhận ra, huống hồ là ghi nhớ, khuôn mặt của bất cứ ai.

Sau tang lễ, có nhiều người đã tới tìm cậu chủ nhưng hầu hết họ rời khỏi nhà trong thất vọng hoặc sự lặng im trầm mặc khó hiểu. Cậu chủ gọi người tới tụng kinh đủ bốn chín ngày, mùi nhang đèn trong nhà không lúc nào dứt. Tuy khói không bay vào đến tận vườn trong, khói cũng làm tôi khó có thể xác định được bao nhiêu người đã đến trang viện này. Ngay cả ban đêm cũng có người, họ được thu xếp cho nghỉ lại trong gian dành cho khách ở bên chái nhà. Cậu chủ bận rộn suốt ngày, chỉ về hậu viện để tắt đèn đi ngủ, ngay cả việc cho tôi ăn cũng giao người khác. Lồng chim chúng tôi cũng chỉ được lật lên ít giờ mỗi ngày để chúng tôi đón nắng, hầu hết thời gian bị phủ vải kín.

Những ngày cuối của đợt bốn chín ngày, người đổ về trang viện ngày càng đông. Họ đến chào rồi đi nghỉ ở nhà trọ bên ngoài, gia nhân trong nhà thì thầm bảo nhau. Nhưng ngày cuối, tất cả bọn họ tập hợp lại. Đám đông kéo theo cả vài kẻ ca vũ, làm trò bên ngoài nhân thấy đám tang liền chạy vào 'biểu diễn'. Cậu chủ không đuổi họ đi, chỉ lặng lẽ bảo những nhà sư cứ tiếp tục tục kinh, tạo thành một buổi tối ồn ào với đủ thanh âm kỳ quặc không thể chịu đựng nổi. Gia nhân trong nhà nổi giận, nói lén sau lưng rằng cậu quả là một thiếu chủ yếu đuối bất lực, chẳng thể trông mong được gì. Quản gia nhất quyết đóng cửa vườn, không cho phép ai bước vào, ngay cả cậu chủ cũng phải gọi cho gọi, ông mới đem chìa khóa đến mở.

Nhưng đến sáng hôm sau, đám đông ngoài ấy bất chợt im lặng, sau một loạt tiếng hét hoảng hốt. Tôi ngửi thấy mùi máu nồng nặc, cả sát khí cũng bốc lên ngút trời. Rồi thanh âm bị đè nén trầm thấp dậy lên như sóng ngầm, đệm cho tiếng nói của cậu chủ và vài người khác. Tiếng giáo gươm khua, tiếng chân người chộn rộn đi lại khắp bốn phía trang viện. Dường như có cả tiếng nói của thiếu nữ áo đỏ. Rồi tiếng người ngựa đông như cả một đoàn quân sầm sập kéo tới. Làn sóng âm thanh lại bùng lên, lại ồn ĩ, lao xao đến hết cả một ngày.

Chiều hôm đó, thiếu nữ áo đỏ mở cửa vào vườn, mỉm cười với tôi. Tôi ngửi thấy mùi mưa, gió núi, sương đêm vẫn chưa tan trên người, trên tóc cô. Câu hỏi của cô lại khiến tôi sợ dựng đứng cả lông: "Mày vẫn còn sống à?".

Vì cô đang cười khi hỏi, nên chắc là cô đùa đấy thôi. Các gia nhân vẫn chưa thấy mặt, cô đích thân đi thắp đèn trong hành lang và thư phòng.

Khi đám đông bên ngoài đã vãn, trang viện đã đóng cửa, cậu chủ vừa vào vườn, tôi đã ngửi thấy mùi máu. Cậu chủ vỗ nhẹ tay lên thành lồng, tôi gần như hoảng hốt nhảy bật lên vì hơi sát khí, kim khí nồng nặc trong tay cậu. Mắt cậu cũng có vài tia máu đỏ. Mùi mưa trên người cậu chỉ làm khí tức ấy đậm đặc đến khó thở. Ánh mắt cậu lạnh xác tựa đồng hoang, không liên quan gì tới nụ cười vẫn phảng phất trên môi cậu.

Cậu sững lại một khắc, nhìn tôi xù lông nép vào thành lồng, rồi mỉm cười, buông tay, quay lưng đi, hơi húng hắng ho.

Một lúc sau, thiếu nữ áo đỏ rời khỏi phòng cậu, bên vai đeo thêm một cái hộp gỗ dài thơm mùi tử đàn. Vì vội vã rời đi, cô không nhìn lại phía sau, cậu chủ cũng đã bước ra nhìn theo phía cô. Trong bóng tối chập chờn dưới bóng lửa mờ với sương, tôi không nhìn ra ánh mắt cậu. Cậu lại đưa mắt về phía bông hoa lựu đỏ nghiêng ngả dưới ánh trăng, rồi đến mặt hồ yên tĩnh không một tia sóng động. Cậu có vẻ như đang lắng nghe, đang chờ đợi, nhưng cũng có vẻ chẳng tìm kiếm, trông ngóng điều gì. Thành thị bên ngoài trang viện lao xao, tiếng nhạc từ đâu đó vẳng tới. Thanh âm bên ngoài bất chợt khiến tôi nhận ra khoảng không tĩnh lặng vô vàn đang ngự trị nơi đây như một vực sâu hun hút.

Tất cả thanh âm rơi vào khoảng trống này, tan thành ánh trăng, tụ thành bóng tối trong mắt cậu. Cậu cứ đứng mãi như thế một lúc lâu, dưới bóng hoa chập chờn và dòng thanh âm nổi trôi của đô thành xa xôi bên ngoài những bức tường. Tất cả như không liên quan đến cậu, không thể chạm vào được cậu, nhưng sắc màu của chúng cứ như bóng tối đan dày mãi lên, nhuốm tràn tà áo cậu đang mặc, phủ vây cậu. Bỗng nhiên, tôi chợt nghĩ đến một cơn bão đang tụ thành quanh cậu, chẳng hay cậu là tâm của cơn bão này hay sẽ bị nó cuốn đi.

Đó là một đêm không bình yên. Nửa đêm, bên ngoài ồn ào tiếng người, quản gia chạy vào gọi cậu chủ dậy. Cậu đi ra ngoài, rồi mấy hôm sau mới trở về.

Khoảng thời gian sau đó, cậu ở nhà ngày càng ít, cũng chẳng còn thời gian ở trong vườn. Cậu về phòng chỉ để ngủ, và đi ra phòng chính ngay từ tờ mờ sáng. Khu vườn được quản gia gọi người đến sửa sang, cậu chỉ liếc mắt nhìn thành quả, gật đầu. Hết mùa thu rồi đến mùa đông, tôi trông ngóng thiếu nữ áo đỏ, nhưng cô ấy cũng không đến. Mỗi ngày chỉ có người hầu quét dọn vườn, nhát chổi loạt xoạt trên lá rụng. Đàn chim trong vườn không người cũng biếng hót, chúng tôi ngẩn ngơ nhìn trời.

Trời vẫn xanh như thế. Nắng vẫn trong như thế. Mây đỏ rồi mây vàng. Nắng rồi lại mưa. Ngày rồi lại đêm. Khoảng không cô tịch hun hút như vực sâu tôi cảm thấy đêm ấy ngày càng dài mãi ra, dằng dặc trôi, miên man chìm như bọt sóng dưới mặt hồ. Cậu chủ không còn nhớ tới tôi nữa. Có một ngày cậu trở về nhà, áo quần ám khói, vạt áo cháy lỗ chỗ, nhưng cậu chỉ ngoảnh đầu bảo với ông quản gia: "Ba ngày nữa ta đi Quảng Châu".

Tôi không biết Quảng Châu là nơi nào, nhưng hẳn rất xa vì quản gia trông có vẻ vừa ngạc nhiên vừa lo lắng. Còn ngày tết, ông vội chạy theo cậu mà hỏi. Ta đã chuẩn bị xong lễ cho những nơi quan trọng, chỉ cần đưa đến mừng, cậu vừa cởi miếng giáp tay vừa trả lời. Mắt cậu thâm quầng, cậu lại ho rồi.

Đêm ấy, cậu lại lên cơn ho. Năm xưa, nếu nghe cậu ho, cha cậu sẽ gọi người sắc thuốc tới cho cậu. Bây giờ cậu nằm ho một lúc lâu, nửa đêm mới khoác áo dậy gọi người. Nửa canh giờ sau cô hầu mới bưng thuốc lên, ông quản gia cẩn thận dùng đũa bạc thử, gọi người nếm trước rồi chuyển chén thuốc cho cậu. Ngồi tựa trường kỷ bên chái sảnh ngoài, cậu nửa thức nửa ngủ uống cạn chén thuốc, không có một cái nhăn mày. Ông quản gia còn cẩn thận gọi người chuẩn bị thêm thuốc cho cậu mang theo, kiểm kê số thuốc còn lại trong nhà. Húng hắng ho một lúc, cậu chợt ngẩng lên, nói khẽ.

"Nghiêm lão, ta đang cho xây một khu lầu ngoài đảo, cần người coi sóc. Sắp tới ta đi xa, trang viện này không có việc gì cần, ông ra đó phụ giúp ta một thời gian." Ngón trỏ cậu búng rất nhẹ vào thành chén thuốc rỗng, chẳng tạo ra một thanh âm nào. Cậu nói như chỉ chợt tình cờ nhớ ra. "Ta đi vắng, trang viện này chỉ cần canh gác cẩn mật, người hầu cắt giảm sang cho những cửa hàng, cửa tiệm, hội quán khác, để lại những người cần thiết thôi."

"Thiếu chủ, việc trong nhà đâu có đơn giản như vậy." Ông quản gia cau mày một lát rồi lắc đầu. "Các phòng đều có đồ quý giá, người hầu lại chẳng phải ai cũng tin được, để lại quá ít người thì chúng coi sóc không xuể, lỡ có mất mát lại chẳng biết truy trách nhiệm cho ai. Thậm chí, ngộ nhỡ có kẻ rắn mắt trộm đồ trốn đi cũng không ai truy bắt kịp. Không có người trên coi chừng, vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm, đến khi cậu về trang viện chẳng biết đã thành cái gì nữa."

"Cắt đủ người giữ mỗi phòng, điểm người canh giữ theo ca, mất mát gì thì cứ lôi tất cả ra xử." Cậu chủ lạnh nhạt cười nói. "Ta sẽ gọi lão Từ bên hội quán về đây, ông ấy có kinh nghiệm 'giữ đền' lâu năm rồi. Ông cứ chuẩn bị ra đảo sớm cùng ngày ta đi luôn thể."

"… Vâng." Không thể nói gì hơn, ông quản gia đành gật đầu. Dọn chén thuốc trên bàn, đỡ cậu chủ đứng dậy về phòng, ông ấy lại chợt thở dài. "Nhà này tưởng đâu đông đúc mà thật ra lại thiếu vắng người quá thể. Thiếu chủ, cậu sớm lấy vợ đi."

Cậu chủ cúi người gỡ vạt áo mắc vào lưng ghế, không trả lời. Ông quản gia lại cứ thế nói tiếp.

"Ngay cả các thương gia đến đây theo mùa, bọn thương buôn, thủy thủ Tây dương ở đây cũng tìm cưới mấy cô gái bản địa để có người canh giữ tài sản, coi sóc việc buôn bán, kinh thương cho họ. Thiếu chủ muốn tìm một phu nhân xứng đáng thì có thể hoãn sau, hiện tại vẫn cứ nên tìm con gái nào đó quanh đây giỏi buôn bán, thạo nội trợ, lanh lợi dễ bảo về coi nhà, có người nâng giấc, hầu hạ cậu luôn thể…"

"Cha ta vừa mới mất, ông nói chuyện gì thế?" Cậu chủ ngẩng đầu, cau mày. Ông quản gia hơi giật mình, xoa hai tay vào nhau, cười giả lả.

"Đấy là tôi lo cho thiếu chủ. Cậu xem, nửa đêm còn phải đi ra ngoài gọi người như thế này…"

Trong lúc ông nói, cậu chủ đi thẳng về phòng, thậm chí không liếc mắt sang. Câu nói cuối của ông quản gia lọt thỏm vào khoảng không "Ba năm cư tang, cũng lâu quá…".

Do lão gia lúc sinh thời không nghĩ đến mình mất đột ngột, chẳng kịp lo thê thiếp cho cậu chủ, cô hầu quét vườn một ngày vui miệng nói. Đó là một ngày cận tết, pháo đã nổ đì đùng đâu đó trong các ngõ phố, duy chỉ có trang viện đóng cửa im ỉm này chẳng có gì khác biệt. Có vài nơi gửi quà mừng tết tới, được ông Từ coi nhà cất hết vào kho đợi cậu chủ về. Nghe nói mặt trước viện cũng được dán giấy đỏ, treo đèn, kết hoa mừng tết, nhưng trong nhà không có lấy một mẩu bánh, chỉ có nhang khói trên bàn thờ vẫn nghi ngút. Những gia nhân phải ở lại giữ trang viện cũng thở ngắn than dài, thậm chí chẳng buồn giấu giếm. Có lẽ lúc đi quá vội vàng nên cậu chủ quên sắp xếp tiền mừng tết, mừng tuổi cho người hầu trong nhà, bọn họ nói với nhau. Thiếu chủ tuy giỏi giang nhưng chẳng có ba đầu sáu tay, vẫn phải có người theo nhắc những việc nho nhỏ thế này.

"Trước đây cậu ấy cũng chẳng phải coi việc nhà." Cậu bé có nhiệm vụ nuôi chim, dạy chúng tôi hót vừa đổ hạt vào chén của tôi vừa ề à nói với cô hầu đang quét sân. "Việc thu chi trong nhà trước đây do người bên ông Trần cử tới kiêm quản. Trải qua biến động vừa rồi, người trong bang còn xoay như con vụ khắp nơi, đổi chỗ liên tục, thiếu chủ chắc chưa tìm được người."

"Nói thì tôi mới thắc mắc, thế trước kia ngoài võ công thì cậu ấy học thứ gì vậy? Không coi việc nhà, cũng chẳng làm việc trong bang, thế mà cứ suốt ngày bận rộn?" Cô hầu vừa cắm cúi quét vừa nói vọng lên. "Ở nơi này thì chẳng có hy vọng làm trạng nguyên bảng nhãn gì rồi."

"Thiếu chủ sức khỏe yếu, ngày xưa lão gia chỉ sợ đưa ra ngoài là gió thổi bay mất, cưng như trứng mỏng, nào có dám cho làm gì. Cậu ấy thích học thì để cậu ấy học thế thôi." Cậu bé kia bật cười. "Đến lúc lớn rồi mạnh khỏe hơn mới cho đi theo nhìn ngắm học hỏi. Nên chúng ta mới bị như bây giờ. Rõ là… Thiếu chủ huơ mấy đường kiếm, nhìn bên ngoài thì đáng sợ, ở phía sau thì thiếu sót lỗ chỗ thế này."

"Tôi nghe ông Từ bảo, việc giao tế tết năm nay may mà có tiểu thư của Thương Trúc trang lo cho mới xong." Cô hầu cũng cười. "Ông ấy kể cô ấy đang bị thương ở chân mà còn phải lo việc cả hai nơi, hễ thấy mặt người bên này là mắng."

"Vậy chắc cô ấy cố tình không lo tết cho chúng ta, để thiếu chủ về chịu đòn." Cậu bé nhíu một bên mày. "Chẳng trách sinh thời lão gia vẫn không thích cô ấy, chẳng biết là người rộng rãi hay nhỏ nhen, cũng chẳng biết đang giúp đỡ hay đang gây sự, muốn nhờ vả cũng phải trầy vi tróc vảy. Người thoạt nhìn thì đẹp như hoa, tính tình lại cổ quái điêu trác, chẳng biết đâu mà lường."

"Chỉ có mấy chúng ta ở đây, có khi cô ấy cũng quên đấy thôi. Còn chuyện lão gia không thích cô ấy…" Cô hầu thở ra, lại chợt im lặng. Nhìn quanh không thấy người, cô ghé lại gần cậu bé, thì thầm. "Nghe bảo cô ấy là con gái nhà có thế có lực, không phải người thường đâu. Chị Tống được cử sang giúp việc ở hội quán kể, các lão gia của cả hai bang hội đều đang để ý đến cô ấy. Vừa rồi cô ấy xuất hiện ở lễ bốn chín ngày của lão gia không kể, nghe đâu cô ấy còn ra mặt đe dọa Triệu lão gia. Triệu lão gia dạo này đóng cửa không tiếp khách, nhưng ông ấy nói với người xung quanh rằng phải tránh xa bên nhà ấy ra."

"Chậc, tôi cũng nghe bên Mặc lão gia nói tương tự." Cậu bé cũng hạ giọng ra điều bí mật. "Chuyện mùa thu vừa rồi, bên ta thanh toán nội bộ, Hồng Thiên hội gần như bị diệt hoàn toàn, ai cũng bảo chỉ một mình thiếu chủ thì chẳng thể đủ sức làm."

"Đúng vậy, ở hội quán có nhiều tin đồn kỳ lạ lắm. Như việc Hoắc Mai Đoạn vốn đã tập hợp người từ phía Nam lên định bao vây tiêu diệt bất cứ ai phản kháng, nhưng toán quân ấy chẳng hiểu sao mất tích. Bên thiếu chủ thì không có động tĩnh gì, chắc chắn phải có người bên ngoài nhúng tay vào." Cô hầu gái đột nhiên có vẻ nghiêm trọng, liếc mắt nhìn tôi một cái rồi đột nhiên nói. "Thiếu chủ không ra mặt, đương nhiên phải có người gánh thay."

"Em cũng nghe cha nói, lão bang chủ xưa quảng ơn, hoằng nghĩa mà lập nên cơ nghiệp, đến đời con cháu lại dùng gươm giáo sát phạt giành giật, thật là…" Cậu bé như có vẻ định nói điều gì đó rồi lại thôi. Có vẻ điều đó cũng không hay cho lắm, nên cô hầu liếc mắt rất nhanh qua cậu, rồi nói lảng sang chuyện khác.

Cứ thế, những ngày tết trôi qua trong trang viện yên lặng như tờ. Bọn chim trong hành lang cũng chẳng còn buồn chành chọe nhau. Bầu trời thật xanh, nắng thật vàng trong suốt những ngày ấy, gió cũng chẳng buồn thổi giữa những bức tường. Tôi nhìn cây mai trắng ra hoa rồi rơi rụng, cây lựu đỏ hoa, kết quả rồi trái khô lăn lóc ở góc sân, cây liễu già thay lá mới xanh non rồi xanh thẫm. Những mảnh giấy đỏ ngoài cửa rồi cũng được hạ xuống, tiếng pháo dần yên ắng để thị thành trở về nhịp sống cũ, tiếng lao xao như sóng biển vỗ bờ không nghỉ đêm ngày. Khi bông hoa lựu cuối cùng rụng xuống, tôi chợt nhớ bóng áo đỏ đến quay quắt. Tôi nhớ màu đỏ của ngày hôm ấy, bầu trời, nắng và đôi mắt trong như gương. Ở đây đã lâu, cảnh tượng khi bay bổng trong tôi đã nhạt nhòa, chỉ còn sắc đỏ mây hồng như một ám ảnh trở đi trở lại trong những giờ khắc quạnh hiu vắng lặng.

Khi sen trong hồ bắt đầu nở hoa, cậu chủ trở về. Đến cửa, cậu nhìn tôi, nhìn chiếc lồng của tôi, nhưng không đưa tay lật cánh tôi tìm thư như trước. Nghỉ ngơi một lát rồi cậu cho gọi người bên ngoài tới hỏi, biết rằng thiếu nữ áo đỏ cùng vài người khác nữa đã 'về nhà'. Đem cả cô ta đi cùng, cậu cau mày hỏi. Bây giờ thì tôi không biết cậu đang nói đến ai, nhưng cậu có vẻ rất lo lắng. Cho người canh giữ các cửa biển, cửa quan, nếu có động tĩnh gì thì báo ngay, cậu bảo. Thái độ trong mắt cậu khiến tôi cũng lo lắng theo.

Việc của cậu hẳn rất nguy hiểm. Chỉ mấy ngày sau, có một đoàn khách đến tìm cậu, rồi đánh nhau ngay trong vườn. Còn có thêm một ông lão chột mắt tới định giết cậu. Cậu thuyết phục ông ta hợp tác cùng mình, để đám người kia đánh giết nhau xong rồi cho lấp đất lên vết máu. Lần này về, cậu đưa theo khá nhiều thuộc hạ mới đến canh giữ quanh vườn, quanh nhà. Bọn họ tay cầm đao kiếm, lưng đeo dao búa, sát khí tanh nồng trong hơi thở. Rất nhiều người đi qua đi lại, thậm chí đứng canh trước cửa mỗi ngày, nhưng hầu như chẳng có ai để ý đến tôi. Cậu chủ cũng chỉ kịp nhìn qua xem chúng tôi mập ốm ra sao, rồi chẳng hỏi đến nữa.

Càng ngày, tôi cảm thấy hơi lạnh trên cậu càng rõ. Có thể là mùi biển, mùi sương giá hoặc khí núi đang át dần hương thông thanh sạch ngày xưa. Có thể là mùi từ thanh kiếm lúc nào cậu cũng mang theo người – mà khi cậu đánh nhau, tôi biết trên người cậu còn giắt giấu rất nhiều dao kiếm khác. Có thể là hơi lạnh tỏa ra từ chính cậu, từ ánh mắt cậu nhìn mọi người – không còn là cách cậu nhìn cha, những người bạn, người thân của cậu thuở trước. Hay cậu vẫn luôn có ánh mắt ấy, tôi cũng không rõ, tôi vốn chẳng biết diện mạo cậu khi bước ra khỏi khu vườn này. Bỗng nhiên bị bao vây bởi chừng ấy con người, trong đao kiếm trập trùng, tôi chợt có cảm giác mình không hề quen với cậu hiện tại.

Khu vườn yên tĩnh trở thành nơi cậu bàn bạc những việc bí mật. Một đêm nọ, ông lão chột mắt kia trở lại, nói một câu ngắn gọn "Giết con bé ấy đi!".

"Tại sao?" Cậu chỉ nhướng mày. Thậm chí tôi còn thấy đôi ý cười thích thú ẩn hiện trong mắt cậu.

"Nó là người của Kim Long, phải không?" Ông lão nói, nhưng có vẻ chẳng chờ cậu trả lời. "Bây giờ khắp nơi người ta đều muốn giết nó."

"Đúng vậy." Nhíu mày nghĩ ngợi rồi cậu chủ gật đầu. Nụ cười phảng phất làm cong đôi môi cậu. "Quả thật, bây giờ không hành động thì đợi đến lúc nào?"

"Nó không phải là bạn ngươi?" Trong mắt ông lão chợt ánh lên vẻ ghê tởm, dường như là tức giận. "Nó bị đuổi giết chẳng phải vì ngươi?"

"Hoặc là cô ấy, hoặc là ta." Cái cười của cậu càng tươi hơn. "Diệt Hoắc Mai Đoạn, diệt Hồng Thiên hội, diệt phe phái phục Minh, diệt Tề Ngôi, diệt bất cứ kẻ nào định chống đối hay bên ấy thấy ngứa mắt, rốt cuộc thì ai là người phải chịu trách nhiệm?"

"Hữu trà viên, ta cũng không ưa sự kiềm chế của Kim Long, sao không nhân dịp này lật ngược tình thế như khi làm với Hồng Thiên hội? Trong tình hình hiện tại, ở đây có chút rối loạn thì Kim Long cũng chẳng thể ứng cứu, phản ứng được ngay. Cứ đổ tất cả tội lỗi cho cô ta, tạm thời cắt đứt sự khống chế của Kim Long, soán đoạt quyền kiểm soát vào tay mình. Ta vừa dập tắt được sự oán trách của kẻ bên ngoài, vừa thu phục, thuyết phục được họ, thậm chí có thể thừa cơ nhúng tay vào can thiệp được cả trang viện ấy. Trắng đen đều nằm trong tay ta, tay chúng ta." Trước ánh mắt ngày càng băng giá của ông lão trước mặt, cậu nhướn mày. "Chính Hữu trà viên đề nghị việc này với ta, chẳng lẽ chỉ nói để thử?"

"Không, người của ta đã theo dõi nó, có thể đã ra tay rồi. Nó đang trên đường về, lần này nó đi đường bộ trong núi, có lẽ đã đánh hơi thấy nguy hiểm." Ông lão nhìn chằm chằm cậu chủ bằng con mắt còn lại, chỉ thấy cậu nhíu đầu mày.

"Trong toán người của cô ta còn có con tin của ta, người này có liên quan tới cả Hữu trà viên. Chính là người nhóm của ông định đón về." Cậu chủ thở dài, lo lắng nói. "Có lẽ vì đánh hơi thấy nguy hiểm nên cô ta đem cả công chúa theo làm bùa hộ thân."

"Ta biết, nên đã dặn bảo không được phạm đến công chúa, vì thế cũng không thể mạnh tay." Ông lão cau có nói qua kẽ răng. "Nếu việc lần này thất bại, ngươi phải đích thân ra tay thôi."

"Cũng tốt, nhân tiện giải quyết đám người phiền nhiễu ở phương Bắc luôn vậy." Cậu chủ cười khẽ, liếc mắt nhìn xuống trà trong tách. Búng tay vào tách trà, cậu mỉm cười với người đối diện. "Thời cơ đã đến, ta phải tạo thời cơ cho mình thôi."

Đến lượt ông lão hạ mắt nhìn ngón tay cậu chủ cầm tách trà. Một lúc, ông ta chợt cười.

"Nhìn ngươi, ta nghĩ đến kiếm pháp Hoắc gia." Tay ông lão phác vào khoảng không. "Tưởng mềm mại hoa lệ mà lại chết chóc. Hóa ra, các người tự giăng lưới, tự vẽ ảo cảnh, rồi lại nhân lúc sơ hở mà đâm kẻ địch một kiếm tất sát. Bao nhiêu hoa lệ, bấy nhiêu vẽ vời, hóa ra chỉ giấu chừng ấy tàn độc ở trong."

"Không phải là tàn độc." Cậu chủ chớp mắt. Ánh trăng trong mắt cậu chợt thanh lãnh lạ lùng, khiến cậu như trở lại vẻ trong trẻo tuổi thơ. "Gia phụ từng có lúc đùa rằng nó là Phù sinh kiếm. Người chết vì tự mình lầm lạc, sao lại đổ cho kiếm?"

"Tất nhiên không phải vì kiếm. Bọn phương Bắc các người giả dối đến lạnh người." Ông lão nhếch môi cười khẩy, phất tay đứng dậy, rời đi mà không cả cáo từ. Cậu chủ vẫn lịch sự theo tiễn ông ta ra cửa. Chẳng cần mở cửa, ông lão nhảy qua bức tường thấp bao quanh trang viện. Bóng ông ta vừa khuất, ý cười phảng phất trên gương mặt cậu chủ cũng mất theo.

Đứng dưới rặng liễu sau cửa, cậu quay lưng nhìn lại khu vườn dưới ánh trăng mông lung. Sương đọng trên lá sen lấp lánh như bụi bạc. Thái độ của cậu khiến tôi bồn chồn nhảy trên thanh tre, kêu lích chích nho nhỏ. Cậu vỗ vỗ lên lồng tôi như an ủi, chợt mỉm cười.

"Phù sinh kiếm, đến tột cùng mới lĩnh hội được, có hiểu không?" Cậu cười nói với tôi, bóng tối nhảy múa trong mắt cậu, sâu hun hút trong mắt cậu. "Người như ông ta làm sao mà hiểu được."

Tôi cũng không hiểu. Nhưng cậu chỉ ho khẽ rồi xoay người đi về phía chái nhà bên, có lẽ là thư phòng làm việc của cậu. Nơi ấy cậu cắt một thư đồng ở sẵn để gọi người, truyền lệnh bất cứ lúc nào. Đến gần sáng cậu mới về phòng, người thoang thoảng mùi thuốc, có cả mùi than từ lồng ấp cậu cầm trong tay. Đã qua xuân, phòng cậu vẫn phải đốt lò sưởi ấm ban đêm. Khi sắc trời đã chuyển xanh mờ, tôi vẫn còn nghe tiếng ho trong phòng cậu.

Tôi ngẩng nhìn trăng nhợt nhạt trên cao, dường đang tan vào bầu trời rất nhanh chói sáng, bỗng nhiên nhớ tới nụ cười đêm qua của cậu mà không hiểu vì lý do gì.

Đêm qua, tôi càng nhận ra cậu giống như vầng trăng kia, tưởng vẫn ở đó mà mỗi lần nhìn lại cảm thấy xa lạ. Dường như trong tất cả những năm tháng đã qua, tôi không biết cậu, hiện tại lẫn quá khứ, chưa từng.

 

 

Chú thích:

Trích bài Mộc lan hoa của Án Thù. Dịch nghĩa: Cuộc phù sinh này tính có ngàn vạn mối, giấc mộng xuân kéo dài được bao lâu?

Nguyên văn:

Yến hồng quá hậu oanh quy khứ,
Tế toán phù sinh thiên vạn tự.
Trường ư xuân mộng kỷ đa thì?
Tán tự thu vân vô mịch xứ.

Văn cầm giải bội thần tiên lữ,
Vãn đoạn la y lưu bất trú.
Khuyến quân mạc tác độc tỉnh nhân,
Lạn tuý hoa gian ưng hữu sổ.

Bản dịch thơ của Điệp luyến hoa:

Én hồng bay mất oanh rời tổ,
Ngàn mối phù sinh dường dang dở.
Mộng xuân dài có được bao lâu?
Mây thu mãi chẳng thôi tán tụ.

Nghe đàn cởi ngọc thần tiên bỏ,
Kéo đứt áo mơ không thể giữ.
Khuyên chàng chớ tỉnh có một mình,
Bao kẻ trong hoa say khướt đó!



Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.