Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Phương xa – 1 : Niên thiếu
Trường An August 27th, 2015
    1. Kim niên xuân tận, dương hoa tự tuyết

 

Tôi là chim họa mi canh cửa nhà họ Hoắc.

Chim canh cửa, nói nghe thì lạ, nhưng tất cả cũng có căn nguyên của nó.

Tất cả bắt đầu từ một buổi trưa nọ, tôi đang ngủ trong chiếc lồng phủ vải dày, bỗng nghe tiếng nói lao xao bên ngoài. Lớp vải đậy lồng bị lật lên, rồi trước mắt tôi xuất hiện mây hồng.

Mất một lúc để tôi nhận ra rằng đó không phải là mây, chỉ là vạt áo gồm nhiều lớp vải mỏng hồng thắm để nắng lọc qua thành tầng tầng cánh lụa phất phơ, như ráng hồng đầu non hoàng hôn muộn. Hương hoa phả về phía tôi nồng nàn như sương đêm, lại tựa suối trong trôi giữa rừng lan, man mác tưởng chừng cỏ đẫm sương đầu sớm, như hoa lại chẳng phải hoa, tưởng nồng mà lại không nồng, tựa nắng chiếu qua mây đỏ, tựa gió thổi qua rặng hoa. Khoảnh khắc vạt áo đỏ thình lình xuất hiện trước mắt, tôi tưởng như mình đang thấy lại bầu trời rực rỡ nắng tà dương, khoảnh khắc đắm say giữa thinh không vô tận tràn ngập sắc đỏ huy hoàng.

Khi ấy, tôi vừa bị bắt về từ trong núi, vẫn còn ký ức đậm sâu của những năm tháng sải cánh bay giữa bầu trời. Nhìn thấy vạt áo đỏ, tôi đập cánh, hót lên một tràng thanh âm cao vút. Tôi bay lên, bị sợi dây cột trên chân kéo ghì lại, đôi cánh đập phải thành lồng tre, vài sợi lông con rơi lả tả.

"A!" Tiếng con gái loài người thốt lên trên tôi. Tôi không thể phân biệt khuôn mặt của loài người, chỉ biết khuôn mặt của cô bé này không tròn như mặt nhiều cô gái khác, nước da cũng trắng trẻo hơn. Khi cô ghé sát mặt lại lồng của tôi, tôi thấy bóng hình mình phản chiếu trong mắt cô, đôi mắt đen trắng phân minh, long lanh như ánh nước.

Cô bé đợi tôi hót xong, rồi quay sang người thanh niên bên cạnh, cười nói. "Ta lấy con chim này đi vậy."

Ổng chủ của tôi gật đầu, chiếc lồng được đậy lại, rồi tôi bị đem đi. Có lẽ cô bé đã ôm lồng của tôi đi, vì tôi ngửi thấy hương hoa rất rõ, thấm qua lớp vải dày. Thường thì hoa trong thiên nhiên đến lúc có mùi đậm đà như thế này là đã đến lúc mãn khai, trong hương thơm nếu không có mùi ngọt ngào của quả non thì cũng man mác khí phai tàn, thoang thoảng hơi sương đọng mưa tan. Nhưng mùi hương của cô bé này trong trẻo, khiến tôi nghĩ đến tiếng hót lảnh lót vút cao của đồng loại một chiều mưa hoàng hôn ngày xưa nào đó trên đỉnh núi. Tiếng hót ấy cao đến mức tôi không thể hót theo, tưởng như những áng mây xám cũng đang nứt vỡ thành từng lằn nắng chói ngời.

Khi chiếc lồng được lật lên lần nữa, tôi thấy mình đang ở giữa một khu vườn lớn. Cô bé đặt lồng tôi lên bàn đá trong thủy đình giữa hồ nước. Đang vào đầu mùa thu, sen trong hồ đang tàn dần, chỉ còn súng tía vẫn nở hoa. Tôi nhìn quanh, lại bắt gặp một tay áo trắng. Một người đang đặt tay lên thành lồng của tôi, lòng bàn tay trắng nhợt, những ngón tay xương xương, thon dài, nhưng lạnh ngắt. Khí lạnh tỏa ra từ lòng bàn tay chợt khiến tôi rụt cổ, lông dựng lên như đánh hơi thấy diều hâu. Trong bàn tay này, tôi tưởng như thấy mùi thép lạnh, hơi sát khí rõ đến mức át cả hương thông thanh sạch tỏa ra từ trong tay áo, trộn với mùi thảo mộc gay gay.

"Đây là quà của ta?" Tôi nghe tiếng nói của thiếu niên, dù rất bình thản nhưng tưởng như thoáng một nét cười. Thiếu niên mặc áo trắng pha lam nhạt đứng trước mặt tôi đang nhìn cô bé bên cạnh, tôi chỉ thấy nước da cậu ta tái xanh, xanh hơn hẳn da người thường. Khuôn mặt này, cùng bộ áo nhạt màu cậu ta mặc tương phản đến chói mắt với cô bé rực rỡ cạnh bên.

"Quà sinh nhật của ngươi." Cô bé hớn hở cười, cũng đưa tay vỗ lên thành lồng. Thiếu niên đưa mắt nhìn về phía tôi, càng khiến tôi rụt đầu muốn rúc hẳn vào trong cánh. Mắt cậu ta cũng trong, nhưng lạnh, sau ý cười giấu kiếm khí, là loại nước sâu trong veo không thấy đáy, chỉ man mác ánh bạc từ bầu trời. Những thợ săn bắt được tôi cũng mang trên người loại mùi vị, hơi thở đậm mùi sắt máu, nhưng không phải loại khí tức tôi đang cảm thấy hiện tại. Hốt nhiên, tôi tưởng mình đang đứng vắt vẻo trên cành cỏ mọc giữa đồng nước mùa đông. Khí trời thanh sạch, nhưng gió chan đầy hương của vạn vật úa rữa phai tàn, từng cơn từng cơn như kim đâm vào da thịt.

"Ngươi tặng cha ta thì hơn, ta không có hứng thú nuôi vật cảnh." Thiếu niên ngồi xuống ghế, rút tay về, đưa mắt nhìn tôi, lại cười. "Nhất là với loại chim xấu xí như thế này."

"Nó xấu nên ta mới đem tặng ngươi." Cô bé hất cằm. Thiếu niên lạnh nhạt liếc mắt từ tôi sang cô. Cô cười hì hì, ngồi xuống gần thiếu niên, chỉ ngón tay ra cửa. "Ta nghe nó hót rồi, rất to mồm, có thể dùng để giữ cửa được. Vì nó xấu nên ít ai chú ý đến nó, treo ở gần cửa ít sợ bị trộm hơn, cũng ít ai muốn lại chơi với nó. Nếu có việc gì gấp, ta sẽ bỏ thư vào chén thức ăn của nó hay dưới cánh nó."

"Dù gì cũng là quà của ta, ngươi phải đích thân nuôi nó thôi, đúng không?" Cô vỗ vỗ vai thiếu niên. Thiếu niên nhìn tôi, phảng phất nửa cười nửa không. Cái cười của cậu ta khiến tôi dựng đứng đến từng chiếc lông măng.

Vì vậy, tôi trở thành chim canh cửa vườn của nhà họ Hoắc. Lồng của tôi được treo ngay cổng vào vườn, dưới bóng của cây liễu già. Lồng bọn chim khác trong vườn được treo xa hơn, nơi hành lang dẫn vào hậu viện. Chúng tôi được dạy phải đập cánh khi có người tới gần, hót khi nửa đêm tự dưng có người xuất hiện trong vườn. Việc "chăm sóc" tôi của cậu thiếu niên chỉ là ngày hai buổi đổ nước và thức ăn vào chén trong lồng, canh người hầu dọn lồng cho tôi. Có lần, cậu ta buột miệng khi cô hầu đang phun nước lên lông của tôi: "Có cách nào nhuộm lông cho nó không?".

Tôi biết cậu ta thích những thứ đẹp đẽ, ví dụ như viên ngọc đeo bên thắt lưng cậu, khu vườn được chăm chút đến từng gốc cây ngọn cỏ, ngay cả bọn chim trong vườn cũng là những loài màu sắc lạ kỳ, tiếng hót thánh thót như nhạc, hay ví dụ như… cô bé tặng tôi cho cậu ta. Tôi vẫn không rành về tướng mạo con người, nhưng các cô hầu, cả những nam gia nhân, vẫn khen cô bé ấy rất đẹp. Cậu thiếu niên này nhìn cô ấy theo cách cậu ta nhìn ngọc quý, hoa thơm, bầu trời rực rỡ. Ngay cả đôi khi chơi với tôi, ánh trong trẻo lạnh lùng trong mắt cậu cũng lắng xuống, để lại một nét cười thảng hoặc mơ màng. Nhất là sau khi hai người họ cãi nhau, cô bé tức tối nhét vào dưới cánh tôi một mẩu giấy, cậu thiếu niên vừa đọc vừa cười vừa nhăn mày.

Cũng có khi cậu ta buồn. Khi tiễn cô bé về, cậu đứng ở cửa vườn một lúc, nhìn theo bóng cô và người hộ vệ bên cạnh. Tôi chưa bao giờ nhìn rõ mặt người hộ vệ ấy, anh ta cũng chẳng mấy khi lại gần tôi, chỉ cảm thấy khí từ anh ta rất lạnh. Loại khí lạnh rất khác cậu thiếu niên, khiến tôi nghĩ đến dòng nước chảy trong đêm sâu, hơi từ đá núi, gió của vực thẳm. Khi anh ta lại gần, tôi cũng mơ hồ cảm thấy mùi sắt, hơi sát khí trên người anh ta, nhưng rất trầm, rất xa xôi, tựa có tựa không. Phải, ngay cả khí tức của con người trên anh ta, tôi cũng cảm thấy mơ hồ. Qua bấy nhiêu năm, ấn tượng mà anh ta để lại trong tôi như một làn sương, không thể nào xác định, nắm bắt được, không hiểu vì sao.

Khu vườn này vốn rất ít người qua lại. Ngoài vài đoàn khách thi thoảng mới được mời vào vườn uống trà, thưởng ngoạn, ngày thường chỉ có gia nhân trong nhà và cha con cậu thiếu niên vào vườn. Cha cậu thiếu niên thường ngồi trong thủy đình hay đi dạo ngắm hoa, nghe chim hót, cũng có khi ông biến mất một thời gian dài. Những khách quen trong vườn ngoài cô bé áo đỏ và người hộ vệ cô thường đem theo thì có một người đàn ông hay mặc áo xanh thiên thanh. Người này dường như chưa bao giờ để ý đến tôi hay thậm chí là trông thấy tôi. Những người này chưa bao giờ xuất hiện cùng nhau, thậm chí cậu thiếu niên và cha cậu cũng hiếm khi cùng ngồi trong vườn, trừ những dịp tiếp khách. Mỗi ngày, cậu thiếu niên đến gian phòng chính hay thư phòng của cha cậu chừng một buổi, có lẽ vì thế mà họ chẳng cần thêm thời gian gặp nhau. Ngay cả trong những ngày mà con người gọi là "lễ", nhà này cũng chỉ bày tiệc ở sảnh ngoài, vườn và hậu viện vẫn im lìm.

Không khí trong vườn thường tĩnh lặng, chỉ đôi lúc bị khuấy đảo khi cô bé cầm cành cỏ chọc loạn bọn chim dưới hành lang hay cãi nhau với cậu thiếu niên. Có lần cô đe dọa đem theo một con mèo đến phá vườn, cậu ta chỉ nhếch môi "Cứ việc".

"May mà mày là họa mi, vừa xấu vừa nhỏ." Khi bỏ về, cô hậm hực nhìn tôi. "Tao mà tặng bồ câu hay con gì to hơn thì đã vào nồi thành cháo nấu nhân sâm lâu rồi. Huống hồ chi là mèo."

Nếu biết nói, tôi sẽ khuyên cô thả châu chấu. Đã lâu lắm rồi tôi chưa được ăn châu chấu.

Có một thời gian cô bé áo đỏ không đến nữa. Cậu thiếu niên vẫn chăm sóc cho tôi, nhưng không lật cánh của tôi lên để tìm thư. Cậu ngồi trong đình viết chữ, đọc sách. Rồi lồng chim của tôi được chuyển đến trước cửa phòng cậu để cậu không phải đi quá xa. Thời gian ấy, cha cậu về nhà sau một chuyến đi dài, đem về rất nhiều sách, và cả vài người thầy dạy cho cậu. Cậu rất chăm chỉ học tập, có nhiều khuya ngủ gục ở cạnh bàn. Sáng sáng, tôi đánh thức cậu dậy trước khi cha cậu tới dò bài học. Đôi lần, cậu bảo tôi hót cho cậu nghe. Khi tôi hót, cậu nhìn lên bầu trời trên mái đình cao, gió và nắng chứa chan rót xuống khi vàng như mật, khi đỏ rực ráng chiều. Ánh nắng phản chiếu trong mắt cậu thành một mảng trời tĩnh lặng.

Có một ngày, cô bé áo đỏ xuất hiện trên mái nhà, giữa ánh hoàng hôn rực rỡ. Cô tươi cười, vẫy tay với cậu.

"Ra ngoài chơi với ta!" Cô hạ giọng, nói rất nhỏ. Vạt áo dưới cánh tay cô rách một mảnh, bàn tay cô cũng có vết trầy mờ mờ. Má cô đỏ ửng, hai bên tóc mai lấm tấm mồ hôi.

Cậu thiếu niên ngước nhìn lên, màu đỏ soi trong mắt cậu thành bầu trời lộng lẫy. Cậu im lặng một lúc, rồi lắc đầu.

"Ta bận." Khi đứng lên, vai cậu chạm vào thành lồng. Tôi giật mình, kêu lảnh lót. Cô bé trên mái nhà vội rụt đầu lại.

"Con chim ngu ngốc." Cô lầm thầm mắng trước khi biến mất. Cậu thiếu niên lại ngồi xuống, nhìn tôi mỉm cười. Không có sắc đỏ, mắt cậu trông lại có vẻ cô quạnh lạ kỳ. Cậu ngồi quay lưng về phía ánh nắng rực rỡ chiếu xiên. Buổi chiều hôm ấy, bầu trời và nắng trên cao, trên những mái nhà, trên tầng không tít tắp đẹp đến mức tôi bỗng nhiên cảm thấy xót xa. Tôi ngẩng cổ hót thật lâu, thật dài. Nhưng cô bé áo đỏ không quay trở lại.

Rồi sau đó, tôi không còn thấy cậu thiếu niên buồn nữa.

Có những khoảng thời gian cậu đi theo cha ra ngoài, lâu lắm mới trở về. Tôi lại được đưa ra cổng vườn. Cô bé áo đỏ thi thoảng tới chơi với tôi khi cậu thiếu niên đi vắng. Khi trở về, đêm đầu tiên, cậu ta sẽ tới chỗ tôi, lật cánh và tìm trong chén thức ăn mẩu thư nhỏ cô để lại. Bây giờ, khi đọc thư, cậu không còn cười, cũng không nhíu mày. Ánh mắt cậu trong suốt, lạnh băng như thanh kiếm đeo bên hông. Đọc xong thư, cậu sẽ bỏ vào lồng đèn đem theo, đốt cháy ngay lập tức.

Có một ngày đầu thu, cô bé áo đỏ không bỏ thư vào lồng mà cột vào dưới lồng của tôi một trái lựu thơm ngào ngạt. Mùi lựu khiến đàn chim trong vườn lao xao không dứt. Đến chiều, cậu thiếu niên trở về đã đưa mắt nhìn ngay đến phía tôi. Mặt không đổi sắc, cậu tháo quả lựu đem vào nhà. Mấy ngày sau đó, một đêm nọ tôi thấy cậu ta lúi húi đào đào lấp lấp ở góc vườn. Rồi ở đó mọc lên một cây lựu nhỏ.

Có lần cậu thiếu niên đi xa về, đem một chiếc hộp gỗ đến thủy đình. Khi cô bé áo đỏ tới, cậu ta mở hộp, lấy ra một xấp thanh gỗ mỏng được chạm khắc tinh xảo, vẽ màu rực rỡ. Bài Tây dương, cậu bảo, đưa cho cô bé. Ở đằng xa, tôi còn ngửi được mùi gỗ thơm nồng. Sau một hồi chia chia đổi đổi các lá bài, cậu bỏ tất cả vào hộp, đưa cho cô bé. Cô hớn hở nhận lấy, nhìn cậu một lúc, chợt bảo.

"Ngươi dạo này trông khá hơn rồi đấy." Cô gật gật đầu. "Đi ra ngoài nhiều hơn chắc thấy vui lắm phải không?"

"Rất thú vị." Thiếu niên nhã nhặn mỉm cười, rót trà ra hai chiếc tách trên bàn. Cô bé ngước nhìn lên bầu trời, nhịp lá bài gỗ thơm trên môi.

"Ngươi biết tại sao xứ sở này nhiều hương liệu như thế không?" Bỗng nhiên, cô nói. "Những loài thực vật có hương, có hoa rất chịu nắng, càng nắng càng thơm, phải có nắng mới sinh trưởng, tỏa hương được."

Cậu thiếu niên im lặng nhìn xuống trà trong tách, không trả lời. Dưới thủy đình, cá đớp từng đợt sóng nước dưới sen. Mặt nước phản chiếu bầu trời trên tầng tầng lá xanh. Tôi đột nhiên tự hỏi, cậu ta thấy gì khi nhìn mặt nước trà trong tách?

Hẳn vì sống lâu cạnh con người, tôi cũng quan tâm đến họ, ảnh hưởng từ họ.

Chẳng biết từ lúc nào, cô bé đã trở thành thiếu nữ, cậu thiếu niên thành thanh niên. Ngày cậu ta làm lễ đội mũ, cô bé áo đỏ - hẳn là thói quen gọi của tôi rồi – cũng thắt một chiếc nơ đỏ lên lồng của tôi. Tối hôm ấy là lần đầu tiên từ khi tôi đến đây, cha con cậu chủ - giờ thì tôi quen nghĩ cậu ấy là như thế - cùng ngồi trong thủy đình với thiếu nữ áo đỏ. Cô ngồi bên cậu chủ, chắp tay chào cha cậu, vui vẻ uống vài tuần trà, ăn vài miếng bánh rồi ra về sớm. Hôm ấy gần rằm, trăng tròn soi trên khu vườn sáng đèn lồng đỏ. Đèn lồng kết thành từng dây, lung linh chói sáng trên mặt hồ.

"Đêm nay cha có bận việc gì không?" Tiễn thiếu nữ về, cậu chủ cười hỏi. Cha cậu lắc đầu.

"Thấy thiếp tới, ta cứ nghĩ có việc trọng đại." Ông thở ra, bất chợt nhìn sang cậu chủ, ánh mắt đầy ẩn ý. "Tiểu thư đã quen con lâu như vậy, sao hôm nay còn cần phải dùng chính danh gửi thiếp đến thăm, bảo ta tiếp đãi?"

"Ai biết cô ấy muốn bày trò gì." Cậu chủ vẫn chỉ cười. "Có khi công tử bên ấy vừa phải về nhà, cô ấy vừa buồn chán vừa tò mò muốn xem thái độ của cha ra sao nên chạy lại. Vừa hay có lễ đội mũ của con là dịp thuận tiện để gửi thiếp đến mừng. Bên ấy thiếu người, nghe đâu công tử định nhờ cô ấy coi tạm việc một thời gian."

"Bên ấy chưa bao giờ khua chiêng gióng trống có quan hệ mật thiết với bên này, sao cần phải thế?" Cha cậu chủ vẫn cau mày. "Vừa rồi tiểu thư cũng chỉ nói mấy lời chúc tụng vơ vẩn, trông có vẻ như… chỉ đến để về sớm."

"Ý muốn của cô ấy xoay như chong chóng, có khi đến chiều nay lại phát hiện ra chỗ chơi mới nên chạy về đấy thôi." Cậu chủ nhún vai, nụ cười vẫn không tươi không buồn, trong sáng tĩnh lặng như mặt hồ dưới trăng.

"Giao việc cho một cô bé như thế, thật chẳng khiến người ta an tâm." Cha cậu chủ lắc đầu thở dài, rồi lại nhìn cậu. "Con xem có gì hỗ trợ được thì giúp đỡ cho cô ấy."

"Vâng." Cậu chủ đáp nhỏ, nâng ấm rót thêm trà cho cha. Không hiểu sao, có lẽ vì ánh trăng phản chiếu từ mặt hồ, tôi thấy ánh mắt ông vẫn có vẻ kỳ lạ.

Ông gọi người lấy rượu thay trà, bày thêm vài món ăn nhẹ cho cả hai cha con. Uống được vài tuần, ông nhìn cậu chủ, cân nhắc nói.

"Tiểu thư có vẻ rất thân thiết với con." Lời ông chưa nói hết, cậu chủ đã bật cười khẽ.

"Nhờ cha đi khắp nơi, sưu tập nhiều món quý lạ nên cô ấy sang đây nghiêng ngó đấy thôi." Ngừng một lát, cậu lại nói thêm. "Cô ấy tính tình rộng rãi, quen thân nhiều, hẳn cũng theo ý của công tử nhà bên ấy mà kết thân với chúng ta, hai bên cần phải có qua có lại. Người ở nơi ấy tính cách bẩm sinh đã phức tạp, cha đừng nên xem vẻ bề ngoài."

"Còn con?" Nụ cười trên môi cha cậu chủ có đôi phần rất giống cậu. Ly rượu trên tay cậu bất động giữa khoảng không một khoảnh khắc ngắn rồi được đặt xuống bàn.

"Chúng ta và người nơi ấy vốn là hai thế giới, cha từng nói trước kia, lẽ nào con không hiểu?" Nụ cười trên môi cậu chủ vẫn thanh thanh lành lạnh, như ánh mắt cậu. "Việc vốn không có kết quả, sao lại phải bắt đầu?"

Cha cậu gật gật đầu, uống cạn rượu trong ly. Thở một hơi thật dài, ông lại lắc đầu thật nhẹ.

"Nghĩ lại, hình như con chỉ có nó là bạn." Ông chợt thay đổi cách gọi, khiến tôi không biết ông đang nói đến ai. Ông vươn tay, vỗ vỗ vai cậu chủ. "Trước đây sức khỏe con không tốt, không thể ra ngoài, cha lại thường xuyên bận việc vắng nhà. Cha sẽ cố lo cho sức khỏe con ổn định, con lớn rồi, đỡ đần việc cho cha, chúng ta sẽ có thời gian ngồi uống rượu như thế này nhiều hơn."

"… Vâng." Cậu chủ như có điều muốn nói, rồi lại chỉ mỉm cười.

Đêm ấy, hai cha con họ uống rượu tới khuya, đến khi phần lớn đèn trong vườn đã tắt. Khi cha cậu chủ đã về phòng, cậu chủ bảo gia nhân thu dọn thủy đình rồi mới đi nghỉ. Ngang qua hành lang, không hiểu nghĩ gì, cậu đi về phía tôi, vỗ nhẹ lên thành lồng, mỉm cười.

"Cám ơn." Hẳn cậu không nói với tôi, ánh mắt cậu rơi vào đâu đó đằng sau tôi.

Hẳn là cậu chủ say đấy thôi.

Ngửi thấy mùi rượu, không hiểu sao tôi cũng cảm thấy hân hoan. Tôi ngửa cổ hót một bài ca ngắn, khiến vài gia nhân hốt hoảng chạy ra tưởng có người đột nhập vào vườn.

Nhưng đó là đêm cuối cùng cha con cậu chủ ngồi cùng nhau trong vườn. Mùa thu năm sau, cha cậu chủ đi mãi không về.

Ngày hôm ấy, thiếu nữ áo đỏ gỡ lồng tôi đem vào nhà trong, treo trước phòng cậu chủ. Trước khi vào, cô nhìn quanh, thì thầm bảo tôi: "Nếu có ai đến gần nhớ hót thật to."

Khu hậu viện này chỉ có cha con cậu chủ sinh sống, người hầu phải cho gọi mới được phép bước vào, bốn phía lặng yên như tờ khiến tôi nghe rõ ràng câu chuyện trong phòng, dù cả hai đã cố nói thật nhỏ.

"Đã phát hiện. Ở khoảng đất mộ sau thành." Thiếu nữ ngập ngừng. "Theo lão Tứ, đã qua đời năm ngày rồi. Cô nương trong viện khai là thượng mã phong, nghiệm lại quả đúng như thế, không có dấu hiệu đầu độc."

Trong phòng yên lặng thật lâu. Tôi có thể nghe tiếng đồng hồ nước rơi từng giọt, từng giọt trong thời gian rất dài, trước khi thiếu nữ lại lên tiếng.

"Ngươi định thế nào?" Trong giọng cô có sự dồn nén mà tôi chưa từng cảm thấy trước đây. Dường như cô cũng đang… sợ hãi.

"Phát tang lúc này, tất cả sẽ hỏng hết." Lại một khoảng thời gian dài trước khi cậu chủ cất lời. Giọng cậu khô khan, nghe như cát vỡ. "Nếu không phải do Trần Long, sẽ chẳng có lý do gì khiến ông ta không hoàn thành được âm mưu bấy lâu. Dù có cố chống lại, ta cũng sẽ tổn thương nghiêm trọng, tạo thuận lợi cho kẻ bên ngoài nhảy vào."

"Không có lý do thì ta sẽ tạo thành lý do." Tôi nghe cậu chủ nuốt khan trước khi tiếp tục nói. "Không thể ép tội ông ta được cũng có thể khiến ông ta tự gây nên tội."

"Ngươi muốn…" Thiếu nữ nói khẽ, bỏ lửng giữa chừng.

"Có thể khiến xác bị nghiệm sai ngày được không?" Giọng cậu chủ rất cứng rắn. Cứng rắn đến mức tôi cảm thấy như sắp gãy.

"Lão Tứ nói có thể ướp. Nhưng dung dịch ướp cần thời gian để ngấm vào thi thể, trong thời gian ngắn như thế này khó có thể áp dụng cho một thân xác… toàn vẹn." Những lời cuối của thiếu nữ có chút ngập ngừng. Tiếng đồng hồ nước lại đều đặn rơi cho đến khi tôi nghe tiếng thở thật dài trong phòng.

"Làm đi." Tiếng cậu chủ trĩu nặng. "Các người biết làm cách nào tốt nhất thì làm đi."

"Việc ở đây ta có thể lo." Chỉ trong một thoáng, giọng cậu chủ đã có vẻ bình tĩnh lại. "Ngươi cũng đừng ở đây quá lâu."

"Được, ta đi. Dùng cách cũ liên lạc." Thiếu nữ nói, đứng lên mở cửa ra khỏi phòng. Đã khép cửa, cô ngẩn người ngẫm nghĩ một lát rồi lại mở cửa, đứng bên ngoài nói vọng vào.

"Thật ra, việc này gấp gáp, không thể để lâu, nên trước khi đến hỏi ngươi, chúng ta đã làm rồi." Cô mím môi, gật đầu. "Dù ngươi có quyết định ra sao cũng thế."

"… Ừ." Cậu chủ như có vẻ muốn nói, rồi lại chỉ có thể thốt ra một tiếng.

Thiếu nữ lại ôm tôi ra cổng vườn. Thoắt một cái, khuôn mặt cô lại có vẻ tươi vui như thường ngày. Cô vui vẻ chào những gia nhân, quản gia bên ngoài trước khi rời khỏi.

Sau buổi trưa, cậu chủ xuất hiện trong vườn, vẫn đọc sách, viết chữ, luyện kiếm, ngồi thưởng trà như trước. Buổi sáng mỗi ngày, cậu vẫn đến thư phòng ở hậu viện. Mỗi bữa cậu đưa cơm vào phòng cho hai cha con. Đến tối, cậu ra lấy mấy mẩu giấy nhỏ mà thiếu nữ hoặc người của cô gài ở chỗ tôi. Nhìn ở khoảng cách gần thế này, ngoại trừ quầng mắt hơi đậm hơn, cậu trông vẫn bình tĩnh lạnh nhạt, chẳng có gì khác biệt.

Năm ngày sau, cậu đột nhiên báo với mọi người trong nhà rằng cha cậu đã mất tích. Sau ba ngày tìm kiếm, họ mới phát hiện ra xác ông.

Khi tin báo tìm được xác cùng xác chết được đưa về, cậu chủ đang ở trong vườn. Vẻ thảng thốt đến choáng ngợp trên khuôn mặt cậu nhanh chóng được thay bằng nỗi đau khó tả. Khi những túi xác được đưa vào vườn, cậu bật khóc.

Những ngày ấy, trang viện chộn rộn, đông đúc người qua lại hỗn tạp. Ngay cả khu vườn cũng xao xác tiếng người. Nghe tin bang chủ mất tích, hầu như người cả thành tập hợp lại. Tiếng khóc của cậu chủ chìm trong biển âm thanh lao xao hỗn loạn. Tay cậu run rẩy khi chạm đến những túi xác, mắt cậu thảng thốt đau thương khi mở từng túi xác để nhận diện. Nhiều người xung quanh cũng đến xem, xác nhận đúng là bang chủ của họ. Càng lúc càng ồn ào, càng lúc càng nhiều người đổ tới. Không khí đặc quánh, quay cuồng. Tôi nép vào thành lồng, như bị đè ngạt bởi làn hơi người nồng mùi máu, mùi đao kiếm và sát khí.

Mở đến túi xác cuối cùng, cậu chủ ngất đi. Mọi người vội đỡ cậu vào trong. Ở ngoài, những người đàn ông có vai vế bắt đầu phân công việc, người lo đám tang, người gọi quan khám nghiệm, người lo tiếp khách, người nghiến răng thề quyết báo thù. Có những ánh mắt ngấm ngầm trao đổi, có những lo lắng hiện ra ngoài mặt. Có người nhắc đến cậu chủ, rồi lại lắc đầu, bảo để yên cho cậu nghỉ ngơi.

Dưới sự sắp xếp của các thuộc hạ cha cậu và quản gia, tang lễ được tổ chức. Xác cha cậu được đưa vào quan tài, cờ phướn được dựng, sư thầy được gọi đến tụng kinh. Nghe nói, họ cũng đã sắp xếp dựng được lều trạm trên đường đưa quan để có một đám tang xứng đáng.

Trong đám đông ấy, cậu chủ im lìm. Thay tang phục, quấn khăn trắng, cậu im lặng quỳ trước linh cữu. Xác không tiện để lâu, họ đưa tang ngay hôm sau. Tưởng như có một cơn lũ màu trắng quét qua trang viện này trong một ngày, rồi biến mất trong tiếng thanh la, kèn trống đinh tai nhức óc.

Đám đông ùa tới cũng nhanh chóng rút đi sau khi tang lễ kết thúc. Khi cậu chủ đang đứng ở cửa tiễn người đến dự tang, một bóng người bỗng lại gần, buộc vào lồng của tôi một cái túi. Vì lồng đã được phủ vải, tôi không biết đó là ai, cũng không ai để ý đến cái túi vải lủng lẳng bên cạnh lồng. Đến chiều tối, cậu chủ mới gọi người đóng cửa trang viện, vào nhà trong, gỡ cái túi trên lồng tôi. Đóng cửa vườn, cậu ngồi trong thủy đình, mở túi lấy ra một bầu rượu nhỏ.

Tôi nhìn lên trời. Theo ánh trăng, đêm nay có lẽ là sinh nhật cậu.

Khu vườn không còn treo đèn lồng, cũng chẳng thơm mùi hoa, mùi bánh. Những dải vải trắng giăng mắc, không khí nồng hương nhang đèn, mùi giấy cháy. Lùm cúc ngả nghiêng, hoa đã bị cắt hết để dâng bàn thờ. Lá vàng không được ai quét dọn vương vãi trên nền đất. Sen trong hồ vàng vọt úa tàn. Ngay cả cây lựu góc sân cũng bị vin cành bẻ trái tả tơi. Dưới ánh trăng quạnh quẽ, khung cảnh này càng thêm thê lương gấp bội.

Cậu chủ đưa mắt nhìn vào hậu viện tối đen. Gia nhân trong nhà bận rộn, tối nay có lẽ đã quên thắp đèn phòng trong.

Cậu thừ người, ngẩn ngơ nhìn. Tôi không biết cậu đang nhìn gì cho đến khi nghĩ ra, gian nhà này chỉ còn một mình cậu. Mấy nay, cậu vẫn giữ nhịp sinh hoạt bình thường, thậm chí đèn trong phòng cha cậu vẫn tắt mở theo giờ thường, khiến tôi không nhớ ra cha cậu đã đi vắng.

Cha cậu đi rồi, sẽ không trở lại nữa.

Cậu lấy hai chiếc ly có sẵn trên bàn, rót rượu ra ly. Một ly để trước mặt cậu, một ly để trước vị trí cha cậu ngồi tối hôm ấy. Cậu uống cạn từng ly, ly kia rót xuống đất, cho đến khi cạn bình rượu.

Do cậu ngồi xoay lưng về phía ánh đèn, chỉ trong khoảnh khắc ánh trăng từ mặt nước lấp lóa hắt sáng lên nửa khuôn mặt cậu, tôi mới nhận ra má cậu ướt.

Cậu vừa uống vừa khóc, trong bóng tối im lìm.

 

 

 

Chú thích:

    Trích Thiếu niên du của Tô Thức. Dịch nghĩa: Năm nay xuân hết, hoa dương bay tựa tuyết.


Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.