Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

09- Về những người đi học
Trường An in "Description Tonkin" June 1st, 2014

Về những người đi học ở Bắc Hà

Người Bắc Hà có sự nghiêng lệch rõ ràng về việc học hành, vì đó là cách duy nhất để có được địa vị và gia tăng đẳng cấp, điều này khuyến khích họ chuyên tâm học hành siêng năng cần cù, đem tới thành công tốt đẹp hoặc thất vọng - cũng như ở các quốc gia khác - tùy theo tài năng khác nhau của họ, và cũng như nếu họ được phú cho sự nhanh nhạy, ý chí, và đặc biệt hơn là họ được trang bị một trí nhớ tốt hoặc tệ - điều này là yêu cầu chính yếu nhất để làm chủ được loại học hành đang phổ biến ở quốc gia này, thứ là tổng hợp của hầu hết các chữ tượng hình, nơi mà họ có nhiều chữ tương đương với sự vật, yêu cầu nhớ dai cực kỳ. Vì thế, có vài nho sinh phù hợp để cấp bằng sau 12 hay 15 năm học tập, những người khác là 25 hay 30 năm, và nhiều người thì cả đời cũng không.

Họ có thể, chừng nào mà họ cảm thấy mình có thể hoặc có khả năng, thì đi thi, mà không có nghĩa vụ phải học tập lâu hơn hoặc có giới hạn số năm học. Cũng như họ không có các trường học công, nhưng mọi người chọn một thầy giáo mà ông ta thích cho con mình, bằng lựa chọn của chính mình.

Sự học của họ không chỉ bao gồm học ngôn ngữ - như người châu Âu chúng ta - họ cũng chẳng biết tới triết học của chúng ta, nhưng họ có một Khổng Phu Tử - một người TQ (hay mọi người gọi là Khổng Tử), người sáng tạo ra nghệ thuật và khoa học của họ, cũng giống như với người TQ. Ông ấy chỉ biên soạn có một cuốn sách, nhưng còn san định lại 4 cuốn sách khác từ những triết gia TQ cổ đại, chứa đựng những châm ngôn đạo đức và chính trị, những nghi lễ và cúng tế của họ... Hơn nữa, những môn đệ của ông ấy đã từ sách của thầy mà chiết lọc ra những lề luật, câu cú, vân vân tương tự khác nhau, phù hợp cho đất nước nói chung và mọi người nói riêng, tất cả được sưu tầm vào 1 bộ, chia làm 4 phần, gọi là Tứ Thư, cùng với 5 cuốn đã nói trước thành 9 quyển. Và chúng là những cuốn sách cổ nhất, cùng với danh tiếng đó, sẽ chẳng chấp nhận bất cứ một sự trái ngược nào, và là nền tảng của sự học hành - Không chỉ ở TQ và quốc gia này, mà cũng ở Nhật Bản, có thể có vài khác biệt nhỏ.

Nhũng cuốn sách này bao hàm hầu như là phần lớn nhất trong hệ thống chữ tượng hình của họ, có số lượng nhiều đến mức không ai có thể dễ dàng xác định, nhưng phỏng đoán là khoảng 90.000 hay 100.000, bởi vì sự học của họ có cả sắp xếp và kết hợp chúng để giảm số này xuống, cũng như không cần thiết phải biết quá nhiều - chỉ có số ít người có khả năng này - chừng 12.000 hay 14.000 là đủ cho viết lách thường lệ.

Bọn họ hoàn toàn mặc kệ triết học tự nhiên, và cũng chẳng có tài năng hơn ở toán học và thiên văn học. Thơ ca của họ thì tôi không hiểu, âm nhạc của họ thì tôi chẳng thấy thú vị hay hài hòa - và tôi chẳng thể nào ngoài việc tự hỏi, bằng năng lực nào mà ngài Taverniere khám phá ra được rằng họ là những người tuyệt vời nhất châu lục trong nghệ thuật này?

Nói lộn xộn một hai từ chung chung về chuyện học hành của họ, tôi trở lại với những nho sinh: Họ phải, để giành được công việc và địa vị (Tôi không nói là bậc quý tộc vì theo phong tục ở đây, tất cả sự vinh danh sẽ chết cùng với con người, và không truyền lại cho hậu nhân của ông ta), trải qua 3 cấp độ: Thứ nhất là Sinh đồ, tương tự với Batchelors ở châu Âu; thứ hai là Hưng cống, gần giống như Licentiate chúng ta; thứ ba là Tiến sĩ, bằng với cấp bậc Doctor.

Trong những Tiến sĩ, họ chọn lấy người có khả năng nhất và đưa anh ta làm Trạng nguyên, tương tự như nói rằng ông ta là chủ tịch hay một giáo sư về học hành.

Và tất nhiên, việc chọn lựa các nho sinh này được quản lý với luật lệ và sự công bằng đáng tuyên dương nhất mà tôi biết giữa bọn họ - trong khi tất cả các mặt khác của họ đều bị thống trị bởi tham nhũng, thiên vị, hoặc cảm tính cá nhân. Trong việc phân bố các cấp bậc này, họ chỉ tôn trọng mỗi tài năng cá nhân, không ai có thể đạt được sự vinh danh nào nếu không xứng đáng, bởi những kỳ thi nghiêm khắc và chính xác nhất.

Thủ tục và cách thức đề bạt Sinh đồ như thế này: Một lần trong 3 năm tùy theo vua và chúa sẽ tuyển chọn 2 hay 3 Tiến sĩ cùng với vài Văn quan hay quan tòa trị an có cấp bậc Hưng cống làm người chấm thi của học viện tỉnh thành nơi cuộc thi được tổ chức (họ tổ chức lần lượt từ nơi này đến nơi khác), phải sửa sang ngay lập tức để thực hiện nhiệm vụ được giao. Sự cẩn trọng lớn được thực hiện, không ai nói chuyện với người đi thi trên đường hay nhận của đút từ họ. Khi đến, họ vào chỗ của mình trong những ngôi nhà được dựng từ tranh tre, được bao quanh bởi một bức tường từ vật liệu tương tự, để lại một khoảng trống trải ở giữa để dựng một nhà hát. Những Tiến sĩ được xếp tách khỏi các Văn quan và tất cả còn lại trong những tòa nhà riêng biệt, và không được nói chuyện với nhau trong thời gian thực hiện nhiệm vụ. Những bảo vệ nghiêm khắc canh ở những cánh cửa, người đến hoặc đi đều phải bị lục soát xem có giấy hay chữ viết... Nếu có ai bị phát hiện vi phạm, ông ta sẽ bị trừng phạt tàn nhẫn và mất chức.

Trong buổi sáng của ngày đã định trước, để mở đầu kỳ thi đã nói, tất cả những học sinh tập trung về khu vực này, nơi một quan chức sẽ đưa cho họ xem 5 câu ngắn, được viết bằng chữ hoa mà mọi người dù đông đúc thế nào cũng có thể chép lại. Khi đã xong, họ bị khám xét xem có giấy hay chữ viết trong người, và được xếp trên khoảng đất trống đã nói trước, cách nhau một khoảng đủ và đều, với những người giám thí mà không ai đến nói chuyện với họ.

Ở đó, họ ngồi để viết bài thi, phải xong trước chiều tối, và những câu trả lời phải hơn 24 mặt giấy. Và như mọi người được chỉ, anh ta đóng quyển, trên một mảnh giấy đặc biệt, ghi tên mình, tên cha mẹ và làng - mà những Tiến sĩ sẽ tước ra, đánh dấu quyển thi và mảnh giấy bằng một con số giống nhau, được đặt chia ra tùy theo tỉnh thành và làng.

Thu xong tất cả các quyển, những Tiến sĩ sẽ đem chúng cho Văn quan (tên của người viết quyển được viên quan khác coi giữ) để chấm. Những người này sẽ ném đi các quyển viết tệ, và gửi những quyển tốt cho các Tiến sĩ lần nữa. Họ, dựa trên cái nhìn nghiêm khắc, bỏ ra ngoài còn nhiều hơn nữa, để mà đôi lúc trong 4 hay 5000 quyển dự thi, chỉ có 1000 quyển qua được vòng đầu tiên, vòng thứ hai có thể chỉ còn 500, và đến tầng cuối cùng chỉ còn 300 được chọn làm cử nhân. Với những người đã thể hiện tốt ở vòng thi đầu, tên của họ được xướng nơi công cộng sau 8 hay 10 ngày, để chuẩn bị cho vòng thi thứ hai. Và những người có tên đã bị ném đi thì không cần phải ở lại vì họ không còn được chấp nhận trong phần thi ấy. Cùng một phương cách ấy, họ tiếp tục vòng thi thứ hai và thứ ba, ngoại trừ nhiệm vụ của họ trong vòng thi thứ 2 chỉ là 3 câu hỏi, và trả lời 12 mặt giấy, vòng cuối có 2 câu, trả lời 8 mặt, nhưng khó hơn vòng trước. Những người đậu các vòng thi được công nhận là cử nhân và tên của anh ta được xếp chung với những người cùng cấp trong quyển sách của vùng, và từ đó họ chỉ phải trả một nửa số thuế mà họ phải trả trước đó, và có thêm một vài miễn trừ nhỏ nhặt.

Bây giờ thì xem cách họ tuyển chọn Hưng cống. Những người này được chọn trong các Sinh đồ, nhiều ít tùy theo ý muốn của nhà vua. Họ được chấm bởi những viên quan cũng giống trước, trên khoảng đất đã nói nơi thi Sinh đồ. Nếu họ vượt qua được một tầng nữa là 4 bậc, bao gồm cả 3 kỳ thi Sinh đồ, họ sẽ trở thành Hưng cống. Thủ tục trong quá trình này về kiểu cách giống như trước, chỉ có thí sinh và giám khảo bị coi chừng ngặt nghèo hơn, và họ không được nhìn hay nói với bất cứ thí sinh nào, họ bị chia ra với một khoảng cách đủ xa khi viết bài thi... Và trong thời gian đó, tất cả Hưng cống vừa đậu trước phải rời đi khỏi thành thị có ngôi trường tổ chức thi, để chuẩn bị tới kinh đô, ngụ ở đó đến cuối kỳ; rất nhiều gián điệp được lệnh giám sát họ, và họ tăng lên từng ngày. Sự coi sóc tương tự về các Hưng cống cũng được nhắc nhở cho các lãnh đạo tỉnh thành khác, trong suốt nghi lễ này, để phòng ngừa các hành vi dối trá gian lận.

Các giám khảo đề xuất 3 câu từ những cuốn sách của ông hoàng của các triết gia của họ, và 4 từ sách các học trò của ông ấy, lý lẽ từ rất nhiều bài diễn thuyết, mà các thí sinh phải trả lời bằng rất nhiều bài luận theo một kiểu cách thanh nhã và trang trọng, tô điểm thêm bằng thuật hùng biện của họ, càng súc tích càng tốt.

Các giám khảo sau đó sẽ bỏ qua bài dở, lấy những bài tốt, đưa tới cho các Tiến sĩ - hoặc giám khảo chính - và họ sẽ chọn những người được đồng tình lấy đỗ, trưng tên của họ một cách nghi thức. Những đặc quyền và sự miễn trừ của Hưng cống hơn xa so với Sinh đồ; hơn nữa, họ có vinh dự được gặp nhà vua, người sẽ ban cho họ 1000 đồng tiền nhỏ, tương đương giá trị 1 dollar, và một áo choàng vải trúc bâu màu đen, giá trị khoảng hơn 3 dollar.

Vòng cuối hay vòng thứ ba, gọi là Tiến sĩ, tương tự với Doctor của chúng ta, được tổ chức 1 lần trong 4 năm, ở kinh đô hoặc triều đình của vương quốc, trong một cung điện đặc biệt có cửa cẩm thạch, trước đây là nơi tốt nhất của đất nước, nhưng bây giờ, qua năm tháng, đã đổ nát rất nhiều. Chỉ những người tinh hoa nhất và nhiều kiến thức nhất trong những Hưng cống được cho phép thi kỳ này, trong rất nhiều thí sinh chỉ có vài người thành công. Các giám khảo chính là nhà vua, các hoàng tử, và những Tiến sĩ xuất sắc nhất của vương quốc, cùng với những quan đại thần khác. Cuộc thi này về các mặt giống với các vòng trước, ngoại trừ những câu hỏi được đề ra đều đặc biệt hơn cả về số lượng nhiều hơn, phức tạp, sâu sắc hơn, là những phần khó nhất trong đạo lý, chính trị, luật pháp xã hội của họ, và là thứ gì đó thơ ca cùng biện luận, mà bọn họ phải giải nghĩa và giải quyết trong bài viết, trong 4 lần, suốt khoảng thời gian 20 ngày, và người thực hiện được sẽ trở thành Tiến sĩ. Đây không phải là việc dễ dàng, khi cân nhắc tới gánh nặng đặt lên trí nhớ để mà nhớ được tất cả chữ nghĩa trong 4 cuốn sách của bộ 9 cuốn Nho học - mà họ cần phải thuộc từng từ một vào tâm khảm, để làm hết nhiệm vụ ở đây.

Họ viết bài luận và suy tư của mình bằng những câu ngắn, trong những cái lồng được làm bằng tre và phủ vải trúc bâu cho riêng mục đích này, nơi mà họ ngồi từ sáng tới tối, không có thứ gì bên người ngoại trừ viết, mực và giấy trắng, và giám sát họ kỹ lưỡng có 2 Tiến sĩ ngồi ở khoảng cách đủ xa, dưới những cái lọng. Như thế, họ thi 4 lần khác nhau, trước khi trở thành Tiến sĩ. Nhà vua và vị chúa vinh danh nghi lễ này bằng sự hiện diện của họ trong 2 ngày đầu quan trọng nhất, sau đó để lại cuộc thi cho các quan. Những người thi đậu được chúc mừng bởi những người bạn, khen ngợi bởi những người xem, và được vinh danh bởi những Tiến sĩ đồng liêu, với rất nhiều biểu hiện khuyến khích. Nhà vua ban tặng cho mỗi người bọn họ một thanh bạc giá trị khoảng 14 dollar, một xấp vải lụa, ngoài thu nhập của thôn làng cho họ làm bổng lộc, mà ít nhiều tùy theo sự quý mến hay công lao mà đôi lúc họ sẽ được tổ chức hội mừng ở trong làng của mình. Trong những người này sẽ chọn ra vài quan tòa chính của vương quốc, và họ được cử làm sứ thần tới TQ, họ được phép mang giày và mũ TQ cùng với áo mặc thường lệ.

Những Hưng cống bị loại, nếu như muốn có thể tiếp tục học và thử vận may lần nữa. Nếu không, họ có thể nhậm chức quan nào đó ở quê như quan trị an hay đứng đầu một làng...

Những Sinh đồ cũng có cùng quyền lợi, và những người không muốn tiếp tục chương trình học có thể tìm lấy những công việc tương tự nếu như họ có tiền, làm việc cho lãnh đạo của các tỉnh thành hay tòa án với vai trò sư gia, quản gia, thư lại, cố vấn pháp luật cho những viên quan, và trong tất cả việc này một cái lưỡi dẻo không cần thiết bằng cây viết tốt.

Pháo hoa mà ông Taverniere nói rằng người ở đây tạo ra rất thành thạo, tôi chưa từng thấy bao giờ trong thời gian tôi trú ngụ thường xuyên vùng này, cũng chẳng có loại gì tương tự, ngoại trừ pháo ném hay giống thế. Và với những máy móc để thay đổi khung cảnh trong những vở kịch của họ, có thể họ tìm kiếm đã lâu nhưng chưa bao giờ thấy, dù ông thấy chúng.

Về thiên văn, địa lý hay các môn khoa học toán học khác, họ có rất ít tài năng, nhưng họ hiểu tốt số học. Đạo lý của họ được bày tỏ một cách mơ hồ, không được phân loại có hệ thống, cũng giống như logic của họ.



Ghi chú:

Theo những ghi chép này, quá trình thi cử của nhà Lê khác với nhà Nguyễn khác nhiều. Quá trình thi này lại khá giống những gì được mô tả trong cuốn "Vụ bê bối ở Sung Kyun Kwan" của Hàn Quốc.

Trong sử cũng nói qua về phân chia Thượng trai và Hạ trai trong nho sinh thời Trần. Có vẻ đây là hình thức thi cử của Tống Nho.




3 Responses
PInky

Bạn Ast iu quý, tháng 6 về rồi, chúc Ast sinh nhật vui vẻ, thêm tuổi mới sẽ ngày càng trẻ trung và duyên dáng nha. :vui:
Mình thích mấy bài dịch này lắm, rất hay và bổ ích. Cảm ơn bạn Ast nhìu :rose: .

Trường An

Chúc bạn Pinky sinh nhật vui vẻ luôn nhoaaaa *gửi nắng SG qua Mỹ* Năm mới tuổi mới xanh tươi như mùa hạ.

PInky

Cám ơn Ast nhiều. Giữa cái nắng chói chang mùa hạ của SG và thành phố tớ ở bây giờ, 1 màu xanh biếc thật quý lắm thay.

Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.