Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Journal from India to Cochinchina III – 03
Trường An in "Journal Cochinchina" May 3rd, 2014

Đàn ông VN kết hôn sớm chừng nào họ có thể đủ sức mua được một cô vợ, đó là vì tục lệ hôn nhân. Tiền được trả cho cha mẹ cô dâu, trong những kẻ bần khổ thì thấp chừng 10 đến 20 quan. Tuy nhiên, 40 hay 50 quan là cái giá thường xuyên hơn, nó lên tới 100 hay 200 giữa những kẻ có địa vị cao hơn. Đàn ông ở tầng lớp thấp hiếm khi cưới vợ trước 20 tuổi, và thường hoãn tới chừng 30. Người giàu thường cưới sớm chừng 15 tuổi. Tuổi kết hôn của phụ nữ tầng lớp thấp là chừng 17 tới 20. Tuổi này, theo như đã thấy, là muộn hơn so với tất cả các quốc gia châu Á khác, và cho thấy rằng, ở VN, sự cẩn trọng hay ít nhất là sự cần thiết, đã có ảnh hưởng tới kiểm soát gia tăng dân số. Chế độ đa thê đương nhiên được chấp nhận với tất cả mức độ, vì ở VN kết hôn là trạng thái có lợi cho đàn ông, còn vợ hay các vợ chẳng có gì hơn là vật sở hữu của người chồng. Người được cưới đầu tiên thường ở tầng lớp ngang bằng hoặc cao hơn, được coi như là vợ thật sự. Và những người tiếp theo, về phương diện cá nhân hay địa vị trong nhà, cũng không hơn mấy so với người hầu của cô ta. Một phụ nữ trẻ không thể bị cha mẹ gả bán nếu cô ta không gật đầu. Hôn nhân là không thể chia cắt ngoại trừ được sự thỏa thuận đồng ý của cả hai bên. Trước khi kết hôn, phụ nữ trẻ VN được cho phép tự do hoàn toàn, hay đúng hơn là phóng túng. Một sự vi phạm về luật trinh trắng, đối với bọn họ, chẳng hề là phạm tội, cũng như được bảo chẳng phải là chướng ngại cho liên kết hôn nhân. Khi một người phụ nữ chưa kết hôn bị phát hiện có thai, người tình được yêu cầu tự giới thiệu mình và cưới cô ta về với giá thấp hơn giá thường. Khi cái thai của cô gái tỏ ra là một vấn đề phiền phức, một cuộc phá thai với những kẻ kinh tởm này chẳng được coi là một tội lỗi. Tuy nhiên, tội giết trẻ con thường ở trong dân số đông lúc nhúc của TQ chứ chắc chắn không được biết ở VN, và khi nó xảy ra thì được xét xử như tội phạm bình thường.

Một khi mối nối hôn nhân được cột, đó là kết thúc sự tự do của nữ giới. Trong luật của VN, tội ngoại tình bị trừng trị bằng tử hình đối với cả 2 bên vi phạm, tuy nhiên thường được chuyển thành các hình phạt trừng trị thể xác nặng hơn. Luật lệ này chứng tỏ đó không chỉ là vi phạm về đạo đức mà còn là xâm phạm quyền sở hữu - đó mới là mục đích chính của hình phạt. Phụ nữ VN không bị miễn trừ như các nước Tây Á, nhưng họ cũng không được tôn trọng hơn. Trái lại, họ bị đối xử nghiêm khắc hoặc bỏ bê như thể họ không đáng được nhìn tới. Đàn ông VN theo luật có thể trừng phạt người vợ bằng những hình phạt thể xác nặng nề, ngoại trừ giết họ, mà không bị gọi bằng bất cứ cái tên gì. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến vài trường hợp của sự trừng phạt này. Khi thuyền chúng tôi đậu tại một làng ở Candyu, một trong những người của tôi đã thấy một ca chắc chắn của tính cách này, ở một người phụ nữ không quá 24 hay 25 tuổi. Cô ta bị ném nằm úp sấp theo tục thường, một người đàn ông và đàn bà giữ cô, khi một nam giới vũ phu được tin là chồng cô, đánh cô ít nhất 50 roi mây. Cuộc trừng trị diễn ra ở trên đường công cộng, và thu hút rất ít sự chú ý của người qua lại.

Tiền lương cho một ngày lao động ở Huế được coi như một ngày ăn phủ phê thức ăn hay 2 ngày không có nó. Giá trung bình của gạo là 2 quan, hay 1 dollar Tây Ba Nha và 10 cent cho 1 tạ; một ngày công lao động kiếm được 3 tạ mỗi tháng; và nếu anh ta chỉ tiêu thụ 1,5 lạng mỗi ngày, tiền lương của anh ta sẽ gấp 9 lần số gạo anh ta tiêu thụ. Giá trị thật sự của thức ăn của anh ta, với tất cả các loại, tuy nhiên, được tính chừng 1,5 dollar mỗi tháng, vì thế tổng cộng số tiền hay 1,5 tạ gạo cũng ngang bằng như thế để anh ta ăn ở và chu cấp cho gia đình nếu họ không thể làm việc. Số gạo trả lương cho 1 ngày công ích ở thành Calcutta mua được không quá một nửa số này, nhưng anh ta có thể tự do chọn lao động bao nhiêu ngày trong năm mà anh ta nghĩ là phù hợp. Số tiền lương cao này hiển nhiên được xui khiến bằng chế độ nhập ngũ, mà quân lính góp 1/3 trong số nhân công lao động của đất nước trong những lao dịch không được trả công, làm suy yếu thói quen cần cù lao động của tất cả. Thể chế này, nếu không có số lớn đất đai màu mỡ, và công việc trồng cấy cực nhọc không bị ném lên vai phụ nữ, có thể sẽ sản xuất ra một lượng lớn lương thực, không những làm chậm lại sự gia tăng dân số mà còn khiến nó suy giảm. Phụ nữ VN chia sẻ phần lớn những công việc lao động mà như ở các nước khác chỉ thuộc về nam giới. Họ cày, họ bừa, họ gặt, họ khuân những gánh hàng nặng, họ làm người giữ cửa hàng, người môi giới buôn bán, và người đổi tiền. Trong hầu hết các hoàn cảnh này, họ không chỉ thành thạo và thông minh hơn nam giới, mà còn ngoại hạng hơn những gì tôi đã nghe được ở những nước khác, sự lao động của họ nói chung có giá trị tương đương nam giới. Vì thế, sự thật là chẳng có gì khác biệt giữa lao động nam và nữ như trong các phần khác của thế giới. Sự ăn không ngồi rồi hoang phí của công dịch làm sụt giảm giá trị nam giới, mà thói quen của nền kinh tế đã đưa phụ nữ đến một sự bình đẳng không tự nhiên. Cảnh tượng ở VN thường thấy là lao động nữ hỗ trợ cho lao động nam, những người bị buộc phải phục vụ nhà vua mà không có thời gian rảnh rỗi cho vấn đề của mình, và có thể có rất ít năng lực. Trong những hoàn cảnh đó, khó mà cho rằng người chồng VN được yêu thương hay tôn trọng gì lắm. Vì thế, phụ nữ VN được cho là ưa thích người ngoại quốc hơn, đặc biệt là người TQ, những người mà kinh tế không bị trói buộc bởi chế độ tòng quân hay khổ sai này, không đặt gánh lao động nặng nào lên họ mà ngược lại còn cho họ một sự nhàn nhã tương đối, thậm chí còn đối xử với họ tôn trọng và tử tế hơn những người đàn ông cùng quê hương của họ.

Không có đất nước nào ở châu Á mà tai họa của nội chiến - với những nạn đói, bệnh dịch, và tang tóc đi cùng nó - gây ra sự hủy hoại khủng khiếp hơn ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ, những thành phần lãnh thổ của đế chế VN hiện tại. Cuộc nội chiến vừa rồi kéo dài 28 năm, được tiến hành với sự tàn bạo kinh khủng của cả 2 bên. Nền nông nghiệp của đất nước bị đình chỉ, sự liên hệ giữa các phần đất bị cắt đứt, nên phần lãnh thổ ít màu mỡ nhất mà phần lớn thời gian đều phụ thuộc vào lương thực ở các phần khác, đã chết đói theo nghĩa đen. Ông Chapman, chứng nhân của sự việc này, đã vẽ một bức tranh đáng sợ về hoàn cảnh của mảnh đất vừa trải qua thời kỳ đầu của cuộc xung đột. Đất nước này nay được nói là đã trải qua nền hòa bình kéo dài từ 1802, và có thể ước đoán rằng dân số đã tăng lên đáng kể. Khí hậu thì lành nói chung, ngay cả với những người ngoại quốc. Trong thời gian hòa bình, đất nước không có nạn đói hay dịch bệnh hủy diệt. Dưới sự bất lợi của nền cai trị tệ, giá trị hiệu quả của lao động vẫn tương đối cao và màu mỡ, và những vùng đất hoang vẫn được trồng cấy. Giá gạo không dao động đáng kể trong những mùa thường. Ở Sài Gòn, thường gạo mà tầng lớp dưới tiêu thụ hiếm khi rớt giá xuống 1,5 quan 1 tạ hay lên trên 2 quan. Ở Huế, có thể là 2 hay 3 quan 1 tạ. Về chủ đề này, một thói quen nguy hiểm của chính quyền là lập kho tích trữ với số lượng nhiều kinh khủng thóc gạo để đề phòng khan hiếm, nhưng thực sự là phương pháp cứu chữa các cuộc nổi loạn không thể dập tắt. Những kho chứa thóc gạo lớn của chính quyền được nhìn thấy tại mọi phần trên đất nước, mà từ đó, dưới danh nghĩa sự chăm lo của cha mẹ, đem đến cho con người khi cái đói và quản lý tồi khiến họ nhen nhóm nổi loạn. Quá trình này được tính toán khéo để giữ vững ngai vị của hoàng đế, lại hiệu quả phá hủy nền giao dịch gạo thóc, không nghi ngờ gì là một lý do lớn gây nên sự khan hiếm cho cái họ gọi là phương pháp cứu chữa. Lệnh cấm xuất khẩu gạo ra nước ngoài, và sự khó khăn thực sự khi xuất khẩu gạo ngoại trừ đi buôn lậu hay qua sự thiên vị, cũng đem tới kết quả tương tự.

Ở Nam Kỳ hay lãnh địa Trung Kỳ, chúng tôi chắc chắn không thấy một kẻ ăn mày nào trong quá trình cư ngụ ngắn của mình. Tuy nhiên, tôi được bảo bởi một người TQ đã đi đến Bắc Kỳ rằng, hoàn cảnh khác xa trong vùng đất đó, nơi mà nghề ăn xin rất thịnh hành, khi dân cư ít nhất là trong vùng lân cận với Đông Kinh, dồn ép vào nhau để sinh nhai trong phong cách rất khác với phần còn lại của đất nước mà chúng tôi đã đi qua. Tính đàn áp của chính quyền tuy nhiên lại sản sinh ra loại người vô lại khác, nguy hại hơn cho cộng đồng - một nhóm kẻ cắp công cộng. Bọn chúng thường ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Một quý ông Pháp đã nhắc đến, như một chứng cứ cho sự quản lý hà khắc của Tả quân, Tổng trấn hiện tại của Nam Kỳ, rằng những vụ xét xử ở thủ phủ một thời gian trước khi ông đến trấn nhậm có số lượng là khoảng 300 vụ một năm, và ông ấy đã giảm xuống chỉ còn 3 hoặc 4. Sự thay đổi này không được tạo thành bởi bất kỳ sự tiến bộ nào trong quản lý hay bằng sự bồi thường cho những cay đắng đã có, mà bởi những ví dụ của các cuộc hành hình kinh khiếp và thường xuyên.



Ghi chú:

Ghi chép của Chapman vào năm 1778: "Khi chúng tôi tới bờ biển, chúng tôi đưa người phiên dịch lên bờ, giữ những người khác ở lại trên thuyền. Sau một lúc, họ trở lại, dẫn theo 2 hay 3 vật thể trông đau đớn khổ sở nhất mà tôi từng thấy, tại thời điểm diệt vong của nạn đói và dịch bệnh. Người phiên dịch bảo chúng tôi có thể cập bến an toàn, và chúng tôi làm theo. Những người cùng khổ nghèo nàn ấy bảo chúng tôi rằng họ ở trong ngôi làng gần đó, chỉ còn lại chừng 50 người cũng trong tình cảnh tương tự như họ. Rằng một chiếc tàu của Nguyễn Nhạc trên đường tới Đồng Nai hiện tại đã bị phong tỏa, 2 tháng trước đã đến chỗ họ, cướp đi tất cả những gì còn lại để sống của họ trong nạn đói kinh hoàng mà có thể trong năm vừa rồi đã lấy đi một nửa cư dân của Nam Hà. Và rằng họ chẳng còn gì để ăn bây giờ ngoại trừ rễ củ được sóng đánh dạt lên bờ - khiến họ ăn vào nổi mẩn ngứa đỏ khắp người, có hình dạng như khoai tây nhưng dài hơn.

Giờ đây, tôi đã không còn lúng túng chỉ ra được nguyên do của sự lạnh nhạt mà những người khốn khổ tôi đã thấy ở Tringano tỏ ra đối với sự bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ của tôi cho họ. Họ không có đủ lòng yêu nước để chọn lựa giải phóng với số thức ăn ít ỏi trong vùng đất của họ, hơn so với làm nô lệ cho ngoại quốc với một bụng no. Chẳng có nô lệ nào ở Nam Hà. Khi đi tới cửa của 2 hay 3 con sông chảy về phía Tây Bắc, hỏi tên chúng, họ bảo rằng một dòng sông chảy tới Đồng Nai. Thêm vài người như thế này tập trung xung quanh tôi hiện tại. Căng thẳng bởi cảnh tượng đau buồn mà tôi không có quyền lực để cứu họ, tôi hấp tấp lên thuyền, đem theo một ông già có vẻ là người thông thái nhất để giới thiệu cho tôi những vị quan ông ta biết, và để quyết định điều gì sẽ được làm tiếp theo."

- Luật pháp thời Nguyễn thừa nhận quyền tự do kết hôn và li hôn với sự đồng thuận của cả 2 bên. Nếu bị ép buộc kết hôn, cô gái có thể kiện. Nhưng tất nhiên, "phép vua thua lệ làng" khi ở một số nơi, quyền lực dòng tộc và gia đình đối với cá nhân quá lớn.




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.