Solitude

Cảnh như thị, nhân như thị

Journal from India to Cochinchina III – 02
Trường An in "Journal Cochinchina" April 21st, 2014

Nền ngoại thương của đế chế VN kém hơn rất nhiều so với Xiêm. Những địa phương có hoạt động này là Hà Tiên, Sài Gòn ở Nam Kỳ; Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Hội An và Huế ở Trung Kỳ; và Kẻ Chợ ở Bắc Kỳ. Giao thông trong nước được chuyên chở bởi những dòng sông lớn ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ, hoặc vùng biển gần. Bằng đường giao thông sau cùng, thủ đô được tiếp ứng những gì cần thiết - gạo, muối, dầu, sắt... Tôi được kể rằng không dưới 2000 chiếc thuyền tham gia con đường này giữa Sài Gòn và Huế, bao gồm những chiếc thuyền có phận sự của nhà nước. Chúng thường có trọng tải từ 30 tới 45 tấn, và dựa vào cấu trúc cùng sự điều khiển tốt của nó, có thể tận dụng địa hình và gió biển để du hành theo những đợt gió mùa, dù cho sự khắc nghiệt của chúng ở biển. Buôn bán giữa thủ đô và Bắc Kỳ chủ yếu diễn ra dọc bờ biển, và một phần bằng đường giao thông trong nội địa. Với lối đi sau, hàng hóa được chuyển trong 180 dặm đường bằng kênh rạch tự nhiên hay các đầm phá chạy theo gần đường biển. Buôn bán đường biển được thực hiện bởi các thuyền bản địa từ 50 đến 75 tấn, có thể thực hiện 3 chuyến đi 1 năm. Có chừng 60 chiếc, và cả hai đường buôn bán này hầu như nằm riêng trong tay những người Hoa lưu trú.

Ngoại thương của VN được xúc tiến với Trung Quốc, Xiêm, và những cảng Anh quốc tại eo biển Malacca. Sự giao thiệp trong nước của họ chủ yếu giữa Bắc Kỳ và 3 tỉnh láng giềng của Trung Quốc là Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông. Trong nhánh này, sản phẩm thô của Bắc Kỳ được trao đổi với những sản phẩm gia công của Trung Quốc, ngay cả thuốc phiện Bengal và vải len của Anh. Tất cả các cảng của Trung Kỳ đều buôn bán nhiều hoặc ít với Trung Quốc; nhưng địa phương chính của sự giao thương này nằm ở Sài Gòn và Kẻ Chợ. Những cảng Trung Quốc mở cho giao thương này là 5 cảng của Quảng Đông: Canton, Chu-chao, Nom-hong, Waichao, và Su-heng, cùng với vô số cảng của hòn đảo độc lập Hải Nam, cửa biển của Amoy, hay Emui của Phúc Kiến, Ning-to của Chekiang, Saocheu của Kiangnan. Số lượng giao thương giữa Trung Quốc và Sài Gòn mỗi năm thường như sau: 15 tới 25 tàu của Hải Nam, tải trọng mỗi tàu từ 2000 đến 2500 tạ; 2 tàu của Quảng Đông, một chừng 5 tạ và chiếc kia 8000; 1 chiếc của Amoy (Đài Loan), 7000; và 6 tàu của Saocheu (Tô Châu) 6000 7000 mỗi chiếc. Tổng số thuyền có thể ước lượng chừng 30, và tổng trọng tải của chúng chừng 6500 tấn. Hàng hóa giá trị nhất được nhập khẩu từ Amoy, chủ yếu là lụa hoa văn và trà; và từ Hải Nam là ít giá trị nhất. Tàu Quảng Châu, trước khi nền giao thương trực tiếp giữa vùng quản lý của Anh và VN được đặt ra, đã từng nhập khẩu thuốc phiện cho toàn đất nước này, và cả vải dạ cùng vải len Anh quốc may áo cho quân đội của nhà vua, và họ vẫn còn đang tiếp tục đem tới cả hai thứ. Hàng xuất khẩu của chúng cũng tương tự như ở Xiêm, và chủ yếu là bạch đậu khấu, quả cau, đường, gỗ quý, trầm, gỗ mun, vải, gạo, dầu cánh kiến, ngà voi, da lông, da sống, và sừng, gân hươu, lông vũ trang trí, đặc biệt là của chim bói cá...

Người Trung Quốc buôn bán với Hội An bằng cùng cảng ấy, và có thể ước lượng hàng năm như sau: với Hải Nam, 3 tàu, mỗi tàu 2500 tạ; với Quảng Châu, 6 tàu, trung bình 3000 tạ mỗi tàu; với Amoy, 4 tàu, trung bình 3000; với Saocheu, 3 tàu, trung bình 2500. Có chừng 16 tàu, tải trọng gần 3000 tấn. Sự nhỏ bé của các tàu là bởi vì dòng sông đã bị bồi lấp trở thành gần như một con rạch ở Hội An, nơi mà họ buộc phải vào trú ẩn.

Thương mại ở Huế cũng ở tại cảng ấy, và số lượng chừng 12 tàu, 2500 tới 4000 tạ mỗi chiếc, tới gần 2500 tấn. Không tàu nào quá 3000 tạ có thể chạy an toàn trên dòng sông này, và những tàu lớn này chở hàng hóa của họ tới vịnh Đà Nẵng. Xuất khẩu của Huế và Hội An cũng như thế, và chủ yếu là đường, vải, quế.

Buôn bán đường biển giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ có số tàu như sau: 18 từ Hải Nam, mỗi chiếc 2000 tạ; 6 từ Quảng Châu, 2000 tới 2500; 7 từ Amoy, như số trước; 7 từ Saocheu, mỗi chiếc 2500. Tổng cộng có 38 tàu và 5000 tấn hàng. Theo thương nhân người Hoa nói, một tàu không quá 3000 tạ hay khoảng 180 tấn, là tàu lớn nhất có thể đi vào dòng sông ở Bắc Kỳ an toàn. Hàng xuất khẩu chủ yếu gồm quả cau, bạch đậu khấu, vải, cá muối, muối, gạo, vecni, dầu cánh kiến, và một số dược liệu phơi khô và những thỏi vàng, bạc.

Người Trung Hoa buôn bán với những cảng phụ của VN, tính tất cả, khoảng 20 tàu với mỗi tàu không quá 2000 tạ, tổng cộng 2300 tấn. Hàng xuất khẩu thường là gạo và quế. Xuất khẩu gạo bị cấm, không cho phép bất cứ đăng ký nào, rất nhiều tàu đã không vào trong cảng của VN mà nằm men theo bờ biển, buôn lậu hàng hóa của họ trên boong.

Theo những thông tin hiện nay, những tàu có nhiệm vụ buôn bán với Trung Quốc vào khoảng 160, tải trọng tất cả chừng 20.000 tấn, tuy nhiên chỉ bằng 1 nửa so với người Trung Quốc buôn bán ở Xiêm.

Giữa Xiêm và VN tồn tại cả quan hệ thương mại và chính trị. Những sứ đoàn trao đổi chúc tụng giữa hai triều đình đi lại hầu như mỗi năm, và trong khoảng thời gian dài cho đến nay vẫn không ngắt đoạn. Tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn ganh ghét đáng kể, khởi sinh chủ yếu từ những phần lãnh thổ của Kampoja. Buôn bán với Xiêm thì tôi đã mô tả trong phần nói về quốc gia ấy, được xúc tiến chủ yếu bởi những chiếc tàu của cảng Bangkok.

Buôn bán với những cảng nằm ở eo biển Malacca chủ yếu được hình thành sau khi nơi cư trú ở Singapore được thành lập. Trung bình trong những năm gần đây, có khoảng 26 tàu, trung bình 2500 tạ mỗi chiếc, tổng cộng khoảng hơn 4000 tấn. Hàng nhập khẩu của đường giao thương này là gạo, đường, muối, lụa thô, và các hàng hóa phụ khác. Và xuất khẩu là thuốc phiện, gambier hay còn gọi là catechu cho người Kampoja; sắt, chỉ đưa tới Sài Gòn; súng, và vải len Anh quốc, hàng hóa bằng vải trắng. Nhánh này, cũng như tất cả nền ngoại thương của VN, được điều hành bởi người Trung Hoa, kiêm nhiệm cả thương nhân, thủy thủ, và hoa tiêu. Người VN bản địa sợ hãi phải mạo hiểm ngoài vùng biển của mình, nơi mà tất nhiên là luật nội địa của họ tỏ ra không thực tế. Tôi không biết có ngoại lệ nào về điều này, nhưng năm vừa rồi, du hành tới eo biển Malacca được chỉ đạo bởi nhà vua hiện tại, trên danh nghĩa của chính ông ấy, là những chiếc tàu mà ngoại trừ những thủy thủ người Trung Quốc, tất cả đều được điều khiển bởi dân bản địa VN.

Giao lưu thương mại trực tiếp giữa các nước châu Âu và đế chế VN cực kỳ không đáng kể. Người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp và Anh đã từng có giao lưu buôn bán với Bắc Kỳ vào khoảng cuối thế kỷ 17, và ngừng hầu như hoàn toàn vào giữa thế kỷ 18, chủ yếu vì tình trạng bất ổn của mảnh đất này, nhưng mặt khác là vì chính hành động vô ý của các thương nhân. Người Anh và Hà Lan có thương quán ở thủ đô Kẻ Chợ, và tàu của họ được tới phố thị Domea cách biển 20 dặm, là nơi mà dòng sông lấp có thể cho họ đi qua. Thương nhân châu Âu, thời gian ấy, nhập khẩu kali nitrat, lưu huỳnh, vải dạ, vải trúc bâu (có thể được làm ở Ấn), chì, pháo, tiêu và các loại gia vị. Họ xuất khẩu tơ sống, vải sa, vải sợi, và những loại vải hoa khác, vải bông, những sản phẩm làm từ ngọc trai và sơn trạm trổ, chiếu tốt, gỗ mun, ngà, mai rùa, quế, bông, vecni, đồng và kẽm - loại hàng cuối cùng này được Hà Lan đưa tới Nhật Bản số lượng lớn. Với Nam Hà thì có vẻ như các quốc gia châu Âu chưa từng có giao thương gì đáng kể.

Cố gắng đầu tiên của chúng ta nối lại giao thương với những vùng đất tạo thành đế chế VN hiện tại này là vào năm 1778, ông Hastings ủy nhiệm cho ông Chapman. Quý ông này, như đã nói, thấy đất nước này ở trong tình trạng cực kỳ không hứa hẹn dưới quan điểm của nhà cầm quyền Ấn Độ, do nó đang ở trong cuộc nội chiến kéo dài cho tới 24 năm sau. Một cố gắng thiết lập giao lưu khác với VN vào năm 1804, bởi chính quyền của Marcus xứ Wellesley, mục tiêu chính là để cắt rời nhóm người Pháp đang ở trong triều đình đó, được tưởng là đã gây ảnh hưởng mức độ nào đó đến vị vua đang cầm quyền - mà chẳng bao giờ là sự thật. Sự thật, nhà vua này có quá nhiều sự thận trọng và nhìn xa trông rộng để không hi sinh sự an toàn của đất nước mình cho tranh chấp của những quốc gia châu Âu. Chuyến công tác này rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, và những mục tiêu chủ yếu mà nó nhắm tới cũng không thể đạt được - yêu cầu trục xuất người Pháp - gây áp lực khủng bố - nơi cư trú vĩnh viễn dành cho sứ viên Anh trong triều - tất cả đều bị chết yểu.

Ngay sau khi ổn định với các nước châu Âu, năm 1815, Pháp đã có ý định nối lại quan hệ với VN; và vài chiếc thương thuyền của họ đã tới đất nước này, nhưng không được thành công lắm. Và cũng chẳng phải không chắc là giao thương này sẽ sớm kết thúc, vì sự bất lực của Pháp trong việc duy trì nền giao thương ở quá xa, không được hỗ trợ bởi những vùng thuộc địa lân cận. Năm 1817, triều đình Pháp thử cố gắng, gửi một phái đoàn đến yêu cầu nhà vua thực hiện những điều khoản trong Hiệp ước 1787, và sự thất bại đã được nói ở phần khác.

Vị trí địa lý trung tâm và thuận lợi của VN, và rất nhiều cảng tốt tỏ ra chúng có thể sử dụng thuận lợi và an toàn, có thể chỉ ra rằng nó sẽ giúp người châu Âu mở rộng buôn bán với đất nước kém cởi mở nhưng quan trọng hơn rất nhiều là Trung Quốc. Đây là một mục tiêu hiệu quả đáng để xem xét. Nền tảng cho công cuộc giao lưu này đã có từ những chiếc thuyền Trung Hoa buôn bán ở VN, và giao thương vừa được thiết lập giữa VN và những lãnh địa Anh quốc tại eo biển Malacca. Dùng con đường này, có thể mở ra lối vào hai địa phương giàu có nhất của TQ là Chekiang và Kiangnan mà hiện tại không quốc gia châu Âu nào vào được, ngay cả khi dùng tàu bản địa. Chúng ta chỉ có thể liên hệ với chúng gián tiếp qua cảng tại Quảng Châu, nơi mà sự cản trở đặt lên cuộc bán buôn của chúng ta đã rất rõ. Những hàng hóa của VN sau đây được thương nhân người TQ chỉ ra cho tôi, cùng với người mà tôi đã trò chuyện tại VN, không chỉ phù hợp cho nhu cầu tiêu thụ của đất nước ấy, mà còn cho cả thị trường: vải bông thô, gỗ táu, tiêu, sắt, chì, vải dạ, vải trúc bâu trắng, thuốc phiện, kali nitrat, súng tay, cạnh đó là những chủng loại hàng Mã Lai, ví dụ như long não, tảo biển, tổ yến... Đổi lại có thể ta sẽ được tự do buôn bán vải thô của Chekiang, trà xanh và vải trúc bâu Nam Kinh của Kaingnan; đây là hai địa phương sản xuất số lượng lớn chủng loại hàng ta cần, cùng với trà đen của Phúc Kiến và phía Nam Quảng Châu; tơ sống của Bắc Kỳ và Trung Kỳ, và bạc thỏi, đường, có thể là quế. Sự tự do buôn bán vải lụa đã được thiết lập trong những năm gần đây ở thị trường Anh quốc sẽ khuyến khích mạnh mẽ tiến trình xâm nhập này, nhưng bỏ những ngăn cấm trong buôn bán trà còn đem lại những mở mang quan trọng hơn. Ngay cả trong nhánh buôn trà này, tôi đã thấy một số lượng lớn đáng kể trà khô, được tiêu thụ bởi tầng lớp dưới ở Anh, được nhập khẩu ở Singapore từ những chiếc thuyền đến từ Sài Gòn, và bán với giá thấp chừng 3 đồng tới 6 đồng mỗi pound.



Ghi chú:

Crawfurd viết bài này dưới quan điểm của thực dân. (Cách "đặt quan hệ" của các bạn châu Âu "tốt" quá cơ =0=)

Crawfurd cũng đã gián tiếp xác nhận những điểm được ghi trong Đại Nam thực lục: Sài Gòn lúc ấy chính là "cửa khẩu" nhập thuốc phiện vào toàn quốc, những tàu bè ngoài khơi buôn lậu gạo và tuồn vàng bạc khỏi đất nước đến mức độ không kiểm soát được.

Dưới thời Minh Mạng, người VN lần đầu tiên tự mình thực hiện ngoại thương dưới danh nghĩa các phái đoàn của nhà vua phái đi nước ngoài.

---

Ghi chép bổ sung của M.Chaigneau:

"Buôn bán hoàn toàn nằm trong tay người Hoa. Không gì sánh được với sự năng động của những con người đầy máu thương mại này. Chỉ rất gần đây, người VN mới tham gia vào hoạt động kinh tế này...

Cần phải ước lượng giá trị và số lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu, nhưng nền thương nghiệp được hoàn toàn tự do, và gần như nằm cả trong tay người nước ngoài; và những chiếc tàu hầu như chẳng có phận sự gì ngoài mục đích này được cân tính độ lớn ở nơi neo đậu, dữ liệu được đưa ra để tính toán số tiền thuế phải trả. Mỗi năm, vào trong các cảng của VN có chừng 300 tàu TQ lớn nhỏ, tải trọng từ 100 đến 600 tấn."




Leave a Reply

(required)

(required)

:) :blush: :D :( :(( ;)) :banh: ;) ::) =)) :)) b-) :meo1: :meo2: :meo3: :meo4: :meo5: :meo6: :meo7: :meo8: :meo9: :meo10: :meo11: more »

Bộ gõ tiếng Việt đã được bật. Bạn có thể gõ tiếng Việt không cần phần mềm trong máy.
RSS feed for comments on this post.


Copyright © Trường An. All rights reserved.